Kiếm động trung châu

Chương 37 : Ma đầu tử cửu trùng thần phục thoát nguy nan tứ lão tranh ngôi

Lại nói, sau mấy mươi chiêu giao tranh, Bạch Cốt Hung Thần bị Quan lão tấn công rất rát khiến lão ma chỉ toàn chống đỡ chứ chẳng thể phản kích lại được chiêu nào. Lão động nộ gầm thét vang trời. Rồi đột nhiên, lão ma bất kể nguy hiểm bản thân, vung song chưởng tấn công thẳng vào thượng bàn của Quan lão. Hành động đồng quy ư tận của lão ma đã nằm ngoài sự tiên liệu của mọi người. Bọn người bên Cửu Trùng Giáo, đồng bọn của lão ma, cũng rất bất ngờ khi chứng kiến hành động ấy. Và bọn họ cũng đã ít nhiều giảm bớt sự tôn kính đối với lão ma, vốn là giáo chủ của bọn họ. Còn về phần Quan lão lại càng bất ngờ hơn trước diễn biến ấy. Lão ma có thể đồng quy ư tận cùng đối thủ, nhưng Quan lão thì không. Trước tình huống bất ngờ, Quan lão cũng chẳng nao núng, liền đưa vội tả chưởng lên cao ngang ngực, rồi lại xoay tròn, dùng thế “Hoành đoạn vân sơn” vung xéo ra, trong khi hữu thủ cầm ngọn bút tiếp tục vẽ vòng tròn. Lập tức, một luồng kình lực kín đáo nhưng mạnh mẽ ào ạt tuôn ra ngăn đón song chưởng của Bạch Cốt Hung Thần. Rồi nhân lúc đó, Quan lão vội nhảy lui về phía sau. Vừa trụ bộ, hai tay Quan lão đã nhanh chóng vòng lại như đang ôm lấy vầng nhật nguyệt, chân khẽ bước xéo về phía trước, chuẩn bị khởi thế công. Chiêu thức này chứa đựng bên trong cả công lẫn thủ, quả nhiên rất lợi hại. Không ngờ, song chưởng mà Bạch Cốt Hung Thần vừa đánh ra chỉ là hư chiêu. Chỉ chờ khi Quan lão nhảy lùi lại phía sau, chưởng thế của lão ma bỗng chuyển hướng đánh thẳng xuống mặt đất, rồi nhờ vào lực đạo đó, thân hình lão bắn vụt lên không, nhào lộn nửa vòng, lướt đi như một luồng điện chớp. Thế nhưng, thân hình lão ma hãy còn đang lơ lửng trên không thì chợt nghe có tiếng quát to rằng : - Hãy trở về đi. Tức thì, lão ma cảm nhận có bốn luồng kình lực vô cùng mạnh mẽ ào ào cuống tới. Đó là do tứ vị đàn chủ thấy lão ta toan bài đào tẩu nên vội vàng xông ra chặn đầu. Bốn người họ tâm ý tương thông nên cả bốn chưởng đều được đánh ra gần như cùng một lúc, thế mạnh vô cùng. Trước tình hình đó, Bạch Cốt Hung Thần cất tiếng hừ lạnh lùng, song chưởng vung lên khoát mạnh một cái, cất tiếng quát to rằng : - Chưa hẳn thế đâu. Khi mấy luồng kình phong vừa va chạm vào nhau thì gây nên một tiếng nổ ầm thật dữ dội. Liền đó, tứ vị đàn chủ bị đẩy bật trở lại. Sắc diện ai nấy đỏ bừng, cảm thấy khí huyết trong người nhộn nhạo, liền vội vận khí điều hòa chân lực. Ánh mắt bốn người họ nhìn chằm chằm Bạch Cốt lão ma với vẻ tức tối. Lúc thường, cả bốn vị đàn chủ cùng hợp chưởng cự địch, vốn dĩ lực lượng chẳng phải tầm thường. Chỉ vì trong lúc cấp bách, ai