Lạc cư

Chương 63 : Chuẩn bị lễ cưới

Sau khi có được đồ Lĩnh hẹn ngày giao tiền công là sau ngày cưới, bởi cậu muốn dành bốn bộ đồ này làm điều bất ngờ cho cả nhà nên không muốn lấy thịt và đồ trong nhà đem qua lúc này, rất dễ khiến người nhà để ý, như thế thì không còn là bí mật nữa. Mi hiểu, đồng ý để cậu ghi nợ. Anh hỏi ngày cưới của cậu xong liền vui vẻ xua Lĩnh về, còn dặn nếu cậu có ý tưởng tổ chức lễ cưới đặc biệt nào nhớ báo để anh tham gia cùng. Nghe vậy Lĩnh buồn cười không thôi, tổ chức lễ cưới của cậu mà cứ như mở hội đối với anh vậy đó. Lĩnh ôm đồ về nhà, cậu giấu nó thật kĩ không để ai biết rồi trở ra làm việc như bình thường. Tối đó mọi người quây quần trong phòng sinh hoạt chung, vừa ăn mứt dừa, Đông làm thêm quần áo mùa đông, bên cạnh Lĩnh phụ cậu nhét bông, Bom và Tân dệt vải. “Chúng ta có phải tìm lễ vật dâng lên thần thú trong ngày cưới của mình không anh?” Nghe Lĩnh hỏi vậy hai đứa nhỏ liền ngưng tay nhìn qua. Chúng vui mừng khi nghe hai người nhắc tới lễ cưới. “Có chứ, thường thì bọn anh sẽ săn thú rồi dâng nguyên con cho ngài, sau đó nếu thần thú không nhận sẽ giết thịt ăn.” Nói tới vế sau Tân hơi buồn, hai đứa trẻ cũng lặng đi trông thấy. Lĩnh tò mò, cậu cố lục lọi kí ức từ Lĩnh cũ xem có thông tin gì về việc dâng lễ cưới không. Nhưng rất tiếc chỉ toàn thấy cảnh người người múa hát, còn cậu ta chỉ đứng xa xa nhìn tủi hờn, cảm giác đó lây tới cả Lĩnh khiến cậu phiền lòng. “Thần thú sẽ nhận lễ vật thật sao?” Lĩnh hỏi. Tân gật đầu: “Đối với các bộ lạc chim khác, đa số ngày cưới lễ vật sẽ được nhận, khi lễ vật được nhận, ấn kí hình cánh chim trên trái của thú nhân sẽ chia đôi cho bạn đời.” Nói tới đây Tân buồn đi rất nhiều. Ấn kí tộc loài họ không có, vậy thì lấy đâu là mà cho bạn đời, riêng điều này thôi đã đè họ xuống đáy của tầng lớp tộc chim, các thú nhân gọi họ là lạc loài cũng đúng thôi. Thấy anh buồn đến thế, Lĩnh vội nhích lại gần anh hơn, hôn lên cằm người yêu một cái, cười nói với anh: “Chắc có lẽ do chúng ta dâng lễ không đúng cách đó, đợt này lễ cưới của đôi ta, hãy sắp xếp lễ dâng theo ý em thử xem, biết đâu được thần thú nhận thì sao. Em không tin một vị thần tạo ra chúng ta lại đi ghét bỏ chúng ta. Ngài chắc chắn đang có ý định gì đó dành cho Lạc Cư.” Nghe Lĩnh nói vậy Tân liền ôm lấy cậu, anh gác đầu lên vai cậu rồi nói: “Anh hy vọng được như em nói. Em muốn dâng lễ gì cứ dâng.” Lĩnh đẩy Tân ra, cậu bắt đầu liệt kê cách thức và lễ vật. Lĩnh nhớ tới tục rước dâu ở quê nhà thời trước thường sẽ có một người lớn tuổi đi đầu đội mâm lễ trên đầu, khi tới nơi sẽ vào nhà gái dâng lên bàn thời. Trong mâm lễ có rượu và trầu cau. Ở đây Lĩnh không muốn dâng hai vật đó, đơn giản vì cậu chả biết trầu với cau bây giờ đang ở