Đông phương thần thánh đế quốc
Chương 66 : Vĩnh lạc đế quyết định thân chinh
Giang lịch năm thứ 3 vạn 9.516 (Giáp Ngọ, 1414). Cũng tức là Minh triều Vĩnh Lạc năm thứ 12.
Khổng Phu Tử có câu nói : “Hà chính mãnh vu hổ”, nghĩa là chính quyền hà khắc đáng sợ như cọp dữ. Câu nói này rất thích hợp vào giai đoạn đầu này của Minh triều. Từ thời Hồng Vũ đế Chu Nguyên Chương, ‘hà chính’ nào chỉ đáng sợ như cọp dữ. Chu Nguyên Chương là người tàn bạo hiếu sát, liên tục tàn sát công thần, bởi cho công thần là những ‘gai nhọn’ có hại cho sự thống trị của họ Chu, cần phải loại bỏ. Toàn bộ những văn thần võ tướng từng vào sinh ra tử giúp ông ta dựng nên đại nghiệp đều bị sát hại triệt để. Nhiều vụ án lớn như Hồ Duy Dung, 3 vạn người bị sát hại; Lam Ngọc, 2 vạn người bị xử trảm. Sử cũ chép rằng, mỗi sáng trước khi vào triều các quan đều từ biệt vợ con, bởi không biết có còn sống qua ngày hôm đó hay không. Ông ta còn cấm đoán thương nhân, bởi cho rằng thương nhân là hạng người chỉ chuyên bóc lột người khác, dẫn đến thương mại đình đốn, thương nhân không dám làm ăn, các cửa hiệu đều đóng cửa, người dân muốn mua gì cũng không được. Mãi đến lúc xã hội hỗn loạn, ông ta mới rút bỏ lệnh cấm. Ngoài ra, đối phó không nổi hải tặc, ông ta lại ban bố ‘Cấm hải lệnh’, cấm người dân đóng thuyền lớn, cấm ra biển (kể cả đi đánh cá), cấm sinh sống gần biển, những người dân sống gần bờ biển đều bị cưỡng chế di dời vào nội lục. ‘Cấm hải lệnh’ bắt đầu từ Chu Nguyên Chương, tồn tại suốt trong triều đại nhà Minh. Như thế, nào chỉ gọi là ‘hà chính’, thật sự là ‘bạo chính’.
Sự lạc hậu của Trung Hoa so với thế giới cũng bắt đầu từ thời Minh. Trước đó, nền văn minh Trung Hoa luôn dẫn đầu thế giới trong hàng nghìn năm. Các sử gia cho rằng sự lạc hậu này có nhiều nguyên nhân, trong đó có biện pháp thống trị chuyên chế bảo thủ của Chu Nguyên Chương, đặc biệt là thể chế chính trị tập quyền cao độ, quyền lực về kinh tế nằm dưới cực quyền chính trị, mà các chế độ về cửa ải bến sông, chế độ cấm buôn bán trên biển, chế độ hộ làm nghề thủ công, chế độ lưu thông hàng hóa … là nguyên nhân chủ yếu kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Ngoài ra, cách chọn nhân tài bằng lối văn bát cổ (một thể văn dùng trong các kỳ thi thời phong kiến, chỉ chuộng phô trương hình thức, ít chuộng giá trị đích thực của nội dung) và chủ trương văn hóa chuyên chế của Minh triều cũng là nguyên nhân chủ yếu để tạo nên sự đình trệ của xã hội Trung Hoa. Do đó, tuy Chu Nguyên Chương có công lớn đánh đuổi quân Nguyên, nhưng cũng có tội rất lớn đối với đất nước Trung Hoa.
