Đại Ca
Chương 8
Từ khi nghỉ học đến trận chiến lấy một chọi một đám, trong suốt một năm Ngụy Khiêm vẫn sống những ngày máy móc cho qua, cuộc sống như một tờ giấy nhám thô ráp, mài mòn dần sự nhanh nhẹn của tuổi trẻ như xác da chết.
Cánh cửa tương lai chậm rãi khép lại trước mặt, thời gian ép gã đi đến mệt nhoài, Ngụy Khiêm vốn cho rằng cuộc sống như vậy sẽ rất đau đớn, nhưng về sau gã phát hiện, một khi nằm trong “những ngày đau đớn” này, thì thành thử cảm giác với “đau đớn” không còn nhạy bén lắm, gã vẫn có thể tìm được một số niềm vui và nói chuyện say sưa rất lâu, một năm nhanh chóng trôi qua.
Trong đó có một lần là do Ngụy Chi Viễn gây ra.
Tiểu Viễn không như Tiểu Bảo, Ngụy Khiêm nói gì nó đều nghe, bình thường khỏi cần phải nhiều lời, nhưng với việc không muốn đến trường, thằng nhóc này lại biết đấu tranh rồi.
Ngụy Chi Viễn thà chết không chịu đi học, hoàn cảnh sống của nó khá bất thường, một số việc liên quan đến sinh tồn thì biết đặc biệt nhiều, với thường thức mà trẻ em bình thường nên có lại thiếu kinh khủng. Nó không hề có khái niệm với trường lớp, Tiểu Bảo nói, đi học chính là ngồi trong lớp học chữ và phép tính, Ngụy Chi Viễn ngẫm nghĩ, cho rằng mình chẳng có hứng thú với việc biết chữ và phép tính.
Thằng bé cố chấp cho rằng đi học chính là không làm gì hết, mỗi ngày ăn không ngồi rồi để anh hai nuôi.
Điều này khiến nó sợ phải đi học – dù rằng mùa thu năm ấy, Ngụy Chi Viễn đã được Ngụy Khiêm nhặt về tròn một năm, đã thân thiết với Tiểu Bảo, thậm chí thường xuyên đánh nhau, nó vẫn sợ sẽ bị vứt bỏ bất cứ lúc nào.
Ngụy Chi Viễn xem cống hiến cho gia đình như cách giảm bớt nỗi sợ hãi, làm việc nhà và lượm ve chai kiếm mấy xu chính là cách cống hiến của nó, khi bị “cướp đoạt” cơ hội cống hiến, trong tiềm thức Ngụy Chi Viễn cảm thấy đây là điềm báo rằng nó sắp bị vứt bỏ, vì thế bắt đầu phản kháng dữ dội.
Ngụy Khiêm hôm nào cũng bận như chó, đương nhiên chẳng hiểu nổi chút tâm tư méo mó của tụi con nít, sáng sớm ngày khai giảng gã xách Ngụy Chi Viễn và Tống Tiểu Bảo khỏi nhà một cách đơn giản và thô bạo, lờ đi sự phản kháng của Ngụy Chi Viễn, với tay khóa trái cửa, sau đó lôi hai đứa đến trường.
Trong lúc này, Ngụy Chi Viễn y như một con mèo xù lông, bị Ngụy Khiêm xách cả người lẫn cặp, đôi chân lơ lửng không chạm đất, dùng tư thế bơi chó vừa cào vừa cắn không từ trò nào, thỉnh thoảng khiến người qua đường phải nhìn ngó.
Ra cửa gặp Tam Béo, Tam Béo thấy thế reo: “Ôi, nhóc Khiêm, chú mày muốn làm gì vậy? Nó giãy giụa dữ dội như thế, có phải chú mày cuối cùng đã quyết định làm thịt tụi nhỏ để ăn không?”
Ngụy Khiêm đét mông Ngụy Chi Viễn một phát: “Nghe thấy chưa, mất hết cả mặt, heo chờ làm thịt cũng coi thường cái chết hơn mày!”
