Nói về cách cư xử của Cha xứ và bác phó cạo trước bệnh trạng của Đôn Kihôte Trong phần hai của cuốn truyện này, hiền sĩ Amêtê Bênêhenli kể về của xuất hành thứ ba của Đôn Kihôtê như sau: suốt gần một tháng trời, Cha xứ và bác phó cạo không gặp mặt chàng hiệp sĩ, cốt để cho chàng khỏi nhớ lại những chuyện đã qua. Tuy nhiên, hai người không quên tìm cô cháu gái và bà quản gia của Đôn Kihôtê, dặn dò họ phải lo bồi dưỡng chàng, cho ăn những món bổ tim và bổ óc vì rõ ràng hai bộ phận đó đã gây ra mọi tai họa cho chàng. Cô cháu gái và bà quản gia nói rằng họ đã làm như vậy và sẽ tiếp tục làm nữa, với tất cả lòng mong muốn và sự chăm chút, vì họ nhận xét thấy chủ họ đôi lúc tỏ ra hoàn toàn minh mẫn. Nghe thấy vậy, Cha xứ và bác phó cạo lấy làm hài lòng lắm, nghĩ rằng mình đã hành động đúng khi dùng xe bò đưa chàng hiệp sĩ bị phù phép về nhà, như đã kể trong chương cuối cùng phần thứ nhất của câu chuyện dài và chính xác này. Hai người bèn quyết định đi đến thăm chàng xem bệnh tình của chàng có thuyên giảm không, mặc dù họ nghĩ rằng điều đó hầu như không xảy ra được. Họ thống nhất với nhau tuyệt đối không đả động đến vấn đề hiệp sĩ giang hồ để tránh làm tuột những mũi khâu vết thương lúc này chưa lành hẳn. Tới nơi, thấy chàng đang ngồi trên giường một mình, mặc một cái áo ngắn bằng vải thô màu xanh, đầu đội mũ màu mua ở Tôlêđô; người chàng khô đét, chẳng khác da thịt một cái xác ướp. Đôn Kihôtê tiếp đón Cha xứ và bác phó cạo rất niềm nở. Khi hai người hỏi thăm sức khỏe, chàng trả lời đâu ra đấy, lời lẽ rất văn hoa. Trong câu chuyện, ba người bàn tới vấn đề quốc gia đại sự. họ phê phán sự lạm quyền này, lên án sự lạm quyền nọ, cải cách tập quán này, hủy bỏ tập quán kia, mỗi người trở thành một nhà lập pháp mới, một Liguốcgô tái sinh hay một Xôlôn hiện đại 1, và trên cái đà ấy, họ cải tổ luôn quốc gia, như thể họ đưa cả cái quốc gia đó vào lò luyện rồi rút ra một quốc gia mới khác hẳn cái cũ. Đôn Kihôtê phát biểu về các vấn đề một cách rất thông minh khiến cho hai vị giám khảo đều nghĩ rằng chàng hoàn toàn bình phục và tỉnh táo, không còn phải nghi ngờ gì nữa. Cô cháu gái và bà quản gia cũng có mặt. Thấy Đôn Kihôtê nói năng sáng láng làm vậy, họ không ngớt lời cảm tạ Thượng đế. Đột nhiên Cha xứ từ bỏ ý định lúc trước là không đả động tới vấn đề hiệp sĩ giang hồ; ông muốn thử đến cùng xem Đôn Kihôtê đã khỏi thật hay chưa. Thế là, chuyện này sang chuyện khác, ông thuật lại một vài tin tức truyền đi từ kinh đô, trong đó có tin chắc chắn bọn Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động xuống phía nam một hạm đội mạnh, không rõ ý định của chúng ra sao và không rõ cơn phong ba bão táp đó sẽ trút xuống đâu. Trước một sự đe dọa như vậy, khiến chúng ta hầu như năm nào cũng phải đề phòng, tất cả các nước theo đạo Kitô đã phải cầm sắn vũ khí, và Đức vua đã ra lệnh tăng cường bờ biển Napôlex, Xixilia và đảo Malta . Nghe xong, Đôn Kihôtê đáp: - Bằng việc phòng thủ kịp thời các lãnh thổ của mình, Đức Vua đã hành động như một vị tứ rất thận trọng, tránh né bị kẻ địch đánh bất ngờ; nếu như người ta chấp nhận ý kiến của tôi, tôi sẽ khuyên người ta nên áp dụng một biện pháp phòng ngừa mà chắc là lúc này đây người ta chưa hề nghĩ tới. Thoạt nghe như vậy, Cha xứ bụng bảo dạ: "Tội nghiệp cho Đôn Kihôtê, cầu Chúa cứu vớt ngươi; ta tưởng đâu ngươi đang từ đỉnh cao của sự điên rồ gieo mình xuống vực thẳm của sự giản đơn vậy. Cùng một ý nghĩ với Cha xứ, bác phó cạo liền hỏi Đôn Kihôtê là biện pháp phòng ngừa mà chàng cho là hay ho đó là như thế nào, hay giống như các mưu kế lẩn thẩn mà người ta thường hiến cho các vị vương hầu. - Thưa ông phó húi, mưu kế của tôi không lẩn thẩn mà khôn ngoan kia. - Tôi không định nói như vậy, bác phó cạo thanh minh; số là kinh nghiệm cho thấy rằng tất cả hay hầu hết những mưu kế dâng lên Đức Vua hoặc là không thể thực hiện được, hoặc là dớ dẩn, có hại cho người và cho nước nhà. - Thế nhưng mưu kế của tôi lại không phải là không thể thực hiện được, cũng không dớ dẩn mà dễ nhất, hay nhất, hiếm nhất, gọn nhất mà một mưu sĩ có thể nghĩ ra được. - Ngài Đôn Kihôtê hãy nói xem nào, Cha xứ bảo. - Tôi không muốn nói ra bây giờ, Đôn Kihôtê đáp, kẻo ngày mai mưu kế của tôi lại tới các vị quân sư, rồi người ta cướp mất công lao của tôi. - Về phần tôi, bác phó cạo nói, bây giờ cũng như sau này, trước Chúa, tôi xin thề không nói với bất kỳ ai, không nói với bất kỳ một người nào trên trái đất này điều mà ngài sẽ tiết lộ ra đây; câu thề này tôi đã học được trong lời nói đầu cuốn truyện của một cha xứ, trong đó ông ta tâu với Đức Vua tên kẻ cắp đã lấy của ông ta một trăm đôbla 2 và con la cái nhanh nhẹn. - Tôi không biết truyện đó, song tôi biết là lời thề có vẻ nghiêm túc, do đó tôi nghĩ rằng ông phó cạo là người đứng đắn. - Dù ông phó không đứng đắn, Cha xứ nói, tôi cũng xin bảo lãnh cho ông ta và đảm bảo rằng trong trường hợp này, ông ta sẽ không nói nhiều hơn một người can đảm, nếu không, sẽ phải chịu nộp phạt. - Thưa Cha, thế ai đứng ra bảo lãnh cho Cha? Đôn Kihôtê hỏi. - Nghề nghiệp của tôi, tức là giữ bí mật, Cha xứ đáp. - Có gì đâu, Đôn Kihôtê nói; chỉ cần Đức Vua xuống chiếu vời vào họp trong triều một ngày nào đó tất cả các hiệp sĩ giang hồ rong ruổi khắp đất nước Tây Ban Nha. Dù chỉ có nửa tá hiệp sĩ đến dự, một người trong số đó cũng đủ đập tan sức mạnh của bọn Thổ Nhĩ Kỳ. Các vị hãy nghe tôi nói và hãy đồng ý với tôi. Đâu phải là một điều gì mới mẻ khi một hiệp sĩ giang hồ dẹp tan một đạo quân gồm hai vạn tên như thể chúng chỉ có cái cổ hoặc chúng là người mã vậy. Nếu không thế, tại sao bao nhiêu chuyện chứa đầy những sự việc diệu kỳ? Lúc này đây chỉ cần có sự có mặt của hiệp sĩ trứ danh Đôn Bêlianix - một việc chỉ có hại cho tôi chứ không cho ai khác, - hoặc một trong rất nhiều hiệp sĩ của dòng họ Amađix nước Gôlơ. Nếu bây giờ có một trong những vị này sống lại và đứng ra đương đầu với bọ Thổ, chắc chắn kẻ địch sẽ gặp nguy khốn. Nhưng Thượng đế sẽ thương đến dân chúng và sẽ cử ra một người nào đó, nếu người này không được tài giỏi