Khi tỉnh dậy Quang Toản hỏi ra mới biết mình hôn mê đã hơn bảy ngày, lão thái y Ngọc khá kinh ngạc trước sự hồi phục nhanh của Quang Toản, Quang Toản hồi phục nhanh như vậy là lão đã cảm ơn trời phật rồi rảnh đâu mà để ý nguyên do, thái y Ngọc chỉ nói “ Do Hoàng Thượng có chân long hộ thể được chư thần nâng đỡ nên hồi phục nhanh như vậy”. Nhưng trong lòng tỏ ra đặc biệt bội phục Tình Tình. Quang Toản thấy bên cạnh mình có thêm một ‘bác sỹ riêng’ xinh đẹp lại ngây thơ lấy làm thích thú. Hỏi Lão Phúc về nàng, lão nói nàng do Thái Hậu đưa đến. Mẹ hắn lại nói lập lờ không rõ, nhưng tất cả đều quên mất Tình Tình là cô gái ngây thơ, trước kia suốt ngày chỉ biết tiếp xúc với dược lý cây cỏ, chẳng biết đến thế thái nhân tình, khói lửa nhân gian, tâm hồn nàng trong sáng như trang giấy trắng vậy. Gặp một tên bụng đầy quỷ kế như Quang Toản, mọi chuyện dễ dàng bị phanh phui gốc rễ. Đối phó với những cô gái như Tình Tình hắn chẳng gặp phải khó khăn nào, chẳng mấy chốc tâm hồn thiếu nữ bị hắn trộm mất. Thái Hậu Bùi Thị Nhạn thấy con mình tỉnh lại vui mừng khóc hết nước mắt, Quang Toản phải khuyên nhủ một hồi lâu mới chịu cùng cung nữ ra về, trước khi về còn không quên bắt Phan Văn Lân sắp xếp thêm người bảo vệ Quang Toản an toàn. Sau khi Quang Toản ngất đi rất nhanh hộ vệ cung đình cũng đuổi sát đến, đám sát thủ rút chạy, do mục tiêu chính của chúng là hắn nên Phạm Hải Yến và Nguyễn Phượng Hiền không bị tổn thương gì, riêng Lão Phúc bị trúng tên ở chân được ngự y băng bó cẩn thận không có gì đáng ngại, chỉ tiếc hai hộ vệ bên cạnh hắn bị thương rất nặng, hồi phục lại được như xưa hay không lại chưa thể nói trước. Còn đám sát thủ và đứng sau lưng chúng là ai vẫn chưa thể điều tra ra, theo như vũ khí và manh mối để lại hiện trường vụ ám sát bước đầu được phán đoán là tử sĩ của Nguyễn Ánh, nhưng việc chứng thực lại chẳng được. Riêng Nguyễn Văn Tuyết nổi trận lôi đình, đến thẳng vào cung xin thay đổi một loạt ngự lâm quân, trách tội Phan Văn Lân. Sau đó bị Quang Toản gạt đi. Quang Toản tỏ ra rất áy náy ban thưởng hậu cho gia đình của hai hộ vệ sau khi hồi phục, phong hai người làm chức giáo đầu chịu trách nhiệm huấn luyện võ nghệ cho ngự lâm quân. Riêng Trần Đình Tâm thái hậu trong cơn giận dữ cho bắt nhốt vào ngục vì tội không hoàn thành chức trách, sau khi Quang Toản tỉnh dậy liền cho thả ra lại còn ban thưởng, nhưng trước sự chỉ trích của đình thần và thái hậu, Trần Đình Tâm lấy làm xấu hổ, xin được ra trận chứ không chịu tiếp tục ở lại ngự lâm quân. Quang Toản thấy lão là người gan dạ, trầm ổn, làm việc nhanh nhẹn, có tài chỉ đạo, trung thành tận tâm, người như vậy hắn phải để bên cạnh cho mình dùng, đưa ra biên ải làm một quân nhân bình thường là quá phí phạm nhân tài. Đang lúc chưa điều tra ra được chủ mưu phía sau cuộc ám sát, Quang Toản linh quang chợt lóe