Ngụy Chi Viễn đỏ mặt tía tai tuyên bố: “Em không đi học!”
Tống Tiểu Bảo tung tăng bên cạnh làm ồn, vui vẻ học theo: “Em cũng không đi học!”
Ngụy Khiêm vừa định mở miệng thì bên cạnh lại chợt vang lên một tuyên ngôn tự do nghẹn ngào khác, một thằng nhỏ cũng bị cha xách cổ đến trường, khóc tới đứt ruột đứt gan, đau lòng muốn chết: “Con không muốn đi học!”
Bà mẹ theo gót dông dài giáo dục tư tưởng cho thằng quỷ con kia, Ngụy Khiêm lắng tai nghe một lúc, thấy bà ta nói từ nhà khoa học đến kiếm nhiều tiền, lại từ viễn cảnh tương lai đến tối về mua giò heo hầm, thiên văn địa lý, trên dưới năm ngàn năm đều đầy đủ hết.
Gã thiếu niên làm anh không tài nào tán thành cách giáo dục rườm rà như thế, gã đi theo đường ngắn gọn, lập tức cười gằn một tiếng, quay đầu khinh khỉnh nhìn quét hai đứa nít quỷ, cay nghiệt vô tình nói: “Tao hỏi ý kiến của tụi bay hả? Có phần cho tụi bay nói ‘không’ hả?”
Gã nói rắn một câu, Ngụy Chi Viễn tức khắc im thin thít, Tống Tiểu Bảo vốn chỉ theo đuôi, lập tức ngoan ngoãn không làm loạn nữa, ngay cả thằng nhãi vẫn kêu la bên cạnh cũng thút thít một tiếng rồi tự dưng hết dám khóc.
Ngụy Khiêm thả Ngụy Chi Viễn xuống cổng, hất cằm về phía ngôi trường tiểu học, giọng điệu như đại xá thiên hạ: “Vào đi!”
Tống Tiểu Bảo đi hai bước, ngoảnh lại thấy Ngụy Chi Viễn còn đứng tại chỗ, liền do dự dừng chân.
Ngụy Khiêm đã hết sạch kiên nhẫn, sầm mặt nhìn Tiểu Viễn: “Phản rồi, mày muốn sao đây?”
Ngụy Chi Viễn cứng đầu không lên tiếng, Ngụy Khiêm cười gằn: “Thích đi hay không thì tùy, ai thèm cầu xin mày, có giỏi thì cút đi!”
Ngụy Chi Viễn theo bản năng lui một bước, nó không sợ anh hai nổi giận, chỉ sợ ảnh châm chọc không hề có tình người như vậy.
Ngụy Khiêm không thèm nuông chiều tật xấu của nó, quay lưng đi luôn.
Ngụy Chi Viễn cảm thấy tủi thân vô cùng, bao lâu nay nó luôn cố gắng muốn thân cận người này hơn, muốn làm thêm chút việc cho người này, nhưng dường như bất kể nó làm thế nào, đối phương đều chẳng thèm cảm kích, anh hai giống như vĩnh viễn không lấy lòng được, luôn cho nó một bóng lưng quay đi ngay như vậy, đến cả nụ cười cũng rất hiếm thấy.
Ngụy Chi Viễn đột nhiên lao đến cắn cổ tay Ngụy Khiêm.
Ngụy Khiêm rụt tay lại theo bản năng, xương cổ tay rắn chắc của thiếu niên liền đập trúng răng cửa của thằng bé, Ngụy Chi Viễn đột nhiên nhả ra, Ngụy Khiêm cúi đầu thấy nó phun ra cái răng sữa thứ nhất bị gãy.
Ngụy Chi Viễn lập tức thộn mặt ra, chưa từng có ai nói với nó về chuyện thay răng, răng bị đập gãy còn hiểu được, nhưng tự mình rụng thì nó không tài nào hiểu nổi.
Trong nhận thức của Ngụy Chi Viễn thì tay chân đều có thể bị chém đứt, chém rồi cũng chẳng chết được, nhưng khi không chúng sẽ tự rơi sao?
