Quyến Luyến Phù Thành
Chương 88
Bạch Cẩm Tú vẫn luôn muốn cùng Nhiếp Tái Trầm dọn ra ngoài ở riêng, ý tưởng này chưa từng từ bỏ, và tới giờ nó càng mãnh liệt hơn. Dẫu sao thì anh là người có thân phận, có biệt thự của riêng mình là điều không thể thiếu, về sau nếu tiếp tục ở lại Bạch gia theo mình, dù là anh việc tư không ngại, nhưng về công thì vẫn không tiện. Cho nên suy nghĩ cẩn thận rồi, cô vẫn lựa chọn Tướng quân phủ cũ để ở.
Tướng quân phủ có niên đại lâu đời, sớm nhất ban đầu là tòa vương phủ, bên trong minh lang họa trụ, rất cao và rộng, về sau mới biến thành phủ đệ của nhiều đời Quảng Châu tướng quân phủ, vốn cũng không phải là nhà riêng. Ngày đó rơi vào trận nã pháo, còn bị cháy lớn, kiến trúc bị tổn hại khá nhiều, cậu Khang Thành của cô sau khi đi thì tòa phủ đệ này được sung công, cổng lớn khóa chặt, bị bỏ trống từ bấy đến nay.
Đã chọn được nơi ở, Bạch Cẩm Tú cũng không trì hoãn mà lập tức bắt tay vào tu sửa. Mấy tháng sau, nơi đó đã dọn dẹp xong, cô mang theo vài người hầu, còn có cả Thị tòng quan và vệ đội chọn ngày dọn vào.
Hiện giờ cô đã mang thai sáu bảy tháng. Nhiếp Tái Trầm tuy rất muốn sớm chiều ở bên cô, nhưng chiến sự Lưỡng Quảng vẫn chưa dừng, anh có bao nhiêu việc phải làm, nên trong nửa năm này cứ cách một hai tháng cả người đều không ở Quảng Châu.
Bạch Cẩm Tú mang thai con anh, bụng mỗi ngày một lớn, anh lại thường xuyên đi công tác, mỗi lần phải ra ngoài là trong lòng Nhiếp Tái Trầm vô cùng áy náy. Cũng may Bạch Cẩm Tú mang thai không làm gì chỉ ăn và ngủ, xong thì gác chân chờ chồng về săn sóc mình. Tuy rằng vì tránh va chạm mà khi mang thai cô rất ít khi xuất hiện chỗ đông người, nhưng vẫn thường đi lại nhà xưởng.
Nhà xưởng của cô vận hành phát triển không ngừng, đầu tư ban đầu bước đầu đã có lợi nhuận, cô chẳng những hứng thú sản xuất thiết kế thời trang nữ cao cấp theo sở thích của mình mà còn sản xuất các loại vải sợi cotton giá rẻ và chất lượng cao. Trang phục thời trang nữ cao cấp của cô mỗi loại đều là kiểu giới hạn, tuy giá rất cao, nhưng lại được các quý bà, quý cô nhà giàu Quảng Châu tranh nhau săn đón. Mỗi một mẫu trước khi tung ra đã được đặt sẵn, chỉ trong mấy ngày đã bán hết veo. Trang phục thời trang nữ cao cấp của cô đã trở thành một biểu tượng của thương hiệu và địa vị. So với các loại sản phẩm cùng loại được nhập khẩu số lượng lớn trên thị trường thì chất lượng vải cotton do nhà máy của cô sản xuất thì không thua về chất lượng, giá lại rẻ hơn, cho nên được đón nhận nhiều hơn, đơn đặt hàng rơi xuống như mưa, mặt bằng và máy móc đã không đủ dùng. Cô đang suy tính sẽ mua mảnh đất bên cạnh, xây dựng mở rộng thêm nhà xưởng, gia tăng thiết bị máy móc, bèn bàn bạc với chị dâu, mời chị ấy đóng góp cổ phần. Trương Uyển Diễm đồng ý ngay lập tức, hai chị em bắt tay nhau cùng đầu tư kinh doanh.
