Đức phật và nàng: hoa sen xanh 1
Chương 39 : Pháp hội chumig
“Tri thức có ở khắp nơi,
Ngay cả trong lời nói của trẻ nhỏ;
Hương liệu có ở khắp nơi,
Ngay cả trong gan ruột của dã thú.”
(Cách ngôn Sakya)
Vùng Chumig nằm ở bên này lưu vực sông Nyang Chu, tiếp giáp với lãnh thổ của Vạn hộ hầu Shalu, xếp thứ hai ở vùng Hậu Tạng về sự trù phú. Bát Tư Ba đồng loạt cắt ba nghìn hộ dân Mid của Vạn hộ hầu Chumig và Vạn hộ hầu Shalu. Nếu thuyết phục được Vạn hộ hầu Chumig chấp nhận sự phân chia này thì Bát Tư Ba có thể giảm được phân nửa trở lực ở vùng Hậu Tạng. Vậy nên, chàng bước vào trang viên của Vạn hộ hầu Chumig với quyết tâm “nhất định phải thành công”.
Vạn hộ hầu Chumig – ngài Duirang – mới ba mươi tuổi, dáng vẻ nho nhã, thái độ ôn hòa, chừng mực, quả là người điềm đạm, mực thước. Từ xa, chúng tôi đã thấy ngài đứng chờ bên đường. Vừa trông thấy Bát Tư Ba, ngài tỏ ra hết sức mừng rỡ. Ngài nói rằng lúc gửi thiệp mời đại sư Bát Tư Ba tham dự pháp hội ở Chumig, ngài không mảy may hy vọng đại sư sẽ tới. Nào ngờ, đại sư chịu gác sang bên trăm công ngàn việc để đến đây, khiến gia tộc của ngài được nở mày nở mặt...
Lúc này Bát Tư Ba mới nhớ ra chuyện đó. Khoảng một tháng trước, khi năm vạn hộ hầu liên kết phản đối kế hoạch phân chia đất đai và cư dân, Bát Tư Ba đã nhận được thiệp mời tham dự pháp hội Chumig của phái Kadampa. Khi ấy, Bát Tư Ba đang bận bịu với một núi việc, chẳng có thời gian nên đã viết thư từ chối khéo léo. Tính thời gian thì còn khoảng ba ngày nữa, pháp hội sẽ được tổ chức. Bát Tư Ba quyết định tùy cơ ứng biến, chàng bảo rằng đột nhiên có thời gian rảnh rỗi nên muốn đến đây học hỏi giáo pháp của phái Kadampa.
Duirang rước Bát Tư Ba vào trang viên của mình, nơi ăn chốn ở sắp xếp vô cùng chu đáo, nhưng Bát Tư Ba chẳng lựa được lúc nào để trò chuyện riêng với ông ấy. Duirang phát thiệp mời đến tất cả các bậc cao tăng đại đức của giáo phái nên các tăng nhân cứ nườm nượp ra vào trang viên của ông ấy, khiến chủ nhà không có cả thời gian để ăn một bữa cơm yên ổn. Duirang luôn chân luôn tay luôn miệng bố trí, sắp bày mọi việc cho ngày pháp hội. Cứ thế, Bát Tư Ba chẳng có cơ hội nào để trao đổi riêng, chàng quyết định, nhân dịp này kết giao với các chi phái nhỏ của phái Kadampa, xây dựng mối quan hệ hòa hảo với các tu viện.
Người đặt nền móng đầu tiên cho phái Kadampa là vị cao tăng người Thiên Trúc, Atisha. Hơn hai trăm năm trước, vương triều Guge ở vùng Ali đã mời đại sư Atisha đến đất Tạng truyền giáo và đại đệ tử của vị cao tăng này, ngài Dromtonpa, về sau đã lập ra giáo phái Kadampa. Phái này tu theo tông pháp Hiển Tông, dòng tu này phát triển rất mạnh mẽ và được truyền bá rộng rãi. So với các giáo phái Mật Tông khác như Sakya và Kagyu, phái Kadampa coi trọng việc tu tập và tuân thủ giới luật hơn là cai quản chính quyền địa phương. Giáo phái này không chủ trương xây dựng thế lực chính trị lớn mạnh. Bởi vậy, so với những người khác, Vạn hộ hầu Chumig là tín đồ Kadamapa ôn hòa, nhã nhặn nhất. Sau này, vào cuối thời nhà Minh, nhà sư Tsongkhapa của phái Kadampa đã sáng lập ra chi phái Hoàng giáo Gelug nên toàn bộ phái Kadampa đã sáp nhập vào phái Gelug.
