Man Cô Nhi

Chương 22 : 22

Tiên Tâm trở thành nhân vật nổi tiếng của châu thành, là cái kiểu nổi đình nổi đám ấy. Tôi vẫn luôn đần độn về chuyện này, đều tại tiểu thuyết và TV dạy sai. Bạn cứ nghĩ đi, phàm đã là nam chính trong tiểu thuyết cổ trang thì không phải Trạng Nguyên cũng là Thám Hoa, không thì nơi nơi đều là tổng giám đốc, khiến Đài Loan trở thành nơi có mật độ tổng giám đốc dày nhất… Sao mà tôi lại có cảm giác nổi với một anh cử nhân đầu bảng quèn chứ? Nhưng Tiên Tâm là tú tài đứng đầu bảng, cử nhân đứng đầu bảng, thế đã có thể coi là trung nhị nguyên rồi. Tú tài chạy đầy đất, không hiếm lạ gì. Cử nhân thì sang hơn một chút, nhưng cũng không ít. Nhưng đạt được cả hai yếu tố này, là một tài tử còn chưa nhược quán (hai mươi tuổi), thì là một vật báu hiếm lạ. Nếu không tại chân của chàng, thi đậu được Tam Nguyên nữa thì… không biết chừng nơi này còn lập miếu thờ chàng. Tiên Tâm nói với tôi, từ khi triều Đại Minh khai quốc đến nay, có chưa đến năm người thi đậu tam nguyên. Đến cả trung nhị nguyên cũng không nhiều lắm, dầu gì khi đi thi ngoài thực lực người ta còn cần may mắn. An Khang đế đương nhiệm tại vị mười lăm năm, nhưng còn chưa có kẻ nào thi đậu tam nguyên. Ngài vẫn luôn ăn năn về vấn đề thành tựu giáo dục này. (Tam nguyên: thủ khoa cả 3 kì thi Hương, thi Hội, thi Đình. Trung nhị nguyên: thủ khoa hai kì thi Hương, thi Hội.) Trên phải giỏi thì dưới mới nghe. Cho nên quan quản khoa cử bồi dưỡng các học sinh trọng điểm rất mạnh mẽ, lá thư của Tiên Tâm bởi thế mới được thương hại mà qua truông. Đây là kiểu ông chủ nhớn thích gì thì con hầu phải ưng nấy. Kết quả Tiên Tâm đi tranh đua thi được vị trí đứng đầu bảng, khiến quan kia nở mặt nở mày, nghe nói còn được hoàng đế ngợi khen. Chuyện này là nước lên thì thuyền lên, Tiên Tâm thành đối tượng được đám văn nhân mặc sĩ rào đón. Lại nói tuy mặt chàng bình thường, nhưng khí chất thì rất cao cấp (đen tối thì chẳng ai thấy), phiêu nhiên như có tiên khí (tôi thương cảm cho những đồng chí bị nụ cười thánh mẫu kia làm cho lung lạc). Văn nhân ở triều Đại Minh này lại sùng bái vẻ đẹp ốm yếu, Tiên Tâm lập tức trở thành người trong mộng mà rất nhiều người ngưỡng mộ . Tuy rằng tôi cũng không rành thơ hay thơ dở lắm… Thẳng thắn mà nói, tôi còn không giỏi đọc chữ Thảo. Nhưng chữ của Tiên Tâm thật xinh đẹp, đến kẻ ngoại đạo như tôi còn cảm thấy trông thì xinh đẹp duyên dáng, thật ra lại kiên cường, quả là nét chữ nết người. Nhưng thơ của chàng để kẻ ngoài lề như tôi đọc, thì chỉ cảm thấy hàm súc giản lệ mà thôi, tuyệt đối không so được với “Bắc Đẩu bảy ngôi cao, Kha Thư tối vác dao”, nhưng người khác thổi phồng lên tận giời, thiếu điều vô song, tôi nghe mà thấy bối rối. “Đó là bởi vì, những trung nhị nguyên cùng thời với ta chỉ có bảy tám người, ta lại là người trẻ nhất. Của hiếm là của quý…” Tiên Tâm chậm rãi đáp lời, đưa cho tôi một chồng giấy viết thư, “Cái này nàng viết gì đây? Đây là chữ nước nào? Văn Mông Cổ à? Ta thật là xem mà đau cả đầu… Đừng nói nàng kêu ta không cần hồi âm, ta có hồi cũng không biết hồi thế nào…” Tôi nhận lấy thì thấy, hóa ra là những bức thư nhà tôi hao hết khổ tâm viết nên. “Nãy ta thu dọn bút nghiên thì thấy đống này đấy.” Tiên Tâm rất bất mãn, “Con giun bò cũng còn có khí thế hơn chữ của nàng. Nàng đọc coi, ta nhất định phải biết rõ nàng đã viết gì, kẻo không ta lại tưởng là thư nhà thật.” Tôi vừa cáu vừa thẹn, “Viết chữ đẹp thì có thể kì thị người khác hả? Chàng kì thị chữ em xấu! Em đây là còn biết viết đấy, bao nhiêu phụ nữ thất học chàng xem…” “Ta quản đám phụ nữ đó làm gì? Liên quan gì đến ta?” Chàng quát, “Đọc đi!” Tôi đọc thư chẳng cam tâm tình nguyện chút nào, mới phát hiện cảnh đời đổi dời, có mấy chữ… quả thật tôi cũng không nhận ra là mình viết gì. Tiên Tâm thở một tiếng thật dài, nghe cực kì muốn đánh. “Chữ của nàng cứ để ta dạy đi vậy. Ít nhất viết thư nhà phải để ta hiểu được nghe không?” “…Sau này em sẽ nhờ tiên sinh trưởng quầy viết cho em.” Tôi cũng cáu lên. “Nàng dám!” Chàng hét lớn, “Viết thư cho ta, sao còn dám để người khác viết!?” “Không thì em kêu Bạch Quyên…” “Không được! Ta đã nói nàng không được để người khác viết hộ, Bạch Quyên thì không phải người khác à?” Chàng mắng, “Nàng lại đây cho ta, cọ tới cọ lui cái gì? Cầm bút cẩn thận đi… Aizzz, thế này mà gọi là cầm bút cẩn thận à? Ta mới kéo một cái mà tay nàng đã dính đầy mực… Run cái gì mà run? Đây là nét ngang sao? Giun vặn còn thẳng hơn! Thôi, nàng ngồi lên đầu gối ta đi… Còn chạy? Lại đây! Ta nắm tay nàng dạy viết! Không viết hộ thì nàng không tập được đâu…” Tôi bị thầy thư pháp kiêu căng ngạo mạn này làm nhục vô cùng, học hành cực kì bất an miễn cưỡng. “Chàng làm thầy dữ quá,” tôi nhỏ giọng lẩm bẩm, “Học tập thế này sao mà tiến bộ được…” Chàng tay run lên, một giọt mực rơi trên tờ giấy. “… Ta chỉ muốn dạy nàng nhanh một chút thôi.” Chàng lại nắm tay tôi viết ba nét ngang, rồi mới chậm rãi nói, “Ta đã coi như ổn thỏa rồi, cần thi đã thi, cần làm đã làm. Mấy năm nay, các ca ca ta vẫn luôn gồng gánh, nhị ca còn phải ở xa mãi tận Chiết Giang, hiếm khi được về. Ta muốn dành chút thời gian học với đại ca, qua bên kia thế chỗ cho nhị ca, để huynh ấy về đỡ đần đại ca. “Đại ca không nói, nhưng huynh ấy đã bận rộn vất vả nhiều… Việc buôn lương thực nhà ta sạp thì lớn nhưng lãi thì mỏng. Cứ không để nhị ca về giúp đại ca, đại ca sẽ mệt đến chết, nhưng chỗ Chiết Giang cũng cần người chủ trì. Nếu ta đi, phải mười ngày nửa tháng mới trở về một lần. Nàng mà không học được cách viết chữ, ta nhận được thư cũng để không, sợ rằng mình không hiểu được nàng viết gì…” Một giọt nước mắt rớt lên mặt giấy. Tôi cảm thấy tuyến lệ của mình phát triển quá rồi. Chắc là tại ăn nhiều quá không dôi thịt ra mà để phát triển chỗ khác. Nhưng tôi không cự nự với chàng nữa, ngoan ngoãn học viết chữ. Nếu chàng đi xã giao, tôi sẽ đau khổ luyện tập trong thư phòng. Đương nhiên học thư pháp cũng như xây thành Rome, không phải một sớm một chiều mà nên. Nhưng có luyện có hơn, dần dà cũng rõ ràng hẳn. Chỉ là rất tốn giấy, một tờ to không biết tôi có viết được đến 200 chữ không. Tôi đang cố gắng thu nhỏ thể tích lại, nhưng để tới được chữ tiểu khải thì tôi nghĩ vẫn còn xa xôi lắm. Nhưng tôi nỗ lực như thế, Tiên Tâm lại không tán thành. Chàng kiên trì chỉ cần xem hiểu là được, chứ không muốn tôi trở thành nhà thư pháp làm gì, “Dù sao nàng cũng đâu có hợp với chuyện kia.” Chàng nói rất thẳng, rất thiếu đòn, “Bây giờ nàng đối mặt với án thư còn nhiều hơn đối mặt với ta, mắt nàng nhìn ta cũng không sáng lên nữa!” “Người ra ngoài xã giao cả ngày như chàng mà còn dám nói.” Tôi lẩm bẩm, “Bỏ lại em ở nhà, em còn chưa hé răng, kẻ ác đã càm ràm trước…” Chuyện sau đấy tôi rất hối hận. Lẽ ra tôi phải biết cái anh chàng đen như mực này sẽ cân nhắc mãi lời của tôi trong lòng, đúng ra không nên nói lời này với chàng. Về sau tôi trở nên nổi đình nổi đám, có người khen kẻ chê. Vị tân khoa đứng đầu bảng nhà tôi đây