Hữu Phỉ
Chương 162
Tạ Doãn nghe báo, liền đặt quyển sách tiêu khiển trên đầu sang một bên, ra ngoài làm lễ gặp mặt theo những lễ nghi phiền phức mà dường như hắn đã quen từ thuở lọt lòng.
Triệu Uyên mang theo một đám người thanh thế to lớn tới, chưa chờ Tạ Doãn vái xong đã vội vàng đích thân dìu hắn dậy, cười nói:
– Ở chỗ tiểu thúc chính là về nhà, về nhà làm gì phức tạp thế?
Triệu Uyên mặc thường phục, dáng cao gầy, mặt như dao khắc, người đã quá tuổi trung niên nhưng mặt không hề hiện ra dấu vết tuổi tác, mi mắt ông vô cùng dày, thường xuyên phủ bóng râm lên con ngươi, làm tôn lên ánh mắt hơi trầm của ông, lúc ông nhìn người khác sẽ vô cớ khiến người ta căng thẳng. Nhưng lúc ông cười lại lộ vẻ vô cùng nho nhã thân thiết, hoàn toàn không còn vẻ kiêu ngạo cao cao tại thượng của bậc cửu ngũ chí tôn.
Triệu Uyên đưa tay kéo Tạ Doãn, đồng thời không kiêng kỵ hàn khí Thấu Cốt Thanh ngày càng dày đặc trên người hắn, nhưng Tạ Doãn thấy đầu ngón tay quen sống trong nhung lụa của hoàng thượng bị đông đến trắng bệch, hắn khéo léo tránh ra, cười không để bụng:
– Lễ không thể bỏ.
Triệu Uyên thấy vậy, dùng mu bàn tay áp lên trán hắn, vô cùng lo lắng thở dài, đám thái y phía sau vội vã tiến lên vây quanh Tạ Doãn.
Tạ Doãn phối hợp chìa cổ tay ra, nhưng cổ tay quý giá của Nam Đoan vương chỉ có một, không đủ chia, các thái y đành xếp hàng lần lượt từng người, có hỏi han, có quan sát, vô cùng bận bịu, hành hạ đủ một phen, lại cùng nhau cáo lỗi, tụ tập sang một bên hội chẩn y như thật. Lúc này đương nhiên phải tránh không để quý nhân nghe, nhưng tai Tạ Doãn quá thính, nghe rõ mồn một trận khẩu chiến của các thái y bên ngoài không sót một chữ, thực không nhịn được cười, làm như họ chữa được thật ấy.
Tạ Doãn mới tới kinh, còn chưa kịp sờ cửa Đoan vương phủ, Triệu Uyên liền nôn nóng sai người đón hắn vào cung ở tạm, không biết là để thể hiện sự xem trọng và ân sủng, hay muốn xem rốt cuộc hắn có ngáp ngáp sắp ngủm như lời đồn hay không.
Tiếc rằng trước khi xuất phát, Đồng Minh đại sư đã cho hắn uống vị thuốc thứ ba, cộng thêm truyền nhân Thôi Vân chưởng chính quy nội lực thâm hậu, lúc này trông cực kỳ có tinh thần, không biết Triệu Uyên nhìn có thất vọng lắm không.
Tạ Doãn sống đến mức này, đã không quá để ý cách nhìn của người khác nữa, lúc được hồi quang phản chiếu, hắn cũng lười giả bộ như liễu rủ héo úa, thấy không có chuyện gì khác, hắn liền vừa nghe các thái y chí chóe, vừa qua quít đáp lời tán gẫu chuyện nhà mang hơi hướm chính trị của Triệu Uyên.
Triệu Uyên rất biết dẫn dắt đề tài, lúc thì hỏi hắn những chuyện lý thú giang hồ, chuyện đơn giản thì Tạ Doãn sẽ thuận miệng trả lời, còn chuyện dài quá thì hắn lười lôi thôi dông dài, thoái thác nói mình ẩn cư Bồng Lai, không rõ lắm chuyện bên ngoài.
Hai người như hai con hồ ly khoác lớp da người, một người nói, một người đáp qua loa, trông vô cùng hòa thuận vui vẻ.
