Ký linh
Chương 11
Mặt trời mọc, cả Hòe Thành hoan hỉ, tiếng cồng la náo nức vang từ ngoài cửa thành tới tận cửa nhà họ Đàm, nghe trong gió sớm thấp thoáng tiếng cười nói mừng vui.
Khác mấy hôm trước, sáng nay nước bỗng dưng rút sạch, mặt đất vốn còn hơi ướt nay đã khô ráo hẳn, những vũng nước nông hầu như biến mất hết cứ như thể đêm qua có thần tiên yêu ma nào ghé qua uống một hơi cạn sạch nước mọi ngóc ngách của Hòe Thành.
Đàm phủ cũng vậy.
Cả căn nhà quay về trạng thái vốn có. Nếu không phải trên hồ nước trong vườn hoa còn chăng dây thừng và lưới thì khéo Ký Linh đã cho rằng những chuyện đã qua chỉ là một giấc mộng kỳ lạ.
“Ứng Xà đi rồi.”
Ký Linh qua bếp làm hai bát canh rau rồi quay lại phòng thấy Phùng Bất Cơ chẳng biết đã đứng trước cửa sổ bao nhiêu lâu quay người lại trịnh trọng nói bốn chữ này.
Trên đường bê chén canh qua đây, Ký Linh đã quan sát thấy nắng lên rực rỡ, nước trong phủ rút và tiếng khua chiêng gõ cồng thấp thoáng đằng xa.
Dân chúng Hòe Thành không quan tâm tại sao lại mưa to, nước tại sao lại rút, chỉ cần vui là được.
Nhưng với nàng và Phùng Bất Cơ, kết quả hiện tại chỉ có thể coi như thành công một nửa.
Nhổ cỏ không nhổ tận gốc, ngày sau còn ra tai họa. Năm xưa Cửu Thiên Tiên Giới không chịu bỏ công bắt vài con yêu quái, kết quả ba ngàn năm sau hại Hòe Thành chịu khổ. Giờ Ứng Xà trọng thương bỏ chạy, ai biết được trăm năm sau nơi nào lại phải chịu tai ương.
“Hay là…” Ký Linh để bát canh rau xuống bàn nhìn Phùng Bất Cơ bằng cặp mắt sáng ngời, “chúng ta đi tìm đằng sông hộ thành một lần cuối?”
Phùng Bất Cơ không sao ngờ được bản thân lại được nghe lời mời này, vừa dở khóc dở cười vừa thấy hơi hơi bội phục sự cố chấp của Ký Linh.
Khả năng Ứng Xà trốn về sông hộ thành không cao lắm, giờ yêu lực của nó yếu, không thể thích là đả thương được người, nếu muốn tu luyện lại hình nửa người nửa rắn thì ít cũng phải trên trăm năm, hơn nữa là chỉ có thể chọn nơi vắng dấu chân người qua lại, ngoan ngoãn hấp thụ linh khí đất trời, tinh hoa cỏ cây muông thú, về sông hộ thành không có tác dụng gì với nó.
Thế nhưng rõ ràng là Ký Linh muốn đích thân tìm thêm nốt một lần mới yên tâm.
Yêu đã bỏ trốn, những người tu hành luôn luôn bôn ba khắp nơi như họ tất nhiên là cũng sẽ đi khỏi Hòe Thành, “tìm một lần cuối” trong lời Ký Linh thực chất chính là trước lúc rời đi muốn uống một viên thuốc an thần thay dân chúng trong thành lần cuối.
“Được.” Phùng Bất Cơ đồng ý dứt khoát, làm việc nghĩa tất không chối từ.
Đàm Vân Sơn biết chuyện này không can gì phần mình nên thức thời không nói tiếng nào, đăm chiêu nhìn hai bát canh rau trên bàn, lòng thầm nghĩ, một bát chắc chắn là của Ký Linh, thế bát còn lại rốt cuộc là của Phùng Bất Cơ hay của mình?
Đang nghĩ ngợi thì một bàn tay to từ trên trời giáng xuống bê mất một trong hai bát, chàng còn chưa kịp làm gì thì người ta đã húp canh “ừng ực” “ừng ực”, sau đó Phùng Bất Cơ hài lòng cảm thán một câu: “Ôi, ngon thật!”
Tất nhiên Đàm Vân Sơn chẳng thể tranh phần với Ký Linh cả đêm chưa ăn gì, chàng đành tiu nghỉu nhìn chiếc bát còn sót lại trên bàn, lặng lẽ hít hà thêm chút mùi thơm.
“Nhị thiếu giaaaa, nhị thiếu giaaaa…”
Ngoài cửa bỗng có người gọi chàng.
Đàm Vân Sơn ngạc nhiên, thầm nhủ kẻ hầu người hạ trong Đàm phủ đều đã đi lánh nạn hết, còn ai lại gọi chàng là nhị thiếu gia. Trong lúc nghi hoặc, chàng đã bước tới bên cửa sổ, thấy một gã hầu quen mặt đang đứng trong sân hậu trạch nhìn ngó khắp nơi, vừa nhìn vừa gọi.
