Ngục Thánh
Chương 229 : Tấu Khúc
Ngày 23, Tuyệt Tưởng Thành chìm trong tang tóc. Khắp khu tị nạn, vòng hoa Tuyệt Tưởng treo đầy trước cửa, ban công, điện đài, xưởng rèn, nhà máy… Nửa tiểu quốc từ Ngọn Xám đổ lên phía bắc, đâu đâu cũng nghe tiếng khóc hờ. Chẳng tang lễ nào được tổ chức cũng chẳng lời tiễn biệt nào xướng lên từ lòng rẻo Mạn Đà, bởi lẽ thi thể nhà vua còn trên nóc thánh đường quận Tây Chinh Kiếm. Mất mát và bị sỉ nhục, người Tuyệt Tưởng đau đớn hơn cả lúc Ngọn Xám sụp đổ, cả tòa thành như sụm xuống trong mưa bạc tháng 10.
Tiếc thương Hoàng Tử Cát, người ta kể những ngày anh còn thiếu niên, đôi chân rong ruổi khắp tầng cao mặc cho vua cha nhiếc mắng. Người ta nói anh đánh đà đao không mạnh bằng vua Đấu Nhân nhưng kỹ thuật tốt hơn, hoặc bởi anh không có ngoại giới cước, hoặc vì anh không muốn cạnh tranh với người cha. Người ta nói anh từng đến tận cùng miền nam Kim Ngân và trông thấy vùng trời Cội Gió. Người ta bảo anh biết nhiều bài ca cổ xưa của Tuyệt Tưởng Thành hơn bất cứ ai. Dân chúng khóc cho anh, nhắc đến anh; họ quên luôn vị tân vương vừa lên ngôi hồi chiều.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật, người Tuyệt Tưởng không thể hát tiếp Trường Khúc về vị vua quá cố. Họ phải chấp nhận đoạn Tấu Khúc về vị tân vương Đấu Thánh. Khốn thay, nhà vua mới chẳng có năng lực tập hợp mọi người. Giữa cuộc họp, Đấu Thánh chỉ đạo công tác kế hoạch bằng cái giọng đều đều nguội ngắt trong khi các Thống Lĩnh và Thủ Lĩnh mong đợi nhiều hơn thế. Phía giáo đoàn đánh thuê ra điều kiện hợp đồng nhưng Đấu Thánh phó mặc chuyện tài chính cho ban kế toán, hầu như không đả động gì. Đại diện ba giáo đoàn ngán ngẩm nhìn nhau. Quan sát phòng họp, đại thánh sứ Tây Minh nhận rõ sự nứt rạn trong ban quân sự. Hỏa Nghi phàn nàn với ông:
-Vành đai phòng thủ quanh Ngọn Xám đã bố trí đầy đủ, nhưng tôi không chắc giữ được bao lâu, người Tuyệt Tưởng thảm hại quá rồi! Ngài nói đúng, tôi quá hiếu thắng, đáng lẽ tôi không nên giết Tịnh Hoạt. Ai ngờ cơ sự ra nông nỗi này?
-Đáng lẽ cô ta nên chết vào ngày Ngọn Xám sụp đổ. – Tây Minh lắc đầu – Vấn đề là ngay thời điểm đó, Đấu Thánh lại quá mềm yếu.
-Tôi nói rồi, thằng cha đó là tai họa!
Nói xong, Hỏa Nghi chột dạ ngó quanh như sợ ngự lâm quân nghe thấy. Đại thánh sứ lắc đầu:
-Không, nếu nói vậy thì Vô Phong là kẻ gây tội vì bảo vệ Đấu Thánh ở phiên điều trần. Hoặc ta có thể đổ lỗi cho Hoàng Tử Cát coi trọng tình cảm cá nhân, đổ lỗi ban cố vấn không can ngăn anh ta, đổ lỗi vệ quân không đưa Đấu Thánh đến nơi an toàn hơn, và ta cũng có thể đổ lỗi cho cậu về vụ Tịnh Hoạt. Chúng ta luôn kiếm cớ bào chữa cho sai lầm. Đây không phải lúc kể tội, anh bạn trẻ!