Cứ như vậy bận bận rộn rộn, rất nhanh đã đến hai tháng cuối của thai kỳ, Nhiếp Tái Trầm thấy cô càng ngày càng nặng nề thì không yên tâm, Trương Uyển Diễm càng không cho cô ra ngoài nữa.
Đứa bé trong bụng rất ngoan, ngoài mấy tháng đầu làm cô ốm nghén thi thoảng buồn nôn ra thì về sau lại rất khỏe. Bạch Cẩm Tú tự thấy bản thân đúng là khỏe như hổ con, ngoài việc hay đói ra và ngủ nhiều hơn bình thường thì gần như không có biểu hiện của thai phụ, nên chẳng chịu ngồi yên chút nào. Nhưng giờ sắp sinh, người nhà khẩn trương lo lắng, cô đi một bước thì người hầu trong nhà đều đỡ dìu cô, cô cũng không muốn làm họ lo lắng, hơn nữa bụng quá lớn, ngay cả động tác cúi người cũng rất khó khăn, cho nên nghe theo không ra ngoài nữa mà an tâm ở nhà cùng Nhiếp Tái Trầm chờ ngày đứa con ra đời.
Buổi sáng hôm nay cô bắt đầu thấy đau bụng nhâm nhẩm. Lúc ấy Nhiếp Tái Trầm ở Bộ tư lệnh đang chủ trì cuộc họp, bỗng thư ký lao vào cắt ngang lời anh, nói thiếu phu nhân Bạch gia gọi điện thoại tới bảo vợ anh bị đau bụng, e là sắp sinh rồi, kêu anh mau chóng về nhà ngay.
Nhiếp Tái Trầm tức khắc giải tán cuộc họp, hoảng hốt trở về nhà. Suốt đoạn đường về nhà anh nhớ đến cảnh cô tỉnh dậy lúc nửa đêm thì không ngủ lại được nữa, ra sức bóp cánh tay nói rằng nghe nói sinh con rất đau, cô sẽ không biết phải làm sao thì trong lòng càng hoảng, hận mình không thể chịu đau thay cho cô được. Nào ngờ vừa mới vào cửa đã thấy chị dâu Trương Uyển Diễm mặt mày rạng rỡ ra đón, nói với anh là cô đã sinh rồi, là con trai, mẹ tròn con vuông.
– Sinh nhanh lắm, ngay cả bà đỡ kinh nghiệm nửa đời cũng lần tiên gặp đấy, đúng là mẹ con có phúc.
Nhiếp Tái Trầm như đang nằm mơ, cả người choáng váng lâng lâng như say xe. Anh lấy lại bình tĩnh xông vào trong, thấy cô đang nằm trên giường, nằm bên cô là một cái tã nhỏ bao lấy một thân hình nhỏ xíu.
– Nhiếp Tái Trầm anh mau nhìn con trai của anh đi. Tóc con nhiều lắm, lông mi lại dài nữa. Anh thấy con có đẹp không? Con thích em lắm. Mắt chưa mở mà tay nhỏ cứ nắm lấy ngón tay của em thôi, mãi chẳng chịu buông ra.
Cô nhỏ nhẹ nói chuyện với anh, trong lời nói tràn ngập sự kiêu hãnh.
– Em yêu con lắm, chúng ta đặt tên con là Lân Nhi nhé. Lân tử Phượng sồ, được không anh?
Con trai lớn Lân Nhi của họ rất trộm vía khỏe mạnh, lại hoạt bát, rất nhanh đã được gần ba tháng, hai người chuẩn bị lên đường về quê Nhiếp Tái Trầm ở Điền Tây Thái Bình.
Khi Bạch Cẩm Tú có thai, Nhiếp Tái Trầm đã báo tin vui này cho bà Nhiếp ở quê, tính đón bà lên ở cùng. Bà Nhiếp nghe tin thì rất vui mừng, nhưng khi biết tâm nguyện của con dâu thì không hề nghĩ ngợi nói với anh là bà sẽ không đi, bà sẽ ở quê để chờ, chờ con dâu sinh con xong thì anh đưa cả hai mẹ con cùng về quê cho bà.
