Thập niên 60: làm giàu, dạy con

Chương 123 : khoảng cách giữa các thế hệ

Đưa cho chị Mai tem phiếu và tiền, Lâm Thanh Hoà cáo từ rồi chở thịt về. Hôm nay cô không đi tới cung tiêu xã mua bán gì mà một đường về thẳng nhà luôn, thế nên cả đi và về không tốn mấy thời gian. Còn sớm nhưng cũng chẳng được nghỉ ngơi vì phải bắt tay vào nấu cơm heo liền. Hai con heo trong chuồng đã lớn, rất ham ăn, chúng đang kêu éc éc ầm ỉ cả lên kia kìa. Một lúc sau, bà Chu ẵm Tô Thành sang. Bà đặt nhóc con vào phòng cho tự chơi rồi đi ra sân hỗ trợ con dâu. Lâm Thanh Hoà: “Có tí việc thôi ấy mà, mẹ cứ vào nghỉ ngơi đi.” Bà Chu: “Ôi dào, không cần nghỉ ngơi, ẵm cái thằng nhóc con thì mệt bao nhiêu chứ.” Bà đã muốn làm thì để bà làm, Lâm Thanh Hoà không khách sáo nữa, cô nhờ bà nấu cơm heo. “Sao sáng nay cha không sang đây ăn cơm hả mẹ?” Bà Chu hơi bất ngờ, không nghĩ con dâu lại hỏi một cách nhẹ nhàng thoải mái như thế: “Bữa sáng ông ấy ăn ở nhà cũng được.” “Hôm nào cũng phải thức giấc giữa đêm để ẵm nhóc con qua bên chị ba bú sữa, sáng sớm lại dậy nấu nấu nướng nướng nữa thì cực quá. Thôi từ mai mẹ cứ bảo cha qua con ăn sáng đi, đằng nào con cũng phải nấu cho Thanh Bách mà.” Cái này cô chưa hề thương lượng với Chu Thanh Bách nhưng phải công nhận một điều vợ chồng tâm linh tương thông. Bữa trưa với bữa chiều đã ăn ở bên này rồi, thêm một bữa sáng nữa có tính là gì. Bà Chu mừng ra mặt: “Được được, để hôm nay về mẹ nói với ông ấy.” Lâm Thanh Hoà: “Tí nữa buổi trưa đi đưa cơm con nói luôn cho.” Bà Chu cười rạng rỡ: “Được.” Lâm Thanh Hoà lấy miếng thịt nạc ra băm nhuyễn để làm nhân cho món bánh xuân. Bà Chu hơi buốt ruột nhưng cố gắng kìm lại không nói gì. Nó muốn thế nào thì cứ để nó làm đi, hôn nhân đại sự của ba thằng cháu nội đã có ông bà tích cóp cho rồi. Hơn nữa, xem ra sinh hoạt thường ngày nên như thế nào thì vẫn như thế ấy, có ông bà cũng giống như khi không có ông bà, ăn ngon vẫn ăn ngon, mua thịt vẫn mua thịt. Không phải vì gọi ông bà qua đây mà nấu nướng tuỳ tiện đại khái, cũng không sợ ông bà ăn tốn thức ăn. Tất cả những gì con dâu làm, bà đều nhìn thấy và ghi nhận. Trưa nay ăn bánh xuân, mặc dù thời tiết không còn xuân nhưng nuốt vào bụng vẫn ngon như thường. Nhân bánh gồm dưa chuột chẻ, thịt heo xào, hành lá xắt nhỏ. Ăn xong uống một chén canh trứng cà chua, mệt mỏi cũng phải tan biến bảy, tám phần. Lâm Thanh Hoà không quên nhắc với ông Chu về chuyện ăn sáng. Ông Chu cười nói sáng nay Thanh Bách cũng đã nói với ông rồi. Chu Thanh Bách ngồi bên yên lặng lắng nghe, khoé miệng cong cong, quả đúng là chỉ có vợ hiểu anh! Lâm Thanh Hoà mỉm cười, cái này người ta hay nói là “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn” đấy hả? Sau khi mọi người ăn no, cô đứng lên thu dọn bát đũa về nhà. Mấy ngày sau, nhà cô ăn thịt gà hầm. Cái này đã thành thông lệ rồi, cứ vào mùa gặt là cô sẽ thịt hai con gà, cách nhau tầm nửa tháng, để bồi dưỡng cho mọi người. Kể cả bà Chu, người không tham gặt hái gì cũng vẫn có phần. Cuối cùng cũng gặt xong, toàn đại đội thoải mái thở phào. Buổi tối, nằm trên giường đất, hai bạn già tâm sự với nhau. Bà Chu: “Tôi lại cứ bảo làm sao vợ thằng tư lại gầy thế, hoá ra mỗi bữa nó ăn có tí cơm, chẳng trách…” Vì ăn chung nên bà mới nhìn thấy, mỗi bữa con dâu chỉ ăn có một chén cơm hoặc nửa cái màn thầu, toàn ăn rau xanh, thịt thà gì đó đều nhường tất cho chồng với mấy đứa con. Nếu nói vợ thằng tư giả tạo, nguỵ trang trước mặt ông bà thì đó là chuyện nực cười nhất trên đời. Trước tới giờ nó luôn là người thẳng thắn, có chuyện gì mà nó không dám làm, diễn làm chi cho mệt. Có vẻ nó thích ăn rau củ quả thật, cứ hễ rảnh tay là bà thấy nó cầm trái cà chua hay quả dưa chuột nhai rôm rốp. Ông Chu cũng dần dần có cái nhìn khác về cô con dâu này: “Ừhm, không tệ.” Kể từ ngày thằng tư xuất ngũ về nhà tới nay, vợ nó