nghĩ ngay đến chuyện xây dựng đội ngũ tình báo cho riêng mình, hiện tại triều đình Phú Xuân không phải không có lực lượng tình báo nhưng có vẻ như hoạt động không mấy hiệu quả, với lại hắn không biết lực lượng tình báo này hiện như thế nào, phải đến khi Quang Toản tìm hiểu mới biết họ hoạt động núp dưới bóng của một ban gọi là Cơ Mật Xử khá im hơi lặng tiếng, sau khi Quang Trung mất không còn được quan tâm nhiều nên chỉ còn lại vài chục nhân viên mà thôi. Quang Toản gặp riêng Trần Đình Tâm lệnh cho lão bí mật thành lập một tổ chức tình báo mang tên Hoa Mai, bắt đầu bằng việc sát nhập Cơ Mật Xử vào tổ chức Hoa Mai. Sau đó cung cấp thêm tiền bạc để lão tuyển mộ và huấn luyện thêm nhân viên phát triển lớn mạnh tổ chức này, kể từ đó Quang Toản lại nắm trong tay một lực lượng mới trợ giúp hắn làm những việc mà ngoài sáng hắn không làm được. Tổ chức Hoa Mai chỉ trong hai năm liền vươn tay mắt của mình vào đến tận Gia Định, Cao Miên, Xiêm La, Ai Lao, Miến Điện, Nhà Thanh thu thập được rất nhiều tình báo quan trọng khiến Quang Toản phải bất ngờ giật mình trước những thông tin ấy. Quang Toản tuy rất nhanh tỉnh dậy nhưng muốn hồi phục hoàn toàn, Tình Tình bác sỹ riêng nói cần phải một tháng nghỉ dưỡng, hắn cảm thấy một tháng nghỉ dưỡng quá dài, đưa ra ý kiến, liền bị thái hậu thẳng thừng gạt đi, chẳng biết làm sao được, đây cũng là vì lo lắng cho hắn mới làm như vậy, nên sau khi nghỉ tết hắn lại có thêm một tháng nghỉ ngơi không lên triều, nhưng vẫn thư từ qua lại với đám đình thần khi có việc gấp. Trong một tháng này Quang Toản với Nguyễn Phượng Hiền làm nhà giáo mở lớp dạy chữ quốc ngữ, từ việc dạy chữ quốc ngữ cho hai mươi người công giáo ban đầu, sau đó nhân lên với con số bốn trăm, những người công giáo sau khi tốt nghiệp Quang Toản cho họ từ học sinh chuyển thành nhà giáo, dưới sự đốc thúc của Nguyễn Phượng Hiền liên tục chiêu sinh mở lớp dạy chữ quốc ngữ, hoạt động khá bí mật, ban đầu chỉ chiêu sinh con em tầng lớp bình dân ở kinh thành, thấy được đi học lại được tiền làm người theo học ngày càng đông, ban đầu họ cũng chỉ coi đó là nghề nghiệp nhưng về sau lại coi đây là con đường thăng tiến, cỗ vũ không ít con em tầng lớp trung lưu tình nguyện tham gia, đặc biệt sau khi tốt nghiệp liền có thể trở thành nhà giáo, có việc làm có thu nhập cao. Quang Toản đưa vào đây rất nhiều tiền của, đến khi hoạt động có chút nề nếp liền giao hẳn cho Nguyễn Phượng Hiền quản lý, cô nàng khá thích thú và đặc biệt có khiếu trong lĩnh vực này. Được cấp kinh phí đều đặn nên việc mở rộng chữ quốc ngữ tiến triển nhanh chóng theo cấp số nhân, Nguyễn Phượng Hiền cảm thấy tài liệu tiếng quốc ngữ quá ít, xin hắn thêm kinh phí để dịch các tài liệu chữ nôm ra chữ quốc ngữ, Quang Toản thấy ý kiến này hay nên tiếp tục ủng hộ, nhờ vậy mà tài liệu học tập giảng dạy chữ quốc ngữ tăng nhanh tạo điều kiện cho học sinh tiếp thu nhanh hơn chu kỳ tốt nghiệp cũng rút ngắn lại, lớp học trở nên không đủ dùng. Quang Toản lấy danh nghĩa đào tạo mật ngữ cho thám báo trong quân đội mà mở một trường học lớn ở bên kia bờ sông Hương gần trăm gian lớp học quy mô rất lớn, mỗi gian đủ chứa trăm học sinh, khi Nguyễn Phượng Hiền hỏi hắn đặt tên gì cho ngôi trường này, Quang Toản do dự một hồi lâu cuối cùng phun ra hai chữ “ Quốc Học”. Nguyễn Phượng Hiền sau khi làm hiệu trưởng trường Quốc Học, liền lấy năm gian phòng phục vụ cho việc dịch sách sang chữ Quốc Ngữ, lại dành tiếp năm gian tổ chức in ấn tài liệu. vào lúc này kỹ thuật in ấn bằng chữ rời ở Đại Việt đã phát triển mạnh và rộng rãi nên việc in ấn chẳng mấy khó khăn. Nguyễn Phượng Hiền còn lớn mật tự tổ chức biên soạn sách chữ quốc ngữ, lấy danh vọng của nàng lôi kéo được không ít con em quan chức hoặc con nhà nho gia sĩ phu gặp cảnh bần cùng vào làm việc ở trường Quốc Học. làm cho chất lượng nguồn chất xám trở nên tăng trưởng. trong đám người mà Nguyễn Phượng Hiền lôi kéo, không thiếu con em, tiểu thư của các đình thần trong triều, họ tham gia khá sôi nổi, thành lập một nhóm gọi là ‘Tao Đàn Thông Tấn’ bắt đầu đưa ra một số sách, nhưng chủ yếu vẫn dừng lại ở thơ phú. Nhưng môi trường phát tán may mắn chỉ giới hạn trong nội bộ trường quốc học. Quang Toản khi biết được sự lớn mật của nàng cũng cảm thấy giật mình. May sao sự việc vẫn chưa đủ làm kinh động đến tầng lớp sĩ phu nho gia, không nữa, hắn khó mà sống nổi trước sự chỉ trích của họ. Nên biết ngôn luận đáng sợ như thế nào, trong thời đại này ai là ngôn luận, nho gia sĩ phu chính là ngôn luận, họ nắm giữ ngôn luận. Quang Trung sau khi nắm quyền nâng đỡ chữ nôm chèn ép chữ hán khiến cho rất nhiều nho gia lấy đó làm bất bình lấy cớ không ra giúp nhà Tây Sơn, cũng vì vậy triều đình Phú Xuân đã thua một nước cờ ngôn luận, lòng dân trong nước không quy tụ. Nay nếu biết chuyện Quang Toản có ý chuyển từ chữ hán chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ, đến ngay cả Trần Văn Kỷ cũng không thể tưởng ra phản ứng của tầng lớp sĩ phu trong nước sẽ như thế nào, có khi kéo nhau lên núi phất cờ tạo phản cũng không biết chừng. Nhưng việc làm của Nguyễn Phượng Hiền đưa ra cho Quang Toản một chiến thuật mới, đầu tiên là viết tiểu sử các đình thần của triều Phú Xuân, không cần viết quá chân thật quá đúng chỉ nêu tóm tắt sự tích, chiến công, và một số nhận xét mang tính khen ngợi. Nguyễn Phượng Hiền được Quang Toản gợi ý liền biết đây là một nước cờ rất cao tay, dù cho tẩy chay như thế nào cũng không ai có thể làm lơ một cuốn sách viết về mình được, được gợi ý Nguyễn Phượng Hiền bắt tay vào làm ngay, đầu tiên là viết bài về cha nàng Nguyễn Văn Tuyết, sau đó các đình thần đều lần lượt có riêng mình một bản, kể cả những nho gia nổi tiếng