Những ngày xa xưa - Tám giờ rưỡi sáng hôm sau, có tiếng gõ cửa phòng cô Marple, và một bà đứng tuổi bưng vào một khay trên có ấm trà, một tách sữa, một chén không, và bánh phết bơ. - Mời cô dùng trà, bà ta vui vẻ. Hôm nay trời đẹp, tôi thấy cô đã mở rèm. Cô ngủ được không ạ? - Rất tốt, cảm ơn. - Đoàn tham quan sáng nay đi thăm núi đá Bonaventure. Cô không đi là phải, mệt lắm. - Tôi rất thích ở đây. Bà Glynne và các cô Bradbury - Scott mời tôi ở chơi đây thật là tốt. - Các cô ấy cũng rất vui. Có cô ở đây, họ đỡ buồn, chứ cái nhà này bây giờ buồn như chấu cắn. Bà ta mở rèm thêm cho rộng, rồi đặt một xô nước nóng lên chậu trong phòng rửa mặt. - Tầng trên có phòng tắm - bà ta giải thích - nhưng chúng tôi mang nước nóng vào đây, để cô khỏi phải trèo thang. - Quý hóa quá. Chắc bà làm ở đây đã lâu? - Từ hồi tôi còn trẻ. dạo đó, nhà này có ba người làm: một cô nấu bếp, hai cô hầu phòng. Còn có cả một anh chăn ngựa. Thời ấy sao mà đẹp, nhưng mọi sự đã thay đổi. Vợ ông đại tá chết trẻ, con trai ông thì chết ngoài trận mạc; con gái lấy chồng là người Niu Di Lân, theo chồng sống tít tắp ở đâu. Cũng không được bao lâu, vì chết khi sinh nở, cả con cũng chết. Ông đại tá sống ở đây thui thủi một mình, bỏ bê trễ tất cả. Khi chết, để lại cả khu biệt thự này cho các cháu gái. Cô Clotilde đến đây ở cùng với cô Anthea, rồi bà Glynne sau khi chồng chết cũng đến ở đây luôn. Bà vú già lắc đầu, thở dài: - Họ chẳng làm gì mấy để sửa chữa nhà cửa. Không có tiền. Nhưng mấy chị em đều tốt. Cô Anthea không học cao lắm, nhưng cô Clotilde đã qua đại học, nói ba thứ tiếng. Bà Glynne thì rất dễ chịu. Khi bà ấy đến đây ở, tôi nghĩ có lẽ mọi việc sẽ tốt hơn. Nhưng người ta chẳng bao giờ biết tương lai ra sao, phải không cô? Nhà này cứ như là có bùa ma gì đấy. Cô Marple ngước nhìn bà vú già như dò hỏi. - Hết chuyện này, tiếp chuyện khác. Tai nạn khủng khiếp ở Tây Ban Nha, mọi người chết hết. Tàu bay mà làm gì , chỉ dễ chết! Vợ chồng người bạn của cô Clotilde chết cả hai trong tai nạn ấy. May mà đứa con gái ở nhà đi học, nên thoát. Cô Clotilde đem về nuôi, coi như con đẻ. Cô ấy đưa nó đi du lịch cả sang Ý sang Pháp. Thật là một cô gái đáng yêu. Không ai ngờ lại xẩy ra chuyện dã man đến thế. - Xẩy ra chuyện gì? - Con bé quen một thanh niên trong vùng, mà hai cô Clotilde và Anthea đều biết ông bố, người rất giàu. - Rồi hai đứa phải lòng nhau? - Phải. Con bé mê ngay. Thằng bé đẹp trai, khéo nói ... - Rồi chuyện không đi đến đâu, cô gái tự vẫn, tôi đóan thế? - Tự vẫn . Bà vú mở to mắt, ngạc nhiên. Ai nói với cô vậy? Không, cô ấy bị giết. Bị bóp cổ chết. Rồi ... Mặt bị đập vỡ đến biến dạng. Cô Clotilde phải ra nhận diện. Từ hôm đó, cô ấy không còn như trước nữa. Người ta phát hiện xác con bé cách đây khoảng ba mươi dặm, trong bụi rậm của