Chuyện hai đứa sắp được lên ti-vi khiến Quý ròm khoái chí vô kể. Nó nôn nao tính đếm từng ngày, mong cho chóng đến thứ sáu.
Sáng thứ sáu, lúc tan học, Quý ròm đón nhỏ Hạnh ngay trước cổng trường, hạ giọng ra bộ bí mật:
- Chín giờ tối nay Hạnh nhớ bật ti-vi đấy nhé!
- Có gì hay không?
- Có! Hay lắm!
- Chương trình gì vậy? - Nhỏ Hạnh tò mò.
Quý ròm nhún vai:
- Thì mở ra coi rồi sẽ biết!
Buổi chiều, Quý ròm cũng nói với nhỏ Diệp y như vậy:
- Chín giờ tối nay mày nhớ bật ti-vi đấy nhé!
- Có cải lương hả?
- Không phải.
- Hay là bóng đá?
- Cũng không phải.
Nhỏ Diệp trố mắt:
- Chứ có cái gì?
Quý ròm nhếch mép:
- Thì mày cứ mở ti-vi rồi biết!
- Sao anh không mở mà phải là em? - Nhỏ Diệp cắc cớ hỏi.
Quý ròm khịt mũi:
- Tối nay tao không có nhà!
- And đi đâu vậy?
Thấy nhỏ Diệp cứ hỏi lần tới, Quý ròm sầm mặt, làu bàu:
- Tao đi đâu kệ tao, mày thắc mắc làm chi!
Bị anh rầy, nhỏ Diệp tức mình dọa:
- À, chín giờ tối mà anh còn đi nhong nhong ngoài đường há! Em méc mẹ cho coi!
Quý ròm bĩu môi:
- Cho mày méc!
Thực ra Quý ròm chẳng đi đâu long nhong. Nó chỉ định chạy qua nhà Tiểu Long. Nó muốn trải qua cảm giác thích thú khi chứng kiến phản ứng của gia đình Tiểu Long lúc con mình bất ngờ xuất hiện trên ti-vi như một người hùng.
Nhưng khi đặt chân qua ngưỡng cửa nhà bạn, Quý ròm vô cùng sửng sốt khi thấy mọi người đều sinh hoạt bình thản, còn chiếc ti-vi trắng đen thì đang nằm lặng câm trên đầu tủ.
Liếc đồng hồ, thấy gần tới chín giờ, Quý ròm hoảng hốt ngoắc Tiểu Long:
- Ti-vi nhà mày lại hư hả?
- Không.
- Vậy sao mày không bật lên coi?
Tiểu Long ngó lơ chỗ khác:
- Tao không muốn.
- Không muốn? - Quý ròm há hốc miệng - Sao lại không muốn?
- Tao cũng chẳng biết! - Tiểu Long gãi gáy, ấp úng - Có lẽ tại tao thấy nó kỳ kỳ sao ấy!
- Thôi đi, đừng có điên! - Quý ròm hừ giọng - Mày không mở thì tao mở!
Nói xong, Quý ròm rảo lại chỗ chiếc máy, thò tay bậc công tắc. Tiểu Long tính kêu lên nhưng rồi sợ ba mẹ và hai ông anh nghe thấy, đành đứng lặng người tại chỗ nhăn nhó trông theo.
Ti-vi mở đúng ngay lúc chương trình an ninh trật tự trong tuần mới bắt đầu.
Mọi người vừa hướng mắt về phía màn ảnh truyền hình đã vội ngẩn người ra khi thấy Tiểu Long và Quý ròm đang ngồi... trong đó.
- Ba ơi! Mẹ ơi! - Nhỏ Oanh reo lên thích thú - Có anh Long và anh Quý ở trong ti-vi nè!
Còn mẹ Tiểu Long thì ôm ngực:
- Ối trời ơi! Con làm gì mà người ta bắt con về đồn công an thế con?
Tiểu Long chưa kịp đáp thì ba đã hắng giọng:
- Im nào! Ðể xem thử là chuyện gì!
Mọi người liền im lặng dán mắt vào màn hình.
Trước khi Tiểu Long trả lời "phỏng vấn" anh sĩ quan công an biểu dương một cách trân trọng thành tích bắt cướp trên đường phố của nó và Quý ròm, còn giới thiệu cả địa chỉ nhà ở, khu phố, phường, quận hai đứa đang ở nữa.
Cả nhà lập tức ồn ào hẳn lên.
Nhỏ Oanh vỗ tay đôm đốp:
- Anh Long ném bóng tài quá! Trúng ngay chân kẻ cướp!
Ba e hèm một tiếng:
- Chuyện thế mà nó giấu biệt!
Mẹ thở phào và buông hai tay ra khỏi ngực:
- Vậy mà cứ tưởng nó làm chuyện gì bậy!
Anh Tuấn và anh Tú cũng cười cười nhìn về phía Tiểu Long khiến nó bối rối đưa nắm tay lên quệt mũi.
Quý ròm bật ti-vi xong, chạy lại ngồi cạnh Tiểu Long. Nó huých khuỷu tay vào hông bạn:
- Thích nhé!
