Báo THE TIMES Ngày 9 tháng Ba, 1936 QUÂN ĐỨC CHIẾM VÙNG RHINE Phải mãi tới khi người Đức tái chiếm vùng Rhine Lubji mới lần đầu tiên nghe nói đến cái tên Adolf Hitler. Mẹ cậu nháy mắt khi bà đọc những lời của Quốc trưởng Đức đăng trong tờ tuần báo của vị giáo sĩ. Sau khi đọc xong mỗi trang, bà lại đưa nó cho đứa con trai lớn. Bà chỉ dừng lại khi trời quá tối không còn đọc được nữa. Lubji thì có thể tiếp tục đọc thêm được một lúc. "Nếu Hitler vượt qua biên giới thì chúng ta cũng phải đeo những ngôi sao vàng hả mẹ?" Cậu hỏi. Zelta giả vờ ngủ. Từ lâu mẹ cậu đã không còn giấu được những người khác trong nhà chuyện Lubji là đứa con được bà cưng nhất, cho dù bà nghi chính cậu là thủ phạm của vụ chiếc trâm cài áo biến mất. Bà kiêu hãnh nhìn cậu con nay đã là một chàng thiếu niên cao to, đẹp trai. Nhưng bà vẫn dứt khoát, dù cậu buôn bán thành đạt, mà bà phải công nhận là cả nhà được nhờ, là cậu phải trở thành giáo sĩ. Bà có thể đã uổng phí đời bà, nhưng Lubji thì nhất định không được uổng phí đời nó. Trong sáu năm sau đó, Lubji sáng nào cũng được vị giáo sĩ già kèm cặp trong ngôi nhà trên đồi. Đến trưa được thả, cậu lại ra chợ, là nơi mới đây cậu đã mua được sạp hàng riêng. Vài tuần sau lễ mitzvah, vị giáo sĩ trao cho mẹ Lubji lá thư người ta báo với ông rằng Lubji đã được học bổng để theo học tại trường ở Ostrava. Đó là ngày hạnh phúc nhất trong đời Zelta. Bà biết con bà thông minh, có lẽ còn xuất chúng nữa, nhưng bà cũng hiểu rằng việc được nhận vào học ở đó chỉ có thể là do tiếng tăm của ông cậu. Lúc đầu, khi được biết có học bổng đi học, Lubji cố không tỏ ra hoảng hốt. Mặc dù chỉ được phép ra chợ vào buổi chiều, nhưng cậu đã kiếm đủ tiền để sắm cho mỗi người trong nhà một đôi giầy và hai bữa ăn hàng ngày.Cậu muốn giải thích với mẹ rằng làm giáo sĩ chẳng có nghĩa lý gì một khi cái mà cậu muốn là có một cửa hàng trong cái lô còn trống bên cạnh cửa hàng của ông Lekski. Ông Lekski đóng cửa hiệu để lái xe đưa chàng thiếu niên đến trường. Trên con đường dài ấy, cậu nói với ông già rằng hy vọng một ngày nào đó sau khi học xong, cậu sẽ tiếp quản cửa hiệu của ông. Lubji chỉ muốn quay về nhà ngay và chỉ sau khi bị thuyết phục mãi cậu mới cầm chiếc túi da nhỏ, vật cuối cùng mà cậu trao đổi chiều hôm trước, để bước qua chiếc cổng đá to tướng vào trường. Nếu Lekski không nói thêm ông sẽ không bao giờ nhận Lubji vào làm trong cửa hàng, trừ phi cậu học hết năm năm ở trường, có lẽ cậu đã bỏ về. Lubji nhanh chóng phát hiện ra rằng, ở trường, hầu như không có học trò nào thuộc gia đình nghèo hèn như cậu. Một vài đứa cùng lớp đã nói trực tiếp hoặc gián tiếp, là cậu không phải loại người chúng muốn giao thiệp. Những tuần sau đó, cậu cũng phát hiện thêm rằng những trò tiểu xảo mà cậu học được ngoài chợ chẳng có ích gì trong một thể chế như ở đây, cho dù ngay cả đứa thành kiến nhất cũng không thể phủ nhận được việc cậu có năng khiếu ngôn ngữ bẩm sinh. Và chắc chắn những giờ học dài, ít ngủ và kỷ luật chặt chẽ không làm cậu bé từ Douski lo ngại. Vào cuối năm học đầu tiên tại Ostrava, Lubji đứng ở nửa trên của lớp trong tất cả các môn. Cậu