“Đâyyyy.” Đàm Vân Sơn gọi to. Chàng đang ở bên chỗ Ký Linh, chắc tới tám phần là gã hầu qua phòng chàng tìm chàng không thấy nên đành phải đứng đó gọi tướng lên.
Gã sai vặt chạy ngay lại dưới cửa sổ nhanh như một cơn gió, ngửa đầu lên gọi: “Nhị thiếu gia, lão gia về rồi!”
Sảnh chính ở nhà trước của Đàm phủ.
Tự ngày mưa lớn đổ ụp xuống, Đàm phủ bị ngập, sảnh chính cũng thành hồ nước, dù là tiếp khách hay xử lý công to việc nhỏ trong nhà, Đàm viên ngoại đều phải làm ở trà sảnh hậu trạch, giờ được ngồi trên ghế chủ nhà trong sảnh chính nhìn bức họa liệt tổ liệt tông treo hai bên tường, lòng ông vô cùng vừa lòng thỏa ý.
Người Hòe Thành khua chiêng gõ trống ăn mừng nước rút trời trong, cả nhà ba người họ cũng liền vượt tiếng trống chiêng cấp tốc quay về.
Chẳng đâu thoải mái bằng ở nhà, họ là những người biết rõ có yêu ở dưới nước hơn bất cứ người Hòe Thành nào, giờ nước rút, mặt trời cũng mọc, đất trời yên ổn, tất là do thầy pháp đã hàng phục được yêu ma, thế thì có lý gì mà còn không về nhà.
Tất nhiên là cũng do Đàm viên ngoại lo cho ngôi nhà của mình, phải về vội để xem xem có bị thầy làm đổ tường đổ… Dù sao thì cũng là bắt yêu cơ mà.
May mà tên hầu riêng luôn đi theo cạnh ông đi dạo một vòng về báo rằng: ngoại trừ trên hồ có treo dây thừng đứt thì còn lại đều không có gì bất thường.
Đàm viên ngoại yên tâm, thấy “thầy pháp” bước vào sảnh chính, ông liền mừng ra mặt đứng dậy đón: “Làm phiền thầy…”
Ký Linh vừa mới đặt một chân vào cửa thấy vậy vội đáp lễ: “Không dám, cuối cùng vẫn để con yêu tinh đó chạy mất, Ký Linh thật lấy làm hổ thẹn.”
Đàm viên ngoại đờ người, nụ cười méo xẹo: “Chạy, chạy à?”
“Nhưng đã bị đánh về nguyên hình, có muốn hành ác cũng phải tu luyện thêm trăm năm nữa.” Phùng Bất Cơ nói.
Đàm viên ngoại bối rối nhìn vị tráng hán bỗng ở đâu ra đứng sau lưng thầy pháp: “Vị này là…”
Mãi đến giờ Phùng Bất Cơ mới ý thức được thân phận “khách không mời tự đến” của mình, vội tự giới thiệu bản thân: “Phùng Bất Cơ!”
Đàm viên ngoại bị tiếng nói như sấm dậy rung ù cả lỗ tai đến nỗi phải một lúc sau ông mới chắc chắn rằng không phải mình không nghe thấy đoạn tiếp mà là đối phương thực sự chỉ nói mỗi cái tên.
Ừm, Phùng Bất Cơ… Rồi sao nữa!
Đàm viên ngoại bị kẹt ở đó, tiến thoái lưỡng nan, Đàm Thế Tông thì đã sớm nắm bắt được cuộc thoại bèn hỏi thẳng luôn Phùng Bất Cơ: “Thầy mới nói là yêu tinh có muốn tiếp tục hành ác thì còn phải tu luyện trăm năm, vậy xin hỏi trăm năm sau liệu nó có còn quay lại Hòe Thành quấy phá Đàm phủ nữa không?”
Phùng Bất Cơ ngớ người, nghĩ một chốc rồi trả lời đầy thận trọng: “Điều này tôi cũng không nói chắc được.”
Đàm Thế Tông cau mày im lặng hồi lâu rồi bỗng nói với Đàm viên ngoại: “Cha, theo con thấy thì chúng ta nên mau mau dời đi chỗ khác thôi, Hòe Thành nay không thể ở tiếp được nữa!”
Huynh ta nói khá lớn tiếng, không giống như là đề xuất chuyện này với cha mình mà giống cố ý nói cho Ký Linh và Phùng Bất Cơ nghe hơn.
Trong lòng Đàm viên ngoại cũng rất khó chịu, cứ tưởng là yêu đã bị tóm rồi, gia đình đã được an toàn, kết quả phấn khởi về nhà thì lại chỉ là “tạm thời an toàn”. Thế nhưng, khó chịu thì làm được gì? Chớ nói thầy pháp không lấy một xu, cho dù có lấy tiền thì đến yêu quái người ta còn có thể đánh cho bỏ chạy, ông thì làm gì được họ?
Ấy nên không chỉ không được vô lễ mà còn phải cung kính tiễn để người ta đi đi cho.
“Nói vớ vẩn ỏm tỏi gì đấy.” Đàm viên ngoại khẽ răn Đàm Thế Tông xong lại quay sang “thật lòng thật dạ” cảm kích một tràng, “Bất kể có nói thế nào thì Đàm phủ của tôi thoát được kiếp nạn này hoàn toàn là nhờ thầy giúp đỡ…”
Ký Linh và Phùng Bất Cơ nghe hết một tăng mấy câu sáo rỗng cuối cùng tranh thủ trước khi mặt trời lên cao xin được cáo từ.
