Đế Quốc Thiên Phong
Chương 194 : Lai Sinh luận
Lai Sinh luận là một quyển sách, nhưng đối với Mạn Đức giáo mà nói, quyển sách này không đơn giản chỉ là một quyển sách mà thôi. Trên thực tế nó còn đại biểu cho một đoạn lịch sử đen tối trong mấy trăm năm của Mạn Đức giáo. Trước khi giới thiệu đoạn lịch sử này, không thể không phân tích một phen để có thể hiểu sâu sắc hơn về Công quốc Thánh Uy Nhĩ.
Công quốc Thánh Uy Nhĩ là quốc gia chấm dứt chế độ nông nô cuối cùng trong lịch sử đại lục.
Cái gọi là nông nô, khác rất nhiều so với tá điền hay nông dân. Nông dân có ruộng của riêng mình, hàng năm tự làm tự ăn, chỉ cần giao nộp một số thuế ruộng nhất định, nếu như thu nhập khá, hàng năm còn có thể có dư. Mà tá điền thì không có ruộng đất, phải dựa vào chuyện bán sức lao động mà sống.
Nông nô còn bi thảm hơn nữa, bọn họ chính là nô lệ làm ruộng, ngoại trừ đôi tay ra thì không có gì khác nữa. Ngay cả quyền tự do của nông nô cũng bị tước đoạt, còn tá điền tốt xấu gì vẫn là người tự do, nông nô thì đến trâu ngựa cũng không bằng.
Trong thời kỳ đen tối nhất của xã hội, điên cuồng nhất của chế độ nông nô, thậm chí còn có lời đồn như vầy: Trên núi có thể có dã thú không có chủ nhân, nhưng dưới núi thì không có người nào là không có chủ nhân.
Là nông nô, ngoại trừ bị áp bức bóc lột, cống hiến sức lao động của mình, không được hưởng thụ bất cứ quyền lợi cá nhân nào.
Nhưng theo sự phát triển của xã hội, các quốc gia trao đổi học tập lẫn nhau, dần dần tiến bộ, một ít đấng quân vương có triển vọng dần dần ý thức được cái hại của chế độ nông nô.
Sự tồn tại của chế độ nông nô ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của xã hội. Rất nhiều nông nô không có của cải tiền bạc, không thể trợ giúp gì cho việc buôn bán trở nên trôi chảy. Mà một phần địa chủ quý tộc ra sức tiêu xài tài nguyên trong xã hội, làm cho lãng phí tài nguyên rất nhiều. Chuyện tệ hơn nữa chính là, một ít dân chúng vì sự tồn tại của chế độ nông nô mà đối mặt với áp lực khổng lồ của thuế thu nhập. Nuôi một con gà cũng phải nộp thuế, gà đẻ trứng cũng phải nộp thuế, thậm chí gà trống không đẻ trứng cũng phải nộp thuế. Nếu như nuôi mười con trâu, vậy phải nộp thuế là mười con trâu, hơn nữa phải nộp trong vòng mười năm. Cho dù trong vòng mười năm, mười con trâu chết sạch, vẫn phải nộp đủ số thuế là mười con.
Quá nhiều loại thuế, loại nào cũng cao như vậy đã chèn ép nghiêm trọng đến tính tích cực của việc chăn nuôi gieo trồng trong nước. Chỉ dựa vào thần quyền mà duy trì thống trị không thể tránh khỏi chuyện nền kinh tế quốc gia dần dần trở nên xơ xác, cùng với đủ loại tai hại do chuyện thâu tóm đất đai mang lại, cho nên cải cách là vô cùng cần thiết.
Khi một quốc gia dũng cảm cải cách đầu tiên, sau đó được hưởng quả ngọt của nó, lúc ấy quốc gia này sẽ nhanh chóng hùng mạnh lên. Rốt cục vì vậy các quốc gia xung quanh cũng bắt buộc phải cải cách, bãi bỏ chế độ nông nô, bắt đầu đối xử tốt hơn với bá tánh bình dân.