nấy đều không kịp vận toàn lực, nên mới không đương lại lão ma mà bị đẩy lùi. Bạch Cốt Hung Thần lợi dụng sức phản chấn do sự va chạm nhau của mấy luồng chưởng lực, nương theo đó mà tiếp tục lao người phi thân về hướng ngược lại nhanh như một mũi tên. Nhưng ngay lúc ấy, một bóng trắng từ bên trong cỗ kiệu bay vọt ra nhanh như chớp, chặn ngay trước mặt Bạch Cốt Hung Thần, chưởng kình xô thẳng tới gây thành một trận cuồng phong mạnh mẽ như xô bạt được cả núi đồi. Đó là Giang Hoài Ngọc đã đánh trước để giành thế chủ động, và không cho Bạch Cốt lão ma có đủ thời giờ để chống trả. Chàng đã tiên liệu rằng lão ma sẽ tìm cách đào tẩu nên nãy giờ chàng đã lẳng lặng vận công sẵn sàng, chỉ chờ đợi giây phút này thôi. Vừa rồi, Bạch Cốt lão ma đã xuất thủ đánh nhau với Quan lão, rồi đỡ chưởng của Tứ vị đàn chủ nên chân lực bị hao tổn không ít, trong khi lại chưa có thời gian để điều tức, giúp chân lực khôi phục trở lại bình thường. Thế mà giờ đây, thân hình lão ma vẫn còn đang lơ lững trên không, thì đã bị Giang Hoài Ngọc tấn công bất ngờ với một thế đánh vô cùng mạnh mẽ. Do vậy, lão ma liền bị đẩy bật trở lại, thân hình như cánh diều đứt dây, rơi nhanh xuống giữa cục trường. Tứ vị đàn chủ khi nãy bị Bạch Cốt lão ma đẩy lùi, trong lòng còn đang căm tức. Ngay khi vừa kịp khôi phục chân lực, thì bỗng nhiên lại thấy lão ma rơi thẳng xuống ngay trước mặt. Cả bốn người liền chụp lấy khí giới trong tay bọn thủ hạ, đồng loạt xông tới nhằm vào lão ma chém nhầu. Bạch Cốt lão ma trúng phải chưởng lực của Giang Hoài Ngọc, toàn thân tê buốt, chân lực tắc nghẽn nên không kịp ứng phó. Thân hình lão ma tức thì bị chém nát thành hàng trăm mảnh, máu thịt tơi tả nhuộm hồng mặt đất. Một đại ma đầu oai danh lừng lẫy, khét tiếng một thời đã phải nhận lãnh một cái chết thê thảm như thế, khiến ai nấy cũng đều kinh tâm động phách. Khi ấy, Giang Hoài Ngọc sau khi đã đẩy lùi được Bạch Cốt lão ma trở lại, chàng nhẹ nhàng hạ thân xuống đất, đưa mắt nhìn thân xác lão ma mà khẽ thở dài. Chàng vốn không có ý định hạ sát lão. Chàng đứng ngẩn người giây lâu. Ngọn đông phong nhè nhẹ thổi cuốn tà áo chàng tung bay lất phất. Toàn thân chàng tuyền một màu trắng tinh anh, trông chàng thật thanh tú tuấn mỹ tuyệt luân. Không gian yên ắng một lúc lâu. Cái chết thê thảm của Bạch Cốt Hung Thần đã khiến cho mọi người tại trường trong lòng cảm thấy chấn động. Nhất là bọn năm người còn lại của Cửu Trùng Giáo. Bọn họ thấy giáo chủ thảm tử thì biết đại cuộc đã hỏng, nếu không mau tìm đường đào tẩu tất sẽ bị thiệt thân. Thế nhưng … Cả bọn đưa mắt nhìn quanh. Đối phương hiện đã vây kín tứ bề. Xét thực lực song phương, cả bọn tự biết không còn cơ hội thoát