CUỘC ẨU ĐẲ GIỮA ĐÔN KIHÔTÊ VÀ CHÀNG CHĂN DÊ, CÙNG CÂU CHUYỆN LY KỲ CỦA CÁC THẦY TU KHỔ HẠNH MÀ CHÀNG HIỆP SĨ ĐÃ KẾT THÚC TỐT ĐẸP BẰNG MỒ HÔI NƯỚC MẮT CỦA MÌNH
Câu chuyện của chàng chăn dê làm cho tất cả đám thính giả đều thích thú, nhất là ông thầy tu. Với một sự quan sát tỉ mỉ, ông ta nhận thấy rằng lối kể chuyện của chàng chăn dê chứng tỏ anh ta hoàn toàn không phải là một con người thô lỗ mà phải là một triều thần giỏi giang; ông công nhận rằng Cha xứ rất có lý khi nói rằng núi non sản sinh ra sĩ phu. Mọi người đều ngỏ ý muốn giúp đỡ Ơhêniô; Đôn Kihôtê tỏ ra sốt sắng nhất, chàng nói:
- Người anh em chăn dê ơi, quả tình nếu tôi có khả năng làm một cuộc phiêu lưu mạo hiểm mới, tôi sẽ lên đường ngay lập tức thì để giải quyết tốt việc này cho anh. Tôi sẽ giải thoát nàng Lêandra khỏi nhà tu kín (chắc chắn nàng miễn cưỡng vào đó) dù cho ni viện trưởng và bao kẻ khác chống lại, và tôi sẽ trao nàng tận tay anh để anh muốn làm gì tùy ý miễn là anh tôn trọng luật lệ của hiệp sĩ đạo cấm không được có hành động gì xúc phạm tới bất cứ một công nương nào. Với sự phù hộ của Chúa chúng ta, tôi tin rằng một pháp sư độc ác dù tài nghệ cao cường đến mấy cũng sẽ bị một pháp sư thiện tâm hơn trừng trị. Bởi thế, tôi xin hứa sẽ ủng hộ và giúp đỡ anh vì nghề nghiệp của tôi buộc tôi phải cứu vớt những kẻ hoạn nạn cô đơn.
Nhìn Đôn Kihôtê, chàng chăn dê lấy làm ngạc nhiên trước bộ mã và diện mạo xấu xa của chàng hiệp sĩ, bèn hỏi bác phó cạo ngồi bên:
- Thưa ngài, chẳng hay người này là ai mà diện mạo lời lẽ lạ lùng như vậy?
Bác phó cạo đáp:
- Còn ai nữa ngoài hiệp sĩ trứ danh Đôn Kihôtê xứ Mantra, con người chuyên đi uốn nắn những điều sai trái, đả phá những sự bất công, chỗ dựa của các cô gái yếu đuối, nỗi kinh hoàng của lũ khổng lồ và kẻ chiến thắng trong chiến trận.
Chàng chăn dê nói:
- Ngài giới thiệu ông ta đúng như sách tả các hiệp sĩ giang hồ đi làm những công việc này. Riêng tôi nghĩ rằng một là ngài nói đùa cho vui, hai là trong đầu ông bạn hiền đây có những khoang rỗng tuếch.
- Mi là một tên đại ********, Đôn Kihôtê hét to, chính mi là kẻ rỗng tuếch và hèn nhát; đầu ta còn to và đầy hơn cả cái bụng ****** mẹ đã đẻ ra mi.
Nói rồi, chàng vớ một chiếc bánh mì ở bên cạnh và ném rất mạnh vào giữa mặt chàng chăn dê làm mũi anh này bẹp gí. Vốn không biết đùa, lại thấy mình bị đánh đau, anh chàng chăn dê quên cả tấm thảm trên có thức ăn, quên cả những chiếc khăn ăn, quên luôn cả những người đang ngồi ăn, nhảy bổ lên người Đôn Kihôtê, hai tay thít chặt cổ chàng. Vừa lúc đó, Xantrô Panxa xông tới nếu không thì chắc chắn anh chăn dê đã làm cho Đôn Kihôtê tắc thở; bác giám mã túm hai vai chàng ta rồi ném vào giữa bàn ăn, đĩa cốc vỡ tan rơi loảng xoảng ra đất. Được giải vây, Đôn Kihôtê lao lên người chàng chăn dê; mặt mày đầm đìa máu me, lại bị Xantrô đánh nhừ tử, anh này quờ quạng tìm dao để trả thù bằng một cuộc lưu huyết; ông thầy tu và Cha xứ vội ngăn lại. Trong khi đó, bác phó cạo giúp cho anh chăn dê ngồi được lên người Đôn Kihôtê, và thế là chàng hiệp sĩ khốn khổ bị ăn no đòn, mặt mày cũng đầy máu như đối phương. Ông thầy tu và Cha xứ cười vang, các người lính cảnh sát thích quá nhảy cỡn, mọi người đứng ngoài xuỵt ầm lên như ta xuỵt ***khi thấy chúng cắn nhau. Riêng Xantrô đứng nhìn một cách tuyệt vọng vì bác bị một người hầu của ông thầy tu giữ chặt không sao gỡ ra được để chạy lại cứu chủ.
