Thập niên 60: làm giàu, dạy con

Chương 172 : Anh ở nhà chờ em

Lâm Thanh Hoà: “Hiểu Mai sắp sinh đến nơi rồi, mẹ làm gì có thời gian…hmmm Chắc mẹ nấu giúp con nồi cơm thôi, còn thức ăn thì cứ để đó, hết giờ dạy con sẽ về làm.” Đích thân trải nghiệm mới triệt để thấu hiểu tầm quan trọng của công việc, đặc biệt là đối với phụ nữa đã kết hôn. Đây này, mấy ngày nay thái độ của mẹ chồng hoàn toàn khác, phải nói là khác tới nghiêng trời lệch đất. Không phải nói trước đây bà không tốt mà là cảm giác bây giờ như kiểu được mẹ chồng chiều chuộng cung phụng ấy. Tuy có chút dở khóc dở cười nhưng phải công nhận hiện giờ trong lòng cô xúc cảm đang dâng trào. Nhưng mà nói gì thì nói nấu cơm còn được chứ nếu để bà Chu nấu thức ăn…chắc có lẽ các thành viên trong nhà sẽ phản đối vì không hợp khẩu vị mất. Với lại Chu Hiểu Mai sắp sinh đến nơi rồi, ở cữ xong là sẽ ôm con về gửi, bà Chu làm sao lo xuể được mọi việc. Ý tứ của con dâu, bà Chu hiểu cả, cho nên bà chỉ gật đầu rồi nói: “Ừ, thế rau củ nguyên liệu này nọ mẹ sẽ ở nhà sơ chế trước, đợi con về rồi xào nấu sau.” Lâm Thanh Hoà đồng ý. Đại Oa với Nhị Oa đánh xong cỏ heo vừa lúc Chu Thanh Bách và ông Chu tan tầm. Mọi người cùng về nhà, Lâm Thanh Hoà bắt đầu thả sủi cảo vào nồi luộc. Bước sang tháng 8 rồi mà thời tiết vẫn còn oi bức cho nên Lâm Thanh Hoà nấu thêm một nồi chè đậu xanh. Để tới tầm 7 giờ tối toàn gia uống giải nhiệt trước khi đi ngủ. Ăn uống dọn dẹp xong xuôi, cuối cùng cũng hết một ngày, Lâm Thanh Hoà nằm trên giường tâm sự với Chu Thanh Bách. Lâm Thanh Hoà: “Bây giờ mọi người cứ khen em tới tận trời, lỡ đâu em dạy không tốt, thì phải làm sao?” Chu Thanh Bách bật cười: “Không đâu.” Lâm Thanh Hoà nhoẻn miệng cười: “Anh tin tưởng em tới vậy cơ à?” Chu Thanh Bách: “Cả Đại Oa và Nhị Oa đều được em dạy rất tốt.” Cô dạy hai đứa con tốt như vậy, làm gì có chuyện sẽ không dạy tốt được học trò. Lâm Thanh Hoà liếc yêu một cái: “Thế nào, giờ còn ai nói anh cưới phải em là xúi quẩy nữa không?” Đáy mắt Chu Thanh Bách thâm tình: “Tất cả đều hâm mộ anh.” Ai cũng hâm mộ anh, ngay cả anh hai, anh ba cũng nói là hâm mộ anh. Khi còn nhỏ thì hâm mộ anh được cha mẹ cưng chiều, nhưng mà anh chẳng thấy mình được hơn bọn họ cái gì. Phân gia cất phòng đều là dùng tiền trợ cấp của anh gửi về mà. Sau đó thì hâm mộ anh có 3 thằng con trai, rồi hâm mộ bà xã nhà anh nấu ăn ngon, bây giờ lại tới lượt hâm mộ vợ anh biết kiếm tiền. Lâm Thanh Hoà nhướng mày thích chí: “Khen em thế nào cơ?” Chu Thanh Bách cười thành tiếng, yêu chiều kéo cô vợ nhỏ sát vào lòng, vòng hai tay ôm chặt như ôm bảo bối. Lâm Thanh Hoà thuận thế ghé đầu vào lồng ngực rắn chắc. Cô rất thích lắng nghe nhịp tim anh, từng nhịp đập mạnh mẽ vững chãi khiến lòng cô an yên đến lạ! Muốn dụ anh nói vài lời ngọt ngào âu yếm mà nghe chừng khó quá. Anh rất khờ trong lĩnh vực này, trước đây khờ, bây giờ vẫn khờ! Nhưng công nhận một điều anh đối với cô là toàn tâm toàn ý. Anh luôn bao dung che chở cô vô điều kiện, kể cả có những lúc cô kiêu căng tự mãn thì anh vẫn mở rộng lòng, thông cảm cô, yêu thương cô. Cô tin rằng gặp anh chính là duyên phận. Nhiều lúc tự hỏi không biết nếu chồng cô không phải là anh thì cuộc hôn nhân này sẽ đi về đâu?! Thú thực cô chịu, không tài nào tưởng tượng nổi! Lâm Thanh Hoà nũng nịu cọ vào lòng anh, nhẹ nhàng nói: “Thanh Bách, nếu sau này thi đại học được khôi phục, em cũng muốn thi, nếu đậu thì