Lên tàu ở london bridge
Chương 6 : Giấc mơ dưới bóng cây hoàng lan
Hạnh ngồi đọc sách đợi Lê ra phố có chút việc. Căn hộ nhà Lê ở phố Mai Hắc Đế là một phần ngôi biệt thự thời Pháp được chia ra cho dân nhập cư vào Hà Nội sau năm 1955. Những dãy phố như thế sau hàng chục năm bị đầy đọa đã lên màu mốc thếch, ghẻ lở nhưng vẫn giữ được không gian mát mẻ nhờ hàng nghìn cây xà cừ, hoa sưa, hoàng lan nhiều năm tuổi. Cửa sổ căn phòng mở ra một chùm diệp lục lấp lánh xanh, vàng trong nắng buổi trưa. Hạnh đang chìm vào trang sách thì chồng Lê bước vào ngồi xuống bên cô, hỏi thăm. Hạnh không khỏi t ngỡ ngàng, “Sao mà anh ấy lại về nhà giờ này?”. Người đàn ông mà Hạnh chưa từng gặp mặt, chỉ biết trên ảnh, đem cho cô cốc nước mát, và nhẹ nhàng, tự nhiên vuốt má cô: “Anh nghe kể về em rất nhiều, và thấy yêu em đã từ lâu.” Hạnh nghẹn thở, muốn nói điều gì đó để điều tra thêm thứ tình cảm bất chợt ập tới đó nhưng chỉ mấp máy môi, không nói ra lời. “Em nói gì?” Chồng của Lê hỏi và ghé sát vào khuôn mặt Hạnh. Tim Hạnh đập mạnh, hơi thở gấp gáp và hai tay cô ôm lấy vai anh, không rõ để đẩy ra hay giữ lại. Hai cặp môi gặp nhau và một bàn tay đã đặt lên ngực Hạnh, nóng rực. Tiếng chuông reo lên. Lê bước vào nhà. Trời ơi! Hạnh bừng tỉnh, bật dậy từ giấc mơ giữa ban ngày. Cô xấu hổ nhìn quanh. Vẫn là căn nhà thuê ở Blackheath, bánh xe lửa tuyến SouthEastern chạy lên London kình kịch gõ vào đường ray. Ngoài trời nắng rực sáng, nắng thả màu vàng óng xuống rặng cây chi dương (poplar) nhả phấn trắng bay khắp thảm cỏ.
Hạnh không dám nghĩ về Lê trong lúc này. Cảm giác thẹn thò dâng lên khắp người. Lần cuối hai đứa chat với nhau, Lê than rằng chồng mình hay vắng nhà buổi chiều tối vì làm công ty nước ngoài nhưng anh phải theo lệ ở Việt Nam là đi nhậu với khách hàng. Chuyện đi nhậu, hát karaoke toàn đàn ông, gái bán bar trèo lên đùi ngồi không phải là hiếm. Rồi chuyện gì xảy ra trong những căn phòng máy lạnh thì ai mà biết được. Lê rất lo mà chỉ thử dài. Môi trường chung là thế, chỉ còn nước là phải tin chồng. Từ ngày về Việt Nam, Lê hay than thở với Hạnh là cô bị bao vây bởi quá nhiều thứ phi chuẩn mực, những chi phí không tên, những suy tính ép vào cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ có con nhỏ. Điều nữa mà Lê ca cẩm là lo con bé con sẽ mất tiếng Anh sau hai năm học cấp một bên Úc. Mà thật vậy, đó là mối lo thiệt thòi về môi trường học cho con cái của rất nhiều cha mẹ du học nước ngoài về.
Hạnh thì nghĩ khác, nếu về Việt Nam, lấy chồng ở đó - trừ khi chồng là người nước ngoài thì tiếng Anh sẽ chiếm một nửa, còn không, Hạnh muốn con lớn lên thành người Việt Nam hoàn toàn, đi học trường công, chẳng cần trường tư, trường quốc tế gì hết.
Hạnh bảo Lê, “Ngày xưa chúng mình học mẫu giáo, tiểu học trường bình thường có sao đâu.” Lê không đồng ý:
-“Ngày xưa khác bà ơi. Bây giờ không có tiếng Anh thì coi như vô nghề ngỗng, đến đi bán sức lao động ở Đài Loan, Hàn Quốc người ta còn cần tiếng Anh sơ cấp, muốn có học bổng đi nước ngoài phải đủ điểm TOEFL, IELTS. Mà tiếc là con mình đã học tiếng Anh từ bé, về Việt Nam phải bằng mọi giá giữ tiếng cho nó khỏi phí, nhất là giọng đọc.”
Lê kể cả mấy quận ở Sài Gòn chỉ có số rất hạn chế trường dạy tiếng Anh chuẩn. Còn cho con vào trường quốc tế thì khó hơn chạy bộ từ Việt Nam sang Mỹ, vì trường tiếng Anh thì đâu chỉ con nhà Việt Nam muốn vào, mà dân Hàn, dân Âu Mỹ cũng ùn ùn xếp hàng rồi. Lê nói thế Hạnh mới nhận ra mình lạc hậu quá. Đúng thế, không có tiếng Anh giờ chẳng làm được gì. Cô nhớ đã đọc ở đâu bài báo nói phụ nữ trẻ ở Việt Nam lấy chồng Mỹ khi xin visa cũng phải trưng ra bằng tiếng Anh sơ cấp, vì Hoa Kỳ đâu có muốn nhận những người “câm điếc” tiếng Anh vào nước họ. Mà cũng đúng thôi, người không biết tiếng sẽ ít có khả năng kiếm việc làm, tức là lại ăn bám xã hội nước họ. Người mẹ yếu tiếng Anh thì làm sao có thể dạy con cho tốt, và những xung khắc gia đình do bất đồng ngôn ngữ với con cái cứ thể mà nảy sinh. Bao thế hệ di dân sang Phương Tây đã trải qua cảnh đó và những quốc gia này cởi mở thật đấy nhưng họ có quyền chọn lựa chỉ mở rộng vòng tay đón người có học hành tốt, đóng góp được gì ngay vào nền kinh tế của họ.
Nói chuyện với Lê, Hạnh vỡ ra nhiều điều, những điều có thể sẽ xảy đến với cô sau này, nếu cô chọn đường về. Mặt khác, càng tâm sự với bạn, Hạnh càng thấy cuộc sống hai người xa cách. Lê đã đi vào ngả đường riêng, có chồng, có con, có các lo toan khác hẳn, ở một môi trường khá giả, ổn định nhưng lại không thiếu các thách thức thường nhật, cụ thể của cuộc sống đô thị Việt Nam. Còn Hạnh vẫn mới đang bắt đầu, và vẫn còn chưa biết chia sẻ cuộc đời với ai. Bao nhiêu điều Lê trải qua với Hạnh lại chỉ là những thứ thuộc phạm vi ‘có thể’ chứ chẳng có gì là chắc chắn.
Truyện khác cùng thể loại
44 chương
413 chương
109 chương
63 chương
2263 chương
9 chương