Biết tin Bát Tư Ba cũng tới tham dự pháp hội Chumig, toàn bộ tăng sư của các tu viện lân cận lũ lượt đổ về Chumig để được tận mắt chứng kiến phong thái của bậc thánh nhân. Trong ngày đầu tiên diễn ra pháp hội, đã có tới bảy mươi nghìn tăng nhân đến tham dự, đây là pháp hội tập trung đông người tham dự nhất trong lịch sử Tây Tạng. Duirang vui mừng khôn xiết, nhiệt liệt cảm tạ Bát Tư Ba vì sự xuất hiện của chàng đã khiến cho pháp hội lần này có quy mô lớn đến vậy.
Trong suốt thời gian diễn ra pháp hội, Bát Tư Ba tỏ ra là một danh sư bình dị, dễ gần, khiêm tốn, không ngại học hỏi, không định kiến, không thiên vị, hào hứng tiếp thu giáo pháp của phái Kadampa. Mỗi tối, Bát Tư Ba đều cùng các vị cao tăng của phái Kadampa ngồi thiền, tụng niệm kinh Phật và làm phép quán đỉnh cho rất nhiều người. Điều đó khiến cho nhiều tăng nhân của phái Kadampa thay đổi cách nhìn về Bát Tư Ba, số người ca ngợi, ủng hộ chàng ngày một nhiều, ngay cả Duirang cũng dần tâm phục khẩu phục.
Tôi lẻn đến phòng của Duirang nghe trộm, vì tôi rất muốn biết ông ta có chấp thuận phục tùng Bát Tư Ba hay không. Nhưng khi tới đó, tôi lại thấy một lão hòa thượng vóc dáng cao lớn đang bực tức, trách móc Duirang:
- Ngài xem, có người xuất gia nào như hắn không? Đi đến đâu cũng mở cờ gióng trống, kéo theo cả một đám tùy tùng, quan viên, phục trang, cưỡi ngựa, dựng trại giống hệt người Mông Cổ. Hắn còn nhớ mình là người Tạng nữa không?
Tôi nhận ra đó là đại sư Chomden Rigdrel trụ trì đền Narthang. Trong số các tăng nhân của phái Kadampa, ông ta là người có định kiến với Bát Tư Ba hơn cả. Những ngày qua, ông ta thường tỏ ra lạnh nhạt với Bát Tư Ba nhưng chàng vẫn khiêm tốn, nhún nhường.
Duirang không đồng tình với đánh giá của Chomden Rigdrel:
- Đại sư Chomden Rigdrel, hiện người Mông Cổ đang chiếm thế thượng phong, gót sắt của họ đã đạp bằng mọi chốn, ai dám không phục tùng họ? Bát Tư Ba đã theo người Mông Cổ hơn hai mươi năm, lần này lại phụng lệnh Đại hãn Hốt Tất Liệt trở về đất Tạng, việc ngài ấy đi đến đâu có quan quân hộ tống đến đó là điều khó tránh khỏi.
Chomden Rigdrel mỉa mai, châm biếm:
- Hắn làm quan to, mặc triều phục lộng lẫy của Mông Cổ thì không cần phải tuân thủ các giáo pháp của Phật Tổ nữa sao? Hắn còn lưu tâm đến nỗi buồn vui của chúng sinh nữa không?
Duirang chắp tay sau lưng, chầm chậm cất bước trong phòng:
- Đại sư, ta chẳng bận tâm việc ngài ấy vận trang phục của người Mông Cổ. Điều ta đang đắn đo là Chuming có nên tiếp tục chống lại mệnh lệnh của ngài ấy hay không? Tất nhiên, ta hiểu rõ mục đích chuyến đi này của Bát Tư Ba. Thực ra, ngài ấy hoàn toàn có thể dùng uy quyền của người Mông Cổ để ép buộc chúng ta phải chấp thuận. Nhưng ta để ý thấy những ngày qua, dù không nhận được câu trả lời từ phía ta, ngài ấy vẫn nhẫn nại chờ đợi. Với thân phận như vậy mà ngài ấy vẫn rộng lượng, khiêm nhường, quả là hiếm có. Chả trách Đại hãn Mông Cổ xem trọng ngài ấy đến vậy.
