Trương Thiên sư đến từ Long Hổ sơn, mang theo ba mươi sáu đệ tử. Một cỗ xe ngựa to lớn dừng bên ngoài cổng cung, Trương Ngạn Thạc leo lên xe, tiểu đạo đồng cũng tót lên theo. Vừa vào trong xe gã liền hạ rèm kiệu, dỡ mũ đạo sỹ ra, một mái tóc đen nhánh mượt mà trút xuống như thác, khuôn mặt anh tuấn lập tức tăng thêm vài phần dịu dàng xinh đẹp. Vị tiểu đạo đồng này mắt như thu thuỷ, mày tựa tranh vẽ, tóc dài buông xoã, thì ra là một thiếu nữ. Nàng căng thẳng nhìn anh trai, thấp giọng: - Ca ca! Gã Dương Lăng đó có vấn đề à nha! Xem tướng mạo y là kẻ bạc phước chết yểu, thế nhưng giờ đây chẳng những hợp với mệnh cách cao sang khôn cùng, thọ phước còn rất cao, há chẳng kỳ quái ư? Thiên sư Trương Ngạn Thạc cười khan vài tiếng rồi nói: - Làm gì có chuyện đó? Có thể muội đã tính sai, hoặc cũng có thể là y đã làm được việc thiện nào đó khiến cho vận mệnh thay đổi. Bảo Nhi, chuyện này không nên nhắc đến nữa! - Ồ? Bảo Nhi đảo cặp mắt tròn xoe, ánh mắt quái dị mà đắc ý: - Ý ca ca là đạo thuật mà cha truyền lại có vấn đề à? Thiên sư đạo của chúng ta đã được truyền lại hơn nghìn năm, chẳng lẽ đều là gạt người hay sao? - Bảo Nhi! Trương Ngạn Thạc nén giận, quắt mắc rầy em gái: - Đừng khoe khoang chút đạo thuật đó của muội! Đại đạo thanh hư, thuật pháp tiểu kỹ (ý nói đại đạo rộng lớn khôn cùng, thuật pháp chỉ là tài vặt mà thôi). Thuật pháp của chúng ta chỉ dùng để tìm lành tránh dữ. Bậc minh triết (người thông thái, sáng suốt) hãy còn chưa thể tự bảo vệ mình; cải thiên nghịch vận, nhận biết quốc thế càng là việc xưa nay không thể làm được. Muội nhìn vị Dương tướng quân đó mắt sáng lòng trong, tuyệt không phải là kẻ gian nịnh, vậy là đủ. Nếu thật sự có người nghịch thiên cải mệnh, duyên thọ tăng phúc (1) cho y, loại đạo hạnh đó muội và huynh có thể đối phó được sao? Không lẽ muội còn muốn cầm Đào Mộc kiếm (2) xông vào hoàng cung tróc nã yêu ma ư?" (1) duyên thọ tăng phúc nghĩa là kéo dài tuổi thọ và tăng thêm sự tốt lành. (2) Kiếm trừ ma quỉ làm bằng gỗ đào. Người Trung quốc tin cành đào có thể trừ được điều bất tường nên đến tết, nhà nhà đều cắm cành đào trước cửa. Tuổi tuy chưa cao, song tính tình Tiểu thiên sư lại hết sức thận trọng, y nén giọng bảo tiếp: - Ta vốn là người nhàn tản giang hồ, cần gì chứ? Được vua ban thưởng ư? Họa phước không hình không tướng, tự người tác nghiệt mà ra (3). Chuyện của hoàng gia không cần phải chen vào, cũng không cần nhắc đến, đó không phải là thứ mà chúng ta chạm đến được. (3) nguyên văn "hoạ phúc vô môn, vi nhân tự triệu" hay "hoạ phúc vô môn duy nhân tự chiêu" trích trong "họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu; thiện ác hữu báo, như ảnh tùy hình" (thiện ác đáo đầu, như bóng với hình) Vương triều nhà Chu trước nay khắc nghiệt vô cảm. Chu Nguyên Chương dựa vào tôn giáo lập nghiệp, rất sợ người khác cũng học theo cho nên lão ta rất kiêng kị hai giáo phái đạo, tăng. Bất kể là người nào chiếm giữ được