Trong lúc mọi người còn đang mê mải say sưa xem hai đối thủ cấu xé nhau, bỗng đâu vọng lại một tiếng kêu buồn thảm khiến họ phải quay mặt về phía đó. Người tỏ ra xúc động nhất vì tiếng kêu là Đôn Kihôtê lúc này vẫn đang miễn cưỡng chịu nằm dưới chàng chăn dê, quá nửa thân người nhừ tử vì đòn; chàng nói:
- Người anh em quỷ sứ ơi, ta gọi anh như vậy vì anh không thể là một cái gì khác được; anh đã tỏ ra dũng cảm hơn ta và đã khuất phục được ta; giờ đây ta yêu cầu ngưng chiến trong vòng một tiếng đồng hồ. Ta ngờ rằng tiếng kèn thảm thiết của chúng ta vừa nghe thấy kêu gọi ta đi giải quyết một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nào đây.
Chàng chăn dê lúc này cũng đã mệt phờ vì đánh người và bị người đánh, buông ngay chàng hiệp sĩ ra. Đôn Kihôtê đứng dậy quay mặt về phía có tiếng kèn thì vừa hay nhìn thấy có một đoàn người từ trên sườn đồi đi xuống, toàn thân mặc đồ trắng như kiểu các thầy tu khổ hạnh.
Số là năm đó, những đám mây không chịu nhả sương xuống mặt đất và khắp vùng dân chúng tổ chức rước xách, cầu đảo xin Thượng đế mở rộng đôi bàn tay bác ái mưa xuống cho. Vì vậy mà dân ở một làng lân cận đã tổ chức một đám rước tới một ngôi đền dựng bên sườn một quả đồi trong thung lũng này. Đây không phải là lần đầu tiên Đôn Kihôtê trông thấy những bộ y phục lạ lùng của các thầy tu khổ hạnh; nhưng chàng không nhớ những chuyện cũ mà lại tưởng đây là một cuộc phiêu lưu mạo hiểm nào dành riêng cho một hiệp sĩ giang hồ như chàng. Đã vậy, đám rước lại mang theo một bức viền tang khiến chàng đinh ninh là có một phu nhân quyền quý nào đây đang bị những tên ******** ngu xuẩn và láo xược bắt đem đi. Nghĩ vậy, chàng nhanh nhẹn chạy tới chỗ con Rôxinantê đang gặm cỏ, tháo chiếc khiên buộc ở cốt yên, đóng cương vào tử tế, bảo Xantrô đưa cho thanh kiếm rồi nhảy phốc lên ngựa, tay ôm khiên, mồm thét to:
- Hỡi đám người dũng cảm kia, giờ đây các người sẽ nhận ra rằng sự có mặt của những kẻ hành nghề hiệp sĩ giang hồ trên đời này là vô cùng quan trọng; giờ đây, khi các người thấy ta giải thoát cho phu nhân kia, các người sẽ phải quý trọng các hiệp sĩ giang hồ.
Vì không có đinh thúc ngựa, chàng phải dùng đùi thúc con Rôxinantê đi nước kiệu (đọc suốt câu chuyện có thật này, không hề thấy kể rằng con Rôxinantê phi nước đại bao giờ) lao tới trước mặt đám thầy tu khổ hạnh. Cha xứ, ông thầy tu và bác phó cạo không sao ngăn lại được; Xantrô kêu ầm lên:
- Ngài đi đâu vậy, hỡi ngài Đôn Kihôtê? Con quỷ nào đã nhập vào người ngài khiến ngài dám chống cả tín ngưỡng như vậy? Rõ khổ tôi chưa! Ngài phải biết đây là các thầy tu khổ hạnh đi rước, còn bà phu nhân người ta khiêng trên kiệu là hình Đức Mẹ đồng trinh đáng kính đấy. Xin ngài hãy suy nghĩ về hành động của mình kẻo lần này người ta sẽ bảo rằng ngài chẳng hiểu gì hết.
