Đế Quốc Thiên Phong

Chương 171 : Ám toán

Đế quốc Kinh Hồng. Ngày Chín tháng Mười, rốt cục Phương Hổ công khai dựng lên cờ hiệu tấn công thành Bá Nghiệp, thẳng tiến một đường ngang qua bên cạnh thành Tây Hải. Hành động này quả nhiên nhắm đúng vào nhược điểm của thành chủ thành Tây Hải, dưới sự bất đắc dĩ, vị thành chủ xấu số này chỉ còn nước dẫn quân ra truy kích, lại bị Phương Hổ cho Hổ Báo Doanh mai phục chờ sẵn. Ba ngàn kỵ binh Hổ Báo Doanh đột ngột xuất hiện ở mặt bên của cánh quân thủ thành, bắt đầu phát động tấn công. Lúc này ba Doanh còn lại của Thiết Phong Kỳ cũng quay đầu lại nghênh chiến, lập tức đánh tan năm ngàn quân trấn thủ thành Tây Hải, bắt sống thành chủ Bành Hàm Quang, rốt cục chiếm được một trong ba thành thị quan trọng nhất của miền Trung Đế quốc Kinh Hồng. Ngày Mười Tháng Mười, lợi dụng nhược điểm đèn nhà ai nấy sáng, không chịu xuất quân hỗ trợ của hai thành còn lại, Phương Hổ giở lại trò cũ, dẫn dụ thành Dục Hỏa xuất binh, đạt được thắng lợi, tiêu diệt hơn bốn ngàn quân địch. Lúc này, thành chủ thành Hỏa Vân là Nghiêm Thực Bình sau khi biết được tình huống, quyết định không xuất kích, cố thủ thành Hỏa Vân. Bọn Phương Hổ thấy mục đích của mình đã đạt, lập tức bỏ qua, nhắm hướng thành Bá Nghiệp xuất phát. Đánh hai trận trong vòng hai ngày, hai trận đều đại thắng, diệt gần vạn tên địch, tiếp tục tung hoành ngang dọc như trước, khí thế không gì cản nổi, uy danh Thiết Phong Kỳ lập tức truyền ra, kinh động cả Đế quốc Kinh Hồng. Sau khi nhận được tin tức tới lui trong vòng nửa tháng, chịu áp lực hết sức nặng nề, cuối cùng người Đế quốc Kinh Hồng mới hoàn toàn hiểu được rốt cục là chuyện gì đang xảy ra. Đường vẽ màu đen kia trên bản đồ đã kéo dài tới miền Trung của Đế quốc Kinh Hồng, mũi tên chỉ thẳng về phía thành Bá Nghiệp, người Đế quốc Kinh Hồng vô cùng hoảng sợ Thiết Phong Kỳ sẽ lớn mật làm càn. Lúc này ngay cả thành Bá Nghiệp cũng cảm thấy bối rối, Thiển Thủy Thanh đúng là người có tên, cây có bóng, cho dù hắn không chiếm được thành Bá Nghiệp, nhưng cũng sẽ làm nhục tới thể diện của người Đế quốc Kinh Hồng. Các Tướng quân đang trấn thủ ở những nơi quan trọng như biên giới Phong quốc, hành lang Thánh Khiết, bắt đầu điều động binh lực vội vàng chạy về thành Bá Nghiệp, chuẩn bị kiếm công lao hộ giá. Ngày Mười Một tháng Mười, sau khi trải qua một thời gian đuổi theo như liều mạng, rốt cục hai Đại tướng Đế quốc Kinh Hồng là Khương Trác và Lâu Thiên Đức cũng đã chạy tới thành Hỏa Vân, bắt đầu điều động binh sĩ khắp các nơi, bố trí binh lực, dưới sự chỉ huy thống nhất triển khai truy kích Thiết Phong Kỳ, hòng bao vây chặn đường. Nếu nhìn trên bản đồ, hơn mười đường vẽ màu đỏ kéo dài khắp nơi trong Đế quốc Kinh Hồng, vẽ ra một tấm lưới khổng lồ trên bản đồ, nhằm vây khốn đường vẽ màu đen kia. Thiết Phong Kỳ giống như một con cá lớn đang nhỏ máu tươi, mùi tanh của máu hấp dẫn vô số con cá lớn hơn vô cùng tham