một mỏ đá hoang. Và có lẽ đây không phải vụ giết người đầu tiên mà kẻ nào đó đã phạm. Đã có những cô gái khác nữa. Một cô bị mất tích cách đây sáu tháng. Tên bạn trai là một thằng hư hỏng, một con quỷ. Ngày nay, ngươi ta hay nói rằng bọn chúng hành động một cách bộc phát, rằng chúng không chịu trách nhiệm về hành vi. Tôi, thì tôi không tin. Giết người là giết người. Tôi biết trong các dòng họ lâu đời, thường có sự điên loạn. Họ Derwent chẳng hạn. Hai đời, mỗi đời đều có người chết trong trại tâm thần. lại có mụ Paulett, suốt ngày lang thang, tay cầm chiếc vòng kim cương, réo lên rằng mình là Hoàng Hậu Marie - Antote, đến nỗi người ta phải bắt giam mụ lại. Nhưng mụ chẳng làm hại ai. Còn tên kia là con quỷ, là hung thủ giết người. - Hắn có bị sao không? - Hồi đó, có lẽ nhà nước đã bỏ án tử hình. Hay hắn còn vị thành niên sao đó. Hắn được tuyên bố là có tội, rồi tống đi Bostol. - Hắn tên gì? - Michael. Không nhớ hắn họ gì, vì cách đây đã mười năm. Nhưng như là một cái tên Ý. Hình như ngày xưa có một ông họa sĩ có họ na ná . Raffle .... hay Raphael, thì phải. - Michael Rafiel. - Đúng rồi! Có lúc, có tin là ông bố rất giàu, đã chạy cho hắn được ra tù, nhưng rồi nghĩ đó chỉ là tin đồn. Vậy là không phải tự tử, mà bị giết. "Vì tình!", Elizabett Temple đã thốt lên như thế khi cô Marple hỏi người học trò của cô chết vì sao? . Và, ở một khía cạnh nào đó, bà hiệu trưởng nói đúng. Con bé đã yêu, do đó đã đón trước một cái chết oan nghiệt. Cô Marple rùng mình. Hôm trước, khi đi về làng, cô đã nhác đọc những dòng chữ lớn trên một tờ báo:" Vụ án ở Epsom. Phát hiện xác một cô gái thứ hai. Cảnh sát yêu cầu giới trẻ cộng tác". Vậy ra lịch sử là một sự lặp lại liên tục. Ai sẽ giúp cho lớp trẻ tránh khỏi đau thương, chết chóc đây? Lớp trẻ ngày nay không biết, không bao giờ biết tự bảo vệ mình ... Hay là họ biết quá nhiều, cho là mình làm được mọi thứ? * * * Sáng hôm đó, cô Marple xuống dưới nhà sớm hơn mọi người tưởng, nên chưa có ai. Cô liền ra ngoài, đi dạo trong vườn . Không phải vì cô thích nó, mà cô có linh tinh là có một cái gì cô chưa bắt được. Cô chưa vội gặp ba chị em, vì cần có thì giờ suy nghĩ về những thông tin mà bà vú mau miệng đã cho biết. Một cửa nách vườn để ngỏ. Cô đi ra ngoài làng, dọc các cửa hiệu tới nhà thờ, có nghĩa trang bao quanh. Cô đẩy cửa rào bước vào. Một số mộ có từ lâu, không đáng chú ý. Các tên họ Prince và Broad lặp lại nhiều lần trên các tấm bia. Cô Marple sắp đi ra thì thấy lão phu mộ đi giữa hàng bia. Lão kính cẩn nghiêng đầu chào. - Chào ông ... Thời tiết hôm nay đẹp, phải không ạ? - Cô nói. - Vâng, nhưng chiều nay chắc mưa. - Tôi đi một vòng. Ở đây nhiều Broad và Prince nhỉ. - Ở vùng này, những họ ấy là phổ biến. - Có cả mộ một em bé gái. Nhìn mộ trẻ con, thật buồn. - Bà muốn nói