Côn Luân
Chương 65 : Khói sóng mịt mùng
Hai bên đang gườm gườm nhìn nhau, chợt Triệu Bính tri hô:
- Ối, chết rồi! Núi ở đâu mọc ra trên biển thế kia?
Tất cả ngoái trông. Thật vậy, một hòn đảo thù lù và đen bóng xuất hiện trên mặt nước tự lúc nào, chẳng ai nén nổi kinh ngạc: “Ban nãy còn trập trùng những sóng, sao bây giờ lại có đảo ở đấy?”. Đột ngột hòn đảo phun lên một vòi rồng cao vút, những hạt nước to long lanh bắn tung ra tứ phía. Liễu Oanh Oanh lạnh toát cả người, la thất thanh:
- Hòn đảo di động!
Mọi người chăm chú nhìn kỹ, quả nhiên hòn đảo đang lừ lừ di chuyển về hướng đoàn thuyền chiến của quân Nguyên. Vân Thù nhếch mép:
- Đảo đâu mà đảo? Cá voi đấy thôi.
Triệu Bính ngạc nhiên:
- Cá voi là con gì... - Chưa dứt câu, nó chợt cong môi. - Hừ, ta không thèm nói chuyện với ngươi.
Vân Thù nghe mà buồn khổ.
Lúc này, quân Nguyên cũng đang nhốn nháo khiếp sợ trước sự xuất hiện của con cá voi khổng lồ. Binh lính toàn là người phương bắc, chưa từng nhìn thấy hay nghe nói đến giống sinh vật biển nào to lớn như thế, bèn giương cung, mạnh ai nấy bắn. Con cá voi bị trúng mấy mũi tên, rít ken két chói tai rồi hụp vào làn nước, lặn sâu xuống bên dưới đoàn thuyền rồi đột ngột húc mạnh lên. Thuyền chiến của quân Nguyên phần lớn nhỏ và nhẹ, một chiếc bị con cá voi đội trúng liền lật nhào, đổ hết sĩ tốt ra biển y như nghiêng nồi trút sủi cảo. Tiếng kêu la và những cánh tay vùng vẫy làm náo loạn cả một khoảnh trời. Các thuyền khác bèn giương cung bắn hỗ trợ, con cá voi lại hụp xuống, khi trồi lên thì đồng thời lật nghiêng hai chiếc thuyền đi sát nhau. Quần Nguyên sợ mất vía, vừa bắn tên vừa khua mạnh chèo tháo chạy. Con cá voi khi nổi khi lặn, nhưng không rời đi đâu khác mà cứ nhằng nhẵng đeo bám tốp thủy sư Nguyên triều. Chỉ lát sau, sáu chiếc thuyền nữa lại bị lật úp. Binh lính ở chiếc cuối cùng luống cuống như kiến bò chảo nóng, cật lực kéo buồm đẩy chèo hớt hải dông đi biệt tăm biệt tích.
Trận giao chiến giữa người và cá voi khiến cả bọn trên thuyền Tống đều trố mắt kinh ngạc. Vân Thù quỳ xuống trước mặt Triệu Bính, vui mừng tâu:
- Nhờ hồng phúc của thánh thượng mà trời giáng thần ngư, đủ thấy Đại Tống ta chưa đến nỗi mạt vận, còn cơ vãn hồi, ha ha, còn cơ vãn hồi...
Bỗng dưng gặp điềm lành sau mấy tháng trời kiệt quệ vì chiến bại liên miên, Vân Thù xúc động quá đến nỗi nói năng lộn xộn, nước mắt ròng ròng, lòng vui sướng như điên dại. Triệu Bính phát khiếp, răng đánh lập cập:
- Ngươi lảm nhảm những gì, ta... Ta không hiểu...
Vân Thù thét vang:
- Trời phù hộ Đại Tống, Đại Tống không thể diệt vong...
Gã hoan hỉ vô cùng, ngửa mặt phá lên cười, không ngờ tiếng cười bật ra lại âm ỉ khàn đặc như tiếng cú kêu đêm. Triệu Bính thấy gã cười chẳng giống cười, khóc không ra khóc thì thập phần kinh hãi, túm chặt lấy áo Hiểu Sương, người run bần bật.