Ngụy Chi Viễn lặng người đứng ở đó, ngơ ngác nhìn chằm chằm cái răng cửa tự rơi, nét mặt đầy hoảng sợ, giống như mấy người trong phim khi vừa nghe nói mình bị bệnh nan y vậy.
Ngụy Khiêm nhìn biểu cảm quái dị đó mà buồn cười, suýt nữa không thể tiếp tục sầm mặt, vội vàng quay người vừa cười vừa bỏ đi, thậm chí quên so đo chuyện thằng chó con dám cắn mình.
Ngụy Chi Viễn tâm tư rối bời, lại thêm đồng chí Tống Tiểu Bảo giỏi làm hỏng việc chỉ sợ chưa đủ loạn ở bên cạnh ngạc nhiên kêu réo: “Ôi, anh gãy răng rồi, chắc là trúng độc đã nặng, không còn nhiều thời gian nữa!”
Ngụy Khiêm dùng năm đồng mua TV cũ người ta bỏ đi đem về sửa, mấy hôm nay Tống Tiểu Bảo đang xem phim chưởng, học được cả đống lời thoại vớ vẩn.
Người nói vô tâm người nghe có ý, Ngụy Chi Viễn nghe thế tái mét mặt mày, theo bản năng dõi mắt tìm Ngụy Khiêm, lại phát hiện anh trai đã đi mất. Trong một lúc sự thê lương ùa vào lòng, Ngụy Chi Viễn mất hồn mất vía, ngơ ngác để Tống Tiểu Bảo kéo vào trường, mơ màng nghĩ: “Mình sắp chết rồi.”
Ngụy Chi Viễn không còn đấu tranh việc đi học với Ngụy Khiêm nữa – nó sắp chết rồi, tất cả đấu tranh đều đã vô nghĩa.
Khoảng thời gian ấy Ngụy Chi Viễn nửa đêm tỉnh mộng, sẽ thường xuyên ngồi dậy trong bóng tối, cảm thụ mấy cái răng khác đang lung lay nhiều hơn, tự thấy mạng mình không còn dài, nội tâm bị giày vò và đau đớn bởi sinh ly tử biệt, luôn tham lam ngắm khuôn mặt Ngụy Khiêm đang ngủ yên, giống như muốn khắc anh hai vào đầu để mang sang thế giới bên kia.
Sau một tháng, Ngụy Chi Viễn gãy ba cái răng, nói chuyện bắt đầu thều thào, thì nó không còn mở miệng nữa, chỉ trưng ra dáng vẻ trầm lặng chờ chết.
Trong lúc này, lũ trẻ khác ghép vần tiếng Hán còn chưa trôi chảy, Ngụy Chi Viễn đã tự học mấy chữ hay thấy đằng sau sách giáo khoa bằng khả năng học tập vượt bậc và động lực khác hẳn người thường – động lực của nó chính là, phải nhân khi mình chưa chết, để lại một bức di thư.
Vì bức di thư này, Ngụy Chi Viễn đặc biệt đi hỏi giáo viên cách sử dụng từ điển, mỗi ngày sau giờ học và thời gian chơi, nó đều liều mạng học chữ trên quyển từ điển giáo viên cho mượn.
Bởi vậy, Ngụy Chi Viễn nghĩ rằng sắp chết hoàn toàn tập trung không cần phải kết bạn, thờ ơ với tất cả mọi người, như lẽ đương nhiên không chú ý thấy trong lớp có cả đám sún răng thành bè kết đội nói chuyện thều thào y như mình.
Rốt cuộc, thời điểm sắp thi giữa kỳ, Ngụy Chi Viễn bằng nghị lực của “người sắp chết” học được hơn trăm chữ Hán, tiện thể được điểm tối đa môn Ngữ văn.
Nó chẳng mảy may quan tâm đến khen ngợi của giáo viên, tranh thủ hoàn thành đại tác phẩm của mình trước khi rụng hết răng – một bức di thư.
