Chương 7 Bà lão đứng trước am thờ chắp tay khấn nguyện. Bên cạnh bà lão là thằng bé chừng sáu tuổi. Bà lão tướng mạo phục phịch, mang đồ bộ màu đen, bên ngoài khoác áo len mỏng màu đỏ, chân đi dép tổ ong, đầu đội nón lá. Tụi em đến gần làm thằng bé hoảng sợ, nó níu lấy tay áo của bà. Bà lão quay lại nhìn em và Khôi Nguyên. Gương mặt của bà rất phúc hậu, em đoán bà cũng ngoài bảy mươi rồi. Khôi Nguyên rất nhanh nhẹn, ảnh bắt chuyện ngay. - Cháu chào bà ạ! Bà lão phúc hậu đáp lại: - Chào cô cậu! - Bà hình như không phải người đây? - Trước kia bà từng ở đây. - Bà lão đáp. Em thấy mắt anh Nguyên sáng lên. - Cháu là Khôi Nguyên, còn cô ấy là Ngọc Diệp, chúng cháu đang sống ở căn nhà trên kia. - Anh Nguyên vừa nói vừa chỉ tay lên đồi trà. Nét mặt của bà lão có chút ngạc nhiên. - Bà là bà Hiền từng làm osin ở đây một thời gian khá dài. Hai mươi năm rồi mới có dịp quay trở lại chốn cũ, hai bà cháu đi thăm mấy người quen xong tiện thể ghé lên thắp cho cô Hoàng Lan một nén nhang. - Cô Hoàng Lan? – Em thốt lên. Bà Hiền tròn mắt nhìn tụi em, sau đó mỉm cười hồn hậu hỏi tụi em: - Chắc cô cậu là người mới đến? - Dạ. - Em đáp. - Bà ơi, nếu bà không bận việc gì, tụi cháu mời bà lên nhà ngồi uống chén trà, rồi nói chuyện. Cháu và Ngọc Diệp mới đến đây ở được mấy hôm nên chưa rành lắm, bà thông cảm cho. - Khôi Nguyên mời bà Hiền lên nhà chơi, em thừa hiểu ý định thật sự của anh ấy là gì. - Cô cậu không mời bà, thì lát nữa bà cũng lên xin phép cô cậu cho bà thăm lại nơi ở khi xưa của bà. - Bà…bà vừa nói… nói gì kia ạ…nơi ở khi…khi xưa của bà lại là… - Em kinh ngạc nói lắp bắp. - Cô cậu không biết đấy thôi, ngày xưa bà từng làm osin ở căn nhà đó. Em còn nhớ rất rõ hành động của Khôi Nguyên khi đó, anh ấy chạy đến nắm tay bà Hiền, nói: - Bà đến đúng lúc lắm! Tụi cháu đang cần bà giúp đỡ. - Nói rồi, anh Nguyên quỳ xuống trước am thờ, vái: - Tạ hồn thiêng cô Hoàng Lan, tôi nhất định sẽ rửa oan cho cô. Cả em và bà Hiền điều ngỡ ngàng trước hành động của Khôi Nguyên. Nhưng không có thời gian để đứng lại đó nói chuyện, anh Nguyên hối thúc em và bà Hiền dắt theo thằng bé khẩn trương lên nhà. --- Bà Hiền dạo xem mọi ngõ ngách trong căn nhà (nơi ngày xưa bà từng ở) Theo như lời kể của bà Hiền, bà mới dưới quê lên thành phố thăm con. Đã có ý định sẽ đi thăm lại những nơi ngày xưa mình từng sống và làm việc. Gặp lại những con người cũ ôn lại chút kỷ niệm, phải cái bệnh đau cột sống hành hạ nên ngại đến đây, những nơi khác thì bà đã đi hết rồi. Em pha một ly trà đặc sánh đưa cho bà Hiền, và không quên hỏi lại bà, có uống được trà đậm không? Nếu không thì để em đi pha lại ly khác. Bà Hiền mỉm cười: - Cám ơn cháu, rất hợp với khẩu vị của bà. Thằng bé (cháu của bà Hiền) rất ngoan, nó ngồi im một chỗ chơi với con gấu Misa em vừa đưa cho. - Chuyện là như vậy đó, đêm qua bà nằm mơ thấy cô Hoàng Lan đang ngồi khóc. Có lẽ cô ấy