Gã trai trẻ thở phù rồi hỏi:
-Vậy ngài nghĩ nguyên nhân do đâu?
Tây Minh chép miệng ngao ngán. Lúc ấy ông không tìm ra câu trả lời.
Đêm ngày 23, quân phương nam ồ ạt tấn công Ngọn Xám. Cái chết của Hoàng Tử Cát làm chúng phấn khích vô cùng, bản tính cuồng bạo tăng vọt, đặc biệt là binh đoàn được dẫn dắt bởi Hệ Tôn – kẻ chặt đầu nhà vua. Trong khi đó người Tuyệt Tưởng lại sợ hãi. Không Hoàng Tử Cát, không cặp xạ ưng chao liệng rít tiếng thét khắp bầu trời, họ như đám lữ hành lạc đường giữa sa mạc. Binh lính xuống tinh thần trầm trọng, xuống sâu đến nỗi dù cấp trên khích lệ động viên hết mức mà chẳng cách nào chạm tới họ. Ngay cả Thủ Lĩnh hay Thống Lĩnh cũng cần ai đó trấn an, cần một người giúp Tuyệt Tưởng Thành vượt qua thời khắc đen tối nhất. Họ cần nhà vua.
Nhưng đêm đó nhà vua chẳng xuất hiện, người Tuyệt Tưởng chống cự trong mệt mỏi lẫn lo sợ. Vành đai phòng thủ bị đẩy lui, quân phương nam chỉ còn cách Ngọn Xám vài trăm mét. Bại trận, khủng hoảng, người Tuyệt Tưởng càng thương tiếc Hoàng Tử Cát và oán trách vị tân vương. Họ gào lên: nhà vua ở đâu?
Tại tòa điện chính hoàng cung, Đấu Thánh ngồi trên ngai vàng – chiếc ghế mà người cha quá cố của gã ngán tận cổ còn anh trai thì chưa bao giờ ngồi dù chỉ một lần. Gã tận hưởng cảm giác làm vua bằng nét mặt ủ rũ, ánh mắt chảy rữa dưới những cột trụ mạ vàng phết bạc lấp lánh. Gã như vị vua ôm ấp chút tàn dư huy hoàng trước khi lụi tàn dưới cát sa mạc. Ngài đại thánh sứ ngờ rằng gã chẳng còn để tâm vào cuộc chiến.
-…chúng ta cần bổ sung quân từ mặt trận vùng mỏ. – Tây Minh nói – Số quân còn lại trong thành không đủ chống cự, họ đã đánh quá nhiều. Tình hình khác rồi, thưa ngài, bảo vệ Ngọn Xám hiện là ưu tiên số một. Tôi đề nghị đưa toàn bộ nhóm Phó Tổng Lãnh (Lục Châu) về thành. Chúng ta có thể tái chiếm vùng mỏ sau. Mặt khác, Vô Phong vừa giải phóng hợp đồng với Bán Dạ Giáo Đoàn, giờ là Thủ Lĩnh đội Sóc Bay, ngài có quyền điều động cậu ta.
Đấu Thánh mệt mỏi phẩy tay đoạn giao quyền quyết định cho đại thánh sứ. Tây Minh tiếp tục:
-Như ngài đã biết, đức vua Đấu Nhân từng đề nghị Tổng Lãnh Kim Ngân trợ giúp(*). Vị Tổng Lãnh vừa gửi thư hồi đáp, nói rằng bây giờ chưa thể đến vì thiếu thánh sứ, nhanh nhất cũng phải giữa tháng 11. Một việc nữa là Trục Chữ Thập. Tôi lo ngại họ sẽ phá vỡ thỏa thuận để quân Liệt Giả chuyển hàng hậu cần qua Lằn Ranh Đỏ. Hoàn cảnh này rất dễ sinh lật lọng, ngài nên tìm giải pháp khác.
Đấu Thánh thở dài:
-Ông có cách?
