Tào Tặc

Chương 162

Tào Bằng không dại gì mà nói hắn biết nấu ăn. Ở thời đại này, quan niệm quân tử xa nhà bếp đã ăn sâu vào lòng người, coi đó là những chuyện của người hạ đẳng làm. Tào Bằng mặc dù nói không thèm để ý nhưng cũng phải để tâm đến cái nhìn của người khác. Cho dù hắn có lén làm cũng tuyệt đối sẽ không thừa nhận. Người thanh niên nghe thấy thế hình như thích thú, liền hỏi Tào Bằng cách làm cụ thể tôm, cá tươi như thế nào. Thật ra, cách hấp cá ở thời hậu thế cũng rất bình thường, cách làm cũng không có gì khó khăn cả, chủ yếu là do cách dùng lửa mà thôi. Có điều, người thanh niên này lại cảm thấy thích thú. Tào Bằng có thể thấy được người này là một người rất có hứng thú với chuyện ăn uống. Dù sao thì hắn cũng cso người trò chuyện cùng. Tào Bằng hứng khởi, cười hì hì, nói: -Xem ra tiên sinh cũng là người cùng chí hướng với ta rồi. Thật ra ta nghĩ ăn cái gì cũng phải suy nghĩ một chút mới được. Ví như món trâu và dê này, không nhất định phải xẻo ra quay mới là ngon. -Không xẻo ra quay thì còn làm thế nào được nữa? Món này so với những người khác, Tào Bằng lại càng giỏi hơn. Hắn nói: -Nếu ta ăn thịt trâu, dê, nhất định sẽ chọn thịt dê núi còn tươi. Sau đó, ta sẽ cắt thành miếng mỏng, có thể ăn theo hai cách. -Ta muốn nghe huynh đài nói. -Có thể ăn kèm với các gia vị cho thơm. Cũng có thể ăn chín, có điều ăn chín cũng có rất nhiều cách. Ta đây thích nhất ăn hầm. -Hầm? Tào Bằng nói: -Người xưa từng chế ra một loại nồi nước trong chảo sắt. Lấy nước đổ vào trong đó, rồi đốt lửa, chờ nước bên trong đó sôi trào tràn lên miếng thịt. Chờ nước sôi lên, thịt có thể ăn được. Yết hầu người thanh niên giật giật dường như đang làm động tác nuốt nước bọt. -Lấy chỗ nào trên thân dê núi là ngon nhất? Tục ngữ nói gạo có thể nuôi được cả trăm dạng người. Xem ra giờ người thanh niên này đã hiểu được đạo lý trong đó. Tào Bằng suy nghĩ một chút: -Nếu bảo chọn, ta sẽ chọn phần đùi dê. -Vậy làm sao để làm cái nồi kia? -Hắc hắc, chuyện này… Ta về rồi sẽ sai người làm một cái tặng cho tiên sinh. Người thanh niên mừng rỡ, liên tục gật đầu. -Hiền đệ qủa là người tốt a! Đúng lúc này, chợt có người hô: -Trường Văn, sao ngươi lại ngồi ở đây? Một nam tử trung niên đi tới, tóm lấy tay người thanh niên kia: -Ta tìm ngươi bao lâu, không ngờ ngươi lại chọn chỗ tốt thế này. Nói xong, gã quay đầu lại, sửng sốt nhận ra Tào Bằng. -Ngươi là Tào Bằng sao? Người thanh niên ngạc nhiên nói: -Nguyên Long, các ngươi quen nhau sao? Tào Bằng giờ cũng nhận ra thân phận của vị nam tử trung niên này, vội đứng dậy, chắp tay nói: -Hạ quan Tào Bằng bái kiến Trần Thái thú! Tào Bằng thật không ngờ lại gặp Trần Đăng ở đây. Lại nói tiếp, hắn đã từng gặp gã. Khi mới đến Dục Tú lâu, hắn và Tào Chân thiếu chút nữa đã đánh nhau với bọn Trần Đăng. Có điều, gã luôn ngồi yên bên cạnh, còn người thanh niên vẫn nói với mình từ nãy tới giờ là ai? Con