Huyết phượng kỳ duyên
Chương 2 : Bức họa hồn
Am Từ Tâm ở Tô Châu mấy ngày gần đây vừa đến một lão họa sĩ, lão công bố đang giữ trong tay một bức kỳ họa có thể chỉ ra được điềm cát*, sự hung**, xua tan xui xẻo. Tin tức lan truyền nhanh chóng, người người đua nhau đến xem danh họa nối dài đến am Từ Tâm không dứt. Thứ nhất, người ta đến xem vì tò mò bảo bối thần kỳ kia là có thật hay không. Thứ hai, nếu là bảo vật vô giá thì giá cả của nó sẽ cao đến cỡ nào.
(*cát: may mắn. **hung: xui rủi)
Liên tục một tháng ròng, am Từ Tâm kiếm thêm tiền không ít nhưng tranh vẫn chưa bán được, nguyên do ai muốn nhìn tranh này để đoán trước cát hung đều phải chi cho lão họa sĩ mười lượng bạc. Người bình thường chi ra mười lượng bạc ước chừng cũng sống đủ nửa năm, mấy ai dám làm một cuộc làm ăn lỗ vốn như thế? Tin đồn qua lại rốt cuộc người ta cho rằng lão họa sĩ chỉ giở trò lường gạt che mắt thiên hạ chứ chẳng hề có bức kỳ họa nào cả, biết đâu lão ni cô trụ trì am đã thông đồng với lão họa sĩ làm ra việc gạt người cũng nên. Lời xấu đồn nhanh, sư cô trụ trì am đứng ngồi không yên, chủ động triệu tập những bậc đức cao vọng trọng ở thành Tô Châu đến am Từ Tâm để lão họa sĩ đem bức kì họa ra cho mọi người ngưỡng vọng.
Lão họa sĩ thấy trụ trì sư thái ra mặt, cũng không tiện nói thêm mà lấy bức họa cuộn tròn treo ở chính đường xuống từ từ mở ra. Trong tranh là hai bờ sông trải dài, ở chính giữa bức tranh hiện lên cô gái thanh tú môi hồng răng trắng, dịu dàng xinh đẹp, khuỷu tay nhỏ nhắn cắp cái giỏ trúc bước đi thướt tha sinh động. Mọi người thở dài thất vọng, hóa ra chỉ là một bức mỹ nhân đồ tầm thường. Bấy giờ, lão họa sĩ mới mời Tô Châu Huyện thái gia dùng tay vuốt nhẹ bề mặt tranh, kỳ lạ thay, bên trong giỏ trúc của cô gái trẻ dần dần xuất hiện con cá chép đỏ nhảy nhót tưng bừng.
Lão họa sĩ chúc mừng Huyện thái gia: "Chúc mừng đại nhân, sắp tới quý phủ tất sẽ có tin vui."
Huyện thái gia bán tín bán nghi, mọi người chỉ nói lão họa sĩ ăn nói lung tung, nào ngờ buổi trưa hai ngày sau, phu nhân Huyện thái gia sinh hạ lân nhi*. Lúc này, mọi người mới tin tưởng kỳ họa đoán được điềm hung cát.
(*Ngày xưa nói hễ có đấng vương giả chí nhân ra đời thì có con lân hiện ra.)
Trong lúc phú thương đổ về dồn dập ra giá cầu kỳ họa; lão họa sĩ cũng chờ người trả giá cao, ngặt nỗi lão ở Tô Châu quá lâu không thể trì hoãn thêm nữa nên đành bán lại bức họa giá năm ngàn lượng bạc cho Hoàng viên ngoại. Hoàng gia kinh doanh tàu biển bao năm nay đều dựa vào phước trời ban cho, nay có được bức họa này đúng lúc có thể chỉ ra cho lão ta hành trình tàu bè.