Minh triều chỉ có được mấy năm dùng ‘nhân trị’ dưới thời Kiến Văn đế Chu Doãn Văn. Nhưng những năm này lại là những năm chiến tranh khốc liệt. Cuộc chiến Tĩnh nạn tuy chỉ kéo dài trong 3 năm, mà trước sau đã gây tổn thất gần trăm vạn quân. Lần đầu, triều đình phái lão tướng 65 tuổi Cảnh Bỉnh Văn suất lĩnh 30 vạn Bình Yên đại quân, đại bại ngay đêm Trung Thu. Tiếp đó lại đến phiên Lý Cảnh Long suất lĩnh 50 vạn quân tiếp viện, hợp với tàn quân của Cảnh Bỉnh Văn thành 60 vạn, và bại trận càng thê thảm hơn. Phía Yên quân, số tổn thất không rõ, nhưng cũng có mấy lần thảm bại, đại quân tận thất, chỉ còn Yên Vương Chu Lệ và một số tùy tướng chạy thoát về Bắc Bình. Ba năm chiến tranh, tổn thất gần trăm vạn quân, chưa kể đến bình dân bách tính chết trong chiến loạn hay trở thành lưu dân, chết đói trên đường chạy loạn.
Vĩnh Lạc đế Chu Lệ lên ngôi, tiếp nối sự tàn bạo hiếu sát của cha, sát hại rất nhiều quần thần. Và ông ta còn hơn cả cha mình ở chỗ hưởng thụ, hiếu danh và hiếu chiến. Chu Nguyên Chương còn tương đối tiết kiệm. Chu Lệ xây cung thất, đào Vận Hà, sửa Trường Thành, trưng tập hàng triệu phu dịch (làm không công). Chu Lệ tuyển mỹ nữ khắp thiên hạ (trong và ngoài nước), tận tình hưởng thụ, phung phí tiền tài để chiều ý mỹ nhân. Chu Lệ thường niên phát động chiến tranh, chinh nam phạt bắc, hao binh tốn của vô số. Quốc khố cạn kiệt, triều đình tăng thuế, dân chúng lầm than.
Chu Lệ là một vị hoàng đế cực kỳ hiếu danh, sử Tàu gọi là ‘hảo đại hỉ công’. Chu Lệ cũng là một vị hoàng đế ưa thể diện. Dẹp loạn, chinh chiến và bản thân phô trương lãng phí đã khiến cho quốc khố gần như cạn kiệt. Nhiều năm chiến tranh, các kho lương nhập không đủ xuất, lương thực cạn dần. Lương thiếu tiền thiếu, sự tình tự nhiên trở nên nghiêm trọng. Muốn giải quyết trong thời gian ngắn, chỉ có thể tăng thuế.
Cai trị trong hoàn cảnh đó, Vĩnh Lạc đế Chu Lệ lại không thể nghe được những lời trái tai. Những ai làm hoàng đế phật lòng, đều không có kết cục tốt. Kết quả, bên tai Vĩnh Lạc đế lúc nào cũng chỉ nghe những lời tán tụng anh minh thần vũ, thiên hạ thái bình, Vĩnh Lạc thịnh thế, … Mười mấy năm nhắm mắt bịt tai tự cao tự đại, thình lình đại chiến bộc phát, nam phương tận thất, chỉ trong vòng nửa năm mà một nửa giang sơn Đại Minh đã đổi chủ, Vĩnh Lạc đế không nộ khí xung thiên sao được.
Bắc trực lệ. Bắc Kinh. Dưỡng tâm điện.
Phía trên ngai rồng, Vĩnh Lạc đế Chu Lệ trợn mắt nhìn xuống mấy chục vị quần thần quỳ phục phía dưới.
Rầm.
Một âm thanh chấn động, vang vọng trên điện vốn yên ắng như tờ. Các tấu sớ trên long án bị Vĩnh Lạc đế xua tay, rơi đầy dưới nền điện. Vĩnh Lạc đế cầm lấy chung trà mà cung nữ dâng lên, nhấm nháp một ngụm để giáng hỏa, rồi mới nói :
- Đứng cả dậy đi. Việc đã thế rồi, chư khanh phải nhanh chóng tìm cách giải quyết.
Tuy nhiên không rõ ý tứ của Vĩnh Lạc đế thế nào, như quần thần phía dưới vẫn phải run rẩy đứng lên. Hoàng đế không nổi giận ? Lạ thật đấy ! Mấy chục vị đại thần không ai dám lên tiếng, toàn bộ đều cúi đầu chờ hoàng đế kim khẩu ngọc ngôn.