đến cháu Mélanie Price? Cháu mới lên bốn, bị xe cán chết lúc cháu chạy ngang đường đi mua kẹo. Thời nay, với những tay lái xe như điên, thì tại nạn thế là thường. - Vâng, nhiều người đã chết đã đành. Già, yếu mà chết đi một nhẽ, nhưng còn những cái chết khủng khiếp, trẻ con bị xe cán, con gái bị ám sát. ... - Phải, phần lớn là những đứa con gái dại dột. Mẹ chúng bận túi bụi, không có thì giờ dạy dỗ, canh chừng. Bà ở Lâu đài Cổ thì phải? Bà đi trong đoàn du lịch. - Vâng, nhưng một số buổi tham quan rất mệt cho người già như tôi. Ông Rafiel, một người bạn, đã báo cho các cô Bradbury - Scott là tôi sẽ đi qua, nên các cô có lòng tốt mời tôi về nhà chơi đã hai hôm. Cái tên Rafiel, cô Marple cố tình gài vào câu chuyện, không có nghĩa lý gì với lão phu mộ. Cô nói tiếp: - Bà Glynne cùng với cô chị và cô em đối với tôi rất tốt. Họ chắc ở đây đã lâu? - Không lâu lắm. Khoảng hai chục năm. Ngôi nhà là của đại tá Bradbury - Scott. Ông ấy chết năm bảy mưoi tuổi, vợ, con trai đều chết trước ông. Và ông phải để lại nhà cho các cô cháu, tất nhiên. Ông lão quay về với công việc của mình, và cô Marple bước vào nhà thờ, vần trán đăm chiêu. Cô đã bắt được vào con đường đúng chăng? Một vài sự việc có vẻ đã khớp lại, nhưng bức tranh chung hãy còn mù mờ. Một cô gái bị ám sát - thực ra là nhiều cô - một số thanh niên - ngày nay người ta thường gọi là "bọn trẻ " - được cảnh sát tạm giữ để "giúp vào công cuộc điều tra". Song vụ việc cô quan tâm xảy ra đã mười hai năm, liệu cô có thể làm sáng tỏ? Nhất thiết cần phải có những thông tin khác nữa từ Elizabett Temple. Cô nguyên hiệu trưởng này đã kể có một cô gái từng đính hôn với Micheal Rafiel. Thế mà mấy chị em bà Glynne có vẻ như không biết chuyện nay. Một cảnh tượng quen thuộc hiện lên trong óc cô, một việc vẫn thường xảy ra. Bắt đầu giống nhau: cô gái gặp chàng trai, rồi mối quan hệ tiếp diễn. Cho đến một hôm, cô gái bỗng nhận ra mình có thai. Cô nói với người yêu, yêu cầu kết hôn. Nhưng thường thì chàng trai không tính đến kết cục ấy, hoặc chàng đã chán nàng, hoặc chàng đã có một cô khác. và chàng nghĩ cách giải quyết vần đề bằng bạo lực; chàng bóp cổ nàng, và làm biến dạng khuôn mặt để không ai nhận ra. Cô Marple đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà thờ nhỏ. Nơi đây thiệt yên bình, khó có thể nghĩ rằng cái ác luẩn quẩn đâu đây. Cô bỏ chiếc ghế dài đang ngồi, đứng dậy, đi ra, man mác nhớ lại cái cảm giác bồn chồn của cô lúc đi quan khu vườn của Lâu đài Cổ. Rõ ràng là ba chị em phải biết một điều gì trong đó! Cô lại nghĩ tới Elizabett Temple. Ngày mai, cô sẽ phải hỏi chuyện cô ta lần nữa. Cô lên đường trở về lâu đài, nghĩ bụng:"Sáng nay không thu lượm được gì cả. Bà Glynne đứng ở hàng rào, chạy đến đón cô: - Ồ, cô đây rồi! Nếu biết là cô muốn đi chơi, tôi