cháu thế gia luôn có sự kiêu ngạo rất riêng, đó là bọn họ sẽ không tùy tiện chào hỏi người khác. Hơn nữa, trong từng lời nói của bọn họ đều thể hiện sự kiêu ngạo của bản thân. Nhưng khi Trần Đăng cùng người thanh niên này chào hỏi nhau, gã có vẻ rất thân thiết, chẳng khác nào đang nói chuyện với bằng hữu. Thế nhưng khi gã nói chuyện với Tào Bằng tức thì giọng điệu của gã lạnh nhạt đi rất nhiều. Cũng có thể gã không cố ý như thế nhưng chung quy, Tào Bằng vẫn có thể nhận ra sự khác biệt trong đó: -Ngươi biết ta sao? Trần Đăng nhướng mày, hỏi. Tào Bằng hơi xấu hổ, gật đầu: -Trần Thái thú có thể không nhớ nhưng trước đây hạ quan đã gặp ngài ở Hứa đô. Trần Đăng không khỏi mỉm cười! Gã sao có thể không nhớ Tào Bằng được? Lúc trước ở Dục Tú lâu, Tào Bằng và Tào Chân ở cùng nhau đã để lại ấn tượng rất sâu sắc cho Trần Đăng. -Ngươi vẫn còn nhớ rõ a! Trần Đăng cũng không phải người lòng dạ hẹp hòi gì, chẳng qua gã muốn trêu đùa Tào Bằng một chút mà thôi. Người thanh niên kia ngạc nhiên nói: -Hiền đệ đã làm quan rồi sao? - Trong giọng nói của y đầy vẻ ngạc nhiên. Dù sao, tuổi đời của Tào Bằng vẫn còn rất trẻ, chỉ nhìn qua là có thể thấy được. Nguyên nhân người thanh niên này tiếp cận hắn cũng là bởi Tào Bằng ngồi trong góc phòng, không nói lời nào. Khí chất trầm tĩnh của hắn khiến người thanh niên này khá tán thưởng, thậm chí y còn tưởng Tào Bằng là con cháu nhà hầu gia nào đó. Tuổi còn nhỏ đã có khí độ như vậy, dĩ nhiên khiến y phải hiếu kỳ rồi. Ngay từ đầu, y cũng không định nói nhiều nhưng không ngờ lại bị Tào bằng làm cho nhập tâm tới vậy. Tào Bằng gãi gãi đầu: -Thực ra ta cũng không phải là làm quan, chẳng qua chỉ là phụ tá mà thôi. -Phụ tá? Trần Đăng mở miệng nói: -Anh vợ của Tào Bằng chính là Đặng Tắc mới nhậm chức ở huyện Hải Tây. -Hải Tây ư? Ách, ta nhớ ra rồi! Có phải là Đặng Thúc Tôn thay thế Tử Ngu đến Hải Tây không? Thật ra, trong phạm vi quanh Từ Châu này, thanh danh của Đặng Tắc cũng không có gì vang dội cho lắm. Mọi người biết đến tên y không phải bởi y tài hoa, mà bởi trước kia Khổng Dung đã từng tiến cử Lương Tập - Lương Tử Ngu, nhưng không ngờ lại bị Đặng Tắc thay thế. Không cần nói cũng biết mọi người sẽ có ác cảm đến thế nào với Đặng Tắc. Có nhiều người, sức hiếu kỳ càng lớn. -Đặng Hải Tây có tới đây không? -Ách, gia huynh hôm nay không ở Hải Tây mà đang giải quyết công việc ở Hoài Lăng, vì vậy huynh ấy mới lệnh cho ta đến đây chúc mừng. -Hải Tây không phải nơi tốt lắm a. Người thanh niên đứng lên, thở dài, rồi cười tủm tỉm, nói: -Có điều nói chuyện với hiền đệ rất thú vị. Ngày khác nếu có thời gian rỗi rãi, ta nhất định sẽ tới Hải Tây, thưởng thức những món mỹ vị như lời hiền đệ nói. -Ách, ta nhất định sẽ chờ đón huynh. -Ha ha ha, được rồi, ta đây xin phép không tiếp chuyện nữa. Trần Đăng không nói gì với Tào Bằng nữa, kéo người thanh niên kia đi. -Nguyên Long, ta nói cho ngươi biết