trách bà đã đi thăm nhiều nơi mà không ghé đến thăm cô ấy. - Bà Hiền chia sẻ. - Không lẽ... cô Hoàng Lan lại được chôn cất ở đó ạ? - Em hỏi. - Cô ấy được chôn ở nghĩa trang Du Sinh. Nhưng bà tin rằng oan hồn cô ấy vẫn nằm lại chỗ đó; nơi cô ấy trút hơi thở cuối cùng. - Hồi trước có cây đa đúng không bà? - Em tiếp tục hỏi bà Hiền. - Đúng rồi cháu. - Vì sao nó bị chặt vậy bà? - Họ thích thì họ phá, họ muốn thì họ chặt vì họ là ông trời mà. - Thái độ của bà Hiền rất bất bình. - Xin bà kể lại cho tụi cháu nghe đầu đuôi câu chuyện về cô Hoàng Lan. - Khôi Nguyên nói. - Tại sao cô cậu lại muốn nghe về câu chuyện bi kịch đó? Bà Hiền hỏi lại tụi em. Hình như bà ấy vẫn còn băn khoăn về hành động kỳ lạ của Khôi Nguyên khi nãy. Khôi Nguyên không giấu giếm gì, anh ấy nói cho bà ấy biết mình là thám tử, và kể lại những chuyện em gặp phải cho bà Hiền nghe. Nghe xong, bà Hiền rùng mình. Ngồi lặng gần năm phút đồng hồ, sau đó bà mới lên tiếng: - Tội nghiệp cô Hoàng Lan, cô ấy mất khi còn quá trẻ. - Ánh mắt bà thương cảm, bà nói tiếp: - Chủ nhân thực sự của căn nhà này là ông Trịnh Vỹ chứ không phải bà Thùy Dung như bây giờ. Ông Trịnh Vỹ qua đời trong hoàn cảnh không còn vợ con, nên quyền thừa kế thuộc về người thân nhất của ông là bà Thùy Dung; em ruột của ông Trịnh Vỹ. - Vậy còn căn nhà ở bên kia đồi trà, trước đây cũng thuộc về tài sản của ông Trịnh Vỹ sao ạ? - Khôi nguyên điều tra. - Đúng vậy. Cô cậu có biết lý do ông Trịnh Vỹ xây căn nhà này không? Cả em và Khôi Nguyên đều lắc đầu. Bà Hiền tiếp tục: - Thực ra, căn nhà này xây là để dành cho bà Thùy Dung. Phải số của ông Trịnh Vỹ không may mắn lắm, vợ thì mất sớm, lại có một người em như bà Thùy Dung. Bà ấy mắc phải bệnh tâm thần phân liệt, về chuyện bà ấy mắc bệnh thì có lần bà nghe ông Trịnh Vỹ nói: Năm lên 10 tuổi, trong một buổi chiều mưa rất lớn, bà Thùy Dung bỗng dưng lên cơn động kinh; và kể từ đó bà ấy phải sống với căn bệnh thần kinh, thường xuyên thay đổi khí sắc và có những biểu hiện khác thường. Ông Trịnh Vỹ đã phải rất khổ sở khi nuôi nấng, chăm lo cho bà Thùy Dung; và phải đề phòng bà ấy vô tình làm ảnh hưởng đến con gái độc nhất của mình là cô Hoàng Lan. Khi nghe bà Hiền kể về mụ yêu tinh Thùy Dung, em nhớ lại câu nói của Khôi Nguyên hồi sáng. Anh ấy đã đưa ra một phán đoán rất chính xác về bà Thùy Dung, điều đó càng làm em tin tưởng hơn ở tài năng của Khôi Nguyên, có anh ấy giúp đỡ chắc chắn mọi chuyện sẽ tốt đẹp. - Bà Thùy Dung đã sống một mình trong căn nhà này được bao nhiêu năm thưa bà? - Khôi Nguyên tiếp tục hỏi, với kỹ năng nghề nghiệp của mình, em biết Khôi Nguyên đang tìm kiếm những manh mối và thông tin có giá trị. - Bà ấy đã không sống trong căn nhà này. Mục đích ban đầu của việc xây dựng căn nhà là để cách ly bà ấy, nhưng sau khi căn nhà được xây dựng xong thì ý định đó tan thành mây khói. Bà Thùy Dung nhất quyết không chịu