Hắc Bạch Long Kiếm

Chương 23 : Đại Sum phủ

Huyện Thường Đức thuộc tỉnh Hồ Bắc. Về phía Tây huyện thành, có một con đường cực rộng, đường tuy rộng rãi, song lại vắng vẻ thanh tịnh vô cùng, tận đầu phía tả có một lối rẽ rất dài, rất thẳng, lối rẽ này do tư nhân tạo thành để dẫn vào một khu huy hoàng, tráng lệ. Dĩ nhiên, sử dụng lối rẽ này, chỉ là người ở trong khu cư sở đó, và những ai có việc cần lui tới. Cư sở đó tường cao bao bọc, cổng bằng sắt, gồm hai cánh, sơn đen, cao hai trượng, rộng gần hai trượng. Bảng đồng và búa nhỏ cũng bằng đồng dùng để đánh lên gọi cửa, bóng nhoáng, chớp ngời dưới ánh dương quang. Cổng xây trên một cái nền cao, nền có chín bậc thềm, bằng đá trắng mài láng. Trên đầu cổng, có vọng lầu canh, khoảng giữa đầu cổng và vọng lầu, có tấm biển cực to, khảm ba chữ lớn, phết vàng: Đại Sum phủ! Hiện tại, một cỗ kiệu do hai kiệu phu khiêng, từ đầu lối rẽ bên ngoài tiến về phía cổng. Theo sau cỗ kiệu, là một gã thanh niên vận áo xanh, đội mũ xanh, vừa thở hồng hộc, vừa chạy lúp xúp, hắn phải chạy vì kiệu phu khiêng kiệu đi nhanh quá. Hai tay hắn xách hai chiếc bao lớn nhỏ bất đồng. Trông hắn vất vả quá! Kiệu đến trước bậc thềm thì dừng lại. Gã thanh niên tiến đến ngang kiệu, vén rèm nghiêng mình, báo cáo : - Đến nơi rồi! Tôn đại gia! Rồi gã đứng thẳng người, nép qua một bên, nhìn ra phía ngoài. Trời! Gã thanh niên chẳng phải là người xa lạ, chính là Yến Thiên Y! Đương nhiên chàng không dùng tên họ thật để vào Đại Sum phủ, làm một kẻ tùy sai vặt vãnh. Tại đây, người ta gọi chàng là Tiểu Lang, người ta biết chàng mang họ Trương. Viên chưởng quỹ họ Triệu giới thiệu chàng với vị Tổng quản Sự họ Tôn trong phủ, để làm một tên hầu hạ cạnh họ Tôn, phụ trách tất cả các việc vặt. Triệu chưởng quỹ nói rằng, chàng là một đứa cháu vợ, gia đình nghèo khổ, thiếu cơm ăn áo mặc, không việc làm, y thấy thương tình, nên yêu cầu Tôn tổng quản thu dụng chàng, cho chàng có nơi nương tựa. Khi một Yến Thiên Y đảm nhận công việc, thì phải biết chàng thừa sức làm hài lòng chủ nhân, cho nên, chỉ qua ba ngày là chàng được sự tín nhiệm ngay của Tổng quản họ Tôn. Tại sao Yến Thiên Y lại cam tâm làm công tác đó? Chàng trở thành một tên tùy sai vạch vãnh trong Đại Sum phủ, là kết quả của một đêm tròn thức trắng suy tư. Cái đêm Tùng Triệu âm thầm đến tìm chàng, báo cáo cơ mật đại sự. Trăm ngàn phương pháp hiện ra trong đầu óc, cuối cùng chàng chọn phương pháp này. Chàng cho rằng phương pháp này hữu hiệu nhất, giúp cho hòa giải cái mầm chiến tranh giữa Thanh Long xã và liên minh do Đại Sum phủ khởi xướng. Phải, bằng mọi giá, chàng phải hóa giải cuộc chiến này thành cuộc hòa, tránh cho hàng ngàn, hàng vạn sinh linh đổ máu oan uổng. Chàng không cần biết sau