chuyện này nhé, vị tiểu đệ họ Tào này nói chuyện rất thú vị, rất hấp dẫn a. Nếu ngươi không tới, biết đâu ta còn biết được nhiều hơn chút nữa. Nhưng ngươi tìm ta có chuyện gì thế? Nói đến cái ngon thì ta không thắng nổi sức rượu a. Người thanh niên cùng Trần Đăng vừa đi vừa thấp giọng nói thầm. Tào Bằng vểnh tai lên nghe, cũng nắm bắt được đại khái nội dung. Quả nhiên là một lão tham! Có điều, nói nửa ngày trời, Tào Bằng vẫn không biết đối phương là ai, tên gọi là gì. Trường Văn? Là tự … Tào Bằng chẳng biết nên làm thế nào. Hắn sao có thể nhớ nổi tên của từng người trong thời đại Tam quốc chứ? Lại còn phỉa nhớ kỹ cả tự của những người này nữa. Thật quá sức rắc rối a. Trường Văn này là ai đây? Đang giữa bữa tiệc, Lữ Bố bất ngờ đứng dậy, cầm chén rượu trong tay, lần lượt đi kính rượu từng người. Có thể nói, gã đã rất nhún nhường thế nhưng rất nhiều người vẫn lãnh đạm với gã. Danh tiếng của Lữ Bố thật sự quá kém, thế nên bất kể gã làm thế nào cũng không được nhân sĩ tán thành, càng chưa nói đến chuyện xuất thân của Lữ Bố còn không bằng cả Tào Bằng. -Tiểu oa nhi, có dám uống rượu không? Lữ Bố dọc đường liên tục mời rượu, cuối cùng đã thấy được Tào Bằng. Vốn dĩ Tào Bằng không muốn để người chú ý đến, nhưng Lữ Bố tiến đến, lại đỡ lấy tay hắn, giọng nói có đến ba phần ngà say, chào hỏi lại rất thân thiết. -Nguyên Long, Tào Bằng có quen biết với Ôn hầu sao? - Người thanh niên nhẹ giọng hỏi. Trần Đăng gật đầu: -Có quen. Ngày hôm qua ở trên đường phố, hắn còn đánh một trận với Ôn hầu. -A? - Người thanh niên không khỏi thở nhẹ một tiếng: -Tên tiểu oa nhi này thế mà không bị Ôn hầu đánh chết hay sao? -Ách, không có! - Trần Đăng nói: -Nhưng hắn và một dũng sĩ là con trai của Điển Vi, và một người nữa cùng liên thủ tấn công, cuối cùng bị một chiêu của Ôn hầu đánh bại. Cũng không phải tại bọn hắn quá kém, chí ít khi đơn đấu với ba người Hầu Thành, Ngụy Tục và Tống Hiến thì bọn hắn cũng không bị rơi vào thế hạ phong. -Con của Điển Vi sao? - Người thanh niên nghi hoặc nói: -Tào Bằng này có quen biết Điển Vi ư? -Có người nói là có quan hệ rất mật thiết. Trường Văn, ngươi đừng coi tên tiểu oa nhi này còn nhỏ tuổi mà lầm. Khi hắn còn ở Hứa đô cũng là một nhân vật làm mưa làm gió, danh tiếng không nhỏ đâu. Trước đây, ta có nói đến kim lan phổ với ngươi, có người từng nói nó là do tiểu oa nhi này đã tự tay viết. Hắn cùng mấy tên tiểu oa đầu khác kết bái ở trong ngục, gồm tám, chín tên gì đó. Ha ha, mấy vị huynh đệ kết nghĩa của hắn cũng đều là người có địa vị. Một người là tộc tử của Tào Công, một người là con của Vũ Mãnh hiệu úy Hứa Chử. Vốn dĩ ta cứ tưởng hắn chỉ có chút nhanh trí và tài cán không thôi, không ngờ võ nghệ của tên tiểu oa nhi này cũng không tầm thường chút nào. Không đơn giản, không đơn giản a. Hai hàng lông mày của người thanh niên nhíu chặt lại, y nhìn Tào Bằng lần nữa, ánh mắt rõ ràng không