đứng đầu môn toán, thứ ba môn tiếng Hung - hiện đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của cậu. Nhưng ngay cả ông hiệu trưởng cũng không thể không nhận thấy cậu rất ít bạn và ngày càng trở nên cô độc. Ít ra thì ông cũng yên tâm là không có đứa nào dám ăn hiếp thằng bé bất trị này; đứa duy nhất thử giở trò đó đã phải vào trạm xá điều trị. Khi Lubji trở lại Douski, cậu ngạc nhiên thấy thị trấn sao mà nhỏ, gia đình cậu sao mà nghèo và sao họ đã quen dựa vào cậu đến thế. Sáng sáng, sau khi cha cậu đã ra đồng, Lubji thường đi bộ đến nhà vị giáo sĩ ở trên đồi để tiếp tục học. Nhà học giả già kinh ngạc trước khả năng làm chủ ngôn ngữ của cậu, và thừa nhận ông không còn dạy nổi cậu môn toán nữa. Buổi chiều Lubji trở lại chợ, và gặp ngày may mắn, cậu kiếm đủ đồ ăn cho cả nhà. Cậu thử dạy các em trai cách thức buôn bán để chúng có thể quản lý được sạp hàng vào buổi sáng và sau khi cậu trở lại trường, và nhanh chóng nhận ra rằng đó là việc làm vô vọng. Cậu những mong mẹ cho phép cậu ở lại nhà, xây dựng được một cơ sở buôn bán mà cả nhà có thể được nhờ cậy. Nhưng Zelta tỏ ra không quan tâm đến những gì cậu làm ngoài chợ, mà chỉ hỏi về chuyện học hành mà thôi. Bà đọc đi đọc lại phiếu báo điểm, đến mức cuối ngày chắc đã thuộc lòng từng dòng. Điều đó càng làm Lubji thêm quyết tâm năm sau phiếu báo điểm của cậu phải làm mẹ hài lòng hơn nữa. Hết kỳ nghỉ sáu tuần, Lubji miễn cưỡng cho quần áo vào lại chiếc túi da nhỏ và lại được ông Lekski đánh xe đưa trở lại Ostrava. "Lời mời của bác vẫn để ngỏ", ông nói với cậu, "nhưng chỉ sau khi cháu học xong". Vào năm học thứ hai, cái tên Adolf Hitler xuất hiện trong các câu chuyện thường xuyên chẳng kém gì tên của Moise. Ngưòi Do Thái hàng ngày bỏ chạy qua biên giới kể lại những chuyện kinh hoàng đang diễn ra ở Đức và Lubji thường tự hỏi không biết gã Quốc trưởng tới đây còn dự định làm những trò gì. Cậu đọc tất cả các báo mà cậu có được bằng các thứ tiếng, cho dù là báo cũ. "Hitler nhìn về phương Đông", một tít trên trang nhất của tờ Ostrava viết. Khi Lubji giở tới trang bảy để đọc nốt bài báo thì không thấy, nhưng điều đó không ngăn được cậu tự hỏi bao lâu nữa thì xe tăng Đức sẽ tiến vào Tiệp Khắc. Cậu có thể nói chắc một điều: cái chủng tộc siêu việt của Hitler chắc chắn không bao gồm những người như cậu. Cuối buổi sáng hôm đó, cậu nói những lo lắng này với thầy lịch sử, nhưng xem ra tầm nhìn của ông này không vượt quá được Hannibal, chớ chưa nói gì đến vùng núi Anpơ. Lubji gấp sách, không suy nghĩ đến hậu quả việc làm của mình, đùng đùng bỏ ra khỏi lớp, đi dọc hành lang, về phía văn phòng ông hiệu trưởng. Cậu dừng lại trước cánh cửa mà cậu chưa từng bước qua, ngập ngừng một lát rồi mạnh dạn gõ. "Vào đi", một giọng đáp. Lubji từ từ mở cửa và bước vào văn phòng. Vị hiệu trưởng trông thánh thiện trong bộ lễ phục học đường màu đỏ và xám, chiếc mũ đen chụp trên chỏm tóc đen xoăn tít. Ông vẫn ngồi, ngước mắt lên hỏi: "Đây chắc là một vấn đề cực kỳ quan trọng phải không?". "Vâng, thưa ngài", Lubji tự tin trả lời. Rồi nó mới thấy hoảng. "Nào, nói đi", ông hiệu trưởng nhắc sau một