Tình sử Angélique
Chương 72
Hắn nặng nề quay về phía nàng, nhưng nàng không sợ hắn nữa. Nàng còn cảm thấy một thoáng thích thú khi tay hắn vỗ về nàng, không nhẹ nhàng lắm, nhưng mạnh bạo và thành thạo. Những cái vuốt ve đó, giống một sự chà xát thô nhám hơn là một làn gió nhẹ lướt qua, đã mang lại cho nàng một cảm giác nhẹ nhõm thật sự. Hắn hôn nàng theo kiểu cách thôn dã, những cái hôn to, kêu chùn chụt, phàm tục, làm Angiêlic ngạc nhiên, suýt buồn cười.
Rồi hắn bế nàng trong vòng tay lông lá của hắn và bình tĩnh đặt nàng nằm ngang trên giường. Nàng hiểu rằng hắn quyết tâm tận dụng vận may của mình, và nàng nhắm mắt lại. Nàng đã nhất định dù thế nào cũng sẽ không nhớ lại những gì diễn ra sau đó nữa.
Tên yêu tinh không phải kẻ độc ác. Hắn hành động gần như một gã đàn ông không chú ý gì đến sức nặng và tầm vóc to béo của mình, mặc dầu với khối to nặng đè nàng suýt bẹp dí người xuống giường. Sau đó, nàng cảm thấy người nhẹ bỗng.
Viên đại úy vừa mặc quần áo vừa ầm ừ một khúc quân hành.
Người thợ cạo nhà giam Satơlê bước vào phòng, với một chiếc đĩa và bộ dao cạo. Angiêlic đã trang điểm xong khi cái “người tình một đêm” cồng kềnh, phục phịch ấy ngồi vào cho bác thợ cạo quàng một chiếc khăn mặt vòng quanh cổ và cạo mặt. Viên đại úy tỏ vẻ rất hài lòng. Angiêlic không biết nói cách nào để rút lui. Hắn bỗng quẳng một túi tiền lên bàn:
- Cho cô đấy.
- Tôi đã được trả công rồi.
Khi Angiêlic ra khỏi ngục Satơlê, nàng không còn can đảm quay thẳng về phố Thung lũng nghèo, tuy phố đó ở gần khu nhà giam ghê gớm kia. Nàng đi về phía sông Xen, đến bến “Những kẻ mỏi mắt chờ”. Các bà vợ lái thuyền đã dựng ở đây những “phòng tắm” cho phụ nữ trong những ngày hè. Đó là những cột gỗ cắm xuống chống đỡ một tấm bạt làm mái che. Phụ nữ thường xuống tắm, mặc đồ lót và mũ trùm đầu.
Khi Angiêlic đưa trả tiền, vợ bác lái kêu lên:
- Cô điên sao, mà xuống hụp vào giờ này? Trời lạnh đấy, cô thấy không?
- Không sao.
Nước lạnh thật, nhưng một lúc sau, Angiêlic đã cảm thấy rất dễ chịu. Vì là người khách tắm duy nhất nên nàng bơi một chút quanh các chân cột. Khi đã lau khô người và mặc áo vào, nàng còn đi bộ một lúc trên bờ sông sưởi ấm dưới ánh nắng mặt trời mùa thu.
Nàng nói thầm một mình:
“Thế là xong. Mình không muốn phải nghèo khổ nữa, không muốn làm chuyện ghê rợn như giết tên Vua hành khất, hoặc làm những chuyện khác như ngủ với một đại úy tuần tra. Đấy không phải là lối sống của . Mình ưa những đồ lót thanh tao, những bộ trang phục đẹp đẽ. Mình muốn các con mình sẽ không bao giờ phải biết đến đói và rét nữa. Chúng phải được ăn mặc đẹp và được tôn trọng. Mình muốn chúng nó lại có tên họ. Bản thân mình cũng phải có một cái tên... Mình muốn lại trở thành một phu nhân quyền quý...”
Đúng lúc Angiêlic đang lẻn vào sân quán trọ Gà quay vàng, lão Buốcgutx thình lình xuất hiện, tay cầm cái muôi lao vào nàng. Angiêlic đã lường trước, nấp kịp vào sau cái giếng nhỏ.
- Cút ngay con đĩ, đồ ăn mày! - Ông chủ quán quát oang oang. - Tôi đã làm gì để phải chứa những đứa bỏ trốn khỏi cái nhà thương làm phúc ấy. Cô còn định làm cái gì nữa hả? Xéo về Satơlê ngay, về chỗ của cô, bằng không tôi sẽ cho người lôi cô về đấy. Không hiểu làm sao tối qua tôi lại không gọi bọn lính tuần đến cho cô một trận... Tôi đã quá rộng lượng. Ôi, bà vợ thiêng liêng của tôi sẽ nghĩ gì nếu bà ấy thấy cái quán bị nhơ nhuốc như thế này.
Vừa tránh cú đòn muôi từ tay lão chủ quán, Angiêlic vừa la còn to hơn cả lão:
- Thế còn bà vợ thiêng liêng của ông thì nghĩ gì về ông chồng nhơ nhuốc... mới bảnh mắt ra đã nốc rượu!
Lão chủ quán sững sờ dừng lại.
Angiêlic được thể dấn tới:
- Bà ấy nghĩ gì khi thấy quán của bà ấy bám đầy bụi. Bà ấy nghĩ gì về đàn gà con sáu ngày tuổi bị bỏ đói xơ xác, về hầm rượu rỗng tuếch, về những bộ bàn ghế bẩn thỉu không được lau chùi?
- Nhưng tại sao...? Trời đất quý thần ơi! - Lão chủ quán thốt lên.
Angiêlic càng được thể:
- Bà ấy nghĩ gì về đức ông chồng hay lèm bèm quát tháo. Ôi bà Buốcgutx khốn khổ, trên thiên đàng chắc bà chẳng biết trốn vào đâu để giấu nỗi hổ thẹn của bà trước các đấng anh linh.
Lão Buốcgutx càng lúng túng. Sau cùng lão nặng nề quỳ xuống bên thành giếng.
- Trời ơi! - Lão rên rỉ - Tại sao bà ấy lại chết, vợ tôi bà nội trợ tuyệt vời của tôi bao giờ cũng xăng xái và cứng rắn. Cái gì, cái gì đã kéo tôi lại không cho tôi quên đi tất cả ở đáy cái giếng này?
- Tôi nói cho ông biết đấy là cái gì, đấy là cái ám ảnh, bà ấy gọi ông dậy và nói: “A! Thì ra ông, ông Buốcgutx... ông Giắc, nếu ông thích gọi thế, tôi rất xấu hổ về ông. Trước đây tôi vẫn nói với ông rằng mình ông chẳng làm ăn được gì, không bằng đứa con nít... và chính ông đã thú nhận với tôi như thế. Ông đã làm gì với cái cửa hàng đẹp đẽ của tôi mà suốt đời tôi luôn giữ cho bóng lộn, lúc nào cũng như mới tinh. Ông đã làm gì để cái biển đề tên quán trước đây đẹp đẽ bao nhiêu nay hoen gỉ nhem nhuốc và kêu rầmm trong những đêm giông bão làm hàng xóm mất ngủ... và gì nữa? Những đồ dùng của tôi: đĩa đầy bánh, chảo rán cá, tất cả đều bị sứt sát do thằng cháu ngu xuẩn của ông lấy tro bếp mà đánh, lẽ ra phải dùng bột mịn đặc biệt mà đánh chứ! Gì nữa? Ông lại còn để lũ buôn ngựa, buôn rượu chúng nó lừa ông. Chúng đổi cho ông những con gà xơ xác để lấy những con gà trống thiến béo nung núc. Ông lại còn đổi cho chúng những thùng rượu ngon để lấy những thùng nước giấm vớ vẩn. Ông cầu mong cho tôi được yên lòng trên thiên đàng như thế đấy ư? Bà vợ ngoan đạo và ngay thẳng của ông...”
Angiêlic ngừng nói, nàng dường như nghẹt thở. Lão Buốcgutx như thể bị thôi miên:
- Đúng, đúng. - Lão lắp bắp. - Bà ấy sẽ nói đúng như thế... bà ấy rất.. bà ấy rất - Quai hàm của lão run lên bần bật.
