Những lúc rỗi sự, cậu Phúc làng ta thường ngồi nghĩ về cái quả cái nhân. Nếu cứ khăng khăng tuân theo cái luật nhân quả tuần hoàn ấy, kiếp trước hẳn là cậu đã hành nghề đao phủ, kiếp này mới dễ dàng bị người xẻo thịt thẻo gan đem ra dày xéo như vậy. Mà người thì nào đã cố tình cho cam? Ôi là giời... Năm mới đầu tiên của thằng cháu đích tôn, ông bà bá cho thết cỗ linh đình, đầu làng cuối xóm cứ phải nói là vui như trẩy hội. Trong cái không khí hội họp sum vầy ấy, cậu Phúc làng ta vừa kịp đi buôn xa trở về đoàn viên, tay còn mang cho vợ một cành đào xứ Thanh chi chít nụ. Nụ nào nụ nấy phớt hồng chơm chớm, hệt cái tình cậu dành cho mợ vậy. Cậu háo hức nghĩ mợ hẳn phải thích lắm, còn nhớ năm ấy mợ đã chẳng luôn miệng đòi đào khi tiễn cậu ra Thanh buôn gạo hay sao? Quả nhiên mợ vui thật, nhìn đào mà cười đến híp mắt. Trong lòng lại trầm mặc, ừ thì năm đó mày có đem đào về thật, là một Thị Đào xinh đẹp như hoa xuân mới nở.  Cậu suýt nữa thì trớ máu ngay tại chỗ. Đêm đến, cậu thấy mợ giả vờ hạnh phúc ngồi đốt than hong đào mà ruột gan cứ quặn quẹo từng cơn. Đã sớm chẳng còn yêu hoa mà vẫn phải sưởi hong cho hoa chóng nở, tằm chẳng còn vương tơ mà vẫn phải ăn ngủ cùng tơ... Đá lò than hồng vãi vung ra đất, cậu kéo mợ dậy ôm siết vào lòng. "Tôi van em đấy Hạnh... em đừng nhớ nữa, đừng nhớ nữa..." "Ơ cái cậu này! Nhớ cái gì cơ chứ? Cậu phải gió à? Đá đổ lò than rồi thì làm sao ép đào nở kịp đúng tết? Cậu nóng quá thì tránh vào phòng đi để em sưởi hoa tiếp nào..." Cậu ôm mợ một lúc lâu mới chịu buông ra, mũi không biết có phải vì lạnh mà đỏ lên một mảng, rồi cũng chẳng chịu vào phòng mà cứ đứng đó sờ mặt sờ mi mợ, cuối cùng cười nhẹ rồi yếu ớt bảo mợ cứ mặc cành đào đó đi, cây đã ra nụ muộn thì còn ép nở làm gì, tội thân cái hoa một, tội lòng người trồng mười. Mợ chẳng hiểu gì cả, song vẫn dịu dàng mỉm cười để chồng dắt vào phòng. Số là... mợ từ năm đó cũng có còn thích đào đâu, nở muộn tàn nhanh gì thì cũng mặc xác đám đào chúng nó, bây giờ cậu đạp đổ cái lò xem vậy mà hay, mợ càng rãnh nợ. Cái thói tặng hoa cho gái của cậu xem như cũng đi toi từ đấy. Nhà cậu có lắm bà mang tên hoa cỏ thế kia, khéo thay một ngày tặng nhầm cái hoa mang tên các bà cho mợ, mợ lại chẳng nhân dịp ấy moi quá khứ ra mà nhớ mà hận? Cậu chịu thôi! Xót lắm... Rồi thằng cu nhà cậu cũng lên một, cậu hối hả từ xa trở về để mừng sinh thần lần thứ nhất cho con. Đợt đấy xa nhà cũng nửa tháng liền, nhớ mợ gần chết, thế mà về đến cửa còn phải cùng gia đình cúng trước cúng sau, tiệc trái tiệc phải cho thằng con quý hóa, mãi đến tối mịt mới cơ hội gần hơi vợ. Vồ vập mợ được một chập, chợt phát hiện ra đầu giường đã xuất hiện thêm cái gối gấm, cậu vơ lấy nó xăm soi một hồi, phát hiện ra đây chính là gối bọc lá thuốc mà năm nảo nào nao mình từng được tặng, trong lòng chấn động không thôi. "Đây là... cho tôi à?" cậu khẽ khàng hỏi, dè dặt đến đáng thương. Mợ lom mắt nhìn người đàn ông vẫn nằm đè lên mình, chỉ còn biết ngửa mặt than giời. Vẫn đan lồng vào nhau kiểu này mà cậu còn có tâm đi để ý cái gối? "Để trên giường này không cho cậu chứ còn cho ai? Em lại chẳng bị cái chứng đau đầu mỏi cổ..." mợ bĩu môi đáp, hai tay mềm oặt gắng đưa lên ngực đẩy đẩy đối phương. "Mà