lam, khát máu hung tàn, quyết phải làm thịt con cá Thiết Phong Kỳ này, tuyệt đối không để cho nó bất cứ cơ hội nào gây ra sóng gió. Ngày Mười Hai tháng Mười, tin này lọt vào tai các nước chung quanh Đế quốc Kinh Hồng như Phong quốc, Khâu quốc, Công quốc Thánh Uy Nhĩ, tất cả đều nhận được tin Thiết Phong Kỳ xâm nhập Đế quốc Kinh Hồng. Tin tức này làm cho mọi người vừa ngạc nhiên vừa thán phục, dẫn tới các phản ứng không giống nhau. Có người tỏ ra khen ngợi người Đế quốc Thiên Phong to gan lớn mật, cũng có người cười nhạo Thiển Thủy Thanh tự cao tự đại, cũng có người đứng bàng quan lấy mắt ngó, muốn chờ xem kịch vui. Các quốc gia tỏ ra rất chú ý tới trận chiến kỳ lạ này, muốn xem thử một cánh quân lẻ loi đơn độc của Thiển Thủy Thanh có thể gây ra được bao nhiêu sóng gió bên trong Đế quốc Kinh Hồng. Người Công quốc Thánh Uy Nhĩ chính thức phát ra thông cáo khiển trách đối với Đế quốc Thiên Phong, nói rằng phải lập tức lui binh, cũng phái ra một đoàn đi sứ sang Đế quốc Thiên Phong. Người Đế quốc Mạch Gia cũng không chịu kém, lên án Đế quốc Thiên Phong có dã tâm gồm thâu lãnh thổ, độc bá thiên hạ. Các nước chung quanh Đế quốc Kinh Hồng như Phong quốc, Khâu quốc, Lê quốc tỏ vẻ không tham gia vào trận chiến này, nhưng cũng tỏ thái độ không hài lòng đối với trận chiến của Thiển Thủy Thanh. Thậm chí Đại Đế quốc Tây Xi xa cuối chân trời cũng không chịu nổi cô đơn tịch mịch... O0o Ở Đại Đế quốc Tây Xi. Trong phủ Đại Nguyên soái. Gia tộc Sa Khố Nhi Luân là một đại gia tộc có lịch sử rất lâu đời, lịch sử của gia tộc này thậm chí còn lâu đời hơn cả bản thân lịch sử của Đại Đế quốc Tây Xi. Từ lúc Đại Đế quốc Tây Xi vừa mới thành lập, gia tộc Sa Khố Nhi Luân đã là gia tộc có danh vọng hiển hách nhất, xuất sắc nhất ở Đại thảo nguyên Tây Phong. Gia tộc này nhờ vào chuyện sản sinh ra những lãnh tụ thiên tài về quân sự mà nổi danh, gần như mỗi một hoặc hai thế hệ của họ, nhất định sẽ xuất hiện một, thậm chí vài nhân tài quân sự xuất sắc, trở thành bộ lạc thủ lĩnh của thảo nguyên lúc ấy, hào kiệt như mây. Lúc thời của Đại đế Sa Tư Hãn còn tung hoành, lãnh tụ và các chiến sĩ trong gia tộc của Sa Khố Nhi Luân đã trở thành một cây roi ngựa hung ác nhất trong tay Đại đế Sa Tư Hãn, gần như quất vào tất cả các dân tộc trên đại lục. Nhưng đặc điểm trời sinh là giỏi chiến đấu nhưng không giỏi thủ thành của các dân tộc du mục trên thảo nguyên, khiến cho Đế quốc khổng lồ mà bọn họ thành lập hoàn toàn dựa vào võ lực mà tồn tại, cuối cùng cũng sụp đổ sau khi Đại đế Sa Tư Hãn chết đi không lâu. Sau đó, dân tộc du mục cũng có vài lần quật khởi, nhưng không có người nào có thể sáng lập ra được chiến tích huy hoàng như Đại đế Sa Tư Hãn nữa. Đại Đế quốc Tây Xi là Đế quốc do con cháu của Đại đế Sa Tư Hãn thành lập trở lại dựa trên cơ sở võ lực của tổ tiên, gần như bao trùm toàn bộ phía Tây đại lục Quan Lan, còn kéo dài hai nhánh về hai phía Nam Bắc. Trong thời