-Bên ngoài địa phận Tuyệt Tưởng Thành có vài nhóm phóng viên nước ngoài. – Tây Minh nói – Họ muốn đưa tin nhưng chưa tìm được đường vào. Ngài nên bảo vệ họ, tạo điều kiện cho họ thấy cuộc chiến ở đây. Đức vua Đấu Tâm đã tính chuyện này nhưng chưa kịp thực hiện… Ngài nên tận dụng truyền thông, nó sẽ giảm nguy cơ Trục Chữ Thập tráo trở và hối thúc Đại Hội Đồng đưa liên quân đến.
Đấu Thánh thở dài rồi phó mặc mọi chuyện cho đại thánh sứ từ công tác quân sự đến hợp đồng với ba giáo đoàn đánh thuê. Ban cố vấn lắc đầu nhìn nhau, ai nấy ngao ngán trước dáng vẻ bệ rạc của gã. Đại thánh sứ bắt gặp cái nhìn thất vọng của đội trưởng ngự lâm Triệt Phạt. Cả tòa thành đang chán nản vì vị vua mới. Tây Minh thấy mình cần làm gì đấy trước khi nỗi thất vọng chuyển thành khinh miệt. Ông đã loáng thoáng nghe người ta gọi là Đấu Thánh là “ông vua con”.
Đợi cuộc họp kết thúc, Tây Minh tiến đến ngai vàng đoạn chìa bao thuốc mời “ông vua con”. Đấu Thánh nhận lấy và như bao kẻ mới hút, gã ho sù sụ. Ít phút trôi đi, khói thuốc như rút sạch tâm tư khiến Đấu Thánh co rúm héo quắt trên ngai vàng. Chiếc ghế quá lớn còn gã quá nhỏ. Tây Minh lên tiếng:
-Ngài đã đi trong bóng tối quá lâu, giờ là lúc ngài cần bước ra ánh sáng, thưa đức vua. Có thể cả tiểu quốc đang nghi ngờ ngài nhưng ngài không thể quay lưng với họ. Nỗi tiếc thương cần có chừng mực, thưa ngài.
Đấu Thánh im lặng, đại thánh sứ tiếp tục:
-Tôi hy vọng ngài đã có đường lối riêng. Cha ngài dựa trên nguyên tắc chính trị, anh trai ngài dựa vào nền tảng truyền thống. Nhưng tình hình đã khác, ngài không thể giống họ. Chúng ta cần chiến lược mới để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Đấu Thánh khẽ cục cựa, giọng ơ hờ:
-Ông có lời khuyên?
-Không, thưa ngài. – Tây Minh cúi đầu – Ngài phải tự tìm con đường, tự tìm chính mình. Đức vua Đấu Tâm luôn khẳng định ngài có suy nghĩ vượt xa mọi người. Đức vua Đấu Tâm luôn tin như thế và chết cho niềm tin đó. Đừng để anh trai ngài chết vô nghĩa!
Tàn thuốc rơi đầy chân Đấu Thánh. Gã im lặng rồi tiếp tục lún sâu trong ngai vàng. Đại thánh sứ đã mong gã mở lời nhưng vô ích, mà người duy nhất có thể khiến Đấu Thánh trải lòng là Tịnh Hoạt nay đã chết (theo tin đồn thổi từ quân phương nam). Tây Minh ngao ngán đoạn ra về. Nhưng khi đội trưởng ngự lâm Triệt Phạt vời lại hỏi chuyện, đại thánh sứ liền nở nụ cười:
-Nhà vua cần nghỉ ngơi, hãy bảo vệ ngài ấy thật tốt! Cú sốc tâm lý thôi, xin đừng lo lắng.
Trông đại thánh sứ ung dung, Triệt Phạt phần nào an tâm. Mãi lúc rời khỏi tòa điện chính, Tây Minh mới thở dài một hơi. Nụ cười “vừa lòng tất cả mọi người” của Lục Châu vốn học từ ông mà ra. Thứ nụ cười không thật. Nhưng giữa thời khắc này, “giả tạo” là điều duy nhất mà Tây Minh có thể làm tốt. Ít nhất nó cũng ngăn chặn niềm tin của Tuyệt Tưởng Thành bớt xói lở. Nhưng phải giả tạo bao lâu thì ông không biết.
