Gone Girl - Cô Gái Mất Tích

Chương 16 : Amy Elliott Dunne

16 tháng 10 năm 2010 - Nhật kí- Mừng lễ kỉ niệm của chính tôi! Vậy là tròn một tháng với tư cách một cư dân Missouri, và tôi đang trên đường trở thành một người dân Trung Tây kiểu mẫu. Thực vậy, tôi đã cai tất cả những thứ thuộc về miền biển bờ Đông nước Mỹ và đạt được miếng gắn chứng nhận ba mươi ngày rồi (chứ ở đây thì chỉ có miếng khoai tây chiên giòn thôi). Tôi ghi lại những điều cần lưu ý, bởi tôi trân trọng những truyền thống. Tôi là Margaret Mead của cái bang Mississip chết tiệt này mà. Xem nào, có gì mới nhỉ? Tôi và Nick hiện đang rối như tơ vò với thứ mà tôi (tự) gọi là Vấn đề hóc búa với Đồng hồ chim cúc cu. Thứ vật dụng gia truyền yêu quý đó của bố mẹ tôi trông thật lố bịch trong ngôi nhà mới. Nhưng kể ra thì mọi thứ đồ đạc từ New York đều như vậy. Chiếc trường kỷ cỡ lớn đáng tôn quý của chúng tôi, cùng với chiếc nệm nhỏ đồng bộ với nó, trông mới ngỡ ngàng làm sao khi được đặt ở phòng khách, như thể nó đang ngủ yên trong môi trường vốn có của mình và rồi tỉnh giấc giữa một không gian tù túng mới mẻ kỳ lạ này, bị bủa vây bởi tấm thảm nhái hạng sang, những vật dụng bằng gỗ nhân tạo và những bức tường trống trơn. Thực sự tôi thấy nhớ ngôi nhà cũ của chúng tôi - với tất cả những khối gồ ghề, những lằn gợn và những vệt nứt nhỏ li ti mang dấu ấn hàng bao thập kỷ đó. (Tạm dừng để chấn chỉnh thái độ đã nào.) Nhưng ngôi nhà mới cũng tốt! Chỉ hơi khác thôi. Chiếc đồng hồ hẳn sẽ phản đối. Cả chú chim cúc cu cũng đang nhọc nhằn để làm quen với không gian mới của nó: Con chim nhỏ lảo đảo phi ra như say rượu, lúc thì quá giờ 10 phút, khi thì sớm 17 phút, lúc lại muộn 41 phút. Nó cất tiếng kêu rền rĩ như sắp chết - cu-crrrru - khiến Bleecker lần nào cũng nhảy bổ ra từ một chỗ ẩn náu nào đó với ánh mắt hoang dại và trở nên căng thẳng, đuôi nó trông như cái chổi cọ chai khi nó chúi đầu vào lớp lông của mình và meo meo kêu ầm ĩ. "Chà, bố mẹ em chắc ghét anh lắm." Nick nói vậy mỗi khi cả hai chúng tôi nghe được thứ âm thanh huyên náo đó, mặc dù anh ấy đủ thông minh để chưa vội đề xuất việc giải thoát chúng tôi khỏi tình trạng này. Thực ra tôi cũng muốn tống khứ nó đi cho rồi. Tôi là một kẻ (thất nghiệp) cả ngày ở nhà, chỉ chờ đợi tiếng quác quác của nó, giống như một người đi xem phim lúc nào cũng căng thẳng khi cố buộc mình phải cứng rắn trước mỗi lần bùng nổ cảm xúc của vị khách mất trí đang ngồi phía sau - vừa thanh thản (đến cảnh đó rồi!) lại vừa giận dữ (đến cảnh đó rồi!) Vấn đề chiếc đồng hồ (ồ, nhìn kìa, chiếc đồng hồ cổ đó) được tạm gác lại, bởi có rất nhiều việc cần làm để chuẩn bị cho bữa tiệc mừng tân gia, bữa tiệc mà Mẹ Maureen Dunne khăng khăng là phải có. Thực ra, không hẳn là khăng khăng phải có, Mẹ Mo