- Rên rỉ chỉ vô ích - Angiêlic nói gay gắt. - Đấy không phải là cách để ông khỏi bị trận đòn quật bằng cán chổi đang đợi ông trên thiên đàng. Cách tốt nhất là làm việc, ông Buốcgutx ạ. - Angiêlic hạ thấp giọng - Bacbơ là cô gái tốt đấy nhưng nó vốn chậm chạp, ông phải hướng dẫn công việc cho nó. Còn thằng cháu ông, tôi thấy hiếm có đứa nào lại đần độn như nó. Hơn nữa khách hàng ai người ta muốn bước vào cái quán có tiếng mời chào gầm gừ của chó dữ canh nhà.
- Cô bảo ai gầm gừ hả? - Lão Buốcgutx quát, cố làm ra vẻ đe dọa.
- Ông chứ ai, chính ông.
- Cô bảo tôi?
- Đúng, vợ ông vốn tính rất vui vẻ, nhưng cũng sẽ không chịu nổi ông được dăm ba phút khi thấy ông lèm nhèm.
- Thế cô cho rằng bà ấy sẽ tha thứ cho những kẻ hỗn xược, đĩ điếm, bẩn thỉu như cô trong sân nhà bà ấy ư?
- Tôi không bẩn thỉu, - Angiêlic cự lại - Ông nhìn đây, quần áo tôi đâu có bẩn?
- Cô cho rằng bà ấy sẽ chịu để cho cái giống cắt túi đầu đường xó chợ của cô tự do pháách trong bếp nhà bà ấy hử? Chính tôi bắt được chúng nó đang phồng mồm trợn má ngấu nghiến món thịt nướng để trong chạn của tôi và tôi chắc rằng chính chúng nó đã ăn cắp đồng hồ của tôi.
- Đồng hồ của ông đây. - Angiêlic nói, giọng lộ vẻ khinh bỉ và thò tay vào túi lấy đồng hồ. - Tôi thấy nó nằm dưới chân cầu thang đêm qua, chắc ông đánh rơi trong lúc say khướt và khất khưởng lên gác đi ngủ.
Nàng chìa cái đồng hồ qua mặt giếng về phía lão chủ quán và nói thêm:
- Ông thấy đấy, tôi cũng chẳng phải kẻ ăn cắp, nếu phải thì tôi đã giấu đi rồi.
- Ấy khéo nó rơi xuống giếng. - Lão chủ quán nói hấp tấp.
- Tôi sẵn sàng trả lại cái đồng hồ cho ông, nhưng tôi sợ cái muôi của ông lắm.
Lão chủ quán vừa ném ra một câu chửi vừa quẳng vũ khí xuống đất. Angiêlic tiến lại gần lão hơn, vẻ tinh nghịch láu cá. Nàng có cảm tưởng rằng một đêm với ngài đại úy đã dạy cho nàng nghệ thuật chinh phục những kẻ keo kiệt, thô lỗ, nghệ thuật ứng phó với những kẻ vũ phu bạo ngược. Nghệ thuật đó đã cho nàng một phong cách đàng hoàng có lẽ sẽ có ích cho nàng trong tương lai.
Angiêlic không trả đồng hồ cho lão Buốcgutx ngay, mà ngắm nghía một cách lý thú:
- Đồng hồ đẹp quá!
Khuôn mặt lão chủ quán sáng lên.
- Phải đấy, tôi mua của một người bán rong ở Giuara, những người vùng cao ấy về nghỉ đông ở Pari. Họ có cả một kho báu thực sự trong túi, nhưng tôi nói cho cô biết không phải ai họ cũng cho xem đâu, ngay cả các hoàng tử cũng thế. Họ chỉ muốn biết đang mua bán với ai.
- Họ chỉ ưa mua bán với các thương gia thực sự hơn là với bọn ngu si dễ mắc lừa... Nhất là với thứ máy móc tinh vi này. Đ quả là một công trình nghệ thuật.
- Chính thế, một công trình nghệ thuật thực sự. - Lão chủ quán lặp lại khi cái vỏ đồng hồ bằng bạc của lão lấp lánh dưới ánh nắng mặt trời yếu ớt. Lão cho đồng hồ vào túi bấm chặt chuỗi xích vào khuy cài áo và ném lại cái nhìn ngờ vực về phía Angiêlic.