Cặp mắt xếch của Hạ Đà La thao láo nhìn ra biển. Đó đây, những chiếc thuyền lật úp nửa chìm nửa nổi, cung tên giáo mác và những bộ giáp không ngừng nhấp nhô theo sóng nước. Đường đường một đội thủy sư Nguyên triều mà bị một con cá voi đánh cho thất điên bát đảo, hắn càng nghĩ càng không sao tin nổi, đúng lúc câu nói vừa rồi của Vân Thù lọt vào tai khiến sống lưng hắn ớn lạnh: “Thảm thay trời khéo ghẹo người! Chẳng lẽ hoàng thiên phù hộ Đại Tống thật? Nếu không phải thế thì vì sao vào thời khắc nguy khốn nhất, con cá voi ấy lại hiện ra?”.
Đương khi thắc mắc đầy một bụng, chợt nghe Lương Tiêu cười nhạt:
- Thần ngư cóc khô gì! Nó đâu biết phân biệt Tống hay Nguyên, mở to mắt nhìn cho rõ rồi hãy ba hoa.
Hạ Đà La ngước mắt trông. Quả nhiên con cá voi đang cắm đầu bơi về phía thuyền họ. Hạ Đà La tái mét mật:
- Nó cũng coi chúng ta là kẻ thù à?
Lương Tiêu nói cụt ngủn:
- Ngươi hiểu nhanh đấy!
Hạ Đà La đảo mắt lia lịa, vẻ lo lắng rõ rệt.
Vân Thù thoạt tiên chưa tin, nhưng khi con cá voi cứ phăm phăm tiến lại gần, gã bắt đầu dao động, đưa mắt về phía Hiểu Sương. Cô gái đang trân trối nhìn con cá, không mảy may đề phòng. Vân Thù tự nhủ: “Thánh thượng mình vàng thanh cao, dù thế nào cũng không thể chết chung với phường gian tặc này được!”.
Gã liền tung tả chưởng quét hớt tới mặt Hiểu Sương. Cô gái giật mình ngoảnh ra, nhưng Vân Thù không có ý làm hại, chưởng vừa rồi chỉ là hư chiêu cốt phân tán sự chú ý của cô, thực tế gã vươn trảo phải túm vai Triệu Bính giằng về. Hoa Sinh nhào tới vung quyền ngăn cản. Vân Thù liền khum tả chưởng thành trảo tiếp lấy nắm đấm của chú ta. Hoa Sinh dồn quyền kình, Vân Thù không gượng nổi phải giật lùi nửa bước:
- Hòa thượng khá lắm!
Chợt nghe đỉnh đầu có tiếng gió rít, biết Lương Tiêu đã phất chưởng tới, Vân Thù không rút lui, chỉ hơi rùn mình rồi phóng chưởng lên đỡ. Chưởng lực vừa chạm nhau, Vân Thù liền xoay tít tại chỗ theo chiêu thế Thiên toàn địa chuyển. Lương Tiêu quất hụt, kình lực bị xả hết, chưa kịp biến chiêu thì chợt nghe tiếng thét của Liễu Oanh Oanh. Gã liền ngoái đầu nhìn, ở đằng kia Liễu Oanh Oanh đang chới với giật lui, gương mặt tái mét. Hạ Đà La đã giằng được Cáp Lý Tư về, mỏi vương nụ cười đắc thắng.
Lương Tiêu bỏ Vân Thù đấy, nhảy bổ về nắm tay Liễu Oanh Oanh, đẩy nội lực sang giúp nàng hóa giải xà kình của Hạ Đà La, hỏi dồn:
- Không sao chứ?
Liễu Oanh Oanh xúc động hồng hồng đôi má, thình lình biến sắc giật tay ra, lạnh lùng nói:
- Đứng đắn một chút đi! Ngươi đã có vợ, còn chọc ghẹo ta làm gì?
Lương Tiêu ngớ người:
- Cô nói thế là thế nào?
Mắt Oanh Oanh đọng đầy ánh lệ:
- Còn chối? Thằng bé kia gọi ngươi là thúc thúc, gọi ả nào đó là thẩm thẩm. Thúc thúc thẩm thẩm chả phải phu phụ thì còn là gì nữa? Lương Tiêu, ta coi ngươi là hảo hán, ngươi lại xem ta như con ngốc, định lừa ta...