thân. Năm người dáng vẻ thiểu não, sắc mặt xám ngắt, đành đứng yên tại chỗ chờ xem động thái của đối phương. Giang Hoài Ngọc chợt khẽ thở ra, quay lại nhìn bọn năm người Cửu Trùng Giáo. Trong số đó, ngoài một thiếu niên trạc độ đôi mươi, bốn người còn lại đều đã ngoại lục tuần, tóc râu điểm bạc. Chàng đưa mắt quan sát lần lượt từng người một. Cả bọn cúi mặt đứng yên, chịu đựng ánh mắt của chàng. Nhưng ánh mắt chàng không nghiêm lạnh mà lại rất hiền hòa ấm dịu, gây nên một cảm giác thân thiện khó tả. Thái độ chàng ôn nhu hòa nhã, không hề mang tư thế của một người chiến thắng. Chàng bỗng khẽ thở dài, hỏi : - Các khanh giữ địa vị thế nào trong Cửu Trùng Giáo. Chàng dùng từ “khanh”, bọn năm người Cửu Trùng Giáo tuy không hiểu, nhưng bọn Quan lão đã quá hiểu. Chàng đã có ý tha cho bọn họ. Một lão nhân vận y phục theo lối đạo sĩ, gương mặt gầy gò, tướng mạo khắc khổ, nhưng cặp mắt ưng lóng lánh tinh quang, vòng tay đáp : - Bần đạo là Thiên Hư Tử, phó giáo chủ Cửu Trùng Giáo. Còn các vị đây là Tổng Hộ pháp Phan Lạc, các vị Hộ pháp Lỗ Đức, Lỗ Tinh Thiên, và … và … thiếu giáo chủ Phan Thanh Trung. Lão cảm phục khí độ và phong thái của Giang Hoài Ngọc nên đối đáp bằng một thái độ rất nhã nhặn. Giang Hoài Ngọc đưa mắt ngắm nhìn Phan Thanh Trung. Y tuổi trạc hai mươi hai, hai mươi ba, tướng mạo phương phi anh tuấn, nhưng trong ánh mắt lại ẩn chứa ít nhiều sát khí. Chàng khẽ cau mày, hỏi : - Khanh là tôn tử của Bạch Cốt Hung Thần. Phan Thanh Trung lắc đầu nói : - Không phải tôn tử mà là đệ tử. Giang Hoài Ngọc hỏi : - Lệnh sư bị thảm tử như thế. Khanh có thù hận cô gia hay không. Phan Thanh Trung cúi mặt khẽ nói : - Nếu bảo rằng không thù hận thì … là nối dối, nhưng … nhưng … Giang Hoài Ngọc khẽ gật đầu : - Khanh nói thế rất phải. Vậy giờ đây khanh tính sao. Phan Thanh Trung buồn rầu nói : - Tại hạ … đành chịu theo số phận vậy. Biết làm sao hơn. Giang Hoài Ngọc lại hỏi : - Khanh có muốn trả thù cho lệnh sư hay không. Phan Thanh Trung lắc đầu : - Chuyện đó … tại hạ … dù có muốn cũng không đủ khả năng. Đành thôi vậy. Giang Hoài Ngọc gật đầu nói : - Khanh thành thật lắm. Được rồi. Nếu khanh muốn rời khỏi đây thì cứ tự tiện, cô gia cũng không làm khó dễ khanh. Phan Thanh Trung đưa mắt nhìn bốn lão nhân, hỏi : - Thế còn các vị thúc thúc đây thì sao. Giang Hoài Ngọc ngẫm nghĩ giây lát, đoạn nói : - Cô gia chỉ có thể bỏ qua không truy cứu một mình khanh mà thôi. Khanh cứ xuống núi đi. Phan Thanh Trung có vẻ lưỡng lự, chưa muốn bỏ đi. Giang Hoài Ngọc thầm hài lòng. Đột nhiên, nghe Thiên Hư Tử lên tiếng thúc giục : - Hiền điệt nên xuống núi ngay đi. Dù hiền điệt có ở lại đây thì chỉ thêm một người chết nữa chứ có ích gì. Phan