Mà quốc gia đầu tiên hủy bỏ chế độ nông nô chính là Đế quốc Đại Lương trước kia, dựa vào chuyện hủy bỏ chế độ nông nô, kiên quyết đổi mới, Đế quốc Đại Lương nhanh chóng quật khởi, chuyển biến thành công từ chế độ bán phong kiến đến chế độ phong kiến hoàn toàn. Sau đó trăm năm, sau khi Đế quốc Đại Lương phát triển hết sức hùng mạnh, cuối cùng cũng xảy ra va chạm kịch liệt với Đại đế Sa Tư Hãn ở phương Tây, cũng vì lần va chạm đó mà bắt đầu càng ngày càng trở nên sa sút.
Công quốc Thánh Uy Nhĩ láng giềng của bọn họ chính là quốc gia cuối cùng hủy bỏ chế độ nông nô.
Người hủy bỏ chế độ nông nô này chính là Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc năm xưa, mà gián tiếp trợ giúp hủy bỏ chế độ nông nô chính là Đế quốc Đại Lương.
Năm đó Đế quốc Đại Lương xâm lấn hành lang Thánh Khiết, giúp cho Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc có được cơ hội tập trung quyền lực xưa nay chưa từng có. Ông ta nhân cơ hội này chấn chỉnh lại lực lượng của các Công quốc trong nước để chống đỡ Đế quốc Đại Lương. Lúc ban đầu, Đế quốc Đại Lương bách chiến bách thắng, dù là đội võ sĩ Thánh đường của Mạn Đức giáo cũng bị Tướng quân Thần Uy Lý Phi đánh cho tháo chạy liên tục. Cảm thấy lúc ấy Đế quốc Đại Lương quá mạnh, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc dứt khoát kêu gọi cả nước đứng lên chống cự, dùng phương thức toàn dân là quân để chống lại Đế quốc Đại Lương. Vì muốn mua chuộc lòng dân, ông ta đã ban bố một pháp lệnh đặc biệt, chính là công bố hủy bỏ chế độ nông nô.
Phàm có kẻ nào ra sa trường chiến đấu với địch, từ nay về sau trở thành người tự do, có kẻ nào giết địch lập công, ban cho ruộng đất. Những đất đai từng bị Đế quốc Đại Lương đánh chiếm, sau khi chiếm lại được sẽ trở thành của quốc gia, phân chia lại một lần nữa. Kẻ không tham gia chiến đấu bảo vệ nước nhà, sẽ không được hủy bỏ thân phận nông nô, nhưng vì không có thêm nông nô mới xuất hiện ở quốc gia này, khiến cho chế độ nông nô dần dần bị diệt vong.
Sau khi pháp lệnh này được ban bố, lập tức được phần lớn nông nô trong cả nước tán thành, gần như mỗi nông nô đều cầm vũ khí xông ra chiến trường. Sau khi đánh đuổi được Đế quốc Đại Lương, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc triển khai bốn mươi năm thống trị độc tài của ông ta, không những lúc ấy ông ta là vị Hoàng đế duy nhất của Công quốc Thánh Uy Nhĩ, đồng thời cũng là vị Hoàng đế duy nhất không dựa vào lực lượng quý tộc mà quật khởi. Đây là lý do vì sao tầng lớp quý tộc sau này hận ông ta đến thấu xương.
Ở Công quốc Thánh Uy Nhĩ, tầng lớp quý tộc nói ông ta là kẻ soán ngôi, dân chúng gọi ông ta là đấng quân vương anh minh, mà Mạn Đức giáo gọi ông ta là kẻ xúc phạm. Theo thời gian trôi qua, tôn giáo và các quý tộc tuyên truyền lâu ngày, dần dần hình ảnh của Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc trở nên xấu đi.
Trong chuyện này, Mạn Đức giáo sắm một vai trò cực kỳ quan trọng, đầu tiên là đồng minh của ông ta, sau đó lại trở thành kẻ thù của ông ta.
Đúng vậy, sau khi trải qua trận đại chiến bảo vệ đất nước, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc từng có quan hệ thân mật với Mạn Đức giáo dần dần xa lánh đám người gần gũi với thần linh này. Bởi vì ông ta ý thức được rằng, nếu muốn cho quốc gia mình trở nên hùng mạnh hơn, như vậy Mạn Đức giáo chính là chướng ngại lớn nhất chắn phía trước con đường.