Chomden Rigdrel tỏ ra tức tối:
- Ý của ngài là, ngài sẽ cúi đầu trước người Mông Cổ?
Duirang sa sầm nét mặt:
- Năm xưa, khi người Mông Cổ tấn công Wusi, các giáo phái ở đất Tạng đông đảo là thế, vì sao không hợp sức để chống trả? Giờ đây, khi đất Tạng đã quy thuận Mông Cổ mấy mươi năm, một vạn hộ hầu nhỏ bé như ta sao dám đối địch với Bát Tư Ba? Ngài ấy đã đích thân đến đây tỏ rõ thành ý, ta nghĩa rằng đã đến lúc phải nhún nhường.
- Nhưng Vạn hộ hầu Shalu...
Duirang ngắt lời Chomden Rigdrel, ánh mắt sắc lẹm:
- Tưởng rằng ta không biết sao? Ông cũng có những toan tính của riêng mình. Chumig không đời nào trở thành khiên chắn của Shalu.
Chomden Rigdrel quay mặt đi, hậm hực. Tôi hớn hở ra về, định bụng sẽ báo tin vui cho Bát Tư Ba, rằng những cố gắng không mệt mỏi của chàng cuối cùng cũng đã có kết quả đáng mừng. Về tới nơi, thấy chàng vẫn đang miệt mài bên bàn làm việc, một ý nghĩ tinh nghịch chợt lóe lên trong đầu, tôi muốn dọa chàng. Thế là tôi liền hóa thành người, nhón bước lại gần, vỗ nhẹ vào vai chàng.
Nào ngờ, chàng hét lên một tiếng đau đớn, cánh tay đặt vội lên bờ vai mà tôi vừa chạm vào, giật mình quay lại, gương mặt co rúm vì phải chống chịu với con đau. Trông thấy tôi, hai mắt chàng mở to, chàng lập tức lùi lại phía sau, giữ khoảng cách an toàn.
- Lâu Cát, chàng... chàng làm sao vậy?
Tôi bàng hoàng nhìn lại bàn tay mình, tôi vỗ rất nhẹ thôi mà, sao chàng lại phản ứng dữ dội như thể vừa bị giáng một đòn chí mạng vậy?
- Ta không sao. – Chàng khẽ thở dốc, buông thõng cánh tay vừa ôm lấy vai xuống, quay mặt đi. – Ta đang tập trung cao độ để viết một bức thư quan trọng gửi Đại hãn thì em đến và làm ta giật mình. Ai trong trường hợp này cũng sẽ phản ứng như vậy.
- Nhưng em chỉ vỗ nhẹ thôi mà, vì sao chàng lại đau đớn như vậy?
Chàng xoay khớp bả vai, khẽ nhíu mày, như thể đang gắng gượng chống chịu với cơn đau buốt:
- Chắc tại va chạm đột ngột nên gân cốt nơi bả vai hơi đau.
- Vậy ư? Để em xem nào.
Tôi định lại gần nhưng chàng nhanh chóng lùi lại. Tôi không biết phải làm sao, đành quay đi tìm lọ thuốc bôi, đưa cho chàng:
- Đây là thuốc bôi vết thương điều chế từ hoa tuyết liên trên núi Thiên Sơn, công hiệu lắm đó.
Chàng không chịu đón lấy mà ra hiệu cho tôi đặt lên bàn rồi cầm lọ thuốc lên, ngập ngừng nói:
- Em ra ngoài đi, ta không quen cởi y phục trước mặt người khác.
Hai má nóng bừng, tôi luống cuống rời khỏi phòng chàng. Đêm đó, tôi không sao chợp mắt được, treo mình trên cành thông trong vườn nhà, buồn bực, bứt rứt không yên. Tôi đã bứt rụng cả một vạt lá. Vì sao khi tôi là hồ ly thì chàng cưng nựng, dịu dàng, còn khi tôi hóa phép thành người thì chàng lại muốn né tránh, không thích trò chuyện với riêng tôi, thậm chí cố tình gán ghép tôi với Kháp Na?
