Trên đường về cung, Tấm hạnh phúc lâng lâng, vẫn chưa tin được vào sự thật rằng giờ đây nàng đã là Đỗ tiệp dư, đứng trên muôn người. Nàng không còn là con Tấm mồ côi nghèo khổ suốt ngày phải lăn lộn tiết kiệm từng đồng như ngày xưa nữa. Tất nhiên lẫn trong niềm hạnh phúc đó hình ảnh lam lũ của bà Mão và Cám có đôi chút làm nàng chạnh lòng nhưng gạt đi nhanh chóng. Xét cho cùng bà Mão không có máu mủ gì với nàng, còn Cám xinh đẹp, sắc sảo như vậy, sau này nhất định sẽ có cuộc sống rất tốt. Tấm tin rằng hai lượng vàng nàng để lại và tương lai cố gắng hỗ trợ chút vật chất trong mức nàng có thể là đủ để báo đáp những gì hai mẹ con đã đối xử với nàng suốt thời gian qua. Ngay sau khi tiến cung, tắm rửa thay đồ, Tấm được đưa tới ngự thư phòng bái kiến Đức Vua. Khi nàng bước vào thì Người đứng quay lưng lại nên nàng không nhìn thấy mặt, chỉ thấy một bóng dáng cao lớn, dù từ sau lưng vẫn toát ra sự uy nghiêm, mạnh mẽ. Phan Bình khom người nói: - Bẩm Hoàng thượng, Đỗ tiệp dư đã tới. Tấm quỳ xuống, trong lòng sợ hãi đến nỗi không thể mở miệng, đành cúi đầu làm thinh. - Ta biết rồi, ngươi lui ra trước đi, ta muốn nói chuyện với Đỗ tiệp dư. Bình cúi người chào rồi quay ra. Tấm vẫn không nhúc nhích. Đức vua khẽ hắng giọng, quay lại nhìn nàng, nhưng gần như ngay lập tức, nụ cười lẫn ánh mắt vui vẻ đều biến mất, đôi mày nhíu lại, ánh mắt dò xét pha lẫn khó hiểu nhìn nàng: - Nàng là Tấm? - Dạ vâng, thưa Hoàng thượng. - Nàng là người đã có chiếc giầy ghép đôi với chiếc giầy Phan tướng quân đưa ra? - Vâng ạ. Từ đầu tới cuối, Tấm đều không dám ngẩng lên, nàng chỉ mơ hồ cảm thấy giọng nói của Đức vua càng lúc càng lạnh hơn, trong lòng lo sợ không biết mình có làm gì thất thố không. - Chiếc giầy đó là của nàng? - Bẩm Hoàng thượng, vâng ạ, là của thiếp, chẳng là thiếp đi hội, có lỡ đánh rơi một chiếc giầy, không hiểu vì sao Phan tướng quân lại nhặt được, còn ưu ái đưa ra làm tiêu chuẩn giải thưởng. - Ý trời chăng? – Đức vua lẩm bẩm như nói với chính mình. – Trẫm đã xem qua, chiếc hài thêu rất đẹp, nàng thật khéo tay. - Đa tạ Hoàng thượng khen ngợi. – Tấm nhỏ nhẹ đáp, đương nhiên nàng sẽ không nói ra ai là người thêu đôi giầy đó. Số phận đã run rủi cho nàng một cơ hội đổi đời, làm sao nàng có thể tự tay hất nó đi được? - Trẫm thật may mắn có được một tiệp dư vừa xinh đẹp, vừa khéo léo như nàng. – Tuy lời nói là khen nhưng Tấm chỉ cảm thấy âm sắc lạnh lẽo pha chút gì đó mỉa mai mà nàng không hiểu được. – Ta có nghe Bình nói nàng mồ côi, một thân một mình, cuộc sống hẳn là rất vất vả? - Đa tạ Hoàng thượng quan tâm thiếp, đúng là cha mẹ thiếp mất sớm, nhưng thiếp có dì và em gái. - Dì và em gái? – Tay hắn đột nhiên hơi run lên. - Bẩm, là em gái cùng cha khác mẹ. – Tấm thành thật nói. – Cha thiếp trước đây lấy hai vợ, Cám là con của dì, kém thiếp một tuổi, từ nhỏ đến giờ thiếp sống với dì và em. Cám…Tấm…đều là