Thực tâm giả

Chương 10 : Part 2

Phó Kính Thù gật đầu. “Chính là người đã khai sáng cơ nghiệp Phó gia sao?” – Phương Đăng nhìn kỹ tướng mạo ông lão trong tranh vẽ, nghe nói hiện nay, trường đại học lớn nhất thành phố còn có tượng của ông ta, không kể tiền quyên góp cho trường học, hơn một nửa đường sá trên đảo này lúc đầu đều là do ông bỏ tiền túi ra xây dựng. “Phải. Cụ tổ của tôi, Phó Học Trình lúc nhỏ gia cảnh bần hàn, tên tục là A Vượng, mấy đời cư ngụ trên đảo, bán mì hoành thánh sống qua ngày. Không biết nguyên do vì sao đắc tội với một hương thân, bất đắc dĩ phải nghỉ bán mì, đem theo tất cả gia tài chỉ có mười lăm đồng bạc đến Nam Dương. Năm ấy ông mới mười tám tuổi, trước đi tàu sang Ấn Độ, sau đó chuyển hướng đến Mã Đại, lúc đầu vẫn là bán mì hoành thánh, lưu động qua tất cả các con hẻm lớn nhỏ, người ta gọi ông là “Vượng Hoành Thánh”. Lúc ông hỏi cưới một cô gái thường xuyên đến mua hoành thánh của ông, chính là con gái của ông chủ một cửa hàng nhỏ.  Ông chủ cửa hàng coi thường người bán hoành thánh rong, không đồng ý lời cầu hôn. Ông cụ nhà tôi tức giận, dùng toàn bộ tiền bạc đổi sang bán hàng hóa, sau đó mới mở ra cửa hiệu…” “Vậy sau đó ông có cưới con gái ông chủ cửa hàng kia không?” Dù sao Phương Đăng cũng chỉ là một cô gái, luôn để ý đến những huyền thoại diễm lệ trong truyền thuyết. Phó Kính Thù vừa cười vừa nhìn cô: “Tôi cũng không biết. Tôi nghĩ là không có, vì bà cụ tổ của tôi cũng là người Qua Âm Châu mà”. “Ồ..” Phương Đăng có hơi thất vọng, quả thật chuyện xưa đúng là không có cái kết hậu như trong tiểu thuyết. “Vậy có phải cửa hàng của ông cụ tổ nhà anh buôn bán càng ngày càng lớn không?” “Sau khi mở cửa hàng, ông cụ tổ tôi bắt đầu tính đến chuyện giao thương quốc tế, lúc này ông lập ra “Công ty cổ phần Phú Niên”, cũng chính là tổ nghiệp đời trước của Phó gia. Thời kỳ Thế chiến thứ nhất, phạm vi kinh doanh của Phú Niên vươn đến ngành công nghiệp gạo, nông nghiệp và ngành sản xuất gỗ, còn mua cả vườn cây cao su lớn ở Ấn Độ, lúc đó ông cụ tổ được gọi là một trong bốn người giàu nhất Nam Dương, cũng trong năm đó trở thành người đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp người Hoa ở Nam Dương”. “Sau đó ông liền áo gấm về làng hả?” “Có thể nói như vậy” – Năm 1919, ông cụ tổ tôi trở về Qua Âm Châu mua đất xây nhà…” “Chính là chỗ này sao?” “Chỗ này chỉ là một trong số đó, nhưng ngôi nhà cô thấy bây giờ cùng với hoa viên đều là xây dựng lại sau cơn hỏa hoạn, lúc đầu không phải thiết kế này. Ông cụ tổ tôi là người cố chấp lại rất truyền thống, trong nhà ai cũng có phần nể sợ ông. Nhưng đối với người ngoài ông lúc nào cũng nhiệt tâm, làm chuyện công ích, là người nhìn xa trông rộng. Cũng chính vì vậy, căn cơ của Phó gia ngày càng vững chắc, thực lực lúc đó là đứng đầu ngành hải dương, ở Thiên Tân, Hán Khẩu, Trùng Khánh và Quảng Châu cùng người ta mở tổ hợp mua bán, tham gia vào ngân hàng Hoa kiều, có thể nói ông đã sáng lập ình cả một đế quốc tài chánh”. “Ô, tôi phát hiện dáng dấp anh có chút giống ông cụ tổ đó nha… là ở đây..” Phương Đăng chỉ vào càm trên bức họa. “Càm của ông ta rất nhọn, rất giống”. “Sao tôi không thấy nhỉ?” – Phó Kính Thù cười nói – “Thật ra trong ba con trai của cụ tổ nhà tôi thì ông nội tôi Phó Truyền Thanh là giống ông cụ nhất”. Phương Đăng bắt đầu đếm những hình vẽ trên tường: “Cái này chắc là con trai cả của cụ tổ, gọi là Phó Truyền gì… tôi quên rồi…” “Phó Truyền Bản” “Dù sao ông ta cũng là người của Đại phòng, có đứa cháu như Phó Chí Thời nên tôi không thích ông ta cho lắm”. Phó Kính Thù ngồi sâu vào trong chiếc ghế nệm hơn, tiếng cười cũng nhỏ đến mức thậm chí không nghe được: “Cô đừng có đi qua đi lại nữa, tôi chóng mặt lắm”. Có lẽ do nói nhiều nên anh mệt, thanh âm ngày càng trầm thấp, Phương Đăng nghe lời đến gần anh, ngồi trên sàn nhà, dựa vào lò sưởi, ngó về hướng mấy bức tranh phía đằng xa. “Người mặt tròn đó là Nhị phòng Phó Truyền Cách phải không, ông ta đúng là con nuôi, nói sao nhìn chẳng giống với các anh chị em khác… Vậy … người mặc âu phục này nhất định là ông nội anh, Phó Truyền Thanh?” “Phải” – giọng nói của anh có chút miễn cưỡng, không giống kiểu của anh cho lắm, tự nhiên Phương Đăng có cảm giác kỳ lạ. “Nè, anh có phải đang ngủ gục không?” “Sao lại vậy?” – Phó Kính Thù lại tiếp tục nói: “Năm ông nội tôi mười bảy tuổi, để thử nghiệm con trai, cụ tổ tôi đã giao một việc nhờ ông xử lý. Lúc đó là thời kỳ chiến tranh, ông nội dẫn theo mấy người tùy tùng, áp tải hàng ngàn bao gạo, trốn tránh mã tặc loạn binh, đến thẳng khu vực hạn hán Điền Tây, dự tính chuyến đi này sẽ thu lợi lớn, nhưng khi nhìn thấy cảnh người dân khổ sở đói khát, ông đã tự mình quyết định, đem ngàn bao gạo ra phát tế cho dân, sau đó cầm roi quay trở lại trước mặt ông cụ tổ xin nhận tội. Ông cụ tổ liền cười lớn nói: “Ta có đứa con trai ngoan, Phó gia có tương lai rồi”. Những chuyện này đều do chính miệng lão Thôi kể với tôi, năm đó ông là một trong những người tùy tùng thân tín của ông nội, đi theo ông nội từ nam ra bắc”. Phương Đăng thật khó hình dung lão Thôi già nua cũng đã trải qua một thời đại truyền kỳ, là người đàn ông khỏe mạnh đi khắp đại giang nam bắc. “Cơ nghiệp Phó gia bắt đầu từ cụ tổ của tôi, nhưng giữ nó được bền vững đều là nhờ công của ông nội, thậm chí là làm nó lớn mạnh hơn nhiều. Ông nội học trường Tây, nhưng cả đời tuân theo di huấn của ông cụ tổ “Không quên tổ nghiệp”. Năm đó ngôi nhà này bị hỏa hoạn phá hủy, có rất nhiều người kể cả bà chủ Trịnh đều khuyên ông nội rời bỏ vùng đất Qua Âm Châu nhỏ hẹp này , di cư sang Thượng Hải, không chỉ đông đảo mà khu vực thành thị cũng thuận tiện rất nhiều, nhưng ông nội tôi không chịu, ông nói cội rễ của ông là ở Qua Âm Châu, cho nên ông chịu tốn kém xây lại Hoa viên Phó gia lớn hơn gấp đôi so với thời của cụ tổ. Nếu không phải vì thời cuộc và nghĩ chẳng có cơ hội quay về, chắc chắn ông sẽ không bao giờ bỏ Phó gia hoa viên đến Tây Á định cư. Cha tôi nói, trước lúc lâm chung, vì chết trên xứ lạ quê người nên ông nội tôi không nguôi ân hận. Ông để lại hai di nguyện, một