Độc bộ thiên hạ - thanh xuyên hoàng thái cực
Chương 119 : ninh cẩm
Mặc dù Hoàng Thái Cực đã ngồi ở ngôi vị Đại Hãn của Đại Kim, thế nhưng mỗi ngày lâm triều thính chính1, Đại Kim quốc Hãn là chàng phải cùng ba người Đại Thiện, A Mẫn và Mãng Cổ Nhĩ Thái sóng vai hướng mặt về Nam2 cùng quản lý triều chính.
(1)Nghe báo cáo và quyết định sự việc.
(2)Đế vương thời phong kiến đặt ghế thượng triều khi ngồi sẽ quay mặt về hướng Nam, quay lưng về hướng Bắc.
Bên ngoài nhìn vào, Hãn vương là người tôn quý nhất Đại Kim, nhưng trên thực tế, quyền lực chính trị vẫn do Tứ đại Bối lặc chia ra nắm giữ.
Tình huống của Hoàng Thái Cực bây giờ đang ở vào thế đặc biệt khó xử, thế nhưng mối nguy đang gặp phải hiện tại không phải việc không thể tập trung thống nhất quyền lực bên nội bộ triều chính, mà là thế cục bên ngoài đang gây ra sức ép mạnh mẽ.
Đại Kim đang trong một tình thế căng thẳng khi ba phía đều có nguy cơ gặp phải quân địch, phía Nam có kẻ địch hùng mạnh là Đại Minh, phía Tây có Mông Cổ chưa rõ bạn hay địch, phía Đông có thuộc quốc của Đại Minh là Triều Tiên. Mà con dân Nữ Chân gồm có ba dân tộc lớn là Nữ Chân, Hán và Mông Cổ, hàng trăm nghìn dân cư bất đồng dân tộc, bất đồng vùng miền tụ tập sinh sống tại phía Đông và phía Tây của Liêu Hà.
Giữa chinh phục và bị chinh phục, giữa dân tộc Mãn và Hán vẫn còn đủ loại mâu thuẫn phức tạp cứ chồng chéo đan xen lẫn nhau. Trong giai đoạn thống trị của Nỗ Nhĩ Cáp Xích, ông ta đã từng cử binh nhập quan* mấy lần, bắt cướp hàng triệu người bao gồm cả vật chất, trong biên giới Liêu Đông hiện nay, người Hán đã nhiều hơn gấp mấy lần người Nữ Chân.
*Nhập quan theo nghĩa cổ là tiến vào quan ải, thời cổ đại lấy Vạn lý trường thành làm khu ranh giới, trong vòng trường thành gọi là quan nội, ngoài trường thành trở đi gọi là quan ngoại, quân Thanh nhập quan ý chỉ quân Thanh đã phá vỡ phòng tuyến của trường thành, bởi ở thời đại chỉ sử dụng vũ khí lạnh mà nói thì trường thành có giá trị phòng thủ rất lớn đối với Trung nguyên.
Mỗi khi giữa Mãn và Hán xảy ra xung đột, người Mãn hành hạ người Hán đến chết, người Hán chống lại người Mãn... lúc Nỗ Nhĩ Cáp Xích tại vị đối với mấy cuộc bạo động của người Hán đều thi hành cuộc trấn áp tàn sát, hơi một tí là chém sạch người Hán, không hề lưu tình trong việc trấn áp mấy hoạt động đấu tranh. Biết bao chuyện làm liều như thế làm cho mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt thêm, cho tới hiện tại, loại mâu thuẫn sâu sắc đó đã kịch liệt đến mức chỉ cần chạm vào liền nổ ngay.
Về phương diện khác, sự phát triển kinh tế của Liêu Đông đang bị tàn phá dưới những cuộc chiến tranh trường kỳ, gần như sắp sụp đổ đến nơi, trong một thời gian dài, Đại Kim đã thực thi chính sách tàn sát nô dịch, khiến dân cư phải lưu vong đến nơi khác, số lượng thanh niên trai tráng giảm mạnh, nông thôn bỏ hoang...
