Thiên mã hành không
Chương 29 : Xuất liệp
Lúc Tiêu Phong về đến doanh trại, trời đã tối mịt. Tiêu Phong mở cửa, vén rèm, thấy A Tử đang ngồi ngủ, gục đầu trên bàn. Ông cởi trường bào khoác vào người cô. A Tử từ cơn mộng tỉnh giấc, đầu óc hãy còn mơ màng, cô hỏi:
- Tỷ phu, huynh về rồi đấy à?.
Tiêu Phong "ừ" nhẹ, bảo cô:
- Để ta đưa muội về chỗ Công chúa cho muội ngủ tiếp nhé, ngồi đấy coi chừng bị gió lùa phải cảm!.
A Tử lắc đầu, nói:
- Muội chưa ăn uống gì, huynh đã ăn tối chưa?.
Tiêu Phong cũng lắc đầu, đáp:
- Chưa, ta giờ chỉ uống rượu thôi, không muốn ăn gì hết!
A Tử ngồi dậy, cô đưa mắt nhìn Tiêu Phong, rồi kéo tay ông, nói:
- Huynh ngồi chờ muội ăn xong, muội sẽ bồi tiếp huynh uống rượu, được không?
Tiêu Phong cúi nhìn, sắc mặt nàng từ bị thương đến giờ trắng bệch, ông chẳng khỏi thương cảm, bảo:
- Để huynh ngồi tiếp muội ăn, muội không cần hầu rượu huynh đâu!.
Nói xong, ông lệnh cho quân hầu đi xuống bảo nhà bếp sửa sọan thức ăn, rượu uống. Vốn Tân Nguyệt đã dặn trước, nhà bếp luôn có sẵn nhiều món ăn người Hán.
Tiêu Phong ngồi uống rượu, vẻ mặt không vui. A Tử thấy Tiêu Phong mi mày nhíu lại, cô hỏi:
- Tỷ phu, huynh có điều gì không vui?
Tiêu Phong thở dài:
- A Tử, ta và tỷ tỷ muội xưa kia có lần ước hẹn cùng ra ngoài quan tái chăn cừu nuôi dê, hồi đó ta mê muội, đã chỉ chăm chăm truy đuổi tên đại ca đã gây ra cái chết của cha mẹ ta! Sau đó, mới biết trúng độc kế mượn đao giết người của Khang Mẫn, để rồi ... cuối cùng đưa đến thảm họa A Châu trúng chưởng của ta mà chết! Cái chết đó, ông trời đã trừng phạt ta!. Bây giờ, ta thấy cái vòng báo ứng lại xoay đến nơi rồi, mà ta chưa hiểu thượng thiên sẽ trừng phạt ta ra sao đây?.
Vừa nói ông vừa nhìn A Tử, bụng nghĩ thầm:
- Trời xanh trừng phạt ta thế nào đi nữa, không mấy quan trọng, ngàn vạn lần ta chỉ cầu xin đừng để muội bị lôi cuốn theo vào.
Ý nghĩ trong đàu đó, ông không thể nói ra lời!
- Huynh không thích làm Đại tướng quân ư?
- Nếu ta có được lựa chọn, ta chỉ mong làm một kẻ thôn phu, không làm Đại tướng quân!
A Tử nói:
- Huynh muốn làm thôn phu cũng đâu có gì khó? Bây giờ hai ta bỏ đi, ai giữ được mình lại kia chứ?
Tiêu Phong cười khổ, đáp:
- A Tử, rất nhiều chuyện muội không hiểu rõ! Nếu bỏ đi được, ta đã bỏ đi từ lâu rồi!
Đôi mắt A Tử xoay chuyển, cô nói:
- Hay là, mình lại làm như hồi xưa Liêu quốc, treo ấn, lẻn trốn đi, ai phát giác được?
Cô bỗng cúi đầu, nói nho nhỏ:
- Muội sẽ ngốc nghếch tái diễn cái trò ngu xuẩn ấy nữa, bất kể ai dụ ngon dỗ ngọt thế nào, muội nhất quyết sẽ không mang rượu độc đến hại huynh uống nữa đâu!
Tiêu Phong ngắt lời cô:
- Chuyện qua lâu rồi, muội đừng nhắc lại! Ta vốn không hề trách gì muội mà!.