Đằng này không có lòng giữ, đằng kia thì còn đang vội đi, đôi bên ăn ý.
Chung quy thì Đàm viên ngoại cũng là kẻ biết làm người, chủ động chi ngân lượng tạ ơn, Ký Linh không nhận, Phùng Bất Cơ thì lại cười ha hả nhận thay. Đàm viên ngoại yên lòng, thấy bản thân đã tận tình tận nghĩa, sai Đàm Vân Sơn đi tiễn khách rồi về phòng nghỉ ngơi.
Đàm Vân Sơn tiễn Ký Linh và Phùng Bất Cơ tới tận cổng thành.
Phùng Bất Cơ hỏi lại lần thứ một trăm lẻ một: “Không qua đằng sông hộ thành tìm với bọn huynh thật hả?”
Đàm Vân Sơn bật cười đáp lại lần thứ một trăm lẻ một: “Tôi đâu có giúp được gì, không thêm phiền là may rồi.”
Đương nhiên không phải Phùng Bất Cơ cần Đàm Vân Sơn qua đằng sông hộ thành làm gì đó thật, chỉ là thấy hơi lưu luyến vị nhị thiếu gia có duyên bèo nước gặp nhau này. Thắp đèn nói chuyện thâu đêm với Đàm Vân Sơn thật quá thoải mái, biết bao năm rồi huynh ta không được nói nhiều mà sảng khoái tới thế!
Không chịu nổi ánh mắt “lưu luyến” của Phùng Bất Cơ, Đàm Vân Sơn bất giác đánh mắt nhìn đi chỗ khác, tình cờ lại vừa khéo chạm mắt với Ký Linh đang lặng lẽ trông sang.
Đàm Vân Sơn nghiêng nghiêng đầu ra ý hỏi có chuyện gì.
Ký Linh hỏi thẳng: “Cha huynh liệu có nghe lời đại ca huynh rời nhà đi nơi khác thật không?”
Đàm Vân Sơn nghĩ nghĩ rồi lắc nhẹ đầu: “Khó. Đàm gia đời đời đều ở đây, chuyển đi nơi khác là cực hạ sách, không tới mức vạn bất đắc dĩ, cha tôi không hạ được quyết tâm đâu.”
Ký Linh thấy cái vẻ chẳng mấy để tâm của chàng, giận bảo: “Sao lại nói như thể chẳng liên quan gì với huynh vậy.”
Đàm Vân Sơn vui vẻ nhún nhún vai: “Vốn đâu có quan hệ gì với tôi. Dời thì tôi đi theo, không dời thì tôi ở tiếp, lựa chọn khó khăn như vậy có cha và đại ca lao tâm khổ trí là đủ rồi.”
“…” Ký Linh không còn lời nào để nói.
Không, nàng cảm giác lúc đi cùng Đàm Vân Sơn, phần lớn thời gian lúc nào nàng cũng buồn bực kiểu “mình không muốn nói thêm với con người này một câu nào nữa”.
Nhưng lạ là, rõ ràng lúc nào cũng muốn đá vị nhị công tử này một cú lại cũng sắp phải chia tay…
“Phùng huynh, nếu như Ứng Xà thực ở dưới sông hộ thành, đừng để Ký Linh cô nương xuống nước bắt, huynh làm đi, kỹ năng bơi của nàng tệ lắm!
“Được thôi…”
Ừm, quả nhiên là cứ nhanh nhanh chào từ biệt thì tốt hơn.
Cuối cùng Đàm nhị công tử cũng không đưa tiễn mười dặm gì gì đó, chỉ đứng ở cửa thành thỉnh thoảng vẫy tay mấy cái nhìn theo bóng Ký Linh và Phùng Bất Cơ dần dần biến mất ở ngoại thành.
Tới tận khi rốt cuộc không còn nhìn thấy nữa, Đàm Vân Sơn khe khẽ thở dài trở về nhà.
Vì sao thở dài, Đàm Vân Sơn cũng không rõ, tự dưng thấy hơi buồn vậy. Có điều tới lúc trông thấy cổng lớn Đàm phủ, chút buồn ấy đã phai nhạt tới mức không còn nhận ra được nữa.
Đằng này Đàm Vân Sơn về tới nhà, đằng kia Ký Linh và Phùng Bất Cơ đã tới được sông hộ thành.
Vừa ra khỏi cửa thành đã thấy mặt trời nắng nôi khó chịu, giờ tới sông hộ thành, mặt Phùng Bất Cơ đã mướt mải mồ hôi. Ký Linh không khổ tới vậy nhưng cũng cảm thấy ở trong thành dễ chịu hơn ngoại thành khá nhiều, bất giác thấy nhớ nhung tòa thành trồng toàn hòe ấy.
Có trời mây che, hây hây gió mát, một chiếc bàn đá, dăm chén trà thơm, vài ba người bạn, ôi vui thích thay.
Thế nhưng phóng mắt nhìn khắp vùng ngoại thành này, ngoại trừ cây cô đơn cỏ mọc dại thì chỉ còn một dòng sông ảm đạm.