không cố nài về việc tổ chức bữa tiệc. Bà chỉ đơn giản biến mọi thứ trở thành hiện thực bằng cách cho rằng những việc đó đương nhiên là phải có: Buổi sáng đầu tiên sau khi chúng tôi chuyển đến, bà xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi với món trứng bác chào-mừng-trở-về-nhà cùng một bịch giấy vệ sinh gia đình (chẳng liên quan gì với món trứng bác cho lắm), và bà đã nói về bữa tiệc mừng tân gia như thể đó là điều hiển nhiên. Thế bao giờ các con định tổ chức tiệc mừng tân gia? Các con đã tính đến việc ta nên mời những ai tham dự chưa? Các con thích một buổi tiệc mừng tân gia, hay một kiểu gì đó vui nhộn, như một bữa tiệc đại hỷ chẳng hạn? Nhưng tiệc tân gia kiểu truyền thống thì lúc nào cũng dễ chịu. Rồi sau đó bất thình lình một ngày được định ra, và ngày đó chính là ngày hôm nay, cả gia đình và bạn bè nhà Dunne đang giũ những hạt mưa phùn tháng Mười bám trên những chiếc ô, rồi cẩn thận và chu đáo lau chân vào tấm thảm trước cửa nhà mà mẹ Maureen đã mang đến cho chúng tôi sáng nay. Tấm thảm ghi dòng chữ: Tất cả những ai bước vào đây đều là bạn. Nó là sản phẩm của cửa hàng Costco. Tôi đã học được về việc mua sỉ sau bốn tuần sống ở đây với tư cách một cư dân vùng Mississippi. Những người theo Đảng cộng hòa thì mua hàng ở Sam’s Club, còn ai theo Đảng dân chủ thì mua ở Costco. Nhưng mọi người đều mua sỉ vì - không giống người dân Manhattan - tất cả bọn họ đều có chỗ để chứa đến hai mươi tư hũ đồ muối chua. Và - không giống người dân Manhattan - tất cả bọn họ đều dùng hết hai mươi tư hũ đồ muối chua đó. (Một buổi tụ họp sẽ không chu toàn nếu thiếu chiếc mâm quay đầy ắp các món đồ muối ấy và những trái ô-liu Tây Ban Nha, cũng là thứ đồ muối ngâm trong hũ nốt. Đúng là một bãi liếm muối.) Sự việc đã diễn ra thế này: Đó là một ngày nồng nặc các loại mùi, mọi người mang không khí ngoài trời vào nhà cùng với họ, mùi của mưa vương trên tay áo và trên tóc. Những phụ nữ lớn tuổi - bạn của Maureen - mang đến rất nhiều món ăn khác nhau đựng trong những hộp nhựa được thiết kế dành cho máy rửa bát, những chiếc hộp mà sau đó họ sẽ đề nghị gửi trả lại. Trả lại và trả lại. Giờ thì tôi mới hiểu, rằng đáng lẽ tôi phải rửa những chiếc hộp đó và mang từng chiếc đến trả cho từng nhà - một đám hộp Ziploc ngồn ngộn trên ôtô - nhưng khi tôi mới đến đây, tôi đã không biết thông lệ ấy. Tôi đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình bằng việc phân loại những chiếc hộp nhựa này để tái chế, và vì thế tôi đã phải mua mới một loạt hộp khác. Bà Vicky, bạn thân của Maureen, đã ngay lập tức nhận ra chiếc hộp đựng kia là hoàn toàn mới và được mua ở cửa hàng, một thứ đồ mạo danh, và khi tôi giải thích về sự nhầm lẫn của mình, mắt bà ấy mở to đầy kinh ngạc: Vậy ra đó là cách người