Chương 2
Quý ròm tức lắm. Trước sự áp đảo về băng- rôn, biểu ngữ của cổ động viên phe đối phương, Văn Châu và Tiểu Long cũng tức, nhưng dĩ nhiên không tức bằng Quý ròm.
Quý ròm vừa tức lại vừa buồn. Nó đã không làm được gì giúp cho đội nhà thì chớ, lại vô tình cung cấp cho cổ động viên đội Điện Lực hai câu lục bát “sắc bén” để tấn công ngược trở lại đội Hy Vọng. Như vậy có khác nào “nối giáo cho giặc”! Càng ngẫm nghĩ Quý ròm càng bứt rứt.
Nhưng Quý ròm không chỉ gặp toàn vận xui!
Đúng vào lúc nó đang thừ mặt ngẩn ngơ thì từ bốn góc sân, tiếng loa phóng thanh đột ngột vang lên:
- A lô! A lô! Kính thưa quý khán giả! Ban tổ chức rất tôn trọng tình cảm và sự cổ vũ của quý khán giả đối với dội bóng thân yêu của mình. Nhưng để sự cổ vũ phù hợp với cách ứng xử thông minh và tinh thần fair-play trong thể thao, Ban tổ chức đề nghị quý khán giả nên rút lại những băng-rôn cổ động có lời lẽ quá khích…
Anh thanh niên vừa giơ tấm bìa lên, cười nói tí toét với những người bên cạnh chưa được dăm câu, nghe vậy liền tặc lưỡi hạ tấm bìa xuống. Như để chữa thẹn, anh trỏ Quý ròm, phân bua với chung quanh:
- Cái câu “quá khích” này do thằng nhóc cổ động viên của đội Hy Vọng bày ra chứ đâu phải tự tôi viết!
Thấy anh thanh niên đổ thừa mình, Quý ròm chỉ nhe răng cười khì. Sự can thiệp kịp thời của Ban tổ chức giúp nó “chuyển bại thành thắng” khiến nó sướng mê. Và khi đang sướng mê thì cười ta thường trở nên rộng lượng.
Chả buồn tranh cãi với chủ nhân tấm bìa, Quý ròm đảo mắt sang phía khán đài B và khoái trá nhận ra những tấm băng-rôn kiểm như “Điện Giựt”, “Hết vốn” đã nhanh chóng biến mất. Chỉ có hàng chữ “Đội Hy Vọng luôn luôn hy vọng và luôn luôn… thất vọng” là vẫn còn. Chủ nhân của tấm băng-rôn này dường như đang lưỡng lự. Tâm băng-rôn chữ trắng trên nền vải đỏ cứ nhô lên hụp xuống giữa biển người, nửa như muốn dẹp bỏ theo lời khuyến cáo của Ban tổ chức nửa như tiếc công sức cắt dán nên cứ dùng dằng nấn ná.
Chỉ đến khi tiếng loa phóng thanh nhắc nhở lần thứ hai và nêu rõ “địa chỉ”:
- Ban tổ chức nhiệt liệt hoan nghênh và rất cảm ơn sự hưởng ứng của quý khán giả. Riêng ở khán đài B, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một tấm băng-rôn có lời lẽ không được hay đẹp lắm, rất mong…
Thì chủ nhân của tấm băng-rôn nọ mới chậm chạp và tiếc rẻ hạ nó xuống.
Quý ròm quay sang Văn Châu và Tiểu Long:
- Có thế chứ!
Tiểu Long gật gù cảm khái:
- Ban tổ chức sáng suốt ghê!
Quý ròm toét miệng cười:
- Đội Điện Lực kỳ này hết điện!
Tiểu Long không b cơ hội “sửa lưng” bạn. Nó nheo mắt:
- Mày lại dùng lời lẽ “quá khích”, “không hay đẹp” rồi!
Quý ròm chưa kịp thanh minh thi Văn Châu đã kêu lên:
- Xem kìa!