đã dẫn cô đi xem các nơi trong làng. - Tôi chỉ đi dạo một chút tới nhà thờ. Tôi hay chú ý đến các nhà thờ: nhiều khi chúng có những tấm bia rất hay. Nhà thờ này chắc mới trùng tu vào thế kỷ trước? - Phải. Nhưng nó không thuộc loại cổ lắm. Vậy ra cô quan tâm đến kiến trúc tôn giáo? - Không hẳn. Bà còn lạ gì, trong một làng nhỏ như chỗ tôi ở, mọi sự đều châu tuần quanh nhà thờ. Ít nhất là như thế hồi tôi còn trẻ, bây giờ có thể hơi khác. Bà có lớn lên ở vùng này? - Trước, chúng tôi ở Little Herdsley, cách đây chừng ba mươi dặm . Cha tôi là thiếu tá pháo binh hưu trí, và thỉnh thoảng đến thăm ông chú tôi. Sau khi ông chú mất, chị Clotilde và em Anthea đến đây ở. Lúc đó tôi còn theo chồng, ở nước ngoài. Chúng tôi sống năm năm ở Ấn Độ, rồi nhà tôi mất ở đó. Trở về Anh, tôi mua một ngôi nhà nhò ở Hampton Court, London. Và tôi hoạt động cho những tổ chức từ thiện. - Như vậy cũng bận. - Đúng thế. Song gần đây, tôi nghĩ phải về đây ở nhiều hơn, vì lo cho hai chị em. - Lo sức khoẻ của hai cô? - Một phần. Clotilde vẫn tráng kiện, nhưng tôi lo cho Anthea. Em nó đôi khi là lạ thế nào. Ví dụ, hay đi thơ thẩn những đâu đâu, đến mức không còn biết mình đang ở chỗ nào nữa. Có lúc, lại hay băn khoăn nhiều về cái vườn. Cứ bâng khuâng nhớ nhớ lại ngày xưa, muốn sửa sang lại. Chị Clotilde đã nói rồi, không thể sửa được lúc này, em nó cứ luôn mồm nhắc nhà kính, rồi nho, đào có từ ngày xưa. - Và cây vòi voi nữa, chắc thế. - Vâng. Em nó cũng muốn có một bồn hoa đẹp nữa, nhưng làm sao mà thực hiện được. - Tình huống ấy hẳn gây cho bà khó khăn. - Vâng, nói gì thì nói, nó không chuyển. Ví dụ hôm nọ, lúc mới đến, tôi được biết Anthea đã liên hệ với một hãng lớn nhằm làm lại vườn, xây lại nhà kính. Chị Clotilde không biết gì, nên rất bực tức khi nhìn thấy bản dự toàn trên bàn Anthea. Dĩ nhiên, chị ấy đã tỏ ra rất nghiêm khắc, kiên quyết. - Đúng là trên đời không có việc gì đơn giản - cô Marple nhận xét. À mà, sáng mai tôi phải đi sớm, nhập lại với đoàn. - Hy vọng phần còn lại của chuyến đi không đến nổi quá vất vả với cô. - Không sao đâu. Mai, đoàn đi thăm Stirling - Sainte - Marie hình như không xa lắm. Ở đó có một lâu đài và một nhà thờ đáng xem. Sau hai ngày nghỉ ngơi vừa rồi, tôi chắc sẽ khoẻ. Hai người đi vào nhà - Bà Glynne loan báo: - Cô Marple ra thăm nhà thờ. - Nó chẳng có gì đặc biệt, Clotilde đáp. riêng tôi thấy các kính ghép màu rất xấu. Ông chú cho phần trách nhiệm vào đó, ông thích những màu lòe loẹt như thế. Sau bữa ăn trưa, cô Marple lên phòng nghỉ, gần bữa ăn chiều mới xuống. Buổi tối mọi người nói chuyện linh tính, cuối cùng cô lên đi ngủ với cảm giác thất bại. Dường như cô vừa tham gia một buổi đi câu, mà cá không chịu cắn câu. Cũng có thể tại không có cá. Hay là tại cô chưa biết chọn mồi nhử thích hợp