ta hay làm ở New York. Còn về buổi tiệc mừng tân gia: Những phụ nữ lớn tuổi là bạn lâu năm của Maureen, họ biết nhau từ các cuộc gặp mặt của hội phụ huynh, từ câu lạc bộ sách, hay tại cửa hàng Shoe-Be-Doo-Be ở trung tâm thương mại, nơi bà đã phải làm việc bốn mươi giờ mỗi tuần để ướm những đôi giày cao gót đế gộc vào chân những người phụ nữ thuộc một nhóm tuổi nhất định. (Bà có thể đoán được cỡ chân mà chỉ cần thoáng nhìn - cỡ số 8 của nữ, hẹp mũi! - đó là bí kíp khi tham gia các bữa tiệc của bà.) Tất cả bạn bè của Mo đều yêu quý Nick, và tất cả bọn họ đều kể những câu chuyện về những điều ngọt ngào mà Nick đã từng làm cho họ trong suốt bao năm qua. Những phụ nữ trẻ hơn, những người đại diện cho nhóm có tiềm năng là bạn của Amy, tất cả đều có cùng một kiểu tóc ngắn mái lệch màu bạch kim và đi giày kín mũi không quai hậu. Bọn họ là con gái của các bạn Maureen, ai nấy đều yêu quý Nick và đều kể những điều ngọt ngào mà Nick đã từng làm cho họ trong suốt bao năm qua. Phần lớn bọn họ đều thất nghiệp hoặc chồng của bọn họ thất nghiệp vì trung tâm thương mại đóng cửa, do đó bọn họ bày cho tôi công thức nấu những món "rẻ tiền và dễ ăn", phần lớn đều liên quan đến một món hầm nào đó với nguyên liệu là súp đóng hộp, bơ và thực phẩm phụ liệu. Những người đàn ông thì khá dễ chịu và yên lặng, họ ngồi tụ tập thành những vòng tròn, trò chuyện về thể thao và mỉm cười với tôi rất hiền hậu. Ai nấy đều tử tế. Họ đúng nghĩa là tử tế hết mực có thể. Maureen, bệnh nhân ung thư giai đoạn ba gan dạ nhất, đã giới thiệu tôi với các bạn của bà theo cách mà người ta khoe một loài thú cưng mới có phần nguy hiểm của mình: "Đây là vợ Nick, Amy, sinh ra và lớn lên ở thành phố New York đấy." Các bạn của bà, người nào cũng mũm mĩm và nồng nhiệt, ngay lập tức như mắc chứng bệnh Tourette kỳ lạ: Họ lặp đi lặp lại cụm từ Thành phố New York! - rồi đan hai bàn tay vào nhau và nói điều gì đó khiến tôi không biết phải đáp lại thế nào: Ở đó hẳn là gọn gàng lắm nhỉ. Hoặc, bằng chất giọng the thé của mình họ vừa cất tiếng hát "New York, New York" vừa xòe những bàn tay nhỏ xíu ra và lắc lư sang hai bên. Bà Barb, người bạn làm cùng với Maureen ở cửa hàng giày, thì dài giọng "Thành phố New York cơ đấy! Cho ta một sợi dây nào." Và khi tôi liếc nhìn sang với vẻ khó hiểu thì bà ta nói: "Ồ, đó là lời thoại trong một quảng cáo cũ về nước sốt salsa ấy mà!" Đến khi thấy tôi vẫn tỏ vẻ chẳng hiểu gì, thì bà ta đỏ mặt và đặt tay lên cánh tay tôi nói: "Ta sẽ không treo cổ con thật đâu." Rốt cuộc, bọn họ cũng lặng tiếng dần rồi khúc khích cười và thú nhận họ chưa từng đến New York, hoặc đã từng đến đấy - một lần - nhưng không để ý nó cho lắm. Thế là tôi đành phải nói điều gì đó kiểu như: Các bác sẽ thấy thích nó cho xem hoặc