Xantrô tốn công vô ích vì chủ bác cương quyết xông tới đám người khoác áo choàng trắng và giải thoát cho phu nhân để tang nên không nghe thấy gì; vả lại chàng có nghe thấy cũng chẳng quay đầu dù đó là lệnh vua. Đến nơi, chàng ghìm ngựa lại (quả thật lúc này con Rôxinantê cũng muốn nghỉ chân một chút), hổn hển nói bằng giọng the thé:
- Có lẽ các người chẳng phải thiện nhân nên mới che mặt như vậy. Hãy giỏng tai ra nghe ta nói.
Những người khiêng ảnh dừng lại trước; một trong bốn nhà tu hành đang đọc kinh cầu đảo, nhìn thấy diện mạo kỳ lạ của Đôn Kihôtê, hình thù gầy gò của con Rôxinantê cùng những hành động nực cười khác của chàng hiệp sĩ, bèn đáp:
- Người anh em muốn nói gì xin hãy nói nhanh lên kẻo những người khiêng ảnh đây sắp rách thịt rồi; chúng tôi không thể và cũng không được dừng lại nghe bất cứ ai nói nếu không nói ít lời.
- Ta chỉ nói một lời, Đôn Kihôtê đáp; hãy giải phóng ngay cho phu nhân xinh đẹp này. Những giọt nước mắt và vẻ mặt buồn rầu của bà ta chứng tỏ các ngươi đã cưỡng bức đưa bà ta đi và rõ ràng đã có hành động xúc phạm tới bà ta. Ta sinh ra đời để uốn nắn những sự sai trái, và ta sẽ không để cho các người tiến lên một bước nếu các người không trả lại tự do mà bà ta mong muốn và xứng đáng được hưởng.
Nghe những lời lẽ của Đôn Kihôtê, mọi người đều nghĩ là chàng điên và họ phá lên cười khiến Đôn Kihôtê nổi khùng; chẳng nói chẳng rằng, chàng rút gươm xông tới bức ảnh. Một trong những người khiêng bèn bỏ ảnh chạy tới trước mặt Đôn Kihôtê, giơ chiếc đòn lên đỡ (chiếc đòn này vẫn dùng để chống khung ảnh mỗi khi đám rước dừng lại); Đôn Kihôtê chém một nhát đứt đôi; còn lại một nửa chiếc đòn trong tay, bác phu khiêng ảnh nện thẳng cánh vào vai bên phía tay cầm gươm của Đôn Kihôtê khiến tay cầm khiên của chàng không sao đỡ được ngón đòn chí tử đó; đau quá, chàng hiệp sĩ lăn ra đất. Xantrô Panxa đang lật đật chạy đằng sau, thấy chủ ngã bèn kêu van kẻ đánh người hãy dừng tay lại vì chủ bác là một hiệp sĩ xấu số bị phù phép, xưa nay chưa hề làm hại ai cả. Tên ******** nọ bèn dừng tay, không phải vì nể lời Xantrô mà vì thấy chân tay chàng không động đậy nữa. Tưởng đã đánh chết Đôn Kihôtê, y vội gài gấu áo vào thắt lưng rồi lủi mất như một con hoẵng.