Nghỉ một chặp, Tiêu Phong tiếp:
- Hiện thời, chẳng giống lúc trước, hồi đó, ta đã có thể vất bỏ tất cả mọi thứ không thương chẳng tiếc, nhưng bây giờ, trên vai ta gánh sinh mệnh của ngàn vạn cư dân thành Lâm Hoàng, một khi ta treo ấn bỏ đi, người Mông Cổ tính tình tàn bạo, Hốt tất Liệt sẽ nổi giận, y từng dọa có thể cho chà đạp nơi đó thành bình địa! Lúc bấy giờ, ta sẽ trở thành người mang tù tội ngàn kiếp mất.
A Tử bĩu môi, cô dẩu mỏ nói:
- Tù tội ngàn kiếp ... thây kệ tù tội ngàn kiếp, chỉ cần trong lòng vui sướng là được, mình tội quái gì phải đi quản chuyện thiên hạ!
Tiêu Phong biến sắc, ông nổi giận nói:
- A Tử, sao muội có thể nói vậy! Người ta sống trên đời, phải coi trọng sinh mạng trăm họ. Nếu Tiêu Phong có phải chết để cứu vãn sinh mạng ngàn vạn người, chết cũng đáng, muội đừng nói chuyện mưu cầu vui sướng khoái riêng mình!
A Tử bị Tiêu Phong giáo huấn, cô không dám nói gì nữa, nhưng trong lòng cô tự nhủ, với mình, Tiêu Phong quan trọng hàng đầu, còn người khác sống hay chết, cô không cần đếm xỉa! Lại nghe Tiêu Phong tiếp, ngữ điệu đã bớt giận:
- Muội từ nhỏ đi theo Đinh Xuân Thu, tạm thời có thể muội chưa hiểu lẽ đó, để sau này, ta sẽ dần dà giảng giải cho muội hiểu!
- Nếu tỷ tỷ A Châu bây giờ sống lại, huynh liệu có bỏ mặc ngàn vạn người đó, đi ra ngoài quan tái thả cừu nuôi dê hay không?
Tiêu Phong lưỡng lự, ông lẩm bẩm:
- Nàng . . . Nàng đâu có sống lại được...
A Tử cao giọng cắt lời Tiêu Phong:
- Tỷ tỷ có sống lại hay không, chuyện đó với huynh ăn thua gì? Huynh vẫn sẽ không giữ ước nguyện kia!,
Tiêu Phong trầm ngâm hồi lâu, rồi nói:
- Đúng, ngay cả A Châu còn sống, trong tình huống hiện tại, ta vô phương thực hiện lời hứa ấy! Ta không sao bưng tai bịt mắt khi người đồng tộc của ta bị người ngoài khinh khi, ta không thể tụ thủ bàng quan! Thà ta phụ rẫy A Châu, còn hơn thây kệ khi số mệnh ngàn vạn người bị đe doạ mà không làm gì!
- Nếu tỷ tỷ của muội chưa chết, nhất định sẽ bị huynh làm cho bực tức . . . ơ ... ơ ... Được rồi! - Mắt A Tử sáng rực lên, cô nói, -Huynh có thể xin Hốt tất Liệt cho nghỉ phép, viện cớ phải về Trung nguyên tế mộ phần A Châu! Hốt tất Liệt chẳng có lý do gì từ chối yêu cầu hợp tình hợp lý của huynh được!
Tiêu Phong đưa tay vỗ đùi, khen:
- Ý kiến hay quá! Cám ơn nha đầu cô đã nghĩ ra!.
Bỗng Tiêu Phong thở dài:
- Chỉ là đã qua hơn một trăm năm, không biết hồi đó ta dùng thuổng cuốc đào mộ chôn, giờ làm sao tìm cho ra!
A Tử bảo:
- Huynh đừng lo, bữa trước muội về Tiểu Kính hồ, mộ phần còn tốt lắm, bên cạnh mộ, hoa đỗ quyên đang nở đỏ rực!
Tiêu Phong ngạc nhiên nói:
- Hay quá nhỉ! Qua hơn một trăm năm rồi, ta cứ tưởng mộ phần mất tăm mất tích rồi, sao kỳ diệu thế được?
- Muội cũng thấy kỳ lạ, có khi A Châu tỷ trên cõi linh thiêng có phép mầu, biết trước thể nào trăm năm sau chúng mình cũng sẽ đến tế bái mộ phần, nên tỷ vẫn cứ ở đấy chờ người về thắm viếng?