Thanh Trung ngần ngừ giây lát rồi quay mình phóng thẳng xuống núi. Giang Hoài Ngọc nhìn theo bóng dáng y mà khe khẽ thở dài. Nếu như y quyết ở lại hoặc van nài chàng tha cho bốn lão kia thì chàng sẽ thu y làm hộ vệ. Thế nhưng … Thiên Hư Tử lại lên tiếng : - Chúa công định xử trí bọn bần đạo thế nào. Giang Hoài Ngọc khẽ cau mày, hỏi lại : - Các khanh nghĩ sao. Thiên Hư Tử vòng tay nói : - Bần đạo xin tùy chúa công định đoạt. Giang Hoài Ngọc hỏi : - Thế còn các vị kia thì sao. Ba lão kia đưa mắt nhìn nhau. Tổng Hộ pháp Phan Lạc ứng tiếng nói : - Bọn lão phu cũng vậy. Nhưng lão phu cũng cần phải nói thẳng ra là chỉ vì ngưỡng mộ phong thái của chúa công chứ chẳng phải vì hèn nhát đâu. Giang Hoài Ngọc gật đầu nói : - Cô gia hiểu mà. Nay Bạch Cốt Hung Thần đã chết rồi. Vậy ai có thể đảm đương trọng trách chủ trì mọi sự ở Cửu Trùng Giáo. Cả bốn lão già đều giật mình kinh ngạc, tròn mắt nhìn Giang Hoài Ngọc, không dám tin ở tai mình. Thiên Hư Tử ngập ngừng nói : - Ý chúa công là … là … Giang Hoài Ngọc lướt mắt quan sát toàn trường, nói : - Bọn giáo chúng chỉ trúng phải thuốc mê nhẹ thôi, chỉ vài canh giờ sau là sẽ hồi tỉnh. Chỉ vì Bạch Cốt Hung Thần hành sự đại nghịch vô đạo nên cô gia đành phải trừng phạt lão, chứ cô gia không có ý định tiêu diệt Cửu Trùng Giáo. Ngôi vị giáo chủ Cửu Trùng Giáo cũng nên có người chấp chưởng. Phải vậy không. Bốn lão già Cửu Trùng Giáo đưa mắt nhìn nhau, trong lòng vẫn còn bàng hoàng, dường như vẫn chưa tin được đấy lại là sự thật. Hồi lâu, Phan Lạc chợt ngẩng nhìn Giang Hoài Ngọc, hỏi : - Chẳng hay chúa công định cho ai làm giáo chủ. Giang Hoài Ngọc nhìn cả bốn lão, hỏi : - Trong các khanh đây, chẳng hay vị nào có thể đảm đương trọng trách giáo chủ Cửu Trùng Giáo. Thiên Hư Tử không cần suy nghĩ, vội ứng tiếng nói ngay : - Bần đạo thân là phó giáo chủ. Lên tiếp nhiệm chức vụ giáo chủ, tưởng đó là một việc chính đáng, hợp tình hợp lý. Phan Lạc lạnh lùng nói : - Ai bảo thế. Hừ. Lão mũi trâu ngươi mà lên làm giáo chủ, lão phu đây là người đầu tiên không phục. Thiên Hư Tử cười nhạt nói : - Chẳng lẽ ngươi xứng đáng hơn đạo gia hay sao. Phan Lạc cất tiếng cười lạnh lùng, tuy không lên tiếng nhưng thâm ý quá rõ ràng. Hai người trợn mắt nhìn nhau, sắc diện hầm hầm, chẳng ai chịu nhường ai. Lỗ Đức chợt nói xen vào : - Phan Lạc. Lão nên nhớ rằng Thiên Hư đạo trưởng dù sao cũng là phó giáo chủ của bản giáo. Còn lão chỉ là Tổng Hộ pháp. Địa vị của lão trong bản giáo vẫn còn thấp hơn Thiên Hư đạo trưởng một bậc. Lão lấy tư cách gì mà tranh giành ngôi vị giáo chủ với đạo trưởng kia chứ. Lỗ Tinh Thiên cất giọng ồm ồm góp lời : - Lão mũi trâu đó chỉ vì được Bạch Cốt Hung Thần sủng ái nên