Cực phẩm thái tử gia
Chương 20 : Chuyện xưa rung động
- Ái, Đường Sinh, sao mình có cảm giác cậu cứ như ông cụ non thế?
Ninh Manh nghe mà không thấy “hợp khẩu vị” lắm, Đường Cẩn cũng vậy, rõ ràng là lời lẽ của Đường Sinh rất người lớn, nhưng không thể phủ nhận là rất thu hút người nghe, trông giống như một nhà giáo có học vấn cao đang đứng trên bục mà giảng bài với vốn kiến thức uyên thâm có thể bao phủ lên tất cả bọn họ.
- Chị Ninh Hân đằng nào cũng đã tới đây rồi thì em cũng phải kiếm chút gì đãi chị chứ nhỉ. Phải để chị có được cảm giác rơi vào bảo sơn thì coi như em mới có cơ hội nhờ chị gửi lời của em tới Chủ tịch Ninh được. Bây giờ mình xin được dẫn hai vị khâm sai đi thăm ngõ Lão Đường. Còn có chuyện này nữa, mình có thể nắm tay Đường Cẩn và Ninh Manh được không? Chỉ có nắm tay các cậu mình mới có được cảm giác Truyền Thần để kể chuyện thời xưa chứ.
Đường Sinh nói xong, liền không khách khí gì cả, hai tay nắm tay Đường Cẩn và Ninh Manh kéo đi.
Sự mạnh dạn đó của Đường Sinh làm cho cả Đường Cẩn, Ninh Manh, Ninh Hân đều vỡ lẽ ra cái vẻ phóng túng hào hoa ngất trời đó quả là có một không hai, phần ung dung tự tại của hắn không phải là giả vờ.
- Thật tuyệt, Đường Cẩn Ninh Manh à, cầm tay hai người mình có cảm giác như hồn đang lạc vào ngõ Lão Đường này. Trung Quốc xưa đàn ông có năm thê bảy thiếp mới gọi là thành công. Hôm nay mình được như thế này cũng là thành công rồi.
Đường Cẩn, Ninh Manh cùng lúc lườm mắt nhìn hắn. Ninh Hân vội bước tới bên phải Ninh Manh, giữa cô và Đường Sinh là em gái Ninh Manh, còn Đường Cẩn thì đi ngoài cùng bên trái, bốn người dàn hàng ngang tiến vào trong ngõ, bước lên những tia nắng đầu tiên của buổi sáng trong làn khói lập lờ của ngõ nhỏ.
- Nghe nói mấy chục năm trước ở thành Giang Lăng xuất hiện một nhân vật hết sức nổi tiếng. Người này họ Đường, tên Kính, tự Sùng Quan, biệt danh là A Cửu, ông ta là người sáng lập ra Giang Lăng Thương Bang. Những chuyện khác thì cũng tạm, mình chỉ hâm mộ ông ta có tới chín bà vợ. Tất nhiên, đây chỉ là chuyện nói sau này thôi…
Ba cô gái không nhịn được cười, Đường Cẩn lấy tay kia che miệng cười khẽ, còn Ninh Manh thì phán một tiếng:
- Đúng là thiếu đứng đắn.
- Ài, nói vào chuyện chính đây, ngõ Lão Đường đổ nát, cũ kĩ như bây giờ chính là mảnh đất quý thương phong thuỷ bảo địa của những ông trùm thương Đường nổi danh đại giang nam bắc. Thời Mãn Thanh, rồi thời Dân quốc, hỗn chiến quân phiệt, thời kì kháng chiến, nội chiến, thời kì xây dựng tân Trung Quốc, kế hoạch đại nhảy vọt, thời kì đặc thù, rồi cải cách mở cửa, tất cả các thời kì này đều có cái bóng của “ Đường thương”. Tổ tiên của họ đều gắn với ngõ Lão Đường này. Đây chính là niềm kiêu hãnh của ngõ Lão Đường chúng tôi. Đường Cẩn à, một vị tổ gia của cậu cũng là một nhân vật rất nổi tiếng đó, chỉ có điều là chắc cậu cũng không nhớ rõ đâu…Những năm tám mươi thế kỉ trước, “ Đường thương” rút lui khỏi vũ đài lịch sử rồi dần dần suy thoái. Họ phân tán khắp tứ hải năm châu, mặc dù năm nào cũng có thế hệ sau trở về Giang Lăng tế tổ, thăm lại ngõ Lão Đường, nhưng tất cả đã trở thành quá khứ.