Mạn Đức giáo là kẻ được lợi lớn nhất trong chế độ nông nô, bọn họ có rất nhiều đất đai trong nước, gần như mỗi vị chức sắc đều là đại địa chủ nổi danh trong nước. Bằng vào danh nghĩa thần linh, Mạn Đức giáo đã áp bức dân chúng trong nước rất mạnh, khiến cho bọn họ trở thành nông nô của mình. Khi Đế quốc Đại Lương xâm lấn, Mạn Đức giáo bị ép bất đắc dĩ mới đồng ý hủy bỏ chế độ nông nô. Nhưng sau khi Đế quốc Đại Lương bị đánh lui, Mạn Đức giáo lại có ý định một lần nữa khôi phục lại chế độ nông nô, cho nên đã sinh ra mâu thuẫn nghiêm trọng với Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc, cuối cùng là xung đột quyết liệt.
Trên thực tế, bản thân Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc trước kia từng là võ sĩ Thánh đường của Mạn Đức giáo, từng là giáo đồ trung thành nhất của Mạn Đức giáo. Nhưng khi ông ta nắm được đại quyền, ông ta bắt đầu phát hiện ra rằng, đương nhiên là thần quyền có thể trợ giúp quốc gia thống nhất tinh thần quốc dân, nhưng bọn người mượn danh nghĩa thần linh tham lam kia chính là một chướng ngại vật cho sự phát triển quốc gia. Bọn họ tiếc nuối không chịu buông bỏ những ích lợi đã có, luôn luôn muốn dùng cách áp bức tầng lớp dưới để trục lợi, đồng thời còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự thống nhất quốc gia.
Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc cũng không định sẽ hủy diệt Mạn Đức giáo, ông ta hy vọng có thể giống như Đế quốc Đại Lương và Đế quốc Thiên Phong sau này, khiến cho thần quyền phục vụ cho Hoàng quyền. Mạn Đức giáo cần phải thay đổi giáo lý, vị trí của Giáo hoàng cũng không nên qua thần thánh hóa như vậy, chế độ nông nô lại càng không thể ngóc đầu trỗi dậy một lần nữa. Với tư tưởng như vậy, ông ta đã triển khai một cuộc vận động thay đổi thần quyền oanh oanh liệt liệt.
Cuộc vận động này được người đời sau gọi là cuộc chiến tranh cuối cùng của Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc. Text được lấy tại
Trong trận chiến tranh cuối cùng này, ông ta thắng lợi, nhưng cũng là thất bại.
Ông ta thắng lợi là vì lúc ông ta còn sống, Mạn Đức giáo đã bị chèn ép tới nỗi không còn lực trả đòn, ông ta thất bại là vì sau đó ông ta chết.
Giáo hoàng liên thủ với đám quý tộc địa phương, phái ra một thích khách xuất sắc nhất, sau khi trải qua vô số lần ám sát, cuối cùng cũng ám sát thành công vị Hoàng đế bệ hạ này.
Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc vừa chết, tất cả quyền lực trong tay ông ta lập tức tiêu tan thành mây khói. Quý tộc liên thủ với tôn giáo lại một lần nữa nắm quyền khống chế Công quốc Thánh Uy Nhĩ, Mạn Đức giáo lại khôi phục huy hoàng như trước. Cái cuối cùng mà Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc để lại cho người Công quốc Thánh Uy Nhĩ chính là tối thiểu ông ta cũng đã xóa bỏ hoàn toàn chế độ nông nô, khiến cho quốc gia này dưới áp lực hùng mạnh từ bên ngoài, không còn dám áp dụng phương thức bóc lột để phát triển nữa. Ngượi lại Công quốc Thánh Uy Nhĩ dần dần lợi dụng đặc điểm giao thông tiện lợi của hành lang Thánh Khiết để phát triển mạnh mẽ tập quán của một dân tộc buôn bán kinh doanh.
Mà trong quá trình tranh đoạt quyền lực giữa Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc và Mạn Đức giáo, đòn sát thủ lớn nhất của ông ta, chính là cuốn Lai Sinh luận này.
O0o
Mặc dù hiệu suất chăn nuôi trồng trọt của người trong thời kỳ phong kiến so ra kém hơn người ở thời kỳ hiện đại, nhưng trí tuệ của bọn họ thì chỉ có hơn chứ không hề kém.
Đối mặt với mâu thuẫn xã hội về sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo, không phải chỉ dùng thủ pháp cân bằng của cải là có thể giải quyết được. Mà trong thời kỳ lạc hậu, mê muội này, biện pháp giải quyết tốt nhất chính là sức mạnh của thần linh.