gian ấy, Đại Đế quốc Tây Xi biến hóa liên tục, lúc thịnh lúc suy, nhưng gia tộc Sa Khố Nhi Luân chưa từng lên được đỉnh vinh quang như thời trước. Theo thời gian trôi qua, từng thế hệ sinh sản nối tiếp nhau, hiện tại con cháu gia tộc Sa Khố Nhi Luân đã trải rộng ra đến các Đế quốc khắp ngõ ngách trên thảo nguyên. Bọn họ luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt lời dạy của tổ tiên: Giữ cho Đế quốc luôn luôn hưng thịnh, gia tộc vĩnh viễn chẳng suy vong, mỗi người đều làm tròn bổn phận của mình mà âm thầm lặng lẽ cống hiến cho gia tộc. Đối với một gia tộc khổng lồ mà vĩnh viễn bảo vệ cho chính mình như vậy, bất cứ một Đế quốc trên thảo nguyên nào chỉ có thể mựơn sức, trọng dụng, dùng lễ vật trọng hậu, quyền cao chức trọng mà đối xử với bọn họ. Trong thế hệ hiện tại của gia tộc Sa Khố Nhi Luân, người xuất sắc nhất chính là Cách Long Đặc Sa Khố Nhi Luân. Đây là một trung niên có dáng người gầy gò, trong thế giới du mục mà tráng hán cao to uy mãnh đông như lá rừng, trông ông ta có vẻ mỏng manh đơn bạc, chỉ có đôi tay đặc biệt to lớn và đôi mắt sáng như sao là biểu hiện ra người này không giống với người bình thường. Nếu như nói Đông Chiến thần Liệt Cuồng Diễm là một Đại tướng lấy chiến và dũng mà thành danh, vậy Tây Chiến thần Cách Long Đặc chính là một Chiến thần lấy trí cùng mưu mà xưng hùng. Ở trong quân, Liệt Cuồng Diễm giống như một bảo bối làm tăng uy lực, ông ta đi tới đâu, lực công kích của các chiến sĩ ở nơi đó lập tức tăng lên mạnh mẽ như được uống thần dược, ai nấy đều can đảm không sợ chết, anh dũng chiến đấu. Mà phong cách chỉ huy của Cách Long Đặc lại gần giống với Thiển Thủy Thanh, bọn họ rất giỏi về chuyện suy đoán lòng người, sau đó nhắm vào nhược điểm mà đánh, chỉ cần một đòn là trúng. Chuyện này cũng có liên quan tới đặc điểm hoàn toàn khác nhau về dân tộc của hai Đế quốc. Tuy Đế quốc Thiên Phong có được thảo nguyên Phong Nhiêu, nhưng diện tích của thảo nguyên Phong Nhiêu còn xa mới so sánh được với Đại thảo nguyên Tây Phong. Về bản chất, Đế quốc Thiên Phong thuộc về dân tộc canh nông, nếu nói về chiến lực, dân tộc canh nông vốn không thể nào so sánh được với dân tộc du mục vốn giỏi võ nghệ, thích tranh đấu tàn nhẫn, nhưng lại thừa thãi kẻ sĩ giỏi về mưu lược. Bởi vậy, sự tồn tại của Liệt Cuồng Diễm như Sát thần giáng thế, có thể đề cao tinh thần dũng cảm và sĩ khí khi binh sĩ chiến đấu, bù lại sự chênh lệch với dân tộc du mục về phương diện này. Mà chiến sĩ của dân tộc du mục hiếu chiến, anh dũng kiên cường, nhưng lại thiếu mưu trí trong chiến đấu. Bởi vậy cần cao thủ như Cách Long Đặc mới có thể tổ chức dẫn dắt bọn họ phát huy ra trọn vẹn ưu điểm của mình. Hôm nay, vị Đại Nguyên soái thân hình gầy gò nhưng nắm trong tay trăm vạn kỵ binh du mục của Đại Đế quốc Tây Xi đang ngồi trên ghế của mình, ngồi đối diện với ông ta là đường đường Thừa tướng Vượng Tán của Đế quốc. Chuyện làm cho người ta