hồi im lặng. "Chúng ta phải sẵn sàng khi có tin là di chuyển ngay", cuối cùng Lubji lắp bắp. "Cần phải nghĩ rằng không lâu nữa Hitler..." Ông hiệu trưởng già mỉm cười nhìn Lubji và vẫy tay ra hiệu không cần nói nữa. "Hitler đã nói với chúng ta cả trăm lần là ông ta không quan tâm đến việc chiếm đóng lãnh thổ của bất cứ nước nào”, ông nói cứ tựa như đang sửa một lỗi nhỏ của Lubji trong bài kiểm tra lịch sử. "Em xin lỗi đã làm mất thời gian của thầy", Lubji nói, nhận ra rằng cho dù cậu có khéo trình bày đến mấy cũng không thuyết phục được ông già lơ mơ với thời cuộc này. Nhưng trong những tuần sau, trước tiên là thầy giáo phụ đạo, sau đến thầy chủ nhiệm và cuối cùng là ông hiệu trưởng đều phải thú nhận rằng lịch sử đang viết rõ ràng trước mắt họ. Vào một buổi tối ấm áp tháng Chín, ông hiệu trưởng đi quanh trường báo cho học sinh biết chúng cần thu dọn đồ đạc vì rạng sáng hôm sau trường sẽ chuyển đi nơi khác. Ông không ngạc nhiên khi thấy phòng của Lubji đã trống trơn. Ngay sau lúc nửa đêm, một sư đoàn xe tăng Đức đã vượt biên giới, tiến thẳng vào Ostrava mà không gặp sự kháng cự nào. Lính Đức lục soát cả trường ngay trước giờ ăn sáng, lôi tất cả học sinh lên những chiếc xe tải đang đợi sẵn. Chỉ có một học sinh không có mặt khi điểm danh. Lubji Hoch đã đi khỏi trường từ đêm trước. Sau khi nhét tất cả các thứ vào chiếc túi da nhỏ, cậu nhập vào dòng người tỵ nạn đang đi về hướng biên giới Hungari. Cậu cầu Chúa rằng mẹ cậu không chỉ đọc báo, mà đọc cả suy tính của Hitler và đã có thể cùng gia đình trốn thoát. Gần đây, cậu nghe nhiều tin đồn về việc người Đức dồn tất cả dân Do Thái vào các trại tập trung. Cậu cố không nghĩ đến những gì có thể xảy ra với gia đình cậu nếu họ bị bắt. Tốỉ hôm đó, khi Lubji lẻn khỏi cổng trường, cậu không dừng lại để nhìn đám dân địa phương chạy từ nhà này sang nhà khác tìm kiếm người thân, trong khi những người khác chất đủ các thứ lên những chiếc xe ngựa kéo mà chắc chắn chiếc xe quân sự chạy chậm nhất cũng dễ dàng đuổi kịp. Đêm nay không phải là đêm để lo chuyện đồ đạc. Ai mà bắn được đồ đạc, Lubji muốn nói với họ. Nhưng có ai buồn đứng đó để nghe chàng thiếu niên cao to trong bộ đồ học sinh vói mái tóc đen xoăn tít nói. Vào lúc xe tăng Đức bao vây trường, cậu đã đi được mấy dặm trên con đưòng về phía nam dẫn tới vùng biên giới. Lubji không dám dừng lại ngủ. Cậu đã nghe tiếng pháo vang rền khi kẻ thù từ phía tây tiến vào thành phố. Cậu đi, đi mãi, vượt trước những ngưòi đi chậm vì phải mang theo đồ đạc. Cậu vượt qua những đoàn lừa và xe ngựa chở nặng, bánh xe cần phải sửa, và những gia đình có con nhỏ và người già luôn phải chờ những người đi chậm. Cậu quan sát thấy các bà mẹ bắt đầu cắt tóc cho con và bỏ đi tất cả những gì có thể chứng tỏ họ là người Do Thái. Cậu không dừng lại để cự nự họ vì không muốn lãng phí thời gian quý báu. Cậu thề rằng không gì có thể làm cậu từ bỏ tôn giáo của mình. Cái thứ kỷ luật mà cậu bị nhồi nhét trong hai năm qua ở trường cho phép Lubji đi bộ đến tận tối mà không cần ăn nghỉ. Cuối cùng, cậu lăn ra ngủ ở phía sau chiếc xe ngựa, sau đó là trên ghế trước của