mới được làm phó giáo chủ, có chi mà khoe khoang. Lão ta mà lên làm giáo chủ thì trong bản giáo chẳng có mấy người tin phục đâu. Lỗ Đức lập tức đốp lại : - Thế chẳng lẽ khi ngươi lên làm giáo chủ thì sẽ được mọi người tin phục hay sao. Hừ hừ … Lỗ Tinh Thiên nói : - Lão phu tài hèn sức mọn nên không dám với cao. Nhưng Phan lão thì lại khác. Phan lão mà lên làm giáo chủ chắc chắn sẽ được mọi người tin phục. Phan lão vốn được mọi người trọng nể mà. Lỗ Đức cười gằn : - Chưa chắc đâu. Bốn người tranh cãi đến độ đỏ mặt tía tai. Vì việc ai lên làm giáo chủ can hệ đến địa vị và danh vọng tương lai của bọn họ nên không ai chịu nhường nhịn. Thiên Hư Tử và Lỗ Đức về cùng một phe đấu khẩu kịch liệt với phe Phan Lạc, Lỗ Tinh Thiên. Đôi bên hầm hầm nhìn nhau. Phan Lạc lớn tiếng tuyên bố : - Nếu lão mũi trâu Thiên Hư mà lên làm giáo chủ, lão phu sẽ ly khai Cửu Trùng Giáo ngay lập tức. Thiên Hư Tử cũng lên tiếng đáp lại : - Nếu họ Phan ngươi mà lên làm giáo chủ, đạo gia đây cũng lập tức ly khai. Hai lão nghĩ thế cũng phải. Bởi cả hai đã trở mặt thì chẳng thể nào sống hòa thuận bên nhau được. Thà rằng học theo phân cung Vu Hồ, tự khai môn lập phái mà làm tôn chủ vẫn hơn. Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, song phương gần như đã sẵn sàng lao vào nhau động thủ, Giang Hoài Ngọc vội nói : - Thôi thôi. Đủ rồi. Đừng tranh cãi nữa. Giang Hoài Ngọc vừa lên tiếng khuyên ngăn là cả bọn đã im ngay, không tiếp tục tranh cãi nữa. Nhưng tình trạng căng thẳng vẫn chưa chấm dứt. Cả hai phe đều ngoảnh mặt đi chỗ khác, không thèm nhìn mặt nhau. Sau khoảng thời gian yên ắng đến lặng người, Phan Lạc là người đầu tiên quay lại, hướng về Giang Hoài Ngọc vòng tay nói : - Bọn lão phu không tranh cãi nữa. Chúa công thấy ai xứng đáng thì xin hãy chỉ định. Bọn lão phu sẽ tuân theo ý chỉ của chúa công. Thiên Hư Tử thấy Phan Lạc đã tranh tiên trước, sợ lão giành được cảm tình của Giang Hoài Ngọc nên cũng vội nói : - Phải rồi. Xin chúa công hãy chỉ định. Bần đạo cũng nguyện tuân theo ý chỉ của chúa công. Giang Hoài Ngọc khẽ cau mày, suy nghĩ giây lâu, đoạn đưa ánh mắt hiền hòa nhìn cả tứ lão, nói : - Trước tình hình này, xem ra các khanh khó thể hợp tác với nhau được rồi. Mà cảnh đồng sàng dị mộng cũng không tốt đẹp gì. Thôi thì hãy quyết định thế này. Cửu Trùng Giáo cứ giao cho Thiên Hư Tử khanh gia chấp chưởng. Còn Phan khanh gia nếu không muốn ở lại thì có thể cùng bộ thuộc rời khỏi Cửu Trùng Giáo, khai sáng cơ nghiệp. Như thế được không. Phan Lạc gật đầu vòng tay nói : - Chúa công đã dạy thế thì lão phu xin tuân theo. Lão phu sẽ rời khỏi Cửu Trùng Giáo mà khai bang lập phái. Kính xin chúa công ban cho tự hiệu. Giang Hoài