thay đổi hẳn. Tuy rằng tốn khá nhiều tiền vào vấn đề ăn uống nhưng tất cả đều vào bụng con trai ông và mấy đứa cháu nội. Đứng dưới góc độ của cha mẹ chồng, còn mong gì hơn thế? Bà Chu gật đầu tỏ ý tán thành với cách nghĩ của ông bạn già. Bà nói: “À, mà kể cũng lạ, thằng nhóc Tam Oa cũng đã lớn tướng rồi, sao chưa thấy vợ thằng tư có tin vui gì nhỉ?” Ông Chu: “Sinh ba thằng con trai rồi còn sinh gì nữa, hôm nào bà bảo nó đi buộc ga-rô đi.” Tích cóp tiền cưới cho ba thằng chưa đủ mệt sao, bà còn muốn thêm? Bà Chu nhỏ giọng: “Thì tôi có nói sinh nam đâu, ý tôi là sinh thêm đứa con gái kìa.” Ông Chu: “Chuyện này bà đảm bảo được hả? Lỡ đâu lại tòi ra thằng cu thì làm sao?” Bà Chu đang định nói “càng tốt chứ sao, đời thuở có nhà nào chê con trai nhiều?” thì chợt khựng lại… Khoan, đó là nhà người ta chứ nhà thằng tư thì khác à. Cái bụng của vợ nó nhạy vô địch, bầu là đẻ con trai. Mà với cái tật vung tay quá trán của mẹ nó thì chẳng thể trông mong gì, lại làm tội hai ông bà già này thôi. Cả hai ông bà đều đã ngoài 60, chỉ còn cố được vài năm, chắt chiu hết mức cũng không đủ lo sính lễ cho cả 4 thằng. Kham không nổi, thôi, tốt nhất là buộc lại cho chắc cú. Bên này, Lâm Thanh Hoà không hề hay biết cha mẹ chồng đang phiền não vì chuyện chung thân đại sự của mấy đứa nhóc nhà mình. Hai vợ chồng cô mới vừa vận động nâng cao tình cảm xong nên có chút mệt mỏi. Trước khi chìm vào giấc ngủ, cô vẫn không quên phàn nàn một câu: “Sao anh chả bao giờ chịu nghỉ ngơi tử tế thế nhỉ?!” Chu Thanh Bách thoả mãn cả thể xác lẫn tinh thần, ôm vợ vào lòng, nói: “Thì anh đang nghỉ ngơi đây còn gì.” Đã bước vào tháng mười âm lịch, thời tiết bắt đầu se se lạnh, cô ngoan ngoãn để anh ôm không còn lẩn như hồi hè nữa: “Kệ anh, bắt đầu từ ngày mai mấy việc ở hậu viện anh phải làm hết đấy, em không làm nữa đâu.” Chu Thanh Bách đồng ý, gặt xong hết rồi, kể cả vợ muốn làm, anh cũng không nỡ. Sau đó anh đặt vấn đề đi bệnh viện kiểm tra. Lâm Thanh Hoà đáp cho qua chuyện: “Đợi mùa đông rồi tính tiếp.” Để nghĩ xem tới lúc đó giải thích với anh ấy thế nào. Tâm nguyện của anh, cô hiểu chứ, thật lòng mà nói cô cũng rất muốn sinh con với anh, nhưng sự thật không thể thay đổi. Lâm Thanh Hoà: “Ngủ thôi anh.” Thuyền tới đầu cầu ắt thẳng, chuyện sau này để sau này tính, giờ thì cứ ngủ đi đã, ngày mai là ngày phân lương, cô còn phải tranh thủ mua thêm lương thực đem lên chợ đen bán kiếm chút tiền lời. Hôm sau, đại đội phân lương, mọi người nô nức y như đi hội vậy. Lâm Thanh Hoà đi cùng với Chu Thanh Bách, đợi lát nữa sẽ mượn xe đẩy của Chu Đông đẩy lương thực về nhà. Ông bà Chu giao hết định mức nhà mình cho Chu Thanh Bách. Hôm nay anh sẽ lĩnh cả phần của ông bà rồi mang về nhà mình luôn. Nhìn thấy Chu Thanh Bách đổi công điểm cho cha mẹ chồng, rồi điềm nhiên xếp hết lên xe, Lâm Thanh Hoà: “……” Là sao trời? Cô đâu có ý định ôm luôn chuyện cơm nước vào người đâu? Vốn dĩ từ đầu chỉ đơn thuần là thấy mùa màng cực nhọc quá nên cô mới có ý định giúp đỡ ông bà mấy hôm. Cô suy nghĩ rất đơn giản, nấu nhiều nấu ít cũng là nấu, đằng nào hàng ngày cũng phải nấu cơm rồi đi đưa cơm cho nên tất cả chỉ là thuận tiện thôi. Nhưng có vẻ chuyện này phát triển hơi bị nhanh và xa thì phải! Dường như cả hai ông bà và Chu Thanh Bách đều nhận định không phải vài ngày mà là từ giờ trở về sau sẽ ăn chung luôn. “Sao vậy?” Chu Thanh Bách thấy vợ đứng tẩn ngần nãy giờ thì lại gần hỏi. Lâm Thanh Hoà nâng mí mắt, đối diện với bộ dáng điềm nhiên, như kiểu chuyện thường ngày ở huyện thì đành câm nín, trong lòng than thầm “Đúng là giữa các thế hệ luôn luôn tồn tại khoảng cách,..” Ok, chốt kèo! Chỉ cần bà Chu đừng can thiệp quá sâu vào mọi chuyện, hoặc đừng suốt ngày càm ràm bên tai rằng ăn uống xa xỉ với cả lãng phí là được. Nếu không may điều đó xảy ra, cô sẵn sàng đưa mọi thứ trở về nguyên dạng.