Thần linh khống chế một điểm quan trọng trong lòng người, chính là ca ngợi chuyện kiếp này kiếp sau, đây là một phương pháp mà bất cứ một tôn giáo nào cũng không tránh khỏi phải sử dụng tới. Cho dù giáo lý của các tôn giáo có khác biệt lớn đến mức nào, lý niệm cũng khác nhau, thậm chí là hoàn toàn đối lập, thù hận lẫn nhau, nhưng trên vấn đề kiếp này kiếp sau vẫn có được sự thống nhất.
Cái gọi là linh hồn của người chết đi sẽ tiến vào thiên đường, không có gì khác về bản chất với chuyện có kiếp này kiếp sau, đều là vẽ ra một bức tranh sinh động về cuộc sống tương lai đối với dân chúng vốn nghèo khổ.
Trong bức tranh đẹp đẽ sinh động ấy, cuộc đời này đừng hy vọng có thể sống yên ổn, nhưng chỉ cần bạn an phận thủ thường, ràng buộc bản thân, như vậy linh hồn của bạn sẽ được lên thiên đường, kiếp sau của bạn cũng nhất định sẽ tốt đẹp hơn.
Chuyện ca ngợi về kiếp này kiếp sau như vậy đã làm cho dân chúng vốn có cuộc sống nghèo khổ tin rằng, chỉ cần mình an phận thủ thường, như vậy nhất định kiếp sau sẽ được đầu thai vào một gia đình khá giả, có thể có được một cuộc sống an nhàn.
Đời này chịu khổ, đời sau hưởng phúc, đây là chiếc bánh vẽ trong bức tranh tương lai ấy, một thủ đoạn hết sức thành công, ít nhất trói buộc hơn tám mươi phần trăm dân chúng trong thời kỳ phong kiến. Mà gần như mỗi một giáo dân trong thời phong kiến do sùng bái thần linh, đều có chuyện cầu xin. Nếu đem ra so sánh, tôn giáo hiện đại lấy chuyện gởi gắm và an ủi tâm linh là thủ đoạn chủ yếu.
Các quý tộc thuộc tầng lớp cao cấp chính là thông qua tín ngưỡng tinh thần như vậy để xoa dịu đau khổ của tầng lớp dân chúng nghèo khó, giam cầm tư tưởng của bọn họ. Đồng thời cũng khiến cho địa vị của tầng lớp quý tộc càng thêm vững chắc, làm giảm khả năng nổi loạn của các tầng lớp dưới. Phàm là có kẻ nào không tuân theo quy củ, muốn nổi loạn phản kháng, chẳng những kiếp này bị giết, bị chịu khổ chịu tội, linh hồn cũng phải bị đày xuống địa ngục, vĩnh viễn không được luân hồi.
Loại xiềng xích vô hình này thật ra còn hơn cả xiềng xích hữu hình, trói buộc chặt chẽ cuộc sống nghèo khổ của dân chúng vào sự thống trị của một số ít quý tộc thuộc tầng lớp cao cấp.
Trong thời kỳ đen tối lúc ấy, tầng lớp quý tộc cao cấp chiếm năm phần trăm dân số trong cả nước, lại thống trị chín mươi phần trăm dân chúng, chính là dựa vào tư tưởng thần quyền như vậy. Mà ở Công quốc Thánh Uy Nhĩ, tư tưởng thần quyền có thể nói là được thể hiện tới mức tối cao. Sở dĩ vị trí của Mạn Đức giáo trở nên quan trọng như vậy, cũng nhờ vào tư tưởng thần quyền phát huy ra tác dụng tới mức tối đa.
Vì muốn đả kích Mạn Đức giáo, cướp đoạt quyền khống chế, Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc đặc biệt xuất ra cuốn Lai Sinh luận, có thể nói là một đòn chí mạng.
Thông qua cuốn Lai Sinh luận này, ông ta tuyên bố với người đời là không có kiếp sau, linh hồn người chết đi cũng sẽ không lên thiên đường, chỉ có nắm chắc hiện tại mới là quan trọng nhất, chuyện này đã làm ảnh hưởng rất lớn tới ích lợi căn bản của sự tồn tại của tôn giáo.