Thứ Nỗ Nhĩ Cáp Xích để lại cho Hoàng Thái Cực, chả phải là giang sơn gấm vóc gì, mà là một đống hỗn loạn hóc búa khiến người khác sắp phát điên tới nơi!
Hoàng Thái Cực kế vị đã được hơn nửa tháng, bật đến mức chưa từng được đàng hoàng nhắm mắt ngủ một giấc yên lành, trên mặt đến giờ cũng chưa hề mỉm cười lấy một lần. Mấy ngày liền đều có người dâng sớ báo cáo tình hình nhiễu nhương từ các nơi, thỉnh cầu Đại Hãn cử binh trấn áp.
Tôi nhìn mà đau lòng, chỉ là lực bất tòng tâm.
Hôm đó sau khi rời khỏi điện kim loan, đột nhiên tôi thấy chàng tràn đầy hớn hở đến tìm tôi, trên khuôn mặt gầy gò mang theo vẻ nhẹ nhõm thông suốt. Tôi không rõ rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì, đang muốn mở miệng hỏi, chàng đã cười cướp lời: "Hôm nay nghe gã quan người Hán nghị luận tới tên của ta...".
Tôi thoáng suy nghĩ, ngạc nhiên hỏi: "Tên của chàng có gì hay để nghị luận vậy?".
"À, thú vị lắm đấy... bọn họ nói người Hán gọi Thái tử là "Hoàng Thái tử", người Mông Cổ gọi người thừa kế là "Vương đài cát", hai âm đọc đó gần giống với tên của ta*. Cho nên, cuối cùng bọn họ đưa ra kết luận: Đây chính là ý trời! Là ông trời chỉ định muốn ta kế thừa vương vị Đại Hãn, còn nói tương lai ta sẽ trở thành một đại minh quân, công đức ngàn đời, ghi danh sử sách... Ha ha, nói khoác lợi hại ghớm".
*Hoàng Thái Cực chuyển sang bính âm sẽ là: huáng tài jí; Hoàng Thái tử sẽ là: huáng tài zǐ; Vương đài cát sẽ là: wáng tāi jí. Nếu đọc thoáng qua sẽ thấy ba từ này tương tự nhau, tuy về thanh điệu không thật sự giống.
Tôi nghe thấy mà sợ run, người bất giác đi qua giường ngồi, nhưng lại ngồi không đúng hướng, cuối cùng đặt mông vào không khí. Tôi hô nhỏ một tiếng, cuống quýt đưa tay vớ lấy cái giá đèn bên cạnh, ai dè cái giá ấy đứng không vững, cuối cùng bị tôi lôi ngã theo.
Rầm rầm... Sau khi tiếng vang long trời lỡ đất qua đi, tôi hoảng hồn không ngớt ngồi tại bục đạp, một chiếc đèn cung đình rơi kế chân tôi, mảnh vỡ lênh láng.
"Du Nhiên!". Hoàng Thái Cực vọt chạy đến.
"Không sao! Ta không... sao". Tôi nhăn mặt, hít thở dồn dập, chỗ xương cụt đau ê ẩm, tôi chật vật xoa xoa mông.
"Đã nhiều năm như thế, bộ dạng nàng đúng thật là vẫn cứ lơ đãng, luôn thích xuất thần ngẩn người!". Hoàng Thái Cực dở khóc dở cười đỡ tôi từ dưới đất đứng lên, dìu tôi đến đầu giường ngồi ổn thõa, "Để ta xem xem... có đau không? Ta xoa cho nàng!".
"Không cần!". Tôi khẽ kêu lên, mặt trở nên đỏ bừng.
Thiệt chứ mất mặt thấy bà!
"Du Nhiên!". Chàng rì rầm bên tai tôi, tôi mơ hồ cảm thấy có một áp lực không dễ chịu lắm đang ập tới gần. Quả nhiên, câu tiếp theo của chàng đã tiến thẳng vô chủ đề, "Ba chữ Hoàng Thái Cực này, lúc trước nàng nghĩ làm sao ra được thế? Ta nghĩ, với ý nghĩa ẩn chứa trong tên ta, người có khả năng nói được lời giải thích nhất, hẳn là nàng nhỉ".