Tiểu Long và Quý ròm lật đật ngoảnh lại và tròn mắt khi thấy bên khán đài B chỗ tấm băng-rôn vừa hạ xuống không biết từ hồi nào đã nhô lên một câu biểu ngữ mới. Lần này, lời lẽ của cổ động viên đội Điện Lực Hoà Bình mới dễ thương làm sao: “Đội Hy Vọng, lúc nào chúng tôi cũng yêu quí các bạn”!
Tiểu Long khụt khịt mũi:
- Chà, lịch sự ghê!
Quý ròm nhún vai:
- Kể ra…
Nhưng Quý ròm không có cơ hội nói hết những lời tử tế. Nó mới nói được hai tiếng đã phải trố mắt nhìn một tấm băng-rôn khác đang từ từ giương lên, sắp kế câu biểu ngữ dễ thương kia. Câu này viết: “Dù cho các bạn đứng hạng nhì”.
- Hạng nhì cái con khỉ! - Quý ròm đấm hai tay vào nhau – Có đội Điện Lực đứng hạng nhì thì có!
Anh thanh niên đứng cạnh nhìn bộ mặt hầm hầm của Quý ròm, cười ha hả:
- Bớt giận đi, chú em! Muốn biết ai nhất ai nhì, chờ lát nữa sẽ rõ chứ tức tối làm gì! K, hai đội ra rồi kìa!
Anh thanh niên nói vừa dứt câu, bốn phía khán đài bỗng rùng rùng chuyển động. Hầu như tất cả khán giả đều tự động đứng bật dậy, trừ những người đã đứng sẵn như Quý ròm, Tiểu Long và Văn Châu, tiếng vỗ tay rào rào vang lên chào đón hai đội bóng.
Bọn Quý ròm vừa vỗ tay vừa hồi hộp dán mắt về phía đường hầm nơi cầu thủ hai đội cùng các trọng tài đang lần lượt bước lên.
Đội Hy Vọng hôm nay mặc áo vàng, quần xanh, vớ vàng, trông giống hệt đội bốn lần vô địch thế giới Braxin, và theo như thông lệ, dẫn đầu bao giờ cũng là trung phong đội trưởng Sĩ Hoàng, tiếp ngay sau là thủ môn có “đôi tay nhựa” Lê Hồng Miên và các cầu thủ khác.
Ở phía ngược lại, đội Điện Lực Hoà Bình vận y phục toàn đỏ - áo đỏ, quần đỏ, vớ đỏ - y chang đội tuyển Bỉ, đội tuyển mà cả thế giới từng gọi một cách khiếp sợ là “Những con quỷ đỏ”.
Khi hai đội cùng trọng tài tiến ra giữa sân và quay đầu bốn phía chào khán giả thì tiếng vỗ tay lại rộ lên một lần nữa. Chỉ đến lúc đó, khán giả mới chịu lục tục ngồi xuống để háo hức chong mắt xem hai đội khởi động.
Có một điều “kỳ diệu mà những người đi xem bóng đá đều biết là dù các khán đài có chật ních, tưởng một con kiến cũng không chui lọt, nhưng khi khán giả đứng lên ngồi xuống một, hai lần thì thế nào trên các bậc ngồi cũng thừa ra một vài khoảng trống bất ngờ.
Dĩ nhiên các nhân vật của chúng ta không dại gì bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi đó. Nhưng dù ba đứa thóp bụng rụt vai đến mấy, rột cuộc cũng chỉ có Quý ròm và Văn Châu là chen lọt vào khoảng trống vừa hở ra giữa hai khán giả ngồi ngay dưới chân. Tiểu Long tướng tá dềnh dàng, sau một hồi chen huých vô vọng, đành tiếp tục đứng chôn chân bên cạnh anh chàng cổ động viên đội Điện Lực, chờ cơ hội khác.
Lúc này, tiếng còi của trọng tài đã ré lên báo hiệu trận đấu bắt đầu.
Đội Hy Vọng được giao bóng trước, và trung thành với phong cách tấn công xưa nay, ngay từ đầu trận đấu, các chàng trai áo vàng đã nhanh chóng tràn qua phần sân đối phưong như những cơn gió lốc.
