Lên tàu ở london bridge
Chương 2 : Tìm bạn và nhớ bạn
Nỗi lo không bắt kịp, bị rớt ra ngoài sân chơi chung ngấm cả vào giấc ngủ, vào sự chọn môn học, lấy module nào cho phù hợp, chọn sách nào đọc để không phí thời gian bò ra nghiền ngẫm mà không hiểu thấu đáo nổi lập luận của tác giả, vì họ viết cho người xứ bên này chứ có bao giờ nêu ví dụ từ Việt Nam đâu. Nhưng Hạnh thừa hưởng của cha mẹ ý chí vươn lên. Bố luôn nói, “Ở vào hoàn cảnh nào đi nữa mình không làm gì, thụ động thì tình thế cũng sẽ đẩy mình phải đi, không ai dừng một chỗ mãi được, nên tốt hơn là chủ động chọn giải pháp”. Mẹ không dạy con gái cách trang điểm, ăn mặc nhưng thường nhắc, “Con cứ sống thật với mình, trong trang phục chọn màu hợp với tâm lý của chính mình, trong quan hệ tìm bạn mình cảm thấy thoải mái khi giao tiếp.” Bố mẹ từng du học ở Liên Xô cũ, về Việt Nam sống qua thời khó khăn, nay gia đình đã khá giả nhưng nếp nhà vẫn không đổi. Đọc sách, đi thư viện, đi xem hòa nhạc là những thức Hạnh đã quen từ nhỏ. Chỉ có điều môi trường ở Việt Nam vẫn không đầy đủ các sinh hoạt văn hóa như châu Âu, và Hà Nội thì có nhập vào làn sóng quốc tế đã 20 năm cũng chưa thể so với London, một đô thị toàn cầu, ngang hàng với Paris, New York. Nỗi lo khi sang đây của Hạnh là làm sao hội nhập tốt, không bị bỏ rơi lại phía sau, mà trong việc đó, tìm bạn là bước đi không thể thiếu. Trước hết là quen các bạn gái trong sự thầm mong có bạn trai. Thầm mong thôi, vì Hạnh còn nhiều tâm sự, còn nhiều đắn đo lắm. Cô vừa sợ mình dễ yêu, yêu thành chuyện dễ dãi, vừa sợ không ai mến mình. Mà lỡ người ta thương mình thì có dám đi đến chỗ lâu dài hơn không? Ngồi trên trang sách, trên máy tính đọc bài mà đôi khi lòng Hạnh cứ rối bời.
Từ ngày ra nước ngoài, Hạnh nhận thấy có nhiều thứ không ai tự đánh lừa bản thân được. Cảm xúc mến người này, không ưa người kia đến trong một vài phần trăm giây đồng hồ, như bản năng mách bảo, và người ta thấy hợp nhau hay kỵ nhau cũng rất nhanh, qua đôi ba câu nói chuyện là thừa đủ. Giác quan luôn đúng cho cả Tây và ta. Hôm đầu tiên gặp Veronika ở trường Hạnh đã cảm thấy dễ chịu khi nghe nó nói tiếng Anh giọng Đông Âu. Nó đang kiếm phòng trọ và ngay chiều hôm đó đã đi Tube (mạng xe điện ngầm London) cùng Hạnh tới ga London Bridge để đổi sang tuyến xe lửa về chỗ xem phòng ngay. Hôm sau Veronika đã dọn tới ở, làm bạn cùng nhà (flatmate) của Hạnh. Tin nhau thì dễ thế đấy. Hạnh cũng thích tính Veronika mạnh mẽ, thẳng thắn mà dễ gần, dễ đồng ý. Chỉ tiếc nó cũng là con gái. Cảm giác thân đó Hạnh để riêng trong lòng, không kể với Lê, bạn thân nhất từ phổ thông.