Nếu như con người đã không có kiếp sau, vậy phải nắm chắc hiện tại. Nếu như trên trời đã không có thần linh, như vậy cầu nguyện với thần linh không bằng trung thành với Quốc chủ.
Lai Sinh luận ca ngợi khoảng thời gian ấy, cuộc chiến tranh luận về tư tưởng tôn giáo đều xảy ra mỗi ngày, giáo dân của Mạn Đức giáo càng ngày càng giảm sút, quyền lực của Mạn Đức giáo cũng bị giảm theo trên diện rộng. Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc mượn cơ hội này đưa tôn giáo khác vào quốc gia, tranh đoạt địa vị quốc giáo với Mạn Đức giáo, ép buộc Giáo hoàng phải cúi đầu với ông ta, yêu cầu Giáo hoàng chỉnh sửa giáo lý, tôn xưng Hoàng quyền làm đầu, không dùng chế độ dân chủ, bỏ Viện nguyên lão, đem cả quốc gia hợp lại thành một Đại Đế quốc thống nhất, triển khai một cuộc giằng co kéo dài đến mười mấy năm. Khoảng thời gian này chính là khoảng thời gian đen tối nhất của Mạn Đức giáo, lúc đó Giáo hoàng bệ hạ bị Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc chèn ép tới mức không thở nổi.
Sau khi Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc qua đời, Mạn Đức giáo lại ngẩng cao đầu một lần nữa, tất cả tôn giáo khác tiến vào Công quốc Thánh Uy Nhĩ đều bị Mạn Đức giáo coi là tà giáo, hoặc đuổi đi, hoặc giết chóc, hoặc gồm thâu, cuối cùng không thể nào tồn tại. Mà cuốn Lai Sinh luận kia trở thành cuốn sách cấm hàng đầu của người Công quốc Thánh Uy Nhĩ, bất cứ kẻ nào cũng không được cất giấu tàng trữ, lén lút xem trộm, chuyền tay nhau mà đọc, bất cứ kẻ nào vi phạm đều bị đưa lên giàn hỏa.
Rốt cục tác giả của cuốn Lai Sinh luận là ai, hiện tại đã không thể nào xác định, nhưng tác giả của cuốn sách này quả thật là tài hoa hơn người, vận dụng rất nhiều sự thật cùng tài hùng biện của mình mà nói rõ rằng con người không có kiếp sau, trên trời không có thần thánh. Bởi vì thuyết kiếp này kiếp sau gần như là nguồn gốc tồn tại của mỗi một tôn giáo trên thế gian này, bởi vậy thật ra cuốn Lai Sinh luận này cũng không được hoan nghênh ở các quốc gia khác, nhưng nó đặc biệt đả kích nặng nề thuyết giáo quyền là trên hết của người Công quốc Thánh Uy Nhĩ.
So với tác dụng làm suy yếu các quốc gia chung quanh của cuốn Quốc Luận của Tần Nghi, Lai Sinh luận cũng là một cuộc chiến văn hóa mang ý nghĩa về tôn giáo vô cùng quan trọng. Chỉ tiếc rằng Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc không có người nối nghiệp, cuối cùng trận chiến văn hóa này cũng không còn người nào có thể tiếp tục. Mặc dù nó vẫn được truyền bá lẻ tẻ ở nước ngoài, nhưng ở Công quốc Thánh Uy Nhĩ, bất cứ một người nào muốn được sống thoải mái sẽ không có gan lén lút giấu cuốn sách này.
Mà hiện tại, đoàn đặc sứ đến từ Đế quốc Thiên Phong lại bị phát hiện tàng trữ một cuốn sách như vậy, nếu nói Giáo hoàng bệ hạ không hề tức giận, vậy hoàn toàn không có khả năng.
Khi Cơ Nhược Tử nghe được tin này, ngay cả nàng cũng cảm thấy trời đất quay cuồng như sắp sập.
O0o
- Đây là vu oan, là hãm hại, Giáo hoàng bệ hạ, Đại Công tước Tư Ba Tạp Ước, ta hy vọng các người có thể hiểu được, Cơ Nhược Tử ta mang theo chân tâm thành ý đi vào quý quốc muốn ký kết đồng minh với các người. Ta tuyệt đối không thể nào làm một chuyện ngu xuẩn tới mức như vậy!