như hiệp sĩ giang hồ xưa kia thì ít nhất cũng không kém họ về lòng dũng cảm. Mong Chúa hiểu lòng tôi, tôi chỉ nói thế thôi. Nghe tới đây, cô cháu gái thốt lên: - Ôi! Trời hại tôi nếu ông cậu tôi muốn trở lại nghề hiệp sĩ giang hồ. Đôn Kihôtê đáp: - Ta phải chết như một hiệp sĩ giang hồ. Thà cho bọn Thổ cứ việc kéo quân lên phía Bắc hoặc xuống phía Nam , dù cho chúng có binh hùng tướng mạnh, ta nhắc lại là ta mong Chúa hiểu lòng ta. Lúc này, bác phó cạo lên tiếng: - Xin các ngài cho phép tôi kể một câu chuyện ngắn xảy ra ở tỉnh Xêviia. Câu chuyện rất khớp với hoàn cảnh lúc này, nên muốn kể ra đây. Đôn Kihôtê đồng ý. Cha xứ, cô cháu gái và bà quản gia có vẻ muốn nghe. Bác phó cạo cao hứng kể: - Trong nhà thương điên ở Xêviia, có một anh chàng bị nhốt vào đó vì bệnh mất trí. Anh chàng này tốt nghiệp khoa tôn pháp 3 ở Ôxuna, song dù có tốt nghiệp ở trường đại học Xalamanca, theo dư luận của số đông, anh ta vẫn cứ điên. Sau mấy năm tĩnh dưỡng, anh chàng cứ nghĩ mình đã trở lại sáng suốt và minh mẫn, và, với ý nghĩ đó, anh ta viết thư cho Đức Tổng giám mục. Bằng câu chữ hợp lý, anh ta khẩn khoản xin cha cứu anh thoát ra khỏi cảnh sống cơ cực. Bệnh của anh đã hồi phục, chẳng qua gia đình muốn chiếm đoạt tài sản của anh nên đã nhốt anh vào nhà thương điên và mong anh điên cho tới khi chết, mặc dù sự thật khác hẳn. Tin vào những lá thư với lời lẽ ý tứ khôn ngoan, Đức Tổng giám mục mới phái đến một giáo sĩ hỏi ông giám đốc nhà thương xem những điều chàng cử nhân viết cho ông có thật hay không, sau đó sẽ nói chuyện với anh, nếu anh tỏ ra tỉnh táo thì cho ra khỏi nhà thương và trả lại tự do. Giáo sĩ này tới nhà thương và được ông giám đốc cho biết là anh chàng này vẫn còn điên, nhiều lúc nói năng như một người rất tỉnh, khi tỉnh khôn ngoan bao nhiêu thì khi điên lú lẫn bấy nhiêu, cứ nói chuyện với anh ta khắc rõ. Giáo sĩ muốn thí nghiệm xem sao, bèn gặp anh chàng điên, nói chuyện với anh ta hơn một tiếng đồng hồ. Trong hơn một tiếng đó, chàng điên không hề thề thốt ra một lời nào quàng xiên mà trái lại, nói năng đâu ra đấy khiến ông ta không thể không nghĩ rằng anh ta có trí khôn như mọi người. Trong câu chuyện, chàng điên nói rằng ông giám đốc nhận quà cáp nên đã chơi xấu, bảo anh lúc điên lúc tỉnh. Nguyên nhân tai hại gây ra sự bất hạnh này là tài sản kếch xù của anh, kẻ thù của anh muốn được hưởng tài sản đó nên đã làm cho mọi người tưởng lầm và không tin rằng Thượng đế đã rủ lòng thương khiến anh từ một con vật trở lại làm người. Nói tóm lại, theo lời anh nói, ông giám đốc là một kẻ đáng nghi, gia đình anh là những người hám lợi và độc ác, còn anh thì hoàn toàn có lý. Giáo sĩ bèn quyết định dẫn anh tới chỗ ngài Đức Tổng giám mục để ngài nhìn tận mắt, sờ tận tay của sự việc này. Với ý nghĩ đó, ông đề nghị giám đốc cho trả lại quần áo mà chàng đã mặc trước khi vào nhà thương. Ông giám đốc nhắc giáo sĩ coi chừng việc mình làm vì chàng cử vẫn còn điên dại, không có điều gì phải nghi ngờ cả. Mặc cho giám đốc can ngăn, giáo sĩ vẫn