Chương 1
Mặt trời mới đứng bóng, các khán đài trên sân vận động Thống Nhất đã không còn một chỗ trống, mặc dù ba giờ rưỡi chiều trận chung kết tranh Cúp quốc gia giữa hai đội Hy vọng và Điện lực Hoà bình mới chính thức bắt đầu.
Ban tổ chức đã dự liệu tình hình, quyết định bán vé từ tuần trước và mở tất cả các cửa sân trước giờ bóng lăn đến sáu tiếng đồng hồ. Vậy mà mới mười hai giờ trưa, các khán đài đã chật ních. Bên ngoài sân vận động, lượng khán giả chưa vào được bên trong vẫn đông nghìn nghịt, tiếng hò hét và tiếng đập cửa vọng vào nghe rõ mồn một.
Trong số khán giả may mắn lọt vào được bên trong sân có ba ông nhóc, đúng ra là hai ông nhóc và một cô bé da ngăm đen, tóc ngắn, vận quần soóc áo pun, nom bộ dạng y hệt con trai.
Chắc các bạn đã đoán ra cô bé đó là Văn Châu. Và hai ông nhóc kè kè bên cạnh không ai khác hơn là Tiểu Long và Quý ròm.
Chen qua được cánh cửa bé tí ở phía đường Tân Phước để lọt vào khu khán đài D, Tiểu Long, Quý ròm và Văn Châu mặt mày đã đỏ lơ đỏ lưỡng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Mỗi đứa tay cầm một ổ bánh mì, len lách qua dòng người và các quầy bán nước ngọt, trà đá, cóc ổi ken dày bên lối đi, nối đuôi nhau leo lên bậc thang.
Tiểu Long to con đi trước mở đường. Vừa lên khỏi bậc thang cuối cùng, nó quay lại nhìn hai bạn, giọng thiểu não:
- Hết chỗ rồi.
Quý ròm trờ tới, nhìn quanh quất một hồi, tặc lưỡi cảm thán:
- Đi trước ba tiếng đồng hồ tưởng là sớm, ai ngờ!
Tiểu Long nhún vai:
- Tao giục đi lúc mười giờ, ai bảo mày không chịu!
Văn Châu không tham gia tranh cãi. Nó đảo mắt một vòng rồi chỉ tay lên tít trên cao:
- Tụi mình lên trên kia đi!
Quý ròm nhìn theo tay chỉ của bạn, mặt bí xị:
- Trên đó cũng đâu còn chỗ ngồi!
- Không còn chỗ ngồi nhưng còn chỗ đứng! - Văn Châu khịt mũi - Nếu cứ chần chừ, một lát nữa chỗ đứng cũng không có cho mà coi!
Ba đứa bám theo song sắt dọc cầu thang lần lên trên.
- Nè, mấy đứa nhỏ này đi đâu đây? Xuống đi! Chỗ đâu nữa mà chen!
- Ối trời ơi, sao mày để đít lên đầu tao thế hả nhóc?
- Trời đất, cái thằng ôn này! Sao mày đạp lên chân tao thế hử?
Bọn Quý ròm đi đến đâu những tiếng la hét vang lên điếc tai tới đó. Ba đứa vừa len lỏi qua những cẳng chân ken san sát, vừa luôn miệng “xin lỗi” kèm theo nụ cười giả lả.
Ngay cả khi đến nơi rồi vẫn chưa yên chuyện.
- Này, này! - Vừa thấy bọn Quý ròm kéo tới, một anh thanh niên to béo trừng mắt nạt – Ba thằng nhóc này ở đâu mọc ra đây? Chỗ này là chỗ của bạn tao đấy nhé!
Tiểu Long quẹt mũi năn nỉ:
- Anh làm ơn! Tụi em chỉ đứng xem thôi mà!