Gọi là sông thì không được thỏa đáng vì lòng sông đã cạn trơ bùn sình dưới đáy. Cách không xa có một bến đò, mấy chiếc thuyền nhỏ cột vào cọc gỗ đóng cạnh bờ trông như treo cổ, hẳn vốn là chốn thường neo thuyền nhưng giờ nước cạn thuyền xuống theo nước lại bị vướng dây buộc nên không xuống được đến đáy mới tạo ra cảnh tượng này.
“Khỏi nhìn,” Phùng Bất Cơ ngồi xổm cạnh bờ sông, chẳng biết nhặt được một cành que khô ở đâu tiện tay ném xuống đáy sông, “đừng nói Ứng Xà, đến con tôm con cá cũng chẳng có.”
Ký Linh rầu rầu nhìn đáy sông: “Ứng Xà chạy thì chạy nhưng sông hộ thành khô thì dân chúng Hòe Thành phải làm sao đây?”
Phùng Bất Cơ không ngờ nàng lại quan tâm chuyện này, một phần cảm thấy bất ngờ, nhiều phần thực sự thấy bùi ngùi. Trên đời có biết bao người tu tiên nhưng không nhập được đạo của nó, trái lại Ký Linh chẳng hề muốn thành tiên thì lại có sẵn một tấm lòng từ bi, nghĩ tới đây, chẳng mấy khi huynh ta mới ôn tồn bảo: “Không sao, mưa mấy trận là lại hồi lại ngay, Ứng Xà còn chưa có yêu lực mạnh tới độ bản thân đã chạy đi chỗ khác rồi mà vẫn có thể khống chế chuyện tạo mây làm mưa một phương.”
Ký Linh trầm ngâm không nói gì, dường như đang suy ngẫm điều đối phương nói là chắc chắn thế hay chỉ là để vỗ về nàng.
Đang suy nghĩ thì bỗng thấy mệt.
Khoảnh khắc trước khi đầu óc trở nên mông lung, Ký Linh còn tự hỏi dù trắng đêm không ngủ nhưng cơn buồn ngủ này tới cũng bất ngờ quá…
Mây mù mờ mịt, vạn vật tĩnh lặng, không sông núi, muông thú, không một tiếng côn trùng hay tiếng người, chỉ có một vùng không gian trống trải, hoang vắng.
Ký Linh đứng im tại chỗ hoang mang nhìn xung quanh không biết mình đang ở đâu, giờ là lúc nào.
Cuối cùng, những mảnh trí nhớ rời rạc dần ghép lại thành một cảnh tượng rõ ràng: nàng đang ở bờ sông hộ thành nói chuyện với Phùng Bất Cơ cơ mà!
Nhưng cái nơi nhìn một cái là thấy hết cả trăm dặm này làm gì có Phùng Bất Cơ, không, đâu chỉ không có Phùng Bất Cơ mà là chẳng có một thứ gì hết, giống như cõi hư không trong sách của Đạo giáo có viết: trời đất đều diệt, vạn vật quay về với khởi nguyên.
Ký Linh hơi sợ. Không phải nàng chưa từng hoảng hốt nhưng lần này khác rất nhiều, nàng gọi to thành tiếng: “Phùng Bất Cơ…”
Không ai đáp lại, đến tiếng vọng cũng không có.
Tiếng gọi như bị khoảng hư vô này nuốt chửng.
Tuy nhiên, với Ký Linh mà nói, gọi như vậy giúp nàng bớt sợ đi nhiều, nàng hít thở sâu, ngồi xuống tại chỗ xếp bằng điều hòa hơi thở đồng thời cố gắng để đầu óc tỉnh táo.
Từ biệt Đàm Vân Sơn ở cổng thành sau đó đi cùng Phùng Bất Cơ tới sông hộ thành rồi phát hiện sông hộ thành cạn nước, Phùng Bất Cơ nói mưa vài cơn là ổn, sau đó nàng thấy buồn ngủ… Phải rồi, chính là chuyện này, nàng thấy buồn ngủ, sau đó mở mắt ra thì có mặt tại đây.
Cho nên… Đây là cảnh mơ của nàng?
Ký Linh cau mày, không mấy tin vào phỏng đoán này nhưng cũng quyết thử một phen, cấu tay mình một cái thật mạnh, lập tức tròn mắt ngạc nhiên, bấm mạnh thêm mấy cái nữa.
Thế mà không đau thật!
Ký Linh dở khóc dở cười vỗ trán, hay lắm, đúng là mơ.
Vậy thì vấn đề là, một người phát hiện bản thân đang nằm mơ có thể chủ động tỉnh lại không?
Ký Linh đành cấu mình thêm mấy lần nữa nhưng kết quả thì cảnh sắc vẫn không mảy may biến đổi, mây vẫn là mây, sương vẫn là sương.
Lúc này là lúc cho thấy tầm quan trọng của “bạn đường”, Ký Linh chỉ còn nước hy vọng Phùng Bất Cơ đừng niệm chút giao tình từng cùng nhau chiến đấu kia mà tốt nhất là hãy mau mau nhẫn tâm lôi nàng ra khỏi mộng…
“Nghĩ kĩ thật rồi sao?”