Ngọc nói : - Tự hiệu cho tân bang phái à. Thôi thì hãy gọi là … Thiên Âm Giáo. Về việc khai bang lập giáo, có gì khó khăn, cô gia sẽ giúp cho. Phan Lạc kính cẩn vòng tay vái dài : - Dạ. Vạn tạ ân đức chúa công. Giang Hoài Ngọc lại nói : - Thiên Âm Giáo chủ là Phan khanh gia. Cửu Trùng Giáo chủ là Thiên Hư Tử khanh gia. Vậy, Thiên Âm Giáo phó giáo chủ sẽ là Lỗ Tinh Thiên khanh gia, còn chức vụ Cửu Trùng Giáo phó giáo chủ sẽ giao cho Lỗ Đức khanh gia đảm nhiệm. Được chứ. Vậy là ai cũng được thăng chức, mọi người đều vui vẻ. Cả bốn lão đồng cung kính vái lạy, nói : - Vạn tạ ân đức chúa công. Giang Hoài Ngọc lại quay sang Ngoại sự Tổng quản Bách Lý Hạc nói : - Cả Thiên Âm Giáo mới lập và Cửu Trùng Giáo được tổ chức lại, vị thế đều chưa được vững vàng, thực lực so với Cửu Trùng Giáo ngày trước chắc sẽ yếu hơn rất nhiều. Vậy tiên sinh xem có thể giúp đỡ được chuyện gì thì hãy cố giúp đỡ bọn họ để tăng cường thực lực nhé. Bách Lý Hạc cung kính vâng dạ. Giang Hoài Ngọc lại quay sang tứ lão, nói : - Trong thời gian củng cố tổ chức, mọi người hãy tạm thời đừng hoạt động trong võ lâm mà hãy ráo riết huấn luyện công phu cho giáo chúng để tăng cường thực lực. Chờ đến khi nào thực lực đã vững mạnh rồi thì hãy tái nhập võ lâm. Những việc giao thiệp với các bang phái khác trong võ lâm, các khanh cứ tùy nghi xử lý, không cần mỗi lúc mỗi trình báo với cô gia. Cả bốn lão đồng thanh vâng dạ. Từ nay cả tứ lão đều đã có những thân phận mới, đã là những bậc tôn chủ địa vị hiển hách. Sau một lúc trầm tư, Giang Hoài Ngọc lại nói : - Còn về phần Phan Thanh Trung, tình cảnh nghĩ cũng đáng thương. Vậy các khanh hãy tìm đón y trở về nhé. Cả bốn lão lại đồng thanh ứng tiếng vâng dạ. Từ nãy đến giờ, chỉ có lúc này là lần đầu tiên cả bốn người bọn họ cùng nhất trí về một vấn đề. Chả là cả bốn người họ không ai có con cháu cũng như đồ đệ nên người nào cũng đều thương yêu Phan Thanh Trung như là con ruột của mình, và còn đang định xin cho y được quay về thì Giang Hoài Ngọc đã nói ra trước rồi. Lúc ấy, trời đã tờ mờ sáng. Giang Hoài Ngọc đưa mắt nhìn về ánh bình minh đang dần dần ló dạng ở hướng chân trời. Một ngày mới lại sắp bắt đầu. Chàng lại quay nhìn cảnh đổ nát xung quanh, khe khẽ lắc đầu, thở dài. Đoạn chàng bước vào trong kiệu, khẽ nói : - Hồi giá. Hộ giá Tổng quản Quan Thiên Hữu liền lớn tiếng truyền lệnh : - Truyền khởi giá hạ sơn. Cỗ kiệu được nâng lên từ từ, rồi các đội thị vệ chỉnh tề hàng ngũ, dàn ra tứ phía hộ vệ Giang Hoài Ngọc xuống núi. Sau nữa là đến môn hạ tứ đàn. Tứ đại đàn chủ đoạn hậu, xuống núi sau cùng. Trên đỉnh Cửu Hoa Sơn hiện giờ chỉ còn lại bốn lão già lặng lẽ đứng yên giữa một quang cảnh hoang tàn đổ nát.