- Tôi thấy làm lạ là làm sao cái đồng hồ lại có thể rơi ra khỏi túi tôi như cô nói. Tôi cũng lấy làm lạ là hôm nay cô nói chuyện đối đáp như một bà quý phái mà mới đêm hôm kia thôi, cô còn liến láu tiếng lóng của lũ trộm cắp làm người ta sợ đến rợn người. Tôi có cảm tưởng là một con điếm giống hệt cô đang định lừa tôi.
Angiêlic vẫn thản nhiên, nàng nói với giọng pha chút trách móc nhẹ nhàng:
- Một người như ông thật khó nói chuyện, ông Buốcgutx ạ. Ông thật quá thấu hiểu đàn bà.
Lão chủ quán bắt chéo hai cánh tay ngắn ngủn ngang bụng, vẻ dữ tợn:
- Tôi rất hiểu, bọn đàn bà các cô đừng hòng che mắt tôi.
Lão yên lặng một lúc, mắt dán vào người đàn bà có tội đang ngẩng cao đầu:
- Được, sao nữa?
Angiêlic vốn cao hơn lão, nàng bất giác thấy lão thật nực cười. Lão tròn quay như thùng rượu, cái mũ trùm xệ xuống một bên tai với cái nhìn trừng trừng lạnh giá. Tuy vậy nàng vẫn nói một cách nhún nhường:
- Tôi sẽ làm theo tất cả những gì ông bảo, ông chủ ạ. Nếu ông đuổi ba mẹ con tôi thì tôi sẽ đi nhưng tôi chẳng biết đi đâu. Tôi cũng chẳng biết gửi hai cháu nhỏ của tôi ở đâu để che chở cho chúng trong những ngày đông tháng giá. Ông nghĩ rằng bà nhà ông sẽ đuổi tôi đi nếu như bà ấy còn sống ư? Tôi sẽ ở lại phòng Bacbơ và không làm phiền ông đâu. Tôi tự lo lấy củi đun và gạo nước, mấy thằng bé và đứa con gái ở cùng tôi sẽ giúp ông việc vặt như xách nước, lau nhà. Còn hai cháu bé nhà tôi vẫn ở trên gác xé
- Nhưng tại sao chúng lại phải ở gác xép. - Lão chủ quán gầm ghè. - Chuồng chim bồ câu không phải là chỗ cho trẻ con, phải cho chúng nó xuống bếp. Chúng nó được sưởi ấm, tha thẩn chơi ở đấy. Bọn ăn xin và đĩ điếm đều cùng một giuộc, bụng dạ còn hơn thú dữ. Đừng làm tôi bực lên, hãy cho bọn nhãi nhép ấy xuống bếp... Mà ở trên ấy là mái gỗ đấy, có mà gây hỏa hoạn thì chết tôi...
Với vẻ lanh lợi, Angiêlic trèo lên bẩy bậc thang dẫn đến gác xép của Bacbơ. Ở đầu cầu thang, nàng bắt gặp một bóng người có vẻ vụng trộm và nàng nhận ra ngay là thằng cháu lão chủ quán. Thằng bé phụ bếp đứng dán người vào tường nhìn nàng bực dọc. Angiêlic mỉm cười với cậu ta, quyết định làm thân với mọi người trong ngôi nhà này, nàng mong muốn tiếp tục cuộc sống đức hạnh của mình.
- Chào cậu, anh bạn nhỏ!
- Nhỏ ư? - Cậu ta giật mình, làu bàu. - Tôi nói để nhà chị biết rằng tôi có thể đứng mà ăn một cách dễ dàng đĩa bánh cao bằng đầu nhà chị đấy. Đến ngày lễ thánh Misen vừa rồi tôi 16 rồi đấy.
- Ôi, xin lỗi, xin chào anh. Tôi thật có lỗi. Xin anh rộng lòng thứ cho.
Rõ là gã trai không quen những cuộc nói chuyện như thế này, nhún vai rồi nói:
- Ừ, cứ cho là như thế đã.
- Anh tốt quá, tôi rất phục. Chả lẽ anh là một người có giáo dục lại đi nói chuyện với một phụ nữ đức độ như thế ư?