"Ặc...". Tròng mắt tôi đảo tứ tung, tôi hướng tầm mắt ra ngoài cửa, "À... ta đã bảo Tát Nhĩ Mã nấu cháo tổ yến, chàng có muốn...".
"Mãn Hán một nhà... Mãn Thanh...".
Người tôi hơi run lên.
Chàng nắm lấy cằm tôi, quay đầu tôi lại. Con ngươi đen sẫm đầy sắc bén sâu xa, tựa như mặt biển không chút gợn sóng, nhưng bên dưới lại ẩn chứa xoáy nước mạnh mẽ: "Mãn, có nghĩa là Kim, là Nữ Chân! Mãn Hán một nhà mà nàng nói, chính là muốn chỉ người Nữ Chân và nữ Hán đều là một khối, không thể loại trừ, cần phải hòa hợp...".
Miệng lưỡi tôi khô khốc, lòng dạ rối bời.
"Du Nhiên à! Rốt cuộc nàng là ai thế? Rốt cuộc... nàng là ai?". Chàng đầy nghi hoặc nhìn tôi, "Mấy hôm nay trên triều không ngừng tranh chấp, đám Bối lặc hoàng thân quốc thích chủ trương ra sức trấn áp, đám quan Hán chủ trương nâng địa vị người Hán lên. Du Nhiên! Cục diện thế này, ngay từ đầu nàng đã đoán được rồi phải không? Từ nhỏ nàng đã dạy ta viết chữ Hán, nói với ta "Mãn Hán một nhà", kể từ hai mươi tám năm trước đã đoán được hôm nay ta sẽ gặp phải cảnh khốn cùng ấy... Mãn Hán một nhà sao! Bốn chữ vô cùng đơn giản đó, đến hôm nay ta mới xem như thật sự hiểu rõ!".
Tôi cắn môi không lên tiếng.
Chàng buông cằm tôi ra, ra sức hôn lên môi tôi, mãi rất lâu sau mới lấy ra.
"Hoàng Thái Cực... ta, ta không phải biểu tỷ của chàng...". Tôi khó khăn bật ra câu đó, ý thức trở nên đần độn, không biết phải giải thích ra sao.
"Nói tiếp đi!". Vẻ mặt chàng lạnh lùng và nghiêm khắc lạ thường, khiến lòng tôi có hơi nguội lạnh.
"Ý... ý ta là...". Tôi tiu nghỉu sụp vai xuống, phát hiện bản thân hoàn toàn chẳng biết nên giải thích từ đâu.
"Biểu tỷ của ta không thể nào biết viết chữ Hán!". Đột nhiên Hoàng Thái Cực tiếp lời tôi, "Càng không thể dạy ta viết "Mãn Hán một nhà" được!". Vẻ mặt lạnh lẽo như băng tuyết bao phủ chậm rãi bị sự dịu dàng làm tan chảy, chàng nhìn tôi chăm chắm, ánh sáng trong con ngươi trở nên rực rỡ, "Có phải là biểu tỷ của ta, là Đông Ca, là Bố Hỉ Á Mã Lạp, hay là Đệ nhất mỹ nữ tộc Nữ Chân hay không... mấy điều đó không hề quan trọng! Nàng từ đâu tới, nàng rốt cuộc là ai, cũng không quan trọng! Điều quan trọng là, nàng ở bên cạnh ta, yêu ta...".
Tôi cảm động không ngừng run rẩy trong lòng, đột nhiên đưa tay ôm chặt lấy cổ Hoàng Thái Cực. Chàng cũng đưa tay ra ôm lấy tôi: "Hôm nay lúc ở trên triều ta đã hạ chỉ, nàng có biết là gì không?".
Tôi hít vào một hơi lắc đầu, trong lòng láng máng đoán được một chút.