Tiêu Phong nghĩ lý thuyết của A Tử quá sức hoang đường, nhưng hôm nay, ngẫm đến chuyện mình cùng A Tử một trăm năm sau, cùng trôi giạt về nơi này, chuyện đó chẳng hoang đường sao?. Tiêu Phong tự bảo, ra sao thì ra, mình đã có được một lý do giúp tạm trốn khỏi những thị phi nơi đây!
Nghĩ đến chuyện được trở về Trung nguyên, A Tử hưng phấn quá, cô đặt ngay bát đũa xuống bàn, vội vội vàng vàng hỏi:
- Tỷ phu, khi mình trở về, có ơn đền ơn, có oán báo oán, huynh thấy sao?
Tiêu Phong thấy cô mừng vui hớn hở, hai má đỏ bừng, mắt long lanh, trong lòng ông không muốn làm cô cụt hứng, bèn đưa tay vỗ mạnh mặt bàn đáp:
- Đúng! Cứ thế mà làm!
- Cứ thế mà làm cái gì vậy? Muội vừa mới nghe xong kìa! - một giọng thánh thót vang lên, Tân Nguyệt Công chúa vén rèm cửa bước vào.
A Tử làm vẻ tươi cười, trả lời:
- À ... chẳng có gì ...Tỷ phu ta nói phải cố sức đền ơn cứu mạng của Công chúa!
Cô thật sự không muốn nói thật, chỉ e Tân Nguyệt bẩm báo Hốt tất Liệt, họ sẽ tìm cách cầm chân Tiêu Phong. Cô hỏi:
- Vậy Công chúa chúa muốn tỷ phu ta đền ơn ra sao?
Hai má Tân Nguyệt đỏ bừng, cô đáp:
- Huynh ấy đã cứu ta một lần rồi, vậy coi như huề, đâu cần nói chuyện đền ơn nữa?
Tiêu Phong đáp:
- Lần đó, là do đồng tộc ta mạo phạm Công chúa, Tiêu Phong nhân đây nhận lỗi cùng Công chúa. Ngày sau, Công chúa muốn dùng Tiêu Phong ta vào việc gì, xin Công chúa ra lệnh.
Tân Nguyệt thấy cung cách Tiêu Phong với mình ngày càng trở nên tôn kính, trong lòng nàng chẳng khỏi thấy phiền muộn, nàng tự nhủ: "Ta nào muốn ra lệnh cho chàng này nọ! Tâm sự ta bộ chàng không hiểu rõ?". Muốn gì thì gì, ý nghĩ này trước mặt Tiêu Phong và A Tử, thật không thể nói ra lời được. Nàng tủm tỉm cười, nói:
- Tiêu đại ca quá lời rồi, bây giờ Khiết Đan với Mông Cổ người nhà cả, đâu cần khách khí nữa? .
Nàng vừa nói, vừa đưa một áo khoác lông cừu mầu tím cho A Tử, nói:
- A Tử, trời giá rét, cô nương mặc nó vào tốt hơn.
A Tử đón cái áo, cô mặc vào người, áo đó vốn của Tân Nguyệt, bởi Tân Nguyệt cao hơn A Tử một cái đầu, A Tử mặc vào thấyáo vừa dài vừa rộng, hai người Tiêu Phong, Tân Nguyệt nhìn cô mặc áo đó trong khuôn mặt trẻ con, bỗng dưng lộ vẻ họat kê, họ đồng cười rộ. A Tử cởi bỏ áo ra ngay, bực tức nói:
- Mấy người giỡn ta há! Cái thứ giẻ rách này, ta cóc thèm mặc!
Tân Nguyệt cười cười, bảo:
- Cái áo đó đúng là không vừa, ta đã sai người may áo mới cho cô nương, có điều ngày mai mới may xong, ta đang sợ trên đường từ đây về lều cô nương nhiễm lạnh, nên mới đem áo ấy đến cho cô nương mặc tạm!
A Tử nói:
- Ta thà không về lều tối nay, nhưng quyết không mặc thứ áo khó coi đó!
Tân Nguyệt đưa mắt nhìn Tiêu Phong, nàng nghĩ thầm, sao cô tiểu di tử này coi nhẹ vụ nam nữ phải cách biệt quá vậy!
Tiêu Phong nhăn mặt, rầy rà:
- A Tử, muội bỏ cái thói giận lẫy trẻ con đó đi! Trời không còn sớm suả gì nữa, muội mau mặc áo vào rồi còn đi về chỗ Công chúa kìa!
