“Mày ăn nói như thế với ba của mày à. Ôi ông ơi, ông đừng lên máu nhé!” - Tiếng của bà tôi vang lên thống khổ. Tôi chạy vội vào nhà và nhìn thấy mọi thứ ngổn ngang. Chén bát với cơm vanh rơi vãi trên sàn nhà. Ôi mẹ ơi, đó là bữa ăn của tôi. Thằng mất dạy ấy dám đập đỗ bữa ăn của tôi. Tôi lao về phía ông nội, thấy mặt ông đang dần đỏ lên. Chết rồi, máu ông đang lên. Tôi vội chạy vào phòng ông lấy ra viên thuốc hạ huyết áp và đưa ông uống cùng chút nước lạnh. Ông ơi, đừng có bị gì nhé. Tôi dìu ông vào phòng nghỉ, để ông nằm ngay ngắn và đắp chăn cho ông.  “Nó về làm gì thế?” Ông nhẹ cười với tôi: “Con đừng gọi chú mình là nó, làm thế nó sẽ tức lên và đập phá đồ thêm đấy. Nó lại muốn cái nhà này ấy mà." Tôi mím chặt môi nhìn những mảnh vụn vun vãi khắp phòng. Lần nào về thằng đó cũng đập nát đồ. Tất cả đều là tiền mồ hôi của ông bà và tôi. Nghĩ tới việc nó chẳng tốn chút công sức nào để mua sắm cho cái nhà này mà lại ra tay đập nát thì tôi chỉ muốn quẳng hết đống mảnh vỡ vô mặt nó.  Bên ngoài, tiếng của bà nội đang vang lên: “Mày về làm gì hả Lee? Bao giờ mày sống đàng hoàng thì tao sẽ cho mày về.” Lee là tên ông chú cực phẩm của tôi. Ngày trước, ông nội đọc đâu đó câu chuyện về cậu bé tên Lee vừa thông minh vừa hiếu thuận. Tiếc rằng, gã chẳng xứng với cái tên ấy tý nào. Tiếng ông chú cực phẩm cũng dữ dội không kém: “Tui cần tiền. Bán căn nhà này để tui lấy tiền đi trả nợ cho người ta, không thì người ta giết tui mất” Đến lúc này thì tui không thể nhịn được nữa. “Đó là việc của chú. Chú bán nhà thì ông bà ra đường ở à? Chú sống đã không giúp ích được gì thì chết quách đi cho rảnh nợ” Lee nhìn tôi với đôi mắt đỏ ngầu vì thức khuya. Cũng khá lâu rồi tôi không gặp lại ông chú này. Dáng vẻ gã càng lúc càng tiều tụy, chẳng khác ăn mày là bao. Nhưng tôi chẳng thừa lòng tốt cho những loại người như thế. “Tui cho bà thời gian đến tuần sau, tuần sau tui trở về phải có tiền đưa tui còn không thì bán nhà.” Tôi vừa định nhào vào tát gã thì bị bà nội giữ lại. Gã vọt ra khỏi nhà như sợ điều gì đó. Lúc nào cũng thế, gã đến và đi như cơn lốc để lại hậu quả là mớ bòng bong trong nhà. Lần nào trở về cũng cùng một lý do. Gã bỏ nhà đi khi chỉ mới 15 tuổi. Thất học, du côn, thích ăn chơi hơn thích làm. Gã đi một mạch mất năm năm trời, đến nỗi ông bà nội tôi từng nghĩ gã đã chết ở xó xỉnh nào rồi. Và chợt một ngày mưa gió, gã trở về, đầu cạo trọc, quỳ lạy ông bà và khóc lóc xin lỗi vì bất hiếu. Gã ở lại nhà hai tuần, sau đó một đám côn đồ tìm đến nhà, nghe đâu là vì gã vay tiền xã hội đen không trả. Vào giai đoạn ấy, nhà tôi vẫn chưa đến mức khó khăn. Ông bà thương con, rút hết tiền dưỡng già, vay mượn thêm hàng xóm để trả nợ cho gã. Xong nợ nần, gã lại bỏ đi. Cứ như thế, gã đi vài ba năm rồi trở về. Và lần nào cũng là câu chuyện vay tiền, bị xã hội đen đòi nợ, cần tiền trả.  