Bạch Cẩm Tú sốt ruột đến mòn con mắt, cuối cùng mọi thứ đã chuẩn bị thỏa đáng, sáng mai là có thể lên đường rồi. Buổi tối trước khi đi, Lân Nhi đã bú no bụng, được bà vú đưa đến phòng ngủ ngay sát cạnh, cô đang ở trong buồng ngủ trọn y phục để ngày mai mặc, Nhiếp Tái Trầm đang tranh thủ xem và xử lý nốt mấy tập công văn ở gian ngoài, bỗng nghe tiếng thét của cô ở bên trong thì giật mình, vội vã chạy vào.
– Làm sao vậy em? Có chuyện gì vậy?
– Eo của em!
Thì ra vừa nãy cô thử lại quần áo phát hiện mấy bộ quần áo lúc trước đều bị chật hết, vòng một, vòng eo chưa phục hồi lại kích cỡ như ban đầu.
– Làm sao đây. Em mập lên rồi, cùng anh đi về, em làm sao dám gặp người khác.
Cô mặt mày đưa đám,
– Đều tại anh hết. Em nói em ăn ít một chút, nhưng anh cứ bắt em phải ăn cơ.
Nhiếp Tái Trầm thở phào một cái, ngắm nhìn eo cô, thật sự không nhìn thấy eo cô có gì lớn hơn trước kia, chứ đừng nói là mập lên. Cô không chịu nghe, ném thước dây đi chạy tới đánh anh:
– Anh còn gạt em. Rõ là mập mà. Đây, đây này, chỗ này nữa này. Toàn là thịt thôi. Còn nói không có.
Nhiếp Tái Trầm cảm thấy mình không thể nào thuyết phục được cô ở vấn đề này, bèn nói:
– Lúc trước anh thấy em hơi gầy, giờ như này rất vừa vặn, anh rất thích.
Bạch Cẩm Tú vẫn lắc đầu:
– Em không tin. Anh gạt em!
Nhiếp Tái Trầm hết cách, đành phải nói:
– Anh thích thật đó…
Anh đến bên tai cô thì thầm một câu.
Bạch Cẩm Tú cúi xuống nhìn ngực mình, cắn cắn môi.
– Hứ. Nhiếp Tái Trầm, thì ra anh xấu xa như thế.
Miệng cô nói ghét, mắng anh hư đốn, nhưng thần sắc rõ là đắc ý.
Nhiếp Tái Trầm nhìn cô cười.
– Anh còn dám cười em….
Cô dậm chân, không chọn quần áo nữa mà đuổi theo đánh anh.
Nhiếp Tái Trầm phá lên cười to, để mặc cô đánh mình, ôm lấy cô, cuối cùng đè cô xuống giường, dùng hành động thực tế của mình để chứng mình những lời nói vừa rồi của mình.
Về vấn đề dáng người gầy mập của Nhiếp phu nhân, một đêm nay đã bị Nhiếp tư lệnh giải quyết một cách hoàn mỹ.
Ngày hôm sau Nhiếp Tái Trầm dẫn theo vợ con lên một con tàu quân hạm đã chờ sẵn ở bến tàu, đi theo đường thủy nối Quảng Đông với Quảng Tây. Đường thủy dĩ nhiên xa hơn đường bộ, nhưng quân hạm tốc độ rất nhanh, từ sau khi nhập Điền, trước đó đã từng chào hỏi rồi nên cả chặng đường rất thông suốt không bị ngăn trở, sau hơn nửa tháng thì tiếp cận huyện Thái Bình, chỉ còn đoạn đường bộ cuối cùng thôi.
Ô tô đã chờ sẵn bên bến tàu, vệ binh đi theo sau xe, đoàn người mau chóng tới huyện thành.
Lần này là hành trình cá nhân, Nhiếp Tái Trầm không muốn làm ảnh hưởng đến những người không liên quan, chẳng những đổi sang thường phục mà vệ binh đi theo cũng mặc thường phục, nhìn như nhà bình thường đưa vợ con ra ngoài du ngoạn. Đường từ huyện thành về nhà không thích hợp đi xe, cả đoàn liền đổi sang xe ngựa vào thành, đang là giữa trưa, anh sợ cô đói, muốn dẫn cô đến một quán cơm tốt nhất ở huyện để ăn cơm trước.