Những đường bóng “một chạm” thoăn thoắt, những cú đãn biên cho các hậu vệ cánh tạt vào, những quả bóng bay là là mặt cỏ hoặc treo lơ lửng trước vùng cấm địa được kết thúc bởi những cú sút xé gió và những quả đánh đầu cực mạnh của trung phong Sĩ Hoàng và của các cầu thủ tuyến sau băng lên khiến đội Điện Lực rối loạn suốt mười lăm, hai mươi phút liền.
Trước hàng tấn công đầy uy lực của đội Hy Vọng, ngay từ đầu đội Điện Lực đã chọn phương án phòng thủ phản công hòng giảm bớt sức ép của đối phương.
Và lối đá phòng thủ tầng tầng lớp lớp đó đã tỏ ra rất hiệu quả. Mặc dù bị đội Hy Vọng quần thảo suốt nửa hiệp đầu, mành lưới của đội Điện Lực Hoà Bình vẫn chưa một lần rung lên.
Trong khi cổ động viên đội Điện Lực dần dần lấy lại bình tĩnh thì cổ động viên đội Hy Vọng bắt đầu sốt ruột. Quý ròm ngồi xem, càu nhàu luôn miệng. Văn Châu thì không ngừng nhấp nha nhấp nhổm. Còn Tiểu Long đứng sau lưng, cứ sau mỗi quả sút ch khung thành của cầu thủ đội nhà, lại xuýt xoa tiếc rẻ và dậm chân bình bịch.
Đến khi một chiếc áo đỏ dốc bóng cuồn cuộn dọc biên trong một đợt phản công hiếm hoi và tạt vào giữa cho một chiếc áo đỏ khác băng xuống đánh đầu tung nóc lưới của thủ môn Lê Hồng Miên thì bộ mặt của bọn Quý ròm chảy dài như bánh mì gặp nước.
Quý ròm đấm tay vào không khí:
- Bắt vậy mà cũng đòi giữ gôn! Để thằng Đỗ Lễ của lớp tôi bắt còn hay hơn!
Văn Châu bênh Lê Hồng Miên:
- Tại hậu vệ chứ bộ! Kếo rốc hết lên trên, bỏ trốn hươ trống hoác phía sau, gôn nào bắt nổi!
Quý ròm nghiến răng:
- Tức ơi là tức! Áp đảo suốt từ đầu đến giờ, chả ghi được bàn nào, lại còn để thua ngược!
Anh thanh niên khi nãy được dịp trêu Quý ròm:
- Đội Hy Vọng luôn luôn thất vọng mà lại!
Lời chòng ghẹo của anh thanh niên như dầu đổ vào lửa. Quý ròm nghe đầu mình nóng phừng phừng. Nhưng nó không dám phản ứng. Nhìn mớ mũ nón mà các cổ động viên đội Điện Lực Hoà Bình tung lên trời và bay như bươm bướm khắp khán đài D để biểu lộ niềm vui trước bàn thắng của đội nhà, Quý ròm biết tụi nó đang lọt vào giữa “long đàm hổ nguyệt”. Bất cứ một lời khích bác nào của tụi nó cũng có thể chuốc lấy sự phẫn nộ của phe đối phương.
Quý ròm chỉ có thể xả cơn tức bằng cách hậm hực kéo tay Tiểu Long:
- Ngồi xuống đây đi!
Tiểu Long ngần ngừ:
- Có chỗ không?
- Yên chí! Người ta đang nhảy cẫng, lát nữa thế nào cũng thừa khoảng trống!
Tiểu Long rón rén ngồi xuống cạnh hai bạn và đưa mắt nhìn ra sân, than thở:
- Đội Hy Vọng hôm nay đá làm sao ấy!
Quý ròm thở dài:
- Ừ, nhất là trung phong Sĩ Hoàng! Hai, ba cơ hội ăn chắc mà ảnh lại bỏ lỡ! Gặp tao hoặc Văn Châu thế nào quả đó cũng thành bàn!
Văn Châu không phải là đứa thích huênh hoang. Nhưng nghe Quý ròm nói vậy, nó không hề phản đối, chứng tỏ nó cũng rất ấm ức trước những quả hỏng ăn của đội nhà.