Hôm ấy đúng lúc Mặt Rỗ và Tam Béo cũng ăn cơm ở nhà Ngụy Khiêm, Ngụy Chi Viễn trịnh trọng trình bức di thư kia vào tay Ngụy Khiêm.
Tam Béo không thèm suy nghĩ hỏi luôn: “Ê, em trai, vừa đi học hai tháng đã biết viết thư tình cho anh hai rồi hả?”
Ngụy Khiêm ngậm đũa nhận thư rồi nhanh chóng mở ra, bắt đầu xem khá hứng thú, Ngụy Chi Viễn liếc nhìn gã một cái, tâm tình đau đớn cúi gằm đầu xuống: “Là di thư ạ.”
Tam Béo không nghe rõ: “Là cái gì?”
Ngụy Chi Viễn hệt như một chiến sĩ sắp sửa hy sinh bình tĩnh nói: “Là di thư, em sắp chết rồi.”
Mọi người đều nhìn nó chằm chằm bằng ánh mắt kỳ lạ.
Một lúc lâu sau Mặt Rỗ hỏi: “Sao… sao, sao nhóc, lại phán đoán rằng, rằng mình sắp chết?”
Ngụy Chi Viễn cảm thấy họng bị chặn kín, khiến giọng nghe thều thào: “Em đã rụng mấy cái răng, còn vài cái khác cũng đang lung lay rồi.”
Khuôn mặt nung núc thịt của Tam Béo hơi co giật, hắn dè dặt hỏi: “Vậy nhóc… không cảm thấy chỗ bị rụng còn đang nhú ra răng mới?”
Ngụy Chi Viễn rốt cuộc không nhịn nổi nghẹn ngào: “Đó không phải là hồi quang phản chiếu ư?”
Mọi người câm lặng hai giây, Tam Béo và Ngụy Khiêm nhìn nhau rồi đồng thời phá lên cười, chỉ có Mặt Rỗ hiền lành cố gắng kiềm chế: “Đừ… đừng, đừng cười, tụi… tụi bay đừng… cười chê nó, nó, nó còn nhỏ mà…”
Ngụy Khiêm sặc nước bọt lăn lên sofa ho sù sụ, vừa cười vừa ho, chảy cả nước mắt.
Anh hai ở nhà luôn nghiêm túc, dáng vẻ như bậc cha chú không tùy tiện nói cười, còn chưa từng cười sằng sặc không kiêng nể gì như vậy trước mặt chúng, Ngụy Chi Viễn gần như ngây ra, trong một lúc ngay cả “sinh ly tử biệt” cũng quên khuấy đi.
Nó không ngờ, ông anh bất kể mình lấy lòng thế nào đều nhắm mắt làm ngơ, cứ thế cười ngặt nghẽo vì một bức di thư.
Cho nên sau đó Ngụy Chi Viễn không biết nghĩ gì mà len lén cất giấu bức “di thư” nọ.
Về sau khi Ngụy Khiêm thành danh nhờ một trận chiến trong hộp đêm của Nhạc ca, Tiểu Bảo và Tiểu Viễn đều đã an ổn lên lớp Hai.
Nghe nói bữa đó có không ít kẻ bị Ngụy Khiêm dọa tại trận, mà lúc ấy một vị Hồ tứ gia đến từ phương nam vừa vặn ở bản địa còn khá thích gã, lén kêu người đưa danh thiếp, tính lôi kéo. Đáng tiếc Ngụy Khiêm còn gánh nặng gia đình, không đi được, đành phải khước từ ý tốt của Hồ tứ gia.
Từ đó “Tiểu Ngụy” biến thành “Tiểu Ngụy ca”.
Tay Ngụy Khiêm quả thật gãy xương, phải đến bệnh viện nẹp lại, thái độ của Nhạc ca với gã lại quay ngoắt 360 độ, hết sức ân cần tự mình lái xe đưa về, lại gọi điện thoại kêu Mặt Rỗ tới giúp đỡ trông nom, sắp tới khỏi cần đi làm, tiền lương vẫn trả như thường.