Bạch Cẩm Tú hỏi đường, biết còn cách vài con phố, trong lòng chỉ muốn được gặp mẹ anh, nói:
– Không cần đâu anh, tìm quán nào sạch sẽ ăn là được.
Cô chỉ chỉ vào quán cơm ngay đằng trước:
– Quán kia cũng được. Nhân viên nhìn quần áo sạch sẽ.
Chủ quán cơm đứng ở quầy thấy một chiếc xe ngựa đỗ ngay trước cửa, một đôi vợ chồng trẻ ăn mặc lịch sự đi xuống, nam mặc trường bào màu xanh lá, hiên ngang đĩnh đạc, nữ mặc váy màu xanh nhạt, dung mạo đẹp đẽ vô cùng, bế một đứa bé mặc tã che kín mít, có tùy tùng đi theo, người nào cũng nghiêm trang oai vệ, nhìn là biết không phải người địa phương rồi. Một nơi nhỏ bé như này hiếm gặp được nhân vật xuất sắc như kia, ông ta không dám chậm trễ, vội đích thân ra đón, hướng dẫn đến một bàn trống thanh tịnh sạch sẽ, sắp xếp xong thì gọi nhân viên lại lau bàn cho sạch, mang nước trà lên, nói:
– Quán chúng tôi tuy nhỏ, không có ghế lô nhã tọa, thiệt thòi công tử và phu nhân rồi. Các vị muốn ăn gì cứ việc chọn. Chỉ cần trong thực đơn có, chọn rồi, tôi đảm bảo món ăn sạch sẽ, ngon miệng.
Bạch Cẩm Tú xem thực đơn, hỏi Nhiếp Tái Trầm:
– Anh xem có món gì ngon, anh chọn đi.
Nhiếp Tái Trầm liền chọn vài món. Chủ quán nghe vậy quan sát anh:
– Công tử là người bản địa phải không? Sao tôi chưa từng gặp công tử nhỉ?
Nhiếp Tái Trầm cười cười:
– Thời niên thiếu đã xa quê, cho nên ông chưa gặp tôi là đúng.
Chủ quán ồ một tiếng:
– Chẳng trách!
Lại đánh giá Bạch Cẩm Tú ngồi bên cạnh anh,
– Xem khí phái của hai vị ắt là có địa vị lớn, tới quán cơm của tôi là vinh hạnh của chúng tôi. Đa tạ đa tạ.
Nhiếp Tái Trầm cười nói:
– Mau chuẩn bị món ăn đi, phu nhân của tôi đói rồi.
– Có ngay đây.
Chủ quán vội gọi nhân viên mang món ăn đến.
Nhiếp Tái Trầm dùng nước sôi tráng bát đũa cho cô, rót ly trà cho cô.
– Em mệt không? Để anh bế Lân Nhi cho.
– Em không mệt, cứ để em bế.
Bạch Cẩm Tú rất thích bế con trai, thân mình con mềm mại, mùi sữa thoang thoảng, thỉnh thoảng còn cười với cô. Càng nhìn càng yêu.
Cô mở tã ra, cúi xuống cười đùa với Lân Nhi trong lòng.
Đang là giờ cơm trưa, quán cơm cũng ngồi đầy khách, đôi vợ chồng trẻ tuổi vừa đi vào đã thu hút rất nhiều ánh mắt, người đang trò chuyện cũng ngừng lại, thấy hai người ngồi ổn định rồi cũng không có hành động gì khác người, chỉ chạm vào trán đứa bé nhỏ nhẹ thì thầm nói chuyện với con trong lòng, không khác gì những đôi vợ chồng trẻ bình thường thì không có hứng thú nữa, tiếp tục trò chuyện của mình.
Bạch Cẩm Tú đang vui đùa với Lân Nhi, bỗng nghe có người ở bàn bên nói:
– Tôi có người nhà sống ở quê Nhiếp Đốc quân, hai ngày trước người nhà tôi về huyện thành, nói bà Nhiếp nhận được tin, Đốc quân muốn đưa vợ trẻ cưới ở Quảng Châu về quê tế tổ, rồi đón bà đi hưởng phúc, tính ngày thì chắc là hôm nay tới rồi. Nghe nói huyện trưởng chúng ta ngày nào cũng phái người ngồi canh ở cổng thành chờ Đốc quân đấy.
