Thập niên 60: làm giàu, dạy con

Chương 226 : Không thể sinh thêm con

Lâm Thanh Hoà không hề biết mục tiêu lớn nhất hiện giờ của con trai cả là thi đậu đại học, có công ăn việc làm ổn định, tích cóp tiền mua một căn nhà. Nếu biết thì thể nào cô cũng phì cười trước sự ngô nghê của con trẻ. Bởi sinh viên có tiêu chuẩn riêng, không cần tự bỏ tiền mua mà sẽ được đơn vị công tác phân nhà ở. Đừng vội nghĩ hàng tặng mà đểu nha, chế độ đãi ngộ cho sinh viên rất cao, toàn được cấp nhà tốt cả đấy. Năm nay tuyết tới trễ. Mãi tới cuối tháng 11 Âm lịch, những bông tuyết đầu mùa trắng tinh mới chậm rãi rơi xuống. Hôm nay Lâm Thanh Hoà nhàn rỗi không có việc gì làm cho nên tranh thủ ngồi trong phòng luyện phát âm tiếng Anh. Chỉ còn đôi tháng nữa là bước sang năm 76, qua một năm nữa là tới năm 77, chính là thời điểm khôi phục kỳ thi tuyển sinh Đại học. Tính kỹ ra thì chỉ còn hơn 1 năm nữa thôi, chẳng mấy mà tới rồi, nhanh lắm! Lâm Thanh Hoà đang cắm cúi vào sách vở thì ba cha con Chu Thanh Bách đẩy cổng chính bước vào, mặt mũi người nào người nấy đều đỏ ửng, hai thằng nhóc Nhị Oa và Tam Oa còn thở phì phò rất khoa trương. Hoá ra là mới đi chạy bộ thể dục về. Nghe tiếng động ngoài sân, Lâm Thanh Hoà thu sách lại rồi bước ra, vừa nhìn thấy ba gương mặt đỏ ửng, cô không nhịn được lên tiếng cằn nhằn: “Cả ba cha con trước khi ra cửa không biết bảo nhau thoa kem bảo vệ da, hả?” Mắng xong, cô liền xoay người vào phòng lấy hũ kem ra, à tất nhiên vẫn theo lệ cũ Nhị Oa và Tam Oa tự soi gương mà thoa, chỉ có mỗi Chu Thanh Bách có đặc cách được vợ thoa cho. Nhị Oa vừa bôi bôi trét trét vừa nói: “Mẹ ơi, vừa nãy cậu út sang, rủ cha lên núi đánh gà rừng, con cũng muốn đi theo.” Tam Oa lập tức nói: “Anh đi con cũng đi.” Nhị Oa sợ thằng em cản chân, vội vàng nói: “Mày ở nhà đợi ăn là được rồi.” Nó đòi theo thể nào mẹ cũng ra lệnh ở nhà hết là tịt cả lũ. Tam Oa nào có chịu: “Em tự mình đánh được, không cần chờ ăn của anh. Xí!” Nhị Oa tức muốn hộc máu, cái thằng phá đám này! Tức cái gì mà tức? Tam Oa ngó lớ thằng anh đang hầm hầm hè hè bên cạnh, trực tiếp giương ánh mắt cầu xin về phía mẹ đại nhân. Lâm Thanh Hoà trừng mắt phán một câu: “Không cãi qua cãi lại nữa. Ngày mai mẹ làm bánh nếp nhân đậu, rất nhiều việc, cả hai đứa ở nhà phụ mẹ không đứa nào được đi đâu hết.” Nhị Oa vẫn cố vớt vát: “Mẹ~, lần trước anh cả được đi theo còn gì…” Lâm Thanh Hoà: “Nó đi 1 lần mà bây giờ nghĩ lại mẹ vẫn còn thấy sợ đây này. Không mè nheo nữa, cả hai ngoan ngoãn ở nhà cho mẹ. Trời mưa tuyết ở trong nhà ấm áp không sướng thì thôi còn cứ nhào ra ngoài làm cái gì? Hai đứa mày rảnh quá ha, toàn đòi cái gì đâu không à!” Ngày hôm sau, Chu Thanh Bách cùng cậu ba Lâm lên núi săn. Nhị Oa và Tam Oa bị bắt ở nhà hỗ trợ mẹ làm bánh. Bà Chu cũng sang phụ một tay. Bánh nếp nhân đậu là loại bánh được ăn phổ biến nhất vào mùa đông, vị rất ngon, cả nhà ai cũng thích. Vừa làm bà Chu vừa tám chuyện với con dâu: “Không biết đứa nào gây nghiệt, mới phát hiện kho lúa lại bị khoét một lỗ.” Vì Lâm Thanh Hoà bận đi dạy