…
Những ngày sau, Đấu Thánh bỏ bễ việc chính sự hoặc chỉ làm cho có. Gã ném hết trách nhiệm cho một ông già ngoại quốc bảy mươi tuổi. Tây Minh bất đắc dĩ trở thành mối cố kết tập hợp tiểu quốc. Trong con mắt người Tuyệt Tưởng, ông đáng tin cậy vì đức vua Đấu Nhân cùng Hoàng Tử Cát đều nể trọng ông. Có người điều hành, quân Tuyệt Tưởng tạm thời ổn định. Để không mất mặt vị vua mới, Tây Minh luôn nói rằng mọi chỉ đạo của ông đều có sự can thiệp từ nhà vua. Bằng nhiều cách, ông thuyết phục người Tuyệt Tưởng rằng nhà vua đang điều trị tâm lý.
Nhưng không tự dưng mà Liệt Giả hiến máu hàng nghìn người và dồn mọi sức lực để giết Hoàng Tử Cát. Cũng không tự dưng mà cả người Tuyệt Tưởng lẫn kẻ địch gọi anh là “bậc thầy chiến trận”. Mất anh, quân đội Tuyệt Tưởng chuệch choạc thấy rõ. Sáng ngày 25, Liệt Giả phát động tổng tiến công. Chúng chia hai cánh quân, một đâm thẳng tới Ngọn Xám, cánh còn lại đánh sang quận Đông Chinh Kiếm. Không còn đôi xạ ưng của nhà vua hiệu lệnh cho những con xạ ưng khác, vành đai phòng thủ quanh Ngọn Xám hoạt động thiếu đồng nhất. Không còn Hoàng Tử Cát, quân Tuyệt Tưởng thiếu những bước tấn công bất ngờ. Dưới cơn mưa bạc tầm tã, vành đai dần tan vỡ, quân phương nam càng lúc càng gần tòa tháp kim loại. Đại thánh sứ không tồi nhưng ông không hiểu người Tuyệt Tưởng, không hiểu mưa bạc bằng Hoàng Tử Cát.
Cuộc chiến kéo dài không ngừng nghỉ. Rạng sáng ngày 26, Liệt Giả tung ra ba quân bài mạnh nhất: Con Sâu Ngủ, Gã Phì Lủ và Hệ Tôn. Mỗi kẻ thống lĩnh ba tiểu đoàn cùng Sói Chúa tấn công trực diện tòa tháp từ hướng tây nam, người Tuyệt Tưởng không sao ngăn nổi. Sự tình khẩn cấp, đại thánh sứ phải thân chinh xuất chiến. Ngay lúc đó, ông nhận được thông tin kẻ địch bên Đông Chinh Kiếm đánh thọc sườn quân Tuyệt Tưởng, số lượng áp đảo gấp bốn lần. Suy nghĩ một hồi, Tây Minh chỉ đạo toàn bộ Thống Lĩnh cứu chiến trường phía đông còn tự mình đối phó chiến trường tây nam. Bằng đôi cánh thánh sứ trắng muốt, ông lao xuống mặt trận rồi mặt đối mặt những kẻ mạnh nhất thế giới. Con Sâu Ngủ lẫn Gã Phì Lủ dừng chân khi thấy đại thánh sứ, chỉ duy nhất Hệ Tôn bước lên. Việc mất tay trái chẳng làm Hệ Tôn bớt hung hăng, ngược lại càng máu chó:
-Ồ, đại thánh sứ Tây Minh nổi tiếng đây sao? Hay đấy! Hoàng Tử Cát đang cô đơn lắm, tôi muốn hắn có thêm bạn. Ngài lên trên đó với hắn nhé? Tôi sẽ giúp!
Đại thánh sứ không để tâm lời khiêu khích, chỉ lẳng lặng rút thánh giới rồi triệu hồi thần hộ mệnh, bên phải xuất hiện A Sát Ca, bên trái là Thần Cơ Pháo (**). Phía sau ông, năng lượng xanh dương từ đôi cánh tụ tập thành một vị thần mang hình hài trẻ con, toàn thân bốc lửa trắng xóa. Nhìn vị thần trẻ con ngồi trên vai đại thánh sứ, Hệ Tôn bất giác chùn chân. Gã Phì Lủ tặc lưỡi:
-Cổ Nhi – một trong Bát Đại Hộ Vệ – người nắm giữ Nguyên Thủy Diệm. Vậy ra chuyện sử dụng ba thần hộ mệnh cùng lúc là có thật! Phương Tưởng dẫu còn sống cũng chẳng làm được vậy.