cảm thấy kinh ngạc chính là, vị Thừa tướng tên gọi Vượng Tán này có bề ngoài hoàn toàn khác với người tộc Tây Xi truyền thống vốn mắt sâu, mũi ưng, tóc dài, râu quai nón. Gương mặt của lão rất bình thường, nhìn không giống người Tây Xi chút nào, ngược lại rất giống với người Đại Lương. Đó là vì trong dòng máu của lão có một nửa là của người Đại Lương. Hiểu biết của cả đại lục Quan Lan đối với vị Thừa tướng của Đại Đế quốc Tây Xi này hết sức sơ lược, hết sức giản đơn. Trong thời đại mà võ nghệ hưng thịnh này, những cái tên nổi tiếng luôn luôn thuộc về các danh tướng như Cách Long Đặc, như Liệt Cuồng Diễm, như Thiển Thủy Thanh. Bởi vậy có rất ít người biết rằng vị Thừa tướng của Đại Đế quốc Tây Xi này bình thường làm việc khiêm tốn, thái độ bình thản, nhìn qua bề ngoài tầm thường đến mức rất dễ quên, không ngờ không phải là một người mang dòng máu đơn thuần của gia tộc Tây Xi. Nhưng ở tầng lớp cao cấp trong Đại Đế quốc Tây Xi chưa có người nào dám xem thường vị lão nhân này, bởi vì cống hiến của lão cho Đế quốc vô cùng to lớn. Mà lúc này, vị lão Thừa tướng được Hoàng đế tin tưởng sủng ái này đang nói chuyện thân mật với Đại Nguyên soái của Đế quốc. - Ta có điều không rõ, vì sao Đại Nguyên soái lại khẳng định chắc chắn mục tiêu của Thiển Thủy Thanh là Hàn Phong quan? Hơn nữa nhất định hắn sẽ chiếm được? - Đó chỉ là cảm giác của ta. - Chỉ là cảm giác thôi sao? - Đúng, nhưng như vậy đã đủ! Giọng Cách Long Đặc tràn đầy khẳng định, không thể nghi ngờ. Nguồn tại http:// Cách Long Đặc không phải là một người ngông cuồng, ông ta tuyệt đối không vì bản thân mình là Tây Chiến thần người người kính ngưỡng mà cho rằng, mình thiên tài tới mức có thể đoán ra mỗi bước đi, mỗi hành động của đối thủ, nhưng ông ta tin tưởng vào cảm giác của mình. Trên chiến trường, cái thật sự quyết định thắng bại của một trận chiến có đôi khi không chỉ là suy đoán. Suy đoán cần phải có đủ tư liệu, dưới tình huống không đủ tư liệu, không thể phán đoán chính xác đối với chiến cục trước mắt, có đôi khi Tướng quân không phải bằng vào kinh nghiệm, không phải bằng vào những gì mình thấy được, mà là bằng vào chính cảm giác này. Cảm giác này là do chém giết trong vô số trận chiến mà rèn luyện nên, chính bọn họ cũng không thể nào nói rõ đó là cái gì, nhưng bọn họ biết nó là một ngọn đuốc sáng có thể dẫn dắt bọn họ bước đi trên con đường thắng lợi. Cảm giác này không thể nào nói rõ, kẻ không hiểu được mùi vị trong đó khó mà thấu đáo, nhưng gần như nó đều tồn tại trên người mỗi vị Tướng quân xuất sắc. Sở dĩ lúc trước Liệt Cuồng Diễm quyết định dựa lưng vào sông Tiểu Lương mà đánh, chính là dựa vào cảm giác này. Sở dĩ Thiển Thủy Thanh đại thắng Đế quốc Kinh Hồng, cũng là dựa vào cảm giác này, mà hiện tại Cách Long Đặc cũng đang có cảm giác này. Ông ta cảm thấy rằng Thiển Thủy Thanh có âm mưu, cho nên ông ta lo lắng không yên. Trong chuyện này, ông ta hoàn toàn không sử