Chàng buông tôi ra, cao giọng đọc: "Quan lại người Hán, nhân dân người Hán ở trong quốc gia của ta, xưa nay vì lợi ích cá nhân mà trốn chạy, tới nay vẫn còn qua lại với nội gián, chuyện đã thuộc về trước kia, nay dù có tra cứu, cũng sẽ không bàn tới nữa! Hễ là thẩm tra tội phạm, hay sai đi làm công vụ, đều không có gì khác nhau, tự ý lấy trâu bò, cừu dê, gà lợn của người Hán đều sẽ có tội. Người Hán chia ra sống ở từng nơi riêng biệt, biên chế thành hộ dân bình thường, tất cả mọi người dù về nơi cũ hay nơi mới cũng cần nhận được ân nuôi dưỡng như nhau...".
Tôi mở to mắt, vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Địa vị của người Hán ở Liêu Đông bị đánh đồng như nô lệ, hoàn toàn không có năng lực tự chủ, thậm chí không thể xem như "Dân trong nước".
Động thái này của Hoàng Thái Cực chắc chắn là bước đầu tiên mang tính lịch sử khi biến lý luận "Mãn Hán một nhà" trở thành sự thật!
Ngày mười bảy tháng mươi năm Thiên Mệnh thứ mười một, Tuần phủ của Ninh Viễn là Viên Sùng Hoán đột nhiên cử đến ba mươi bốn người, gồm có Đô ti* Hữu Tước, Điền thành cùng Lí Lạt Ma đến Thẩm Dương thành, nói rằng thứ nhất là để phúng viếng Nỗ Nhĩ Cáp Xích, thứ hai là để chúc mừng tân quân lên ngôi.
Hành động lần này của Viên Sùng Hoán nằm ngoài dự đoán của mọi người, Hoàng Thái Cực biết rõ việc phúng viếng chúc mừng của đối phương đó là giả, thám thính động tĩnh mới là thật, nhưng vẫn nồng nhiệt tiếp đãi bọn họ, đoàn người ước chừng đã ở lại Thẩm Dương thành khoảng một tháng mới rời khỏi. Ngày mười sáu tháng mười một, Hoàng Thái Cực mệnh cho Phương Cát Nạp, Ôn Tháp Thạch cùng với mười hai người đi theo Lí Lạt Ma và Phó Hữu Tước tới Ninh Viễn. Dâng lên đó da chồn, nhân sâm, ngân lượng và mấy món lễ vật, đồng thời cũng giao bức thư của chàng đến cho Viên Sùng Hoán, trong thư nói:
*Cơ quan phụ trách quân đội tối cao trong tỉnh được gọi là Đô chỉ huy sứ ti, gọi tắt là "Đô ti".
"Nay ngươi đã đình chiến, lại cử Lí Lạt Ma đến phúng viếng, chúc mừng tân quân lên ngôi. Ngươi thường mong muốn về một cuộc gặp gỡ, sao ta lại có ý gì được, đã nhận lễ rồi, lúc này cũng nên tặng lễ lại, cho nên đã cử quan đến cảm tạ. Vì sự hòa hảo giữa hai nước, xưa kia tiên Hãn tiến đến Ninh Viễn, ông ấy đã từng đưa một tỷ thư. Hai nước giao hảo qua lại, trước tiên cần phải trung thực, ngươi cần nói hết nỗi lòng mình, chớ tô vẽ cho mọi sự...".
*Tỷ thư: ấn ký của hoàng đế, và cũng có nghĩa là chiếu thư hay sắc mệnh của hoàng đế.
Với tình hình hiện nay của Đại Kim, thật sự không nên gây hấn với Minh triều, Viên Sùng Hoán đã có lòng hòa giải, cũng thỏa mãn mong muốn của Hoàng Thái Cực, vì thế mọi người đều hiểu ý nhau chẳng cần rùm beng mà nghỉ ngơi, lấy sức cho năm sau.
Mồng tám tháng Giêng Thiên Thông nguyên niên, Hoàng Thái Cực mệnh cho đám người A Mẫn, Tế Nhĩ Cáp Lãng dẫn ba vạn đại quân tấn công Triều Tiên.
Vì để đề phòng quân Minh sang cứu viện cho Triều Tiên, tấn công Thẩm Dương từ Liêu Tây, và không để quân Kim rơi vào tình thế hai mặt giáp địch, nên vào cái hôm thiết kỵ của Đại Kim ra trận, Hoàng Thái Cực lại sai Phương Cát Nạp, Ôn Tháp Thạch cùng mấy người khác tiếp tục đi sứ đến Ninh Viễn, gửi thư tới Viên Sùng Hoán yêu cầu hòa giải, tránh cho hai bên lại đánh nhau.