“Có thể đổi câu tiễn dặn trước lúc chia tay khác không? Sao lần nào cũng nói câu này?”
Không biết tiếng người loáng thoáng ở đâu vọng tới.
Ký Linh đứng bật dậy, cảnh giác nhìn quanh bốn phía: “Ai đang nói đấy…”
“Tưởng tôi muốn sao?”
“Được rồi được rồi, mau đi đi…”
Hai người kia vẫn cứ thế nói chuyện, dường như không hề bị nàng làm phiền.
Có điều cũng chỉ nghe được tới đó, sau câu “mau đi đi” có vẻ sốt ruột thì không thấy ai nói gì nữa.
Giữa khoảng không quay về cảnh tĩnh lặng, Ký Linh ngờ vực ngẩng đầu, lúc này mới muộn màng nhận ra tiếng người nói chuyện hình như là từ trên trời vọng xuống…
“Ký Linh! Ký Linh!”
Ký Linh tỉnh lại trong tiếng gọi ù tai váng đầu của Phùng Bất Cơ, đầu đau như búa bổ. Vị “bạn đường” này thỏa ý nguyện của nàng, nhẫn tâm lắc nàng lắc lấy lắc để.
“Tôi không sao, huynh đừng, đừng lắc.” Ký Linh khó nhọc lên tiếng, tránh cho bản thân vừa thoát khỏi cõi hư vô lại lìa cõi trần ở sông hộ thành.
Thấy nàng tỉnh, Phùng Bất Cơ thở phào: “Cô nương làm tôi sợ suýt chết, người khác gọi cái là tỉnh, sao cô nương cứ như thể hôn mê ấy.”
Ký Linh không hiểu gì, nhìn bốn phía trống trải xung quanh: “Người khác?”
Phùng Bất Cơ ngậm miệng nhưng rồi lại nhanh chóng phản công: “Sao cô nương nói ngủ là ngủ chẳng hề báo trước một tiếng!”
Ký Linh cau mày, thực ra nàng cũng rất thắc mắc, đây là lần đầu tiên kể từ lúc chào đời tới nay. Nếu nàng nhớ không nhầm, ngay trước lúc bước vào cảnh mơ, nàng còn đang nói chuyện với Phùng Bất Cơ sau đó chẳng hiểu sao lại… ngủ? Lại còn mơ thứ giấc mơ vô nghĩa, không lên được trời, không xuống được đất, không có bóng người, không gợn gió thổi, cực kỳ bất lực, quả thực không thể tệ hơn được nữa… Khoan, đó là mộng thật sao? Nàng rõ ràng có nghe thấy có người nói chuyện, chẳng qua là nói không đầu không đuôi nên không hiểu ra sao lại thêm cách khá xa nên không nghe ra được giọng thế nào, cùng lắm chỉ biết được là giọng hai người đàn ông…
“Tráng sĩ có thể giúp tôi một tay không…” Xa xa có tiếng người gọi ngắt ngang mạch suy nghĩ của Ký Linh.
Nàng và Phùng Bất Cơ nhìn về phía đó thấy dưới đáy sông cách bến thuyền một đoạn có một người đang đứng vẫy tay về phía này.
Hai người nhìn nhau rồi cùng đứng dậy, không chút do dự đi sang bên đó.
Người nhờ giúp là một ông cụ trông khoảng ngoài năm mươi, gương mặt dạn dày sương gió, áo ngắn thân mộc mạc tiện cho lao động, nhìn là biết là nhà nghèo, ông đang rầu rĩ đứng cạnh một chiếc thuyền nhỏ có mái che.
Phùng Bất Cơ nhìn là hiểu ngay: “Cụ muốn đưa thuyền lên bờ à?”
Cụ được huynh ta nói trúng nỗi lòng liền đáp ngay: “Đúng thế, tuy nước lên thì nó cũng tự nổi lên được nhưng ai biết chừng nào nước mới lên, hơn nữa không cột chắc, dù nước có lên thì thuyền cũng bị đánh.”
Phùng Bất Cơ không nói nhiều, nhảy ngay xuống đáy sông, hai tay đỡ một đầu thuyền nhấc hẳn một đầu lên.
Ông cụ không ngờ huynh ấy lại nhanh tay như vậy, vội gọi: “Để tôi để tôi, tráng hán đứng trên bờ kéo dây thừng là được!”
“Không hề gì, sức tôi khỏe, cụ mau nào!”
Một khi Phùng Bất Cơ đã trào dâng khí thế thì người bình thường sao cản nổi. Ông cụ vội cầm dây trèo lên bờ sông, vận hết sức toàn thân kéo thuyền lại bờ.
Một người vác, một người kéo, cuối cùng chiếc thuyền nhỏ cũng được kéo từ dưới đáy sông lên.
Ký Linh đứng xem từ đầu chí cuối, mấy lần định giúp một tay nhưng chẳng biết nên giúp thế nào đành góp sức thầm trong lòng.
Phùng Bất Cơ nhảy lên bờ giúp ông cụ kéo thuyền lại chỗ bến cột thật chắc rồi quệt trán: “Vậy là được rồi đấy nhỉ.”