một chiếc xe tải. Cậu quyết bằng bất kỳ giá nào cùng phải đi tới được một đất nước thân thiện. Mặc dù tự do chỉ cách đó một trăm tám mươi cây số, Lubji đã qua ba lần mặt trời mọc rồi lặn trước khi nghe thấy tiếng những ngưòi đi trước hét lên sung sướng khi họ đến được Hungari là nước có chủ quyền. Cậu dừng lại ở cuối một hàng dài người sắp trở thành dân di cư. Suốt ba tiếng sau đó, cậu chỉ nhích được có vài trăm mét, và hàng người bắt đầu chuẩn bị ngủ qua đêm. Những cặp mắt lo lắng nhìn lại phía sau, nơi những cột khói đang bốc cao, và có thể nghe thấy tiếng súng khi quân Đức tiếp tục bước tiến thô bạo của chúng. Lubji đợi cho đến khi trời tối hẳn mới lặng lẽ luồn qua những gia đình đang ngủ say, cho đến khi có thể nhìn rõ những ngọn đèn của đồn biên phòng trước mặt. Cậu kín đáo ngủ trong một chỗ đất phẳng, đầu gối lên chiếc túi da. Sáng hôm sau, khi nhân viên hải quan nhấc thanh chắn đường lên, Lubji đã đứng đợi ở đầu hàng. Khi những người phía sau thức dậy thấy trước mặt là một cậu thiếu niên mặc đồng phục nhà trường đang rì rầm cầu nguyện, họ cũng chẳng buồn hỏi bằng cách nào cậu lại ở đó. Viên sĩ quan hải quan không phí thời gian lục cái túi của Lubji. Khi đã qua khỏi biên giới, cậu không rời con đường dẫn về Budapest, thành phố Hung duy nhất mà cậu nghe nói. Lại thêm hai ngày đêm chia sẻ đồ ăn với những gia đình hào phóng, sung sướng vì đã thoát khỏi cơn thịnh nộ của người Đức, cậu đã đến được vùng ngoại ô thủ đô vào ngày 23 tháng Chín năm 1939. Lubji không thể tin những điều cậu nhìn thấy. Chắc chắn đây phải là thành phố lớn nhất thế giới? Cậu dành mấy giờ đầu lang thang qua các phố, mỗi bước đi là mỗi ngất ngây. Cuối cùng cậu kiệt sức trên tam cấp một giáo đường Do Thái và sáng hôm sau tỉnh dậy, việc đầu tiên cậu làm là hỏi đường đến chợ. Lubji sững sờ nhìn từng dãy các quầy hàng có mái che chạy dài tít tắp. Một vài quầy chỉ bán rau, các quầy khác bán hoa quả trong khi một vài quầy nữa thì bán giường tủ. Riêng một quầy chỉ bán tranh ảnh, trong đó một số đã có khung. Mặc dù nói thông thạo tiếng Hung, nhưng khi cậu đến xin làm cho các chủ sạp, câu hỏi duy nhất của họ là: "Cậu có gì bán không?” Lần thứ hai trong đời Lubji phải đốỉ mặt với việc không có gì để đổi chác. Cậu đứng nhìn những ngưòi tỵ nạn trao đổi những vật quý của gia đình, đôi khi chỉ là một nửa ổ bánh mỳ hoặc một bịch khoai tây. Cậu nhanh chóng thấy rõ chiến tranh đã giúp cho một số người làm giàu nhanh chóng. Ngày này qua ngày khác, Lubji tìm kiếm việc làm. Tối đến cậu thường ngủ gục trên vỉa hè, vừa đói vừa mệt lả, nhưng vẫn quyết tâm. Sau khi tất cả các chủ sạp chẳng ai mướn cậu, Lubji đành phải đi xin ăn ngoài phố. Vào cuối một buổi chiều, trong lúc sắp tuyệt vọng, cậu đi ngang quầy báo ở một góc phố yên tĩnh. Một bà già đang ngồi, cổ đeo chiếc dây chuyền nhỏ có hình ngôi sao David. Cậu nhìn bà mỉm cười, hy vọng bà sẽ nhủ lòng thương xót, nhưng bà vẫn tiếp tục công việc của mình như không hề nhìn thấy cậu bé di cư bẩn thỉu. Lubji sắp sửa đi thì một thanh niên, có lẽ chỉ hơn cậu vài tuổi đến bên quầy, lấy bao thuốc lá, hộp diêm, sau đó bỏ đi