Ông bà nhiều năm về trước đã nghỉ buôn bán. Thời buổi siêu thị, trung tâm thương mại mọc lên như nấm. Nhà nhà đi siêu thị, người người đi trung tâm thương mại. Đời sống vật chất ngày càng tăng, con người cũng chú trọng sức khỏe, ăn gì cũng phải đòi nguồn gốc xuất xứ. Ba mớ ra, vài con cá ngoài chợ bỗng trở thành hàng không rõ nguồn gốc, không đáng mua. Chợ thưa dần, cửa hàng rau củ nhỏ của ông bà dần dần vắng khách, ế hàng. Rau nhà ông bà trồng cũng chỉ để nhà ăn, chẳng bán buôn gì nữa. Từ dạo ấy, ông bà cũng bệnh liên miên. Với khả năng của mình, tôi không dám đảm bảo cuộc sống vật chất đủ đầy, nhưng chăm sóc ông bà thì tôi vẫn còn có thể, nếu không phải vướng thằng chú lúc nào cũng về đòi tiền hoặc ra đường sống. “Lần này ổng lại thiếu bao nhiêu tiền? Cái nhà này bán thì có trả nổi cho ổng không?” – Tôi hỏi bà nội trong lúc ăn vội tô mì do cơm canh bị thằng chú khốn nạn hất đổ cả rồi. “Haizzz… bà sợ không đủ con ạ. Chắc lần này phải ra đường sống quá!” “Nếu bán nhà, ra đường sống thì ổng có về tìm nữa không?” Sau câu hỏi đó, bà nội im lặng không trả lời. Làm sao bà biết được con mình có lại trở về đòi trả thêm số nợ nào nữa không? Ông bà cũng vô phước, có hai người con, một thì giỏi giang, có hiếu nhưng lại mất sớm. Một thì vô dụng, chuyên gây rắc rối. “Bà có sợ ổng bị gì không? Nếu cho ổng vô tù, cơm có nhà nước lo thì bà có thấy ổn không?” Thật sự đây là vấn đề tôi nghĩ đến nhiều năm nay. Chắc chắn tôi có thể cho thằng chú đi tù. Nhiều năm sống như đầu trộm đuôi cướp, chắc chắn đã gây không ít họa, đủ để ổng ăn cơm tù vài năm.  Nghe tôi nói thế, bà nội sửng sốt nhìn tôi. “Dù sao… nó cũng là con bà, làm sao nỡ để nó vô tù hả con? Rồi nó phải sống làm sao?” “Bà thấy cuộc đời của ổng có gọi là có tương lai không? Nếu bà hạ quyết tâm, thì biết đâu sẽ giúp ổng vượt qua lần đại nạn này. Vô tù ít ra cũng không lo bị giang hồ tìm, chưa kể ông bà không thể dạy ổng thì hãy để đời dạy ổng”. Bà có vẻ suy nghĩ lời tui nói. Sau đó thở dài bảo sẽ bàn lại với ông. Bà biết tôi có thể làm được điều đó. Tôi có đám bạn bè thuộc diện con ông cháu cha, hắc bạch đều nhúng tay vào. Tìm người dạy ông chú một bài học rồi tống ổng vô tù không phải là không thể. Ba ngày sau, khi tôi trở về nhà sau một ngày họp báo thì ông bà bảo với tôi hãy làm điều gì đó với ông chú đi. Và tôi biết “điều gì đó” là điều gì. Tối hôm đó, tôi gọi cho Ken. Tên này là bạn cực thân của Nick. Sau khi Nick bỏ đi, hắn vẫn giữ liên lạc và giúp đỡ tôi nếu cần. Đừng nghĩ hắn có ý gì, hắn chỉ là một thằng bạn chí cốt với Nick thôi. Hắn đối tốt với tôi vì tôi là bạn gái Nick. “Anh giúp em một vụ được không? Tôi muốn thằng chú vào tù vài năm cải tạo nhân cách. Làm kiểu gì thì tùy ông, đừng quá tay là được, cho ổng ăn hành vài năm rồi ra làm người lại. Nhân tiện, giúp tôi giải quyết món nợ của ổng. Tôi không có tiền trả nợ đâu, làm gì thì làm, tôi không muốn bán nhà”. Đầu dây bên kia cười "Hừ". “Nay ông bà nội chịu cho ổng đi tù rồi à? Để đấy anh lo cho. Dạo này em ổn không? Có cần anh giúp gì không?” “Em ổn, giúp em vụ kia được rồi. Cảm ơn anh” Nói xong tôi cúp máy. Mỗi lần nói chuyện hay gặp Ken làm tôi lại nhớ tới Nick. Và tôi không thích cảm giác này. Ken làm việc rất hiệu quả, một tuần sau thì tui nghe được thằng chú vô dụng đi tù năm năm vì tội trộm cắp tài sản bất thành, còn cụ thể thế nào thì tôi không quan tâm. Một chiều nọ, Ken gọi cho tôi: “Anh giải quyết xong vụ nợ của chú emrồi. Ổng ngu bị người ta lừa. Vay có 50 triệu mà bị tính lãi lên cả tỉ. Chả hiểu làm sao mà ổng sống được đến giờ này. Vụ này cũng xong rồi, em khỏi lo trả tiền gì hết. Thế nhé!” “Cảm ơn anh” Thế thôi, bạn của Nick luôn như thế. Nếu không vì ông bà nội, tôi cũng chẳng dám nhờ vả tụi nó những việc thế này. Mắc nợ ân tình là khó trả nhất. Thôi việc đó để sau. Tôi phải quay lại làm việc đây.