Lúc này, những người trong đoàn của Đôn Kihôtê vội chạy tới chỗ chàng; những người đi rước thấy trong số đó có cả lính cảnh sát đeo cung nỏ, sợ có chuyện chẳng lành xảy ra, bèn đứng vây quanh bức ảnh, xắn quần xắn áo, người cầm roi kẻ vớ cây đèn sáp, chờ đợi cuộc tấn công với quyết tâm tự bảo vệ và thậm chí, nếu có thể, đánh trả lại những người đang xông tới. May sao sự việc đã diễn ra tốt lành hơn: tưởng Đôn Kihôtê chết, Xantrô cứ ôm lấy chủ mà khóc lóc thảm thiết, nom thật tức cười, trong khi đó thì một Cha xứ đi theo đám rước nhận ra Cha xứ ở đoàn Đôn Kihôtê; hai bên hỏi han nhau và thế là nỗi lo lắng của hai đoàn cũng tiêu tan. Cha xứ nọ kể cho Cha xứ kia nghe về Đôn Kihôtê. Sau khi rõ chuyện, đám thầy tu khổ hạnh vội chạy lại xem chàng hiệp sĩ khốn nạn còn sống hay chết thì thấy Xantrô Panxa nước mắt vòng quanh than thở như sau:
- Ôi, tinh hoa của ngành hiệp sĩ! Chỉ vì một nhát gậy mà người ta đã kết thúc những năm tháng tốt đẹp của cuộc đời chàng. Ôi, niềm tự hào của dòng họ, vinh quang của xứ Mantra và của cả trái đất! Vắng người, trái đất này sẽ đầy rẫy những kẻ bất lương vì chúng có thể làm những việc xấu xa mà không lo bị trừng trị. Ôi, con người phóng khoáng hơn cả hoàng đế Alêhanđrô! Tôi mới đi theo hầu hạ người được có tám tháng trời mà người đã ban cho tôi một hòn đảo nằm giữa biển khơi! Ôi con người nhũn nhặn đối với những kẻ kiêu ngạo và cứng rắn đối với người hèn mọn 1, gian nguy không lùi bước, biết nhẫn nhục, biết yêu mà không vụ lợi, biết làm theo người hay, căm ghét kẻ dở, kẻ thù của những tên xấu xa đê tiện, và cuối cùng là một hiệp sĩ giang hồ trứ danh tức là không còn gì để nói nữa!
Những tiếng kêu khóc của Xantrô làm Đôn Kihôtê hồi tỉnh và câu đầu tiên chàng thốt lên là:
- Hỡi nàng Đulxinêa vô cùng dịu hiền, kẻ sống xa cách nàng đang phải chịu những nỗi bất hạnh to lớn. Anh bạn Xantrô, hãy đỡ ta lên chiếc xe bị phù phép vì ta không còn đủ sức ngồi lên yên con Rôxinantê; một bên vai ta gãy vụn ra rồi.
- Thưa ngài, tôi rất vui lòng làm việc đó, Xantrô đáp, và thầy trò ta sẽ trở về làng cùng với những con người tốt bụng này; sau đó ta chuẩn bị một cuộc xuất hành thứ ba, và mong rằng cuộc xuất hành đó sẽ mang lại lợi ích và tiếng tăm cho thầy trò ta.
- Anh nói chí lý đấy, Đôn Kihôtê nói; tốt hơn là ta hãy để cho ảnh hưởng xấu xa của những ngôi sao chiếu mệnh qua đi đã.
Ông thầy tu, Cha xứ và bác phó cạo bảo Đôn Kihôtê rằng nếu chàng làm đúng lời thì rất hay. Sau khi đã cười no vì những lời lẽ ngớ ngẩn của Xantrô Panxa, họ lại nhốt Đôn Kihôtê lên xe như trước. Đám rước tiếp tục lên đường; chàng chăn dê từ giã mọi người; những viên lính cảnh sát không muốn đi tiếp và Cha xứ trả tiền công cho họ; ông thầy tu yêu cầu Cha xứ một khi về làng sẽ báo tin cho biết kết quả bệnh tình của Đôn Kihôtê có giảm hay không, rồi ông xin phép tiếp tục cuộc hành trình. Thế là họ chia tay nhau, mỗi người đi một hướng, còn lại Cha xứ, bác phó cạo, Đôn Kihôtê, Xantrô Panxa và con Rôxinantê từ nãy vẫn đứng nhìn mọi việc xảy ra với một sự nhẫn nại không thua gì chủ.
Người chủ xe buộc bò vào ách xe, đặt Đôn Kihôtê lên một đống cỏ khô rồi lại thủng thẳng đánh xe đi theo con đường Cha xứ chỉ dẫn. Sáu ngày sau thì về tới làng của Đôn Kihôtê, vào giữa buổi trưa. Hôm ấy lại đúng ngày chủ nhật, dân làng kéo ra bãi chơi; thấy chiếc xe bò của Đôn Kihôtê đi ngang qua bãi, mọi người xúm lại xem trong xe có gì. Khi nhìn thấy người đồng hương ở bên trong, cả làng đều sửng sốt. Một chú bé chạy đi báo cho bà quản gia và cháu gái của Đôn Kihôtê biết rằng chủ và cậu của họ đã về, người gầy đét, da vàng ệnh, nằm dài trên một đống cỏ khô trong xe bò. Nghe bà quản gia và cô cháu gái kêu gào, ai cũng phải động lòng thương xót, họ tự vả vào mặt rồi lại ra sức nguyền rủa những quyển sách kiếm hiệp đáng ghét. Khi Đôn Kihôtê bước vào nhà, những tiếng kêu gào, những cái vả, những lời nguyền rủa lại tiếp tục.