giang sơn đều rất là kính trọng Trương Thiên sư của Long Hổ sơn và Khổng thánh nhân của Khúc Phụ (*). Chu Nguyên Chương cũng không dám phá lệ, nhưng lại thi hành quốc sách hạn chế hai nhà Phật, Đạo phát triển thế lực. Do lo ngại thế lực bọn họ phát triển, đến cả quyền phát hành độ diệp (4) của Long Hổ sơn cũng bị đưa về Đạo Lục ty ở kinh thành quản lý. Tiểu thiên sư nào dám huênh hoang? (*) Khúc Phụ là quê hương của Khổng Tử, nằm ở tỉnh Sơn Đông. (4) thẻ chứng nhận là tăng lữ do nhà chùa phát hành, hoặc chứng nhận là đạo sĩ do đạo quán phát hành. Huống chi chuyện quỷ thần thực sự rất mù mờ. Kẻ làm Hoàng Đế luôn luôn mong muốn người khác đều tin vào quỷ thần, như vậy mới có lợi cho y ngồi vững trên ngai vàng. Nhưng y lại không hề muốn có một người thật sự biết phép thuật xuất hiện ngay trước mặt, đó là thứ sức mạnh mà ngay cả vương quyền cũng không thể quản thúc, nên tất nhiên y sẽ nghĩ cách để loại trừ. Lý luận này dòng dõi Trương thiên sư đã sớm nằm lòng, cho nên bọn họ cố hết sức làm ra vẻ cầu phúc cho hoàng gia. Bọn họ không sợ bị Hoàng Đế khám phá việc mình cầu phúc là giả, nhưng lại không dám để cho ông ta phát hiện được chút bản lĩnh thật của mình. Hơn nữa, tuy bọn họ có thể biết được vận mệnh của một người, nhưng cũng chưa hẳn là đã có thể thao túng được vận mệnh của kẻ đó. Mà vận mệnh quốc gia lại càng có nhiều biến số, quyết không phải là thứ mà đạo thuật có thể trộm biết được thiên cơ. Không ngờ người có tướng mạo quái dị như Dương Lăng lại xuất hiện trong triều đình, ai biết là họa hay là phước? Đương nhiên cứ tránh đi cho lành. Bọn họ sống trên Long Hổ sơn ở Giang Tây. Mấy năm nay, Ninh Vương ở Giang Tây từng nhiều lần sai người đem ngày sinh tháng đẻ của con lên núi xin Trương thiên sư bói quẻ, tính toán vận mệnh cho con trai mình. Ninh vương là Vương gia thế tập, con y dĩ nhiên cũng là Ninh Vương, còn đoán số làm quái gì? Mặc dù sứ giả của Ninh Vương luôn miệng giải thích là con y từ nhỏ bệnh nhiều, bản thân làm cha vô cùng lo lắng nên phải mời thiên sư bói toán, nhưng dã tâm của y lại không qua mắt được vị tiểu thiên sư này. Nếu không phải vì Dương Lăng mặt mày chính khí, Trương Ngạn Thạc cũng đã hoài nghi y là thám tử của vị Phiên Vương nào đó sai vào kinh. Tuy y là thiên sư, nhưng cũng không biết đám mây nào sẽ có mưa. Năm xưa Yến Vương Tĩnh Nan không phải đã thành công đó sao (5)? Ai biết bây giờ Dương Lăng thực sự là người của nhà nào! Đối với loại sự việc này, giả vờ ngu ngơ không dính vào là tốt nhất. (5) tích xưa kể rằng Yến Vương Chu Đệ giả điên, âm thầm chiêu binh mãi mã để đánh lạc hướng Kiến Văn Đế, sau tuyên bố khởi binh, lật ngôi Chu Doãn Văn Kiến Văn Đế. Có điều y rất yêu thương đứa em gái này. Thấy giọng điệu nặng nề của mình đã gây ra bất hoà, y vội vàng hoà nhã an ủi mấy câu. Lại nói đến Trương Phù Bảo, tuy là con gái, lại do vợ lẽ của Trương thiên sư sinh ra, thế nhưng địa vị của nàng ở Long Hổ sơn rất là đặc