Trong cung Thánh Ba Phỉ, Cơ Nhược Tử kích động nói một hơi. Rốt cục nàng không biết là ai bỏ quyển sách này vào phòng mình, nhưng có thể khẳng định rằng, người làm việc này nhất định là có âm mưu từ trước, có ý đồ muốn phá hoại hành động ngoại giao lần này.
Trước mặt nàng là một quyển sách mỏng có bìa màu vàng, nhưng bên trong nó có sức mạnh có thể làm đảo điên cả một tôn giáo của một quốc gia.
Người Đế quốc Kinh Hồng làm chuyện này ư? Hay là người Đế quốc Mạch Gia? Hay là người Công quốc Thánh Uy Nhĩ? Cơ Nhược Tử không biết, nhưng nàng biết rõ rằng nếu Giáo hoàng tin rằng quả thật nàng đã mang quyển sách này vào Công quốc Thánh Uy Nhĩ, như vậy có nghĩa là dù nàng có nhảy xuống Hoàng Hà cũng không giải được nỗi oan, bao nhiêu công lao vất vả đều trôi theo dòng nước.
Nàng không thể nào chấp nhận rằng số phận của mình giống như Thiển Thủy Thanh, trong thời điểm mấu chốt sau cùng, mắt thấy tất cả đã sắp sửa đại công cáo thành, lại gặp phải sự biến hóa bất thình lình như vậy.
- Vấn đề là nàng không có cách nào chứng minh mình trong sạch, có phải không? Cơ đặc sứ, nếu như nàng đã tìm hiểu rõ ràng về bản giáo, ắt phải biết rằng thần linh trong sạch như băng tuyết, tuyệt đối không chấp nhận hành vi xúc phạm như vậy, chúng ta không cần giải thích, mà là cần hành động!
Giọng của Áo Bố Lại Đặc tuy trầm ổn, nhưng trong đó ẩn chứa một cơn giận dữ kinh người.
Lão không thể nào không nổi giận, năm đó Đại đế Mạn Ba Phỉ Tư Đặc lợi dụng quyển sách này chèn ép Mạn Đức giáo đến nỗi gần như sụp đổ. Hai vị Giáo hoàng lúc ấy đưa ông ta lên ngôi và ký kết quan hệ đồng minh với ông ta rốt cục đã trở thành tội nhân trong giáo, bị đóng đinh sỉ nhục trên giá đời đời. Hành vi của Cơ Nhược Tử cũng tương đương như khơi lại vết thương đã khép miệng của Mạn Đức giáo, vì vậy cho nên rất nhiều người hoài nghi rằng, không biết sau khi Mạn Đức giáo tiến vào Đế quốc Thiên Phong, Cơ Nhược Tử có dùng sức ảnh hưởng của quyển sách này để chống lại việc truyền giáo của Mạn Đức giáo ở Đế quốc Thiên Phong hay không.
Chuyện đồng minh trước mặt nhưng sau lưng lại thò chân ra ngáng, nhiều đến mức không thể nào đếm xuể.
Cơ Nhược Tử thở dài bất đắc dĩ:
- Ta không có cách giải thích nào khác, nhưng ta hy vọng Giáo hoàng bệ hạ và Đại Công tước Tư Ba Tạp Ước bình tĩnh nghĩ lại mà xem, nếu quả thật ta muốn đối nghịch với Mạn Đức giáo, như vậy cũng chỉ có thể vạch ra kế hoạch trong đầu, mà không ngu ngốc tới nỗi mang theo quyển sách này bên người, đặt trong phòng thuộc phạm vi cai quản của quý quốc, để cho người hầu của quý quốc có thể tùy tiện lấy ra xem như vậy. Nếu như hai vị xem trọng ta, như vậy phải tin rằng ta không ngu xuẩn tới mức độ như vậy, không thể nào bất cẩn tới mức đó!
Tư Ba Tạp Ước nói:
- Chúng ta có thể hiểu rằng Cơ đặc sứ không hề đề phòng đặc biệt đối với chỗ ở của mình, bởi vậy chúng ta có thể tin rằng quyển sách này không phải là do đích thân Cơ đặc sứ mang vào, nhưng những người khác thì sao? Có thể là do thuộc hạ của Cơ đặc sứ làm hay không, chuyện này rất là khó nói. Tuy rằng Cơ đặc sứ có trí tuệ hơn người, nhưng cũng không thể nào khiến cho thuộc hạ của mình cẩn thận từng chút một, có phải không?
