Thiên mã hành không
Chương 39 : Hàn độc
"Cộp cộp ...", tiếng gõ kéo A Tử ra khỏi giấc mộng, cô mở mắt ra, thấy một cái gậy đang đập xuống đất trước mặt, cô nhỏm ngồi dậy, suýt va đầu mũi vào bộ mặt khủng khiếp của Lục La sát, dù tối hôm trước cô đã thấy nó nhiều lần, lúc bấy giờ cô vẫn khỏi hoang mang hãi sợ, bất giác cô lui lại, rồi mau mắn mỉm cười, cúi mọp người xuống hành lễ:
- Sư phụ dậy sớm quá!
Lục La sát trừng mắt nhìn A Tử, hỏi:
- Sớm gì nữa! Mặt trời đã lên cao lâu rồi! Còn không mau đi nấu cơm làm bếp? Bộ muốn sư phụ này hầu hạ cho mi hả?.
A Tử luôn mồm xin lỗi:
- Dạ! Đệ tử đáng chết! Đã làm cho sư phụ nổi giận!
Lục La sát chỉ mấy cái lu, hũ trong nhà bếp, nói:
- Cái lu này chứa bột, hũ kia đựng gạo, trong giỏ mây này có một tảng thịt heo đông lạnh, giỏ kia chứa mắm, muối, nước tương và rượu. Dưới gốc cây sau hè, có một cái hầm cất khoai và rau, mi mỗi ngày lo nấu ăn, nếu ta ăn ngon miệng, ít bữa nữa ta sẽ dạy mi võ công để giết thằng hán tử lang tâm đó!
- Tạ ơn sư phụ! Sư phụ đúng là phụ mẫu tái sinh của đệ tử! Đệ tử sẽ tận tâm tận lực hầu hạ sư phụ.
Công phu vỗ mông ngựa của A Tử bỗng nhiên tăng tiến vượt bực.
- Cho dù sư phụ không truyền thụ võ công, đệ tử được ở luôn bên cạnh sư phụ, là đã mãn nguyện lắm rồi!
Lục La sát cười nhạt:
- Hứ ... Miệng mi nói ngọt sớt, chả phải mỗi lần thấy ta là mi như đang bị ác mộng hay sao?
- Sư phụ lòng dạ nhân từ, cứu mạng đệ tử, đệ tử có xả thân cũng không đền đáp lại được! Đệ tử thấy sư phụ thân thiết còn hơn người nhà, gặp sư phụ trong lòng thấy vui sướng, làm sao ác mộng cho được!
Lục La sát bực mình nói:
- Thôi đi! Ta chẳng tin mấy đứa lẻo mép! Đi nấu cơm mau lên!
A Tử nhìn Lục La sát, cười cười, rồi cô xin phép ra đàng sau lấy khoai và rau. Cô chạy nhanh, bụng mắng thầm: "Bà già khỉ khô này! Ban đêm đã không cho người ta ngủ đàng hoàng, ngày lại còn bắt nấu cơm hầu hạ nưã!". Nhưng cô xoay chuyển ý nghĩ: "Bắt nấu cơm, vậy mỗi ngày mình có cơ hội bỏ rượu thuốc vào thức ăn, sẽ khỏi tốn công suy nghĩ cách thức khác!". Do nghĩ vậy, bao buồn bực trong lòng cô bỗng tan biến hết
A Tử tìm đến chỗ Tiêu Phong ghi dấu, cô đào cái hũ lên, chiết rượu sang một ve nhỏ, rồi chôn hũ xuống trở lại. Cô vừa định quay gót, bỗng một thân ảnh nhẹ nhàng đáp xuống sau lưng, nhỏ giọng gọi:
- A Tử!
A Tử quay nhìn, nhận ra Tiêu Phong, cô vui mừng kêu:
- Tỷ phu!
Tiêu Phong xua tay, ông kéo A Tử vào bên trong rừng, rồi hỏi cô:
- Bà Lục La sát có làm khó dễ gì muội không?