không trả tiền. Bà già nhảy ra, vung chân múa tay kêu toáng lên: "Đồ ăn cắp! Đồ ăn cắp!" nhưng hắn chỉ nhún vai, châm thuốc. Lubji chạy theo, đặt tay lên vai hắn. Khi hắn quay lại, Lubji bảo: "Anh chưa trả tiền bao thuốc". "Xéo đi, thằng chó Xlôvác", hắn vừa nói vừa đẩy cậu ra, tiếp tục đi. Lubji lại chạy theo và lần này nắm tay hắn. Lần thứ hai hắn quay lại, không nói không rằng đấm luôn. Lubji cúi tránh và đấm trả ngay. Trong khi hắn đang choáng, Lubji bồi thêm một quả vào mỏ ác, mạnh đến nỗi hắn loạng choạng ngã gục xuống đường, diêm thuốc văng ra ngoài. Lubji phát hiện mình ít ra cũng được thừa hưởng của bố một cái gì đó. Lubji rất ngạc nhiên trước sức mạnh của mình. Chần chừ một lúc, cậu cúi xuống nhặt bao thuốc và bao diêm. Để mặc tên kia nằm ôm bụng nhăn nhó, cậu chạy trở lại quầy hàng. "Cám ơn cậu", bà già nói khi cậu đưa trả các thứ. "Tên cháu là Lubji Hoch", cậu nói, cúi người chào bà. "Bác là Ceranis". Tối đó, sau khi bà già về nhà, Lubji ngủ trên vỉa hè phía sau quầy. Sáng hôm sau, bà ngạc nhiên thấy cậu vẫn còn ở đó, ngồi trên chồng báo. Ngay khi thấy bà đang từ đầu phố đi lại, cậu bắt đầu cởi dây buộc báo. Cậu nhìn bà phân báo thành từng loại, xếp lên sạp để thu hút sự chú ý của những người đi làm sớm. Ngày hôm đó, bà Ceranis bắt đầu kể cho Lubji nghe về những tờ báo khác nhau và sửng sốt khi biết cậu đọc được nhiều thứ tiếng. Không lâu sau đó, bà phát hiện rằng cậu cũng có thể nói chuyện với bất cứ người tị nạn nào đến tìm hiểu tin tức từ đất nước của cậu. Hôm sau trước khi bà Ceranis đến, Lubji đã bày xong các báo lên quầy. Cậu còn bán được một vài tờ cho khách đi làm sớm. Tới cuốỉ tuần, ngưòi ta thường thấy bà yên tâm nằm ngủ trong góc quầy, chỉ cần thỉnh thoảng nói vài lời nếu Lubji không trả lời được câu hỏi của khách. Tối thứ Sáu, sau khi khoá cửa, bà bảo Lubji theo mình. Họ im lặng bước khá lâu, rồi dừng trước ngôi nhà nhỏ cách quầy hàng khoảng một dặm. Bà mời cậu vào nhà, dẫn vào phòng trong gặp chồng. Ông Ceranis sửng sốt khi thấy cậu thiếu niên cao to bẩn thỉu, nhưng thái độ chợt dịu đi khi biết cậu là người Do Thái từ Ostrava qua tỵ nạn. Ông mời cậu cùng ăn tối. Đây là lần đầu tiên Lubji được ngồi vào bàn từ sau khi rời trường. Trong bữa ăn, Lubji được biết ông Ceranis quản lý một xưởng in báo cung cấp cho quầy hàng của vợ. Cậu bắt đầu hỏi ông một loạt câu hỏi về những số báo còn lại, khuôn chữ hỏng, lề báo và đồ thay thế. Chẳng bao lâu, ông đại lý báo hiểu ra lý do tại sao tiền lời bán báo tuần rồi lại cao hơn. Trong khi Lubji rửa chén dĩa, ông bà Ceranis nói chuyện với nhau trong góc bếp. Nói chuyện xong, bà Ceranis vẫy Lubji, lúc đó đang nghĩ đã đến giờ cậu phải đi. Nhưng thay vì đưa cậu ra cửa, bà lại bắt đầu leo lên cầu thang. Bà dừng lại vẫy cậu lên theo. Đến đầu cầu thang, bà mở cửa dẫn cậu vào một phòng nhỏ xíu. Sàn không trải thảm, đồ đạc duy nhất chỉ có chiếc giường đơn, chiếc tủ nhỏ nham nhở và một bàn nhỏ. Bà nhìn chiếc giưòng trống, nét mặt buồn rầu, chỉ tay vào đó và vội vàng đi ra, không nói một lời. * ** Người di cư từ nhiều nước khác nhau tìm đến nói chuyện với chàng thanh