TIÊN LỘ YÊN TRẦN Nguyên tác: Quản Bình Triều. Dịch thuật: Văn Đàn Việt Nam Quyển 3: Đọa hoài minh nguyệt tam sinh mộng. -----o0o----- Chương 43: : Lộ xảo chẩm như tàng chuyết? Tỉnh Ngôn nghe được câu "Bảo khí thiên hạ, đều có linh tính" của Vân Trung Quân, trong lòng không khỏi máy động, lên tiếng: "Lời của lão trượng rất đúng, tiểu tử hiểu rồi. Hôm nay tiểu bối có một vật muốn thỉnh giáo lão trượng". Nói rồi Tỉnh Ngôn liền đem thanh thiết kiếm cổ quái vẫn còn một nửa quấn trong tấm vải bố, trình lên cho Vân Trung Quân, nói: "Bẩm rõ với lão trượng, thanh kiếm này là tiểu bối vô tình nhặt được trên Mã Đề Sơn đêm qua. Kiếm này hình như có chút cổ quái, mong lão trượng dùng tuệ nhãn nhìn dùm, giải thích rõ cho kẻ hèn này!" Vân Trung Quân thấy Tỉnh Ngôn rất coi trọng chuyện này, liền chăm chú quan sát toàn bộ thanh kiếm. Trong ánh mắt mong đợi của Tỉnh Ngôn, hồi lâu mới lẩm nhẩm nói: "Vật này rất giống kiếm". "Ách?" Nói thế là...hãy nghe tiếp đoạn dưới. "Rất giống, nhưng lại không phải rất giống. Kiếm là kiếm, kiếm không phải kiếm, giống thật mà giả, muốn hiểu thế nào cũng được. Thật lạ! Vật này lão hủ cũng nhìn không ra, có lẽ không phải vật thường. Tỉnh Ngôn, ngươi phải bảo quản nó thật tốt, nói không chứng tương lai có thể rất cần". Vân Trung Quân bình phẩm lung tung một hồi, Tỉnh Ngôn nghe cũng như đang lạc trong mây, lờ mờ chẳng hiểu gì cả. Bất quá còn may, dù sao cũng biết thanh kiếm này không phải là vật tầm thường. Vân Trung Quân đã nói như thế, nhất định mình phải cất giữ cẩn thận! Chỉ có điều, Vân Trung Quân lại tiếp tục cảm thán, như tạt một gáo nước lạnh vào Tỉnh Ngôn đang khoái hoạt: "Không đúng không đúng! Đáng tiếc đáng tiếc! Xem mũi kiếm sáng ngời như tuyết này thì có lẽ không phải là thần khí, cũng không phải là vật báu. Phải biết thần vật có linh tính, nhất định tự biết làm u ám. Nhìn mũi kiếm này sáng rỡ như thế, xem ra cũng chỉ là lợi khí tầm thường..." Chợt nghe lời chuyển ngoặt này, Tỉnh Ngôn không khỏi có chút chán nản. Nhưng nghĩ lại thì thấy thoải mái, thậm chí còn có ý vui sướng: "Hì...lời của lão trượng cũng có chỗ hơi mâu thuẫn, thử nghĩ kiếm ngoài sắc bén, thì còn có thể có chỗ tốt nào chứ! Sáng rỡ như tuyết, khà khà!...Không tệ không tệ! Như thế càng hay!" Không nhắc thiếu niên đang ở đó thầm tự đắc ý, lại nói Vân Trung Quân, bình luận đã xong, trả kiếm lại cho Tỉnh Ngôn, nói mất tiếng: "Ta đi đây...", rồi cứ vậy thong dong mà đi... Bỗng nhiên đến, bất chợt đi, phiêu phiêu sái sái, bỡn cợt cuộc đời. Chỉ là, phía sau con người phiêu sái đó, còn vọng tiếng la hổn hển của thiếu niên: "Lão trượng chậm đã! Ngài quên cho tiểu bối biết nhà ngài ở đâu! Tiểu bối còn đi trả sáo à!" Kì thật, có một chuyện đúng là đã quên: Một già một trẻ cao hứng hàn huyên, đều quên đề cập đến danh hiệu của Linh Y Nhi. Vân Trung Quân quên nói mà Tỉnh Ngôn cũng quên hỏi. ....... ........ Từ biệt Vân Trung Quân, Tỉnh Ngôn liền tiếp tục lên đường, đi nhanh về Hoa Nguyệt Lâu. Trên đường vô sự, y không ngừng nhớ lại những lời của dị nhân Vân Trung Quân khi nãy. Tuy mấy chuyện phô trương khi đắc đạo thành tiên của lão, nói thẳng thì hơi vô lễ, chứ chẳng khác gì mấy câu chuyện cũ mèm của Thanh Hà lão đạo. Nhưng lão cũng có một vài luận điều, đối với Tỉnh Ngôn mà nói thì khá mới mẻ, đáng để suy ngẫm. Vừa đi vừa nghĩ như thế, bỗng nhiên, Tỉnh Ngôn như nhớ đến gì đó, trong lòng hô lớn không hay, vội mở tấm vải bố bọc thanh kiếm ra lần nữa: Quả nhiên không ngoài dự liệu của thiếu niên, thanh bảo kiếm vốn là quang hoa lấp lánh, lúc này lại hồi phục như cũ, lại thành một cây thước sắt ảm đạm vô quang! Càng hỏng bét đó là, kế đó dù Tỉnh Ngôn kiên tâm hô hoán thế nào, kiếm đó cũng không lộ chút sáng nào ở mũi! "Xong rồi xong rồi, nào ngờ kiếm này lại tự cao như thế! Vốn định đem nó đi chặt trúc gọt lê, lột da thú thì rất tốt. Giờ thì chỉ có thể đem nó làm cây gậy chống chơi thôi!" Tỉnh Ngôn không ngớt than thở. "Ai, kệ đi, dù sao cũng chỉ là vật nhặt được..." Thiếu niên trên đường tự an ủi mình, bất tri bất giác đã về đến Hoa Nguyệt Lâu. ........ ............ Mấy ngày sau, lại lặng yên như nước. Tỉnh Ngôn đã định chủ ý trả sáo, nhưng lại không thấy thiếu nữ đó đến đòi. Lúc ấy lại quên hỏi nhà của Vân Trung Quân ở đâu, cũng không biết đường nào đến nhà thăm hỏi. Bất quá như thế cũng tốt, tuy nói Tỉnh Ngôn từ nhỏ đã được dạy dỗ sự thành thật của nhà nông, hiểu rõ đạo lí không phải vật của mình thì không thể lấy bừa, mới kiên quyết định chủ ý trả sáo như thế. Nhưng thực sự thì, sáo ngọc "Thần Tuyết" làm bạn với y đã lâu, bây giờ phải trả, đúng là có chút không nỡ. Thảnh thơi thì thổi sáo, rảnh rỗi thì đi du ngoạn, ngày tháng cứ như thế nhẹ nhàng trôi qua. Chỉ là, suốt mấy ngày bình yên đó, trong bất tri bất giác, lại có một lũ âm ảnh, suốt ngày trôi nổi trong lòng Tỉnh Ngôn, sinh sôi. lan tràn, cuối cùng lại như xương cá mắc ở họng... Chuyện này phải nói từ Nghênh Nhi. Tiểu nha hoàn hoạt bát bên cạnh nhị nương trong Hoa Nguyệt Lâu này, có thể nói là ống loa của Tỉnh Ngôn. Tuy Tỉnh Ngôn thường ngày, không hề lưu ý mấy chuyện thêm mắm thêm muối ở Hoa Nguyệt Lâu. Nhưng bất cứ việc to việc nhỏ, bất luận là chuyện