Nghiễn Áp Quần Phương
Chương 1 : Đào Diệp qua đò
Đứng ở bến đò Nam Phổ, nhìn sông Tần Hoài nước sâu sóng cả mà ta do dự không dám lên thuyền.
Người đưa đò cầm chiếc sào dài chờ đợi một hồi, cuối cùng mất kiên nhẫn mà hỏi:
- Cô nương, rốt cuộc có lên thuyền không đây? Nếu ngươi không lên thuyền thì để ta đi đây, không thể để cả thuyền chờ mình cô nương được.
Ta vội nói:
- Ta lên, ta lên, tất nhiên là ta muốn lên rồi. Ta phải sang bên kia sông.
Người lái đò thở phào:
- Vậy cô nương lên đi, còn lần khần ở đó làm gì? Cả túi thuốc của ta cũng sắp hút hết rồi đây này
Ta đành phải kiên trì, cố gắng bước lên tấm ván hẹp chao đảo kia. Vừa mới bước được một bước đã thấy đầu váng mắt hoa, ta sợ tới độ vội chạy rụt về bờ, suýt thì ngã xuống nước
Cả người toát mồ hôi lạnh
Ta ôm chặt chiếc ô giấy mà mẹ đưa cho ta trước khi đi, nhìn con sông nước chảy xiết mà buồn bực. Làm sao bây giờ?
Lúc này một gã nam nhân bước ra đầu thuyền cợt nhả nói với ta:
- Tiểu mỹ nhân sợ lên thuyền sao? Đừng sợ, đừng sợ, có ca ca đây. Muội vươn tay qua đây, ca ca đỡ muội lên thuyền
Người trong thuyền ồn ào nói:
- Lão Mai, ông đúng là đồ quê mùa, không biết thương hương tiếc ngọc, vẫn là Tây Môn đại gia của chúng ta dịu dàng, chu đáo nhất.
Lão hán đưa đò lẩm bẩm biện giải:
- Nàng là một cô nương, ta kéo thế nào được.
Nhìn khuôn mặt đáng khinh và bàn tay vươn tới của người đứng đầu thuyền kia, lòng ta vô cùng khó chịu không muốn hắn ta chạm vào. Nhưng ta phải qua sông, ngẩng đầu nhìn sắc trời đã chẳng còn sớm, nếu cứ dây dưa thì chỉ sợ hôm nay không về kịp nữa.
Rơi vào đường cùng, ta chỉ đành đưa tay cho hắn, được hắn kéo mà run run lên thuyền.
Vừa bước lên thuyền, tay hắn dùng sức kéo, ta cứ thế mà nhào vào lòng hắn. Hắn nhân cơ hội ôm ta rồi khoa trương hét lớn:
- Ối chao, cả người đều bị tiểu mĩ nhân đụng vào này.
Người trong thuyền lại cười vang. Ta phiền não mà nghiêm mặt đi vào khoang thuyền, cuối cùng tìm được một đại tẩu đang bế con mà ngồi xuống bên cạnh nàng.
Đại tẩu kia không đành lòng nhìn ta, nhỏ giọng nói:
- Cô nương, sao lại ra ngoài một thân một mình thế này? Muội như đóa hoa mới nở, bên người không có ai đi theo, đám nam nhân kia đương nhiên sẽ nghĩ mọi cách mà đùa bỡn.
Đương nhiên ta hiểu điều này, chỉ là:
- Nhà muội không còn ai khác, mẹ thì sắp sinh nở, mẹ đang ở nhà chờ muội cầm đồ lấy tiền rồi mua gạo về đây.
Nàng nhìn bọc đồ nhỏ trên lưng ta rồi nói:
- Bên này sông cũng có hiệu cầm đồ mà, sao phải chạy qua bên kia?
Ta giải thích:
- Đồ muội cầm thì chỉ có hiệu cầm đồ của Vệ phu nhân ở bên bờ mới hiểu được giá trị thật
Thực ra đây cũng chỉ là phỏng đoán của riêng ta. Vệ phu nhân mà, nhà thư pháp nổi tiếng, là thầy của Vương Hi Chi. Bà mở hiệu cầm đồ thì hẳn là sẽ rất chiếu cố người đọc sách, với văn phòng tứ bảo gì gì đó hẳn là sẽ rất yêu thích, có thể trả nhiều tiền hơn chút.
Đại tẩu kia à một tiếng, môi mấp máy, có lẽ là muốn hỏi tiếp xem ta định cầm đồ gì thì người đàn ông bên cạnh, hẳn là tướng công của nàng nhìn nàng một cái ra hiệu nên nàng cũng không hỏi thêm.
Tài bảo không để lộ ra ngoài, kiến thức phòng thân này mọi nam nhân đều hiểu, chỉ có đám nữ nhi ngày thường chỉ luẩn quẩn khuê phòng như chúng ta là không hiểu.
Lúc rời thuyền, đại tẩu đó tốt bụng nói:
- Để tướng công ta đỡ muội đi, muội yên tâm, chàng là người thành thật.
Ý chính là hắn sẽ không nhân cơ hội chiếm tiện nghi của ta.
Sau khi rời đường, ta vội tìm người hỏi đường đến hiệu cầm đồ của Vệ phu nhân. Đi qua vài vòng, cuối cùng mới nhìn thấy xa xa có một chữ “Đáng” rất lớn. (Cầm đồ, thế chấp)
Chữ “đáng” này khiến mắt ta sáng bừng, lòng thầm khen ngợi: “Trời ơi, ai viết chữ vậy? Sao có thể viết đẹp như vậy”
Tay ta bắt đầu vô ý thức mà vẽ lên quần áo theo chữ “Đáng” kia. Bên tai loáng thoáng tiếng người trách cứ:
- Này, ngươi đi đường kiểu gì thế?