không từ bỏ ý định đưa chàng cử đi. Giám đốc đành phải tuân theo vì biết đó là ý định của Đức Tổng giám mục. Thế là chàng cử xin phép giáo sĩ cho đi chào các bạn điên của chàng, ông này ngỏ ý muốn đi cùng để thăm những người điên trong nhà thương. Thế là hai người cùng một số người khác có mặt tại đó cùng đi. Tới một chuồng nhốt một người bị mắc bệnh điên khùng - lúc này đang tỉnh, không quấy phá - chàng cử nói: - Người anh em của tôi ơi, anh có muốn dặn dò gì không? Tôi trở về nhà đây. Thượng đế đầy lòng từ bị bác ái đã trả lại trí khôn cho tôi, mặc dù tôi không xứng đáng được hưởng. Tôi đã khỏi bệnh và tỉnh táo. Đối với quyền lực của Chúa, không có việc gì là không thể làm được. Tôi đã đặt hết hy vọng và tin tưởng vào Người. Một khi Người đã đưa tôi trở lại trạng thái ban đầu, Người cũng sẽ làm như vậy đối với anh nếu anh đặt niềm tin vào Người. Tôi sẽ lo gửi quà bánh vào, anh cứ ăn tự nhiên. Vì đã qua cảnh đó, tôi nghĩ rằng tất cả các bệnh điên rồ của chúng ta đều do bụng rỗng và đầu óc không khí. Anh hãy can đảm lên . Mềm yếu trước đau khổ là hủy hoại sức khỏe và đi mau tới cái chết. Có một bệnh nhân ở chuồng đối diện với anh chàng điên khùng, nghe được hết những lời chàng cử nói. Đang nằm tô hô trên một chiếc chiếu cũ, hắn cùng dậy lớn tiếng hỏi ai là người đã khỏi bệnh điên và được ra khỏi nhà thương. Chàng cử đáp: - Người anh em, tôi là người được ra khỏi nhà thương; tôi không cần phải ở đây nữa và tôi hết lòng cảm tạ Thượng đế đã phù hộ cho tôi. - Ông cử ơi, hãy liệu mồm, liệu miệng, bệnh nhân điên nói, tôi e quỷ nó lừa ông đấy. Xếp bộ giò lại và ở yên trong chuồng khỏi mất công đi ra rồi lại trở vào. - Tôi biết chứ, chàng cử nói, tôi đã khỏi bệnh và không việc gì phải ở trong này nữa. - Ông đã khỏi bệnh ư? Bệnh nhân điên lại nói, thôi mời ông đi đi. Trước thần Hupiter mà tôi thay quyền trên trái đất này, tôi xin thề chỉ riêng tôi cho ông ra khỏi nhà thương ngày hôm nay và coi ông là có trí khôn, thánh Xêviia sẽ bị tôi trừng trị, và sự trừng trị đó khủng khiếp đến nỗi người đời sẽ nhớ mãi trong các thế kỷ sau này, amen. Anh chàng cử quèn ngu xuẩn kia không biết rằng ta có thể làm được việc đó ư? Như ta đã nói, ta là Hupiter sấm vang. Ta có trong tay những tia chớp rực lửa mà tôi có thể thường dùng để uy hiếp và phá hủy trái đất. Nhưng ta chỉ trừng phạt cái đô thị dốt nát này bằng hình thức sau đây: trong suốt ba năm, kể từ lúc ta tuyên bố trừng phạt này, ta không làm mưa xuống Xêviia và các vùng lân cận: Mi thì tự do, lành mạnh, tỉnh táo, còn ta thì điên rồ, bệnh hoạn, bị trói buộc ư? Nếu thế, thà ta tự thắt cổ chết còn hơn sống mà làm mưa. Mọi người xung quanh đều chú ý nghe những lời quát tháo của bệnh nhân điên; riêng anh chàng cử cứ quay về phía giáo sĩ, nắm tay áo ông và nói: - Xin ngài đừng phiền lòng và quan tâm tới những lời tên điên rồ này vừa nói. Nếu hắn là Hupiter xuống làm mưa, tôi, Nếptunô, cha của thần nước, sẽ làm ra mưa khi tôi muốn và khi cần thiết. Giáo sĩ đáp lại: - Thưa ngài Nếptunô, ta không