Tôi những muốn xích lại gần chàng, nhưng sau khi rời khỏi Đại Đô, khoảng cách giữa chúng tôi ngày càng xa. Lúc tôi ở bên chàng, chàng buộc tôi hóa phép trở lại nguyên hình với lý do: không muốn những người khác bắt gặp chàng ở cạnh một cô gái. Nhưng cái cớ này rất khiên cưỡng, vì thính giác của tôi rất nhạy bén, nếu có người đến, chắc chắn tôi sẽ phát hiện ra từ sớm và lập tức trở lại nguyên hình. Huống hồ, lúc trước tôi vẫn thường ở bên chàng trong hình hài một cô gái đó thôi. Khi ấy, chàng không hề lo lắng về điều này. Tôi từng rất vui sướng vì nghĩ rằng, tôi đã tu luyện thành công, nếu bây giờ chàng chạm vào tôi, tôi sẽ không bị đẩy trở lại nguyên hình như trước nữa. Nhưng chàng đang dần xa lánh và không muốn chạm vào tôi. Vậy tôi khổ công tu luyện còn có ý nghĩa gì nữa?
Tôi cứ ngồi trên chạc cây, thẫn thờ, vẩn vơ suy nghĩ mãi, nhưng đầu óc đơn giản của loài hồ ly chẳng thể giúp tôi lý giải nổi vì sao quan hệ của chúng tôi đang từng bước đi từ chỗ thân mật đến chỗ xa cách như vậy. Giá như Kháp Na ở đây thì tốt biết mấy, cậu ấy sẽ phân tích cho tôi hiểu, sẽ dịu dàng an ủi, động viên tôi. Nụ cười hút hồn của cậu ấy sẽ giúp tôi quên hết mọi ưu phiền. Nhớ đến Kháp Na, lòng tôi chợt thắt lại, không biết cậu ấy đã khỏi bệnh chưa, có còn ho khan nữa không? Sau đó, tôi nhận ra, tôi rất nhớ Kháp Na, nhớ quay quắt nụ cười trong sáng, đôi mắt long lanh của cậu ấy, nhớ mọi thứ về cậu ấy. Mừng thay, mai là ngày cuối cùng của pháp hội Chumig, Duirang đã chịu thuần phục Bát Tư Ba, mọi việc sắp kết thúc và tôi có thể nhanh chóng trở về Sakya.
Vào ngày cuối cùng của pháp hội, mấy trăm cao tăng tập trung trong đại điện của ngôi đền Chumig, cùng nhau thảo luận bộ kinh văn Sáu luận thuyết của phái Kadampa. Trời đang vào độ giữa thu, nắng trưa chói chang, đại điện lại chật kín người, bầu không khí rất đỗi ngột ngạt, oi bức. Các nhà sư ai nấy đều thả trần nửa vai để giảm bớt sức nóng. Nhưng riêng Bát Tư Ba, dù mồ hôi đã lấm tấm trên trán, y phục của chàng vẫn rất mực chỉnh tề. Chàng ngồi thiền trên đài cao giữa chính điện, pháp tướng trang nghiêm.
Trong lúc mọi người đang thảo luận rôm rả, Chomden Rigdrel đột nhiên đứng dậy, nói lớn:
- Đêm qua ta đã làm một bài thơ, muốn nhân đây đọc hầu các vị cao tăng đại đức. Ý các vị ra sao?
Ai nấy đều háo hức cỗ vũ Chomden Rigdrel. Ông ta ném một ánh nhìn không mấy thiện cảm về phía Bát Tư Ba, thủng thẳng cất giọng:
- “Bóng mây nha sở che mở giáo phái của Phật Tổ
Chốn quan trường tước đoạt hạnh phúc của chúng sinh
Tăng nhân lấm lem thế tục, tham lam quyền tước
Không hiểu hết ba điều này, sao xứng là bậc thánh giả.”
Ông ta vừa dứt lời, cả đại điện lao xao bàn tán. Ai cũng nhận ra bài thơ này dùng để châm biếm Bát Tư Ba, bởi vì “Bát Tư Ba” trong tiếng Tạng có nghĩa là “bậc thánh giả”. Bát Tư Ba vẫn khép hờ đôi mắt, vẻ mặt bình thản, tĩnh tại như mọi khi, trầm ngâm không nói. Chomden Rigdrel được nước lấn tới, khoát tay, cất giọng oang oang:
- Thiết lập nha sở, nuôi dã tâm thống trị toàn bộ vùng Wusi, phong quan phong tước cho các giáo phái lớn, ra khỏi cửa là mang theo đoàn tùy tùng đông đảo, phô trương thanh thế. Kể từ khi vương triều Tufan sụp đổ cho đến nay, ở đất Tạng này chưa bao giờ xảy ra chuyện tương tự. Nghiêm trọng hơn, người làm những việc này lại là một nhà sư mà lẽ ra phải toàn tâm toàn ý phụng sự Phật Tổ!