- Bà già khô khốc đó đã bắt muội ngủ trong bếp, muội bị muỗi đốt suốt đêm, bây giờ hãy còn thấy ngứa! Sáng ra, bà còn bắt muội đi nấu cơm, làm như bà trời! Hành muội quá chừng!
Tiêu Phong bất giác cười rộ:
- Muội xưa nay đi chọc phá, đi ăn hiếp người ta đã nhiều, lưới trời lồng lộng, tới lúc muội bị đau khổ lại cho đáng đời!
A Tử bĩu môi:
- Hừ . . . nếu chẳng phải vì muốn kiếm rượu ngon cho huynh, muội đâu có bị trả giá cho mấy cái quậy phá đó. Vậy mà huynh còn cười người ta!.
Tiêu Phong nhịn cười, nói:
- Ờ! Khuất tất muội một chút, nhưng muội phải cẩn thận, đừng để lộ tung tích. Coi kiểu cách của bà, ta thấy bà ta có chút ít kỳ quái.
A Tử đắc chí, cô cười:
- Chính huynh mới phải cẩn thận! Bà chẳng nghi ngờ gì hết, đã thâu muội làm đệ tử rồi!
- Hả? Thâu muội làm đệ tử hả?" - Tiêu Phong bỗng thấy kỳ lạ.
- Bà ta muốn muội đi giết hết bọn đàn ông bạc bẽo, đã hứa truyền thụ võ công cho muội.
Tiêu Phong nói:
- Xem chừng Tái Đỗ Khang đã phụ bạc bà không ít, đến nỗi bà đâm oán ghét tất cả đàn ông bạc tình trong thiên hạ! Tiếc thay, những hạng người đó chẳng thể giết cho tuyệt giống được!.
Rồi ông đưa mắt nhìn quanh, bảo A Tử:
- Muội về đi, bữa nay, ta và Dương huynh đệ sẽ núp trong rừng này, có chuyện gì, muội la hét ầm lên, hai ta lập tức đến cứu muội.
A Tử gật đầu, cô nhanh chóng ra khỏi rừng, đến chỗ hầm dưới gốc cây sau nhà theo lời bà Lục La sát chỉ dẫn, cô mở nắp hầm, lấy khoai và rau xếp vào trong một cái giỏ, rồi quay người đi vào nhà.
A Tử từng học nấu ăn nơi Trình Anh, tuy trù nghệ không tinh xảo, nhưng đủ giúp cô nấu ăn cho bà Lục La sát này. Cô nhào bột, băm nhỏ thịt heo vo viên làm nhân, đem một ít nấu canh, cô xào thêm một ít rau. Hơn bốn mươi năm nay, bà Lục La sát sống cô độc trong Di Hận cốc, đồ gia dụng đều do người trong thôn làng gần đó thỉnh thỏang đem vào cung cấp,bà suốt ngày mang lòng thù hận, chịu sống tịch mịch, bà thường ăn uống qua quít cho xong bữa. Hôm nay, được A Tử nấu món bánh hấp nhồi thịt, thêm canh, rau xào, bà ăn uống thấy ngon miệng thập phần.
Thấy bà ăn uống ngon lành, A Tử thần sắc vui vẻ, hỏi:
- Sư phụ, đệ tử nấu có vừa miệng sư phụ không?
Lục La sát nhạt giọng:
- Cũng tạm được!
A Tử cười mơn:
- Được, đệ tử sẽ thường xuyên đổi món, có điều đồ gia dụng hơi ít, muốn nấu nhiều thứ khác nhau ... cũng hơi khó!
Lục La sát liếc cô: "Mi muốn thứ gì, cứ biên ra giấy, vào ngày mười lăm mỗi tháng có người từ chân núi mang lương thực đến, rồi họ sẽ theo giấy đó mà mua sắm cho tháng kế".
A Tử chợt hiểu:
- A ... đệ tử hiểu rồi, bột đó, gạo đó do người ngoafi mang tới, không hiểu họ quen biết sư phụ ra sao?