Gã đầu bếp khốn khổ mới vào nghề tỏ vẻ bối rối. Gã có đôi mắt khá đẹp trên khuôn mặt hơi mỏng trắng bệch. Vẻ tự tin của gã biến mất. Angiêlic định bước tiếp lên cầu thang nhưng lại thôi. Nàng quay lại:
- Qua giọng nói của anh, tôi chắc anh là người miền Nam đúng không?
- Vâng, thưa bà.. Tôi quê Tuludơ.
- Tuludơ! - Angiêlic reo lên - Ôi anh bạn đồng hương. Sau đó nàng lao đến ôm cổ gã trai và tặng gã một cái hôn.
- Tuludơ! - nàng vui vẻ nhắc lại.
Gã đầu bếp mặt đỏ như quả cà chua. Angiêlic nói thêm mấy câu giọng miền Nam làm cho David - gã đầu bếp càng thích thú.
- Bà cũng quê ở đó?
- Cũng gần như thế.
Angiêlic cảm thấy sung sướng pha lẫn sự buồn cười về cuộc giáp mặt này. Thật là một sự tương phản. Đã là một trong những mệnh phụ phu nhân của Tuludơ nay lại phải hạ mình ôm hôn một gã đầu bếp chỉ vì cái giọng miền Nam sặc mùi tỏi.
Trên gác xép, Angiêlic thấy Rôdin đang vừa gãi đầu vừa đứng nhìn Phlôrimông và Canto chơi với đôi mắt hiền lành. Bacbơ đang ở dưới nhà. Mấy thằng nhóc đã đi “dạo mát”, hiểu theo tiếng lóng của đám cặn bã thì chúng đã đi kiếm ăn.
- Tôi không muốn để chúng nó đi ăn xin. - Angiêlic nói rành mạch.
- Chị không muốn chúng nó ăn cắp, không muốn chúng nó ăn xin, thế thì chị muốn chúng nó làm gì?
- Tôi muốn chúng nó làm việc.
- Thì cũng là làm việc chứ sao? - Cô bé Rôdin cãi lại.
- Không, đấy không phải là việc, cô hiểu chứ. Thôi, đứng dậy giúp tôi một tay chuyển bọn trẻ xuống bếp. Cô sẽ trông chúng nó và giúp Bacbơ.
Angiêlic sung sướng để hai đứa trẻ ở căn bếp rộng rãi, ấm áp. Lửa cháy trong lò và củi cũng mới cho v
- Từ nay chúng chẳng bao giờ bị đói rét nữa. Angiêlic tự nhủ.- Mình chưa bao giờ kiếm cho chúng chỗ nào tốt hơn cái bếp này.
Bé Phlôrimông hình như rất khó chịu phải mặc cái áo chật cứng màu nâu xám bằng vải mutxơlin, phải đội cái mũ nhỏ màu vàng bằng vải xéc và yếm cũng bằng vải màu xanh lại còn chiếc mũ nồi chụp kín đầu cũng màu xanh. Màu sắc quần áo làm cho khuôn mặt nhỏ dại của nó vốn đã yếu ớt trông lại càng ốm yếu hơn. Angiêlic đặt tay lên trán nó và cầm tay thằng bé đưa lên môi xem nó có sốt không. Thằng bé vẫn khóc tuy nó hơi mệt. Còn thằng em Canto từ sáng đến giờ vẫn cố thoát ra khỏi mấy cái tã lót mà Rôdin quấn cho nó. Nó nhổm dậy trần truồng như thần ái tình, dướn người ra khỏi cái thúng, với tay như muốn túm lấy ngọn lửa đang cháy.
- Thằng bé đáng thương không được chăm bẵm gì cả. - Bacbơ nói vẻ lo lắng. - Nó đã được quấn chân quấn tay như người ta vẫn làm chưa? Chắc nó chẳng bao giờ tự giơ được thẳng tay mà không chừng lại còn bị gù lưng nữa.
- Hiện giờ nó vẫn khỏe mạnh so với một thằng bé chín tháng. - Angiêlic nói. Nàng vẫn thích thú đôi chân bụ bẫm của thằng con thứ hai.