Ông ta nhìn thẳng vào Bát Tư Ba, ánh mắt đầy khinh miệt và khiêu khích.
- Tăng nhân mà không giũ sạch bụi trần, tĩnh tâm tu tập thì sao gọi là tăng nhân? Chi bằng đi mà làm quan lớn, đi mà ôm chân bọn Mông Cổ!
Công nhiên khiêu khích như thế là cố ý gây khó dễ cho Bát Tư Ba. Phản ứng của những người xung quanh rất khác nhau, có kẻ tán đồng, có người phản đối, có kẻ rắp tâm hóng chuyện vui. Duirang sa sầm mặt mày, ghé tai nói nhỏ với người hầu cận, người đó lập tức nhận lệnh đi ngay. Một lát sau, hàng chục nô bộc lực lưỡng xuất hiện ở cổng đền, chuẩn bị tiến về phía Chomden Rigdrel.
Bát Tư Ba đột nhiên đứng dậy, khoát tay ngăn họ lại rồi chậm rãi bước đến giữa đại điện, mỉm cười, cất giọng ôn hòa:
- Đại sư Chomden Rigdrel, ta cũng đang lúc cao hứng, muốn họa lại bài thơ của đại sư, mời các vị cùng thưởng thức, được không?
Cả đại điện lập tức chìm trong yên lặng, mọi ánh mắt đều đổ dồn về vị quốc sư phong thái đĩnh đạc, dáng vẻ an nhiên, điềm tĩnh kia. Chàng cất giọng ngâm thư thái:
- “Phật dạy rằng giáo pháp của người có lúc thịnh lúc suy
Hạnh phúc của chúng sinh được định bởi duyên nghiệp
Muốn giáo hóa phải tùy cơ ứng biến
Không hiểu hết ba điều này, sao xứng là bậc hiền nhân.”
Những tiếng bàn tán râm ran khắp đại điện, nhiều người tấm tắc khen ngợi. Chỉ trong thời gian ngắn như vậy, Bát Tư Ba đã ứng đối rất nhịp nhàng, chuẩn mực và sâu sắc, thậm chí đã khéo léo gắn tên của Chomden Rigdrel vào bài thơ. Trong tiếng Tạng, “Chomden Rigdrel” có nghĩa là nhà hiền triết một lòng hướng Phật. Trí tuệ mẫn tiệp, thông tuệ, nhạy bén của Bát Tư Ba thật khiến người ta phải khâm phục, ngưỡng mộ. Chomden Rigdrel hoàn toàn bất ngờ trước “đòn phản công” của Bát Tư Ba, vì chàng không dùng quyền lực để trấn áp mà đáp trả bằng thơ ca. Ông ta cứ đứng ngay ra đó, trơ như gỗ đá, không biết phải tiếp lời ra sao.
Bát Tư Ba đưa mắt khắp lượt tăng chúng, gương mặt cương nghị, ánh mắt kiên định.
- Tuy mang danh “bậc thánh giả” nhưng ta tự thẹn với lòng mình vì mấy năm qua đã dành nhiều tâm sức vào công việc chính sự mà sao nhãng việc tu tập và nghiên cứu kinh văn của các giáo phái. Ta cảm thấy vô cùng may mắn vì nhân dịp này được học hỏi từ các vị cao tăng phái Kadampa nhiều kiến thức Phật giáo uyên thâm, quý báu. Ta cũng vô cùng cảm phục công đức bao la của đại sư Chomden Rigdrel vì ngài đã dày công biên soạn cuốn Đại Tạng kinh mục lục luận điển quảng thuyết, giúp truyền bá ngày càng rộng rãi hơn các giáo lý Phật pháp. Có điều, ta e rằng đại sư bế quan tu tập nhiều năm nên chưa nắm bắt được tình hình trước mắt của đất Tạng. Những suy nghĩ và đường lối của đại sư sẽ khiến đất Tạng bị cô lập với thế giới bên ngoài. Cách nghĩ đó tuy hay nhưng không thể áp dụng. – Giọng chàng trầm vang, mạnh mẽ, có sức lay động. – Trước kia, người Mông Cổ không tin theo Phật pháp, họ có tín ngưỡng riêng của họ, đó là tín ngưỡng Saman. Nhưng kể từ thời đại của bác ta, với những nỗ lực phi thường, ngài Ban Trí Đạt đã thuyết phục được người Mông Cổ quy y Phật pháp, chấm dứt chiến tranh với đất Tạng. Dù chúng ta và họ khác nhau về chủng tộc, ngôn ngữ, nhưng Phật dạy rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng. Trang phục, lễ nghi không phải thứ quan trọng, quan trọng hơn cả là làm thế nào để chấm dứt tình trạng chia năm xẻ bảy đã diễn ra bao năm qua trên quê hương chúng ta!