“Được rồi! Được rồi!” Ông cụ cảm kích gật đầu lia lịa, “Thật sự rất cảm ơn tráng sĩ.”
“Chuyện nhỏ.” Phùng Bất Cơ đáp.
Ông cụ thấy huynh ta nhiệt tình khác xa vẻ ngoài hung dữ bèn chuyện trò thêm mấy câu: “Vốn là cột đàng hoàng ở bến đò, ai ngờ đứt dây, may là nước sông cạn chứ không chẳng biết thuyền này đã trôi đi tận đâu, mấy miệng ăn nhà tôi đều trông cả vào nó, mất là khóc cũng chẳng có chỗ mà khóc.”
“Cụ yên tâm,” Phùng Bất Cơ thở dài, “mấy ngày nữa là nước sông lại đầy, không dám nói sau này Hòe Thành mưa thuận gió hòa chứ mưa to lụt lớn như mới rồi thì ít nhất trong vòng trăm năm chắc chắn không bị nữa.”
Phùng Bất Cơ vốn ý là muốn nói để ông cụ không cần phải lo lắng nữa, huống chi huynh ta cũng chỉ nói thật, không ngờ ông cụ nghe xong liền lắc đầu: “Tráng sĩ chắc là người nơi khác tới nhỉ, không cần phải vỗ về tôi, tôi sống ở Hòe Thành cả đời, đây chẳng phải là trận lụt đầu tiên tôi thấy, chắc chắn cũng chẳng thể nào là lần cuối cùng.”
Phùng Bất Cơ thấy cụ không tin bèn nói rõ ra: “Cụ à, mưa ở Hòe Thành là do yêu quái quấy phá, giờ nó đã bị chúng tôi đánh đuổi rồi!”
Ký Linh muốn cản mà không cản kịp, nàng nghĩ Phùng Bất Cơ nên đi cải danh thành Phùng Nhanh Miệng.
Nếu là nàng thì chắc chắn không nói nhiều vậy với người không liên quan, có điều nghĩ lại thì nói cũng chẳng sao, một bên tán gẫu sướng miệng, một bên nghe vui vẻ, thậm chí người nghe cũng chưa chắc đã tin là thật, sao phải nghiêm túc quá chứ.
Có lẽ Phùng Bất Cơ nói đúng, Ký Linh nghĩ, bản thân đúng là quá nghiêm túc.
Vừa cảnh tỉnh bản thân xong thì hai chữ “Đàm gia” bỗng lọt vào lỗ tai, Ký Linh ngạc nhiên, lập tức bình tâm nghe hai người nói chuyện không biết nói thế nào mà đã chuyển sang nói về nhà họ Đàm, ông cụ đang thao thao bất tuyệt, hoàn toàn không coi Phùng Bất Cơ là người ngoài…
“Tôi kể cho mà nghe, không phải do địa thế thấp, là do trong mệnh của thế hệ này nhà họ Đàm có người mệnh phạm Thủy.”
*phạm: cách nói trong tử vi ví dụ như phạm Đào Hoa Sát, Đào Hoa phạm chủ, phạm Thái Tuế nghĩa là thứ đó xung khắc với mình, thứ do sao đó cai quản gây bất lợi cho mình.
“Thế hệ này?”
“Đúng vậy. Trước đây Hòe Thành cũng từng có lụt, thỉnh thoảng có mưa lớn nước lên, ấy là bình thường, nhà họ Đàm ở trong thành thế đất thấp nên hay bị ngập…”
“Đấy, cụ cũng nói là thế đất thấp.”
“Nghe tôi nói nốt đã. Bởi hay bị ngập nên từ đời trước nhà họ Đàm đã trùng tu nâng cả ngôi nhà lên một lần, nghe nói đôn cao lên khá nhiều, kể từ ấy thì dù nước có dâng thế nào cũng không làm nhà họ Đàm ngập được. Theo lý thì phải được yên lành rồi đúng không? Không, không chỉ không yên lành mà còn càng khủng khiếp hơn.”
“Chuyện thế nào?”
“Bắt đầu từ thế hệ này của nhà họ Đàm, kể ra thì cũng từ khoảng hai chục năm nay, Hòe Thành càng ngàng càng nhiều mưa, nhà họ Đàm lại bị ngập lại, hơn nữa ngập càng ngày càng nặng hơn, có khi ngoài đường không sao cả mà nhà họ vẫn bị ngập, cậu nói thế có lạ không cơ chứ?”
“…”
Phùng Bất Cơ không đáp. Ký Linh cũng nhận ra vấn đề, nếu lời ông cụ nói đều đúng sự thật thì đâu chỉ lạ, thực sự là rất có vấn đề!
“Theo tôi thì nhà ông đó không chỉ phạm Thủy mà không chừng chính là do bị quỷ nước ám,” ông cụ nói hăng say, hoàn toàn không để ý tới sự biến sắc của người nghe, “tôi nghĩ là tay gia đinh nhà họ Trần bị chết bữa nọ đến tám phần là chết thay người nhà họ Đàm, hai nhà đó sát gần nhau, trời tối nhập nhoạng lại còn mưa nữa, cũng không phải không có khả năng là quỷ nước đi nhầm…”
Ký Linh giật mình lập tức nhìn sang Phùng Bất Cơ.