Nhưng Bacbơ vẫn không yên tâm, cứ để thằng bé Canto vùng vẫy tự do làm cô lo lắng.
- Khi nào cháu rỗi cháu sẽ cắt mấy băng vải lanh để quấn chân quấn tay cho em. Nhưng sáng nay thì không được rồi. Hình như lão Buốcgutx đang lên cơn. Cô biết không, lão bắt cháu lau nhà, đánh bóng bàn ghế và lại còn ra phố Tămplơ mua bột mịn về đánh bóng bát đĩa. Cháu chẳng còn hiểu ra làm sao nữa.
- Cứ bảo Rôdin, nó sẽ giúp. - Angiêlic khẽ nói.
Sau khi đã ổn định gia đình, Angiêlic phấn khởi lên đường đi Cầu Mới. Khi gặp lại bà bán hoa không nhận ra nàng. Nàng gợi bà nhớ lại cái hôm nàng giúp bà tỉa và chọn bó hoa. Hôm đó nàng đã được bà khen là khéo tay.
- À, làm sao tôi nhận ra cô được.- Người đàn bà reo lên. - Hôm ấy cô đầu còn tóc, chân đi đất, hôm nay thì đầu lại trọc,đi giày nhưng bàn tay cô vẫn thế đúng không?... Vào đây với chúng tôi. Hôm nay chẳng thiếu việc gì, sắp đến ngày lễ các Thánh rồi. Người ta sẽ rất cần hoa cho nghĩa trang, cho nhà thờ, chưa nói đến những cuộc chia tay.
Angiêlic ngồi xuống, bắt tay vào việc một cách cần mẫn và khéo léo. Hôm đó Cầu Mới rất yên tĩnh, thậm chí Angiêlic cũng chẳng nghe thấy tiếng nói oang oang của lão Mathiơ-béo, vì lão đã chuyển cái bục di động và dàn nhạc tới hội chợ Xanh-Giécmanh. Cầu Mới đã lu mờ đi, có ít kẻ lang thang, bọn lừa đảo, ăn mày cũng vãn. Angiêlic thấy mừng.
Các bà bán hoa đang bàn tán về vụ đụng độ ở hội chợ Xanh-Giécmanh cứ như thể là xác chết của những người xấu số vẫn được người ta kiểm đếm. Lần đó, cảnh sát đã ra tay, thật xứng đáng với nhiệm vụ của họ. Từ cái buổi đáng ghi nhớ ấy, người ta thấy từng đám ăn mày bị cảnh sát áp giải đến nhà thương làm phúc, hoặc từng đám tội phạm bị xích tay dẫn đi làm lao dịch. Dạo ấy, cứ sáng ra là lại thấy dăm ba người bị treo cổ ở quảng trường Grevơ.
Sau đó các bà lại bàn bạc rôm rả về những bộ quần áo lộng lẫy mà các quý bà của Cầu Mới, các bà bán hoa và cam, thường mặc khi ngồi cùng với các bà bán cá ngoa ngoắt trong những phiên chợ chính. Họ bầy tỏ lời chúc mừng Hoàng hậu vừa sinh Hoàng thái tử.
- Nhưng vẫn còn có một điều tôi băn khoăn, - bà chủ mướn Angiêlic nói. - Hội chúng mình sẽ đi đâu để tổ chức tiệc mừng ngày lễ Thánh Vanbon cho ra trò. Lão chủ quán “Bé ngoan” năm ngoái lừa chúng ta như thằng kẻ cướp ngoài đường ấy. Tôi không dại gì mà cho thêm tiền vào két của lão ấy đâu.
Angiêlic từ nãy đến giờ vẫn lặng thinh bây giờ mới góp chuyện:
- Tôi biết có một quán ăn rất tuyệt ở phố Thung lũng nghèo, giá cả phải chăng mà phục vụ tốt và có nhiều món ăn mới.