niên, người hình như đọc tất cả các báo, để hỏi về những gì đang diễn ra ở nước họ. Vì thế, đến cuối tháng thứ nhất, Lubji đã tăng được thu nhập của quầy lên gấp đôi. Vào ngày cuối tháng, ông Ceranis trả cậu tháng lương đầu tiên. Trong bữa ăn tối, ông bảo rằng từ thứ Hai, cậu sẽ cùng làm với ông trong xưởng in để học thêm nghề. Bà Ceranis có vẻ thất vọng, mặc dù chồng bà hứa cậu sẽ chỉ đi trong một tuần. Ở xưởng in, Lubij nhanh chóng nhớ tên các khách hàng quen, loại nhật báo họ đặt và loại thuốc lá họ ưa dùng. Vào tuần thứ hai, cậu bắt đầu biết có một ông Farkas nào đó ở cửa hàng bên kia đường luôn cạnh tranh với ông Ceranis, nhưng vì cả ông bà Ceranis không ai nhắc đến tên ông ta nên cậu không hỏi. Tối chủ nhật, ông Ceranis bảo vợ rằng Lubji sẽ cùng làm luôn với ông ở xưởng. Bà có vẻ không ngạc nhiên. Sáng sáng Lubji dậy vào lúc bốn giờ, ra khỏi nhà để tới cửa hàng. Mãi khi cậu đã bày hết báo lên quầy, phục vụ được một vài khách mua báo sớm thì vợ chồng nhà Ceranis mới ăn sáng xong. Những tuần tiếp theo, ông Ceranis đến xưởng muộn dần, và buổi tối sau khi đếm số tiền thu, ông thường nhét vào tay Lubji một hai đồng lẻ. Lubji đặt những đồng xu thành chồng trên bàn cạnh giường ngủ. Mỗi khi đủ mười xu, cậu lại đổi thành một tờ tiền giấy màu xanh. Đêm đêm cậu thường nằm thao thức, mơ đến một ngày sẽ tiếp quản cả xưởng và quầy báo, khi ông bà Ceranis nghỉ dưỡng già. Gần đây, họ bắt đầu đối xử với cậu như con trai của mình, tặng cậu những món quà nhỏ và bà Ceranis thường ôm hôn cậu trước khi đi ngủ. Việc đó làm cậu nhớ đến mẹ. Lubji bắt đầu tin tưởng tham vọng của mình sắp thành hiện thực khi ông Ceranis nghỉ việc một ngày, và cuối tuần trở lại, ông thấy thu nhập của xưởng đã tăng lên ít nhiều. * ** Một sáng Chủ nhật, trên đường từ giáo đường trở về, Lubji cảm giác có người đang đi theo mình. Cậu dừng bước, quay lại, thì thấy ông Farkas cách cậu chỉ mấy bước. "Chào ông Farkas", Lubji nhấc mũ chào. "Chào ông Hoch", ông ta đáp. Cho đến lúc đó, Lubji chưa bao giờ nghĩ mình là "ông Hoch". Thật ra cậu vừa mới kỷ niệm sinh nhật lần thứ mười bảy. "Ông muốn nói chuyện với tôi?" Lubji hỏi. "Đúng vậy, ông Hoch ạ", vừa nói ông ta vừa lại gần. Ông ta bắt đầu đổi chân liên tục. Lubji nhớ lại lời khuyên của ông Lekski: "Khi khách hàng có vẻ sợ, thì đừng nói gì vội". "Tôi đang nghĩ muốn dành cho cậu việc làm ở một trong những xưởng của tôi, ông ta nhìn cậu nói. Lần đầu tiên Lubji biết ông Farkas có không phải chỉ một xưởng in. "Với tư cách gì?" Cậu hỏi. "Trợ lý giám đốc". "Còn lương?" Khi nghe số tiền, cậu không bình luận gì, mặc dù một trăm pengôt một tuần là gấp đôi số tiền ông Ceranis trả cho cậu. "Tôi sẽ ở đâu?" "Trong chỗ làm, có một phòng trên gác. Tôi nghĩ phòng này còn rộng hơn nhiều so với cái phòng nhỏ của nhà Ceranis mà cậu đang ở". Lubji nhìn ông ta. "Thưa ông Farkas, tôi sẽ suy nghĩ thêm", cậu nói và lại nhấc mũ chào. Khi về đến nhà, cậu quyết định nói lại toàn bộ câu chuyện với ông Ceranis để đề phòng có ai đó nói lại. Ông già vuốt râu thở dài khi Lubji kể xong. Nhưng ông không nói gì. "Tất nhiên cháu đã nói rõ là