Nghe tin Đôn Kihôtê về, vợ Xantrô Panxa lật đật chạy sang vì bác đã biết chồng mình đi theo làm giám mã cho chàng hiệp sĩ. Thoạt nhìn thấy Xantrô, bác hỏi ngay về sức khỏe con lừa. Xantrô đáp là con lừa còn khỏe hơn cả chủ nó.
- Xin cảm tạ Thượng đế đã phù hộ cho con, bác nói. Bây giờ thầy nó hãy cho tôi biết đi làm giám mã như vậy thì được những bổng lộc gì? Có mang được váy sống gì cho tôi và giày dép gì cho các con không?
- Chả mang được những thứ đó đâu, bu nó ạ, nhưng tôi mang được về những thứ khác nặng hơn và có giá trị hơn cơ 2.
- Vậy thì thích lắm nhỉ, vợ Xantrô nói; nào, thầy nó hãy đưa những thứ nặng nề và giá trị đó ra đây xem nào. Tôi muốn được nhìn tận mắt cho thỏa nỗi lòng vì trong những thế kỷ thầy nó vắng nhà, tôi buồn rũ cả người, chán hết mọi sự.
- Về nhà tôi sẽ đưa cho bu nó xem. Bây giờ bu nó hãy vui lên. Nếu trời cho thầy trò chúng tôi ra đi tìm kiếm những chuyện phiêu lưu mạo hiểm một lần nữa, bu nó sẽ thấy tôi chẳng bao lâu sẽ trở thành bá tước hay thống đốc một hải đảo không thuộc loại xoàng mà phải vào loại nhất chứ không chơi đâu.
- Lạy trời giúp cho thầy nó vì quả thật vợ chồng ta rất cần đến thứ đó. Nhưng tôi hỏi thầy nó này: hải đảo là cái gì? Tôi chẳng hiểu ra sao cả.
- Mật ong đâu phải để cho lừa ăn, Xantrô đáp; đến lúc đó thì khắc biết, bu nó ạ, và rồi bu nó sẽ lấy làm lạ được nghe lũ thần dân gọi mình là lệnh bà.
- Thầy nó nói gì vậy? Thế nào là lệnh bà, hải đảo và thần dân? Huana Panxa lại hỏi (Đó là tên vợ Xantrô; hai người không có họ hàng gì với nhau nhưng theo tục lệ xứ Mantra, người vợ mang tên họ của chồng).
- Thôi Huana, không cần vội biết những chuyện đó làm gì; miễn là tôi nói thật, thế cũng đủ rồi, đừng hỏi nữa. Chỉ cần biết sơ sơ rằng trên đời này không có gì thú vị hơn làm giám mã cho một hiệp sĩ giang hồ chuyên đi tìm kiếm chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Thực ra không phải là mọi chuyện đều kết thúc tốt đẹp như mình mong muốn đâu vì trong một trăm chuyện xảy ra thì có đến chín mươi chín chuyện ngang trái. Tôi biết như vậy là do kinh nghiệm bản thân vì có lần tôi bị tung lên vật xuống, lần khác bị đánh nhừ tử; tuy thế, đi tìm những chuyện phiêu lưu vẫn là một điều thú vị, khi trèo đèo, lúc sục sạo trong rừng sâu, khi leo vách đá, lúc thăm lâu đài, rồi lại còn được thỏa chí ngủ đỗ trong các quán trọ mà không phải trả một đồng xu nhỏ.
Trong lúc vợ chồng Xantrô Panxa hàn huyên với nhau thì bà quản gia và cô cháu gái chăm sóc cho Đôn Kihôtê; họ cởi quần áo chàng ra và đặt lên chiếc giường cũ. Đôn Kihôtê nhìn hai người, đôi mắt ngơ ngác, vẫn không biết mình đang ở đâu. Cha xứ dặn cô cháu gái phải hết sức chăm sóc ông cậu và luôn đề phòng chàng trốn khỏi nhà một lần nữa; ông cũng kể lại những khó khăn mà ông đã phải vượt qua để đưa được chàng về nhà. Hai người đàn bà lại tru tréo ầm lên, lại nguyền rủa những quyển sách kiếm hiệp, cầu Chúa dìm xuống đáy vực thẳm những kẻ đã bày đặt ra những chuyện dối giả bậy bạ như vậy. Cuối cùng, họ tỏ ra lo lắng, chỉ sợ lại mất ông chủ và ông cậu một khi sức khỏe của Đôn Kihôtê hồi phục đôi chút. Quả thật sự việc đã diễn ra đúng như họ nghĩ.