cậu... xong rồi thì cho em dậy với, em ra gian ngoài ngó con một lát..." Mong ước nhỏ nhoi của mợ nguyên cả đêm ấy đã không thực hiện được, bởi đức ông chồng của mợ không biết bị chạm đến cái huyệt gì mà đột nhiên trở cuồng, ra ra vào vào cái cửa đình nhà mợ đến muốn mòn vẹt vách viếc, báo hại mợ cảm thấy bản thân chẳng khác nào một tảng thịt sống sắp bị cậu dần đến hỏng. Gớm, có mỗi cái gối mà hưng phấn đến thế cơ chứ...! Mợ đâu có ngờ, cái gối ấy đối với cậu lại là đốm lửa nhỏ trong đêm đông giá rét, là hy vọng hồi sinh, là khát vọng trở mình. Cái ngày xưa đó mợ đã chẳng từng dốc hết ruột gan ra may gối cho cậu sao? Bây giờ mợ lại làm thế, khả năng lớn nhất là mợ đã bắt đầu mở lòng lại với cậu rồi. Xem như nỗ lực của hai năm nay cuối cùng cũng có hồi báo, hỏi sao mà cậu không hưng phấn cho được? Cơ mà... cái sự hưng phấn của cậu cũng chỉ kéo dài được đến sáng mà thôi. Cậu bất cẩn làm rơi bẩn gối nên muốn tháo áo ra đem giặt, vô tình sao lại trông thấy mặt trái trơn tru nhẵn nhụi của mảnh áo gối. Lôi cái áo gối năm xưa ra giường, cậu bần thần nhìn sự khác biệt giữa cả hai, một có hình thêu đôi uyên ương, một trống trơn bóng loáng. Lòng chợt chùn xuống. Ừ thì vẫn gấm hoa thất thể đấy, nhưng mà cái lòng cái tâm người dệt đã chẳng còn đặt để nơi nao nữa rồi... Cậu ngồi đó lặng thinh nhìn hai cái áo gối lộn trái trên tay hết một buổi sáng. Duyên kia ai đợi mà chờ? Tình này ai tưởng mà tơ tưởng tình?(*) Người ta đã không còn chờ cậu nữa rồi, cậu Phúc ơi... Ngày tháng cứ thế xô đẩy nhau giành chạy, cậu nhỏ cũng đã lên năm, cậu Phúc thì sắp bước qua cái ngưỡng ông bà ta gọi là "già đời." Mà cậu cũng thấy cậu già thật. Già, không phải ở cái da cái tóc, mà già ở cái tâm. Yêu đơn phương một người quá lâu, dễ khiến con người ta sinh ra cảm giác đó. Lắm lúc cậu nghĩ, sống với mợ là kiếp nạn giời ban để cậu tu Phật không chừng. Nếu không việc khiến một người đã từng yêu mình mở lòng lại cũng không nhọc đến như vậy, nhằn đến dường này. Năm năm, năm năm rồi, năm năm đủ cho thằng cu nhà cậu học nói, học đi, học nhìn trước ngó sau. Và cũng đủ cho cậu học cách sống với nỗi đau khắc khoải. Cậu tính hết rồi, cứ mỗi bận mợ nghĩ gì cạn nghĩa nông tình, cậu cứ việc ôm mợ vào mà hôn hít sờ mó, vừa gián đoạn được dòng ý nghĩ của mợ, vừa lợi dụng ham muốn đàn ông khiến bản thân phân tâm. Tập mãi tập thành thói quen, dần dà mài mòn luôn cái khả năng giời phú, bây giờ thì ý nghĩ của người thỉnh thoảng lúc cậu không phòng bị mới mò được vào đầu. Cậu có cảm giác nó như giác quan của con người ấy, càng già càng thoái hóa đi. Thế lại càng tốt! Chứ có ai lại muốn nhìn người mình thương ngoài mặt nặng sâu tình nghĩa với mình, trong lòng lại cạn như giếng đình ngày hạn đâu... Cậu già đời thôi, chứ cái tình vẫn còn non lắm, ra đường hơn thua với con buôn được bồ vàng chum bạc, về nhà đụng mặt con vợ lại thiệt cả mẩu nạc miếng lòng, non không để đâu cho hết. Ví như buổi trưa hôm ấy, cậu theo thói quen ra cái chõng tre ngoài sân gối đầu lên đùi mợ ngủ trưa. Mợ cúi đầu tẩn mần nhổ tóc sâu cho cậu, cứ luôn miệng trách cậu còn trẻ sao lại để tóc bạc đầy đầu thế này, có phải là mợ chăm cậu ẩu tả đâu cơ chứ...! Suối chảy đá chẳng chịu mòn Chảy luôn