dụng phân tích, suy đoán cẩn thận tỉ mỉ gì, mà ông ta chỉ dùng một phương pháp đơn giản nhất để phán đoán vấn đề, đó là trực giác. Đây cũng là sự thăng hoa cuối cùng sau ba bước thiên phú, kinh nghiệm và am hiểu của các vị Đại tông sư chiến tranh. Đương nhiên không phải trực giác của bất cứ ai cũng có thể tin tưởng được, kẻ điên hay ngu ngốc cũng có linh cảm như vậy. Nhưng trực giác của các vị Đại tông sư về chiến trường còn được hình thành thông qua sự am hiểu vể chiến tranh của bọn họ, chứ không phải chỉ là một tia linh quang thoáng hiện không có ý nghĩa gì. Cho nên khi Cách Long Đặc ý thức được điểm này, ông ta đã lập tức nghĩ rằng, nhất định mục tiêu của Thiển Thủy Thanh chính là Hàn Phong quan. Mặc dù ông ta không biết Thiển Thủy Thanh sẽ dùng biện pháp cụ thể nào để chiếm Hàn Phong quan, nhưng sau khi ông ta gạt bỏ tất cả những quấy nhiễu bên ngoài, dưới tình huống không phải lo lắng về quá trình tiến hành khó khăn của chuyện này, là người ngoài cuộc, ông ta lại nhìn thấy rõ ràng hơn bất cứ kẻ nào. Nhưng khi ông ta đem ý nghĩ này nói cho Thừa tướng Vượng Tán, cũng nói rõ rằng ông ta định cảnh cáo Cô Chính Phàm cẩn thận đề phòng, ông ta lại vấp phải sự phản đối quyết liệt của Vượng Tán. - Chúng ta không thể làm như vậy! Trên thực tế, nếu như quả thật Thiển Thủy Thanh có thể chiếm được Hàn Phong quan, đối với chúng ta là một chuyện rất tốt! Cách Long Đặc cau mày, lộ vẻ không được hài lòng: - Thừa tướng lại muốn tìm cớ thoái thác hay sao? Vượng Tán nói: - Không phải ta muốn tìm cớ thoái thác, ta chỉ hy vọng Đại Nguyên soái có thể cẩn thận một chút. Dân tộc du mục trên thảo nguyên, nếu muốn tiến vào thế giới Trung Thổ phồn hoa kia, ắt sẽ gặp phải sự chống đối của thế lực khắp nơi. Chúng ta khác xa với người Đế quốc Thiên Phong, chiến sĩ của chúng ta hùng mạnh, anh dũng hơn bất cứ chiến sĩ của quốc gia nào khác, nhưng dân tộc chúng ta cũng không phải là một dân tộc am hiểu về quản lý. Thiên tính của dân tộc du mục là phân tán, chứ không phải là tụ hợp, là công thành chiếm đất, mà không phải là tiêu diệt quốc gia, thôn tính lãnh thổ, là cướp bóc như gió, chứ không phải bất động như núi. Ở điểm này, dân tộc du mục vĩnh viễn không có tư cách chống chọi ngang hàng với dân tộc canh nông. Mặc dù ta tin rằng Đại Nguyên soái có năng lực bách chiến bách thắng, nhưng lịch sử đã chứng minh, cho dù chúng ta có thể tái lập chiến tích huy hoàng của Đại đế Sa Tư Hãn năm xưa, nhưng chúng ta không có năng lực duy trì nó. Chúng ta có thể đạt được thắng lợi nhất thời, nhưng chúng ta không có khả năng giữ vững nó dài lâu. Cho nên Đế quốc Thiên Phong là một quân cờ quan trọng mà chúng ta có thể lợi dụng, chúng ta cần thông qua bọn họ để làm cho những người khác tin rằng, Đại Đế quốc Tây Xi là quốc gia yêu hòa bình, chứ không phải là một quốc gia thích chiến tranh. - Như vậy Thừa tướng có biết rằng, hậu quả của sự dung túng, chính là nuôi hổ gây họa hay không? - Đương nhiên là nuôi hổ có thể gây họa, nhưng không nuôi hổ, thì không có cơ hội đuổi đi bầy sói đói trước mắt. Chung quanh chúng ta có rất nhiều quốc gia có địch ý sâu nặng, phòng ngừa cẩn thận đối với chúng ta. Nếu muốn làm cho sức chú ý của bọn họ rời khỏi quốc gia chúng ta, Đế quốc Thiên Phong chính là mục tiêu tốt nhất. Những người trên đại lục luôn luôn xem những chiến sĩ anh dũng trên thảo nguyên là bầy sói phá phách hủy diệt, bọn họ có thể chấp nhận bất cứ một quốc gia văn minh nào xâm lược, thậm chí chiếm cứ, duy chỉ ôm thành kiến sâu nặng với các dân tộc trên thảo nguyên. Con người có thể khuất phục trước hoài bão của kẻ mạnh, nhưng không thể nào khuất phục trước dã thú như hổ hay sư tử. Cũng chính vì tâm tính của bọn họ như vậy mới khiến cho dân chúng trên đại lục có hành kiến sâu nặng như vậy đối với các dân tộc thảo nguyên. -...Cho nên, không cần biết các dân tộc thảo nguyên hùng mạnh tới đâu, không cần biết miền Trung đại lục có đánh nhau trở thành hỗn loạn tới đâu, một khi chúng ta tiến quân, các quốc gia dù là yếu ớt trên đại lục cũng sẽ bỏ qua tất cả, đồng tâm hiệp lực đối phó với chúng ta. Chúng ta có thể đánh bại bọn họ vô số lần, nhưng không có cách nào đánh bại bọn họ vĩnh viễn. Nếu chỉ đơn thuần dùng võ lực cưỡng chế để chiếm toàn đại lục, như vậy chỉ tổ làm cho các dân tộc thảo nguyên lâm vào cuộc chiến trăm năm. Đáng tiếc, thảo nguyên thừa thãi dũng sĩ hùng mạnh, chiến mã tốt giỏi, nhưng lại thiếu tất cả tài nguyên chiến tranh còn lại. Cho nên nếu muốn giải quyết vấn đề này, nhất định phải có một quốc gia đứng mũi chịu sào cho chúng ta. Sau khi Đế quốc Thiên Phong lấy khí thế hùng mạnh càn quét cả thiên hạ, chúng ta sẽ xuất hiện với diện mạo của đấng cứu thế, như vậy sẽ có khả năng rất lớn được dân chúng trên đại lục tán thành. Đến lúc đó chúng ta lại dùng thủ đoạn dụ dỗ dân chúng, toàn lực thúc đẩy chính sách dân tộc đại đồng, không còn phân biệt cấp bậc cao thấp, ắt đại sự sẽ thành. - Ta thừa nhận rằng Thừa tướng đúng về phương diện này, nhưng vì sao lại nhất định phải chọn Thiển Thủy Thanh? - Bởi vì hắn là người mà chúng ta cần, sự tàn bạo, hung ác, giết chóc của hắn, tài năng chỉ huy của hắn chính là vốn liếng mà chúng ta có thể sử dụng để tô đậm hình ảnh tàn bạo của Đế quốc Thiên Phong có thể sinh ra uy hiếp với toàn đại lục. Người này rất hữu dụng đối với chúng ta, hắn có thể giúp chúng ta dọn dẹp trống trải con đường phía trước, khiến cho chính hắn trở thành mục tiêu của cả đại lục. Nhưng vì quá trình tiến thân của hắn, nhất định sẽ không được Hoàng đế Đế quốc Thiên Phong tin tưởng vĩnh viễn. Một ngày nào đó hắn sẽ bị Đế quốc Thiên Phong vứt bỏ, khi đó hắn sẽ không còn khả năng uy hiếp đối với chúng ta, cũng chính là thời cơ xuất binh tốt nhất của chúng ta. Nhưng Cách Long Đặc vẫn lắc lắc đầu. Theo cách nhìn của Vượng Tán, dân tộc du mục bởi vì đặc điểm trời sinh là giỏi