Chỗ đó không phải ai cũng hợp đâu ạ hoặc là chỉ Ừmm, bởi tôi chẳng biết nói gì khác nữa. "Hãy thân thiện một chút đi, Amy." Nick khó chịu nói khi chúng tôi vào bếp lấy thêm đồ uống (người miền Trung Tây thích hai lít sô-đa, lúc nào cũng phải là hai lít, và phải được rót vào những chiếc cốc bằng nhựa to màu đỏ của hãng Solo, luôn luôn là vậy.) "Em đang thế đấy thôi." Tôi rền rĩ. Tôi thực sự cảm thấy bị tổn thương, bởi nếu bạn hỏi bất kỳ ai trong phòng rằng tôi có thân thiện hay không, tôi biết họ nhất định sẽ nói là có. Đôi khi tôi có cảm giác như Nick đã quyết định lựa chọn một phiên bản khác không hề tồn tại của tôi. Từ khi chuyển đến đây, tôi đã tham gia những buổi đi chơi đêm với các cô bạn gái và những buổi đi bộ từ thiện, tôi nấu món thịt hầm cho bố anh ấy và giúp bán xổ số từ thiện. Tôi đã rút khoản tiền cuối cùng của mình đưa cho Nick và Go để họ có thể mua quán bar mà họ hằng mong ước, và thậm chí tôi còn kẹp tờ séc vào một tấm thiệp có hình vại bia - Cạn ly vì Anh! - còn Nick thì chỉ miễn cưỡng nói vài lời cảm ơn nhạt nhẽo. Tôi không biết mình phải làm gì nữa. Tôi đang cố gắng lắm rồi. Chúng tôi phục vụ sô-đa cho mọi người, tôi hết cười mỉm rồi lại cười thành tiếng thật nhiều hơn nữa, thể hiện một hình ảnh duyên dáng và vui vẻ, hỏi han mọi người liệu có cần tôi lấy thêm bất kỳ thứ gì khác nữa không, rồi ngợi khen đám phụ nữ với món salad tuyệt ngon, món cua nướng phô mai, món xúc xích salami cuộn phô mai kem với đồ muối chua. Bố Nick đến cùng với Go. Họ đứng yên lặng ở bậc cửa, dè dặt và trầm tính. Bill Dunne trông rắn rỏi và vẫn đẹp trai, trên trán ông là một miếng băng dán nhỏ. Go thể hiện vẻ mặt dữ dằn, mái tóc được kẹp lên và ánh mắt lảng tránh không nhìn vào bố mình. "Nick." Bill Dunne vừa nói vừa bắt tay Nick rồi bước vào nhà và chau mày nhìn tôi. Go bước theo sau, ôm chầm lấy Nick và kéo anh ấy ra phía sau cửa thì thầm: "Em không biết tình trạng hiện giờ của ông ấy thế nào đâu, phải để ý nhé. Không rõ ông ấy đang có một ngày tồi tệ hay đang chỉ trong vai một kẻ đần độn nữa. Không hiểu được." "Được rồi, được rồi. Đừng lo, anh sẽ trông chừng ông ấy." Go nhún vai với vẻ ngán ngẩm. "Anh nghiêm túc đấy, Go. Lấy một ly bia và nghỉ ngơi một chút đi. Em được giải phóng khỏi nghĩa vụ với bố trong vòng một tiếng nữa." Tôi thầm nghĩ: Nếu đó là mình, anh ấy sẽ than phiền là mình quá nhạy cảm. Mấy người phụ nữ lớn tuổi thì cứ lượn lờ quanh tôi, kể lể rằng Maureen đã luôn nói với họ về việc tôi và Nick là một cặp tuyệt vời thế nào, và bà ấy đúng, chúng tôi rõ ràng sinh ra là để dành cho nhau. Tôi thích cách nói rập khuôn đầy ý nghĩa đó hơn là những gì mà chúng tôi đã được nghe trước khi kết hôn. Hôn nhân là sự thỏa hiệp và nan giải, càng lúc càng thêm nan giải, cần đối