Khách ngồi bàn khác nói:
– Người vợ Quảng Châu mà Nhiếp Đốc quân cưới là ai thế nhỉ?
Câu hỏi này đã khơi gợi tò mò của mọi người, tất cả đều dừng lại chủ đề ban đầu, không chỉ có bàn này mà khách của các bàn bên cạnh cũng bắt đầu bàn tán đủ thứ, thậm chí còn có người nói ban đầu trên đường mới đến Quảng Châu anh đã gặp một hồng nhan tri kỷ gặp nạn đã tay giúp đỡ, về sau thăng chức vù vù lên làm Đốc quân, vì trả ơn mà cưới đối phương.
Người nọ kể lại sinh động như là tận mắt chứng kiến khiến mọi người đều tin là thật, bàn tán không ngừng.
Bạch Cẩm Tú nghe thế trong lòng vừa ức chế vừa bực bội, nếu không phải Nhiếp Tái Trầm nằm lấy tay cô ngăn lại thì cô đã muốn giao Lân Nhi cho bà vú, còn cô thì ra vỗ bàn mắng cái người ba hoa chích chòe kia một trận rồi.
Nhưng lại có một người ăn mặc như thương nhân lại lắc đầu phản bác:
– Các anh đừng có mà nghe lung tung, gì mà hồng nhan qua đường. Tôi có người cậu làm buôn bán ở Quảng Châu, vừa hay tháng trước về quê thăm thân có nói chuyện, người vợ mà Nhiếp Đốc quân cưới chính là con gái của Bạch lão gia Bạch Thành Sơn – Nam thương nổi danh lừng lẫy, chẳng những đã cưới mà giờ còn đã có con rồi. Bạch lão gia là ai chắc mọi người không biết đâu, nhưng tôi nói cho mà biết, ông ấy chỉ rút một sợi lông thôi cũng có thể mua được toàn bộ đất ở huyện Thái Bình chúng ta nhẹ như bẫng ấy, đã hiểu chưa? Bạch tiểu thư chính là đại tiểu thư lá ngọc cành vàng chính tông đó! Câu chuyện hồng nhan trỉ kỷ gặp nạn trên đường mà các anh biết là vô căn cứ, đúng là vô tri cực độ, làm người ta thấy nực cười.
Bạch Cẩm Tú thở ra nhẹ nhõm.
Cuối cùng cũng có người hiểu chuyện.
Cô rất vừa lòng.
Giờ người ở quê anh sẽ mau chóng biết Nhiếp Tái Trầm đã cưới vợ, mà đó là Bạch Cẩm Tú cô, cũng không phải cô gái nào khác.
Khách ăn ở quán cơm yên lặng một lát, rồi lại thì thầm to nhỏ, ồn ào một mảnh. Một lát sau, cũng không biết có ai nói câu gì, các thực khách đồng loạt quay đầu lại, nhìn sang đôi vợ chồng trẻ đang bế con nhỏ ngồi ở một bàn trong góc, thần sắc nghi hoặc.
Chủ quán dĩ nhiên cũng nghĩ đến, càng thấy càng giống. Nhưng nếu thật sự là vợ chồng Đốc quân, thế tại sao đoàn đội lại giản đơn như vậy. Ông ta nhất thời cũng không khẳng định được. Chần chừ một giây bèn đi đến muốn thăm dò một chút, bỗng bên ngoài có tiếng bước chân hỗn độn, như là có người đang chạy tới bên này, quay đầu lại, nhìn thấy huyện trưởng dẫn theo một đoàn người bước vào cửa quán, thở hồng hộc mà dừng lại, nhìn trái phải vài cái, ánh mắt mau chóng rơi trên mặt người đàn ông trẻ tuổi anh tuấn kia, khựng lại, kêu trời một tiếng, xông về phía trước, quỳ xuống trước người đàn ông trẻ tuổi đó, dập lễ kiểu tiền Thanh:
– Nhiếp Đốc quân đường xa đến đây, ti chức không tiếp đón từ xa. Mong Đốc quân thứ tội.