xâm lược mà không giỏi quản lý, khiến cho bọn họ luôn luôn sáng tạo ra những chiến tích huy hoàng trong lịch sử mà người khác không thể nào làm được, nhưng cũng không thể bảo vệ và duy trì được chiến tích huy hoàng này. Nếu muốn làm cho dân tộc du mục thoát khỏi đặc điểm bất lợi giỏi tấn công mà không giỏi gìn giữ này, biện pháp duy nhất là không ngừng học tập, không ngừng cải tiến. Nhưng chuyện này cần phải có thời gian, bọn họ cần có thời gian khiến cho dân tộc mình biết cách sáng tạo, cần thời gian khiến cho các quốc gia chung quanh tin tưởng người Đại Đế quốc Tây Xi không có dã tâm, cần thời gian làm cho địch nhân lơi lỏng đề phòng đối với mình, đồng thời cũng cần thời gian để cho bọn họ làm tốt sự chuẩn bị tiến nhập và khống chế. Bọn họ cần có một tấm gương, một tấm gương như Đế quốc Thiên Phong, làm thế nào quản lý để gia tăng lãnh thổ của Đế quốc, cũng cần một mục tiêu để hứng chịu tất cả những khiển trách về chính trị. Cuối cùng, bọn họ cần một cái cớ, một cái cớ để có thể công khai tiến vào miến Trung đại lục. Mà tất cả những chuyện này đều cần Đế quốc Thiên Phong mau chóng hoàn thành sự khuếch trương quân sự của họ. Bởi vậy Vượng Tán mới hy vọng thông qua sự xuất hiện của cường quốc quân sự này, làm giảm bớt nỗi sợ hãi của các quốc gia yếu ớt đối với dân tộc Tây Xi từng hùng mạnh, sau đó mới thừa cơ tiến vào. Cách Long Đặc lại có ý tưởng ngược lại với Vượng Tán, ông ta hy vọng dùng quân sự tấn công mạnh mẽ, để có thể hoàn thành dục vọng chính trị là khuếch trương quân sự của Đại Đế quốc Tây Xi. Bởi vì ông ta biết rằng chuyện mượn đao luôn luôn không đáng tin tưởng, nó có thể trợ giúp, nhưng cũng có thể hủy diệt chính mình. Suy nghĩ và cách làm của Vượng Tán không sai, tuy nhiên lại lý tưởng hóa quá mức. Chiến tranh sợ nhất là lý tưởng hóa, cho tới bây giờ vốn không có một cuộc chiến tranh nào có thể hoàn toàn phát triển đúng theo từng bước của kế hoạch mà bạn đã vạch ra. Ở điểm này, Vượng Tán giống như một kẻ mơ mộng không thực tế. Cách Long Đặc nói: - Đế quốc Thiên Phong có thể sẽ vì quá trình tiến thân của Thiển Thủy Thanh mà không tin tưởng hắn, phế bỏ hắn, nhưng cũng có thể bị tên khốn giảo hoạt hung tàn này cắn ngược trở lại. Hắn đã từng cắn chết ba vị thượng cấp của hắn, như vậy nói không chừng một ngày nào đó, ngay cả Hoàng đế của hắn, hắn cũng sẽ cắn chết, đến lúc đó, hắn không còn e ngại gì nữa...Ta rất lo lắng rằng nếu chúng ta buông tha Thiển Thủy Thanh hôm nay, có lẽ ngày mai hắn sẽ trở thành bóng ma lớn nhất của chúng ta. - Đại Nguyên soái các hạ, chiến tranh là so sánh giữa thế lực tổng hợp giữa hai quốc gia, còn có các nước láng giềng ở chung quanh. Nếu ta buông tha cho Thiển Thủy Thanh, hắn sẽ không gây nên được bao nhiêu sóng gió, nhưng hắn cũng sẽ làm đảo điên hình ảnh của Đế quốc Thiên Phong, chuyện này sẽ có ích lợi rất lớn đối với chúng ta trong tương lai, dù sao chiến tranh cũng không phải