giống như lúc trước. Tào Bằng thoáng đã trở thành tiêu điểm, cũng không biết nên làm thế nào. -Ôn hầu nếu đã mời rượu, hạ quan sao có thể không uống được? -Được! - Lữ Bố cười to, nói: -Đại trượng phu há có thể không uống rượu hay sao? Người đâu, mau mang cho Tào công tử chén rượu, ta phải uống với nhau ba chén mới được. Tức thì có nô tì dâng chén rượu đến. Lữ Bố đích thân rót rượu, đưa cho Tào Bằng một chén đầy. Uống rượu? Tào Bằng thật không nói hai lời, cầm lấy chén rượu, ngửa đầu dốc cạn sạch. -Ôn hầu, mời. Lữ Bố nhìn ánh mắt Tào Bằng, cảm thấy thân thiết hơn nhiều. -Được, đến lượt ta. Hai người đứng trước cửa đại điện làm trò trước mặt mọi người, hết ba chén mới thôi. Lữ Bố giờ mới buông tha cho Tào Bằng, tiếp tục đi xuống mời rượu. Tào Bằng thở phào một hơi, đang định xoay người ngồi xuống, chợt cảm thấy có người nhìn, liền vội vàng xoay người lại. Dưới bậc đại điện bằng ngọc, có một vị văn sĩ trung niên. Gã ngồi lẻ loi một mình, tự rót rượu tự uống, có vẻ hết sức khác người. Vừa rồi chính gã đã nhìn chằm chằm vào Tào Bằng. Khi thấy hắn quay qua nhìn, văn sĩ trung niên cũng không hề tránh mặt đi, nheo mắt, ngưng thần nhìn lại hắn. Trong ánh mắt không lời của gã ẩn chứa sự lạnh lẽo, khiến Tào Bằng lạnh cả người. Hai người chỉ nhìn nhau trong chốc lát, vị văn sĩ trung niên chợt cười nhạt rồi quay đầu đi. -Xin hỏi tiên sinh, vị tiên sinh ngồi dưới thềm ngọc kia là vị nào thế ạ? - Tào Bằng ngồi xuống, hỏi người ngồi trước đó. -Ngươi muốn nói đến tiên sinh Công Đài ư? "Mẹ nó chứ, mấy người Đông Hán các ngươi nói thẳng tính danh thì sẽ chết sao?" Có điều cái tên "Công Đài" này Tào Bằng cũng có chút ấn tượng. Trong vở kinh kịch "Đuổi bắt Tào Tháo" có Trần Cung, Trần Công Đài… Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo hiến bảy thanh bảo đao muốn giết Đổng Trác, không ngờ lại bị Đổng Trác biết được, vì vậy gã phải trốn khỏi Lạc Dương. Khi gã đang âm mưu lần nữa thì bị một vị Huyện lệnh bắt được, người đó chính là Trần Cung. Trần Cung vì ngưỡng mộ sự cao thượng của Tào Tháo mà thả gã đi. Nào ngờ trên đường đi, Tào Tháo nghỉ ngơi ở nhà Lữ Bá Xa, vì hiểu nhầm mà giết cả nhà người ta. Trần Cung cũng vì thế mà cảm thấy Tào Tháo thực đúng là người lòng dạ rắn rết, nhưng vẫn tha cho gã thêm lần nữa. Sau này, Trần Cung phò tá cho Lữ Bố, mãi cho đến về sau mới bị Tào Tháo giết chết ở Bạch Môn lâu. Điển tích này rất hay! Thế nhưng khi Tào Bằng sống lại lại được nghe một phiên bản khác. Năm xưa, Thứ sử Sùng Châu là Lưu Đại bị giết, Sùng Châu như rắn mất đầu. Lúc đó, Trần Cung đã đề cử Tào Tháo nhậm chức Thái thú đông quận. Y thường nói với người ta rằng thiên hạ phân chia, các châu không thể không có chủ. Tào Tháo ở đông quận cũng có cho là người có tài mệnh, nếu gã được phong làm châu mục, tất sẽ được lòng dân. Chính vì thế, Trần Cung thường xuyên nói với các thế tộc ở Sùng châu, nhằm chiếm lấy sự