là để cho cha tôi nhận tổ quy tông, một chính là hy vọng hậu nhân của Phó gia sẽ xây dựng lại Phó gia hoa viên”. “Vậy tại sao Phó gia Hoa viên hiện giờ vẫn còn cái vẻ ma quỷ thế này?” – Phương Đăng ái ngại hỏi. Phó Kính Thù hạ giọng: “Xây dựng lại ư? Nói thì dễ…” “Xem ra bà chủ Trịnh cũng không hoàn thành hết di nguyện của ông nội anh rồi!” “Cô thấy không, trên bàn thờ có một gánh hoành thánh thu nhỏ đó.” Phó Kính Thù muốn chuyển sự chú ý của Phương Đăng sang hướng khác là chuyện rất dễ dàng, quả nhiên anh vừa nói xong câu đó, Phương Đăng lập tức nhỏm dậy đến gần xem, trên bàn thờ thật sự có một mô hình gánh hoành thánh làm bằng đồng. Cao khoảng một thước, điêu khắc rất tinh tế và sống động. “Mô hình gánh hoành thánh này là do cụ tổ tôi nhờ người ta làm ra, để ở đó chính là muốn hậu nhân đều nhớ khởi nghiệp thấp kém của Phó gia, chớ quên người đời trước đã khó khăn thế nào để dựng nên cơ nghiệp”. Phương Đăng muốn sờ món đồ thú vị này một cái, liền vươn tay ra, nào ngờ lại làm ngã một bức tranh vốn để mặt trái trên bàn thờ. Bức tranh này so với mấy bức họa đặt ở giữa bàn thờ có nhiều khác biệt, nó chỉ lớn bằng bàn tay, nét vẽ sắc sảo, trên đó là một thiếu nữ đang ngồi nghiêng trên cỏ nở nụ cười. Nàng mặc một chiếc yếm bằng vải bố màu trắng, tóc đuôi sam đen tuyền thả xuống trước ngực, nụ cười và ánh mắt chứa chan ẩn tình. Phương Đăng nhìn kỹ, mau chóng phát hiện ra pho tượng mà thiếu nữ trong tranh dựa lưng vào chính là pho tượng con hồ ly đá nằm trong bụi cỏ hoang ở phía sau vườn hoa nhà Phó gia bây giờ, trong tranh còn có cái chòi mát nhỏ, không phải là cái chòi sập mà Phó Kính Thù hay ngồi vẽ bên trong sao, chỉ khác là lúc đó mọi thứ đều còn hoàn hảo, góc vườn hoa đầy hoa thơm cỏ lạ, đẹp tựa giai nhân. “Đây là…” “Chính là Tiểu Xuân cô nương. Cũng là người sinh hạ cha tôi”. – Không đợi cô hỏi hết câu, Phó Kính Thù đã nói ra câu trả lời. Phương Đăng cầm bức tranh nhỏ trong tay, lật qua lật lại: “Vẽ đẹp thật, là ông nội anh vẽ sao?” “Phải, ông và Tiểu Xuân cô nương lớn lên cạnh nhau, trừ ông ra còn ai vào đây nữa?. Nếu bà chủ Trịnh còn ở đây, bức tranh này chắc chắn không thể quang minh chính đại mà treo ra ngoài. Mấy năm nay, lão Thôi đoán chừng họ cũng sẽ không quay lại nữa, nghĩ đến việc ông nội tôi và Tiểu Xuân cô nương đều đã qua đời nhiều năm, mới len lén đem nó ra đặt ở chỗ này. Người dù gì cũng là chị ruột của ông, dù chỉ là một người hầu, nhưng cũng sinh được hậu nhân cho Phó gia, không thể thờ trong từ đường nhưng có thể để gần ông nội tôi một chút cũng tốt, mặc dù thế hệ này qua thế hệ khác, trong mắt người ta đều coi Người là loại nghiệt chủng không được nhận nhìn. Giọng nói của anh thấp đến mức dường như không nghe được, nhưng trong lời nói khó che đậy sự mất mát, nỗi ưu tư khi kể lại những câu chuyện hoành tráng đáng tự hào của tổ tiên mình. “Đừng như vậy mà!” Phương Đăng lo lắng cắt lời anh. “Anh là người của Phó gia, có cùng huyết thống với Phó Học Trình và Phó Truyền Thanh. Nói không chừng có một ngày, con cháu anh sẽ dùng âm điệu tự hào như vậy để kể về những chuyện anh từng trải qua đó.” Phó Kính Thù sao lại không biết cô đang ý tứ an ủi mình, nên anh chỉ cười, sau khi cười liền ho một tràng không ngừng lại được. “Anh sao vậy?” – Phương Đăng cảm thấy bất ổn khi nghe tiếng ho khan của anh, lo lắng đến cạnh bên anh hỏi – “Có cần tôi nấu cho anh chén nước không?” “Không cần, tôi không sao.” Tuy nói là không sao, nhưng giọng nói của anh rõ ràng không có sức, ngay cả ý chí kiên cường cũng chỉ là hữu tâm vô lực mà thôi. Phương Đăng lúc này mới nhớ, từ lúc cô vào nhà đến giờ, tình trạng của anh không tốt lắm, nhưng chính anh nói chỉ là cảm vặt nên cô cũng nhất thời không để ý, nhưng phải nói nhiều như vậy, càng lúc anh càng lún sâu vào chiếc ghế nệm, giọng nói cũng càng ngày càng thấp… Phương Đăng cố gắng mở cánh tay anh ra, sờ vào trán anh. “Chết rồi, sao lại nóng như vậy? Anh nóng như lửa đốt sao lại không chịu nói? Tôi đúng là ngu như heo vậy.” – Cô muốn nhanh nhanh đi rót cho anh ly nước, nhúng khăn lông ấm, nhưng vì hoàn cảnh xa lạ, trong lúc nhất thời cô không biết phải làm sao, chỉ biết đi vòng vòng tại chỗ như con kiến. “Tôi nói cô đừng đi vòng vòng mà, ngồi xuống đi, ngồi xuống đây đi!” Anh yếu ớt chỉ vào vị trí bên cạnh mình. Phương Đăng tìm được một bình nước, cô nổi giận đến phát rồ: “Ngồi cái gì mà ngồi? Ngồi xem anh chết làm sao hả?” “Tôi chết rồi thì cô đi đâu tìm người kể chuyện xưa cho cô nghe chứ” – Anh càng cười thì tiếng ho khan lại càng dữ dội. “Nhà anh bán vừng hay bán gạo thì có liên quan gì đến tôi chứ!” Anh yên lặng một lúc, rồi lại hạ thấp giọng: “Là tôi muốn kể, từ trước đến giờ không có ai nghe tôi kể cả!” Anh đúng là vẫn luyến tiếc thời hoàng kim. “Kể kể kể…anh sợ chết rồi không ai kể hết chuyện cả dòng họ anh sao.”  – Câu nói vừa thoát ra khỏi miệng, cô mới biết mình nói xui, liền tức giận vả vào mặt mình ba cái – “Tức chết mà, ở đây có khăn sạch không?” “Cùng tuổi với tôi, ông cụ tổ đã xuống Nam Dương, ông nội thì đi về đất miền Tây, nhưng tôi chỉ có thể ở lại nơi chết tiệt này, không làm được bất cứ điều gì cả” “Anh sống rồi mới có thể làm được điều khác chứ”. “Phương Đăng, Phương Đăng… Nếu như tôi nói, có một ngày tôi sẽ xây dựng lại Phó gia Hoa viên, cô có tin không?” Mắt anh nhắm nghiền, lúc này lời nói gần như là mê sảng. “Không được, anh phải đến bác sĩ.” Phương Đăng muốn đỡ anh đứng dậy, cơ thể nóng bỏng của anh nặng nề rủ xuống, toàn thân dường như nửa phần bất tỉnh. “Cô tin không?” – Đến lúc này anh vẫn lẩm bẩm câu hỏi đó. Ánh mắt Phương Đăng ửng đỏ, lớn tiếng trả lời anh: “Tôi tin! Đương nhiên là tin!” Anh nên biết, cho dù anh nói xây dựng lại không chỉ là nơi này mà là vườn Viên Minh, cô cũng sẽ tin, ở trước mặt anh, cô chính là ngốc nghếch như vậy đó. Câu trả lời này dường như đã đem lại niềm an ủi lớn lao cho Phó Kính Thù, sau cùng anh đã bị Phương Đăng cố sức đỡ ngồi dậy, nhưng cơ thể bắt đầu mềm nhũn ra, một nửa tựa vào người cô. “… Trước kia…. Tôi cũng tin…. Nhưng bây giờ tôi từ từ bắt đầu không tin nữa…”