Lại quay sang cô gái trẻ tuổi bên cạnh,
– Phu nhân, xin nhận một lạy của ti chức.
Nói xong lại dập đầu.
Dân quốc đã lập được hai năm rồi, trước đó mấy tháng, Vân Nam phát thông cáo, nghiêm lệnh mọi người cần phải cắt tóc, bản thông cáo cuối cùng cũng tới nơi này, những người dân ở đây cũng đã cắt bím tóc, nhưng tâm tính vẫn không khác gì trước đây.
Các thực khách thấy huyện trưởng quỳ dập đầu thì toàn bộ đều quỳ xuống theo.
Tòng thị quan đồng hành gọi mọi người đứng lên, nói quy củ mới một lần. Huyện trưởng miệng nói vâng dạ, đứng lên, mặt mày tươi rói nói:
– Đốc quân, từ huyện thành đến quê ngài cũng phải qua một con núi, phu nhân mang theo tiểu công tử đi đường không tiện, ti chức đã chuẩn bị kiệu mềm rồi, chờ ngài và phu nhân dùng bữa xong thì lập tức đưa mọi người đi.
Nhiếp Tái Trầm cũng dự tính thuê kiệu ở huyện thành, thấy đã chuẩn bị rồi thì cảm ơn.
Bên cạnh đầy người, lại còn ồn ào nữa.
Bạch Cẩm Tú biết bữa cơm này ăn không vào rồi, cô còn lo lắng tiếng ồn ào sẽ làm Lân Nhi hoảng sợ, nhưng cậu nhóc mặt nhỏ dán vào lòng cô, ngủ ngon trong tã, cô chỉ muốn đi nhanh thôi, liền nói với Nhiếp Tái Trầm:
– Chúng ta lên đường đi.
Chủ quán kịp phản ứng, vội bảo nhân viên đóng gói thức ăn. Nhân viên cũng nhanh nhẹn làm rất nhanh. Nhiếp Tái Trầm bảo Thị tòng quan trả tiền, đưa vợ con đi ra khỏi quán, mau chóng lên đường về quê.
Huyện trưởng nhất quyết đòi đi cùng, kiệu phu nâng kiệu, một đoàn đi hơn trăm người cuối cùng vào lúc chạng vạng đã qua ngọn núi, tới trước cây cầu đá cũ ở cổng thôn.
Tin tức lan truyền vào thôn, Nhiếp Thái công dẫn người trong thôn ra đón, giống y như huyện trưởng muốn quỳ xuống hành lễ nhưng lập tức bị Nhiếp Tái Trầm ngăn lại.
Bạch Cẩm Tú bế con trai trong lòng, đứng bên cạnh chồng, nhìn thấy mẹ Thạch Đầu đỡ bà Nhiếp trong bộ đồ sạch sẽ đi tới thì xúc động, gọi “mẹ” một tiếng, đi về phía bà.
Bà Nhiếp tới trước mặt cười nói:
– Con ngoan, con tới rồi à? Đi đường khỏe chứ con?
– Khỏe ạ.
Bạch Cẩm Tú vừa nghe được giọng nói hiền hòa của bà thì mắt đỏ lên.
Mẹ anh sở dĩ ở đây chờ hai người, ắt là vì đã biết tâm nguyện của cô, muốn thỏa mãn cô.
Cô bỗng thấy hổ thẹn vì tâm tư nhỏ mọn này của mình.
– Mẹ, tại con cả, giờ mới về thăm mẹ được.
Bà Nhiếp lắc đầu:
– Đừng nói vậy, là mẹ thích đợi các con tới. Đây là cháu nội của mẹ đúng không? Tên là gì vậy con?
Bà Nhiếp nhìn đứa bé trong lòng cô, hỏi.
– Mẹ, bọn con đặt tên là Lân Nhi. Mẹ muốn bé cháu không ạ?
– Có có, để bà bế cháu của bà nào.
Bà Nhiếp cười rạng rỡ, nếp nhăn trên mặt như nở hoa, cẩn thận đón đứa cháu nội từ tay Bạch Cẩm Tú, nhìn Lân Nhi ngủ say mà thương không hết, nhưng chỉ ngắm cháu một chút rồi lại cẩn thận chùm khăn lên, ôm vào lòng, nói:
– Biết các con sắp tới, mẹ đã chuẩn bị xong hết rồi. Mau về nhà đi.