đâu, rượu thì chưa nấu đào đâu ra. Thay vì hai lễ vật đó Lĩnh quyết định sẽ làm những món ăn thông thường dâng lên, hy vọng ông thần ở đây sẽ nhận lấy. Lĩnh nói cho Tân biết tập tục ấy: “Chúng ta sẽ để một người lớn tuổi đại diện đi trước mang theo mâm lễ vật đội trên đầu, đi từ nhà mình về phía đình, sau đó sẽ tiến hành dâng lễ ở bệ thờ đã xây. Anh thấy sao?” Tân vuốt ve mái tóc đỏ rực của cậu gật đầu: “Ngày mai anh phải vào rừng săn thú chuẩn bị thức ăn cho lễ cưới, một mình em ở nhà lo chuyện lễ vật được không?” Lĩnh gật đầu, cười tươi ôm lấy hông anh: “Còn hai đứa nhỏ mà anh lo gì.” Hai đứa nhỏ bên cạnh lập tức gật đầu phụ họa. Bom cười ha ha nói lớn: “Yên tâm có em đây, Tân thủ lĩnh muốn đi đâu thì đi đi ạ!” “Thằng quỷ như em chỉ biết phá giúp được bao nhiêu!” Tân ngậm cười trách nó. Bom ha hả gãi đầu ngượng ngùng. Đúng là tính nhóc như thế thật, làm chả được bao nhiêu nhưng phá thì không ai sánh kịp. Đông không thể nói nhưng với bản tính hiền lành, cậu bé chỉ cười và ghi nhớ việc này trong đầu. Be và Gi nhìn chằm chằm cả nhà họ, chúng im lặng không biết liệu chúng có hiểu chuyện này là chuyên gì chăng. Nhưng thông qua đôi mắt đen láy đậm suy tư ấy dường như chúng có vẻ cũng hiểu lễ cưới là gì đó. .... Họ chỉ còn hai ngày để chuẩn bị mọi việc thật sự rất gấp gáp. Tân ngay từ sáng sớm đã đi tìm vài người bạn thú nhân trẻ tuổi vào rừng săn bắt. Lĩnh cũng nhờ Mi hẹn thêm vài người cùng mình đi vào rừng tìm thêm chút rau quả. Cậu lên thực đơn cho mâm lễ gồm: một mứt dừa, một canh hầm, thịt kho, cá kho, trứng chiên, cơm trắng, và một vài quả rừng coi như tráng miệng. Chiều hôm đó sau khi đi rừng trở về Lĩnh bắt tay vào chuẩn bị làm mứt dừa, cậu nhờ thêm vài người bạn Phụ hỗ trợ mình làm cùng, cậu muốn làm số lượng lớn để dọn trong bữa tiệc. Hôm đó Lĩnh sẽ lên thực đơn cho bữa tiệc, nên cậu không ngừng dặn dò Tân bắt cho mình con thú này, rồi đến cá kia. Còn Bom cậu bé hô hào là giúp đỡ nên cùng tìm vài người bạn chạy lên rừng săn thú nhỏ. Thú nhỏ đã bị bọn họ bắt về làm thú nuôi trữ thịt cho mùa đông nên giờ cũng không còn nhiều lắm. Bom và nhóm bạn cố gắng mãi mới tóm được hai con gà rừng. Phía Đông thì có vẻ im lặng hơn, thằng bé cẩn thận cắt từng bông hoa sen đá do hai con Be và Gi tặng, rồi bó lại bằng một sợi dây rừng đẹp nhất, ngâm trong nước. Đêm trước ngày diễn ra lễ cưới Tân đi mời thú nhân Thôi người lớn tuổi nhất bộ tộc tới. Lĩnh nói ra ý định nhờ ông làm người bâng mâm cho họ. Lúc nghe được lời nhờ, Thôi thú nhân hốt hoảng rồi chuyển qua xúc động. Ông không ngờ có ngày mình sẽ là người đại diện bâng lễ vật cho một lễ cưới, đây chính là lễ cưới đầu tiên của tộc ông. Đa số các thú nhân lạc loài có bạn đời trong tộc đều chỉ đến với nhau, thương