Chợt, Tạ Doãn vốn nhàm chán vô vị bỗng hơi cử động lỗ tai, chén trà đưa đến bên môi khựng lại, hàn ý trên người nhanh chóng bao phủ, làm mất đi hơi nóng hầm hập trên chén trà, một tiểu thái giám thấy vậy, vội hoảng hốt tiến lên thay trà.
Tạ Doãn hơi nheo mắt, ngẩng đầu liếc mắt lên xà ngang.
Triệu Uyên cười nói:
– Năm xưa lúc con vừa hồi kinh chưa có phủ đệ riêng, chính là ở nơi này, ba năm trước nó được tân trang lại một lần nhưng đồ đạc vẫn không thay đổi, có cảm giác thân thiết không?
Tạ Doãn cười, đón lấy chén trà mà tiểu thái giám mới thay, nhìn chằm chằm màu máu hiện lên ngắn ngủi trên đầu ngón tay mình, chợt cố ý vạch áo cho người xem lưng:
– Đúng rồi, hoàng thúc, mấy năm nay con không ra khỏi Bồng Lai, tin tức ách tắc nên vẫn chưa biết, Minh Sâm xuất cung xây phủ à? Ở đâu thế ạ?
Triệu Uyên hơi khựng lại.
Tạ Doãn cười chân thành, không lộ chút sơ hở nào:
– Lát nữa con đi thăm đệ ấy.
– Minh Sâm ấy mà…
Triệu Uyên thu hồi tầm mắt, bình tĩnh thổi bọt trên nước trà:
– Rất chẳng ra sao, lớn đầu rồi chứ đâu có nhỏ, cả ngày nóng nảy bộp chộp, không làm chuyện đứng đắn gì hết, từ sáng đến tối chỉ muốn chạy bên ngoài, ta đang giam nó lại đọc sách. Lát nữa ta gọi nó vào, nếu con rảnh rỗi thì thay ta quản giáo nó là tốt nhất.
Tạ Doãn liền nói:
– Cũng phải, năm đó chuyện đệ ấy làm ở Vĩnh Châu đúng là chả ra sao, con cái đều là của nợ mà, hoàng thúc.
Hắn nói liên tiếp hai câu có hàm ý, có thể nói là sỉ nhục, tuy Triệu Uyên vẫn duy trì được vẻ mặt nhưng không còn khí thế tán gẫu tiếp như ban nãy nữa.
Hai người đều im lặng chốc lát, Triệu Uyên lúc này mới nhận ra ý Tạ Doãn là nói chuyện hoài phiền quá nên mới cố ý không giữ mồm giữ miệng, ngầm tiễn khách. Không phải ông không biết nghe lời đoán ý, chỉ là đã kế vị mấy chục năm, Triệu Uyên đã quen làm một hoàng đế, quen với việc dù người bên dưới có ý đồ riêng thì khi nói chuyện với ông cũng sẽ thận trọng dè dặt, hoảng hốt lo sợ, trông mong moi móc được gì đó từ miệng ông, chứ hiếm ai chê ông nói nhiều.
Kiến Nguyên hoàng đế trầm mặc chốc lát rồi đứng dậy nói:
– Nói chuyện với con cũng lâu, không còn sớm, tiểu thúc không quấy rầy con nghỉ ngơi nữa.
Tạ Doãn uể oải đứng dậy cung kính đưa tiễn, ngay cả một câu tạ ơn dư thừa cũng không có.
Triệu Uyên khoát tay, đi tới cửa mới như chợt nhớ ra điều gì, nói với Tạ Doãn bên cạnh đang vẻ mặt phiêu diêu:
– Quân đội triều ta từng bước ép sát, đã gần đến cố đô, nghịch tặc Tào thị chỉ là châu chấu cuối thu, không đáng lo, mồng ba tháng sau là ngày gì, con nhớ chứ?
– Ngày Tào thị ép vua thoái vị, ngày giỗ của tiên đế.
Tạ Doãn đáp, không ngẩng đầu, sau đó cười:
– Hoàng thúc chuyện phiếm với con hơn nửa ngày, có phải quên mất chính sự rồi không?
Triệu Uyên lơ câu cay nghiệt này, chỉ nói:
– Cũng là ngày giỗ của cha con. E bọn Chu khanh chưa chắc kịp đánh tới kinh thành, nhưng ta định vào ngày đó làm lễ tế, nếu liệt tổ liệt tông trên trời có thiêng, phù hộ quân ta khôi phục sơn hà, khiến nghịch tặc đền tội, thiên hạ bá tánh an ổn, lại có trăm năm thịnh thế.