Sắc mặt Phùng Bất Cơ nặng nề cho thấy huynh ta cũng đã ngộ ra được.
Vườn hoa nhà giữa ở Đàm phủ.
Nắng đẹp, Đàm Vân Sơn ngồi trên nóc đình Lê Hoa phơi nắng.
Đình Lê Hoa nằm giữa đám cỏ cây hoa lá ở góc đằng tây cách xa hồ, khác với đình hóng mát chỗ hồ khó lúc nào hết ẩm ướt dù cho trời có quang.
Đàm Vân Sơn ngồi xếp bằng, hóng gió, ngắm cảnh.
Cảm giác khô ráo mát mẻ lâu rồi mới có làm con người ta vui vẻ, thoải mái nhưng Đàm Vân Sơn cứ có cảm giác trong cảnh nắng ấm chan hòa này thiếu thiếu gì đó.
Chuyện đầu tiên khi về tới phủ là bị cha gọi tới hỏi chuyện. Yêu quái đi rồi, thầy pháp cũng đi rồi nhưng yêu quái đi như thế nào, thầy pháp cụ thể làm những gì thì phải hỏi rõ mới thấy yên tâm. Làm cha an lòng xong chàng mới thoát được thân, định tới nơi từng thập tử nhất sinh này để cẩn thận ngẫm nghĩ lại những điều mạo hiểm đã trải qua thì ngờ đâu mới vừa đi vào vườn hoa đã chạm mặt Đàm Thế Tông.
Đàm Thế Tông trước nay chẳng có công to việc lớn gì, lại càng chẳng có công chuyện gì cần bàn với chàng, hai người chỉ có thể huynh huynh đệ đệ hàn huyên mấy câu qua loa. Thế mà Đàm Thế Tông vẫn khá sẵn lòng nói chuyện với chàng, có lẽ vì khuôn mặt luôn tươi cười của chàng tương đối được lòng người cho nên phần lớn thời gian là Đàm Thế Tông nói, chàng phụ họa hoặc là Đàm Thế Tông chê cười chàng, chàng giả ngu cười hề hề nhận hết, cuối cùng Đàm Thế Tông nói đủ rồi thì chàng cung kính nhìn theo tiễn đại ca đi.
Lần này cũng không ngoại lệ, Đàm Thế Tông úp úp mở mở bảo chàng vô dụng, tự nguyện ở lại thành ra thêm phiền cho thầy pháp nên mới để xổng mất yêu quái. Đàm Vân Sơn chẳng biện bạch nửa câu, nhận hết, cuối cùng cũng thuận lợi tiễn bước được huynh trưởng vui vẻ rời đi. Cả quá trình đều làm thành thục, lẹ làng.
Cáo biệt Đàm Thế Tông, cuối cùng Đàm Vân Sơn cũng có được một góc yên tĩnh trong vườn hoa, vốn chỉ định nằm trong đình Lê Hoa, sau đó chẳng biết lấy hứng khởi ở đâu mà lại trèo hẳn lên nóc.
Gặp cha thì phải khom lưng, gặp huynh thì phải cười làm lành, Đàm Vân Sơn đã quen với cuộc sống như thế cũng không thấy có gì không thoải mái thậm chí còn thấy khá thích, trước lúc gặp chuyện bắt yêu lần này, từng có lúc chàng cho rằng mình có thể cứ sống an nhàn, thoải mái như thế suốt đời. Nhưng giờ đây, nhìn mặt nước hồ xa xa gợn sóng, chàng bỗng thấy hơi hoài niệm những khoảnh khắc sinh tử cận kề ấy.
Ký Linh và Phùng Bất Cơ chắc đã thăm xong sông hộ thành rồi, Đàm Vân Sơn nghĩ, chắc chắn là Ứng Xà đã chuồn xa, không biết hai vị đó tiếp theo sẽ đi đâu…
Ục.
Ùng ục ục.
Giữa không gian cỏ cây tĩnh lặng bỗng có tiếng bóng nước vỡ.
Hiện giờ Đàm Vân Sơn rất mẫn cảm với tiếng nước, tóc gáy lập tức dựng đứng.
Ùng ục ùng ục…
Chàng không hề nghe lầm, thực sự có tiếng nước, hơn nữa còn ở ngay gần chỗ này!
Đàm Vân Sơn đứng dậy, mượn thế cao của nóc đình Lê Hoa để quan sát khắp chung quanh, thấy đằng hồ nước ở xa không có gì liền cúi xuống nhìn quanh bán kính vài trượng xung quanh đình, nhanh chóng tập trung vào chỗ cách khoảng hơn một trượng, một miệng giếng cổ dưới tán cây lê hoa.
*lê hoa: chính là cây lê nhưng người ta trồng để ngắm hoa là chính nên gọi rõ ra.
Đó là chiếc giếng cổ nhất của Đàm phủ, nghe nói từ ngày tổ tiên Đàm gia còn chưa phất lên, Đàm phủ chỉ mới là một ngôi nhà nhỏ thì đã có chiếc giếng này, sau này Đàm phủ càng ngày càng bề thế hơn, giếng cũng đào nhiều thêm nhưng chiếc giếng này thì chưa bao giờ cạn nước cho nên vẫn dùng mãi tới giờ.