là võ đài dành cho cá nhân biểu diễn. Cách Long Đặc phản bác: - Có đôi khi nó đúng như vậy! Ta vẫn vô cùng bội phục cách nhìn xa trông rộng của Thừa tướng, tuy nhiên đáng tiếc rằng, dù sao Thừa tướng vẫn không phải là tướng lĩnh cầm quân, hiểu biết của ông đối với chiến tranh vẫn chỉ có hạn. Nếu nói một Đế quốc hùng mạnh chính là nhờ vào thực lực tổng hợp của nó, như vậy một Đại tướng ưu tú cầm quân chính là người phát huy ra thực lực này. Chuyện này cũng giống như khi hai võ sĩ có thực lực ngang nhau liều mạng đấu với nhau, kẻ thắng không phải nhờ vào lực lượng mạnh hơn, mà là nhờ phát huy tốt hơn. Một tên quan chỉ huy ưu tú có thể mang lại cho quốc gia một lực lượng hùng mạnh mà đôi khi ông không thể nào tưởng tượng, ta cho rằng Thiển Thủy Thanh chính là người như vậy. Đừng tưởng Thiển Thủy Thanh sẽ vĩnh viễn hung tàn như vậy, ông hãy xem kỹ diễn biến trận chiến lần này, hắn đã không còn giết chóc bá tánh bình dân. Tất cả những chuyện hắn làm đều được cân nhắc từ góc độ lợi ích, hắn cũng chỉ giết chóc vào những lúc hắn cho rằng cần giết chóc. Nếu chỉ đơn giản xem hắn là một tên đao phủ khát máu, vậy Thừa tướng đã hoàn toàn sai lầm. -...Ta sợ rằng chẳng những hắn không thể đáp ứng được kỳ vọng chính trị của ông, ngược lại trở thành chướng ngại vật chắn ngang đường đi của chúng ta. Ta có thể chấp nhận chuyện người Đế quốc Thiên Phong tạm thời quật khởi, nhưng ta không thể để cho bọn họ được trọn vẹn cả đôi đường. Nếu không, với năng lực dẻo dai bền bỉ của dân tộc canh nông mà nói, trong chiến tranh trường kỳ, nhất định chúng ta sẽ chịu thiệt. Mà theo như mưu tính sâu xa của Thừa tướng, địch nhân cuối cùng của chúng ta nhất định cũng là Đế quốc Thiên Phong, cho nên tốt hơn là chúng ta phải tính toán từ sớm thì hơn. Vượng Tán nói: - Nhưng trước mắt Thiển Thủy Thanh còn chưa có tư cách uy hiếp tới Đại Đế quốc Tây Xi, ngược lại, hắn vẫn đang tung hoành ngang ngược, cũng đang mang tới cho chúng ta nhiều lợi ích. Cách Long Đặc lập tức đáp: - Nhưng đó chỉ là tạm thời. Vượng Tán lim dim đôi mắt: - Dù sao Thiển Thủy Thanh cũng còn rất trẻ, căn cơ trong triều cũng chưa sâu, cho dù hắn là một kỳ tài ngút trời, cũng không thể nào đạt tới tầm cỡ như Liệt Cuồng Diễm trong một thời gian ngắn. Mà hiện tại Đế quốc Thiên Phong đang giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà chúng ta cần. Nếu như ông muốn hạ thủ ngay bây giờ, có lẽ Thiển Thủy Thanh sẽ không trở thành mối uy hiếp cho ông, nhưng chúng ta sẽ trở lại con đường cũ của Đại đế Sa Tư Hãn. - Thật là có lỗi, nhưng ta vẫn không thể chấp nhận đề nghị của Thừa tướng, phải mau chóng diệt trừ Thiển Thủy Thanh, nếu không ắt hắn sẽ trở thành mầm họa của chúng ta trong tương lai. Vượng Tán thở dài bất đắc dĩ, đối với vị Đại Nguyên soái mưu trí nhưng cố chấp này, đôi khi lão ta cũng phải nhường bước. Ngẫm nghĩ một chút, lão nói: - Hay là chúng ta đưa ra một biện pháp chiết trung.