Tạ Doãn gật đầu nói:
– Ừm, cũng tốt, tính ra cũng không còn mấy ngày, điệt nhi vẫn có thể tham gia, tránh chết sớm quá không kịp ngày.
Khóe mắt Triệu Uyên khẽ giật, hồi lâu, ông nhỏ giọng:
– Lúc nãy nghe con nói chuyện cổ trùng khống chế người, thực là sởn cả da gà, nhưng ngẫm lại không phải không có lý.
Tạ Doãn hơi ngước mắt.
– Khi con đứng nơi đây, cảm giác dưới bầu trời bốn bề bát ngát, nhưng vừa bước chân ra, lại thấy đường càng ngày càng hẹp.
Triệu Uyên nói:
– Con được đặt lên đài cao, được tôn sùng, bị ép phải đi về phía trước, đường xá vừa lầy lội vừa không thấy ánh mặt trời, nhưng con cũng biết con không thể quay đầu. Mỗi khi nửa đêm tỉnh mộng, con đều hận không thể mở mắt là quay về lúc mới chào đời, tinh khôi sạch sẽ, thẳng thắn vô tư, muốn đi đâu thì đi đó.
Tạ Doãn không nói lời nào.
– Nhưng con không về được, ngự tọa long liễn này chính là cổ.
Triệu Uyên dừng lại, bóp nhẹ vai Tạ Doãn, cảm giác hàn ý Thấu Cốt Thanh như con dao nhỏ phá tung lớp vải vóc dày ghim vào lòng bàn tay đau như kim châm, ông nói tiếp:
– Thôi, không nói mấy lời chán chường đó nữa. Lúc ấy ta ở trong triều, bắc có cường địch, trong không trợ thủ, bốn bề thọ địch, chỉ có con bên cạnh nghe mấy câu oán giận mà ta không thể nói với người ngoài, mấy năm nay… bất kể con tin hay không… ta thật sự hi vọng con có thể sống tốt. Vật báu trong thiên hạ, con cần gì cứ bảo họ tìm, hoàng thúc nợ con.
Tạ Doãn:
– Không dám, hoàng thượng quá lời.
Triệu Uyên nhìn hắn sâu sắc, thấy hắn cúi đầu, toàn thân từ trên xuống dưới viết đầy ba chữ “mau mau cút” khó chơi, cuối cùng ông thở dài, xoay người rời đi, bóng lưng có chút cô đơn.
Tạ Doãn lập tức xoay người cho lui hết mọi người rồi mới lên tiếng:
– Rốt cuộc là vị bằng hữu nào tự ý xông vào cung cấm?
Trong phòng trống rỗng không có động tĩnh.
Tạ Doãn chờ chốc lát, lại cười nói:
– Các hạ xuất quỷ nhập thần, nếu không muốn bị ta phát hiện, ban nãy chắc chắn đã không cố ý lộ sơ hở, sao bây giờ lại không chịu ra gặp?
Trên xà nhà có thứ gì đó va vào nhau vang một tiếng khẽ, không nghe thấy tiếng bước chân người đó rơi xuống đất, đối với cao thủ như vậy mà nói, cố ý cho chút động tĩnh tương đương với lịch sự gõ cửa, Tạ Doãn nghe tiếng, quay đầu lại, ngỡ ngàng.
Một người rất quen thuộc mà xa lạ đang khoanh tay trước ngực, như bỗng dưng rơi vào giữa cung điện xa hoa, nhìn ngó xung quanh không hề khách sáo, sau đó ánh mắt lại dời về người Tạ Doãn.
Yết hầu Tạ Doãn hơi cử động, ánh mắt người kia như mang theo đốm lửa, châm ngọn lửa hừng hực trên người hắn.
Người đó nói:
– Đoan vương điện hạ, hơn ba năm không gặp, cuối cùng cũng thấy ngươi đứng dậy, món nợ bị ta đánh chuẩn bị thế nào rồi?
Lúc này, trong một nơi hoang vu dưới chân rặng núi, nhóm Lý Thịnh cuối cùng đã vào địa giới Thục Trung, vì đã bỏ lỡ đầu đêm nên đành qua đêm nơi hoang dã.