-Được đấu với ngài là vinh hạnh của tôi! – Con Sâu Ngủ hơi cúi đầu.
Hệ Tôn cười gằn đoạn lẩm bẩm chửi rủa mấy lão già diễn trò khỉ. Như thường lệ, gã xông pha trận chiến bằng ý chí của loài thiêu thân. Nhưng con thiêu thân Hệ Tôn sớm nhận ra Tây Minh không phải ngọn đèn tỏa ánh sáng mờ nhạt. Đêm ấy, đại thánh sứ cùng vài chục cận vệ đẩy lui ba kẻ mạnh nhất lẫn ba ngàn kẻ địch. Mũi tiến công tây nam của Liệt Giả bị chặn đứng.
Kết thúc cuộc chiến, Tây Minh gần như kiệt sức, khớp xương lạo xạo muốn nứt vỡ. Nếu chẳng phải Bất Vọng xuất hiện đúng phút cuối cùng thì ông đã gục ngã. Ba kẻ mạnh nhất không chỉ có cái danh, chúng mạnh không tưởng. Chưa kịp hồi phục, Tây Minh trở dậy định tới chiến trường phía đông, bỗng một cố vấn ngăn ông lại:
-Bên đó kết thúc rồi, thưa ngài. Chúng ta đã ngăn được kẻ thù, nhờ Thủ Lĩnh tóc đỏ dẫn đội Sóc Bay đánh úp ban chỉ huy của địch! Họ không giết được Hiệp Dung nhưng cũng hạ được nhiều Đầu Sói cùng một Sói Chúa. Thủ Lĩnh tóc đỏ bị thương nhưng không nặng lắm, có vẻ sẽ hồi phục sớm.
Đại thánh sứ gật gù nhưng ánh mắt đăm chiêu. Sau rốt ông cho rằng mình mắc chứng lo nghĩ quá độ của tuổi già.
Hai ngày sau, cuộc chiến ác liệt gấp bội. Các pháp sư chưa sửa xong Ngọn Xám mà quân phương nam sắp tiếp cận tòa tháp. Đại thánh sứ Tây Minh đã cố gắng hết sức. Ông mạnh hơn bất cứ ai, điều ấy không ai bàn cãi. Nhưng vấn đề là người Tuyệt Tưởng cần vua, cần người thủ lĩnh dẫn dắt. Khốn thay Đấu Thánh vẫn ngồi lì trên ngai vàng và chẳng một lần xuất hiện động viên quân sĩ hay chỉ đạo quân sự. Sự khéo léo hay nụ cười trấn an của Tây Minh chẳng ngăn nổi sự bất mãn dâng cao trong quân đội. Ngày 28, toàn bộ Thống Lĩnh cùng phân nửa Thủ Lĩnh có mặt ở ban quân sự. Tất cả yêu cầu nhà vua hiện diện.
-Nhà vua ở đâu? Chúng tôi cần ngài hỗ trợ mặt trận phía đông! Nửa quận Đông Chinh Kiếm đầy quân địch, chúng tôi không thể giữ vành đai mãi! – Một Thủ Lĩnh quân thủ vệ nói.
-Dân chúng hoang mang, sản xuất hậu cần giảm sút, nhà vua cần trấn an họ! – Một Thống Lĩnh gay gắt – Nhưng ngài ấy đang làm gì? Ngài ở đâu? Hãy gọi nhà vua ra đây!
-Nếu nhà vua không đủ khả năng lãnh đạo, chúng ta sẽ tìm người khác! – Người khác to tiếng.