phải đi học đại học, một năm chỉ được về thăm nhà vài lần.” Chu Thanh Bách: “Anh ở nhà chờ em.” Lâm Thanh Hoà ngước mặt lên nhìn anh: “Anh biết ý em mà?!” Ý của cô là thuê phòng trọ và anh sẽ đi cùng cô. Chu Thanh Bách từ tốn phân tích: “Đi ra ngoài không có công ăn chuyện làm, nặng gánh lắm.” Không hiểu vì sao trong tiềm thức anh luôn tin những lời cô nói. Không biết từ đâu cô nghe được tin này nhưng có lẽ sau này nhà nước thật sự sẽ cho khôi phục thi đại học. Kể có như thế thật thì anh cũng không thể đi cùng cô được. Kế sinh nhai luôn là vấn đề lớn buộc con người ta phải đối diện. Lâm Thanh Hoà: “Nặng cái gì mà nặng. Em có rất nhiều tiền, cả phiếu nữa, không lo thiếu. Hơn nữa vào đại học sẽ được hưởng trợ cấp, không tốn một phân một cắc. Em thấy chả có gì đáng lo cả.” Chu Thanh Bách một mực lắc đầu: “Anh ở nhà đợi em.” Lâm Thanh Hoà chỉ nhìn anh, không tiếp tục tranh luận nữa. Cô hiểu tính tình anh, với lại còn vài năm nữa lận, bây giờ nói trước cũng chẳng để làm gì. Thôi, cứ tạm gác sang một bên đi. Một đêm đầu tháng 8 dương lịch, chị ba Chu sinh. Sáng sớm hôm sau Lâm Thanh Hoà nghe tin liền đưa qua một cân đường đỏ cùng móng giò. Đây là thói quen Lâm Thanh Hoà đã duy trì bao năm nay. Chỉ có chị hai Chu là không có thôi chứ bất kể chị cả hay chị ba hễ sinh con là nhận được một phần lễ vật từ Lâm Thanh Hoà. Thật trùng hợp, chắc hai đứa nhỏ hẹn nhau cùng chui ra khỏi bụng mẹ hay sao mà chị ba Chu mới sinh được hai ngày thì Chu Hiểu Mai cũng sinh. Lần này lại là con trai. Liên tiếp sinh hai trai, lợi hại! Tô Đại Lâm vui sướng tung trời chỉ có Chu Hiểu Mai là hơi hụt hẫng nhẹ vì cô ấy mong đứa thứ hai là con gái. Tô Đại Lâm hào hứng đi sắm sửa đồ ở cữ, cái gì cũng mua hai phần, 1 cho vợ và 1 cho chị ba Chu ở quê. Nhận lễ vật nặng tay, chị ba Chu cười tít mắt, 1 con gà, 1 rổ trứng còn có hai con cá lớn. À, lần này chị ba cũng sinh trai, thế là nhà chị có đủ hai trai hai gái. Đang mùa nước lên, cá tôm nhiều, anh ba Chu xuống công một cái là vội vàng đi thu lưới, ngày nào cũng có ít nhất 1, 2 con cá mang về cho vợ hầm ăn. Ở cữ được 1 tháng, Chu Hiểu Mai và Tô Đại Lâm ôm con về gửi bà ngoại. Thằng lớn tên Tô Thành, thằng thứ hai kêu Tô Tốn. Công nhận Tô Đại Lâm rất biết cách đặt tên con. Lần này về hai vợ chồng còn mang theo cả một con gà và một rổ trứng. Cái này là nhờ bà mợ của Tô Đại Lâm giúp đỡ, bằng không khó mà kiếm được. Hôm hai vợ chồng Chu Hiểu Mai về, Lâm Thanh Hoà không có nhà vì cô đã chính thức đi dạy học. Lần trước Tô Đại Lâm có về một lần đưa đồ nhưng vì vội đi quá cho nên chưa kịp biết chuyện Lâm thanh Hoà đã trở thành giáo viên trường Trung học Công xã. Vừa nghe tin, cả hai người trợn mắt há mồm! Khoa trương hơn cả là Chu Hiểu Mai, cô bội phục muốn ngất: “Không hổ danh chị dâu tư nhà ta, lợi hại, quá lợi hại. Haha! Em đã nói rồi mà, trong số tất cả các chị dâu Chu gia, không một ai có đầu óc linh hoạt bằng chị tư.” Trước đây, nếu không phải chị tư lanh lợi hơn người giúp cô đi cửa sau thì làm sao cô giành được công việc hiện tại. Tô Đại Lâm gật gù, anh cũng rất khâm phục chị dâu. Hai vợ chồng xoắn xuýt nói chuyện liên hồi. Không ai lo lắng liệu cô giáo Lâm tay ngang có đủ năng lực giảng dạy hay không, liệu có dạy bậy dạy bạ mà bị đuổi việc hay không. Họ chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu nhà trường đã công nhận thì chắc chắn chị tư đủ tư cách, nhất định sẽ dạy được.