bột gạo. - Sau chuyến đi dài như thế, chắc nàng mệt lắm rồi, về nghỉ ngơi đi. Lễ sắc phong tiệp dư sẽ có quan nội thị phụ trách, nàng không phải lo. – Sau một thoáng, Đức Vua hắng giọng nói. Tấm về phòng, giờ nàng mới có thời gian ngắm nghía nơi ở mới của mình. Do nàng chỉ là một tiệp dư nhỏ bé nên ở cùng một khu với các Tài nhân, Lương nhân ngang hàng khác chứ không có cung riêng như các phi. Tuy vậy căn phòng nàng đang ở so với nhà nàng ở quê cũng đã là một trời một vực. Giường có đệm êm, chăn gối đều là vải gấm thêu hoa rất tinh xảo, những thứ mà trước đây nàng chỉ có thể mơ ước. Trong phòng, các nô tỳ còn đốt tinh dầu thơm ngào ngạt, một điều quá lạ lẫm, xa xỉ đối với nàng. Tấm biết rằng cuộc sống của nàng từ giờ về sau đã hoàn toàn thay đổi, không còn vất vả chân lấm tay bùn nhưng cũng sẽ không đơn giản. - Đức vua có phải người rất lạnh lùng không? – Nghĩ lại cuộc gặp chớp nhoáng hồi sáng, Tấm không nhịn được, buột miệng hỏi nô tỳ đang đứng hầu bên cạnh. - Vâng, đúng vậy ạ. – Tỉu nhanh miệng trả lời. – Hoàng thượng rất lạnh lùng, con nghe người bên điện Cần Chánh kể là đến quan nội thị ngày đêm túc trực còn chưa bao giờ thấy Hoàng thượng cười. - Ngươi có thể đừng xưng con với ta không? Chắc ta chỉ hơn ngươi có mấy tuổi thôi. – Tấm hơi nhíu mày. - Bẩm bà, đây là quy định trong cung, nếu con không tuân theo thì sẽ bị phạt. Từ tiệp dư trở lên thì gọi bà, chỉ có quý nhân trở xuống thì mới gọi chị. - Ừ ta biết rồi. – Tấm khẽ thở dài, xem ra còn rất nhiều điều nàng phải học. Cùng lúc đó, bên điện Cần Chánh. Quan nội thị bằng trực giác nhạy bén bản năng, cảm thấy tâm trạng Đức vua hôm nay cực kỳ không tốt, cho dù bề ngoài thì không có gì khác. Các bậc Đế vương thường không bao giờ vui buồn ra mặt nên những người phục vụ như y chỉ có thể phán đoán bằng trực giác, một năng lực bắt buộc phải có nếu muốn tồn tại ở vị trí này. - Thanh, triệu Phan Bình tới đây. – Người bên trong chợt lên tiếng. Lý Thanh ba chân bốn cẳng lao đi, lúc này đây y chỉ muốn tránh người kia càng xa càng tốt. - Sắp tới ta có việc phải ra ngoài, ngươi làm giúp ta mấy chuyện. - Hoàng thượng lại xuất cung ư? Để thần bố trí người. - Không cần, lần này ta đi một mình. - Như vậy quá nguy hiểm… - Phan Bình giật mình, lo lắng nói. - Ta đi gặp Trần Khắc. Bình lập tức hiểu vấn đề, không nói thêm câu nào. Trần Thái bảo hiện là một trong những nhân vật lớn nhất, phụ trách cánh quân quan trọng đóng ở vùng cận biên. Thế nhưng, khác với Phan Bình hay những quan lại khác, Trần Khắc không ra mặt ủng hộ Đức vua, cũng không về phe Thái úy, và những người am hiểu tình hình đều cho là việc Trần Khắc ngả về phe ai sẽ quyết định cục diện chính trị cuối cùng. Bình không hỏi thêm câu nào bởi y biết Đức vua đã có tính toán riêng, và đây là việc tối mật, nếu lộ ra thì sẽ không tránh được cảnh đầu rơi máu chảy. Tiên đế băng hà quá sớm, khi vây