Giọng điệu van xin thảm thiết của Tiểu Long có lẽ khiến anh thanh niên động lòng. Anh nhìn khắp bọn Quý ròm thêm một lượt rồi hạ giọng:
- Thôi được! Nhưng đứng túm tụm vào đấy! Thằng bạn tao đi mua bánh mì sắp quay trở lên rồi đấy!
Bọn Quý ròm mặt tươi hơn hớn như tù nhân được lệnh ân xá. Chúng vui vẻ tựa lưng vào tường, quay đầu nhìn ra sân.
Ban trưa, trời nóng hừng hực. Bốn khán đài đặc người khiến không khí dường như bị nén lại.
Trên đường piste chạy quanh sân, lực lượng cảnh sát giữa trật tự rải dày, mặt người nào người nấy nhìn lom lom lên khán đài đề phòng khán giả tràn xuống sân. Không khí ngột ngạt cứ như trước một trận công đồn chứ không phải trước một trận đấu bóng đá.
Chỉ có thảm cỏ xanh mới giúp cho không khí bớt ngột ngạt. Màu cỏ tươi, lấp lánh dưới nắng làm mắt nhìn dịu
Quý ròm cởi phăng áo quấn lên đầu, than:
- Nóng quá!
Văn Châu liếc bạn, nói:
- Đợi chút nhé!
Dặn xong, không để Tiểu Long và Quý ròm kịp hỏi lại, nó quay mình len vào giữa rừng người.
Quý ròm ngó Tiểu Long:
- Nó đi đâu thế hả mày?
Tiểu Long lắc đầu:
- Tao cũng chả biết!
Nói xong, Tiểu Long thản nhiên đưa ổ bánh mì lên miệng gặm. Như sực nhớ ra, Quý ròm lật đật làm theo.
Hai đứa ăn gần hết nửa ổ bánh mì thì Văn Châu về tới. Tay nó cầm đong đưa ba bịch nước xá xị có kèm ống hút. Nó chìa hai bịch ra trước mặt:
- Phần hai bạn nè! Uống cái này vào sẽ hết thấy nóng liền!
Quý ròm toét miệng cười:
- Cảm ơn nhé! Lần sau có vé xem bóng đá, tôi sẽ rủ bạn đi nữa!
Văn Châu chẳng buồn để ý đến lời pha trò của Quý ròm, nó vừa gặm bánh mì văn khoăn:
- Chả biết lát nữa đội Hy Vọng có thắng nổi đội Điện Lực Hoà Bình không?
- Sao lại không thắng? – Như bị chạm nọc, Quý ròm gân cổ - Thắng tới bốn, năm quả nữa ấy chứ!
Tiểu Long cười hì hì:
- Chỉ cần thắng một quả thôi! Như vậy đủ đoạt cúp rồi!
Quý ròm hung hăng:
- Thắng một quả thì thắng làm gì! Hôm nay chắc chắn trung phong Sĩ Hoàng sẽ lập một hat-trick!
Tiểu Long quẹt mũi:
- Toàn nói trạng!
- Để rồi xem! - Quý ròm đấm tay vào không khí – Trung phong xuất sắc nhất nước mà không đá thủng lưới đối phương ba bàn thì còn quái gì danh tiếng!
Quý ròm hăng máu, nói ngang như cua. Biết tính bạn, Tiểu Long không buồn cãi. Cũng như Quý ròm và Văn Châu, Tiểu Long vốn là cổ động viên của đội Hy Vọng. Những khi đội Hy Vọng đá trên sân khách, tụi nó không đi theo được, còn hầu hết những trận đội Hy Vọng đá trên sân Thống Nhất, tụi nó đều kéo đi xem và hò hét cổ vũ, có hôm chen lấn đến rách toạc cả áo.
Riêng Quý ròm và Văn Châu đặc biệt ngưỡng mộ trung phong Sĩ Hoàng. Hai đứa đều là thủ lĩnh trên hàng tấn công của đội bóng trường mình nên xem trung phong sắc bén Sĩ Hoàng là thần tượng, là mẫu5; tụi nó bắt chước.