Nhưng bất chấp những mong mỏi hồi hộp của cổ động viên phe mình, đội Hy Vọng vẻ như nhất định không chịu gỡ hoà. Suốt nửa cuối hiệp một, những chiếc áo vàng không làm sao đưa bóng được vào lưới đối phương, mặc dù những chiếc giày đinh của hai phe gần như thi nhau xéo nát những mảng cỏ trước vùng cấm địa của đội Điện Lực Hoà Bình.
Trong gi giải lao, Quý ròm mặt mày tiu nghỉu như mèo bị cắt tai. Nó buốn đến mức nghe Văn Châu hỏi:
- Xuống mua cóc ổi lên ăn nghen!
Nó chỉ nhún vai, hờ hững:
- Thôi, ăn uống gì!
Rồi lại chống cằm tư lự nhìn ra sân. Bây giờ nó chỉ mong đội Hy Vọng lật ngược tỉ số trong hiệp hai. Ừ, biết đâu đấy! Thiếu gì những trận đấu trong đó đội thắng cuộc chỉ giành được thắng lợi trong hiệp hai, thậm chí trong những phút sau cùng. Biết đâu sau khi nghỉ giải lao, đội bóng của nó sẽ vùng lên đè bẹp đội Điện Lực với tỉ số kinh hoàng 6 – 1, trong đó thần tượng Sĩ Hoàng của nó sẽ tung lưới đối phương bốn quả - một quả bằng chân phải, một quả bằng chân trái, một quả bằng đánh đầu và một quả bằng cú tung người móc ngược bóng trên không! Ừ, có thể lắm! Người ta chẳng nói trong bóng đá mọi chuyện đều có thể xảy ra là gì! Quả bóng vốn tròn mà lại! Quý ròm ngồi gật gù mơ mộng. Khi không bằng lòng với thực tại, con người ta thường hay mơ mộng.
Và ở những phút đầu của hiệp hai, tình hình trên sân diễn ra rất giống giấc mơ của Quý ròm. Vào cuộc được mười phút, hậu vệ Đức Vĩnh của đội Hy Vọng lên tham gia tấn công đã đón một quả phạt góc, đánh đầu tung lưới đội Điện Lực cân bằng tỉ số 1 – 1.
Mũ nón bên khán đài C bay rợp trời. Quý ròm không mang nón, nó lột phăng chiếc áo đang quấn trên đầu ném lên không trung, cười hăng hắc. Văn Châu thu nắm tay đánh vào không khí, còn Tiểu Long hết đứng lên lại ngồi xuống, hết ngồi xuống lại đứng lên, làm như có một bầy kiến lửa đang đốt mông nó hay sao.
Quý ròm liếc sang anh thanh niên cổ động viên đội Điện Lực, khoái trá ngâm nga:
- Nực cười châu chấu đá xe…
Quý ròm không dám đọc tiếp câu thứ hai. Ở khán đài D, cổ động viên đội Điện Lực đông như… châu chấu, nó chả dám “lộng ngôn”. Nhưng Quý ròm chỉ cần đọc mỗi một câu đó thôi, anh thanh niên đã phải sầm mặt quay đầu đi chỗ khác rồi.
Anh thanh niên quay đầu đi chỗ khác. Nhưng rồi anh quay lại ngay. Vì đúng lúc đó, ở dưới sân, trong một pha phản công thần tốc chỉ với hai đường chuyền sau quả giao bóng, các cầu thủ áo đỏ đã khiến thủ môn Lê Hồng Miên nằm xoài trên cỏ tuyệt vọng nhìn bóng lăn vào lưới.
Bàn thắng thứ hai của đội Điện Lực xảy ra chớp nhoáng, nhanh đến mức nụ cười trên môi các cổ động viên đội Hy Vọng chưa kịp thu lại đã lập tức đờ ra như ướp đá.
Mặt tươi roi rói, anh thanh niên nhấp nháy mắt nhìn Quý ròm và toét miệng đọc tiếp câu thứ hai:
- Tưởng rằng Điện Lực ngã, ai dè Hy Vọng nghiêng!
Tới phiên Quý ròm ngó lơ chỗ khác. Nó vờ như không nghe đối phương nói gì nhưng bụng nó buồn lắm. Giấc mơ của nó thế là tan thành mây khói. Đội Hy Vọng chẳng có vẻ gì sẽ đảo ngược được tình thế. Sự vùng lên của các cầu thủ áo vàng chỉ giống với giấc mơ của nó mỗi mười phút đầu.