- Những năm chín mươi đến đầu thế kỷ này, lớp hậu thế này chính vì muốn tưởng nhớ tới mảnh đất tổ tiên mới thi nhau đầu tư vào thành Giang Lăng đó. Họ hi vọng sẽ kiến thiết một thành phố ngày càng giàu đẹp, và cũng hy vọng ngõ Lão Đường sẽ mãi được gìn giữ như một danh lam nổi tiếng vậy. Nhưng thực tế thì đó chỉ là một ước muốn xa xỉ, bởi quy hoạch hóa toàn bộ thành phố không cho phép những căn nhà kiểu này tồn tại, chúng đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng và an toàn vật chất của một bộ phận người dân.
- Thế thì phải làm sao? Phá ư? Ủy ban thành phố khó xử, ủy ban quận khó xử, rồi những người Đường Thương hậu thế ở ngoại tỉnh đến đầu tư ở Giang Lăng thì lại bất đồng ý kiến. Liệu có phải cân nhắc những chuyện này không đây? Dỡ đi, bỏ đi thì có làm tổn thương tới tình cảm của những người đó hay không? Chắc chắn là có rồi. Để có một thành phố phát triển, tiến bộ thì Thành ủy và Ủy ban nhân dân phải xem xét toàn diện. Mấy cán bộ và Đảng viên lâu năm từng quen biết hậu thế của Thương Đường phải nuốt lệ vào trong mà nhường bước cho thế sự bây giờ. Không ai ngăn được tiến trình phát triển của xã hội, cũng không ai ngăn nổi bước chân của thời đại cả…
- Tất cả những việc này đều có thể giải quyết được. Những ngôi nhà không thành vấn đề, có thể dỡ, bỏ, xong rồi kiến thiết lại, xây lại. Những ngôi nhà có nguy cơ bị đổ thì biến chúng thành nhà mới, cũ thì có thể sơn phết lại. Vấn đề là ở chỗ ai làm, làm thế nào, người đứng ra làm có cần tiền hay không? Rồi chính quyền đóng vai trò như thế nào? Vai trò của nhà thầu, giám sát? Kế hoạch ổn định có vần đề gì không? Mỗi người tham gia vào công trình ngõ Lão Đường có phải ai cũng có tinh thần trách nhiệm hay không? Từ xã hội, dân sinh, từ các nguyên tắc, lương tâm, pháp luật, chính sách nhà nước, rồi từ những góc độ hợp tình hợp lý, tất cả những điều này, cán bộ lãnh đạo đều đã suy nghĩ tới hay chưa?
Mấy người đi được nửa vòng. Giọng của Đường Sinh cao dần lên, to hơn, và cũng giận dữ hơn. Sắc mặt của hai chị em họ Ninh cũng thay đổi.
Xung quanh không ít người cũng đang dừng chân nhìn cậu thiếu niên mấy ngày trước hung hăng đập vỡ xe Mercedes của Đường Dục, không biết đang hăng hái đi cùng ai.
Đường Sinh bỗng nhiên dừng chân, quay đầu lại nhìn Ninh Hân bằng ánh mắt thâm trầm.
- Chị Hân, chị về nhà hỏi xem “ông” Chủ tịch nhà chị liệu chính quyền có thể không làm vậy được không? Chủ tịch không làm vậy được không? Đừng sợ mũ quan đội trên đầu sẽ bị người ta giật mất. Công bằng là ở chính trong lòng, mắt của dân ai ai cũng rất tinh tường. Nếu sợ phạm tội này, tội nọ thì ban đầu đừng làm quan. Nếu chỉ biết thu mình trong chính quyền quận, không hay biết gì về dân tình mà chỉ ngồi đợi nghe báo cáo, chỉ lo tính toán được mất, thiệt hơn cho mình thì có mệt hay không? Em hãy còn nhỏ, mới chỉ là đứa trẻ con nhưng vẫn biết được một điều là nếu dự án giải phóng mặt bằng ngõ Lão Đường mà xảy ra chuyện gì thì Ủy ban quận khó mà chối tội. Bí thư, Chủ tịch, tất cả những người dỡ nhà người ta ra đều phải chịu trách nhiệm đầu tiên.