cánh của Thái tử chưa đủ mạnh, hắn tuy ngồi nơi cao nhưng vẫn phải vài phần chịu lép trước Thái hậu và Thái úy. Hiện tại y còn nghe ngóng được Bình Nguyên vương cũng đang bí mật chiêu mộ binh sĩ, hẳn trước đây đối với việc Thái tử lên ngôi có ý không phục. Mẹ đẻ của Bình Nguyên vương lại là Thái hậu đương triều, Đức vua dù có biết chuyện y thành lập quân đội thì cũng mắt nhắm mắt mở cho qua mà thôi, cùng lắm sẽ chỉ cử thêm người giám sát, đảm bảo không có chuyện vượt quá giới hạn. Bình linh cảm thời gian tới trong triều sẽ có biến động lớn, mong rằng có thể tránh được cảnh mưa máu gió tanh. - Nhưng trước đó ta sẽ rẽ qua quê của Đỗ Tiệp dư mấy hôm. – Trong thoáng chốc, Bình cảm giác như Đức vua vừa nở nụ cười nhẹ, một vẻ ấm áp lướt qua gương mặt vốn luôn lạnh lùng. – Ta có chút việc giao cho ngươi… …………. Dù có buồn phiền cách mấy thì cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, bà Mão tiếp tục lo đốc thúc thợ cày còn Cám quay trở lại sạp vải ngoài chợ huyện. Hai lượng vàng Tấm để lại nàng đem chôn một lượng dưới gầm giường, chỗ còn lại đổi ra bạc làm vốn mở rộng chỗ làm ăn. Cái danh người nhà của Tiệp dư có vẻ to chứ chỉ là hữu danh vô thực, không đổi ra tiền hay thức ăn được. Chưa kể, còn có kẻ nào đó ác mồm tung tin rằng bà Mão và nàng trước đây ngược đãi Tấm, nay chỉ còn có thể ghen tỵ, thật đáng đời. Điều này dẫn tới một việc làm Cám hết sức bực bội là người ta nườm nượp kéo tới sạp vải của nàng chỉ để chiêm ngưỡng, bàn tán về “nhân chứng sống” của cái gọi là nhân quả báo ứng hết sức nhảm nhí kia, ảnh hưởng không nhỏ tới việc buôn bán. Cuối cùng, Cám nhanh nhạy quyết định, nếu không chống lại được điều tiếng thì chẳng bằng tận dụng nó. Nàng thuê người làm một cái biển hiệu lớn, trên đó đề mấy chữ “Tiệm vải Tiệp dư”. Mấy mẫu vải ế khó bán nàng để lên nơi rất trang trọng, khách hàng tới thì nói nhỏ rằng đó chính là loại vải may bộ váy Tấm mặc đi hội, ngoài ra thì còn có cả loại vải “Tiệp dư đặc biệt yêu thích”, loại “Mang lại may mắn cho Tiệp dư”, loại “Tiệp dư dùng để may đồ đi làm đồng” và vô số loại khác. Một đồn mười, mười đồn trăm, chả mấy chốc người ta xếp hàng dài trước sạp vải của nàng năn nỉ mua số lượng lớn. - Cám này, - Một ngày, bà Mão bỗng nói với nàng. – Tấm giờ coi như đã yên bề gia thất, con cũng không còn nhỏ nữa, nên để ý tới chuyện này đi là vừa. - Mẹ nói gì vậy? – Nàng hơi nhăn mặt nhìn mẹ. - Mẹ thấy mấy bà mối có đánh tiếng với mẹ, nếu con ưng thì để mẹ trả lời người ta. - Theo mẹ thì con có thể dễ dàng có mối tốt không? – Cám cười nhẹ. – Cha mất sớm không người dạy bảo, tính tình xấu xa, ích kỷ, ỷ thế mẹ bắt nạt chị. - ……… - Thôi mẹ à, con cảm thấy cuộc sống bây giờ rất tốt, con mà xuất giá thì ai sẽ lo công việc nhà? Ai sẽ chăm sóc mẹ? - Không thể nói thế… - Mẹ đừng nói chuyện này nữa, con sẽ tự lo cho mình. – Cám cắt ngang trước khi bà Mão kịp nói