nhau rồi sống cùng nhau chứ chẳng tổ chức lễ lạc gì hết. Giờ họ có nhà có nơi ở cố định, thậm chí là đã thành lập bộ tộc mang tên Lạc Cư thì nhất định lễ lạc là phải có. “Bác là người lớn tuổi nhất trong tộc, bọn cháu cả hai đều không có cha có mẹ nên nhờ bác là hợp lý nhất. Ngày mai hy vọng bác sẽ tới giúp đỡ bọn cháu.” Lĩnh đẩy chén trà đầy ắp nước mới châm thêm qua cho ông vừa nói. “Được, được, ngày mai bác sẽ tới!” Thôi thú nhân uống nhanh ngụm trà, khóe mắt đỏ au. Ông vội đứng lên chào tạm biệt hai người. Tân tiễn ông đoạn đường. “Tân,” Thôi thú nhân gọi nhẹ khi cả hai đã đi tới cổng lời nói không thể nào bay vào nhà và chắc chắn Lĩnh không nghe thấy, “ngày mai cháu muốn tổ chức lễ cưới như nghi lễ của các thú nhân, hay chỉ dâng lễ báo với thần thú rồi mở tiệc?” Tân im lặng, anh dừng lại nhìn mặt đường gạch sáng lên nhờ ánh trăng trầm tư. Chốc sau anh lên tiếng, giọng nói chứa đầy nỗi buồn: “Bác cứ tổ chức theo nghi lễ đi!” “Nhưng!” Thôi thú nhân khó nói thành lời, “chúng ta, không có ấn kí, có tổ chức theo nghi thức vốn có cũng không thể nào trọn vẹn, thậm chí!” Ông ngừng lại ánh mắt đuổi theo ánh trăng sáng bạc trên cao, như muốn xuyên qua đó tìm tới một người mà họ luôn tôn luôn thờ - thần thú. “Cháu sẽ buồn đó Tân!” Ông thở dài một hơi, “không một thú nhân nào dám tổ chức lễ cưới vì chúng ta biết nó sẽ không bao giờ thành, cũng không bao giờ trọn vẹn, có tổ chức cũng chỉ khiến chúng ta buồn hơn, tự ti hơn vì thần thú không nhận lễ vật của chúng ta, cũng không trao ban ấn kí cho chúng ta.” Tân cười nhẹ, nụ cười ấy cực kì buồn. Đã bao năm anh sống dưới thân phận một thú nhân không ấn kí, anh biết chứ, anh biết thần thú không nhận lễ vật của họ, cũng chả cho họ ấn kí, không có ấn kí tức không có tộc loài, không có ấn kí tức sẽ không được có bạn đời hợp pháp. Anh nói với một sự trông mong mơ hồ nhỏ bé: “Cháu hy vọng sẽ tìm được kì tích bác ạ! Chúng ta đã có được Lĩnh, cậu ấy là người cho chúng ta nơi này.” Anh im lặng, ánh mắt nhìn màu bạc đất trời đêm trăng trôi vào miền kí ức anh không bao giờ quên, anh kể lại điều tốt đẹp ấy cho Bác Thôi: “Bác biết không, ngày hôm đó cháu không tính đi về hướng Tộc Chim Đỏ để tìm thấy thuốc của họ đâu, hơn ai hết cháu biết thầy thuốc tộc đó khó tính và khinh thường chúng ta đến thế nào. Nhưng không hiểu sao cháu lại đi về hướng ấy như có người dẫn đường vậy đó. Và chính ngày hôm đó cháu gặp Lĩnh, cũng vào giây phút ấy vận mệnh của thú nhân lạc loài đã thay đổi.” Anh nhìn Thôi thú nhân, nụ cười vui câu bên khóe môi, ánh mắt mà rằng: “Lĩnh là một phép màu đối với cuộc đời cháu và cuộc đời các thú nhân lang thang như chúng ta, nên cháu muốn cược thử. Ngày mai cháu hy vọng chúng ta sẽ có được câu trả lời của