- Xe của chủ tịch quận em bây giờ chưa dám đập, đợi đến lúc ổng thành dân thường rồi em mới dẫn khoảng mấy chục hộ đến nhà ông ta đập bể kính. Chị về nói với ba chị thế… Thực ra thì người dân chân chất ở đây họ có yêu cầu gì quá cao đối với quan chức đâu. Chỉ là muốn được mặt đối mặt để nói mấy câu thật tâm mà còn khó hơn lên trời… Thôi, các chị đi đi. Thằng quỷ nghèo như em không có cơm trưa đãi các chị đâu, đợi đổi đời rồi em sẽ đãi các chị nhiệt tình.
Nói tới đó, trong đầu Đường Sinh lại thoáng qua cảnh ông cụ Đường và bà cụ bị chôn sống mà nước mắt đã rưng rưng, hắn cố kìm nén cho chúng khỏi rơi xuống, hắn nắm chặt tay Đường Cẩn kéo cô bước đi, để lại sau lưng hai chị em họ Ninh đang đứng ngơ ngác và người dân của phố ngõ Đường.
Ninh Hân thật sự bị xúc động trước những lời nói của Đường Sinh. Lời của một thiếu niên mà giống như không phải thốt ra từ miệng của một thiếu niên. Những lời hắn nói ra thậm chí nhiều người lớn còn không bằng. Những thứ trong đầu hắn không hẳn là tất cả, từ con người hắn còn có thể thoáng cảm nhận thấy cái chính khí như của Hạo Nhiên vậy.
Ninh Manh lần đầu tiên bị chấn động, cũng giống như lần đầu cô gặp Đường Sinh. Đôi mắt ngấn lệ của hắn làm cho ai nấy đều xúc động, trong đó có cả Ninh Hân, cả cụ Đường, ông Đường, Đường Vọng Bình, Lý Quế Trân… đang đứng trầm ngâm trong tứ hợp viện.
Họ đều đã nhìn thấy cảnh đó, đều nghe thấy những lời hắn nói với chị em nhà họ Ninh.
Hai cụ già tay run run chống gậy, vợ chồng Đường Vọng Bình gượng cười, còn những người khác thì đứng thẫn thờ ra đó.
- Chị, cái tên này nói gì toàn thấy giọng phẫn nộ, nói gì mà em chẳng hiều gì sất. Chị có hiểu gì không?
Ninh Manh kéo tay chị, hỏi nhỏ.
Ninh Hân khẽ gật đầu, ánh mắt sau cặp kính mát nhìn khắp qua những người dân đang đứng đầy trong ngõ, từng khuôn mặt chân chất, những ánh mắt bất lực, những cụ già tóc bạc đứng run run trong gió lạnh, nét khắc khổ in hằn trên khuôn mặt, những ánh mắt đầy tang thương, man mác…
Trong lòng Ninh Hân bỗng nhiên trào lên một niềm xúc động trước tới giờ chưa thấy. Có lẽ phải khuyên ba cô làm một trận rầm rầm rộ rộ, chỉ vì những ánh mắt mong đợi kia, chỉ vì sự đảm bảo sinh tồn của những người dân nghèo trong ngõ này, quả thực, điều đó cũng không có gì là quá đáng.
Kéo tay em gái, bước chầm chậm về chỗ cũ, Ninh Hân không nói gì cả, lòng cô thấy thấp thỏm không yên.
Đường Sinh cũng kéo tay Đường Cẩn đi tới trước cổng sân nhà họ. Đường Cẩn rút tay lại, nói khẽ:
- Bỏ tớ ra đi.
Chỉ có điều tâm trí Đường Sinh lúc này không phải ở đó, hắn định gọi điện cho Đường Dục. Muốn ngõ Lão Đường được tiến hành giải phóng một cách yên ổn thì Đường Dục vẫn là nhân vật quan trọng nhất. Nhưng không biết chừng, nếu chủ tịch Ninh mà ra mặt thì ông ta cũng không phát huy được tác dụng mấu chốt nhất.
Lúc này, Đường Sinh mới nhận ra ánh mắt của Lý Quế Trân đang nhìn chăm chăm vào cái tay hắn đang dắt Đường Cẩn thì hắn mới giật mình, buông cô ra.
Truyện khác cùng thể loại
339 chương
122 chương
539 chương
555 chương
57 chương
125 chương