không có ý định làm cho ông ta", Lubji nói thêm, đợi xem ông chủ phản ứng thế nào. Ông Ceranis vẫn im lặng và không nhắc lại chuyện đó mãi cho đến khi ngồi vào bàn ăn tối. Lubji mỉm cười khi được biết cậu sẽ được tăng lương vào cuốỉ mỗi tuần. Nhưng vào thứ Sáu, cậu thất vọng khi mở chiếc phong bì màu vàng nhỏ và thấy số lương được tăng ấy thật ít ỏi. Thứ Bảy sau, khi ông Farkas tiếp cận lần nữa và hỏi cậu đã quyết định chưa, Lubji chỉ nói cậu rất mãn nguyện với số tiền hiện được lĩnh. Cậu cúi người rất thấp chào trước khi đi, hy vọng làm ông ta nghĩ cậu vẫn để ngỏ cửa cho lời đề nghị của ông ta. Mấy tuần sau đó, trong lúc làm việc, cậu thỉnh thoảng lại ngước mắt nhìn xưởng in phía bên kia đường. Đêm đêm cậu nằm trên giường, cố hình dung trong đó có gì. Sau khi làm việc cho ông bà Ceranis sáu tháng, Lubji đã tiết kiệm được hầu như toàn bộ số lương của mình. Quần áo duy nhất mà cậu có là bộ com lê mua ở cửa hàng đồ cũ, hai áo sơ mi và một chiếc cravát có chấm thay thế cho bộ đồng phục học sinh. Nhưng mặc dù yên ổn ở đây, cậu vẫn ngày càng cảm thấy lo lắng về việc Hitler sẽ tấn công tiếp nước nào. Sau khi xâm lược Ba Lan, Hitler đã có những bài diễn văn trấn an người Hung rằng, hắn coi họ là đồng minh. Nhưng nhìn vào những việc hắn đã làm, đồng minh không phải là từ hắn tra trong từ điển tiếng Ba Lan. Lubji cố không nghĩ tới việc lại phải di chuyển một lần nữa, nhưng mỗi ngày qua đi là mỗi ngày cậu đau đớn nghe mọi người nói thẳng ra rằng cậu là một gã Do thái, và cậu không thể không nhận thấy một vài người địa phương hình như đang chuẩn bị để đón bọn Quốc xã. Một buổi sáng khi đang trên đường đi làm, một người đi đường huýt sáo ra ý chửi cậu. Cậu ngạc nhiên, nhưng chỉ vài ngày sau, việc đó trở thành thường xuyên. Rồi những viên đá đầu tiên bắt đầu ném vào cửa sổ xưởng in của ông Ceranis, và một vài khách quen bắt đầu qua phố lấy báo của ông Farkas. Nhưng ông Ceranis tiếp tục nhắc lại là Hitler đã nói rõ, hắn không bao giờ xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Hung. Lubji nói với ông đó cũng là những lời Hitler đã nói trước khi xâm lược Ba Lan. Cậu kể tiếp cho ông nghe về một người Anh tên là Chamberlein mấy tuần trước đã đệ đơn từ chức thủ tướng. Lubji biết cậu vẫn chưa tiết kiệm đủ tiền để qua một nước khác; vì thế, thứ Hai sau đó, trước khi ông Ceranis xuống ăn sáng, cậu mạnh dạn bước qua phố, vào xưởng của ông Farkas. Ông này không giấu nổi ngạc nhiên khi thấy Lubji không mời mà đến. "Ông vẫn cần một trợ lý giám đốc chứ?" Lubji hỏi ngay, không muốn người khác nhìn thấy mình ở bên này phố. "Với một thằng Do thái thì không", ông Parkas nhìn thẳng mặt cậu, trả lời. "Cho dù cậu nghĩ mình giỏi giang thế nào cũng mặc. Dẫu sao ngay khi Hitler tiến quân vào Hung, tôi cũng sẽ tiếp quản cái xưởng đó". Lubji bỏ ra ngoài, không nói một lời. Một tiếng sau, khi ông Ceranis đến xưởng, cậu nói với ông là ông Farkas lại gạ cậu lần nữa. "Nhưng cháu nói tiền không mua được cháu”. Ông Ceranis gật đầu không nói gì. Lubji không ngạc nhiên khi đến thứ Sáu, mở chiếc phong bì nhỏ, cậu thấy mình lại được tăng lương. Lubji