Lão họa sĩ nhận bạc liền giao bức họa cho Hoàng viên ngoại, sau đó vội vã cáo từ ly khai thành Tô Châu. Từ ngày Hoàng viên ngoại mua được bức họa bảo bối liền khoe khắp bạn hàng, nhưng cũng lo đề phòng mất trộm nên cho canh phòng cẩn mật.
Lai nói sau khi lão họa sĩ rời đi một tháng, Tô Châu lại xuất hiện hai đạo sĩ dường như là sư tỷ đệ, sư tỷ gọi là Minh Nguyệt, sư đệ là Tấn Hồng.
Hai tỷ đệ đến nha môn thành Tô Châu lấy ra bức họa hỏi bộ khoái nha sai: "Các vị đã từng thấy bức họa nữ tử này chưa?"
Bọn bộ khoái xem qua đều lắc đầu, Công Tôn Linh nhất thời tò mò: "Hai tỷ đệ các người sao không nhờ nha môn tìm giúp mà lại tự mình đi tìm thêm nhọc?"
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng liếc nhìn nhau, nói ra lời làm người khác phải kinh ngạc: "Chúng tôi không phải tìm người mà là tìm hồn, cô nương trong tranh này ba hồn bảy vía đã sắp phiêu tán, nếu không tìm được hồn trả lại thân xác e rằng hồn sẽ biến thành du hồn dã quỷ."
"Tìm hồn ư?" Công Tôn Linh không khỏi lắp bắp kinh hãi, nếu lời này nghe được trước kia chắc nàng sẽ cho rằng hai người này đang đùa giỡn, nhưng từ lần kỳ án cương thi bất tử Ổ Đại Hải thì nàng đã tin tưởng chuyện này đôi ba phần.
Công Tôn Linh hỏi: "Cô nương! Hình dáng hồn như thế nào vậy? Ban ngày ban mặt mà hồn phách có thể xuất hiện sao?"
Minh Nguyệt thản nhiên cười nói: "Hồn phách ai nấy đều giống nhau, người chưa chết mà hồn rời đi khỏi cơ thể gọi là hồn sống, hồn sống không thể rời khỏi thân thể, nếu thời gian hồn rời đi thân thể quá lâu sẽ bị phiêu tán. Vị nữ tử này bị yêu nhân làm hại, bắt mất hồn phách, ta cùng sư đệ lần này chính là đi tìm hồn phách của nàng ta, cứu nàng ta một mạng. Nếu cô nương có nhìn qua tranh có nữ tử này hoặc người nào có hình dạng tương tự thì trăm ngàn lần nhất định phải báo cho ta biết."
Công Tôn Linh nghe vậy mới hiểu được đại khái sự tình, báo cho phụ thân giúp hai người họ dò hỏi nha môn bộ khoái nhưng cũng không tìm ra được một chút manh mối nào. Trùng hợp thay, đúng ngày hôm đó, Huyện thái gia ôm đứa con mới sinh tròn trịa, mũm mĩm ở hậu viện thong thả chơi đùa. Công Tôn Linh liền hỏi thăm Huyện thái gia về bức họa.
Huyện thái gia nhìn bức họa suy nghĩ hồi lâu mới nói: "Người trong bức họa này ta nhớ từng xem qua, quả đúng là người bên trong bức họa thần kỳ"
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng nghe vậy không khỏi vui mừng khôn xiết, lập tức xin Huyện thái gia chỉ rõ nơi nào có bức họa kia, sau đó cùng cha con Công Tôn chạy tới nhà Hoàng viên ngoại xin lấy lại bức họa hồn.