- Không! Tại sao ông này cứ chăm chăm đuổi người ta về hoài vậy? Mới sớm hôm nay, ông kể chuyện có lần đã ngày đêm bế bồng người ta trong tay, sao bây giờ cứ khăng khăng muốn quăng muốn vất người ta! - A Tử càu nhàu.
Thì ra huynh và cô ấy đã từng có lúc khá gần gụi vậy sao??? Tân Nguyệt nhìn chằm chặp vào Tiêu Phong, trong lòng nàng rắm rối như khi nàng trộn đủ thứ đồ gia vị vào quậy chung trong một cái hũ, để cuối cùng tuyệt không nếm biết mùi vị nó ra sao!
Tiêu Phong nhìn nét giận dỗi trên gương mặt kiều diễm của A Tử, mường tượng thuở A Châu hồi còn sống, ông nghĩ đến tình cảnh trước đây đã có lần lỡ tay kích nàng một chưởng khiến nàng gần tuyệt mạng, trong lòng ông mềm lại, bèn nhỏ nhẹ khuyên:
- Muội mặc áo vào đi, khéo muội nhiễm lạnh đấy!
A Tử thấy Tiêu Phong xuống nước, cô bèn ngoan ngoãn mặc áo vào, rồi đứng dậy, nói:
- Tỷ phu, huynh cũng đi nghỉ đi thôi, muội về đây! - nói xong, cô miễn cưỡng chống gậy đi cà nhắc cà nhắc ra ngoài.
- Chân muội hãy còn đau lắm sao? - Tiêu Phong lo lắng hỏi nhỏ.
A Tử dừng bước, cười cười:
- Đã thấy khá hơn nhiều rồi, độ vài bữa nữa có thể dẹp bỏ cái gậy này!
Tiêu Phong đứng lên, bảo:
- Chờ đấy, để ta đưa muội về, kẻo vô ý để vỡ miệng vết thương ra thì khốn!
- Để muội lo cho cô ấy, huynh hôm nay khá vất vả, sao huynh không đi nghỉ đi?. Tân Nguyệt vừa nói, vừa bước nhanh đến, đưa tay đỡ A Tử.
- Ừ . . Công chúa giúp cho, phiền Công chúa thay ta chăm lo A Tử nhiều nhiều vậy.
Tiêu Phong không vồn vã quá, ông muốn tránh làm tình cảm A Tử với ông có cơ hội thêm sâu đậm!
Sáng sớm hôm sau, A Tử đang ngủ, cô bị một hồi tù và đánh thức dậy. Cô chuyển từ thế ngồi trên giường, định đứng lên, thì thấy Công chúa quần áo tề chỉnh, trên tay cầm một cây cung, nàng có vẻ chuẩn bị ra ngoài. A Tử hỏi:
- Công chúa đi đâu sớm thế?
Tân Nguyệt quay lại, mỉm cười, hỏi:
- A Tử dậy rồi đấy ư? Trên mình cô nương đang mang thương tích, sao cô nương không cố ngủ thêm tí nữa đi?
A Tử nhăn nhó:
- Thổi tù và sớm và ồn, rền rĩ như tiếng quỷ gào sói hú, ngay người chết cũng phải nhỏm dậy!
Tân Nguyệt cười khúc khích:
- Ừ ... tệ thật ... bọn họ vô ý đánh thức A Tử cô nương, cô nương rộng lượng, xin đừng để bụng!
- Nhưng mới sáng sớm đã thổi tù và chi vậy? Bộ các người sắp đi đánh nhau?
- Không phải đi đánh nhau, là đi săn đấy!
- Đi săn gì mà triệu tập quân tướng rầm rộ, xem ra chỉ có Mông Cổ các người mới làm ăn kiểu đó!
Tân Nguyệt cười cười nói:
- Là cô nương không biết đấy thôi! Hôm nay ngày lễ hội săn truyền thống của Mông Cổ ta, Tứ ca đã phân chia quân sĩ thành ba đội, mỗi đội cử ra thợ săn giỏi nhất tranh tài săn bắn! Bây giờ là lúc bọn ta tập họp ba đội, chuẩn bị xuất phát.
- Tỷ phu của ta thì sao? Huynh ấy có đi không?
Cái trò nhiệt náo này, dĩ nhiên A Tử rất ham đi xem, nhưng nếu Tiêu Phong không tham dự, cô cũng bớt thấy hứng thú chen vào.