cuộc chiến, ai thắng, ai bại, mà chỉ sợ máu đổ nhiều, thây ngã nhiều. Chàng phải tự mình lãnh công tác hạ đẳng này, để có dịp lưu trữ trong Đại Sum phủ, chứ không thể ủy thác cho một ai dưới tay chàng, vì lẽ chàng không tin tưởng những kẻ khác có thể tùy nghi xử sự bằng chàng, hơn nữa, rất ít người biết rõ mặt mày chân tướng của chàng do đó chàng không sợ bị bại lộ hành tung. Hôm nay, Yến Thiên Y theo chân Tôn tổng quản ra phố, mua một vài món tạp hóa, ngoài ra chàng còn đến hiệu giày, lấy đôi giày cho đại tiểu thơ, đến tiệm bánh mua bánh cho đại thiếu gia. Đi, Tôn tổng quản ngồi kiệu, chàng phải lụp xụp chạy theo sau, lượt đi tay không còn đỡ, lượt về tay xách tay mang kềnh càng, hết sức khổ sở. Nhưng, niềm tin thành công giúp chàng quên đi phần nào mệt nhọc, xác tuy mệt, mà tinh thần hăng hái, thì cũng chẳng đến nỗi nào. Tổng quản Tôn Vân Đình vào trạc ngũ tuần, vóc cao, ốm, để ria chữ Bát, tay không rời chiếc ống điếu. Họ Tôn là nhân vật cực tinh minh, phải là tinh minh mới được vị Phủ Tòng tin dùng, đặt vào địa vị trọng yếu đó. Qua khỏi cổng, rẽ về khu vườn bên tả, một lúc sau thì đến hai dãy nhà. Nơi đây là khu dành cho viên Tổng quản xử lý mọi gia vụ. Vào phòng rồi, Tôn Vân Đình tự kéo ghế ngồi, rót trà uống mấy ngụm xong, đoạn lên tiếng : - Tiểu lang! Cái hộp lớn đó đựng đôi giày, ngươi hãy đem vào cho đại tiểu thư xem, có vừa ý hay không, còn mấy hộp bánh, ngươi mang đến cho nhị thiếu gia, mang gấp nhé, để lâu bánh nguội ăn mất ngon. Còn lại mấy hộp ngươi cứ để lại đấy cho ta. Mấy hộp sau, là những hộp đựng tạp hóa. Yến Thiên Y chớp mắt hỏi : - Bánh mua nhiều quá, đại gia không giữ lại vài hộp dùng sao? Tôn Vân Đình cười ha hả : - Ta không thấy thèm, vả lại bánh của nhị thiếu gia, ta giữ lại thì khó coi quá, không khéo nhị thiếu gia sẽ cho ta tham lam, đánh cắp mà dùng đấy... Yến Thiên Y kèo nài : - Đại gia đi từ sáng sớm đến giờ, lại chưa ăn chi hết, hẳn là phải đói, cứ dùng tạm vài cái, có sao đâu? Chẳng lẽ nhị thiếu gia hẹp hòi, nói này nói nọ? Tôn Vân Đình lắc đầu : - Ta không thấy thèm, có để lại cũng vất bỏ thôi. Ngươi hãy mang đi hết đi. Yến Thiên Y tiếp : - Vậy thì tiểu nhân mang giày lại cho đại tiểu thơ, mang bánh cho nhị thiếu gia xong, rồi gọi A Quý đến đây cho đại gia dạy bảo. Tôn Vân Đình gật đầu : - Được, ngươi đi đi! Nhìn theo bóng Yến Thiên Y, Tôn Vân Đình gật gù ra vẻ rất hài lòng gã thanh niên hầu hạ. Vị Phủ Tòng Đại Sum phủ là Trung Châu Tể Lạc Mộ Hàn, có hai người con, một trai một gái, gái lớn năm nay được hai mươi ba tuổi, có dung nhan cực đẹp, lại minh mẫn rất được cha mẹ nuông chiều. Trai nhỏ tuổi độ đôi mươi, một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, rất tiếc là sinh trưởng trong thế gia vọng tộc võ lâm, hắn nhiễm phải thói kiêu ngạo khiến cho người đối thoại lắm lúc phải bực mình. Gái tên là Lạc Chân Chân, trai tên là Lạc Chí Ngang, đều được phụ thân truyền cho tất cả vũ học nên tuy còn nhỏ tuổi mà đã có bản lĩnh cao cường. Phía hậu trang viên, có một cái hồ, trên hồ có một tòa hương đình, hình bát giác. Hiện tại, Lạc Chí Ngang đang cùng mấy bằng hữu, đồng tuổi cho chim ăn. Chim líu lo trong lồng, bên ngoài họ đàm luận oang oang, ai ai cũng có vẻ tự đắc. Yến Thiên Y tiến tới, đưa cao các hộp bánh, thốt : - Vật điểm tâm của nhị thiếu gia đây! Xin thiếu gia dùng! Lạc Chí Ngang mở nắp một chiếc hộp, lấy ra một chiếc bánh, rồi bảo : - Còn lại bao nhiêu, ngươi hãy đặt lên mặt bàn đá cho mọi người cùng ăn. Yến Thiên Y đặt bánh xuống bàn rồi, quay mình toan bước đi. Lạc Chí Ngang gọi giật lại : - Tiểu Lang! Ngươi định đi đâu đó? Yến Thiên Y đáp : - Tiểu nhân mang giày đến cho đại tiểu thơ. Lạc Chí Ngang gắt : - Bánh, ta đã bảo là mọi người cùng ăn, sao ngươi không ăn? Yến Thiên Y lắc đầu : - Mọi người, là các vị bằng hữu của nhị thiếu gia, chứ tiểu nhân là kẻ dưới, thân phận thấp hèn, đâu dám sánh mình ngang hàng với các vị ấy? Lạc Chí Ngang nổi giận : - Nói bậy! Ngươi là người, sao lại phân ra người trên kẻ dưới? Ta bảo, ngươi là người gì, thì ngươi là người đó, ta bảo ngươi ăn bánh, là ngươi phải ăn, ngươi không ăn là bất tuân lời ta, là khinh thường ta đó. Ngươi đã khinh thường ta, ta phạt ngươi đánh với ta ba chiêu! Vờ ra vẻ kinh hãi, Yến Thiên Y lí nhí van cầu : - Việc gì thì tiểu nhân làm được, chứ đánh với nhị thiếu gia thì tiểu nhân làm sao dám? Nhị thiếu gia là Đại La Kim Tiên, còn tiểu nhân là kẻ phàm tục thấp hèn, tài nghệ chi mà dám sao tài? Đừng nói ba chiêu, dù đánh nửa chiêu thôi, tiểu nhân cũng khó bảo toàn tánh mạng! Lạc Chí Ngang bật cười ha hả : - Năm nay, ngươi được bao nhiêu tuổi, Tiểu Lang? Yến Thiên Y đáp : - Hai mươi... Lạc Chí Ngang tiếp : - Ngươi hai mươi, ta hai mươi, tuổi đồng nhau, ta lại chỉ có một chiếc đầu, hai tay hai chân như ngươi, thế thì ngươi sợ gì? Đánh! Phải đánh với nhau mới được! Nam hán tử, đại trượng phu, mình đừng làm mất thể cách! Một thanh niên mặt trắng vận y phục hoa lệ reo lên : - Phải! Phải! Thanh thiếu niên là phải hùng tráng, cương cường, có đâu nhút nhát như nữ nhân? Ngươi phải đánh với nhị thiếu gia đúng số chiêu mới được. Một người khác, mặt bự thịt, răng vàng khè hỏi : - Chẳng lẽ ngươi sợ chết? Thế thì hèn quá! Yến Thiên Y kêu van : - Xin các vị buông tha cho tiểu nhân! Tiểu nhân sợ lắm! Thanh niên răng vàng khẽ bĩu môi : - Hèn! Hèn! Ngươi hèn lắm! Thanh niên mặt trắng giục : - Xuất chiêu đi, Chí Ngang! Xuất chiêu trước đi! Gã có răng vàng khè, cũng giục : - Nhanh lên, Chí Ngang!