Rốt cục cả đám quay sang cãi nhau vì chuyện nhà vua. Những kẻ quá kiêu hãnh không chấp nhận một vị vua phẩm chất thấp kém, người bảo thủ cố gắng giữ gìn truyền thống, số khác lặng im. Sau rốt Tây Minh phải đập bàn vãn hồi trật tự. Đại thánh sứ lắc đầu ngao ngán, mường tượng cảnh nội chiến trước khi Liệt Giả san phẳng tòa thành. Hốt nhiên trong đám Thủ Lĩnh, Vô Phong chợt giơ tay xin phát biểu. Trông bản mặt lúng túng của tên tóc đỏ, ông đoán gã này đang nuốt răng ăn lưỡi. Vô Phong bước lên, đôi chân tập tễnh do chấn thương. Hắn mở lời:
-Tôi không phải người Tuyệt Tưởng… phải… ề… đúng thế, tôi không phải các vị…
Vô Phong ngập ngừng. Đối diện và phát biểu trước hàng trăm gã đàn ông bặm trợn không phải chuyện dễ dàng. Tên tóc đỏ thở một hơi sau tiếp tục:
-Nhưng tôi cần phải nói! Tôi biết các vị đang nghi ngờ đức vua. Nhưng có thể cho nhà vua thời gian không? Đấu Thánh chắc chắn trở lại, chúng ta hãy cho ngài ấy thêm thời gian! Hoàng Tử Cát đã đặt trọn niềm tin vào Đấu Thánh, chiến đấu cho niềm tin đó, sẵn sàng chết vì nó! Không hề hối hận! Các vị nói thế nào về truyền thống? Các vị tự hào ra sao về nó? Tôi không thấy điều đó! Ngay chỗ này, ngay thời điểm này, tôi không thấy điều đó! Tôi chỉ thấy các vị đấu đá nhau! Các vị yêu quý Hoàng Tử Cát, vậy các vị đã báo thù cho anh ấy chưa? Nếu các vị không chấp nhận vị vua của hôm nay thì hãy sống cho nhà vua của hôm qua!
Đám người Tuyệt Tưởng im lặng, bỗng một người cất lời:
-Chúng tôi tôn trọng anh bạn nhưng đây là chuyện nội bộ, anh bạn không có tư cách nói!
-Tôi có tư cách đàng hoàng! – Vô Phong đốp lại – Hoàng Tử Cát trao quyền điều động đội Sóc Bay cho tôi. Tôi là Thủ Lĩnh! Tôi mang nhà vua Đấu Thánh từ mặt trận trở về! Tôi đang giữ Mộng Đoạn Ca và sẽ trao trả khi đức vua đủ phẩm chất!
Nói rồi Vô Phong giơ thanh mã tấu trước toàn thể hội nghị. Thấy nó, người Tuyệt Tưởng bất giác cúi đầu. Vì truyền thống, vì niềm tin cho Hoàng Tử Cát, họ thôi cãi vã rồi tự động giải tán. Nguy cơ chia rẽ tạm thời lắng xuống. Đại thánh sứ khá ngạc nhiên, tên tóc đỏ thay đổi nhanh hơn ngài tưởng.
Đêm đó, Tây Minh trở lại tòa điện chính. Trái ngược nỗ lực của ông hay Vô Phong, “ông vua con” chẳng chịu nhúc nhích như thể muốn khẳng định chủ quyền tối cao trên ngai vàng. Đứng trên tầng lửng tòa điện, đại thánh sứ lắc đầu. Chuyện kể về những ông vua ôm ấp vàng bạc và say sưa quyền lực vốn chỉ dành cho trẻ con nay đã thành sự thật. Già đời, nhìn qua vô số chuyện nhưng Tây Minh chẳng biết giải quyết tình huống này thế nào.
Đương ngán ngẩm, ông bỗng thấy Vô Phong bước vào tòa điện. Hắn tiến đến ngai vàng rồi gọi “TTBT!”. Tuy không hiểu từ đó có nghĩa gì nhưng đại thánh sứ phát hiện Đấu Thánh hơi ngẩng đầu. Tên tóc đỏ cười toe:
-Khỏe chứ, đức vua?
Gã vua đáp lại bằng gương mặt trơ trơ cùng mái tóc ủ rũ. Song dường như bản mặt Vô Phong khiến gã không thể im lặng mãi. Đấu Thánh nhếch môi:
-Đến đây làm gì?