nên chọc tức ngài Hupiter; xin ngài cứ ở lại nhà thương, một ngày nào đó thuận tiện và rỗi rãi hơn, chúng tôi sẽ trở lại thăm ngài. Ông giám đốc nhà thương và những người khác phá lên cười làm giáo sĩ đỏ cả mặt. Người ta lột quần áo chàng cử ra, chàng nằm lại nhà thương và thế là hết chuyện. - Ông phó cạo, Đôn Kihôtê nói, phải chăng câu chuyện đó rất khớp với hoàn cảnh lúc này khiến ông không thể không kể ra đây? Hừ, ông phó húi ơi, ông phó húi ơi! Kẻ nào không nhìn qua được một cái lưới rây bột, kẻ đó không thấy gì hết. Có lẽ nào ông không biết rằng so sánh giữa trí tuệ với trí tuệ, giữa lòng can đảm với can đảm, giữa sắc đẹp với sắc đẹp, giữa dòng dõi này với dòng dõi khác đều đáng ghét và không phải là thủy thần Nếptunô, và tôi cũng không cầu mong ai coi tôi là giỏi giang một khi tôi không giỏi giang. Song, tôi ra sức làm cho thiên hạ thấy được sai lầm là không làm sống lại thời đại hạnh phúc khi hiệp sĩ đạo còn hưng thịnh. Nhưng thời đại suy tàn của chúng ta không xứng đáng được hưởng hạnh phúc to lớn như những thời đại đã qua lâu. Thuở ấy, các hiệp sĩ giang hồ gánh vác trên vai trách nhiệm giữ gìn các vương quốc, bảo vệ các tiểu thư, cứu vớt trẻ mồ côi, trừng trị những tên ngạo mạn, ban thưởng cho kẻ nghèo hèn. Những đồ trang phục bằng gấm vóc và các hàng vải đắt tiền khác mà hầu hết các hiệp sĩ đời nay khoác trên người phát ra những tiếng sột soạt át cả tiếng áo giáp của họ. Đâu còn hiệp sĩ nào ngủ giữa cánh đồng, chịu đựng mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, trang bị suốt từ đầu đến chân bằng mọi thứ vũ khí. Đâu còn ai chân không rời khỏi bàn đạp, tựa mình vào ngọn thương, cố đánh lừa giấc ngủ như những hiệp sĩ giang hồ thời xưa. Đâu còn ai lặn lội trong rừng, trên núi, tới bãi biển hoang dã, sóng cả gió to, nhìn thấy trên bờ có một chiếc thuyền không chèo, không buồm, không cột, không dây, vội lao xuống với một lòng dũng cảm phi thường, phó mặc tấm thân cho những đợt sóng dữ trên biển tung lên vật xuống; thế rồi, trong lúc còn đang chống đỡ với cơn phong ba bão táp, bỗng đâu đã thấy mình cập bến cách xa nơi xuất phát trên ba ngàn dặm: lên bờ - một nơi xa lạ - gặp những chuyện không chỉ đáng ghi trên giấy mà còn phải khắc vào biển đồng bia đá. Những thời này, lười biếng thắng siêng năng, nhàn rỗi thắng cần mẫn, phi nghĩa thắng chính nghĩa, ngạo mạn thắng dũng cảm và lý thuyết thắng thực hành. Nghề vô chỉ tồn tại và phát triển rực rỡ trong thời đại hoàng kim, giữa những hiệp sĩ giang hồ. Nếu không, thử hỏi, anh dũng cảm và chính trực hơn Amađix nước Gôlơ? Ai khôn ngoan hơn Palmêria nước Anh Cát Lợi? Ai dễ dãi, nhẹ nhàng hơn Tiranđê Blancô? Ai lịch sự hơn Lixuactê nước Hy Lạp? Ai bị đâm nhiều và đâm nhiều hơn Đôn Bêlianix? Ai dũng mãnh hơn Piêrôn nước Gôlơ? Ai xông xáo hơn Phêlixmartêđô Ircania? Ai thành khẩn hơn Explandian? Ai mạo hiểm hơn Đôn Xirôhiliô đê Traxia? Ai can đảm hơn Rôđamôntê? Ai thận trọng hơn Xôbrinô? Ai quả cảm hơn Râynalđôx? Ai vô địch hơn Rolđan? Ai thanh lịch hơn Ruhêrô, ông