biệt. Đại thiên sư đời thứ bốn mươi sáu là Trương Vô Cát từng bị người ta tố cáo gây hại ở địa phương, cậy thế ức hiếp chiếm đoạt dân nữ, bị Hoàng Đế đày đi tha hương. Kế thừa chức vị của anh mình, Trương Nguyên Khánh luôn hành sự khiêm tốn, tuân thủ pháp luật, không dám làm bừa, cũng không dám khoe khoang tiên thuật, chỉ thật thà an phận đảm trách chức vị thiên sư. Nhưng vào năm Hoằng Trị thứ tư, Hoàng Đế sai thái giám đến Long Hổ sơn ban ấn thưởng phù. Vị thái giám nhất thời cao hứng, mượn lời thánh dụ yêu cầu Trương Thiên Sư cầu cho tuyết rơi, hạc bay đầy trời để làm điềm cát tường. Muốn gọi trăm hạc đến lượn quanh, thiên sư tự có biện pháp của mình, nhưng nếu muốn trời đổ tuyết thì thật sự có phần làm khó lão. Bất chấp khó khăn, Trương thiên sư chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức lễ đàn niệm chú vẽ phù cầu khấn một phen. Cũng không biết là do lão biết khí tượng hay là do may mắn mà quả nhiên hôm đó trời đổ tuyết lớn, thật là nở mày nở mặt. Đến khi lão trở về Triều Thiên cung, mới hay người vợ lẽ thứ tư là Lưu Thị vừa mới hạ sinh một bé gái. Trương Nguyên Cát cho rằng đứa bé gái này đã mang may mắn cho lão nên hết sức yêu thương đứa con gái do vợ lẽ sinh ra này, đặt tên là Phù Bảo (nghĩa là bảo bối mang đến điềm tốt), thường xuyên dẫn theo bên mình, địa vị khác xa những đứa con vợ lẽ khác. Nàng và người anh trai này chơi thân với nhau từ nhỏ cho đến lớn, vì vậy rất quý mến nhau. Nhưng lần này Trương Phù Bảo thấy anh trai mình nghiêm mặt mắng nàng không biết điều, chuyện này xưa nay chưa từng xảy ra nên Trương Phù Bảo cũng phát hoảng, không dám nói bậy bạ nữa. Xe đến trước phủ Thành quốc công, sớm đã có người chạy đi báo tin trước. Trương Ngạn Thạc là cháu ngoại của Thành quốc công, tuy hắn là quốc sư nhưng lại dùng thân phận thân thích đến viếng thăm, không có lý bề trên lại ra nghênh tiếp, nên lão cử hai người anh họ của hắn là Chu Hạ Nghĩa và Chu Hạ Lễ làm đại diện ra đón. Thành quốc công càng già càng dẻo càng dai nên tuổi tác con cái chênh lệch nhau rất nhiều, người lớn nhất cũng đã sáu mươi còn đứa nhỏ nhất chỉ mới mười bốn. Con gái gả cho Trương thiên sư năm nay mới vừa ba mươi ba. Hai vị biểu ca nghênh tiếp huynh muội thiên sư vào phủ, vừa đi vòng qua bức bình phong đã thấy một người đàn ông mặt mày đỏ au nồng nặc mùi rượu, được người dìu thất tha thất thểu bước ra, suýt nữa đâm sầm vào người Trương Ngạn Thạc. Chu Hạ Nghĩa chau mày, hỏi người đàn ông trạc ba mươi đang dìu gã say đó: - Lục ca! Tiết huynh lại uống say nữa à? Vị Lục ca "À" một tiếng rồi cười nói: - Lúc nào y về mà chẳng say? Không cần lo đâu, ta sẽ đưa y về. Nhìn thấy huynh muội Trương Ngạn Thạc bận đạo bào, biết là biểu đệ và biểu muội vừa tới, y bèn tươi cười: - Huynh đưa vị bằng hữu này về phủ, biểu đệ biểu muội hãy lên chính sảnh, gia gia đang chờ gặp hai người đó. Trương Ngạn Thạc chắp tay mỉm cười, đưa mắt tiễn hai người bọn họ. Trương