Hoàng viên ngoại vừa nghe xong sự tình, trong lòng sinh ra tia cáu giận nhưng trước mặt cha con Công Tôn cũng không tiện lộ ra, chỉ hờ hững đáp: "Đừng nói là hồn sống, đến hồn chết xưa nay ta cũng chưa từng thấy qua, chớ có dùng lời lẽ kỳ quái hòng lừa gạt ta! Công Tôn Bộ đầu, thật không thể tin được ngay cả ông cũng ép ta phải giao ra bức họa, thật khiến lão phu đây quá thất vọng. Tranh này lão phu bỏ ra những năm ngàn lượng bạc mới mua được, chỉ dựa vào lời nói của hai đứa nha đầu tiểu tử mà muốn lấy đi chắc? Lão phu cũng nên bẩm báo sự tình lên Huyện thái gia để ngài xét xử cho rõ ràng lí lẽ mới được." Hoàng viên ngoại nói xong mặc kệ bốn người tranh cãi, gọi gia nhân tống tiễn ra ngoài.
Cha con Công Tôn bất đắc dĩ đứng nhìn Minh Nguyệt và Tấn Hồng ủ rũ. Hoàng viên ngoại ở thành Tô Châu có tiếng chỉ nhận tiền chứ không tiếp người, nếu muốn không tiền lấy tranh quả thực khó hơn lên trời. Mắt thấy tranh mà không thể lấy về, nếu không thể thu hồi tranh sớm có khác nào cô gái kia sẽ vong mạng, mạng người quan trọng đâu thể bỏ mặc, vì thế hai tỷ đệ liền đứng ở ngoài cửa nhà Hoàng viên ngoại chờ đến khi Hoàng viên ngoại nguyện ý giao bức họa mới thôi. Công Tôn Linh khổ nhọc khuyên can cũng không có kết quả đành tùy ý hai người họ.
Hoàng viên ngoại nghe hạ nhân báo hai kẻ đạo sĩ quyết tâm đợi ngoài cửa cho đến khi lão chịu giao tranh mới thôi, trong lòng không khỏi cười thầm, cho dù hai người họ không nói lời xằng bậy thì trên đời này nào có chuyện ngu xuẩn vì cứu một người mà lão phải mất đi năm ngàn lượng bạc, lão chẳng phải người đại lương thiện càng không phải là Bồ Tát sống.
Liên tục ba ngày, lão suốt ngày ở trong phòng, ngâm mình vào bồn tắm, mở bức họa ra uống trà hương thưởng thức tranh mỹ nữ, chìm đắm trong ý họa tình thơ, tinh thần sảng khoái lim dim thư thái.
Bỗng nhiên, khi lão ngẩng đầu nhìn thấy mỹ nữ trong tranh lặng yên rơi lệ, từng giọt từng giọt tuôn rơi ướt nhòe bức họa. Hoàng viên ngoại hốt hoảng vội vã tìm khăn lau khô giọt lệ mỹ nữ, vội vàng cuộn bức họa lại để lên bàn đau lòng nặng trĩu không thôi. Tư lự một lát, lão sai người ra ngoài cổng gọi hai tỷ đệ đạo sĩ vào cùng lão nói chuyện.
Tỷ đệ Minh Nguyệt nhanh chóng đi vào gặp Hoàng viên ngoại, hai người cứ cho rằng Hoàng viên ngoại đã nghĩ thông suốt, đồng ý giao ra bức tranh để cứu người, nào ngờ Hoàng viên ngoại không nhanh không chậm uống ngụm trà nói: "Người tu hành các ngươi không phải thường nói cứu một mạng người phúc đẳng hà sa sao? Lão phu không phải không có tình người, cảm thấy vẫn là mạng người quan trọng, cứu người lại còn quan trọng hơn, nhưng mà bạc ta đã bỏ ra không ít, không thể cứ thế giao không cho các ngươi được. Thôi thì thế này đi, nếu các ngươi có thể kiếm đủ năm ngàn lượng bạc, lão phu sẽ bán lại bức họa này cho các ngươi."
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng liếc nhìn nhau trong lòng âm thầm kêu khổ, trên người bọn họ ngay cả năm lượng còn không có huống hồ là năm ngàn lượng bạc. Minh Nguyệt bất đắc dĩ tiếp tục thuyết phục Hoàng viên ngoại, khẩn cầu Hoàng viên ngoại đại nhân đại nghĩa rủ lòng thương, đưa tranh họa hồn người nọ cho họ mang về, trở về sơn cốc hai người nhất định mỗi ngày tụng kinh niệm phật cầu phúc cho viên ngoại.