ủng hộ của nhân sĩ Sùng châu. Ngay từ đầu, Trần Cung có thể nói là mưu sĩ đệ nhất dưới trướng Tào Tháo. Nhưng khi bọn Trình Dục xuất hiện, địa vị của Trần Cung trong quân Tào cũng bị ảnh hưởng. Gã tuy là nhân sĩ Sùng châu, thế nhưng lại không thể sánh với con cháu thế tộc lâu đời. Sau này, lại xảy ra một chuyện nữa, đó chính là chuyện Tào Tháo giết chết Thái thú Cửu Giang đời trước là Biên Nhượng, danh sĩ Sùng châu. Nói thẳng ra là Trần Cung đi theo Tào Tháo chủ yếu là vì nhân sĩ Sùng châu. Chính vì Biên Nhượng bị giết, nhân sĩ Sùng Châu càng thêm oán hận sâu sắc với Tào Tháo, Trần Cung cũng bị chỉ trích, nói y lừa dối hương thân Sùng châu. Trần Cung hết sức giận dữ. Khi Lữ Bố rời khỏi Quan Trung, Trần Cung biết được tin tức thì liên hệ với gã ngay. Thừa dịp Tào Tháo xuất chinh ở Từ Châu, y liền khởi binh tạo phản, dẫn đến trận đại chiến của Tào Tháo và Lữ Bố ở Bộc Dương. Sau đó, Lữ Bố thua trận, phải chạy trốn về Từ Châu. Trần Cung lập mưu cho Lữ Bố, đánh bại Lưu Bị, chiếm lấy Hạ Bì, để cho Lữ Bố có một chỗ dung thân. Nói cách khác, Trần Cung chính là thủ hạ của Lữ Bố, là mưu sĩ cao cấp nhất của gã. Tào Bằng có thể cảm nhận được cái nhìn lạnh lẽo trong mắt Trần Cung. Hắn không khỏi lo lắng. Nếu như tiếp tục ở lại Hạ Bì, chỉ sợ rằng Trần Cung sẽ gây bất lợi cho hắn. Nghĩ tới đây, Tào Bằng liền nảy ra ý định muốn rời đi, có điều đang ở trong tiệc rượu, hắn cũng không tiện ra về. Đã có chủ ý riêng, hắn quyết mau rời khỏi nơi thị phi này là hơn. Không đúng, nơi đầu tiên hắn gặp chuyện thị phi chính là ngày đầu tiên hắn tới Hạ Bì, khi xảy ra xung đột với bọn Hầu Thành. Ngay buổi sáng sớm ngày tiếp theo, hắn lại nảy ra xung đột với con của Lữ Bố là Lữ Cát, giờ lại bị Trần Cung để mắt đến. Nơi này nếu không phải là nơi thị phi thì chắc cả thiên hạ đều là cõi bồng lai cực lạc. Tào Bằng ăn một miếng, lại bắt đầu lo lắng làm sao để thoát thân. -Xin hỏi có phải Tào công tử đó không? Tào Bằng còn đang suy nghĩ, một tiểu nữ tỳ đi tới phía sau hắn, nhẹ giọng hỏi. Tào Bằng gật đầu: -Ta là Tào Bằng. -Xin công tử đi theo tiểu tỳ. -Ngươi… -Công tử nhà ta cho mời Tào công tử. Tào Bằng mơ hồ không hiểu, nhìn lại tiểu tỳ kia. -Công tử nhà người là ai? -Công tử cứ qua tự nhiên sẽ biết. Lại còn thần bí thế nữa… Tào Bằng thật ra cũng không muốn đi nhưng hắn lại nghĩ cự tuyệt như thế có vẻ cũng không tốt lắm. Chưa kể giờ đang là ban ngày ban mặt, hắn có gì phải sợ hãi chứ? Nghĩ đến đây, Tào Bằng đứng dậy, đi theo tiểu tỳ kia ra ngoài đại điện. Hành lang đại điện uốn khúc quanh co, Tào Bằng vẫn đi theo phía sau tiểu tỳ kia. Dáng lưng tiểu tỳ này khá đẹp, chỉ là càng lâu thì dường như nàng ta càng có vẻ không được tự nhiên. Cẩn thận quan sát, Tào Bằng lại phát hiện một chân của nàng ta hình như hơi có tật. Tuy rằng khi đi nàng đã cố gắng che giấu đi, nhưng hắn chỉ liếc mắt đã phát hiện được. -Chúng ta đang đi đâu đây? Tào