ngài!” Thôi thú nhân thở dài, ông nhìn nóc đình xa xa: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ có được sự chấp thuận của thần thú.” Ông vỗ vai Tân coi như khích lệ. Ngày mai chuyện thành, thần thú nhận lễ của họ đó chính là niềm vui, nhưng ngược lại ngài không nhận vậy nó là nỗi đau khó nói thành lời cho Tân. Ông gác mọi lo lắng lại, chào Tân đi về nhà mình. Dù ngày mai có ra sao thì đây vẫn là lần đầu tiên tộc ông tổ chức hôn lễ, cũng là lần đầu ông được làm người đại diện, nên ông muốn chuẩn bị thật kĩ. Ông về nhà vào phòng mình lục tìm trong số những cái áo nhờ Mi may, tìm ra cái đẹp nhất, rồi lục tìm thêm một tấm da thú đẹp nhất, sáng nhất để mai mặc, cũng lấy ra đôi dép gỗ mộc mạc ông làm xong cách đây không lâu. Vốn thú nhân không có hứng thú đi dép nhưng ông nghĩ dù sao đây cũng là một vật đi vào chân khá đẹp nên cũng làm hai đôi để trong nhà, một cho mình một cho Thiên tiểu thú nhân đang ở với ông. Cứ tưởng cả hai sẽ không có ngày dùng, không ngờ ngày nó được trưng ra ánh sáng lại tới nhanh như vậy. .... Tại nhà thủ lĩnh, Tân trở vào cùng Lĩnh tranh thủ chuẩn bị mâm lễ. Anh vui vẻ cùng cậu chuẩn bị thật kĩ càng, cố không để mình nhớ tới chuyện thần thú không nhận lễ vật họ dâng lên trước đây, chuyên chú hết mức chuẩn bị mâm lễ chu đáo nhất có thể. Tục lễ cưới nơi này diễn ra vào sáng sớm, khi mặt trời nhô lên ở đằng đông họ sẽ dâng lễ. Theo quan niệm của nơi đây khoảnh khắc mặt trời mọc báo hiệu cho một ngày mới, một tương lai mới. Đồng thời đó cũng là lúc khí hậu đẹp nhất, cảnh vật bình yên nhất. Nên lúc đó lễ cưới sẽ được tổ chức như một nghi thức chuyển giao hai con người bước vào một cuộc sống mới. Nghe Tân vừa làm vừa giải thích vì sao lễ cưới diễn ra sớm như vậy Lĩnh khá động lòng. Thú nhân nơi này tuy không được học tập đầy đủ chữ nghĩa, cùng vốn kiến thức cũng chả phong phú là bao. Nhưng việc phán đoán, lựa chọn lại ít khi sai. Khoảng thời gian buổi sáng sớm khi bình minh lên đúng là khoảng thời gian đẹp nhất trong ngày, và cũng là khoảng thời gian ý nghĩa khi con người lần nữa được thức dậy sau một đêm mê mệt không biết gì. Có người sẽ ra đi trong giấc ngủ đêm qua, đi mà không hay biết gì, đi mà không tiên đoán được trước, đi khi còn bao chuyện dở dang. Vì thế khi ngày mai tới, nếu ta còn thức dậy sao không cảm ơn cuộc đời. Mỗi ngày là một điều mới, là một khoảnh khắc mới, mỗi ngày mới sẽ luôn có những bất ngờ mới, luôn có thể hoàn thành mọi việc ta muốn. Đó luôn là khoảnh khắc thời gian ý nghĩa nhất của đời người, vì thế sao ta không dành cho khoảng thời gian ấy những điều đẹp nhất, tâm trạng vui vẻ nhất. Quả nhiên Lễ cưới - một trong những nghi thức đẹp đẽ, luôn khiến người vui vẻ, chọn thời gian đó để thực hiện là đúng rồi.