Mọi người đều như vừa bừng tỉnh sau giấc mộng dài, ngay cả Chomden Rigdrel cũng cúi đầu xấu hổ. Duirang nháy mắt ra hiệu cho các nô bộc lập tức rút lui. Sau đó, ông ấy bước tới, cung kính vái lạy Bát Tư Ba, thưa rằng:
- Thưa quốc sư, chúng tôi đây tầm nhìn hạn hẹp, kiến thức nông cạn, không có cái nhìn toàn vẹn về thế cục. Nay được quốc sư ban lời vàng ngọc, mới chợt tỉnh ngộ, hiểu ra tất thảy. Vạn hộ hầu Chumig nguyện tuân theo pháp chỉ của phái Sakya, bằng lòng cắt ba nghìn cư dân Mid.
Đến lúc này, gương mặt Bát Tư Ba mới rạng rỡ trở lại sau bao ngày tháng. Gió mát xua tan mây đen trên bầu trời, ánh nắng rực rỡ chiếu qua khung cửa sổ đại điện, dát vàng cả không gian, phủ lên mình Bát Tư Ba vầng hào quang chói lọi. Chàng nổi bật giữa vầng hào quang lấp lánh ấy, thần sắc trang nghiêm, phong thái bất phàm. Tất cả những người có mặt trong đại điện lúc đó đều quỳ sụp xuống, dập đầu vái lạy trước cảnh tượng kỳ ảo, thần thánh ấy.
Hoàn thành nhiệm vụ ở Chumig, Bát Tư Ba lên xe ngựa, ra về trong tiếng hoan hô dậy sóng của Duirang và các tăng nhân phái Kadampa. Chàng dự định đi tiếp về hướng nam, ghé thăm Vạn hộ hầu Gyangtso ở Nyadong, vùng cực nam của Hậu Tạng. Tôi thầm thở dài, cứ ngỡ sẽ được về Sakya thăm Kháp Na, nào ngờ Bát Tư Ba lại muốn nhân tiện viếng thăm và thuyết phục hầu hết các vạn hộ hầu ở vùng Hậu Tạng, chỉ trừ Vạn hộ hầu Shalu. Nếu cứ đà này, có lẽ phải đến mùa đông mới về được Sakya. Nhưng tôi nhớ Kháp Na da diết nên dự định sẽ trốn về Sakya vài ngày sau khi đoàn chúng tôi tới Nyadong.
Nhưng khi chúng tôi chưa kịp đặt chân đến Nyadong thì một đội xe ngựa của Sakya đã đuổi theo và bắt kịp chúng tôi. Dẫn đầu là Dampa, đệ tử mà Bát Tư Ba mới thu nhận ở Chindu.
- Có chuyện gì? – Bát Tư Ba vừa đỡ lấy Dampa vừa gạn hỏi, vẻ mặt đầy lo lắng.
Dampa hổn hển:
- Thưa thầy, không cần phải đi thuyết phục từng vạn hộ hầu nữa, mời thầy về Sakya ngay. Bạch Lan Vương... Bạch Lan Vương...
Tôi thốt lên kinh hãi rồi vội che miệng, cũng may tiếng kêu của loài hồ ly rất nhỏ nên không gây chú ý.
- Kháp Na làm sao?
Dù đã hết sức giữ bình tĩnh, giọng nói của Bát Tư Ba vẫn run lên vì xúc động.