Bằng đi theo tiểu tỳ một hồi, thấy càng lúc càng xa đại điện, dường như đang đi ra sau hậu điện. Hắn không khỏi thấy kỳ quái, liền mở miệng hỏi. Tiểu tỳ dừng lại, quay đầu mỉm cười: -Công tử cứ đi theo ta là được. -Chậm đã, ngươi phải nói rõ trước. Công tử nhà ngươi rốt cuộc là ai thế? Ngươi thật ra muốn đưa ta đi đâu? -Công tử nhà ta dĩ nhiên là công tử nhà quân hầu rồi. -Lữ Cát ư? -Dĩ nhiên không phải. Quân hầu chỉ có một vị công tử, không phải là thiếu quân hầu. Nàng ta không giải thích thì thôi, giải thích xong lại làm Tào Bằng càng thêm mơ hồ hơn. Cái gì là quân hầu nhà ngươi chỉ có một công tử, không phải là thiếu quân hầu? Đây là kiểu quan hệ lộn xộn gì thế? Lẽ nào là cái tên ẻo lả đi ra khỏi tửu lâu ngày hôm qua sao? "Y tìm ta để làm gì đây?!" Tào Bằng không hiểu được, cũng không biết được sự bí ẩn sâu xa trong đó. -Công tử, trước mặt là đến rồi. Tào Bằng cứ theo tiểu tỳ đó đi tiếp. Tất cả những con đường đi qua đều là đường nhỏ vắng vẻ. Dọc đường đi, hai người cũng không gặp phải người nào. Đến khi đi tới trước một khu vườn nhỏ, tiểu tỳ kia mới dừng lại, cười hì hì, nói: -Công tử, đi qua viện phía trước, có một cái sân. Công tử cứ đi vào trong đó, công tử nhà ta đang chờ ở bên trong. -Ngươi không đưa ta vào sao? -Không. Không phải tiểu từ không muốn, thật sự là công tử nhà ta có lệnh, tiểu tỳ không dám làm trái. -Vậy sao?! Tào Bằng liếc mắt nhìn tiểu tỳ kia, do dự một chút rồi bước vào khu vườn nhỏ. Thấy bóng lưng của hắn, tiểu tỳ kia chợt thay đổi sắc mặt, cười cười, chợt biến mất. Nàng ta nhìn xung quanh một chút, thấy không có người nào, liền đi theo một lối nhỏ, vội vã bỏ đi. Tào Bằng không mấy để ý, đi ra sau vườn, liền thấy một biệt viện tách biệt. Chính xác mà nói thì khu vườn này gắn liền với biệt viện kia, có điều vì trời rét đậm nên hoa trong vườn đều đã tàn phai cả. Tào Bằng cũng không nghĩ nhiều, đi theo lối nhỏ vào trong biệt viện. Sau cánh cổng vòm xinh xắn, nằm ở vị trí chính giữa là một ngôi đình nhỏ, hai bên có một dãy các sương phòng. -Có ai đó không? - Tào Bằng đứng trước cửa viện, hô một tiếng. Trong viện im ắng, không có bất cứ tiếng động gì… "Lạ thật, sao lại không có ai cả?" Tào Bằng cất bước tiến vào trong đình, thấy trong đó có một cái bàn dài, trên mặt bàn đặt một cây cổ cầm thất huyền (bảy dây). Đàn dường như được làm từ gỗ cây ngô đồng. Dây đàn còn có vết cháy đen, dường như đã từng bị lửa đốt để lại dấu vết rất rõ ràng. Trong không khí phảng phất hương hoa lan dìu dịu. Tào Bằng chợt giật mình, thầm kêu một tiếng không hay, quay đầu lại định đi. Hắn cũng đã từng nghe đến những kiểu âm mưu như thế này ở kiếp trước. Từ không khí đến hương thơm đều có thể thấy được người ở nơi này hẳn là một nữ nhân chứ không là công tử gì cả. Đây chính là hậu viện của Lữ Bố. Người ở nơi này không phải là thê thiếp của Lữ Bố thì nhất định cũng là có người muốn hãm hại hắn!