- Ngươi đi đường không nhìn à?
Ta cũng chẳng để ý đến bọn họ, tiếp tục viết theo chữ kia
Cũng chẳng biết qua bao lâu, ta thấy tiểu nhị của hiệu cầm đồ bê một tấm gỗ ra, bắt đầu dựng lên cửa tiệm.
Ta vội vàng chạy tới:
- Không phải các ngươi đóng cửa đấy chứ?
Hiệu cầm đồ bên kia sông, rõ ràng đến tối vẫn còn thắp đèn lồng làm ăn, trên đèn lồng cũng viết một chữ “Đáng” to tướng, ta không nhớ lầm đâu.
Hắn cười nói:
- Ta đúng là đang đóng cửa đây, không phải là tới cửa hàng cầm đồ đấy chứ?
Ta nóng nảy:
- Nhưng ta còn chưa cầm đồ mà
Hắn lại vui vẻ:
- Ngươi cầm đồ sao? Ta thấy ngươi đứng ở cửa nhìn chữ “Đáng” kia mà ngẩn người, tay cứ vẽ loạn, miệng còn lẩm bẩm, còn tưởng là đến để luyện chữ.
Nghe khẩu khí của hắn ta thì hình như những người đến đây học theo chữ “Đáng” kia cũng chẳng phải chỉ có mình ta, thảo nào hắn chẳng thấy lạ.
Thực ra đây cũng là chuyện bình thường, chữ “Đang” này thực sự rất đẹp, quả thực là “thần lai chi bút” (đại ý là chữ rất đẹp, thần diệu). Ta không khỏi hỏi thăm:
- Chữ “Đáng” này là ai viết vậy? Là lão bản nương Vệ phu nhân nhà các người sao?
Hắn liếc ta một cái rồi nói:
- Ngươi hẳn là từ ngoài đến đúng không? Người ở đây chẳng ai là không biết chữ “Đáng” này do ai viết cả.
Thì ra chữ này sớm đã nổi tiếng, chỉ trách ta hiểu biết nông cạn. Ta có chút xấu hổ hỏi hắn:
- Vậy rốt cuộc là có phải do ai viết?
Hắn kiêu ngạo mà tuyên bố đáp án:
- Chính là Vương hữu quân Vương đại nhân, ngoài ông ấy, ai có thể viết ra chữ đầy khí thế như vậy
- A!
Ta hốt hoảng. Cũng khó trách, chữ này quả thực không giống nữ nhân viết.
Nhưng nhìn trời dần tối, hình như không nên tiếp tục truy vấn cụ thể, việc cấp bách là:
- Ta muốn cầm đồ.
Tiểu nhị nhìn ta từ trên xuống dưới vài lần rồi hỏi:
- Người muốn cầm cái gì?
- Ta muốn cầm…
Ta tháo bọc đồ trên lưng xuống nhưng vươn tay lại lại thấy trống rỗng. Ta trợn tròn mắt:
- Đồ của ta đâu?
Tiểu nhị lắc lắc đầu:
- Đúng là hồ đồ, đồ không còn cũng không biết. Ta nói cho ngươi, đồ của ngươi sớm đã không còn, từ lúc ngươi đến ta đã chẳng thấy có đồ gì cả
Nguy rồi, chẳng lẽ đi đường cũng bị người ăn cắp? Nhưng sao ta chẳng có cảm giác gì? Tiểu nhị thấy ta hoảng hốt như vậy thì hỏi:
- Trong đó có đồ quý sao?
Vô nghĩa! Không quý thì đem đi cầm làm gì? Ta nói như sắp khóc:
- Bên trong là món đồ gia truyền của nhà ta, cha ta vì bảo vệ nó mà mất mạng. Nếu không phải mẹ con ta quá nghèo thì cũng chẳng đem đi cầm.
Tiểu nhị nhìn ta đầy thương hại nhưng cũng chẳng biết nên nói gì. Xảy ra chuyện này, an ủi cũng chỉ là vô nghĩa.
Nghĩ đến bảo bối khiến cha mất mạng mà lại bị ta làm mất, ta vừa xấu hổ lại vừa khổ sở, cũng mặc kệ có phải đang ở giữa đường giữa chợ hay không mà òa khóc
Khóc một hồi, cuối cùng, một người giống như chưởng quầy của hiệu cầm đồ đi ra nói:
- Cô nương, phu nhân nhà chúng ta mời cô nương vào
Ta nhìn lên bằng đôi mắt đẫm lệ, phu nhân? Đó có phải là Vệ phu nhân tiếng tăm lừng lẫy? Bà mời ta vào, có phải là vì thấy ta khóc đáng thương mà ra tay tương trợ?
Ha ha, nếu là thế thì cũng không uổng công ta hi sinh hình tượng đứng bên đường gào khóc.
Hôm nay là ngày xúi quẩy, đánh mất đồ quý nhưng lại cũng là ngày may mắn, vừa khéo Vệ phu nhân ở trong cửa hàng
Ta lau nước mắt rồi cùng ông ta đi vào.
Truyện khác cùng thể loại
82 chương
41 chương
4 chương
173 chương
964 chương
59 chương
70 chương
59 chương