sống trong căn nhà, rất nhiều lần bà ấy bỏ trốn… có một lần nghiêm trọng nhất, là vào đêm rằm tháng bảy, hai mươi năm về trước, bà Thùy Dung trốn ra khỏi căn nhà. Sáng hôm sau, ông Trịnh Vỹ sai bà đem đồ ăn sáng lên cho bà ấy thì không thấy tăm tích bà ấy đâu nữa. Bà về báo lại với ông Trịnh Vỹ, ông ấy hốt hoảng cho người đi tìm cô em gái của mình. Mọi người đã không mất nhiều thời gian tìm kiếm lắm, khi cô Hoàng Lan phát hiện ra thứ gì đó rục rịch trong bụi dâu gai (nằm dưới một hố sâu gần con đường khúc khuỷu dẫn lên đồi trà) Thứ rục rịch đó chính là bà Thùy Dung, đêm đó bà bị ngã nằm bất tỉnh dưới hố, đến gần trưa mới lóp ngóp bò dậy. Kể từ đó, ông Trịnh Vỹ không để bà Thùy Dung ở trên đồi trà nữa. - Sau sự cố đó bà Thùy Dung lại ở với cha con ông Trịnh Vỹ sao ạ? - Em hỏi. - Việc bà Thùy Dung ở lại với cha con ông Trịnh Vỹ là điều không thể được. Ông Trịnh Vỹ đã hạ quyết tâm đưa bà Thùy Dung vào nhà thương điên để điều trị. - Chắc ông Trịnh Vỹ phải dằn vặt lắm với quyết định của mình. - Em nói. - Đúng vậy. Ông ấy rất thương em nhưng cũng thương con. Sở dĩ ông xây nhà để cho bà Thùy Dung ở trên đồi trà này là bởi một sự cố đã xảy ra: lần nọ, ông nghe tiếng cô Hoàng Lan la hét trong phòng ngủ, hốt hoảng ông phá cửa chạy vào xem chuyện gì đã xảy ra với con gái mình, thì thấy ngay cảnh tượng rùng rợn: bà Thùy Dung đang bóp cổ đứa cháu ruột của mình, ông Trịnh Vỹ mà vào chậm chút nữa thì cô Hoàng Lan nguy kịch rồi. Khôi Nguyên ngồi lặng suy nghĩ, cử chỉ đặc biệt của anh ấy. Ảnh ngồi khoanh tay trước ngực, còn tay kia bấm chóp mũi. Được một lát, ảnh quay sang hỏi bà Hiền: - Thưa bà, nghe nói cả ngọn đồi được ông Trịnh Vỹ thuê lại với thời hạn mấy chục năm? - Đúng đó cậu Khôi Nguyên. - Bà có biết ông Trịnh Vỹ thuê đất lớn như vậy để làm gì không? - Để trồng trà. Hồi đó ở đây trồng rất nhiều trà. Nhưng có vẻ ông ấy đã tính toán sai lầm, trồng trà không đem lại hiệu quả kinh tế, nên trồng được một vụ thì bỏ. - Kể từ đó căn nhà này bỏ hoang sao ạ? - Khôi Nguyên lần tìm manh mối. - Ồ, không hẳn vậy đâu. Sau khi bà Thùy Dung gặp sự cố, ông Trịnh Vỹ đã cho mấy người công nhân người Hoa làm việc tại xí nghiệp trà Quảng Châu thuê lại với giá rất cao. Kể từ đó ông kết thân với những con người quái lạ này, rồi tụ tập ăn nhậu với nhau. - Những con người quái lạ ư? - Khôi Nguyên hơi cau mày. - Phải. Đặc biệt là gã mặt sẹo, ánh mắt của gã khiến ai nhìn cũng phải khiếp sợ. Còn một gã nữa, trông tướng mạo cứ như thư sinh, nhưng bà không có thiện cảm lắm trái lại, còn thấy bất an khi đứng gần gã. - Những người này vẫn thường đến nhà tìm ông Trịnh Vỹ sao ạ? - Phải đó, trung bình một tháng họ đến một lần, sau đó rủ ông Trịnh Vỹ đi đâu đó bà chẳng rõ. Chỉ thấy sau khi trở về ông ấy rất vui vẻ, còn huýt sáo ca hát trước khi đi ngủ nữa. - Cháu chưa biết ông Trịnh Vỹ làm nghề gì? - À, ông ấy là chủ thầu xây dựng. - Chắc