Chu Quảng Phúc chết. Chết vì nhồi máu cơ tim đột phát. Sáu mươi tuổi, tất nhiên không được coi là trường thọ, nhưng cũng không tính là chết trẻ. Nếu là một người sáu mươi tuổi bình thường nào đó chết đi, bất quá cũng chỉ như gió thoảng qua tai, không lưu lại chút dấu vết nào. Nhưng Chu Quảng Phúc không phải là người thường. Lão là bá hộ tiếng tăm lừng lẫy N thành, thậm chí là cả nước. Có người nói lão nắm trong tay hơn nửa kinh mạch kinh tế của N thành. Hơn hai mươi năm trước, lão chẳng qua cũng chỉ là một tay đầu cơ. Trước cải cách, lão đã bắt đầu tranh sáng tranh tối làm vài vụ kinh doanh nho nhỏ, đến lúc quốc gia bắt đầu mở cửa, lão đã tích lũy được ít vốn. Người vợ kết tóc của lão bảo, chỗ tiền này không dễ kiếm, tốt nhất tìm chỗ nào đó mà cất kĩ, tương lai có thể dùng dưỡng già. Bị lão mắng cho một trận. Theo lý luận của lão thì, tiền chết sao đẻ ra tiền được? Lão dùng món tiền này đi buôn bán, từ thiết bị điện, trang phục đến thực phẩm chức năng, trong vòng mười năm, tiền của lão tăng lên không biết bao nhiêu mà kể. Sau đó, lão bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Lão bất quá chỉ tốt nghiệp tiểu học, cha và ông nội lão đều là người thổi kèn ở đám ma. Nhưng không có kiến thức thì có sao, lão có thể dùng kiến thức của người khác, có rất nhiều rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ tùy lão sở dụng, nghe lão điều khiển. Đây là chuyện mà lão tự hào nhất. Đến hôm nay, tài sản của lão tính ra đã có đến trăm triệu, giống như con rết trăm chân, râu ria liên quan đến rất nhiều ngành nghề. Có người từng nói, lão có vô số tiền, còn có vô số tình nhân. Thiếu nữ, thiếu phụ, các bà sồn sồn, còn có thiếu niên. Một kẻ như vậy, một kẻ giàu có, ngạo mạn, khôn khéo, hoang *** vô sỉ [1], đã chết. Lão đương nhiên có một lễ tang thật long trọng. Cha lão mất rất sớm, trước khi mất còn hối hận rằng, nghề thổi kèn đám ma gia truyền cuối cùng thất truyền. Chu Quảng Phúc nói, không có khả năng mới đi thổi kèn ở đám ma người ta, có khả năng sẽ khiến người khác đến thổi kèn ở đám ma mình; cứ chờ đó, đến khi tôi chết, tôi sẽ gọi người tới thổi kèn suốt ba ngày ba đêm. Lão làm được; lão thực sự mời đến đội nhạc mã tử minh [2] nổi tiếng N thành, ở ngoài khu nhà của lão thổi kèn ba ngày ba đêm. Mấy tay thổi kèn môi sưng vù cả lên. Nhưng bọn họ lãnh được một món tiền mà trước đây cả năm trời mới kiếm được. ………………….. Sau khi Chu Quảng Phúc chết ba ngày, trong căn biệt thự siêu xa hoa nằm ở vùng ngoại ô phía đông của lão, tất cả bà con thân thích tập hợp lại, nghe luật sư công bố di chúc. Căn phòng khách của biệt thự còn lớn hơn cả căn nhà của người bình thường, thật sự rất xa hoa lộng lẫy. Có người nói, nắp cống thoát nước [3] trong phòng tắm của biệt thự này làm bằng vàng thật. Cầu thang xoắn ốc tỏa sắc vàng, chùm đèn thủy tinh vừa lớn vừa cầu kỳ vàng rực, một bóng đèn trên đó thôi cũng bằng cả tháng tiền lương của một công nhân bình thường. Nội thất toàn bộ bằng gỗ lim, rất không hợp với chiếc TV plasma cực lớn, cùng với bộ loa có giá trên trời. Một bức Tề Bạch Thạch [4] nguyên bản treo trên tường, do độ ẩm lẫn nhiệt độ trong phòng khách đều không thích hợp mà lặng lẽ xói mòn. Cả phòng đầy người lặng ngắt như tờ, chỉ có tiếng nói khàn khàn của luật sư riêng của Chu gia, Lưu Quốc Đống, vang lên. Người nào cũng im lặng, một cây kim mà rơi xuống đất cũng nghe thấy được, trên mặt lại là vẻ vui sướng không kềm chế được. Tất nhiên rồi, bởi vì mỗi người bọn họ đều đạt được cái mình muốn. Chu Quảng Phúc từng đắc ý nói, lão vì sao lại thành công đến vậy à? Là vì lão có một vũ khí màu nhiệm: xử sự công bằng[5]. Hôm nay, sự công bằng đó vẫn không hề đổi. Mãi đến khi cuối di chúc xuất hiện một cái tên. An Mặc Đồng. …………………………. [1] Nguyên văn: 生色犬马– sinh sắc khuyển mã, tương tự声色犬马– thanh sắc khuyển mã. [2] 马子明乐队: đội nhạc truyền thống hát ởđám ma, đám cưới… ở Trung Quốc. [3] Không chắc lắm, nguyên văn: 磁砖的压线. [4] Tề Bạch Thạch 齐白石 (1864 – 1957) là một họa sĩ nổi tiếng ở Trung Quốc, được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Hội họa Trung Quốc năm 1953. Xem thêm ở wiki. [5] Nguyên văn 一碗水端平– Nhất oản thủy đoan bình, ‘mặt nước trong chén thật phẳng lặng’, thường được dùng để chỉ người xử sự công bằng. Vị Tịch thường dùng hình ảnh mặt nước phẳng lặng trong chén để chỉ sự công bằng của Chu Quảng Phúc. ……………………