thoại và lại thỏa hiệp nhiều hơn. Rồi sau đó lại là những vấn đề nan giải. Nó dập tắt mọi hy vọng, một khi bạn đã dấn thân mình. Chính bữa tiệc đính hôn hồi còn ở New York là dẫn chứng tệ hại nhất cho điều này. Tất cả khách mời hôm ấy đều nóng bừng hơi men và sự oán giận, như thể mỗi cặp vợ chồng trên đường đến câu lạc bộ đều vướng phải một cuộc tranh cãi vậy. Hoặc có thể họ đã nhớ lại một cuộc cãi vã nào đó. Như bà Binks chẳng hạn. Bà Binks Moriarty, bà cụ 88 tuổi là mẹ của bạn thân mẹ tôi, đã chặn tôi lại ở quầy bar - kêu ầm lên với giọng cấp bách: "Amy! Ta cần nói chuyện với con!" Bà ấy xoay xoay những chiếc nhẫn đắt tiền trên các ngón tay xương xẩu của mình - nào xoay, nào vặn, nào cọ - rồi vuốt ve cánh tay tôi (cái dò dẫm của người già - những ngón tay lành lạnh của bà ấy như đang thèm muốn làn da tươi trẻ, mềm mại, ấm áp và dễ chịu của bạn), rồi sau đó bà Binks kể với tôi về việc ông chồng quá cố của bà ấy đã gặp vấn đề với việc "giữ cái của quý của ông ta nằm yên trong quần" trong suốt sáu mươi ba năm như thế nào. Bà ấy kể về chuyện đó với điệu cười kiểu Chết mất thôi, sao tôi lại có thể kể chuyện này được nhỉ với đôi mắt mờ đục. "Chỉ là ông ấy chẳng thể giữ yên được nó ở trong quần." Bà cụ nói một cách khẩn thiết, cái siết tay chết lặng của bà ấy khiến tôi rùng mình. "Nhưng ông ấy yêu ta hơn bất kỳ ai trong số bọn họ. Ta biết điều đó, và con cũng biết điều đó." Bài học đạo đức rút ra từ câu chuyện là: Ông Binks là một gã chồng lăng nhăng, nhưng, bạn biết đấy, hôn nhân là sự thỏa hiệp mà. Tôi nhanh chóng rút lui và đi lòng vòng quanh đám đông, mỉm cười với một loạt những gương mặt nhăn nheo. Ở tuổi trung niên, người ta thường mang dáng vẻ khệ nệ, mệt mỏi, chán chường và tất cả những bộ mặt đều như vậy. Hầu hết bọn họ đã say và nhảy nhót như thời còn trẻ - xoay mình trong điệu nhạc funk ở các câu lạc bộ đồng quê - và điều đó khiến bọn họ trông thậm chí còn thảm hại hơn. Trong lúc tôi đang len lỏi ra phía ô cửa sổ kiểu Pháp để hít thở chút không khí, một bàn tay siết lấy cánh tay tôi. Đó là mẹ Nick, Mẹ Maureen, với đôi mắt to đen láy và ánh nhìn như tia laser, vẻ háo hức hiện lên trên khuôn mặt chảy xệ của giống chó pug. Vừa nhét một miếng phô mai và bánh quy giòn vào miệng, Maureen vừa cố nói: "Thật không dễ dàng gì, khi phải gắn bó với một ai đấy mãi mãi. Đó là một điều tuyệt vời, và ta mừng là cả hai con đều đang làm việc này, nhưng, ôi những cô bé-cậu bé, sẽ có ngày các con ước rằng mình chưa bao giờ làm điều như vậy. Và lúc ấy sẽ là những thời khắc tốt lành, bởi sẽ chỉ còn sự hối tiếc hàng ngày, chứ không phải hàng tháng trời nữa." Trông tôi lúc đó hẳn là rất sốc - mà tôi sốc thực sự - vì bà đã nói ngay rằng: "Nhưng các con cũng sẽ có những khoảng thời gian