Tân Nguyệt cười, đôi má lúm đồng tiền rạng rỡ:
- Tiêu đại tướng quân dĩ nhiên phải có mặt rồi, huynh ấy làm Đại tướng quân, quân sĩ dưới quyền đều dự vào hội săn, làm sao huynh ấy không theo giúp tăng sĩ khí họ cho được?
- Vậy ta cũng đi nữa! - A Tử bước ra khởi giường, cô hấp tấp mặc áo vào người, miệng cô không ngớt ca cẩm:
- Vậy tại sao cô nương đã không chịu đánh thức ta dậy sớm?
- Tỷ phu cô nương nói chân cô nương chưa lành, cô chưa cưỡi ngựa được, bảo để cô nương nghỉ lại nhà, nên ta mới không gọi cô nương dậy sớm.
A Tử trợn mắt:
- Ai nói ta không cưỡi được ngựa? Ta ... ta đã khá nhiều rồi!
Tân Nguyệt khuyên:
- A Tử, cô nương đừng liều lĩnh ... thân thể là quan trọng hơn!
A Tử cbĩu môi, cô khăng khăng:
- Không! Ta nhất định phải đi xem cái trò nhiệt náo này, nằm khoèo hoài ở đây, thật buồn muốn chết!
Tân Nguyệt trầm ngâm một lúc, nàng thấy A Tử cương quyết đòi đi, chẳng biết làm sao, đành nói:
- "Được, ta đưa côi đến gặp tỷ phu của côi, nhưng huynh ấy có cho đi theo hay không, ta không bảo đảm!
A Tử được Tiểu Nhạn giúp thay đổi y phục, chải sơ đầu tóc, cô bồn chồn nói:
- Cứ đi, mấy người cứ để ta đi theo, tự ta sẽ có cách.
Nàng chống gậy lò dò bước đi vài bước, bỗng đứng lại, vất cây gậy đi, nói to:
- Tiểu Nhạn, cô đỡ ta, giúp ta đi đứng, ta không cần cái thứ phiền phức này nưã!
Tiểu Nhạn cười hì hì, lại gần bên, đưa tay dìu:
- A Tử tiểu thư, cô nương cũng thích săn bắn lắm à?.
A Tử đáp:
- Đi săn thì ít thích hơn tham dự náo nhiệt, ta nhất định phải đi xem qua!
Lúc đó Tiểu Vân bước từ ngoài vào, mang trên tay tấm áo ngự hàn lót lông màu tím. Tân Nguyệt cười nói:
- A Tử, áo ấm cô nương đã may xong rồi đấy ... Tội nghiệp ông thợ may đã bỏ công thức suốt đêm qua kịp làm cho cô áo ấm đấy!
A Tử mặc áo vào, thật vừa vặn, nàng nhìn Tân Nguyệt cười, nói:
- Cảm ơn Công chúa nhiều, nếu không phải chính Công chúa cô nương đích thân mở kim khẩu ra lệnh, chắc gì ông ta đã may nhanh chóng được vậy!
Tiểu Nhạn cắt lời A Tử, nói:
- Cái đó là đương nhiên rồi! Cô nương không biết đâu, để sớm có áo cho cô nương, Công chúa đã sai người về thành đón thợ may lên đây đấy! Tại Công chúa thúc hối quá sức, nghe nói trên đường lên đây đã chết mất một con ngựa!
- Đâu có chết đâu! Nhỏ này nói xàm! Chỉ là con ngựa sùi bọt mép trắng xoá thôi! - Tiểu Vân cất tiếng cãi lại.
Tân Nguyệt nạt:
- Được rồi, đừng cãi cọ nữa, còn không đi ngay, cả đoàn Tứ ca sắp lên đường rồi kia.
Rồi Tân Nguyệt tiếp:
- Tiểu Nhạn, mi và A Tử cưỡi chung một ngựa, Tiểu Vân và ta cưỡi một con.
Nói xong, nàng ra ngoài lều, đã thấy tuỳ tùng dắt sẵn ngựa đang chờ ở đấy, Tân Nguyệt lên yên ngồi, sai Tiểu Vân và Tiểu Nhạn giúp đỡ A Tử lên lưng ngưạ, rồi cả đòan giục ngựa nhắm hướng doanh trướng của Hốt tất Liệt. A Tử ngồi sau Tiểu Nhạn, cô không dám vận sức vào chân, chỉ biết vòng tay ôm chặt vào eo lưng Tiểu Nhạn.
--- Xem tiếp hồi 29 ---
Truyện khác cùng thể loại
73 chương
29 chương
78 chương
22 chương
37 chương
18 chương
19 chương