tổ của các vị công tước xứ Pherara ngày nay, treo Turpin viết trong cuốn Vũ trụ học. Thưa Cha xứ, tất cả những hiệp sĩ kể trên cùng bao nhiêu người khác nữa mà tôi có thể kể ra đây là những trang hiệp sĩ giang hồ thuở trước, ánh sáng và vinh quang của hiệp sĩ đạo. Tôi muốn tiến cử những hiệp sĩ đó, hoặc những người tương tự. Nếu như vây, Đức Vua sẽ hài lòng và sẽ đỡ tốn kém nhiều, vì bọn Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn khoanh tay mà đứng nhìn. Dù rằng ông giáo sĩ không cho tôi ra, tôi cũng chẳng chịu ở trong nhà thương, nếu Hupiter không làm mưa xuống, như ông phó cạo vừa nói, tôi đây sẽ làm ra mưa lúc nào tôi muốn. Tôi nói vậy để ngài Châu Cạo Râu biết rằng tôi đã hiểu ý ngài. Bác phó cạo nói: - Thưa ngài Đôn Kihôtê, quả tình tôi không định nói thế. Cầu Chúa phù hộ cho tôi vì ý đồ của tôi là tốt. Ngài chớ nên phật lòng. - Phật lòng hay không phật lòng cũng mặc tôi, Đôn Kihôtê đáp. Lúc này, Cha xứ mới lên tiếng: - Nghe ngài Đôn Kihôtê nói, tôi nảy ra thắc mắc, và mặc dù từ nãy giờ tôi hầu như chưa nói gì hết, tôi không muốn thắc mắc đó giày vò lương tâm tôi. - Cha xứ là người có thẩm quyền bàn nhiều chuyện, Đôn Kihôtê đáp, cho nên ngài có thể nói lên điều thắc mắc của ngài và không nên để lương tâm bị cắn rứt. Cha xứ bèn nói: - Được ngài cho phép, tôi xin thưa rằng điều tôi thắc mắc là không thể nào tin được rằng tất cả cái đám hiệp sĩ giang hồ mà ngài Đôn Kihôtê vừa nhắc tới là có thật và thực sự là những người bằng xương bằng thịt trên đời này. Trái lại, tôi nghĩ tất cả những điều đó đều là chuyện tưởng tượng, hoang đường, dối trá, mê hoặc mà người kể thì tỉnh hay, nói đúng hơn, nửa tỉnh nửa mê. - Đây là một sai lầm mà nhiều người mắc phải, Đôn Kihôtê đáp. Họ không tin rằng có những hiệp sĩ như vậy trên đời này. Rất nhiều lần, trước công chúng và trong nhiều trường hợp, tôi đã cố gắng đưa sự nhầm lẫn hầu như phổ biến này ra ánh sáng của sự thật; có lúc tôi không đạt được ý muốn, có lúc đạt được khi tôi biết dựa vào sự thật, một sự thật hiển nhiên đến nỗi tôi muốn nói rằng chính mắt tôi đã nhìn thấy Amađix nước Gôlơ, một con người có thân hình cao to, mặt trắng, râu tuy đen nhưng chững chạc, mắt vừa dịu dàng vừa nghiêm nghị, nói năng ngắn gọn, ít khi nổi nóng và chóng nguôi giận. Cũng như tôi đã tả hình dáng chàng Amađix, tôi nghĩ là tôi có thể tả ra đây tất cả những hiệp sĩ giang hồ trong các sách vở trên đời này. Căn cứ vào những điều trong sách, những chiến công và tính tình của các hiệp sĩ đó, và bằng những suy nghĩ chín chắn, ta có thể đoán được khuôn mặt, màu da và hình dáng của họ. Bác phó cạo nói: - Thưa ngài Đôn Kihôtê, theo ngài tên khổng lồ Morgantê cao tới mức nào? Đôn Kihôtê đáp: - Có những ý kiến khác nhau nói rằng có hoặc không có người khổng lồ trên đời này. Thế nhưng Thánh kinh - một quyển sách không sai một nguyên tử về sự thật - chứng minh rằng có người khổng lồ và kể rằng khổng lồ Gôliax mình cao bảy tầm rưỡi, tức là cao quá khổ. Trên đảo Xixilia, người ta tìm thấy những bộ xương