-Nói chuyện. – Vô Phong trả lời – Chúng ta cần đối thoại. Tôi có chuyện muốn kể, nghe chứ? Này, nếu một người vợ phản bội chồng để lăng nhăng với thằng khác, anh bạn gọi cô ta là gì?
Đấu Thánh im lặng như chẳng quan tâm. Nhưng Vô Phong vẫn ở đó chờ đợi câu trả lời. Được một lúc, gã vua mở miệng:
-Con điếm.
-Phải, phải, là con điếm! – Vô Phong gật gù đoạn ngồi xuống bậc thềm – Tôi từng gặp một người như thế. Tôi cứ nghĩ cô ta là con điếm từ trong ra ngoài cho tới khi biết được sự thật. Tên cô ta là Mục Á…
Và rồi tên tóc đỏ bắt đầu kể chuyện. Đại thánh sứ không biết ai tên Mục Á, cũng chẳng rõ Vô Phong đào đâu ra câu chuyện đó. Nhưng ít nhất là tòa điện chính có tiếng người thay vì im lặng não nề như trước, dù rằng suốt buổi chỉ mình tên tóc đỏ tự biên tự diễn.
…
Sáng ngày 30 tháng 10, quân phương nam công kích Ngọn Xám. Nhưng vành đai phòng thủ như đê chắn sóng liên tiếp đánh bật chúng; ba kẻ mạnh nhất bị đại thánh sứ Tây Minh cầm chân và hầu như không tiến được bước nào. Người Tuyệt Tưởng cũng gia cố lại mặt trận phía đông ngăn lũ Chó Hoang từ quận Đông Chinh Kiếm. Các pháp sư sắp sửa xong ngọn tháp, chỉ cần trụ vững thêm vài ngày, người Tuyệt Tưởng sẽ lật ngược tình thế.
Nhưng mải đối phó ba kẻ mạnh nhất, đại thánh sứ quên mất con sói Hiệp Dung. Đêm 30, Hiệp Dung dẫn quân đánh thốc ra quận Đông Chinh Kiếm, thủ vệ Tuyệt Tưởng không ngăn nổi. Quân phương nam dùng thuốc nổ đánh sập công trình quận mở lối sang khu công nghiệp phía tây. Gần tám ngàn quân Chó Hoang tràn về hướng đó, bỏ qua khu công nghiệp rồi đánh thẳng vào nửa sau quận Tây Chinh Kiếm. Nhờ sự ranh ma tinh quái của Hiệp Dung, quân phương nam vượt qua chốt phòng thủ và tràn đến khu tị nạn. Chúng không cướp bóc, không đe dọa, chỉ chém giết cho đã tay. Tin khẩn cấp báo về ban quân sự, Tây Minh hỏi:
-Có bao nhiêu Thống Lĩnh ở đó?
-Chỉ hai người! – Người đưa tin trả lời – Họ đang gặp khó vì bên địch có Thập Kiếm!
-Thế nhà vua đâu? – Tây Minh vồn vã.
Người đưa tin lắc đầu. Tây Minh bèn giao việc bảo vệ vành đai cho nhóm công chúa Lục Châu rồi tung cánh bay tới tòa điện chính. Ông đẩy cửa bước vào sảnh, vừa chạy vừa nói:
-Nhà vua! Dân chúng cần ngài! Ngài phải ra trận, ngay lúc này!
Trên ngai vàng, Đấu Thánh không nhúc nhích. Tây Minh lớn tiếng:
-Kẻ địch đang giết người dân của ngài! Nhà vua không bảo vệ ngai vàng, nhà vua bảo vệ dân chúng! Xin ngày hãy ra trận!
Mặc đại thánh sứ nói thế nào, “ông vua con” vẫn bất động như cái cây héo quắt vì đau khổ, vì vàng bạc, vì quyền lực. Tây Minh ngán ngẩm bước đi. Lần đầu tiên sau rất nhiều năm, đại thánh sứ tôn kính buột miệng chửi thề. Từ tòa điện, ông tung cánh bay xuống quận Tây Chinh Kiếm rồi tập hợp binh lính tổ chức phản công. Nhưng chiến đấu trong đêm tối mịt mùng và nạn dân chạy tán loạn thực sự là ác mộng. Giữa tiếng la hét kêu cứu, tiếng súng đạn lẫn xác chết ngập ngụa dưới chân, Tây Minh phải gồng mình tránh để thanh âm chiến trường cuốn phăng tinh thần.