Lưu dân quanh năm sống lang thang, cơ thể vốn yếu ớt, lúc trước vì vùng vẫy muốn sống nên liều mạng chống đỡ tinh thần, bây giờ tìm được chốn về và chỗ dựa tin cậy, nhất thời hưng phấn quá độ, tinh thần buông lỏng, không ít người ngã xuống, may có Ưng Hà Tòng đi theo, không để họ bệnh chết trước khi có cuộc sống mới.
Mọi người không thể cưỡi ngựa, còn vừa đi vừa nghỉ, rất lề mề, tới bây giờ vẫn chưa đến 48 trại.
Lý Nghiên không biết lấy từ đâu được mấy hạt thông, vứt vào lửa nướng, cực kỳ nhàm chán tự lột ăn. Muội ấy nhìn quanh bốn phía, mọi người dường như đều rất bận, không ai chơi với mình.
Theo truyền thuyết, vào đêm khuya yên tĩnh, khi thiếu niên hiệp sĩ ngủ ngoài trời nơi hoang dã, không phải đều nâng chén với trăng, xúc động hát vang sao? Nhưng Lý Nghiên nghểnh dài cổ nhìn quanh một vòng, phát hiện các “thiếu niên hiệp sĩ” bên cạnh đều “chong đèn đọc sách” bên lửa trại!
Ưng Hà Tòng như sắp chui vào trong mớ chữ vu độc thần bí, nhiều lần cúi đầu suýt cháy luôn tóc.
Lý Thịnh dựa vào dưới một thân cây, lật qua lật lại vật lộn với cơ quan của cái hộp gỗ, chốc chốc lại dùng que gỗ nhỏ vẽ vẽ dưới đất.
Ngô Sở Sở đưa tay lấy cái ấm nước, ngón tay nhón trên miệng ấm, nhờ ngón tay hơi ướt vuốt ngòi bút, mi mắt rủ xuống múa bút thành văn.
Lý Nghiên sáp lại, tựa cằm lên vai Ngô Sở Sở, nhìn nàng ấy phân tích tỉ mỉ dưới tên “Thái Sơn”, ghi lại nguồn gốc và tinh hoa võ thuật được lưu truyền lại của phái này, Lý Nghiên không nhịn được ngáp một cái, nói:
– Võ công phái Thái Sơn chung hệ với Thiên Chung, thô lắm, không phải người cao to thô kệch có thiên phú dị bẩm thì toàn là luyện nhiều được ít, muội thấy họ trừ đặc biệt chịu đòn giỏi ra, hình như không lợi hại chỗ nào, Sở Sở tỷ, thứ này tỷ chưa luyện bao giờ, thế mà nhẫn nại chỉnh lý phết.
Lý Thịnh bị muội ấy đột nhiên lên tiếng ngắt ngang dòng suy nghĩ, không ngẩng đầu nói:
– Lý đại trạng, câm miệng.
Lý Nghiên bất mãn hét:
– Bầu trời đầy sao như gội, mọi người tán gẫu với nhau không tốt sao? Muội nói này, mọi người ai nấy có phải đều lọt nhầm kịch bản không, chúng ta rõ ràng là “du hiệp chí dị”, thế mà mọi người lại diễn thành “cột tóc đâm đùi” (1)?
(1) Du hiệp chí dị: ghi lại những chuyện lạ lý thú về du hiệp; Cột tóc đâm đùi: chỉ sự khắc khổ học tập.
Ngô Sở Sở bị Lý Nghiên kéo lắc lư, đành tạm dừng bút.
Tuy bị quấy rầy nhưng Ngô Sở Sở không nhẫn tâm lạnh nhạt Lý Nghiên, bèn tìm đề tài nói chuyện theo ý muội ấy:
– Mấy năm đầu nơi biên cảnh tổng cộng chỉ có mấy chỗ là luôn giằng co, ngươi tiến ta lùi, nhưng lần này đánh bại Tào Ninh, tỷ cảm thấy nhóm Chu đại nhân giống như đục một cái lỗ trên tường đồng vách sắt, tiến triển cực nhanh, tốc độ hành quân còn nhanh hơn chúng ta về nhà, dọc đường nghe các tin tức vặt… mọi người nói xem, nếu thật đánh về cố đô, sau này sẽ là thiên hạ thái bình đúng không?