Những lúc rảnh vào cuối tuần, Hạnh mở Facebook Messenger để chat với Lê. Hồi Hạnh còn ở Việt Nam thì Lê đi du học Úc, rồi lấy chồng người Đà Lạt đã sang đó trước vài khoá. Anh ấy làm xong bằng tiến sĩ thì Lê cũng vừa sinh con đầu lòng. Sống thêm vài năm ở Úc hai người quyết định về nước để nắm bắt các cơ hội làm ăn mở ra bởi nhiều công ty công nghệ nước ngoài, các startup châu Á vừa vào Việt Nam. Nhưng vợ chồng Lê sống ở Sài Gòn chứ không chọn Hà Nội. Lê vừa đi làm, vừa chăm chồng, nuôi con còn Hạnh thì sang Anh. Hai đứa vẫn nói chuyện nhiều nhưng quan tâm của Lê có phần khác trước. Lê kể chuyện con lớp một có giờ học tiếng Anh mà cô giáo phát âm sai, gây sốc cho chồng cô. Nền giáo dục vẫn nặng về luyện thi, học thuộc lòng làm anh bực bội, coi quyết định bỏ Úc về là một sai lầm. Sau gần 10 năm ở nước ngoài, anh ấy tưởng câu chuyện học, dạy trẻ ở nước nhà đã rất tiến bộ mà hoá ra là không phải. Anh đòi vợ hoặc ở nhà kèm học tiếng Anh cho con, hoặc kiếm việc gì khác nhiều tiền hơn để con học trường quốc tế. Hai người cãi nhau. Lê thút thít khuyên Hạnh là nên cố ở lại Anh cho “dễ thở”, trở về lại phải “hội nhập ngược” rất mệt mỏi. Lời khuyên của bạn làm Hạnh băn khoăn mấy nhiều hôm. Học xong muốn ở lại Anh không dễ, hết hạn visa sinh viên nếu không kiếm nhanh được ai có giấy tờ định cư để làm đám cưới thì chỉ có cách trốn ở lại lậu, ngoài ra còn cách nào? Mà về Việt Nam thì sẽ ở đâu, Hà Nội hay trong Nam, rồi tổ chứ cuộc sống ra sao, việc làm, gia đình thế nào? Cứ thế, những suy nghĩ vẩn vơ luôn theo đuổi cô những lúc ngồi trong phòng, những giờ đi dạo, nhìn người ta nắm tay nhau ào ào đi trên phố.
Nhiều buổi tối, nhất là vào mùa hè, Hạnh và Veronika hay rủ nhau đi dạo ở bờ Nam sông Thames, đoạn từ cầu Jubilee tới Tower Bridge. Cả khu Southbank luôn có hội chợ, các nhóm chơi đàn, trình diễn ngoài phố, ngay trước các dãy hàng quán, pub, hàng sách cũ, tiệm ăn nhanh, không phải McDonalds mà là món ăn đường phố của người Brazil, Ấn Độ, Hoa, bày bán. Các điểm văn hoá cao cấp như Nhà hát Quốc gia, nhà hát kịch Globe của William Shakespeare, phòng tranh Tate Modern...cũng ở đây cả. Hôm đó, hai đứa dừng ở quán bia nhỏ, The Tyler Inn, kỷ niệm một anh hùng nông dân khởi nghĩa của Anh thời xưa. Nghe nói các nhà văn Anh thời Charles Dickens thường đến uống bia ở chính quán này. Bên ngoài quán có nhiều bàn gỗ to mà đám thực khách đã chiếm hết. Hai đứa đi vào bên trong, nơi tiếng người nói chuyện ồn ào át cả tiếng nhạc và tiếng live commentary (bình luận trực tiếp) từ màn hình TV lớn chiếu một trận đấu rugby union. Hạnh không uống được các loại bia Anh khá nặng nên chỉ ra quầy gọi cho mình một cốc nước táo lên men và cho Veronika một vại bia đen Guinness.
Vừa cầm hai ly ra thì thấy Veronika đã đang nói chuyện với một nhóm bạn hóa ra là cùng trường, có đứa người Anh, có đứa dân Tây Ban Nha và Ý. Cả đám chiếm một bàn dài ở góc, gọi thêm khoai Tây chiên (chips) và mấy gói crisps mằn mặn, uống bia, nói chuyện rôm rả. Hạnh nhận thấy Alberto, bạn học một buổi môn thương mại quốc tế cùng cô, cứ ngồi sát vào Veronika nói chuyện gì đó. Tiếng ồn trong quán khá to nên chẳng nghe được nếu không nói sát vào mặt nhau. Chừng hơn 7 giờ tối thì cả bọn chia tay ra về.
Truyện khác cùng thể loại
24 chương
15 chương
27 chương
13 chương
16 chương
180 chương
6 chương
2953 chương