Hoàng thái tôn Chu Chiêm Cơ xuôi tay đứng hầu phía sau Vĩnh Lạc đế. Chu Chiêm Cơ là con trưởng của Thái tử Giám quốc Chu Cao Thức, rất được Vĩnh Lạc đế yêu quý, đi đâu cũng cho đi theo. Có lần, Vĩnh Lạc đế muốn phế Thái tử, hỏi đại thần về đức hạnh của Thái tử. Vị đại thần đó biết ý của Vĩnh Lạc đế, đã nói một câu : “Hảo hoàng tôn”. Thế là Vĩnh Lạc đế bỏ ý định phế Thái tử, vì muốn vị Hoàng thái tôn yêu quý của mình được kế ngôi.
Vĩnh Lạc đế đột nhiên quay lại hỏi :
- Cơ nhi. Ngươi nói thử xem. Trước tình thế này bản triều phải làm sao ?
Chu Chiêm Cơ giật mình, nhưng nhanh chóng trấn tĩnh, ngẫm nghĩ thật nhanh, rồi bình tĩnh nói :
- Đánh. Tập toàn quốc chi lực, nhất chiến diệt tặc quân, chương hiển Đại Minh thiên oai, an định thiên hạ nhân tâm, trọng chấn quân trung khí thế.
- Ừm.
Vĩnh Lạc đế mặt không đổi sắc, chỉ khẽ ậm ừ một tiếng, rồi quay sang hỏi chúng quần thần :
- Lời của Hoàng thái tôn, chư khanh thấy thế nào ?
Biết không thể chần chờ được nữa, nếu chần chờ có thể dẫn đến long nhan phẫn nộ, Cam Túc quân vụ chưởng sự Dương Vinh xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Thần nhận thấy lời Hoàng thái tôn rất có lý. Tặc quân phong tỏa Vận Hà, lương thực từ Giang Nam không thể vận chuyển lên phương bắc. Nếu triều đình không sớm khai thông Vận Hà, sớm muộn gì Hà Bắc cũng thiếu lương, tình hình sẽ nghiêm trọng.
Vua quan hay quân dân gì cũng đều không thể không ăn, thiếu lương đương nhiên tình hình sẽ nghiêm trọng, thậm chí sẽ xuất hiện phản loạn. Các cuộc khởi nghĩa nông dân lớn mạnh có khi nào không phải vì đói khổ. Vĩnh Lạc đế lại quay sang nhìn những người khác. Phò mã Quảng Bình hầu Viên Dung xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Nam Kinh là kinh đô của tiên đế, là bản triều căn cơ, nếu thất thủ, tất quân dân sĩ khí thụ tổn, thỉnh khẩn cấp tăng viện.
Vĩnh Lạc đế cau mày, nói :
- Tặc quân thế mạnh, bản triều còn phải phòng ngự Mông Cổ và Uy Khấu, không đủ binh lực nam hạ, khó a !
Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương xuất ban tâu :
- Khải tấu thánh thượng. Gần đây lưu dân từ Giang Nam chạy lên Giang Bắc ngày càng đông, vô sở xử sự, để lâu tất sinh biến. Triều đình có thể tuyển thanh tráng nhập ngũ, tất sẽ có trăm vạn đại quân.
Vĩnh Lạc đế khen phải, phán :
- Chư khanh hãy chỉnh bị binh mã, lương thực, khí giới, chuẩn bị huy sư nam hạ. Lần này trẫm sẽ thân chinh, suất trăm vạn đại quân bình tặc.
Chúng quần thần tuân chỉ. Bộ máy quân sự của Minh triều lập tức khẩn trương vận chuyển. Lương thực, vũ khí được tập trung về Thông Châu. Ngũ quân đô đốc phủ điều động 60 vạn binh mã tập hợp tổ chức nam chinh đại quân. Cẩm Y Vệ đô chỉ huy thiêm sự Kỷ Cương phụng chiếu đến vùng Giang Bắc trưng tập thanh tráng 40 vạn, sung vào quân đội. Quần thần văn võ cũng chuẩn bị sẵn sàng tùy giá nam chinh.
Truyện khác cùng thể loại
27 chương
7 chương
18 chương
61 chương
108 chương
57 chương