Ưng Hà Tòng cảm thấy lời này của nàng ấy vô cùng ngây thơ buồn cười, lạnh lùng nói:
– Thái bình có ích gì chứ, thứ nên mất đã mất từ lâu rồi.
Ngô Sở Sở tốt tính, không chấp nhặt với hắn, nghiêm túc trả lời:
– Mất thì có thể tìm về, thực tìm không được thì có thể xây lại, Ưng công tử không ngại nề hà nghiên cứu di tích của Lữ quốc sư, cũng không phải vì truyền thừa di sản của tiền nhân sao?
Ưng Hà Tòng gượng gạo:
– Ta chỉ là không muốn để người ta sau này nhắc tới Dược cốc lại nói chúng ta ngay cả chút Thấu Cốt Thanh cỏn con cũng không giải được.
Hắn nhắc tới chuyện này, mọi người lập tức nhớ tới Chu Phỉ đi Bồng Lai một mình, tức thời không ai nói tiếp.
Ưng Hà Tòng lẳng lặng lấy xác con Niết Bàn cổ mẫu sắp khô quắt khô queo kia ra ngắm nghía.
Lý Thịnh thở dài, dời mắt khỏi cái hộp gỗ, ngửa đầu nhìn phía chân trời, bầu trời như nóc lều, Bắc Đẩu lặng lẽ treo trên đó, vô cùng chói mắt, nhìn kỹ một lát, luôn có cảm giác như nó đang chầm chậm di chuyển. Trong lòng hắn bỗng nảy lên một ý nghĩ, hỏi không đâu vào đâu:
– Trận pháp cấm địa Tề môn dùng tại sao là “Bắc Đẩu đổi chiều”?
Lý Nghiên và Ưng Hà Tòng mắt to trừng mắt nhỏ, không biết hắn đang nói gì.
Ngược lại Ngô Sở Sở ngẫm nghĩ rồi nói:
– Lúc nhỏ ta xem sách cổ, trong sách nói, khi màn đêm sắp đến, Bắc Đẩu thăng lên đế cung, xoay vòng liên tục, mãi đến hôm sau đổi chiều rơi xuống, lùi về trước ánh nắng ban mai. Nếu để ta miễn cưỡng chắp vá thì đại khái là ý “trời sắp sáng”, là điềm lành…
Nàng ấy chưa nói hết thì thấy Lý Thịnh vùng bật dậy như cương thi.
Ngô Sở Sở:
– Sao thế?
Lý Thịnh chợt cúi đầu nhìn hộp gỗ trong tay mình:
– Ta biết rồi!
Lý Nghiên không hiểu gì cả:
– Ca, huynh biết gì?
– Cơ quan hộp gỗ!
Lý Thịnh nói nhanh:
– Hóa ra là vậy, mười hai ván hoạt động, mỗi ván động một lần, chứng tỏ một canh giờ, tinh tượng và trận pháp tương ứng đương nhiên cũng sẽ thay đổi theo… ta nói mà, sao lại tính kiểu nào cũng tính không ra chứ!
Hắn căn bản không để ý người khác, vừa nhanh chóng tính toán trên mặt đất, vừa lẩm bẩm gì đó nghe không hiểu.
Mọi người thấy hắn như vậy đều xúm lại, không dám thở mạnh, nhìn Lý Thịnh gỡ tấm ván gỗ bên ngoài hộp.
Gỡ xong mười hai ván gỗ khóa cùng nhau, lộ ra bên trong là một cái hộp nhỏ có khe hở.
Lý Thịnh thở phào một hơi dài, cảm thấy vai cứng như không phải của mình, chưa kịp nói gì thì cái hộp gỗ ấy tự nứt ra.
Lý Thịnh kêu nhỏ một tiếng, tưởng mình chạm phải cơ quan gì làm hộp tự hủy, toi bao công sức, đang luống cuống tay chân thì thư trong hộp rơi ào ào ra như tuyết, chính giữa lăn ra một quyển trục, mở ra trên mặt đất…
Truyện khác cùng thể loại
269 chương
39 chương
45 chương
10 chương
2 chương
63 chương