đẹp đẽ. Ta biết là các con sẽ có. Cả hai con. Rất nhiều những khoảnh khắc tuyệt vời. Cho nên… thứ lỗi cho ta, con yêu, vì những gì ta vừa nói lúc trước. Ta chỉ là một bà già ngốc nghếch đã ly hôn. Ồi, quỷ thần ơi, có lẽ ta đã uống quá nhiều rượu rồi." Rồi bà vẫy tay chào tôi và vội vàng lách người qua những cặp đôi với vẻ mặt cũng chán chường khác. "Đáng lẽ ra cô không nên có mặt ở đây." Đột nhiên Bill Dunne lên tiếng, và ông ấy đang nhằm vào tôi. "Tại sao cô lại ở đây? Cô không được phép ở đây." "Con là Amy." Tôi vừa nói vừa chạm vào cánh tay ông ấy như thể làm vậy sẽ khiến ông thức tỉnh. Bill luôn quý mến tôi, cho dù ông ấy chẳng nghĩ được điều gì để nói với tôi cả. Tôi có thể nhận thấy ông ấy quý mến mình, qua cách ông ấy theo dõi tôi như thể tôi là một loài chim quý hiếm vậy. Giờ thì ông ấy đang quắc mắt lên, ưỡn ngực về phía tôi, tựa như một bức tranh biếm họa về một thủy thủ trẻ đang sẵn sàng gây hấn. Chỉ cách đó vài bước chân, Go đã đặt phần thức ăn của mình xuống và chuẩn bị lao về phía chúng tôi, một cách lặng lẽ, như thể cô ta đang cố để bắt một con ruồi. "Tại sao cô lại ở trong nhà của chúng tôi?" Bill Dunne nhăn miệng nói. "Gan cô to đấy, quý cô." "Nick?" Go gọi vọng lại phía sau, không lớn tiếng nhưng khẩn cấp. "Anh biết rồi." Nick đáp và xuất hiện. "Bố, đây là vợ con, Amy. Bố có nhớ Amy không? Bọn con chuyển về đây để có thể gặp bố thường xuyên hơn. Đây là nhà mới của bọn con." Nick nhìn tôi trừng trừng: Tôi là người đã khăng khăng mời bố anh ấy đến. "Tất cả những gì ta muốn nói, Nick…" Bill Dunne vừa nói vừa chĩa ngón tay trỏ thẳng vào mặt tôi, bữa tiệc bỗng trở nên im bặt, một vài người đàn ông chầm chậm và thận trọng từ phòng bên bước vào, tay họ giật giật, sẵn sàng hành động. "…đó là cô ta không thuộc về nơi này. Con nhỏ khốn kiếp ấy nghĩ rằng nó có thể làm bất cứ điều gì nó muốn sao." Mẹ Mo lao vào ôm chầm lấy chồng cũ của mình. Bà luôn luôn, luôn luôn xuất hiện đúng lúc như vậy. "Tất nhiên là con bé thuộc về nơi này, Bill. Con bé là vợ của con trai anh. Anh nhớ chứ?" "Ta muốn nó biến khỏi đây ngay, bà có hiểu không, Maureen?" Ông ấy giằng mình ra khỏi bà và lại bắt đầu tiến về phía tôi. "Con khốn ngu ngốc, con khốn ngu ngốc." Không rõ là ông ấy đang nói tôi hay nói Maureen nữa, nhưng ông ấy nhìn tôi và mím chặt môi. "Con bé đó không thuộc về nơi này." "Tôi sẽ đi." Tôi nói, rồi quay người bước thẳng ra cửa, lao vào làn mưa. Lời nói của một bệnh nhân Alzheimer, tôi nghĩ vậy để cố gắng làm dịu bớt tình cảnh của mình. Tôi đi một vòng quanh khu hàng xóm, mong chờ Nick sẽ xuất hiện và đưa tôi về nhà. Cơn mưa nhẹ nhàng vỗ về, ướt đẫm người tôi. Tôi thực sự tin Nick sẽ đuổi theo mình. Tôi quay người nhìn về phía ngôi nhà, và chỉ thấy một cánh cửa khép chặt.