Hoàng viên ngoại nghe vậy suy nghĩ một lát, vung tay áo lên, nói: "Thế này đi, niệm tình các ngươi cũng là người tu hành làm việc thiện, chỉ cần ngươi đưa ra ba ngàn lượng bạc, tranh này ta liền bán cho ngươi".
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng lại nhìn nhau, ba ngàn lượng cũng không phải là con số nhỏ. Hoàng viên ngoại thấy hai người này không biết lí lẽ cũng tức giận sai người tiễn khách. Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng bị hạ nhân tống ra ngoài cửa, Hoàng viên ngoại nhịn không được tức giận xoay người nói: "Ta chịu thiệt ra giá một ngàn lượng, muốn tranh hay không tùy các ngươi." Nhìn thấy Minh Nguyệt và Tấn Hồng không chút động tĩnh, Hoàng viên ngoại hừ lạnh một tiếng, sai người đóng chặt cửa.
Trong nháy mắt đã qua hai canh giờ, Minh Nguyệt cũng không lo lắng, nàng nhìn Hoàng viên ngoại có thái độ điều chuyển, đoán được nhất định bức họa hồn có biến cho nên Hoàng viên ngoại mới nóng lòng đem họa bán đi, hai người lập tức đi tìm cha con Công Tôn, thỉnh cầu họ hỗ trợ làm thuyết khách, cầu Hoàng viên ngoại nhịn đau lòng mà bỏ ra thứ mình yêu thích. Tuy cha con Công Tôn cũng không nắm chắc có kết quả nhưng xem ra hai tỷ đệ này cốt cách phi phàm, toàn thân chính khí, nên cũng kiên trì quay lại cầu Hoàng viên ngoại.
Mặc cho cha con Công Tôn ra sức thuyết phục, Hoàng viên ngoại vẫn không chút động tĩnh, một mực đòi bán tranh một ngàn lượng bạc. Cha con Công Tôn không còn cách nào mà Minh Nguyệt tỷ đệ cũng không hơn, lòng hai người họ nóng như thiêu. Công Tôn Cẩm thấy không thể lay chuyển được Hoàng viên ngoại, lấy hết can đảm bảo Hoàng viên ngoại gọi người đem giấy bút lên viết cam kết nợ một ngàn lượng bạc, mỗi tháng sẽ khấu trừ dần cho đến hết nợ. Tính toán một hồi, cha con Công Tôn không ăn không uống ba năm lương ở nha môn mới trả xong nợ. Cha con Công Tôn nhìn giấy nợ rồi nhìn tỷ đệ Minh Nguyệt mà trăm mối cảm xúc ngổn ngang, đau xót nói không nên lời. (Sâu: tiền là tiền khi không mà mất =))))
Hoàng viên ngoại nhận giấy nợ từ cha con Công Tôn mới đem bức họa ra giao cho Minh Nguyệt, vội vàng sai người tiễn bọn họ rồi đóng chặt cửa. Minh Nguyệt sớm đoán ra bức họa có biến, mở ra đã thấy hình người chỉ nhỏ bằng ngón cái. Công Tôn Linh tức giận mắng Hoàng viên ngoại không giữ chữ tín. Minh Nguyệt mỉm cười nói: "Không hề gì, chỉ cần tranh vẫn còn hồn sống là tốt rồi, hiện giờ phải mau chóng làm cho nữ tử kia hoàn hồn đi thôi." Công Tôn Linh nổi lòng tò mò muốn đi xem tỷ đệ Minh Nguyệt hoàn hồn như thế nào, vì thế Công Tôn Cẩm quay về nha môn còn Công Tôn Linh đi theo Minh Nguyệt - Tấn Hồng tới làng chài ven sông Đông Lâm ở Tô Châu.