ông ấy nhiều tiền lắm! - Cũng có thể nói là như vậy. Đáng tiếc, số tiền dành dụm tích góp bấy nhiêu năm trong ngành xây dựng của ông nhanh chóng tiêu tan. Ông đã ném hết giấy bạc vào cái mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi” (đồi trà) này. - Có thể nói ông ấy là một người lạc quan. - Cậu Khôi Nguyên đúng là thám tử có khác. Chính xác như cậu nói, dù bị mất tiền nhưng ông Trịnh Vỹ vẫn vui vẻ, yêu đời. Nếu là người khác rớt vào hoàn cảnh như ông Trịnh Vỹ chắc không chịu đựng nổi đâu. - Bà có biết ông Trịnh Vỹ cho đám công nhân người Hoa thuê căn nhà bao lâu không? - Gần mười năm lận đấy cậu Khôi Nguyên à. Từ hồi cô Hoàng Lan mới được mười tuổi cho đến khi cô ấy vào lớp 12 thì cậu tính đi. - Vậy tức là, năm cô Hoàng Lan được mười tám tuổi thì đám người đó rời đi trả lại căn nhà cho chủ cũ? - Cũng trong thời điểm đó bà Thùy Dung từ trại tâm thần trở về. Bệnh viện nói bà ấy đã hoàn toàn bình phục; họ nói cũng có lý: sau gần mười năm bà ấy thay đổi hẳn, trở nên rất thông minh lanh lợi. Thậm chí còn biết tính toán làm ăn nữa, mặc dù đôi lúc bà ấy còn có những chuyển biến khác thường về tính cách. Bà Thùy Dung thay đổi là vậy nhưng xem ra ông Trịnh Vỹ vẫn chưa yên tâm, ông đã tính toán rất khéo léo: căn nhà ở dưới – nơi cha con ông Trịnh Vỹ đang ở, - để dành cho bà Thùy Dung. Còn cha con họ sẽ dọn lên đồi trà. - Một cuộc di cư ngoạn mục. - Khôi Nguyên nói như thể pha trò, nhưng nét mặt vẫn lạnh như tiền. - Bà chưa cho cháu biết ông Trịnh Vỹ đã mất vì nguyên nhân gì? Và cô Hoàng Lan nữa, bà có nói cô ấy mất khi tuổi đời còn rất trẻ. - Đó là tấn bi kịch. Bà đã rất bàng hoàng khi ngày hôm đó phải nhận một lúc hai tin dữ: Ông Trịnh Vỹ bị tai nạn giao thông, trên đường về nhà chiếc xe chở theo ông lao xuống vực sâu hun hút. Năm phút sau thì nhận được tin: cô Hoàng Lan treo cổ chết ở cây đa. -Trời ơi! - Em thốt lên. - Dọn về căn nhà này ở bao lâu thì bi kịch đó xảy ra ạ? - Khôi Nguyên hỏi. - Được gần 3 năm. - Phương tiện đi lại của ông Trịnh Vỹ là gì vậy bà? - Chiếc xe bốn chỗ được mua lại từ tay một người bạn của ông Trịnh Vỹ, bà cũng không biết nhãn hiệu là gì nữa, chiếc xe cũ mèm. - Nhưng làm sao ông ấy cho xe chạy lên đồi trà được thưa bà? - Ông ấy để xe dưới nhà bà Thùy Dung. - Kết quả điều tra hai vụ việc thương tâm trên thì sao ạ? - Kết luận được cơ quan điều tra đưa ra là: Ông Trịnh Vỹ thì do bất cẩn mà chết, còn cô Hoàng Lan là do tự tử. - Bà hãy kể cho tụi cháu nghe về chuyện gia đình của ông Trịnh Vỹ đi. Đặc biệt là khoảng thời gian gần ba năm cha con ông Trịnh Vỹ sống ở căn nhà này. - Nghĩ lại khoảng thời gian đó, có nhiều chuyện, đến giờ bà vẫn không sao hiểu nổi, người ta nói: “giang sơn dễ đổi bản tính khó dời”, nhưng xem ra với thằng nhỏ đó thì không đúng. - Thằng nhỏ đó? - Em tò mò, vậy là trong câu chuyện bà Hiền sắp kể còn có bóng dáng của một người khác nữa sao?