Bụng rầu rĩ, Quý ròm chẳng buồn hung hăng trách cứậu vệ và thủ môn đội nhà như lúc nãy. Nó cũng chẳng buồn liếc sang Tiểu Long và Văn Châu. Hai đứa kia cũng không hơn gì nó. Chả đứa nào muốn nói chuyện, chúng rụt cổ ngồi thu lu nom như hai con gà rù bên cạnh con gà rù thứ ba là nó.
Ba con gà rù ngồi chong mắt ra sân, thấp thỏm chờ điều kỳ diệu xảy ra.
Nhưng điều kỳ diện hôm nay đi chơi tận đẩu tận đâu. Thời gian cứ cạn dần mà tỉ số 2-1 đang nghiên về đội Điện Lực vẫn trơ như đá vững như đồng.
Trong hai mươi phút cuối của trận đấu, tất cả mọi đường bóng tấn công của đội Hy Vọng đều được dồn cho trung phong Sĩ Hoàng. Nhưng cây làm bàn của đội Hy Vọng bữa nay không hiểu sao bỗng nhiên mất phong độ. Tất cả những cú sút của anh nếu không chệch cột dọc cũng bay bổng lên trời, kể cả trong những tình uống chắc ăn như bắp.
Văn Châu tức tối:
- Không thể nào hiểu nổi! Quả đó muốn đá ra ngoài đâu phải dễ!
Đứa điềm tĩnh như Tiểu Long cũng không nén được tiếng xuýt xoa:
- Cách khung thành có năm mét mà đội đầu hụt, tiếc ơi là tiếc!
Còn Quý ròm thì khỏi phải nói. Mặt nó lúc nào cũng nhăn như bị còn người thì luôn giật nẩy sau mỗi cú hỏng ăn của trung phong Sĩ Hoàng:
- Trời ơi là trời!
- Thật tức chết đi được!
- Ối trời ơi! Gần xịt mà cũng sút hỏng!
Quý ròm vừa đau đớn thét lên vừa đấm hai tay vào nhau bình bịch.
So với chỗ ngồi của bọn Quý ròm, không khí bên khán đài C còn sôi sục hơn gấp bội. Cổ động viên của đội Hy Vọng bên đó thoạt đầu cũng than thở “trời ơi”, “tức chết” như Quý ròm, nhưng rồi chẳng bao lâu diễn tiến kỳ quặc trên sân đã biến những tiếng kêu tuyệt vọng thành những tiếng hét phẫn nộ:
- Bán độ!
- Sĩ Hoàng bán độ!
- Thay trung phong ra đi!
Không hiểu do cuối cùng huấn luyện viên đội Hy Vọng cũng nhìn ra điều đó hay do sức ép của mấy nghìn cái miệng cùng hô rập trên khán đầi mà đến phút 85, một cầu thủ dự bị được tung vào sân thay thế Sĩ Hoàng.
Người trung phong tài ba lầm lũi tiến ra rìa sân cỏ và cúi đầu băng qua đường piste giữa tiếng la ó, tiếng huýt sáo chế nhạo ầm ĩ của khán giả.
Nhưng việc trung phong Sĩ Hoàng được thay ra vào lúc gần chấm dứt trận đấu chẳng cứu vãn được gì. Cú đánh đầu chạm xà ngang ở phút 90 của một chiếc áo vàng kết thúc luôn nỗ lực cuối cùng của đội Hy Vọng.
Quý ròm, Tiểu Long và Văn Châu chẳng buồn nán lại xem hai đội lên nhận phần thưởng nhất, nhì. Mặt dàu dàu, ba đứa lủi thủi chen qua đám cổ động viên đội Điện Lực đang ăn mừng chiến thắng bằng cách múa may quay cuồng và hả hê gào thét, lếch thếch kéo nhau ra cánh cổng nhỏ phía đường Tân Phước.
Truyện khác cùng thể loại
43 chương
103 chương
10 chương
20 chương
22 chương