đùi và xương vai rất to chứng tỏ rằng chủ nhân của nó phải là những người khổng lồ cao như những tòa tháp lớn. Đó là một sự thật đã được chứng minh bằng hình học. Tuy nhiên, tôi cũng không dám nói chắc về tầm vóc của Morgantê, mặc dù tôi nghĩ rằng tên khổng lồ này cũng không cao to lắm. Sở dĩ tôi nghĩ vậy vì trong sách có ghi rõ những hoạt động của y và nói rằng y hay ngủ dưới mái nhà, một khi có nhà chứa được y, chứng tỏ tầm vóc của y không đến nỗi quá khổ. i theo cậu trai Mêđôrô dịu dàng và bỏ chàng Rolđan cục mịch. - Đúng vậy, Cha xứ nói. Thích nghe những lời lẽ ngông cuồng của Đôn Kihôtê, của lại hỏi chàng về mặt mũi của Râynalđôx đê Môntalban, của Rolđan và của mười hai vị đình thần nước Pháp, vì tất cả họ đều là hiệp sĩ giang hồ. - Về Râynalđôx, tôi dám chắc mặt chàng to ngang, da dẻ hồng hào, mặt lồi và đảo nhanh, tính tình hay giận hay hờn, giao du với lũ ******** vô lại. Về Rolđan - mà sách còn gọi là Kôtôlanđô hoặc Orlanđô, - tôi nghĩ và khẳng định là người tầm thước, vai nở, chân đi hơi vòng kiềng, nước da nâu, râu hung đỏ, người đầy lông, mắt gườm gườm, tuy ít lời nhưng lại rất lịch thiệp và có giáo dục. - Theo ngài tả thì Rolđan không được hào hoa phong nhã lắm, Cha xứ nói, cho nên không lấy gì làm lạ là nàng Anbêlica xinh đẹp chê và bỏ rơi chàng để đi theo cậu trai Mêđôrô dịu dàng và bỏ chàng Rolđan cục mịch. Đôn Kihôtê đáp: - Thưa cha, Anbêlica là một cô gái trụy lạc, bê tha, tính khí thất thường, nổi tiếng trên đời này về sắc đẹp nhưng lại có nhiều hành vi ngông cuồng; ả chê bai các vị vương tôn công tử, các chàng trai dũng cảm và ý nhị để đi theo một tên thị đồng tốt mã nhưng nghèo xác xơ, nhớ có lòng chung thủy đối với bạn bè mà còn được người đời biết tới. Sau khi ả dại dột hiến thân cho tên Mêđôrô này, một điều không tốt đẹp cho lắm, thi sĩ nổi danh Arriôxtô đã không dám và không muốn ca ngợi sắc đẹp của ả nữa và phải chấm dứt bằng hai câu thơ: Nàng lên ngôi báu ra sao Một người khác kể tiếp vào hay hơn. Hai câu trên đây chẳng khác một lời tiên đoán, vì người ta còn gọi thi nhân là vatê nghĩa là thầy bói 4. Quả nhiên sau đó một thi sĩ miền nam Anđaluxin đã làm ra một bài thơ khóc than những giọt nước mắt của Anbêlica, và thi sĩ số một miền Caxtiia đã ca ngợi sắc đẹp của ả. - Thưa ngài Đôn Kihôtê, bác phó cạo hỏi, ngoài những thi sĩ ca ngợi Anbêlica, ngài có biết ai làm thơ châm biếm nàng không? - Tôi nghĩ rằng nếu Xancripantê hay Rolđan biết làm thơ, Đôn Kihôtê đáp, họ sẽ đả kích cô ả. Theo lẽ tự nhiên, các thi sĩ làm thơ trào phúng để trả thù một khi bị tình nhân, dù là tình nhân tưởng tượng hay có thật hoặc bị những cô nàng mà họ tôn thờ là chủ nhân tâm hồn ghét bỏ họ, một sự trả thù không xứng đáng với những tấm lòng rộng lượng. Tuy nhiên, cho tới nay tôi chưa hề thấy có một câu thơ nào xúc phạm Anbêlica, con người đã làm đảo lộn hoàn cầu. - Kỳ diệu thay! Cha xứ nói. Đến đây, bỗng nhiên nghe tiếng bà quản gia và cô cháu gái tru tréo ngoài sân - họ đã bỏ ra ngoài từ lúc nào - ba người bèn chạy ra.