Nói là làng chài nhưng thực chất thôn này không đánh bắt nhiều cá cho lắm, tỷ đệ Minh Nguyệt dẫn theo Công Tôn Linh đi nhanh đến gian nhà tranh, gõ cửa bước vào, thấy người nằm trên giường là một nữ tử bị bệnh. Bên cạnh nữ tử có thân hình gầy yếu là người chồng đang chăm sóc nàng ta, vừa thấy tỷ đệ Minh Nguyệt, chồng nàng ta phấn chấn đứng lên khỏi giường bệnh thê tử nói: "Mai nhi ơi! Nàng được cứu rồi! Ân công đã trở lại!".
Nữ tử ngơ ngác nhìn nóc nhà, không có bất kì phản ứng, quả thật giống hồn bay phách tán chứ không như người bình thường. Công Tôn Linh ngắm khuôn mặt nữ tử, vẻ mặt đoan trang y hệt như trong bức họa. Minh Nguyệt nhờ chồng của nữ tử nọ lấy bát nước trong, bút lông quết chu sa. Ở mặt giấy vàng vẽ một đạo phù, nhắm mắt niệm chú, sau đó mở bức họa cuộn tròn ra, lấy bút chu sa điểm ở hồn trong tranh chậm rãi hút ra rồi đẩy vào thân hình nữ tử trên giường. Minh Nguyệt dùng công lực chậm rãi đẩy mười lần, tụ đủ ba hồn bảy vía sáp nhập cơ thể nữ tử. Công Tôn Linh tận mắt chứng kiến hồn phách bị bút chu sa điểm nhập thân thể không khỏi há to miệng ngạc nhiên vì trước kia nàng không hề tin thuyết quỷ thần, nhưng lúc này không thể không tin mà trong lòng đối với tỷ đệ Minh Nguyệt còn khâm phục sâu thêm vài phần.
Đợi đến khi hồn phách nữ tử hoàn nguyên trạng, Minh Nguyệt đưa nước chứa bùa phép cho chồng nữ tử nọ giúp nàng uống, ngày mai tỉnh ngủ nữ tử sẽ phục hồi như trước. Người chồng ngàn lần cảm tạ, lưu lại ba người để báo đáp ơn cứu mạng, ba người cũng không thể từ chối đành gật đầu đồng ý. Đêm xuống, Minh Nguyệt và Công Tôn Linh cùng ngủ trên một chiếc giường, trời đã khuya thế mà hai người vẫn chưa buồn ngủ. Công Tôn Linh nhìn dưới ánh đèn Minh Nguyệt may vá xiêm y cho sư đệ, trong lòng không biết vì sao lại gợn sóng, cười nói: "Chẳng biết vì sao, dù rằng chúng ta quen biết chưa lâu nhưng ta cảm thấy tỷ bất luận đối với ai đều giống như tỷ tỷ, chẳng lẽ người nào tu hành cũng đều từ bi như vậy?"
"Vậy sao?" Minh Nguyệt ngẩng đầu nhìn nàng mỉm cười, dùng răng cắn đứt chỉ, gấp quần áo lại đưa đến phòng Tấn Hồng rồi mới quay trở về phòng cùng Công Tôn Linh lên giường.
Minh Nguyệt nhẹ giọng nói với Công Tôn Linh: "Nhân sinh trên đời khó có thể gặp được tri kỉ, Công Tôn cô nương! Ta thật sự rất vui được quen biết cô."
Công Tôn Linh cũng nói: "Ta cũng vậy, Minh tỷ tỷ, ngày mai chúng ta từ biệt chẳng biết khi nào mới có thể gặp lại nhau đây?"
Minh Nguyệt nói: "Ta cùng sư đệ là đệ tử của Tử Mi chân nhân ở Tu Di Phong, nếu Công Tôn cô nương muốn gặp bọn ta thì cứ đến Tu Di Phong là được."