Sự khôn khéo về quân sự của Hoàng Thái Cực đã có thể bộc lộ từ từ sau khi lên ngôi Đại Hãn.
Nhưng ở thời hiện đại tôi đã từng đọc Bích huyết kiếm của Kim Dung, nên rất có thiện cảm với Viên Sùng Hoán, đồng thời cũng biết cái người trung thành dũng cảm, thông thạo sách lược, chỉ là cuối cùng lại chết thảm trong tay Sùng Trinh Hoàng đế... Nghe nói nguyên nhân cuối cùng gây ra cái chết bi thảm của Viên Sùng Hoán, đó là vì bản tính vốn đa nghi của Sùng Trinh đã để Hoàng Thái Cực lợi dụng dùng kế ly gián.
Là tiểu thuyết hư cấu, hay là chân tướng lịch sử, đến tột cùng quá trình trong đó diễn ra thế nào, tôi không thể biết được.
Hiện tại, Minh Hi Tông Chu Do Giáo vẫn đang tại vị trong thành Bắc Kinh, cho nên đoán chừng lúc này Viên Sùng Hoán vẫn chưa chết được. Nhưng mỗi khi nhìn thấy giữa Hoàng Thái Cực và Viên Sùng Hoán không hề có mùi thuốc súng, nhưng lại thường xuyên "đánh nhau" cực kỳ kịch liệt, nên kẻ sớm đã đoán được thắng bại sau cùng của cuộc đọ sức này là tôi, lại đang rơi vào tâm lý dằn vặt đầy mâu thuẫn và khổ sở.
Có đôi lúc, biết trước kết cục lịch sử, kỳ thực cũng không phải là chuyện tốt!
Mùa xuân năm Thiên Thông đầu tiên, Đại Kim quốc gặp phải một nạn đói hiếm thấy, lương thực trong ước vô cùng thiếu hụt, giá cả các thức đều tăng cao, một đấu gạo phải tám lượng bạc mới mua được, một con ngựa phải ba trăm lượng bạc mới mua nổi, một con trâu phải một trăm lượng bạc mua được, một cuộn Mãng gấm phải một trăm năm mươi lượng mua được, một tấm vải phải mất chín lượng...
Nhưng vào thời điểm này, Đại Kim biết được quân Minh đang gấp gút xây dựng mấy thành gồm Cẩm Châu, Đại Lăng Hà, Tiểu Lăng Hà, sau đó thực hiện canh tác xung quanh, mục đích là để tạo lớp phòng thủ kiên cố.
Sau khi đắn đo nặng nhẹ, Hoàng Thái Cực đã dự định sẽ giáng một đòn đả kích nghiêm khắc vào những tòa thành đó trước khi nó được xây xong.
Khi Hoàng Thái Cực quyết định dẫn binh đi Cẩm Châu thành, tôi nghe không khác gì sấm giữa trời quang. Giờ phút này, phía Liêu Đông vẫn do Viên Sùng Hoán trực tiếp phòng giữ, một ngày nào Viên Sùng Hoán còn đó, quân Kim sẽ không có khả năng đánh hạ được Ninh Cẩm.
Nếu trận chiến này được phát động, kết quả sau cùng khẳng định sẽ rơi vào tình trạng thảm bại khốn cùng, tay không trở về giống như trận đánh Ninh Viễn trước đó của Nỗ Nhĩ Cáp Xích.
Tôi không thể nào nói với ra kết cục này với Hoàng Thái Cực, tôi cũng không rõ là Viên Sùng Hoán đó rốt cuộc là lợi hại thế nào, sách lược thủ thành của ông ta, rồi bố trí quân sự hay mấy nhân tố thực tế gì đó, tôi hoàn toàn không nói nên lời. Thứ tôi dựa vào chẳng qua chỉ là kết cuộc nằm trong mấy cuốn sách vở được viết nên thôi, chỉ là... vẫn chẳng thể nào giải thích được cho Hoàng Thái Cực.
Hoàng Thái Cực thấy tôi làm hết mọi cách ngăn cản, trước là cảm thấy không vui, sau đó nghe tôi nói đi nói lại một câu: "Viên Sùng Hoán rất lợi hại". Cuối cùng bị chọc giận tím mặt, phất tay áo bỏ đi.
Mồng sáu tháng năm, chỉ để lại A Ba Thái và Đỗ Độ cố thủ trong thành, còn Hoàng Thái Cực dẫn quân thân chinh Ninh Cẩm.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy chàng nổi nóng đến vậy với tôi, sau khi bình tình ngẫm lại, tôi mới dần hiểu được.
Là một người đàn ông, e rằng điều không thể chấp nhận nhất trong lòng chính là tôi không tin vào năng lực của chàng, vào thời điểm quan trọng lại không dốc sức ủng hộ tinh thần, mà lại luôn mồm khen kẻ địch của chàng, dần dà lúc nào không biết như thế chẳng khác gì hạ thấp coi chàng như một kẻ vô dụng.
Lòng tự tôn và kiêu ngạo của chàng bị hạ thấp!
Hết thẩy đều là do những chuyện đã biết trước và sự vô tri của tôi mà ra...
Từ mười một tháng năm tới mồng sáu tháng sáu, trải qua hai mươi bốn ngày Đại Kim vây đánh Cẩm Châu, gồm ba trận đánh lớn, hai mươi sáu trận đánh nhỏ. Tin tình báo Đại Kim thảm bại tựa như tuyết bay đến Thẩm Dương, lòng tôi nóng như lửa đốt.
Không dễ gì mới chờ được đến ngày quân Kim rút về Thẩm Dương, Hoàng Thái Cực tự khóa trái nhốt bản thân trong phòng, bất luận có gọi thế nào cũng không đáp lời.
Kể từ sau khi trưởng thành, tôi chưa từng thấy chàng có hành vi trẻ con như thế, Triết Triết và Bố Mộc Bố Thái thay nhau ra trận, kết quả đều bị chàng dùng đồ đập ra ngoài, cơm hay điểm tâm đưa tới cũng chưa hề thấy nhúc nhích tí nào.
Vào lúc chập tối, Đại Thiện hay tin vội tiến cung hỏi thăm, thấy tôi bất lực đứng ngẩn người dưới mái hiên, hắn chần chừ một lát, cuối cùng cũng đi tới, nhẹ giọng hỏi: "Đại Hãn vẫn còn tức giận sao?".
Tôi cười khổ.
"Chưa từng thấy đệ ấy nổi điên như thế, hoàn toàn mất hết vẻ bình tĩnh lý trí của mỗi ngày. Khi tiến đánh Ninh Cẩm, đệ ấy không ngừng hạ lệnh tấn công thành, đánh rồi lại bại, bại rồi lại đánh...". Đại Thiện buồn bã thở dài, "Ta với lão Ngũ nói với đệ ấy không đánh hạ được đâu, thế mà đệ ấy lại nổi cáu lên, sau đó tự mình dẫn đám A Tế Cách vọt lên, làm cho mấy người chúng ta chưa kịp mặc giáp trụ, đã phải vội vàng đuổi theo đệ ấy phát động tấn công... nếu không phải trời nóng làm mấy tướng sĩ ai ai cũng bị cảm nắng, ta nghĩ đệ ấy tuyệt đối sẽ không cam tâm thu binh về thành. Ôi. Nàng tìm cơ hội khuyên nhủ đệ ấy đi, năm trước tiên Hãn bại dưới tay Viên Sùng Hoán, không nghĩ tới năm nay lại giẫm lên vết xe đổ đó, trong lòng đệ ấy hiển nhiên sẽ không dễ chịu".
Lòng tôi quặn đau âm ỉ.
Hoàng Thái Cực... Hoàng Thái Cực mất lý trí! Hoàng Thái Cực quyết tâm muốn đánh bại Viên Sùng Hoán...
"Chàng sẽ không gặp ta đâu...".