Nàng kể ra một loạt những món ăn đặc biệt ở lâu đài Học vui mà xưa kia nàng đã có dịp giúp cho đầu bếp nấu nướng: chả cá hạt tiêu, gà tây nhồi thì là, thịt bê tái ngọt lừ, đấy là chưa kể đến đậu hạt ninh nhừ với thịt bò... Sau đó là tráng miệng bằng bích quy kem. Nhưng chưa thấm vào đấu, các bà có biết không? Tới đó các bà sẽ được thưởng thức một món tuyệt vời Đức vua Luy 14 cũng chưa thể có trên bàn ăn của ngài. Đó là món thịt chim quay bên trong có nhồi gan lợn tẩm hạt tiêu. Tuyệt, thật là một món ngon hảo hạng...
- Ôi, cô làm chúng tôi thèm rỏ rãi rồi đấy - các bà bán hoa ồ lên, mặt bà nào cũng phấn chấn.
- Thế là cái quán ấy ở đâu?
- Ở quán ăn Gà quay vàng. Đó là cái quán cuối cùng còn lại ở phố Thung lũng nghèo. Các bà đến đấy rồi sẽ thấy.
- Tại sao thế? Giá ở đấy không rẻ đâu. Tôi có người quen làm ở cửa hàng bán thịt gần đấy, thỉnh thoảng anh ta vẫn đến ăn trưa ở đấy. Anh ta nói rằng cái quán ấy tối lắm và khó cảm tình lắm.
- Thế là nói dối bà rồi, ông chủ quán Buốcgutx có thằng cháu vừa ở Tuludơ lên, tay này là đầu bếp cừ khôi, hắn biết làm tất cả các món ăn của người miền nam. Quán ấy có một con khỉ biết làm trò để các bà cười không ngớt. Lại có cả một nhạc công biết tất cả các bài hát của Cầu Mới. Nói chung đến đấy thì người ta có đủ mọi thứ để tận hưởng.
- Ôi, cô bạn, hình như cô có tài rao hàng hơn là tài bó hoa. Tôi sẽ đến cái quán ăn đó xem sao.
- Không, hôm nay thì không được rồi. Tay đầu bếp người Tuludơ ấy hôm nay đi vào làng mua bắp cải để chế biến món thịt hầm bắp cải nhà nghề của hắn rồi. Nhưng tối mai chúng tôi sẽ đợi các bà đến xem thực đơn nào hợp với hội các bà.
- Thế cô làm gì ở cái quán ấy?
- Tôi là người bà con của ông Buốcgutx. - Angiêlic nhận bừa. - Chồng tôi là một người đầu bếp giỏi giang nhưng anh ấy chưa kịp thi để đỗ trở thành bếp trưởng thì đã chết vì bệnh dịch năm ngoái. Tất cả những gì anh ấy để lại cho tôi là nghèo túng. Chúng tôi mắc nợ ông thầy lang chữa chạy cho anh ấy.
- Thật chúng tôi chẳng hiểu ra làm sao, những hóa đơn đòi tiền khốn kiếp của các lão thầy lang ấy. - Các bà bán hoa tốt bụng thở dài ra vẻ cảm, mắt hướng lên trời.
- Ông Buốcgutx rất thông cảm với tôi nhận tôi vào làm ở quán ông ấy nhưng tôi muốn kiếm chút tiền phụ thêm nên mới đến đây.
- Tên cô là gì, cô bạn yêu quý?
- Angiêlic.
Sau đó nàng đứng dậy, về báo cho ông chủ quán biết mà đón khách sắp đến.
Trên đường về phố Thung lũng nghèo, Angiêlic vừa rảo bước vừa thích thú về những điều nói dối. Nàng không để ý đến chuyện tại sao nàng lại nảy ra cái ý định chào mời thêm khách cho quán của lão Buôcgutx. Phải chăng làm như vậy là nàng muốn được lão ta ban thưởng? Nàng không băn khoăn bất cứ điều gì. Trôi dạt theo dòng, nàng bắt buộc phải hành động mỗi lúc một khác, không thể biết trước được. Nàng buộc phải làm như vậy là xuất phát từ bản năng nhạy bén của người mẹ muốn che chở cho những đứa con của mình.
Từ điều dối trá này đến điều dối trá khác, từ ý định này tới ý định khác, từ tủi nhục này đến tủi nhục khác, nàng mới mong cứu vớt được bản thân mình và các con.
Truyện khác cùng thể loại
1019 chương
34 chương
1298 chương
64 chương
501 chương
1012 chương