Để duy trì tiêu dùng trong nhà, Mặt Rỗ cũng làm việc cho Nhạc ca – mỗi sáng phụ trách quét dọn vệ sinh hộp đêm.
Gã quét dọn rất cần cù, tiếc rằng chẳng có triển vọng gì, nếu không phải vì Ngụy Khiêm thì chưa chắc Nhạc ca đã nhớ được gã. Ngược lại là Tam Béo, theo tuổi tác lớn dần mà bắt đầu từ từ xa lánh đám Nhạc ca, dù vẫn còn vương vấn chưa dứt thì cũng chỉ vì nghĩa khí anh em, thỉnh thoảng có việc thì giúp một tay thôi.
Tam Béo dường như nhiệt tình với nghề mổ heo bán thịt gia truyền hơn.
Lúc Ngụy Khiêm lôi cánh tay gãy về nhà nghỉ ngơi, hai tên nhóc đã tan trường quay về.
Ngụy Chi Viễn chưa kịp bỏ cặp đã lao đến: “Anh!”
Mặt Rỗ vội ngăn nó: “Không, không… không thể lao tới, cánh, cánh… cánh tay… tay…”
Ngụy Chi Viễn nhíu mày: “Cánh tay bị làm sao ạ?”
Ngụy Khiêm ngậm thuốc lá nói không rõ lắm: “Bị chó cắn.”
Tống Tiểu Bảo vô tâm vô tư hỏi: “Chó cắn sao quấn kín bưng như đòn bánh vậy anh?”
Ngụy Chi Viễn khuôn mặt căng thẳng tính gặng hỏi tiếp, Ngụy Khiêm rõ ràng không muốn nói nữa, nét mặt nghiêm túc: “Đi làm bài tập đi, lắm lời làm gì? Tụi bay bớt chõ mõm vào chuyện của người lớn đi.”
Cứ thế không thèm giải thích đuổi hai đứa trẻ đi.
Mặt Rỗ nhìn Ngụy Chi Viễn rõ ràng không cam tâm tình nguyện, lại xoa tay quay đầu nói với Ngụy Khiêm: “Buổi, buổi tối anh… anh Tam nấu, nấu cơm cho mày, tao, tao vẫn, vẫn phải… đi…”
Tuy Nhạc ca hào phóng cho nghỉ nhưng Mặt Rỗ không dám coi là thật.
Mặt Rỗ nhìn Ngụy Khiêm hơi xấu hổ, lắp bắp muốn giải thích. Mặt Rỗ chính là người thật thà như vậy, không biết dùng mánh khóe gian lận, Ngụy Khiêm đâu phải mới ngày đầu biết gã, liền khoát tay nói: “Được rồi, tao biết, mày đi đi, thật tình!”
Mặt Rỗ khó khăn dặn dò: “Đừng… đừng đụng vào nước, nhớ, nhớ cẩn thận…”
Ngụy Khiêm: “Được rồi, xin cụ rủ lòng thương, bớt nói vài câu đi, cụ bớt sức, con cũng có thể sống thêm vài năm.”
Mặt Rỗ đi rồi, Tam Béo thì nấu cơm dưới bếp, Ngụy Khiêm chán muốn chết, liền tiện tay cầm một quyển tài liệu đọc thêm của tụi Tiểu Bảo.
Tài liệu do nhà trường phát cho học sinh lớp Hai đọc, bình thường là chuyện về các nhân vật anh hùng, xem xong phải viết báo cáo đọc sách, đôi lúc còn để phụ huynh giám sát ký tên.
Ngụy Khiêm xem mấy trang, bỗng cảm thấy mình quá vô dụng, trong truyện người thì tuổi nhỏ đã vì tổ quốc mà đầu rơi máu chảy, kẻ thì thân tuy tàn nhưng ý chí kiên định, vượt qua muôn vàn khó khăn vẫn học tập tốt tiến bộ mỗi ngày, giống như ai cũng khó khăn hơn mình, nhưng người ta vẫn có thể trở thành tấm gương sáng.
Truyện khác cùng thể loại
42 chương
140 chương
11 chương
57 chương
8 chương