Sau hai ngày, tôi mới gửi thư cho Liễu Vỹ Đình. Thực ra tôi không do dự, chỉ không tìm thấy tem mà lại lười đi mua, nên kéo dài thêm một ngày. Tối hôm đó quay về ký túc, tôi lại đọc lại bức thư một lần. Thật kỳ lạ, lúc đầu khi viết bức thư này, trong đầu toàn là nụ cười ngọt ngào của Liễu Vỹ Đình; nhưng trong quá trình đọc lại, những ký ức về Lưu Vỹ Đình lại không ngừng tái hiện. Thậm chí cảm thấy bức thư này nếu viết vì Lưu Vỹ Đình, hình như cũng rất phù hợp. Có điều phải sửa lại từ “nụ cười ngọt ngào.” Nhìn dòng chữ “Người nhận: Lưu Vỹ Đình.” trên phong bì, ngẩn ngơ hồi lâu. Phong bì là phong bì kiểu tây bé xinh, mặt trước in chìm mấy đoá hoa, mặt sau vẽ một cô bé chừng mười tuổi, gương mặt chăm chú nhưng không mỉm cười. Lúc đầu không muốn dùng phong bì tiêu chuẩn để gửi thư tình vì thấy kỳ cục, giống như mặc quân phục hát tình ca vậy. Nhưng phong bì Liễu Vỹ Đình đưa cho tôi là loại tiêu chuẩn. Tôi thở dài, viết trên cột người nhận của chiếc phong bì tiêu chuẩn: Người nhận: Liễu Vỹ Đình. Sau đó bỏ Lưu Vỹ Đình bé xinh vào trong Liễu Vỹ Đình tiêu chuẩn. Dán xong phong bì, mới nghĩ ra đáng lẽ chỉ nên cho tờ giấy viết thư vào thôi, không cần phải bỏ cả chiếc phong bì nhỏ. Nhưng dán thì đã dán rồi, bóc ra sẽ để lại dấu tích, lại càng không ổn. Tôi đặc biệt đến bưu điện lần trước gửi thư đi, nhét thư vào thùng, nghe keng một tiếng. Quay đầu nhìn thùng thư, có một cảm giác kỳ lạ, dường như bức thư đó rất nặng nề. Tận đến trước ngày thứ ba, buổi tối đi ngủ đều không nằm mơ. So với lần đầu gửi bức thư này, không chỉ không nằm mơ, đến cảm giác căng thẳng và chờ đợi cũng biến mất. Ngày thứ ba tuần mới rốt cuộc cũng đến, tôi nhẩm tính giờ tan lớp hồi trước, đến gốc cây thứ ba cách giảng đường 100m về phía trái đợi Liễu Vỹ Đình. Giờ đã là cuối thu, không còn nghe thấy tiếng ve nữa. Từ phía xa xa có một cô gái từ giảng đường đi lại phía tôi, tôi bắt đầu cảm thấy kích động. Dường như đang trở lại khoảnh khắc chờ đợi Lưu Vỹ Đình lúc đầu, thậm chí có thể nghe thấy cô ấy nói: “Chúng ta đi thôi.” Sau đó ánh mắt tôi càng lúc càng mơ hồ. Dụi dụi khoé mắt, khi ánh mắt dần trở nên rõ rệt hơn, nhìn thấy Liễu Vỹ Đình. Tôi bỗng cảm thấy một chút thất vọng. “Bạn có phải là Kha Tử Long viết thư cho mình không?” “Phải.” ”Bạn bắt đầu chú ý tới mình từ bao giờ?” “Tuần thứ hai sau khi khai giảng.” “Nụ cười của mình rất ngọt ngào sao?” “Ừ.” “Thế lúc mình không cười?” “Hừm…” tôi nghĩ một lúc, “lúc không cười đôi mắt rất to.” Liễu Vỹ Đình ngây người ra, trông vẻ mặt như đang quyết định xem nên cười hay không nên cười? Cuối cùng cô ấy quyết định cười. “Có khả năng vừa cười mà mắt vừa to không?” Cô ấy vừa cười vừa hỏi, lại thử mở to đôi mắt. “Cái này rất khó.” Tôi lắc đầu, “Trừ khi là cười giả tạo.” Cô ấy cuối cùng cũng từ bỏ việc vừa cười vừa trợn cho đôi mắt vừa to vừa tròn, cười một trận sảng khoái. Lúc cô ấy cười mắt hơi híp lại, cong thành hình trăng khuyết, đây mới là nụ cười ngọt ngào mà tôi biết. Lúc trước cùng nhau lên lớp, nụ cười này luôn có thể dễ dàng đưa trái tim tôi tới một nơi thật xa thật xa. Tuy sau khi quen với Lưu Vỹ Đình, sức đề kháng của tôi trước nụ cười này dần dần tăng lên; nhưng bây giờ Lưu Vỹ Đình đã đi rồi, không còn cần lý do để đề kháng nữa. Ngắm nhìn nụ cười của cô ấy, tôi hơi thất thần, cho đến khi cô ấy gọi tôi một tiếng, mới tỉnh lại nghe cô ấy nói: “Chúng ta tới bờ biển An Bình ngắm hoàng hôn được không?” Tôi gật đầu. Tôi chở cô ấy bằng xe máy, dọc đường không nói gì với nhau, ngay cả lúc dừng xe đợi đèn đỏ cũng vậy. Lần đầu tiên hẹn hò (nếu được tính là thế) lại đi ngắm mặt trời xuống núi, quả không phải là điềm hay. Sau đó tôi lại nhớ tới Lưu Vỹ Đình. Trước đây khi ở bên Lưu Vỹ Đình, phải sau năm phút làm nóng máy, mới cảm thấy quen thuộc; mà khi tiếp xúc với Liễu Vỹ Đình, lại không có giai đoạn cảm thấy lúng túng xa lạ.