Phù Bảo đưa tay vào chậu hoa cạnh bờ tường ngắt một đoá hoa to bằng cái chén lên ngửi, rồi hỏi: - Biểu ca, ông ngoại là võ tướng nên những người mà các huynh kết giao cũng đều thật là hào sảng đó. Mỗi lần bạn bè các người đến phủ đều uống đến say bí tỉ như vậy sao? Chu Hạ Lễ bật cười đáp: - Tiết huynh không phải là võ tướng, mà là tiến sỹ Đầu Giáp (6) năm Hoằng Trị thứ sáu, là một đại tài tử. (6) Đầu giáp là đệ nhất giáp. Tiến sỹ sau khi thi Đình chia ra làm ba loại là Đệ Nhất Giáp, Nhị Giáp và Tam Giáp. Đệ Nhất Giáp chỉ có ba người Trạng Nguyên, Bảng Nhãn, Thám Hoa, được gọi là "Tam khôi". Chu Hạ Lễ vừa nói vừa lắc đầu một cách bất đắc dĩ, đoạn thở dài nói: - Chỉ là từ dạo cưới Ninh Thanh công chúa, làm Đô uý phò mã, than ôi... Thôi không nhắc đến chuyện này nữa! Vào thôi! Huynh muội Trương Ngạn Thạc kinh ngạc nhìn nhau, rồi nối gót bọn họ vào trong. ... Dương Lăng vào đến Đông Noãn các. Cốc Đại Dụng tinh mắt, vừa thấy y đến vội vàng cười hềnh hệch ra đón: - Dương đại nhân đến rồi! Hoàng Thượng đang chờ đại nhân đó, nhanh lên nhanh lên! Cái chủ ý để Dương Lăng tham dự Kinh Diên là do lão đưa ra. Quả nhiên hôm nay Dương Lăng đã làm cho một đám quan văn rúng động, khiến Hoàng Thượng Chính Đức khoái chí mặt mày tươi rói, đương nhiên lão cũng hết sức phấn khởi, mình cũng được thơm lây vậy. Chính Đức vừa thấy Dương Lăng, khuôn mặt anh tuấn liền đỏ bừng hào hứng. Y hồ hởi: - Dương thị độc! Đến đây, đến đây, ban cho ngồi. Ha ha ha, hôm nay trẫm thực là vui, thấy mấy lão già ngày thường như một đám ruồi nhặng bâu trước mặt trẫm nay lại không nói được một câu nào, thực sự khiến trẫm mắc cười gần chết. Lần này trẫm muốn thăng quan cho khanh, ta xem còn ai dám phản đối. Dương Lăng mỉm cười làm lễ với Hoàng Thượng rồi đáp: - Nhờ hồng phúc của Hoàng Thượng, vi thần cũng chỉ là may mắn vượt ải mà thôi. Hoàng thượng yêu mến vi thần, vi thần ghi khắc trong lòng. Nhưng thần trẻ tuổi, kiến thức hạn hẹp, nếu cứ thăng bừa làm công khanh ở Lục Bộ, quả thực sẽ như trò đùa. Chỉ dựa vào một hội Kinh Diên thôi, các đại thần sẽ không chịu phục. Cho dù là thần tiếp nhận đi chăng nữa, cũng không dám khẳng định mình cáng đáng nổi trách nhiệm này. Y vừa nói xong, chẳng những Chính Đức mà cả Cốc Đại Dụng, Mã Vĩnh Thành và Lưu Cẩn, ba người hầu bên cạnh Chính Đức cũng sững người. Lưu Cẩn dẫu gì cũng đọc qua dăm ba quyển sách, vội vàng lên tiếng khuyên nhủ: - Cam La mười hai tuổi đã được bái làm Thượng khanh, sao Dương đại nhân không thể làm thượng thư bộ Hình chứ? Có đương kim hoàng thượng hộ giá cho đại nhân, chỉ mấy quan văn phản đối thì có gì mà phải sợ? Cày cuốc ôn luyện cả đêm, thực sự Dương Lăng đã thu được không ít tiến bộ về tri thức lịch sử này, biết câu chuyện về "Cam La bái tướng" (7). Y thầm nhủ: "Cam La mười hai tuổi được bái Thượng khanh à? Y mười hai tuổi bị chém đầu thì có. Ông đưa ví dụ này ra khiến ta không thoải mái tí nào." (7): Cam La bái tướng: Tích