Với lối đi bóng khéo léo, với kỹ thuật qua người hoàn hảo và những cú sút sấm sét, hóc hiểm trong mọi tư thế, trung phong Sĩ Hoàng không chỉ là vua làm bàn của đội Hy Vọng mà còn là trung phong không thể thiếu của đội tuyển quốc gia.
Nhưng dù sắc bén đến mấy, trung phong Sĩ Hoàng cũng chẳng dễ sút tung lưới đội Điện Lực Hoà Bình ba quả trong trận đấu quan trọng chiều nay được! Tiểu Long nghĩ thầm như vậy nhưng thấy mặt Quý ròm đỏ gay như con gà chọi, nó không tiện phản bác.
Đang nghĩ vơ vẩn, Tiểu Long bỗng nghe Quý ròm hét toáng:
- Ê, ê, xem kìa!
Tiểu Long ngẩng đầu nhìn theo tay chỉ của bạn.
Ở phía khán đài C đối diện, giữa rừng người nhấp nhô bỗng hiện ra sáu, bảy tấm băng-rôn cổ động cho đội Hy Vọng.
Tiểu Long nheo mắt lẩm nhẩm đọc: “Đội Hy Vọng quyết thắng”, “Anh em ơi, toàn thắng ắt về ta”, “Đội Hy Vọng: Chủ nhân mới của Cúp quốc gia”… Lại có cả một câu chơi chữ: “Đội Hy Vọng luôn luôn hy vọng”.
Văn Châu gật gù:
- Đáng lẽ mình nên mua vé ngồi khán đài C. Cổ động viên đội Hy Vọng tập trung bên đó.
Quý ròm cười khoái trá:
- Ngồi đâu chẳng được! Ngồi đối diện càng thấy rõ khí thế của phe mình!
Đang hào hứng, tự nhiên mặt Quý ròm bỗng xám ngoét. Thấy nó chết sững, Văn Châu và Tiểu Long vội hỏi:
- Gì thế?
Quý ròm không đủ sức để nhấc tay nhấc chân. Nó chỉ lắp bắp:
- Khán đài… ài… B!
Tiểu Long và Văn Châu liền đánh mắt sang khán đài B. Hoá ra bên khán đài này, băng-rôn, biểu ngữ giăng mắc còn la liệt hơn cả khán đài C. Toàn là băng-rôn cổ động cho đội Điện Lực Hoà Bình.
Không biết cổ động viên của đội Điện Lực Hoà Bình đã giấu các thứ này ở đâu, khi nãy băng-rôn chỉ giương lác đác, bây giờ đột nhiên phủ rợp cả khán đài.
Bên cạnh những câu cổ vũ thông thường, còn có những câu rặt giọng khiêu khích: “Chiều nay đội “Điện Lực sẽ đè bẹp đội Điện Giựt”, “Hoà Bình = Hốt Bạc, Hy Vọng = Hết Vốn”. Lại có những câu nhại lại băng-rôn của đội Hy Vọng và viết thêm một cách độc địa: “Đội Hy Vọng luôn luôn hy vọng và luôn luôn… thất vọng”.
Bây giờ thì Tiểu Long và Văn Châu hiểu ra tại sao thằng Quý ròm lanh mồm lẹ miệng lại thuỗn mặt như thằng bù nhìn giữ dưa thế.
Tiểu Long nóng gáy không thua gì Quý ròm. Nhưng là con nhà võ, nó trầm tĩnh hơn. Con nhà võ mà không giỏi kềm chế chắc suốt ngày đánh nhau. Nó vỗ vai bạn:
- Thôi bỏ đi! Tức làm quái
- Bỏ đi sao được mà bỏ đi! - Quý ròm nghiến răng trò trẹo – Phe Điện Lực khiêu khích như thế, bố ai mà nhịn được!
Tiểu Long chép miệng:
- Chứ không nhịn được thì mày làm gì?
- Làm gì hả? - Quý ròm ấp úng, quả thực nó cũng chẳng biết phải làm gì – Thì để tao nghĩ xem…
Đang bối rối, Quý ròm chợt nhìn thấy người thanh niên nhường chỗ khi nãy loay hoay dỡ chiếc thùng các-tông che nắng trên đầu xuống. Anh hăm hở xé chiếc thùng giấy thành một tấm bìa dài, bày xuống bục xi-măng rồi rút cây viết sáp thủ sẵn trong túi áo ra…
- Anh làm gì thế? - Quý ròm ngạc nhiên hỏi.
Anh thanh niên lúc này đã ngồi xổm trước tấm bìa ngước mặt cười đáp:
- Viết biểu ngữ! Mình phải tăng cường cổ động cho đội nhà chứ!
Quý ròm liền ngồi thụp ngay xuống, chìa tay ra:
- Anh đưa em viết cho! Em viết bằng thơ lục bát đàng hoàng!
Mắt anh thanh niên trố ra:
- Thơ?
Sợ anh thanh niên từ chối, Quý ròm ba hoa:
- Anh yên tâm! Gì chứ thơ thì em rành lắm! Em đăng thơ trên báo Khăn Quàng Đỏ hoài!
Anh thanh niên không biết Quý ròm đang dóc tổ, liền khoái trá đưa viết cho ông nhóc.
Quý ròm mừng rơn. Nó hí hửng cầm cây viết, nhíu mày một thoáng rồi quạt lia quẹt lịa lên tấm bìa.
Anh thanh niên, Văn Châu, Tiểu Long và một số khán giả đứng chung quanh tò mò chụm đầu dòm.
Thấy có người chú ý, “thi sĩ Bình Minh” càng khoái chí. Cây viết sáp chạy nhoáng nhoàng như rồng bay phượng múa:
- Nực cười châu chấu đá xe…
Anh thanh niên vừa nhẩm đọc vừa gật gù:
- Hay lắm! Câu này rất thích hợp với trận đấu hôm nay!
Nhưng chủ nhân tấm bìa không hào hứng được lâu. Đến khi Quý ròm viết tiếp câu thứ hai:
- Tưởng rằng Hy Vọng ngã, ai dè Điện Lực nghiêng!
Thì mặt anh thanh niên lập tức sa sầm. Anh giật phắt cây viết trên tay Quý ròm, sừng sộ:
- Mày viết bậy bạ gì thế hả nhóc?
- Bậy bạ gì đâu! - Quý ròm liếm môi – Đây là ca dao, em sửa lại cho hợp tình hợp cảnh...
- Hợp tình hợp cảnh cái đầu mày!
Anh thanh niên giọng vẫn hầm hầm. Rồi anh đảo mắt nhìn ba đứa nhóc trước mặt, gằn giọng:
- Tụi mày là cổ động viên của đội nào?
Cảm nhận được điềm chẳng lành, Quý ròm đứng im re. Thằng Tiểu Long chậm chạp cũng ngậm miệng hến. Chỉ có Văn Châu là thản nhiên:
- Đội Hy Vọng!
Anh thanh niên hừ mũi:
- Cổ động viên đội Hy Vọng sao không ngồi bên khán đài C mà len qua đây?
Rồi trước vẻ sửng sốt của bọn Quý ròm, anh ngồi xuống hí hoáy bôi bôi xoá xoá, sửa lại câu thơ. Đến khi anh hai tay cầm tấm bìa các-tông giơ lên cao khỏi đầu thì câu biểu ngữ đã thành “Nực cười châu chấu đá xe. Tưởng rằng Điện Lực ngã, ai dè Hy Vọng nghiêng!”
Quý ròm liếc tấm băng-rôn, bụng giật thót: “Hú vía! Thì ra anh ta là cổ động viên của đội Điện Lực”.
Truyện khác cùng thể loại
43 chương
103 chương
10 chương
20 chương
22 chương