Lại là nước.
Đàm Vân Sơn cúi xuống nhìn chằm chằm vào miệng giếng tối om, da đầu giần giật, cuống họng thít chặt.
Ục ục.
Miệng giếng lại phát ra tiếng bóng nước vỡ, khẽ tới lạ, tựa như cố ý dụ người lại gần tìm tòi dò xét.
Đàm Vân Sơn đứng im không nhúc nhích, chân cứ như thể cắm rễ trên nóc đình vậy. Chàng từng kinh qua nhiều chuyện nguy hiểm rồi mà còn tự chui đầu vào rọ thì đúng là đến bản thân cũng chẳng thể tự tha thứ cho mình.
Thế nhưng không lại gần thì dễ rồi song đi chỗ khác lại khó. Nhảy khỏi nóc đình rồi chạy cho nhanh? Lỡ như vốn nó không phát hiện được chàng, chàng chạy chẳng hóa lộ tẩy. Không chạy? Cứ đứng mãi trên nóc đình? Với vị thế của chàng ở Đàm gia, có khi đứng tới sáng mai chưa chắc đã có ai phát hiện…
“Đàm Vân Sơn…”
“Đàm lão đệ…”
Vẳng theo gió có giọng nói quen thuộc của một nam một nữ.
Đàm Vân Sơn thề đời này chàng chưa từng nghe thấy tiếng gọi nào nghe hay như vậy.
Nhìn về phía ấy thấy xa xa chỗ hành lang có hai bóng hình thân thuộc đang vừa gọi vừa nhìn khắp xung quanh, rõ ràng là đang tìm chàng.
Vì sao bỗng nhiên hai người lại quay lại, Đàm Vân Sơn không biết, có lẽ có liên quan với chuyện bất thường dưới giếng, cũng có lẽ là có chuyện khác nhưng bất kể là thế nào, chàng đều thực lòng chào đón họ.
Suy tính thoáng chốc, Đàm Vân Sơn bất chấp bằng mọi giá, mặc kệ có đánh rắn động cỏ hay không, chàng vung hai tay lên ra sức vẫy: “Tôi ở trên này! Ở đây có…”
Có gì còn chưa kịp nói, Đàm Vân Sơn đã nghe thấy rào một tiếng tựa như tiếng có thứ gì đội nước chui lên, Đàm Vân Sơn thầm nhủ không ổn, lập tức muốn nhảy khỏi nóc đình, vừa nghiêng người thì thắt lưng bỗng bị siết chặt!
“Cẩn thận!”
Phùng Bất Cơ và Ký Linh cách đình Lê Hoa một đoạn không hề ngắn đồng thời giật mình quát lên.
Dưới miệng giếng có một chiếc đuôi của yêu quái màu xanh thẫm lao ra quấn lấy thắt lưng Đàm Vân Sơn giống hai lần trước nhưng khác hai lần trước ở chỗ đuôi này to hơn, dài hơn!
La lên xong, hai người đồng thời vận công, từ chạy chuyển thành bật nhảy, tung mình lao lên!
Thế nhưng dù sao khinh công cũng không phải là bay, Đàm Vân Sơn đã bị chiếc đuôi kéo khỏi nóc đình, lôi tới cạnh giếng, họ chỉ mới di chuyển được nửa đường!
Ký Linh không hề ngừng lại, lòng thấy nặng nề tới cùng cực, miệng giếng đó hẹp như vậy, dưới giếng chẳng biết sâu chừng nào, một khi Đàm Vân Sơn bị kéo xuống đó thì chỉ còn đường chết, thế mà nàng và Phùng Bất Cơ chỉ có thể trơ mắt…
Ấy, khoan.
Bản thân mình thì tuyệt vọng nhưng có vẻ nhị thiếu gia nhà họ Đàm chẳng hề có ý buông bỏ, dù đã bị đuôi yêu quái kéo tới cạnh giếng nhưng với một tay bám chặt vào miệng giếng, cơ thể áp chặt vào thành giếng ngoài, chàng cũng cầm cự giằng co được với yêu quái trong khoảnh khắc. Khoảnh khắc này dù rất ngắn nhưng đủ để Đàm nhị thiếu gia với tay còn lại xuống cẳng chân rút ra… con dao bếp được cột sẵn cất trong vỏ.
Lần xuống. Rút ra. Vung lên. Chặt.
Bốn chiêu liền một mạch phóng khoáng tự nhiên tự tại không câu thúc tựa như một vị Thần Bếp sống.
Lúc Ký Linh và Phùng Bất Cơ đuổi tới cạnh giếng, chiếc đuôi cụt của con yêu quái đã lủi xuống giếng, Đàm nhị thiếu gia vứt nửa chiếc đuôi đang quấn quanh hông xuống đất, chỉ vào nó nói đầy trịnh trọng: “Quấn lần một lần hai đâm nghiện, đi cuốn lần ba, mày nói xem có phải là hơi bị quá đáng không?”
Truyện khác cùng thể loại
10 chương
45 chương
63 chương
59 chương
110 chương
20 chương
46 chương
11 chương