Chàng đang giận tôi, hoặc có thể là giận Viên Sùng Hoán! Tóm lại, trước khi cơn giận này nguôi ngoai, có lẽ chàng sẽ không đồng ý gặp tôi.
"Thế thì ta đi xem Đại Hãn, có lẽ đệ ấy sẽ để vài phần mặt mũi cho ta mà đồng ý gặp ta". Đại Thiện mỉm cười, nhẹ nhàng an ủi tôi, "Nàng cũng đừng quá lo lắng, ta sẽ nghĩ cách để đệ ấy ra, được chứ?".
Giọng hắn ung dung hóm hỉnh, tôi bị chọc nên cười khúc khích, tâm trạng vốn lo âu buồn bực cũng tiêu tán hơn phân nửa.
Thế là Đại Thiện qua lại trước cửa phòng gõ cửa, qua một lúc lâu sau, trong phòng truyền ra tiếng gào thét giận dữ: "CÚT...".
Đại Thiện không hề để ý, trầm giọng nói: "Đại Thiện thỉnh an Đại Hãn!".
Bên trong im ắng không động tĩnh, qua ba bốn phút sau, cửa được nới lỏng, kẽo kẹt một tiếng rồi mở ra. Hoàng Thái Cực đầy tiều tụy đứng trong cửa: "Nhị ca, sao huynh lại tới đây?". Ánh mắt thoáng đảo qua hướng tôi, bỗng hơi giật mình, sau đó vô cùng lúng túng.
"Ô Mộc Tát Đặc Xước Nhĩ Tế Lạt Ma đã đi tới Đô Nhĩ Bật thành rồi, theo như tin truyền đến nói, Nại Bạn bộ và Ngao Hán bộ của Mông Cổ đều nguyện ý quy thuận Đại Kim".
Hoàng Thái Cực vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, hét lớn: "Thật sao?!".
"Thật tốt quá!". Hoàng Thái Cực phấn chấn không thôi, xoay người xông về phía tôi. Vào lúc tôi còn chưa phản ứng lại, hai tay của chàng đã nâng lấy eo tôi, nhấc bổng tôi lên không trung, "Du Nhiên! Có nghe thấy không? Hai bộ Nại Mạn và Ngao Hán đã quy thuận ta rồi!".
Tôi liên tục la lên, bật cười ra tiếng.
Nại Mạn bộ và Ngao Hán bộ đều thuộc Sát Cáp Nhĩ Bát Ngạc Thác Khắc của Mông Cổ, có ảnh hưởng rất lớn đối với Sát Cáp Nhĩ bộ hùng mạnh. Thật lâu trước kia, Hoàng Thái Cực đã ngầm mua chuộc được Ô Mộc Tát Đặc Xước Nhĩ Tế Lạt Ma có sức ảnh hưởng nhất trong Nại Mạn bộ Ngạc Thác, nhằm để giật dây thủ lĩnh Nại Mạn bộ là Cổn Sở Khắc phản bội Lâm Đan, quy thuận Đại Kim.
Tháng hai cùng năm, Hoàng Thái Cực ngầm sai người đi đến Nại Mạn bộ, hy vọng Cổn Sở Khắc có thể thuyết phục thủ lĩnh Ngao Hán bộ là Sách Nặc Mộc Đỗ Lăng, và thủ lĩnh Khắc Thập Khắc Đằng bộ là Nặc Mộc Nặc Diên cùng quy thuận Đại Kim. Thế nhưng vào tháng tư, Cổn Sở Khắc và Sách Nặc Mộc Đổ Lăng sau người đến hồi âm, bọn họ đã có khuyên Lâm Đan hòa giải với Đại Kim, nhưng bị Lâm Đan và Nặc Mộc Nặc Diên dùng lời lẽ nghiêm khắc cự tuyệt.
Tuy kế hoạch cầu hòa cùng trở thành đồng minh với Lâm Đan không thành công, nhưng hiện giờ việc hai bộ Nại Mạn và Ngao Hán quy thuận Đại Kim, cũng có thể coi như là một chuyện vui lớn.
Truyện khác cùng thể loại
112 chương
98 chương
31 chương
68 chương
24 chương
57 chương