Công Tôn Linh cười nói: "Được, đến lúc đó ta nhất định phải ngoạn thưởng tiên sơn, tỷ phải giúp ta đến từng nơi tiên cảnh đấy."
Minh nguyệt nhẹ nhàng cười, hướng nàng gật đầu, trên mặt lập tức hiện ra một tia cô đơn, mất mát. Công Tôn Linh đã nhận ra sự khác thường ở nàng, nhẹ giọng hỏi: "Minh tỷ tỷ! Trong lòng có chuyện gì không vui à?"
Minh Nguyệt thở dài đáp: "Công Tôn cô nương! Nói thật ra ta thật sự lưu luyến cô, trên đời này trừ Tấn Hồng ra, ở ngoài dân gian có lẽ chỉ có cô là tốt với ta."
Công Tôn Linh nghe vậy có chút kinh ngạc: "Chẳng lẽ bên cạnh tỷ trừ sư đệ ra, bên ngoài không có ai là hảo bằng hữu sao."
Minh Nguyệt bất đắc dĩ cười, nói: "Không nói nữa, chúng ta nên nghỉ ngơi sớm, ngày mai sáng sớm còn khởi hành ra đi, Công Tôn Bộ đầu không phải phân phó cô đi sớm về sớm sao, nghỉ ngơi sớm chút đi."
Công Tôn Linh thấy nàng không muốn nhiều lời cũng không hỏi lại nữa.
Ngày hôm sau trời vừa hửng sáng, Công Tôn Linh liền bị Minh Nguyệt gọi dậy. Hôm qua còn nhìn thấy một nữ tử ốm yếu trên giường thế mà giờ lại thay đổi nhanh chóng bình phục như người bình thường, tinh thần sáng láng cùng chồng bái tạ ba vị ân nhân cứu mạng. Minh Nguyệt hỏi nữ tử nọ vì sao lại bị bắt hồn đi, nữ tử đáp: "Ngày đó ta cầm giỏ trúc đến dòng suối giặt đồ, không ngờ gặp một ông lão qua đường, lão hỏi thăm đường xuống núi, ta nghĩ nữ tử không nên nói chuyện cùng nam tử xa lạ vì thế không trả lời lão. Lão hỏi ta những ba lần, ta đều không đáp một chữ, nào ngờ về nhà không lâu, ta phát hiện hồn phách rời khỏi người bị dẫn vào bức họa thành oan hồn, bị lão già đó rao bán cho Hoàng viên ngoại."
Tấn Hồng nghe vậy lặng lẽ nói với Minh Nguyệt: "Sư tỷ, ta thấy lão già đó đúng là kẻ chúng ta truy tìm, đáng tiếc lần này đã để vụt mất."
Minh Nguyệt nhỏ giọng nói với hắn: "Không vội, chúng ta trở về hỏi ý sư phụ rồi quyết định."
Nói xong, ba người cáo từ, vừa mở cửa bước ra nhà tranh, phát hiện trước cửa đứng một vị đạo nhân cao gầy, thân mặc hắc bào bay lất phất, đạo cốt tiên, hai mày như kiếm sắc bén.
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng vừa thấy đạo nhân, cuống quýt quỳ gối: "Không biết sư phụ giá lâm, đệ tử không kịp từ xa tiếp đón."
Tử Mi cao nhân nhìn hai người liếc mắt một cái: "Đứng lên cả đi".
Công Tôn Linh đứng phía sau Minh Nguyệt, nhìn Tử Mi dáng vẻ bất phàm, khí thế tiên nhân trong lòng dâng lên kính sợ, hai vợ chồng ngư dân nơm nớp lo sợ không dám ngẩng đầu.
Tử Mi hỏi: "Vi sư lệnh cho các ngươi truy tìm Sa Bút, các ngươi đã tìm được tới đâu rồi?