Song mặc dù tác giả cuốn sách này đã ra công mày mò sưu tầm những chiến công của Đôn Kihôtê trong chuyến xuất hành lần thứ ba, ông cũng không tìm được dấu tích gì dù chỉ là những điều ghi lại trên giấy. Tuy nhiên, trong ký ức của dân chúng xứ Mantra, tiếng tăm đồn đại còn lưu rằng Đôn Kihôtê đã bỏ nhà ra đi lần thứ ba và đã tới Đaragôda, tại đó chàng đã tham dự những trận đấu thương nổi tiếng và đã có những hành động xứng đáng với lòng dũng cảm và trí thông minh của mình. Về phần cuối đời của chàng, tác giả không tìm được tài liệu gì và chắc là sẽ không bao giờ tìm ra nếu như không có may mắn được một cụ y sư trao lại cho một chiếc hòm bằng chì. Theo lời cụ kể lại, cụ đã tìm thấy chiếc hòm đó ở dưới nền đổ nát của một ngôi đền khi người ta xây dựng lại. Trong hòm có một tập giấy ghi những bài thơ Tây Ban Nha viết bằng chữ gô-tích 3, kể lại nhiều chiến công của Đôn Kihôtê, tả nhan sắc của nàng Đulxinêa làng Tôbôxô, hình dạng con Rôxinantê, lòng trung thành của Xantrô Panxa và mộ phần của chàng hiệp sĩ, ngoài ra còn có một số câu thơ ghi trên mộ chí cùng những lời ca tụng cuộc đời và tính tình của chàng. Tác giả đáng tin cậy của câu chuyện mới lạ này đã ghi lại đây tất cả những câu chữ còn đọc được. Để đền bù cho công lao khó nhọc tìm kiếm tất cả các thư tịch xứ Mantra ngõ hầu đưa ra ánh sáng câu chuyện này, tác giả chỉ yêu cầu các bạn cũng đọc với một sự tin tưởng như những kẻ thức thời thường tin vào những cuốn sách kiếm hiệp đang thịnh hành khắp năm châu. Được vậy, tác giả sẽ coi như đã được trả công một cách thỏa đáng và sẽ mạnh dạn tìm kiếm những câu chuyện khác; nếu những câu chuyện đó thiếu phần chân thực, ít ra nó cũng không kém phần sáng tạo và lý thú như câu chuyện này.
Dưới đây là những dòng chữ đầu tiên ghi trong tập giấy tìm thấy ở chiếc hòm bằng chì:
Các viện sĩ Viện Hàn lâm Argamaxiia xứ Mantra viết về cuộc đời và cái chết của hiệp sĩ dũng cảm Đôn Kihôtê xứ Mantra.
El Mônicôngô
Viện sĩ Viện hàn lâm Argamaxiia
Ghi trên mộ chí của Đôn Kihôtê
Cái đầu điên dại làm rạng rỡ xứ Mantra bằng muôn ngàn chiến công hiển hách; bộ óc quay cuồng như chong chóng, không chịu một chỗ đứng yên;
Cánh tay dũng mãnh vươn tới năm châu bốn biển; một nguồn thi hứng vô tận, những vần thơ tuyệt diệu khắc biển đồng;
Yêu chung thủy, dũng cảm vô song, chàng bỏ xa Amadix, xem khinh Galaor và bắt Bêlianix cúi mặt;
Khách giang hồ rong ruổi trên lưng tuấn mã Rôxinantê, giờ đây yên nghỉ dưới phiến đá lạnh lẽo này.
El Paniaguađô
Viện sĩ Viện hàn lâm Argamaxiia
Ca ngợi Đulxinêa làng Tôbôxô
Mặt to, vai rộng, tưởng mạo nam nhi, đó là Đulxinêa, bà hoàng Tôbôxô, tình nương của Đôn Kihôtê vĩ đại.