Cơ Nhược Tử nghe vậy sững sờ, nàng nhìn vào mắt Tư Ba Tạp Ước, phát hiện ra có một tia giả dối lóe lên rồi biến mất.
Đột nhiên nàng đã hiểu ra tất cả, ngay lập tức, nỗi tức giận trong lòng bay biến, trở nên bình tĩnh vô cùng. Nàng nhìn thẳng vào mắt Tư Ba Tạp Ước, lạnh lùng hỏi:
- Có lẽ không phải là Đại Công tước không tin, chỉ là không muốn tin mà thôi, có phải không?
Tư Ba Tạp Ước nở một nụ cười hiểm độc.
O0o
Bất kể là Giáo hoàng Áo Bố Lại Đặc hay bản thân Tư Ba Tạp Ước thật ra không ngu ngốc tới nỗi tin rằng Cơ Nhược Tử sẽ mang theo một quyển sách như vậy vào Công quốc Thánh Uy Nhĩ mà đàm phán ngoại giao. Có thể khẳng định rằng có người nào đó muốn hãm hại, vả lại không muốn cho Thiển Thủy Thanh trở về Đế quốc Thiên Phong. Nhưng bất kể thế nào, đối với Mạn Đức giáo mà nói, đó là một cơ hội.
Có thể bọn họ không tin, nhưng bọn họ lại làm như tin, cũng coi đó là một cái cớ để bắt chẹt Cơ Nhược Tử. Nếu Cơ Nhược Tử muốn hoàn thành sứ mạng cứu ra Thiết Huyết Trấn, như vậy cần phải trả giá thêm một ít.
Điều kiện vốn đã bàn luận xong xuôi, nay vì sự xuất hiện của quyển sách này mà có thể xuất hiện biến hóa mới. Giáo hoàng Áo Bố Lại Đặc giảo hoạt đã hạ quyết tâm mượn việc này để kiếm thêm một chút lợi ích cho mình.
Cho nên lúc này, Tư Ba Tạp Ước thản nhiên nói:
- Ta hy vọng rằng Cơ đặc sứ hiểu được một chuyện, nếu như tin tức Cơ đặc sứ có quyển sách này truyền ra ngoài, như vậy lần biểu quyết công khai thứ ba sẽ là lần thất bại cho nàng, không có bất cứ vị nguyên lão nào chấp nhận một chuyện như vậy. Cho nên e rằng Cơ đặc sứ phải đưa ra một ít chứng cớ để chúng tỏ rằng mình có thành ý, lúc ấy mới có thể làm cho mọi người tin rằng quyển sách này không có liên quan gì với đoàn đi sứ của Đế quốc Thiên Phong.
- Các người muốn gì?
- Mở rộng hoàn toàn việc truyền giáo trên toàn lãnh thổ Đế quốc Thiên Phong!
Mạn Đức giáo lại đưa ra một cái giá trên trời, Cơ Nhược Tử chỉ có thể bất đắc dĩ nói:
- Giáo hoàng bệ hạ, ngài không biết rằng yêu cầu này quá cao hay sao?
- Bởi vì quý quốc có hành vi mờ ám, chúng ta không thể không làm như vậy!
- Ta đã nói rồi, đó là có kẻ vu oan hãm hại.
- Vậy càng cần quý quốc đưa ra hành động có thành ý để chứng minh, chứ không phải chỉ thanh minh bằng lời nói suông như vậy!
- Thật là có lỗi, ta không có quyền lực nhiều hơn, ta cũng lo rằng Thiển Thủy Thanh không còn nhiều thời gian nữa...
Quả thật Cơ Nhược Tử không có quyền đáp ứng điều kiện như vậy, Thương Dã Vọng thà rằng giao Thiển Thủy Thanh cho Mạn Đức giáo còn hơn là đáp ứng chuyện này.
Lúc này, Tư Ba Tạp Ước đột nhiên nói:
- Có lẽ có một việc có thể chứng minh quý quốc có thành ý, mà Cơ đặc sứ vẫn có quyền quyết định.
- Là việc gì?