Bạch Cẩm Tú đỡ mẹ chồng, cùng mẹ Thạch Đầu vừa đi vào nhà vừa trò chuyện vui vẻ.
Màn đêm buông xuống, đèn lồng được thắp sáng, từ đầu thôn đến cuối thôn sáng như ban ngày, lại mổ heo mổ dê, bày ra mâm cỗ rượu ngon, mấy cái bếp lớn được nổi lên, đám trẻ con cười đùa, mùi thức ăn thơm ngon lan tỏa, đám phụ nữ vây quanh bếp lửa, cười cười nói nói, làm mười mấy bàn tiệc phong phú.
Buổi tối hôm nay, người trong thôn trang đều có mặt chúc mừng Trầm ca ở Quảng Châu cưới được thiên kim Bạch gia xinh đẹp như tiên, sau đó lại chúc mừng quý tử, mọi người ngồi quanh bàn, vừa uống rượu vừa chơi đoán số, vô cùng náo nhiệt.
Đây là giờ khắc mà Bạch Cẩm Tú mong chờ rất lâu rồi, giờ cuối cùng cũng tới, nhớ lại cảnh lần trước khi mình đến đây thì lại có chút ngượng ngùng.
Mẹ anh chẳng những rất tâm lý, còn khéo tay, trong lúc chờ cô đến đã khâu cho Lân Nhi nhiều áo lót và mũ quả dưa, còn khâu cho cô một bộ váy đỏ, thêu hoa văn hình trái nho nếp gấp rất đẹp, ngụ ý nhiều con nhiều phúc.
Bạch Cẩm Tú rất thích, lập tức thay ngay tại chỗ, giờ đang ngồi trong phòng chờ giờ lành tới để đi dập dầu kính trà mẹ chồng.
Thời gian hẳn là sắp tới rồi.
Cô nghiêng tai lắng nghe tiếng ồn ào bên ngoài vọng vào, đang khẩn trương, bỗng nghe có tiếng nhóm phụ nữ trêu chọc.
– Trầm ca, lần trước Bạch tiểu thư tới đây, bọn chị đã đoán cô ấy là vợ em rồi, quả nhiên là chị đoán đúng.
Tiếng cười của mẹ Thạch Đầu vang lên.
– Trầm ca, em thật có phúc nha. – Có người lên tiếng.
Tiếng cười, tiếng bước chân quen thuộc dần đến gần, có người gõ cửa.
Bạch Cẩm Tú vội vàng chạy đến trước gương để soi lại mình, trong gương là một khuôn mặt xinh như hoa.
Cô hít vào một hơi thật sâu, đi qua mở cửa.
Nhiếp Tái Trầm mỉm cười đứng ở ngoài cửa, ánh mắt rơi trên mặt cô, nhìn cô một lát, chìa tay ra với cô, dịu dàng nói:
– Tú Tú, đi nào, anh đưa em đi gặp mẹ anh.
Cô gật đầu, đặt bàn tay mình vào lòng bàn tay anh, mười ngón tay giao nhau, đi ra ngoài.
Đây không phải là hôn lễ đầu tiên giữa cô và anh.
Họ đã từng có một hôn lễ còn long trọng hơn rất nhiều so với đêm nay, nhưng đêm nay, một nghi thức đơn giản mà náo nhiệt nơi thôn quê nhỏ bé này lại làm cho tâm tình cô vô cùng kích động.
Anh nắm tay cô đưa cô đi, cô cảm thấy mình thật sự giống một cô dâu mới, người đàn ông bên cạnh là người trong lòng cô.
Cô cuối cùng đã hoàn toàn được mãn nguyện rồi.
Cô được anh cầm tay bước vào nhà chính của Nhiếp gia đông đủ mọi người trong thôn, đi đến trước mặt mẹ anh, mặc áo cưới do chính tay bà may cho, trịnh trọng quỳ xuống trước mẹ của người đàn ông cô yêu, dập đầu, kính trà cho bà, lại nhận bao lì xì mà bà tặng cho cô, cuối cùng được đám phụ nữ trong thôn rải đậu phộng, cùng anh đi về phòng tân hôn của hai người.