Vì nàng, chàng đã vượt Hắc Sơn, đồng Môntiel khét tiếng, tới bình nguyên Aranhuêx đầy hoa thơm cỏ lạ; âu cũng do Rôxinantê mà chàng chồn chân mỏi gối.
Ác nghiệt thay ngôi sao chiếu mệnh giai nhân xứ Mantra và chàng hiệp sĩ vô địch!
Nàng đã từ giã cõi trần giữa lúc đầu xanh tuổi trẻ, và dù danh thơm ghi bảng đồng bia đá, chàng cũng không tránh khỏi sợi dây oan nghiệt của tình yêu, hờn giận và dối lừa.
El Caprichôxô
Viện sĩ xuất sắc Viện hàn lâm Argamaxiia,
Ca ngợi Rôxinantê, tuấn mã của hiệp sĩ Đôn Kihôtê xứ Mantra
Trên chiếc ngai nạm kim cương oai hùng còn in dấu tích bao lần huyết chiến, chàng hiệp sĩ đầy bầu máu nóng xứ Mantra phất cao ngọn cờ với lòng quả cảm phi thường.
Chàng treo vũ khí và ngọn giáo sắc bén từng chém, giết, phanh thây quân thù. Chiến công kỳ diệu! Chàng hiệp sĩ đời nay mang một phong cách mới mẻ.
Thuở xưa nước Gôlơ kiêu hãnh vì Amađix, và những người kế nghiệp chàng đã mang lại bao chiến thắng huy hoàng và tiếng tăm lừng lẫy cho Hy Lạp;
Ngày nay triều đình Bêlôna phải tuyên dương Đôn Kihôtê, và xứ Mantra oanh liệt còn kiêu hãnh vì chàng hơn cả hai nước Hy Lạp và Gôlơ.
Công trạng của chàng mãi mãi không rơi vào lãng quên vì lòng dũng cảm của Rôxinantê còn vượt xa những chiến mã Briiađôrô và Baiarđô.
El Burlađor
Viện sĩ Viện hàn lâm Argamaxiia
Tặng Xantrô Panxa
Bé người mà chí lớn, chính là Xantrô Panxa, kỳ diệu thay! Một giám mã giản dị và chất phác nhất trần gian, tôi xin thề và chứng nhận.
Thiếu một chút, Xantrô Panxa thành bá tước nếu như bác không là nạn nhân những xúc phạm láo xược của thế kỷ lừa lọc này khiến một con lừa cũng không thoát.
Người giám mã hiền lành cưỡi con lừa đó (xin phép nói đùa một chút), lẽo đẽo theo chân con ngựa Rôxinantê nhu mì và chủ nó.
Ôi, hy vọng hão huyền của người đời! Ngươi hứa hẹn bao điều tốt đẹp nhưng cuối cùng chỉ là bóng đen, mây khói, giấc mơ mà thôi!
El Cachiđiablô
Viện sĩ Viện hàn lâm Argamaxiia
Ghi trên mộ chí của Đôn Kihôtê
Tại đây yên nghỉ chàng hiệp sĩ bất hạnh từng bị đòn nhừ tử; trên lưng Rôxinantê, từng lang thang khắp chốn khắp nơi.
Cùng yên nghỉ bên chàng có Xantrô Panxa, con người khờ dại, giám mã trung thành nhất trong hàng giám mã.
El Tikitốc
Viện sĩ Viện Hàn lâm Argamaxiia
Ghi trên mộ chí của Đulxinêa làng Tôbôxô
Nơi yên nghỉ Đulxinêa; cái chết khủng khiếp và xấu xa đã biến tấm thân ngà ngọc của nàng thành tro bụi.
Nàng vốn dòng trâm anh thế phiệt và cũng có dáng dấp một phu nhân đài các;
Nàng là ngọn lửa của Đôn Kihôtê vĩ đại, và là niềm vinh quang của xứ sở quê hương.
Trên đây là những bài thơ còn đọc được; những bài khác bị côn trùng gặm nhấm, đã được trao lại cho một viện sĩ nghiên cứu tìm tòi. Có tin là sau bao ngày đêm lao tâm khổ tâm khổ tứ, ông này đã hoàn thành nhiệm vụ và ông định cho ra mắt độc giả những bài thơ đó trong khi chờ đợi chuyến xuất hành thứ ba của Đôn Kihôtê.
Truyện khác cùng thể loại
369 chương
203 chương
24 chương
27 chương
36 chương