Khiến thằng này ngượng đỏ mặt.
Nhưng cả nhà chỉ náo nhiệt vui vẻ được lúc đầu. Ðến khi Tiểu Long trả lời anh công an về động cơ tập ném bóng của mình thì không khí đột nhiên trĩu xuống.
Một nỗi xúc động pha lẫn buồn bã dần len vào trái tim mọi người. Ngay cả Quý ròm vốn là đứa biết đầu đuôi tự sự, vậy mà bây giờ nghe Tiểu Long bùi ngùi thuật lại trên ti-vi nỗi mơ ước tuyệt vọng của em mình về một món đồ chơi vốn dĩ bình thường đối với bao gia đình khác, cũng như sự phấn đấu và khổ luyện âm thầm của mình để cố kiếm con gấu nhồi bông về cho em, nó không khỏi cảm thấy nao nao.
Nhỏ Oanh lúc nãy hào hứng là thế, bây giờ cũng ngồi buồn xo, mũi khịt khịt còn mắt thì đỏ hoe.
Thấy tình hình có vẻ nặng nề, vả lại biết đây là chuyện riêng của gia đình bạn, Quý ròm đứng dậy chào về.
Quý ròm vừa khuất sau cánh cửa, nhỏ Oanh vội vàng nhỏm dậy chạy vụt lại chỗ Tiểu Long, đấm thùm thụp vào lưng anh, trách móc bằng một giọng sụt sịt:
- Vậy mà anh dám nói xạo em là anh tập ném chim hén!
Tiểu Long không nói gì, cũng chẳng dám nhìn ai. Nó dán mắt vào hai bàn tay đặt trên đùi, tự dưng thấy buồn vô hạn.
Mãi một lúc, nó nghe tiếng mẹ thở dài:
- Thật khổ thân chúng mày! Sao chúng mà không nói sớm với ba mẹ?
Mẹ nói "chúng mày" nhưng Tiểu Long biết là mẹ nói với mình. Nhưng làm sao nó có thể nói với ba mẹ những chuyện như thế này được. Hằng ngày ba mẹ phải lo toan biết bao nhiêu là chuyện. Nó không nỡ làm cho ba mẹ phải bận lòng thêm. Hơn nữa, ba mẹ cũng chẳng có tiền. Nếu muốn mua được con gấu bông cho nhỏ Oanh, ba mẹ phải chắt bóp, dành dụm trong rất nhiều ngày. Không, Tiểu Long không bao giờ muốn thế!
Suốt buổi tối hôm đó, ba không nói một tiếng nào. Ba cũng chẳng trách Tiểu Long. Nhưng không vì vậy mà Tiểu Long thấy nhẹ nhõm hơn. Nhìn ba nằm lặng lẽ hút thuốc trên chiếc ghế bố đằng góc nhà, Tiểu Long cứ nghe lòng mình bồn chồn sao sao ấy.
Vẻ trầm ngâm khác thường của anh Tuấn và anh Tú càng khiến Tiểu Long thêm xốn xang. Cả hai không hẹn mà cùng leo lên đi-văng buông mùng ngủ sớm, bỏ hẳng cuộc đấu cờ thường lệ.
Tiểu Long nằm trằn trọc đến tận nửa đêm, lòng cứ thấp thỏm mong trời chóng sáng. Ngày mai đã là thứ bảy. Sau thứ bảy là chủ nhật. Chủ nhật, nó và Quý ròm sẽ quay lại Ðầm Sen. Lần này, nó nhất quyết sẽ tập trung tinh thần cao độ cho cuộc quyết đấu. Nó sẽ ném đổ năm chồng lon liên tiếp ngay từ loạt bóng đầu tiên. Nó sẽ đem con gấu bông về cho em gái nó ngay trong chiều hôm đó. Nhỏ Oanh sẽ hớn hở ôm con gấu bông vào lòng nựng nịu "Ngủ đi, gấu bông ngoan của chị!" thay vì giả vờ ôm chiếc gối vải như trước nay.
Trong trí tưởng tượng của Tiểu Long, lúc đó đôi mắt nhỏ Oanh sẽ long lanh như hai giọt nước và miệng thì cười toe toét khoe cả hàm răng sún ra ngoài. Còn nó thì đứng bên cạnh, hai tay chống nạnh, âu yếm nhìn em với vẻ tự hào. Dĩ nhiên chia sẻ niềm vui với nhỏ Oanh còn có ba mẹ và anh Tuấn anh Tú nữa. Mặt mày mọi người đều rạng rỡ, hân hoan. Và hẳn nhiên trong nhà lúc đó ngập tràn một thứ không khí vui tươi, nhẹ nhõm. Chứ chẳng nặng trĩu như bữa nay, mặt mày ai nấy đều dàu dàu nghĩ ngợi.
Nghĩ đến tình cảnh hiện tại, Tiểu Long lại thấy bứt rứt khó ngủ. Mãi đến quá nửa đêm, khi tiếng xe vọng lại từ ngoài đầu hẻm thưa thớt dần, nó mới chập chờn mệt mỏi thiếp đi.