- Chẳng phải người quen! Đó là đồ tể trong làng! - Lục La sát có vẻ bực bội - Mi lải nhải hỏi ta lắm lời quá, ngậm miệng lại ... ăn cơm đi!
A Tử không dám hỏi gì nữa, cô cắm cúi ăn cơm, cười thầm: "Ngậm miệng ... làm sao mà lùa cơm vào được?
Lục La sát chợt ngừng ăn, gặng hỏi A Tử:
- Tại sao món rau này có mùi rượu ở trỏng vậy? Canh cũng có rượu nữa, rồi nhân thịt nhồi trong bánh cũng có hơi rượu? Mi làm trò quỷ quái gì vậy?
- Sư phụ, sư phụ ăn không thấy ngon à? - A Tử tuy hơi bị bấn lọan, nhưng vẻ mặt cô trầm tĩnh như không, giữa vẻ vô tội, cô hỏi:
- Đệ tử nấu ăn quen dặm thêm chút rượu, để tăng mùi vị, với lại đang mùa đông, có chút rượu vô cho nó khu trừ hàn khí!
Lục La sát ngó A Tử chằm chằm, rồi ánh mắt hòa hõan trở lại, bà nghĩ: "Nói xem chừng cũng có lý, bộ dạng nó không phải là đồ xảo ngôn!
Bà có nằm mơ cũng không nghĩ được A Tử đã đặt điều hoang đường, bà bị gạt bởi vẻ vô tội thản nhiên của A Tử, biểu tình trên mặt cô không chút thay đổi.
A Tử tiếp tục rủ rỉ rù rì:
- Nếu sư phụ không thích, đệ tử sẽ dùng thật ít là được, nhưng e mùi vị thức ăn không được ngon!
- Không sao! Cứ nấu như vậy là được! - Lục La sát ngừng nhìn A Tử - Mi làm như uống chút rượu thì tốt, có thể khu hàn!
Vừa nói xong, chợt mặt bà tái đi, tòan thân run bần bật, hai hàm răng đánh vào nhau nghe lập cập.
A Tử dù gan dạ bao nhiêu, cô nhìn thay đổi đột ngột đó, cũng không khỏi kinh hãi:
- Sư phụ ... sư phụ sao vậy?
- Ta ... ta ... Ai - Lục La sát lăn lộn, tay bà ôm ngực, miệng rên rỉ, dường đang đau đớn vô cùng, sắc mặt tái xanh, nhăn nhó.
A Tử nhớ lời Tái Đỗ Khang thuật, hàn độc trong người Lục La sát mỗi ngày phát tác vào đúng ngọ, gây đau đớn như thể bị ngàn vạn mũi kin châm chích vào người. A Tử ngoảnh đầu nhìn bên ngoài, thấy đúng chính ngọ, chính là lúc hàn độc đang công phá chẳng sai. Ngó Lục La sát nằm rên la trên đất, A Tử nghĩ: "Hàn độc này lúc phát tác, xem chừng chết ngay lại dễ chịu hơn nhiều! Sao bà lão thà chịu đau đớn, nhất quyết không chịu dùng rượu thuốc trị bịnh? Khó hình dung được trên đời có người khăng khăng, cố chấp như vậy! Vốn mang tính "hạnh tai lạc họa", A Tử nhìn bà lão lăn lộn dưới đất, cô mắng thầm hàng trăm lần: "Đáng đời!"! Đang lúc bà bị cực kỳ đau đớn, A Tử biết bà sẽ chẳng hơi sức đâu để ý biểu tình trên mặt của cô!
Sau chừng nửa thời thần, tiếng rên siết của Lục La sát giảm dần, lúc đó A Tử bèn chạy đến đỡ bà dậy, cô làm vẻ thất sắc, hỏi liền miệng:
- Sư phụ ... sư phụ sao vậy? Sư phụ làm con sợ!
Lục La sát đôi mắt nhắm nghiền, bà ghì hàm răng, cơn đau làm tòan thân bà nhức nhối, hình dạng bà nom giống cành khô trên cây đang oằn oại trong giông bão, bà gắng sức, phều phào:
- Đỡ . . . đỡ ta dậy!