Dampa vội vàng xua tay để xóa đi sự hiểu lầm của Bát Tư Ba, hớn hở báo tin:
- Xin thầy đừng lo lắng, là chuyện vui. Bạch Lan Vương sắp kết hôn, vợ ngài là con gái của Vạn hộ hầu Shalu.
Cậu ta thở dốc rồi thông báo tin quan trọng nhất:
- Vạn hộ hầu Shalu đã đồng ý quy thuận phái Sakya, cùng bốn vạn hộ hầu khác.
Trái tim tôi như vừa bị vật nhọn đâm trúng, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. Bát Tư Ba túm chặt lấy cánh tay Dampa, sắt mặt nhợt nhạt:
- Sao lại có đám cưới này? Jichoi nhân lúc ta đi vắng đã đến Sakya ư?
Dampa không khỏi kinh ngạc trước thái độ nghiêm trọng của Bát Tư Ba.
- Dạ thưa, không phải, Bạch Lan Vương đích thân đến trang viên Shalu cầu hôn.
- Nó đi Shalu ư? Nó đang ốm kia mà! – Bát Tư Ba nghiêm mặt, quát. – Nói mau, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Dampa rất mực bối rối:
- Sau khi thầy rời khỏi Sakya, Bạch Lan Vương cũng lập tức lên đường. Ngài chỉ đem theo người hầu cận thân thiết là Kunga Zangpo, nói rằng sẽ đến suối nước nóng trên ngọn đồi phía bắc của dãy núi Benbo để chữa bệnh, nên không ai băn khoăn gì cả. Nhưng năm, sáu ngày sau không thấy Bạch Lan Vương quay về, bản khâm sốt ruột, sai người đến suối nước nóng tìm kiếm thì không thấy Vương gia đâu.
Sắc mặt của Bát Tư Ba càng lúc càng xấu đi, giọng nói chất chứa cơn phẫn nộ:
- Nó đã lén đến Shalu?
Dampa cúi đầu, tiếp tục bẩm báo:
- Bản khâm biết thầy bận việc lớn ở Chumig nên không dám cho người đến báo tin, chỉ sai gia nhân đi khắp nơi tìm kiếm. Năm ngày sau, Kunga Zangpo đột nhiên trở về Sakya và mang theo tin vui này. Vạn hộ hầu Shalu đã chọn ngày Hai mươi tám tháng này là ngày lành tháng tốt để tổ chức hôn lễ. Được kết làm thông gia với Shalu nên tất cả những người trong giáo phái đều vui mừng khôn xiết. Bản khâm đã sai người sắp xếp, bố trí mọi thứ để tổ chức một hôn lễ thật long trọng, nghênh đón Vương phi của Bạch Lan Vương về Sakya vào ngày Hai mươi tám tới, đồng thời lệnh cho đệ tử lập tức lên đường, đi đón thầy về Sakya.
Bát Tư Ba chao đảo:
- Kháp Na đang ở đâu?
- Bạch Lan Vương đang cùng đoàn rước dâu trên đường về Sakya, khoảng Hai mươi lăm là về tới nơi.
- Ngày Hai mươi tám ư? Vậy là chỉ còn tám ngày nữa.
Gương mặt Bát Tư Ba lạnh băng, chàng quay lại hỏi người đánh xe:
- Nếu lập tức lên đường thì bao lâu mới về tới?
Phu xe thưa:
- Bẩm, nếu theo tuyến đường bình thường thì mất khoảng nửa tháng.
Bát Tư Ba xem xét lại đoàn người ngựa cồng kềnh của mình, lập tức hạ lệnh:
- Chia thành hai đoàn nhỏ, xếp tất cả những vật dựng cồng kềnh lên mấy cỗ xe ngựa, cho đi sau cùng đoàn tùy tùng. Giảm tối đa trọng lượng cỗ xe của ta, ta chỉ cần Dampa đi theo là đủ. Lập tức xuất phát, trong vòng tám ngày phải về đến Sakya!
Cỗ xe tăng tốc hết mức có thể, đường núi gập ghềnh, hiểm trở, xe xóc, người mệt, tôi nằm bò trên chiếc đệm lông cừu, lòng buồn se sắt.
- Lam Kha, sao thế? Có phải xe ngựa xóc quá không?
Chàng nhất tôi lên, đặt vào lòng mình, nhìn tôi lo lắng.
Tôi mỏi mệt, lờ đờ, giọng nói yếu ớt:
- Em đau đầu, chóng mặt, khó chịu vô cùng.