ra vực hóa con bạc đầu. (suối chảy ra vực rơi xuống thành thác, con bạc đầu ở đây ý chỉ đòng thác bạc đầu :) ) Cậu nhắm mắt cười nhưng không đáp. Đáp cái chi bây giờ? Vì tôi thương tảng đá là em thương đến bạc đầu? Cứ thế mà ngủ một giấc đến xế chiều, lúc tỉnh dậy đã thấy mợ ngồi dựa vào vách đau đáu nhìn về phía mặt trời lặn. Cái vẻ hạnh phúc viên mãn đó cậu đã quá quen, mợ chắc chắn lại đang nghĩ đến cuộc sống trong mơ bản thân hằng ao ước rồi. Và dĩ nhiên, nó không chứa cậu. Cậu biết chứ, vì đã biết bao lần cậu dấn thân vào đấy, để rồi ôm thương tích bầm dập quay về.  Đau thương là thế, đáng lẽ cậu phải như mọi lần vội vàng bỏ trốn mới đúng, ấy vậy mà chẳng biết ngày đó cậu bị vong đứa nào ám, lại để ý thức của mình lạc trôi vào giấc mơ của mợ. Cậu trông thấy cũng mái nhà tranh quen thuộc, cũng hoa mận rơi trắng sân vườn, cũng bầy gà bầy vịt chạy loạn bát nháo vì bị con cậu rượt đuổi, và ở cái góc xa xa kia, cũng bóng lưng gầy lúi cúi quạt lửa nấu cơm. Cạnh bên, còn có một người đàn ông xếp củi vào giúp mợ. Chỉ là ý nghĩ thôi, nhưng không hiểu sao cậu lại biết nó là thằng hàng xáo đầu làng. Nó vuốt mồ hôi trên trán vợ cậu đã đành, còn nắm tay mợ thổi thổi đầy âu yếm. Như bị ai đánh vào đầu đến dại, cậu bất chợt vùng dậy siết chặt vai mợ, mắt long lên ngọn lửa hờn ghen. "Nói! Có phải mày lén tao tằng tịu với cái thằng đó?!" "Cậu... cậu nói cái gì vậy?" mợ nhăn mày vì đau, toàn thân rúm lại. "Thằng nào? Cậu ngủ mơ à?!" Nghĩ đến việc chiều nào mợ cũng ngồi đây tơ tưởng về cái thằng chó đó, trước mắt cậu bỗng nhiên toàn màu đỏ, càng ra sức siết chặt cổ mợ lay mạnh. "Còn thằng nào?! Cái thằng hàng xáo cù bơ cù bất hay sang nhà mua thóc ấy!" Mợ ú ớ, nhưng không phải vì chột dạ, mà là do khó thở. Nhìn sắc mặt tím tái của vợ mình, cậu sực tỉnh vội vã buông mợ ra, mắt hoảng loạn nhìn mợ vừa ho sặc vừa xoay người bỏ chạy, toàn thân không hiểu sao cứ cứng lại không đuổi theo được. Mợ bỏ đi đâu đó đến tối mịt mới về, lúc mở cửa phòng thấy cậu mắt đỏ ngầu, người thẫn thờ ngồi trên giường thì vội vàng lăng xăng tới lui hầu hạ, thể như việc lúc chiều cậu suýt giết mợ chưa hề xảy ra vậy. Suốt cả quá trình cậu không hề nói gì, cũng không nhìn lấy mợ một lần. Đang loay hoay xông hương cái áo gấm bên sập thì đột nhiên cậu từ sau lên tiếng, giọng trầm khàn lại có chút vỡ vụn, thể như kẻ sở hữu nó đã muốn khóc đến nơi. "Em cần gì phải khổ như vậy?" Mợ hơi giật mình nhưng cố sức ra vẻ thản nhiên đáp lời, lưng vẫn quay về phía cậu. "Khổ cái gì ạ? Xông có cái áo có phải nặng nhọc gì đâu, ngày nào em chẳng làm? Đưa bọn con Thì em không an tâm..." Hơi ấm đàn ông từ phía sau áp tới trong một khắc khiến mợ hoảng loạn, toàn thân cứng lại khi kẻ phía sau từ từ đặt tay lên cổ mình, nhớ lại cảnh tượng ban chiều trên chõng, mợ bắt đầu run. Có tiếng thở dài thảm não trút ra trên gáy, cậu duỗi tay ôm mợ vào lòng, nghẹn ngào than nhẹ. "Vì con, em lại có thể làm được đến thế này... nghĩ là hang hổ nhưng vẫn quay về..." "Cậu... lại mơ ngủ nói linh tinh rồi..." Cậu không phản bác, chỉ rúc đầu vào gáy mợ run lên từng hồi, miệng liên tục xin lỗi, xin lỗi... Đêm đó, gáy mợ ướt đẫm. _______________________________ (*) Ca dao dân gian khuyết danh sưu tập.