A Tử vận sức tay, cô ôm ngang người, nâng bà lên, thấy bà mắt nhắm nghiền, hơi thở đứt đoạn, toàn thân hình run rẩy.
-Lạnh ... lấy cái chăn trên giường ...
A Tử chạy ào đến giường, cô đem tấm chăn trùm kín người bà, nhưng bà vẫn tiếp tục run bần bật trong tấm chăn.
Qua một lúc lâu, Lục La sát thò đầu ra khỏi chăn:
- Nước ... lấy cho ta nước nóng ...
A Tử múc một chén nước nóng, cô lén pha vào đấy một ít rượu thuốc, đến nâng chén kề sát miệng cho bà uống, Lục La sát đang cơn mê man, bà uống ừng ực, không để ý mùi vị của nước.
Thêm chừng nửa thời thần nữa, trong tấm chăn, Lục La sát bớt run dần, rồi ngừng hẳn. Thấy bà đã hơi tỉnh lại, A Tử đến quỳ trước bà, cô ngẩng mặt nhìn bà, nước mắt giàn giụa, than vãn:
- Sư phụ ... người làm con sợ gần chết!
Lục La sát bất giác đưa tay vuốt tóc A Tử, phều phào nói:
- Nha đầu, sư phụ chưa chết đâu!.
Bao năm rồi, mỗi lần bị cơn đau phát tác, bà không có người nào kề cận quan hoài đến, không ai lấy chăn mền trùm vào cho bà, không ai lấy nước cho bà uống! Bây giờ có A Tử, dẫu cơn đau chẳng giảm chút nào, nhưng được cô chiếu cố, cất lời thăm hỏi, con tim bà hơn năm mươi năm nay xa lánh trần thế, bỗng có chút cảm động. Bà cảm giác, so với trước đây, cơn đau dường như ngắn hơn, nhưng bà cho rằng nhờ chăn cùng nước nóng trợ giúp, bà đâu biết đấy là công hiệu của rượu thuốc A Tử đã lén cho bà uống.
Bị mấy ngón tay xương xẩu của bà vuốt trên đầu, A Tử cảm giác không mấy thỏai mái, cô đứng lên, hỏi:
- Sư phụ uống thêm nước nóng nữa không?
Lục La sát nhướng cặp mắt mỏi mệt nhìn A Tử, bà vừa ho, vừa nói
- Không cần! Ta không khát, con ngồi xuống đây.
A Tử đến ngồi bên cạnh, nhỏ giọng hỏi:
- Sư phụ, có phải người đã bị trúng độc không?
Lục La sát không đáp, bà gật gật đầu.
- Chất độc gì vậy?
- Hàn độc!
- Sư phụ bị trúng độc đó hồi nào vậy?
Lục La sát vụt mở to mắt, mục quang đầy óan độc, bà gằn từng tiếng một:
- Bốn mươi chín năm trước đây, vào một đêm tối đen! Chẳng khi nao ta quên được!
Nhìn ánh mắt oán độc đó, A Tử rùng mình, bản thân cô tính nết cũng hung tàn, lúc sống với phái Tinh Túc, cô hiểu biết, cô đụng chạm người tàn độc, con số không phải là ít. vậy mà cô chưa thấy cái tàn độc nào có thể so bì được với nét hung dữ của ánh mắt đó, thậm chí, cô tự hỏi, trên đời này có thể có sự óan hận đến như vậy sao? Đang có ý định bỏ chạy, cô lại nghe tiếng Lục La sát căm hờn:
- Nghiêm Phức! Đồ lòng lang dạ sói! Ngươi tàn ác dữ ha ...
Trên nét mặt đậm nét óan hận, bỗng nở một nụ cười cay đắng:
- Ta phải làm cho ngươi đau khổ cùng cực, trước khi ngươi nhắm mắt lìa đời!
--- Xem tiếp hồi 39 ----
Truyện khác cùng thể loại
73 chương
29 chương
78 chương
22 chương
37 chương
18 chương
19 chương