Song sự tình thêm tồi tệ khi bọn Chó Hoang tràn lên tầng cao sát hại dân chúng rồi dùng thuốc nổ phá sập công trình. Đại thánh sứ bất giác đau đầu, ông không biết nên ở lại đây hay lên khu tầng cao. Ông cảm giác mình quá già, quá yếu. Giữa tình thế đó, bỗng có người hét lên:
-Đội Sóc Bay đến rồi!
Tây Minh nhìn về hướng nọ, trông thấy bóng tóc đỏ dẫn thành viên Sóc Bay đánh khu tầng cao đẩy lui bọn Chó Hoang. Bớt mối lo tầng cao, đại thánh sứ tiếp tục cuộc chiến dưới mặt đất. Trận đánh kéo dài tới rạng sáng, quân phương nam tạm rút và rình rập chờ cơ hội đánh tiếp. Hiệp Dung lộ rõ ý đồ nếu không thể chiếm Ngọn Xám, y sẽ tàn sát dân chúng Tuyệt Tưởng cho đến người cuối cùng. Giữa thời đại này vẫn đầy rẫy những kẻ sẵn sàng vắt kiệt nhân tính cho tham vọng như thế.
Sau cuộc chiến, Tây Minh rảo bước quanh những khu đổ nát. Ông thấy nhiều xác chết dưới đống gạch đá từ người già tới phụ nữ, thậm chí trẻ con. Đi một quãng, đại thánh sứ bỗng thấy Vô Phong. Hắn đang lôi một người đàn ông đang gào khóc khỏi đống đổ nát:
-Bỏ đi, A Đát! – Tên tóc đỏ kéo người đàn ông tên A Đát – Anh phải về khu tị nạn, bọn Chó Hoang sắp quay lại chỗ này, anh không thể ở đây mãi!
-Vợ tôi ở dưới đó! Cô ấy ở dưới đó! – Người đàn ông gào lên.
-Đây là việc của đội cứu hộ! Anh còn A Xuyên, quên rồi sao? Con bé đang đợi anh! Về khu tị nạn, nhanh lên!
Rốt cục người đàn ông tên A Đát phải nghe lời tên tóc đỏ, đành theo binh lính về khu tị nạn. Đại thánh sứ bước tới đoạn chìa bao thuốc, Vô Phong cầm một điếu. Phiền nỗi tay hắn bị chém sâu, run run không đánh lửa nổi, Tây Minh bèn giúp. Tên tóc đỏ cúi đầu cảm ơn. Bấy giờ đại thánh sứ mới thấy rõ nhân dạng của Vô Phong: tóc dài hơn, đôi mắt đỏ ngầu vì thiếu ngủ, gương mặt đầy góc cạnh vì vết máu lẫn đất cát, khắp người băng bó lốt đâm chém, không giống tên tóc đỏ mà ông từng biết. Được một lúc, Vô Phong trở xuống đống đổ nát rồi đào bới gạch đá trong im lặng. Tây Minh hỏi:
-Cậu quen biết họ?
-Tôi đã hứa bảo vệ họ(***). Nhưng tôi thất hứa. – Vô Phong đáp.
Tên tóc đỏ lôi thi thể vợ A Đát ra khỏi đống gạch vụn. Tây Minh thở dài. Mưa bạc vẫn rơi, hoa Tuyệt Tưởng vẫn nở, nhưng nhà vua đang ở đâu? – Ông tự hỏi.
Giữa thời khắc này, đức vua ở đâu?
(*) xem lại Quyển 3 Chương 115
(**) Thần Cơ Pháo vốn là thần hộ mệnh của Liệt Giả, sau bị Tây Minh thu hồi, Quyển 1 Chương 30
(***) Vô Phong gặp lại những người quen ở Tuyệt Tưởng Thành, xem lại Quyển 3 Chương 105
Truyện khác cùng thể loại
8 chương
19 chương
148 chương
62 chương
9 chương