của triều đại Lê Trịnh hiện đang ở ẩn không ra nàng cũng không buông tha cho. Tư liệu để viết về một con người cùng một thời đại không khó tìm, Quang Toản vận dụng thêm tổ chức Hoa Mai sau lưng mình trợ giúp cho Phượng Hiền không ít tư liệu. Nguyễn Phượng Hiền tổ chức đội ngũ biên soạn ngày càng đông ước chừng hơn trăm người ngày đêm biên soạn in ấn, nhưng Quang Toản nghĩ vẫn chưa nên phát hành ra vì còn thiếu ‘Gió Đông’. Thứ nữa, khi lượng học sinh tốt nghiệp tại trường Quốc Học ngày một đông, Quang Toản nghĩ ngay đến việc truyền thụ nó ra ngoài không chỉ giới hạn trong đám người Nguyễn Phượng Hiền nữa. Nhưng truyền thụ như thế nào để lúc đám sĩ phu phát hiện ra, sự cũng đã rồi đó mới là điều khó khăn. Nguyễn Phượng Hiền và hắn phân tích chỉ nên bắt đầu từ binh lính và những giáo dân đạo thiên chúa. Vậy mới có thể tạm thời qua mặt được đám sĩ phu trong nước, tạo nên chuyện đã rồi, khởi đầu Nguyễn Phượng Hiền cho học sinh sau khi tốt nghiệp hợp thành từng nhóm mười người mang theo đầy đủ tài liệu sách vở chữ quốc ngữ cầm trong tay chỉ dụ của Quang Toản đến từng quân doanh dạy chữ cho binh sỹ, ban đầu ưu tiên đám lính trẻ tuổi sau đó đến nhóm già hơn và cứ như vậy. Để cho binh lính tránh tình trạng học trước quên sau, Quang Toản gợi ý cho Nguyễn Phượng Hiền lấy thêm nhân lực lập tòa báo chữ quốc ngữ cứ mỗi tuần sẽ phát hành một số đưa đến các quân doanh. Đương nhiên kinh phí cho việc này cần vô cùng lớn để duy trì, Quang Toản đành nhắm mắt nhịn đau chi ra. Thấy mặt hắn nhăn nhó Nguyễn Phượng Hiền tỏ ra vô cùng khinh bỉ hắn, ngoài mặt như vậy nhưng trong bụng lại càng chú ý hơn vào công việc. Ngoài ra Nguyễn Phượng Hiền cũng chọn lọc ra trong đám học sinh tốt nghiệp những người theo đạo thiên chúa cắt cử họ trở về quê nhà mở lớp dạy học chữ quốc ngữ, đương nhiên kinh phí để làm việc này do những giáo xứ của họ tự bỏ tiền ra duy trì, Quang Toản chỉ phụ trách trả lương cho nhà giáo còn việc duy trì thế nào chính là việc của các cha xứ và giáo dân ở đó. Việc này tuy nói là bí mật nhưng mỗi ngày có hằng ngàn người đi lại bên kia bờ sông trước cửa kinh thành không thể không dẫn đến sự chú ý của một vài người. Nhưng khi tìm hiểu biết do thiên kim đại tiểu thơ của đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cùng với một số con em quan lại tụ tập, cũng không phải là chuyện gì lớn nên mắt nhắm mắt mở cho qua, một số khác dâng biểu cho Quang Toản khuyên hắn nên đề phòng, thanh niên tụ tập đông đảo một chỗ rất dễ gây ra bạo loạn không tốt, làm mất trị an. Quang Toản thấy cũng có lý liền cho Dương Thiếc ( đang huấn luyện trong Lạc Việt quân) lựa chọn từ trong quân (của Trần Quang Diệu vừa mang về sau trận chiến thành Diên Khánh) khoảng năm trăm người trầm ổn có cả nam lẫn nữ thành lập Quốc An Cục giúp bảo vệ trị an trong kinh thành và điều tra phá án.