thời Đông Châu Liệt Quốc (xem Đông Châu Liệt Quốc, chương 104). Cam La 12 tuổi đã được phong thượng khanh (thời đó, chức thượng khanh gần bằng Thừa Tướng nên mới có câu “Cam La (được) bái tướng”), sau đó không bệnh mà mất sớm. Nhưng lại có thuyết Cam La bị giết trong một vụ biến loạn cung đình. Đối với việc được tuỳ tiện tấn phong làm Thượng khanh, Dương Lăng vẫn lo lắng do dự. Hôm nay thấy rõ thái độ của văn võ bá quan trên triều, y càng kiên quyết giữ vững ý mình. Nếu chỉ luận thanh danh, Dương Lăng giờ đây thật như mặt trời đứng bóng. Hơn nữa trong đại nội có Hoàng Thượng, ngoài cung có Cẩm y vệ làm hậu thuẫn, giờ lại chiếm được sự tin cậy của một đám võ tướng, Dương Lăng cho rằng dù bản thân có chết đi, được những mối quan hệ giao tiếp này chiếu cố, có bổng lộc của Uy vũ bá, cũng đủ để Ấu Nương... và hai người Tuyết Nhi, Ngọc Nhi mà y phụng dụ cưới về không phải lo lắng cái ăn cái mặc nữa. Nhưng nếu như thật sự làm thượng thư, y liền sẽ bị cuốn vào giữa vòng tranh chấp quyền lực cùng đám quan văn. Qua một năm, quan hệ cũng vừa thiết lập xong thì mình cũng ra đi rồi, Ấu Nương sẽ làm sao đây? Người cầm bút không phải đều là hạng thiện lương, nếu khi đó lại có kẻ đến đâm bị thóc chọc bị gạo, thánh quyến (*) có còn được như xưa không? (*) được vua yêu quý thì gọi là thánh quyến Mang nỗi lo canh cánh trong lòng, Dương Lăng đã quyết định bất kể Kinh Diên hôm nay biện luận hay dở ra sao, y phải kiên quyết từ chối không nhận chức vụ thượng thư bộ Hình. Từ khi tân hoàng đăng cơ, tiếng tăm và quyền lợi của đám người Lưu Cẩn đều đã cao hơn lúc trước rất nhiều. Mấy tên vốn không có chí lớn này cũng đã rất là thoả mãn. Có điều chặn ngang trên đầu bọn họ là một lão già Vương Nhạc. Thấy bọn họ bầy trò mua vui khiến cho Hoàng Thượng hư hỏng, thỉnh thoảng lão lại đi mắng bọn họ một trận, thành ra bọn họ rất khó chịu. Cả bọn thầm tính nếu như được một người ngoài cung có quan hệ mật thiết với bọn họ như Dương Lăng làm Thượng khanh, giữ chức thượng thư, cuộc sống của bọn họ cũng có thể dễ thở hơn. Cho nên vừa nghe Dương Lăng không muốn làm quan thì cả bọn lập tức nhao nhao lên khuyên bảo không ngừng; thật khớp với câu ngạn ngữ "Hoàng Đế còn chưa vội, thái giám đã quýnh lên". Không thể nói rõ những tính toán của mình, Dương Lăng đành phải làm ra vẻ thành thật tâu với Chính Đức: - Hoàng Thượng! Người vừa lên ngôi báu, lúc này nên nghĩ cách giành lấy sự ủng hộ của bá quan mới phải. Trước đây Hoàng Thượng vì vi thần mà đã giáng chức ba vị thượng thư. Chỗ tốt là nhờ thế Hoàng Thượng đã lập uy, chỗ xấu là Hoàng Thượng vừa mới lên ngôi chí tôn, liền đã giáng chức đại thần, khó tránh bá quan không phục. Giờ đây nếu lại phá lệ đề bạt vi thần, các đại thần sẽ nghĩ sao? Không chừng bọn họ sẽ lo rằng Hoàng Thượng muốn đổi hết toàn bộ cựu thần, như vậy sẽ bất lợi cho triều chính đó. Chính Đức nghe Dương Lăng nói hợp tình hợp lý như vậy, trong lòng vô cùng cảm động: "Phụ hoàng quả nhiên mắt sáng như sao (nv: tuệ nhãn như cự), Dương thị độc này không hề có chút dã tâm. Mang đến cho y chức quan lớn như vậy mà y cũng không đoái hoài, chỉ một lòng một dạ lo nghĩ cho trẫm." Tâm tính trẻ con là vậy, ai đối xử tốt với nó, đương nhiên nó sẽ nóng lòng muốn trao hết tất cả lợi ích cho người ta. Dương Lăng vừa nói xong, hắn càng cảm thấy nếu không phong cho y chức quan thật to thì sẽ không khỏi có lỗi với trung thần của mình. Nhưng Dương Lăng nói cũng rất có lý, vậy trao cho y chức quan nào mới thích hợp đây? Đang lúc Chính Đức nhíu mày suy nghĩ cân nhắc, một tiểu cô nương xinh đẹp mặc váy xanh đã nổi giận đùng đùng xông vào, không thèm liếc xem người đứng ở bên là ai, nàng chỉ sấn sổ nói với Chính Đức: - Hoàng huynh! Ai đời Công chúa Ninh Thanh bị một tên gia nô ức hiếp phải khóc lóc không ngừng, thực đâu lại có chuyện như vậy được!?! Hoàng huynh không thể bàng quan với cái kết cục đáng xấu hổ này được! Vừa nhìn thấy người con gái váy xanh lỗ mãng xông vào chính là công chúa Vĩnh Thuần, Dương Lăng vội vàng bước lên làm lễ, mấy người Lưu Cẩn cũng thi nhau quỳ xuống. Khuôn mặt xinh xắn đang đỏ bừng vì giận, công chúa Vĩnh Thuần cũng không thèm để ý đến bọn họ, cặp mắt tròn xoe đầy uất ức nhìn chằm chằm vào Chính Đức không rời. Chính Đức rất yêu mến người ngự muội tinh nghịch hoạt bát này. Thấy nàng giận đến thở hổn hển thì hắn vội vàng đứng dậy cười ha hả, nói: - Công chúa Ninh Thanh à? Đã xảy ra chuyện gì vậy? Xem muội giận kìa! Lại đây, hoàng huynh mới có mức táo Kim ti của Thương Châu vừa dâng tới, muội lại nếm thử đi! Có gì thì từ từ hãy nói. Bản thân Hoàng Đế Chính Đức không có điểm nào ra dáng hoàng đế, tiểu công chúa Vĩnh Thuần cũng không giác ngộ mấy về thái độ của thần tử đối với người hoàng huynh vừa mới đăng cơ này. Nàng dẩu cái miệng xinh xắn, hầm hầm bước qua ngồi lên chỗ cao hơn vị trí của Chính Đức (*), rồi vỗ bàn nói: - Ninh Thanh cô cô từ nhỏ đã rất yêu thương chúng ta, bây giờ hoàng huynh đã làm tới Hoàng Đế, phải đỡ lưng cho người. (*) Theo lễ nghi, người có vai vế thấp hơn phải ngồi ở phía dưới. Hôm nay Tiết phò mã vào cung thăm hoàng cô, không ngờ bị nữ quan phủ công chúa đuổi đi, khiến cho cô cô giận đến trào nước mắt. Nhưng khi người tìm đến Thái hoàng thái hậu kể khổ, Thái hoàng thái hậu lại mắng người không biết giữ lễ. Muội thật tức quá đi. Kể xong, Công chúa Vĩnh Thuần nhón lấy một miếng mứt táo ở trong hộp cho vào miệng tức tối nhai. Mã Vĩnh Thành nay đã làm tổng quản đại nội, nghe công chúa Vĩnh Thuần kể lại như vậy xong, sắc mặt lão không khỏi có chút hoảng sợ. Lão liền đảo mắt, ghé bên tai Chính Đức nói nhỏ mấy câu. Chính Đức nghe xong bèn góp ý với công chúa Vĩnh Thuần: - Ờ... Hoá ra chuyện là như vậy! Trong cung có quy củ của trong cung, cho dù là phò mã cũng không thể phá bỏ quy củ được, nếu không sao Thái hoàng thái hậu lại có thể trách mắng hoàng cô chứ? Đúng là chuyện bé xé ra to.