học cho nên nắm bắt tình hình thời sự trong thôn rất chậm. Vừa nghe mẹ chồng kể, cô cũng bị chấn kinh: “Trời đất, dám động tay động vào kho lúa đại đội, chán sống à?” Tội này nặng lắm luôn, ăn cắp lúa mà bị bắt là xử tử ngay tại chỗ không nói nhiều. Bà Chu: “Chứ còn gì nữa, nhưng mà lại chưa bắt được mới tức chứ.” Bà cũng rất căm hận hành vi trộm cắp bất lương này. Kẻ này quá tán tận lương tâm rồi, không đáng tha thứ! Lâm Thanh Hoà nhíu mày suy tư, hiện tại là thời kỳ tư tưởng tác phong bị thắt chặt vậy mà vẫn có kẻ dám dở trò trộm cắp, thử hỏi về sau mở cửa sẽ còn loạn tới cỡ nào nữa, cô có thể tưởng tượng ra cảnh quần ma loạn vũ (*) đang tới rất gần. (*) Quần ma loạn vũ: Là một thành ngữ dùng để ám chỉ những nhóm người mang tậm địa độc ác, vì lợi ích cá nhân, cấu kết với nhau gây nhiễu loạn trật tự xã hội. “Con bảo, có khi từ giờ trở đi lúc con đi dạy, mẹ phải qua đây coi nhà giúp con nhé.” Tuy rằng trong nhà đã có Phi ưng nhưng cô vẫn cảm thấy có người ở nhà sẽ yên tâm hơn. Bà Chu cười xoà, cho rằng con dâu lo lắng thái quá: “Trong thôn mình thì không sợ, hàng xóm chung quanh đều có người, Phi Ưng sủa 1 tiếng là nghe thấy liền, nhưng yên tâm đi, mẹ sẽ thường xuyên chạy đi chạy lại coi chừng.” Lâm Thanh Hoà không nói gì tiếp, chỉ gật đầu, dù sao thì cái này không tiện giải thích rõ ràng với mẹ chồng. Chạng vạng tối, Chu Thanh Bách với cậu ba Lâm về, trên tay mỗi người xách vài con gà rừng. Cậu ba Lâm chỉ lấy 2 con, còn lại bao nhiêu để hết lại nhà chị Thanh Hoà. Lâm Thanh Hoà hầm nồi canh bồi bổ cho cả gia đình, mùa đông là không thể lơ là việc chăm sóc, tăng cường sức khoẻ được. Nhớ mùa đông năm ngoái, ông Chu ngã bệnh làm cả nhà hú vía 1 phen. Tuy bệnh tình đã qua khỏi và sức khoẻ được hồi phục như cũ nhưng năm nay ông chỉ dám nhận 6 phần công điểm thôi. Già cả rồi, có tuổi rồi, phải biết lượng sức mình, không thể đua với lớp thanh niên trai tráng được. Chớp mắt một cái, đã bước vào tháng cuối cùng của năm. Sáng sớm mở cửa ra nhìn thấy cả khoảng sân trước nhà được phủ một lớp tuyết dày, trắng xoá. Cả gia đình đang ngồi cùng nhau ăn cơm sáng thì thím Hoàng ở cách vách chạy sang gõ cửa hỏi đường đỏ. Chả là tối qua con dâu thím ấy lại sinh thêm được một thằng cu, đường đỏ rất khó mua cho nên cố tình sang hỏi mượn Lâm Thanh Hoà. Lâm Thanh Hoà liền nói: “Nhà cháu chỉ còn có 1 cân, lại đang tính dùng cho nên chỉ có thể để lại cho thím nửa cân thôi.” Thím Hoàng tươi cười niềm nở: “Tốt quá, nửa cân là đủ rồi. Thật ra nhà thím cũng muốn chuẩn bị từ sớm rồi ấy chứ nhưng đường đỏ khó mua quá, lần nào đi hỏi người ta cũng bảo hết hàng.” Lâm Thanh Hoà đi vào nhà lấy nửa cân đường đỏ ra đưa cho thím Hoàng. Thím Hoàng định đưa nhiều tiền hơn một chút nhưng Lâm Thanh Hoà chỉ thu đúng theo giá gốc. Thím Hoàng hơi khó xử: “Cô giáo Lâm đừng khách khí với thím mà. Thím biết mình được ưu ái, chứ người khác thì làm gì được, thế nên chỗ tiền này nhất định cô Lâm phải cầm mới được.” Lâm Thanh Hoà mỉm cười: “Sinh em bé là chuyện vui. Cháu không thích như thế này đâu, nếu