lên tiếng, muốn mời chàng đi, phải mời cả phu nhân của chàng. Khi ấy đã bắt đầu vào đông. Tuy rằng chưa có tuyết rơi nhưng đã lạnh vô cùng. Cư dân ở vùng cận nhiệt như tôi ở nhà cho ấm chẳng sướng thì thôi, đi ra ngoài cho gió thổi làm gì, mấy văn nhân nhã sĩ kia có gì hay mà gặp?! Huống chi, sau sự kiện chàng giận dữ xé thiếp canh, thanh danh của tôi đã bị treo một cái bảng “Người đàn bà ghen tuông” thật to viền neon, hơn nữa lúc cưỡi ngựa dạo phố còn ở rịt trong lòng tân khoa chẳng xuống… Thêm cả vụ này… Tôi suy nghĩ không biết cái biển “Người đàn bà ghen tuông” kia đã cho vừa được vào biển quảng cáo dài 3m chưa. “Chàng hủy hoại em không biết mỏi mệt đấy ư? Hà tất phải thế… Còn không phải em chỉ viết nhiều nhìn chàng ít đi thôi sao? Đến mức này ư?” Tôi khóc không ra nước mắt. Chàng rất bình yên vẽ mày kẻ mắt cho tôi, còn chỉ huy được cả Bạch Quyên lấy bộ quần áo nào nữa. “Nương tử,” chàng mỉm nụ cười thánh mẫu lâu năm, “Ta đã nói sẽ đưa nàng ra ngoài chơi mà.” … Nhưng không phải trong cái thời tiết lạnh chết người này đâu á ~ cũng không phải với cái thanh danh kinh thế hãi tục này mà ~ “Tôi ơi, sao mình lại đâm đầu vào đây không biết…” Tôi thật muốn nghẹn ngào. “Đương nhiên là vì nàng biết sẽ gả cho ta, nên mới vội vàng đến đây chứ.” Chàng vỗ vỗ tôi, tựa như an ủi, “Ta hiểu, nàng yêu ta đến chết. Không phải ta đã tiếp nhận tình ý của nàng rất khoan dung đại lượng rồi sao? Không cần cảm ơn ta, chúng ta là ai chứ? Đâu cần khách sáo thế làm gì?” “………………” Sao chàng có thể nói lưu loát thế nhỉ, không sợ cắn vào lưỡi à…? Tôi thật buồn bực. [HẾT CHƯƠNG 22] Bắc Đẩu bảy ngôi cao/Kha Thư tối vác dao: Hai câu đầu trong bài thơ Kha Thư ca của Tây bỉ nhân: Bắc Đẩu thất tinh cao, dạ đới đao. Chí kim khuy mục mã, Bất cảm quá Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu: Bắc Đẩu bảy ngôi cao Kha Thư tối vác dao Đến nay phường giữ ngựa Không dám vượt Lâm Thao. Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997 – Thảo thư (tiếng Trung: 草書; bính âm: cǎoshū) hay chữ thảo là một kiểu viết chữ Hán của thư pháp Trung Hoa. So với triện thư, lệ thư, khải thư và hành thư, thảo thư có bút pháp phóng khoáng và tốc độ viết chữ nhanh hơn cả. Mức độ đơn giản hóa của chữ thảo là lớn nhất trong số các kiểu chữ Hán có những chữ Hán mà theo lối khải thư thì viết nhiều nét nhưng theo lối thảo thư thì chỉ cần một nét. Vì vậy thảo thư thường được dùng trong các trường hợp như tốc ký, thực hành nghệ thuật thư pháp, viết thư hay viết nháp một bản thảo. Tuy nhiên, thảo thư rất khó đọc, những người chỉ quen dùng khải thư (kiểu viết thông thường) có thể không đọc được các văn bản viết bằng thảo thư. – Tiểu Khải (Tiểu tự): Chữ Khải có kích thước từ 1-2 cm. Tiểu Khải được sáng tạo ra bởi Chung Dao thời Tam Quốc nhà Ngụy. Chữ khải của ông thoát thai từ Hán Lệ , chữ viết sinh động, khung chữ, nét hơi mang dáng dấp Lệ thư, nhưng cũng đủ coi ông là người sáng lập Khải thư. Đến đời Đông Tấn, Vương Huy Chi đào sâu nghiên cứu, tạo nên thể chữ Tiểu Khải hoàn chỉnh. Tiểu tự là kiểu chữ thường dùng của thời cổ đại. Khi ứng thí, giám khảo đa số xem chữ trước, đọc văn sau. Nếu như chữ không đẹp, văn có hay cũng không hoàn hảo. Khi thi Trạng nguyên, Hàn lâm thì thư pháp càng được chú trọng. Do đó chữ tiểu tự của các cuộc thi đều rất đẹp. Thông thường người có học thời xưa đều giỏi viết tiểu tự. Ngày nay, người ta sử dụng bút mực, việc viết tiểu tự thể Khải dễ dàng hơn nhiều so với bút lông thời xưa.