tiếp tục để dành hầu như toàn bộ số tiền kiếm được. Khi dân Do thái bắt đầu bị bắt vì những chuyện rất nhỏ nhặt, cậu bắt đầu nghiên cứu chặng đường đi trốn. Mỗi đêm, sau khi ông bà Ceranis đã ngủ, Lubji thường mò xuống dưới nhà, nghiên cứu tấm bản đồ trong văn phòng nhỏ của ông Ceranis. Cậu tính đi tính lại con đường sẽ phải đi. Cậu cần phải tránh vượt biên giới vào Nam Tư vì chẳng chóng thì chày, nó cũng sẽ chịu chung số phận như Ba Lan và Tiệp khắc. Ý cũng như Nga, đều không được. Cuối cùng cậu chọn Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù không có giấy tờ tuỳ thân, cậu quyết định cuối tuần sẽ tới ga tàu hoả xem có thể mua vé lên tàu qua Rumani và Bungari để tới Istanbul đuợc không. Ngay sau nửa đêm, Lubji gập chiếc bản đồ châu Âu lại lần cuối, rồi trở về căn phòng nhỏ sát nóc nhà. Cậu biết sẽ đến lúc phải nói với ông Ceranis về kế hoạch của cậu, nhưng quyết định đợi cho đến thứ Sáu, sau khi đã lĩnh lương. Cậu leo vào giưòng, lăn ra ngủ, cố hình dung cuộc sống sẽ thế nào ở Istanbul. Ở đó có chợ không, và người Thổ có thích đổi chác mặc cả không ? Lubij giật mình tỉnh giấc sau tiếng động rất mạnh. Cậu nhảy khỏi giường, chạy lại cửa sổ nhỏ nhìn xuống. Đường phố đầy lính, lăm lăm súng trường. Một số tên dùng báng súng đập rầm rầm vào cửa. Chỉ lát nữa thôi, chúng sẽ tới nhà ông bà Ceranis. Lubji vội vàng mặc lại bộ quần áo hôm trước, vớ túi tiền dưới đệm đút vào người, thít chặt thêm thắt lưng. Cậu chạy xuống nhà, biến vào buồng tắm của ông bà Ceranis. Cậu vớ chiếc dao cạo râu của ông già, nhanh chóng cắt những đụn tóc xoăn dài đến vai của mình. Cậu bỏ mớ tóc vào bệ xí rồi giật nước. Sau đó cậu mở ngăn nhỏ đựng thuốc, lấy kem bôi tóc của ông Ceranis xoa hết lên đầu, hy vọng giấu được việc tóc cậu vừa cắt. Lubji nhìn vào gương, cầu Chúa rằng với bộ comlê ve to có hai hàng khuy màu xám, sơ mi trắng và cravát xanh chấm đen, bọn lính xâm lược sẽ nghĩ cậu chỉ là một thương gia Hung đang ở thăm thủ đô. Ít ra bây giờ cậu đã có thể nói tiếng Hung mà không có giọng người nước ngoài. Cậu dừng lại một lúc rồi mới bước ra. Trong khi rón rén đi xuống cầu thang, cậu nghe tiếng đập rầm rầm ở cửa nhà bên cạnh. Cậu vội vàng kiểm tra phòng ngoài, nhưng không thấy vợ chồng ông Ceranis đâu. Cậu vào bếp thì thấy hai vợ chồng già đang ôm chặt lấy nhau trốn dưới gậm bàn. Trong khi bảy cây nến của David đang cháy ở góc nhà, khó có thể có cách giấu được việc họ là người Do thái. Không nói một lời, Lubji rón rén đi lại gần cửa sổ nhà bếp nhìn ra sân sau. Cậu thận trọng tháo cánh cửa và thò đầu ra ngoài. Không có bọn lính ở đó. Cậu nhìn sang bên phải: một con mèo đang cố trèo lên một cây to. Cậu nhìn sang trái đúng khi cặp mắt của tên lính đang nhìn cậu chằm chằm. Cạnh hắn là ông Farkas đang gật đầu nói: "Nó đấy". Lubji mỉm cười hy vọng, nhưng tên lính thẳng tay nện báng súng vào cằm cậu. Cậu lộn ra ngoài cửa sổ, rơi xuống đường. Cậu ngước lên thì thấy lưỡi lê đang dí ngay trán. "Tôi không phải người Do thái", cậu hét to. "Tôi không phải Do thái". Hẳn tên lính đã tin lời cậu hơn, nếu cậu không nói những lời đó bằng tiếng Yiddish.