Chỉ đến sáng, khi đến lớp học, được bạn bè xúm lại khen ngợi và tò mò hỏi han, Tiểu Long mới tạm quên đi nỗi phiền muộn.
- Hồi hôm, tao thấy mày với thằng Quý ròm trên ti-vi nè! - Một đứa khoe.
- Tao cũng thấy nữa! - Ðứa khác vội tiếp lời - Tao còn khoe với ba mẹ tao là tụi mày học chung lớp với tao!
Lại một đứa rụt cổ, xuýt xoa:
- Tụi mày gan thật! Gặp tao là tao chả dám! Nhỡ bọn cướp móc súng ra "pằng" một phát thì banh xác!
- Xì! - Ðứa đứng cạnh bĩu môi - Tên cướp này làm gì có súng!
- Sao mày biết?
- Sao lại không biết? Nếu có súng thì nó đã móc ra "pằng" thằng Tiểu Long và thằng Quý ròm què giò từ khuya rồi!
Tiểu Long mỉm cười nhìn các bạn đấu khẩu. Nó chẳng quan tâm đến việc tên cướp hôm nọ có mang súng trong người hay không.
Nhưng Quý ròm thì không chịu được. Nó cảm thấy rượt bắt một tên cướp không có vũ khí trong tay chẳng có vẻ gì là "phiêu lưu mạo hiểm" cho lắm. Hơn nữa, giọng điệu coi thường của đứa bạn vừa rồi càng khiến nó lộn ruột. Vì vậy, nó hừ mũi:
- Tên cướp không có súng nhưng có dao!
- Dao?
- Ừ. Con dao nhọn hoắt. Chỉ cần nhìn thấy con dao đó thôi thì là khối đứa đã vỡ mật ra rồi!
- Nó cầm dao trong tay à?
- Tất nhiên rồi! - Quý ròm nhún vai - Nếu nó không cầm trong tay thì làm sao tao biết con dao nhọn hoắt!
- Eo ơi, thế nó có đâm tụi mày không?
- Không đâm thì nó rút dao ra làm gì? Chẳng lẽ để... gọt khoai tây? - Thấy thằng bạn hỏi tới hỏi lui với vẻ nghi ngờ, Quý ròm cáu kỉnh vặn lại.
Người đối thoại gãi gãi đầu:
- Nhưng nếu vậy thì tại sao hai đứa mày lại... chẳng xây xát một tí tẹo nào?
- Xây xát thế nào được mà xây xát! - Quý ròm đáp bằng giọng khinh khỉnh - Nó vừa rút dao đâm tới là tao dùng thế võ Oshin đá văng con dao đi chứ lại!
Thế võ của Quý ròm khiến tụi bạn tròn xoe mắt:
- Mày vừa nói thế võ gì thế?
Sực nhận ra mình vừa quen miệng nói bừa, Quý ròm lúng túng chữa lại:
- À, à, tao vừa nói đến thế võ... Ô... Ô-tô-ca...
Thấy bạn mình nói lại lần thứ hai vẫn trật, Tiểu Long vội vàng đỡ lời:
- Osoto-Otoshi!
- À, đúng rồi! - Quý ròm chộp ngay lấy cơ hội - Ðó là thế Osoto-Otoshi! Thế võ này mày mới dạy nên tao chưa kịp nhớ tên!
Thấy Quý ròm tự dưng tôn mình lên làm "sư phụ" ngang xương, Tiểu Long dở khóc dở cười. Nhưng vì Quý ròm lỡ ba hoa quá trớn, đang lăm vào thế kẹt, Tiểu Long đành làm thinh.
Còn tụi bạn thấy Quý ròm đem Tiểu Long ra làm bằng chứng, đứa nào đứa nấy tin ngay. Tiểu Long tay chân cứng như thép nguội, lại mang đai đen đệ nhị đẳng Taekwondo. Nó ít chơi trò đánh nhau nhưng một khi đã ra đòn, đối thủ chỉ có nước bò càng. Ðiều đó đứa nào cũng biết. Vì vậy, một khi nó đã dạy võ cho Quý ròm thì chắc chắn cái thằng còm nhỏm còm nhom này không phải là hạng xoàng.
Nhờ uy tín của Tiểu Long mà trong nháy mắt tụi bạn đang bu quanh kia đã nhìn Quý ròm bằng một con mắt khác. Và Quý ròm sướng phổng mũi khi nghe có tiếng xuýt xoa:
- Cái thế võ Osoto gì đó ghê thật! Vậy mà tao cứ tưởng những đứa tay chân gầy khẳng gầy kheo không biết đánh nhau chứ!
Chỉ có nhỏ Hạnh là biết tỏng trò huênh hoang của Quý ròm. Khi Quý ròm đang khoe khoang vung vít trước đám đông về tài đá văng dao của mình, nhỏ Hạnh đứng nghe, không nói gì. Nhưng đến lúc ra về, nó lại gần Quý ròm, hạ giọng tinh quái hỏi:
- Con dao mà Quý đá văng hôm nọ là con dao bằng nhựa phải không?
Truyện khác cùng thể loại
44 chương
71 chương
51 chương
50 chương
10 chương
23 chương
52 chương