Minh Nguyệt cùng Tấn Hồng thoáng nhìn nhau, Minh Nguyệt đáp: "Đệ tử...Đệ tử phụ lời căn dặn của sư phụ, vẫn chưa tìm được Sa Bút."
Tử Mi nhìn nàng một cái, hừ một tiếng: "Sớm biết mi không có năng lực ta đã không phái mi xuống núi."
Tấn Hồng cuống quýt giải thích: "Thưa sư phụ! Sư tỷ và con bởi vì cứu người mới không lo truy lùng tung tích Sa Bút, đệ tử nguyện cùng sư tỷ lĩnh tội."
"Đủ rồi" Tử Mi quát lớn một tiếng, nói với Minh Nguyệt: "Minh Nguyệt! Mi ba lần bốn lượt hành sự thất bại, lần này vi sư xuống núi là muốn cho mi biết một việc, mi gia nhập Tu Di Phong đã mười hai năm, từ giờ trở đi, mi không còn là môn đồ của Tu Di Phong nữa, sư đồ chúng ta đoạn tuyệt từ đây, về sau mi hãy tự lo tốt cho bản thân đi. Tấn Hồng! Đi theo ta!"
Minh Nguyệt nghe sư phụ nói xong mà như sét đánh ngang đỉnh đầu, quỳ trên mặt đất ngơ ngác nhìn sư phụ đi xa, vẫn không thể tin chính mình bị trục xuất khỏi sư môn. Tấn Hồng thoáng nghe lời này mà sợ ngây người, cứ ngỡ rằng mình nghe lầm, theo sát sư phụ truy vấn: "Thưa sư phụ! Người vừa nói cái gì vậy ạ? Người trục xuất sư tỷ sao ạ?"
Tử Mi bước nhanh phía trước, lạnh lùng nói: "Chẳng lẽ còn muốn sư phụ nói lần thứ hai?"
Tấn Hồng không khỏi hoảng sợ, quỳ gối ôm chân phải Tử Mi nói: "Sư phụ! Sư tỷ đến cùng đã làm sai việc gì? Mười mấy năm tình nghĩa sư đồ, làm sao có thể nói đoạn tuyệt là đoạn tuyệt được?"
Tử Mi nói: "Có một số việc nói với ngươi nhiều lời vô ích, chung quy chuyện sư phụ đã quyết thì sẽ không thay đổi, ngươi lập tức theo ta về Tu Di Phong, lần này xuống núi ngươi cũng không hoàn thành sứ mệnh, sau khi trở về phải ở Tĩnh Tâm Đường chép phạt 10 lần Đa Tâm kinh, chép xong mới được trở về tiền sơn."
Tấn Hồng không dám dây dưa, quay đầu nhìn Minh Nguyệt không cam tâm, bất đắc dĩ theo chân Tử Mi quay về núi Tu Di Phong.
Công Tôn Linh nhìn thấy sự việc biến chuyển, giật mình chẳng khác nào Minh Nguyệt, nàng lo Minh Nguyệt sẽ xảy ra chuyện, vội kéo Minh Nguyệt đã đông cứng từ dưới đất lên nhưng không biết nên nói gì, chỉ có thể mở lời an ủi: "Sư phụ tỷ đã bỏ đi rồi thì cứ mặc kệ ông ta đi, tỷ cứ theo ta về Tô Châu trước đã, sau khi trở về hẳn cùng cha ta dự liệu, tỷ là bằng hữu của ta, ta quyết không bỏ mặc tỷ đâu".
Nhất thời không biết nói lời nào an ủi, Công Tôn Linh nhìn thấy Minh Nguyệt ngơ ngác thất thần mà lòng có chút đau xót. Không đành lòng nhìn thấy nàng ấy thương tâm như vậy, Công Tôn Linh kiên quyết ôm Minh Nguyệt lên ngựa, thúc ngựa chậm rãi quay về Tô Châu.
Truyện khác cùng thể loại
64 chương
69 chương
21 chương
8 chương
501 chương
75 chương
21 chương