- Để cho Thiển Thủy Thanh gia nhập giáo ta, trở thành giáo dân của Mạn Đức giáo, giáo ta sẽ phong danh hiệu võ sĩ Thánh đường cho hắn!
Cơ Nhược Tử chỉ cảm thấy trước mắt trời đất quay cuồng, thì ra đây mới là mục đích chân chính của đối phương.
Võ sĩ Thánh đường, đây là danh hiệu mà bao nhiêu giáo dân của Mạn Đức giáo cầu còn không được, nhưng đối với Thiển Thủy Thanh mà nói, chỉ là gông cùm xiềng xích đeo trên cổ mà thôi. Trở thành võ sĩ Thánh đường của Mạn Đức giáo, Thiển Thủy Thanh nhất định nhận lấy gánh nặng là giáo dân của Mạn Đức giáo lên vai, một khi hắn còn sống trở lại Đế quốc Thiên Phong, nếu sau này hắn giơ dao đồ tể hạ thủ với Công quốc Thánh Uy Nhĩ, vậy chính là phản giáo. Lúc ấy Thiển Thủy Thanh sẽ trở thành cái đích cho mọi người chỉ trích, sẽ khiến cho tất cả giáo dân Mạn Đức giáo nổi giận, uy tín và danh dự mà hắn đã dùng máu tươi để lập ra cũng tổn hại nặng nề. Quân nhân vốn rất trọng chữ Tín, mất đi chữ Tín này rồi, sau này lực hiệu triệu của Thiển Thủy Thanh trên chiến trường sẽ giảm sút trầm trọng, cho dù là người Đế quốc Thiên Phong cũng sẽ không chấp nhận hành vi tráo trở của hắn. Nếu như hắn tiếp nhận điều kiện này, như vậy cho dù Mạn Đức giáo chỉ có thể thành lập ba tòa giáo đường ở phía Đông hành lang Thánh Khiết, nhưng bằng vào uy danh quá lớn của Thiển Thủy Thanh hắn, có thể mang lại cho Mạn Đức giáo rất nhiều tín đồ, thậm chí bao gồm cả một phần lớn quân nhân Đế quốc Thiên Phong.
Bởi vì chuyện gia nhập Mạn Đức giáo chỉ là hành vi cá nhân của Thiển Thủy Thanh, Cơ Nhược Tử không có quyền từ chối. Nhất là nàng đã dốc hết sức mình nghĩ ra đủ các biện pháp để cứu Thiển Thủy Thanh, cho nên không thể nào mở miệng nói rằng mình không có tư cách đứng ra nhận lời thay cho hắn. Mà khi Mạn Đức giáo đã tiến vào Đế quốc Thiên Phong một cách hợp pháp, như vậy chuyện Thiển Thủy Thanh nhập giáo cũng không vấp phải chướng ngại gì về mặt pháp luật.
Đề nghị này của Tư Ba Tạp Ước quả thật là vô cùng ác độc, nếu như Thiển Thủy Thanh còn sống trở về, hoặc là phải ra sức cho Mạn Đức giáo, hoặc là làm phản tự hại bản thân mình, dù thế nào cũng không còn gây ra uy hiếp với người Công quốc Thánh Uy Nhĩ được nữa.
Cơ Nhược Tử khẽ cắn môi, lúc này nàng vô cùng căm hận kẻ đã ném đá giấu tay hãm hại sau lưng, mặc dù thủ đoạn của hắn vô cùng đê tiện, nhưng cũng hết sức hiệu quả. Nói không chừng kết quả này đã nằm trong sự tính toán của hắn...
Đáng tiếc là nàng đã không còn quyền lựa chọn.
- Ta đồng ý điều kiện này! Khi Thiển Thủy Thanh từ hành lang Thánh Khiết trở về, sẽ nhận lễ rửa tội của Mạn Đức giáo, trở thành tín đồ của quý giáo. Nếu hắn không đồng ý...Dù sao con đường mua bán không phải là con đường quân sự, không cần biết hắn dùng thân phận nào trở về, quý quốc đều có quyền xử tử hắn!
Cơ Nhược Tử nghiến răng nói.
- Cứ quyết định như vậy!
Truyện khác cùng thể loại
48 chương
32 chương
1059 chương
104 chương
23 chương
792 chương
33 chương