thím còn cứ như vậy thì lần sau thím lại đây cháu sẽ nói thẳng là không có đấy.” 2 hào chẳng đáng là bao lại còn là hàng xóm cách vách thân tình. Lâm Thanh Hoà đời nào lại thu thêm tí tiền chênh lệch để rồi người ta có cớ nói ra nói vào. Cái nào nặng cái nào nhẹ, không cần suy nghĩ cũng biết nên chọn bên nào có lợi về lâu về dài. Thím Hoàng cười tít mắt, cất tiền vào túi áo rồi nói: “Vậy cảm ơn cô giáo Lâm nhá.” Lâm Thanh Hoà cũng cười: “Hàng xóm láng giềng giúp đỡ nhau nói ơn huệ làm gì, nếu đổi lại là cháu thì thím cũng sẵn lòng giúp mà, phải vậy không?!” Thím Hoàng rối rít cảm ơn rồi cầm bọc đường ra về. Lâm Thanh Hoà quay trở vào nhà tiếp tục ăn cơm. Bà Chu nhịn qua bữa cơm, đến lúc chỉ có hai mẹ con bà mới kéo Lâm Thanh Hoà ra nói thầm: “Cái bà đó đúng là, biết con dâu sắp sinh sao không lo đi Cung tiêu xã mà mua trước đi, cứ qua bên này đổi riết thành quen.” Đúng là hai nhà đi lại gần gũi, quan hệ giữa bà Chu với bà Hoàng cũng không tệ nhưng bà Chu rất không hài lòng, rõ ràng nhà đó cố tình lại đây chiếm tiện nghi, lỡ làng thì chỉ 1 lần thôi chứ, ai đời cứ lỡ hoài, đẻ lần nào cũng lỡ! Cung Tiêu Xã của Công Xã không có thì chạy lên Cung Tiêu Xã trên Huyện thành, đi 1 lần không mua được thì đi vài lần, không lẽ lần nào cũng hết? Rõ ràng là lười, ngại đi lại vất vả chứ gì nữa. “Một chút đường đỏ thôi mà mẹ, kệ đi.” Lâm Thanh Hoà cười trừ, xoa dịu mẹ chồng. Chuyển nhỏ ấy mà, tính toán chi cho mệt, hơn nữa cô có ưu thế hơn người vì quen biết Thẩm Ngọc, muốn mua cái gì là có thể mua được cái đó. Ngay như sữa bột khan hiếm như vậy mà cô vẫn có thể mua được. Chỉ cần đặt trước Thẩm Ngọc, khi nào có hàng chắc chắn cô ấy sẽ giữ lại cho 2 túi. Tất nhiên muốn mua nhiều thì không được, chỉ tối đa 2 túi mà thôi. Tuy nhiên như thế cũng là tốt lắm rồi. Còn đường đỏ này thì đúng là cô phải đi lên tận Cung Tiêu Xã mới mua được thật vì 20 cân đường đỏ chuyển từ hiện đại tới đã dùng hết sạch rồi, thế nhưng cô có xe mà, đạp tí là đến nơi, không mệt. Bà Chu cũng chỉ nói 2 câu cho bõ tức thôi chứ thật tình không để bụng. Lát sau, không biết ngẫm nghĩ thế nào tự nhiên bà lại nói: “Trong nhà có 3 anh em Đại Oa là đủ rồi. Đợi chúng nó trưởng thành, 1 người có thể làm bằng mấy người nhà khác.” Lâm Thanh Hoà vừa nghe là hiểu ngay, đây là mẹ chồng đang an ủi cô chuyện sinh con đẻ cái đây mà. Nếu bà biết sự thật là do mình tự động đi buộc ga-rô thì không biết sẽ ra sao nhỉ? Chắc bà sẽ giận cả đời mất. Hồi đó, Chu Thanh Bách đứng ra nhận nguyên nhân không thể sinh thêm con là do anh thế nên mẹ chồng mới sinh ra tâm lý áy náy với con dâu. Không thể phủ nhận một điều, nước đi này của Chu Thanh Bách quá cao tay, Lâm Thanh Hoà ngả mũ bội phục. Có đôi khi mẹ chồng nàng dâu mâu thuẫn, người con trai ở giữa phải xử sự sao cho khéo léo, thậm chí chấp nhận gánh tội thay thì mới mong gia đạo bình yên. Lâm Thanh Hoà mỉm cười nói: “Con cũng cảm thấy như vậy. 3 thằng nhà mình còn hơn 7, 8 đứa trẻ nhà khác.” Tốt rồi, có lời này của con dâu là bà yên lòng rồi. Bà Chu mỉm cười hiền hoà.