Chính là gian phòng trước kia của anh.
Tường đã được quét vôi trắng, dán giấy song hỉ, nến đỏ thắp sáng, chăn đệm mới tinh.
Chú rể của cô bế cô lên, đưa cô đến bên giường, dịu dàng hôn môi cô, cô bỗng nhớ lần trước cô xem lén thứ trong rương của anh, không nhịn nổi mà bật cười.
Anh dừng lại, hỏi cô cười cái gì.
Cô lắc đầu không chịu nói. Anh hỏi đến cùng, cô vẫn không nói.
Đó là bí mật nhỏ của cô.
Nhiếp Tái Trầm nhìn lúm đồng tiền của cô, bỗng kéo cô lên, nói:
– Tú Tú, anh đưa em đến một nơi.
– Đi đâu vậy?
Anh không nói.
Cô đi theo anh, bỏ lại khách khứa vẫn còn đang ầm ĩ ở đằng trước, lén lút từ cửa sau chạy ra, đi đến trước một khe núi, anh bảo cô nhắm mắt lại.
Cô ngoan ngoãn nhắm mắt lại, bị anh xoay về một hướng, nghe anh bảo mở mắt ra.
Cô mở mắt ra, tức thì bị cảnh tượng chứng kiến làm cho ngây người.
Trước mặt là đom đóm đang bay lượn, sáng lấp lánh, như những cốc đèn lồng nhỏ ngập trong không trung. Cô không kìm lòng nổi với tay ra, một con đóm đóm đậu trên tay cô. Cảnh tượng này giống như mộng ảo.
– Tú Tú, đây là nơi mà khi còn nhỏ vào mỗi đêm hè anh thường tới đây, em thích không?
Cô gật đầu:
– Thích! Về rồi em sẽ vẽ lại nơi này.
– Tú Tú, thực ra anh còn nợ em một thứ.
Cô nghe anh nói bên tai mình.
Cô bị cảnh đẹp như mơ trước mắt hấp dẫn, có chút thất thần, thuận miệng hỏi:
– Anh còn nợ em cái gì?
Cô cũng không nghĩ ra được.
– Anh còn nợ em một lời cầu hôn.
Cô sửng sốt, quay sang anh.
Nhiếp Tái Trầm chăm chú nhìn vào đôi mắt sáng lấp lánh như ánh sao của cô.
– Bạch tiểu thư, em hãy gả cho anh nhé. Anh nguyện yêu em, bảo vệ em suốt đời. Em có bằng lòng không?
Giọng anh trầm thấp, nói từng câu rõ ràng, vang lên bên tai cô.
Hốc mắt cô nóng lên, thất thần đôi giây, ra sức gật đầu, lau nước mắt, lại đánh anh một cái.
– Nhiếp Tái Trầm anh đáng ghét quá. Đang yên lành lại làm em khóc…
Cô òa lên, nhào vào lòng người đàn ông này, ôm chặt lấy anh.
Khi hai người trở về, khách khứa đã giải tán không ít. Trong phòng bà Nhiếp, Lân Nhi đã dậy, nằm trong một cái nôi nhỏ.
Bà Nhiếp ngồi bên nôi, vừa khẽ khàng đong đưa, vừa thì thầm hát ru:
– Ngủ à ngoan à, ngủ ngoan con ơi, khi đói bụng rồi, con tỉnh dậy, bế con lên, ăn cho no…
Theo tiếng hát ru địu dàng của bà, Lân Nhi tò mò mở to mắt ra, chân tay lắc lắc, sợi lắc bạc có chuông nhỏ đeo ở chân phát ra tiếng vang nho nhỏ, thanh âm này rơi vào đêm hè yên lặng, vô cùng êm tai.
Hai người lẳng lặng đứng ngoài cửa nhìn một lát, cùng mỉm cười, hai tay lồng vào nhau.
Hết chương 88
Truyện khác cùng thể loại
343 chương
34 chương
1357 chương
37 chương
20 chương
47 chương
71 chương
5 chương