Chàng hốt hoảng, siết chặt tôi hơn nữa:
- Ta sẽ ôm em thật chật, như vậy em sẽ không thấy khó chịu nữa.
Tôi nhắm mắt lại, để mặc chàng săn sóc, mặc chàng tỉ tê vỗ về, an ủi. Chừng hơn một canh giờ sau, tôi bắt đầu khóc lóc:
- Em vẫn thấy khó chịu vô cùng. Hình như có một cái dằm trong tim em, xe ngựa cứ nảy lên một cái, dằm lại cắm sâu vào tim em, cứ thế, nó đâm nắt tim em rồi.
Nước mắt tôi lăn dài trên má, thấm vào lớp áo tăng ni của chàng. Tôi cào cào móng vuốt vào ngực mình, run rẩy:
- Em muốn nhổ cái dằm đó ra, nhưng em không tìm được nó, không tìm được nó!
Bát Tư Ba bối rối lau nước mắt cho tôi, lo lắng dỗ dành:
- Lam Kha, cho ta hay, em làm sao vậy?
- Em không biết nữa, em chưa bao giờ đau đớn, khó chịu thế này.
Rồi tôi hạ quyết tâm, ngẩng lên nói với chàng trong làn nước mắt:
- Em phải về trước đây, em phải đi tìm Kháp Na.
Bàn tay chàng đột nhiên siết chặt hơn, hai mắt khép hờ, lặng yên không nói. Một lúc lâu sau, chàng mới hé mở cặp mắt mỏi mệt, gật đầu với tôi.
~.~.~.~.~.~
Nhắc lại cuộc chạm trán và đối đáp với Chomden Rigdrel, tuy Bát Tư Ba đã giành chiến thắng bằng trí tuệ sắc sảo của mình nhưng tôi vẫn than vắn thở dài:
- Tuy Bát Tư Ba có công lớn đối với việc thống nhất đất Tạng nhưng không thể tránh khỏi những lời dèm pha, chỉ trích của những nhà tu hành tuân thủ tuyệt đối giới luật của nhà Phật. Chàng theo người Mông Cổ đã lâu nên cách ăn mặc, cách hành xử cũng giống hệt người Mông Cổ. Trong con mắt của một số người Tạng bảo thủ thì chàng chẳng khác nào một người Mông Cổ mặc áo người Tạng.
Chàng trai trẻ lên tiếng:
- Phái Sakya trở nên lớn mạnh, tất cả đều dựa vào thế lực của người Mông Cổ. Bởi vậy, sự hưng thịnh hay suy yếu của giáo phái này gắn chặt vơi sự hưng thịnh và suy yếu của triều Nguyên. Thật đúng với câu: thành cũng nhờ Mông Cổ, bại cũng do Mông Cổ.
Tôi cười buồn:
- Bát Tư Ba xuất hành quả thật không giống một nhà sư. Đoàn tùy tùng theo hầu chàng chính là tổ chức Labrang mà chàng lập ra cho riêng mình, phỏng theo cơ cấu cai quản thị vệ của các vương gia Mông Cổ. Chàng có khoảng mười ba quan thị vệ lo liệu công việc cho mình, trong số đó có cả nhà sư và người thường. Senge là một trong số họ. Trong suốt những năm tháng mà uy danh của Bát Tư Ba lừng lẫy khắp nơi, những viên quan thị vệ này đi tới đâu cũng được kẻ khác vì nể.
Chàng trai trẻ bật cười:
- Thế mới nói, ngài chính là một chính khách mặc áo nhà sư.
- Nhưng chế độ Labrang mà Bát Tư Ba sáng lập ra cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với các thế hệ tiếp theo. Vì các thủ lĩnh tôn giáo sau này đều học theo chàng, Labrang trở thành một tổ chức thị vệ mà bất cứ lãnh tụ tôn giáo nào trên đất Tạng cũng cần có. Tổ chức này không chỉ kéo dài cho đến khi triều Nguyên bị diệt vong mà ngay cả trong thời nhà Minh, nhà Thanh, người ta vẫn có thể thấy bóng dáng của chính quyền Sakya trong cấu trúc tổ chức chính quyền của vùng Tây Tạng.
Truyện khác cùng thể loại
606 chương
72 chương
128 chương
3 chương
67 chương
23 chương
7 chương
36 chương
123 chương
70 chương