hết câu. Không hiểu sao nghe bà Mão nói tới chuyện này làm nàng cảm thấy rất khó chịu nhưng không thể tự lý giải lý do. Ngày hôm sau, tầm trưa vắng khách, Cám lấy một cái túi nhỏ ra ngắm nghía. Trong đó là ba quan tiền nàng đã để riêng ngay sau khi bán đi lượng vàng kia. Tuy vậy, linh tính mách bảo rằng nàng sẽ không bao giờ gặp lại Khánh nữa, hắn sẽ không vì ba quan tiền này mà quay lại tìm nàng. Có lúc nàng lại nghĩ nếu giờ nàng đi bán con kỳ lân ngọc thì hắn có tức giận như lần nàng bán cái nhẫn kia, có đòi bóp chết nàng như hắn từng nói không? Thế nhưng, thực tế chứng minh rằng linh tính của con người không phải lúc nào cũng chính xác. - Nhanh nhạy quá nhỉ? – Giọng nói quen thuộc vang lên. – Xem ra cô tận dụng việc chị gái tiến cung rất tốt. - Khánh… - Cám ngẩng đầu, trong ngực bỗng nhói lên. Hắn đang đứng ngay trước mặt, nheo mắt nhìn nàng. Nàng không rõ mình vui mừng vì thấy hắn hay vì điều gì khác nữa. - Gặp lại tôi có vui không? – Hắn mỉm cười. - Nhìn thấy anh là mất tiền, theo anh tôi có nên vui không? – Cám cũng mỉm cười, lời nói là trách móc nhưng lại mười phần vui vẻ. Rồi nàng chìa cho hắn cái túi vẫn đang cầm ở tay. – Ba quan của anh đây, tôi thấy anh lâu lâu không quay lại, tưởng anh quên rồi. - Làm sao tôi có thể quên chứ? – Khánh cầm lấy túi bạc nhưng mắt lại nhìn nàng khi nói câu đó. – Với cả tôi tìm cô còn vì một việc nữa. - Chuyện gì? - Đôi hài thêu kia. Cảm giật mình, hắn định nói gì với nàng? - Từ đầu phủ tôi đã nghe người ta kể câu chuyện tiến cung của chị cô. Có phải đôi giày của Đỗ tiệp dư cũng là cô thêu đúng không? - Có chuyện gì? – Nàng cảnh giác hỏi lại. Dù nhiều người tới hỏi chuyện đôi hài của Tấm, nàng đều lặng thinh, Tấm đã tự lựa chọn tương lai cho mình, nàng sẽ không nói ra những điều có thể gây sóng gió. - Nói thật đi. – Khánh tiến đến gần nàng, ánh mắt đột ngột biến đổi, trở nên cực kỳ uy hiếp. - Là tôi, tôi thêu đôi giầy đấy. – Cám giật mình, và như mọi lần khác, nàng không cách nào chống lại cái nhìn khủng bố kia. - Tôi đến đây vì việc đó. – Hắn gật gù, vẻ rất thỏa mãn với câu trả lời. – Tôi chẳng bảo là mua giầy của cô về làm mẫu để làm bán hàng loạt, như thế lẽ ra mẫu đó phải là duy nhất, không ngờ cô còn làm đôi khác cho chị cô, nhờ vậy chị cô thành Tiệp dư. Giờ khắp mọi nơi đều bày bán mẫu giầy này, còn gọi là giầy Tiệp dư, cô bảo tôi phải làm sao? Thời gian vừa rồi Cám luôn cảm thấy trong lòng có một tảng đá vô hình đè lên, dù nàng biết bản thân rất vô lý khi cứ phảng phất một nghi ngờ không thể giải đáp như vậy, giờ những lời của Khánh bỗng xua tan hết tất cả. Một cảm giác nhẹ nhõm dễ chịu lan ra, như mạch nước ngầm len lỏi chảy khắp cơ thể. - Cô sao thế? – Khánh giật mình nhìn nàng, giọng có phần hơi gấp gáp. – Sao tự nhiên lại khóc? - Tôi không sao. – Cám mỉm cười gạt đi một giọt nước mắt vừa vô tình rơi xuống. – Do nắng quá chói mắt thôi.