gì, cũng đều nằm trong lòng y! Mọi chuyện này, không thể không quy công cho tiểu nha hoàn Nghênh Nhi. Trong Hoa Nguyệt Lâu bất cứ gió lay cỏ động, thì tiểu nha hoàn Nghênh Nhi tò mò vượt bậc này nhất định tìm mọi cách dò la. Sau đó, dĩ nhiên việc làm đầu tiên là tìm Tỉnh Ngôn để "Chia sẻ" thu hoạch! Nếu đổi lại là trước đây, Tỉnh Ngôn không khỏi có chút bực bội vì bị quấy rầy. Nhưng mới đây tiểu nha đầu vô ý đề cập đến một chuyện, lại khiến y ghi nhớ trong lòng. Thì ra, Nghênh Nhi nói với y, chủ tử nhị nương mà cô phục dịch, cùng vị Hồ công tử Hồ Thế An của nàng ta, đã vô cùng khăng khít với nhau, xem ra đã đến thời điểm phải nói chuyện hôn sự, bởi vì, Nghênh Nhân vừa mới phát hiện, nhị nương cũng bắt đầu đem tiền mà bản thân tích cóp, cung phụng cho Hồ công tử tiêu xài. Xem ra, nhị nương đã định chủ ý, muốn theo Hồ công tử hoàn lương rồi. Lúc mới nghe tin tức này, Tỉnh Ngôn cũng không có lưu ý gì. Bởi vì chuyện Trinh nương tử trong Hoa Nguyệt Lâu, nhị nương có thanh danh nhất trong "Hoa nguyệt tứ cơ", phải lòng vị Hồ công tử đến từ Sơn Đông, trên dưới Hoa Nguyệt Lâu không ai không biết. Hơn nữa, ai nấy đều biết đây là một chuyện tốt. Phải biết hiện giờ rất coi trọng môn phiệt, rất ít có ân khách có lòng chuộc thân cho nữ tử thanh lâu. Đoạn nhân duyên sắp thành này, còn truyền thành giai thoại trong Hoa Nguyệt Lâu. trở thành niềm mơ ước của các vị tỷ muội khác. Tuy lúc đầu nghe Nghênh Nhi thông báo tin tức này, Tỉnh Ngôn còn có chút mắc cười trong lòng, nói tiểu nha đầu này ra vẻ quá, chuyện mà ai cũng biết này, có gì đáng chú ý đâu. Nhưng sau khi nghe vài lần, Tỉnh Ngôn liền có chút lưu tâm. Thiếu niên trước giờ thường chịu ân huệ của nhị nương, bắt đầu loáng thoáng cảm thấy hơi bất an. Bởi vì, Tỉnh Ngôn biết, dưới tình trạng tiền bạc kiếm được gần như toàn bộ phải nộp cho tú bà, tiền tích cóp của nữ tử thanh lâu, góp nhặt được không hề dễ dàng. Những vốn liếng trải qua gian khổ mới tích cóp được này, đều để phòng thân sau khi về xuống sắc không còn tiếp khách được. Do đó, tiền tích cóp của nữ tử thanh lâu, nếu không phải lúc khẩn yếu, nhất định không thể đụng đến. Phải nói, nhị nương và vị Hồ công tử đó, đã đến giai đoạn "Thề nguyền ước định". Hiện tại nàng đem tiền tích cóp của mình đưa cho Hồ công tử tiêu xài, về phía nàng mà nói thì cũng hợp tình hợp lý, không có gì không ổn. Chỉ là, Tỉnh Ngôn hay long nhong trong thành, tự dưng sinh ra một dự cảm bất an. Bởi vì, gần đây y thường thấy vị Hồ Thế An Hồ công tử tuổi trẻ nhiều tiền, vô cùng phong nhã đó, lại nhiều lần ra vào Khoái ý đổ phường!