Đang lúc nguy cơ trùng trùng, đại địch vây quanh mà Liễu Oanh Oanh còn tâm trí hoạnh họe những chuyện đẩu đâu, Lương Tiêu nghĩ mà bực, nhưng gắng giữ giọng ôn tồn:
- Sự việc không phải như cô tưởng tượng đâu, để sau ta sẽ giải thích ngọn ngành.
Liễu Oanh Oanh dẩu môi, vươn tay ghì chặt gã:
- Không, ngươi còn chối quanh chống chế thì ta quyết không buông tha ngươi.
Tiếng bấc quăng đi tiếng chì quăng lại khiến Hạ Đà La đằng kia mừng quýnh. Hắn thầm cân đong hai đối thủ trước mặt. Lương Tiêu thực lực kể như tương đương với hắn, muốn kết liễu cũng không dễ dàng gì. Vân Thù võ công cao cường nhưng chi có một thân một mình, chưa kể phải vất vả chắn đỡ bảo vệ Triệu Bính, tốt nhất là giết gã trước rồi dùng Triệu Bính làm con tin để khống chế bọn Lương Tiêu, coi như một mũi tên trúng ba đích. Tính toán xong xuôi, hắn bật cười, phóng quyền trái lao vào Vân Thù.
Đòn tấn công quá đột ngột, Vân Thù không kịp cân nhắc, vô thức thu mình đảo chân theo Quy nguyên bộ để né tránh. Hạ Đà La đã giao thủ với gã mấy lần, hiểu rõ đường đi nước bước của lộ công phu ấy, liền dấn chân chạy chặn, quét ngang tay trái cản bước Vân Thù, tay phải lật ra sau rút lấy Bát Nhã phong.
Bát Nhã phong là binh khí do Hạ Đà La tự sáng chế, kết hợp với lộ công phu đặc biệt Đè Bà chi vũ (1) thì uy lực tăng lên nhiều lần. Hạ Đà La coi đây là tuyệt kỹ bình sinh của mình, chỉ thi triển khi thật cần thiết. Trước đây giao thủ với Lương Tiêu và Vân Thù, hắn tự trọng thân phận nên đều không dùng đến binh khí, nhưng bây giờ tự nhủ còn ém tuyệt chiêu thì khó lòng tốc chiến tốc thắng, bèn vận đao pháp vào Bát Nhã phong, lăng vòng cung lên cao rồi chém xuống đầu đối thủ. Vân Thù co mình tránh, đánh trả bằng chiêu Võng lưỡng vấn cảnh. Hạ Đà La hất cổ tay như sử câu liêm, Bát Nhã phong nhô ra trước rồi móc về sau, khóa cổ tay Vân Thù, trong đao ẩn móc, chiêu thức vô cùng hóc hiểm. Vân Thù hấp tấp thu chưởng giật lui. Hạ Đà La bám sát như bóng theo hình, tấn công theo lối liên hoàn cả đao và câu, được một chốc bỗng có tiếng vải toạc khô khốc, ngực áo Vân Thù bị móc rách bươm. Triệu Bính bị lôi kéo quay giật theo trận đấu, kinh hãi nhắm chặt mắt lại, khóc ằng ặc trong khi kình khí phóng vun vút xung quanh cứa vào mặt vào tay nó đau nhoi nhói.
Lương Tiêu vốn bất bình về việc Vân Thù đánh lén nên không muốn tương trợ, nhưng nghe tiếng Triệu Bính khóc lại không nén nổi mủi lòng. Đang tần ngần, chợt cảm thấy nơi bàn tay Liễu Oanh Oanh níu vào mình rịn mồ hôi ươn ướt, gã ngạc nhiên liếc sang, bắt gặp ánh mắt nàng thảng thốt dõi theo Vân Thù, một cảm giác như ghen tuông trào dâng trong tim, gã lạnh nhạt nói:
- Miệng cô hờn dỗi với ta mà bụng dạ chỉ lo nghĩ cho tên họ Vân kia thôi phải không?
Liễu Oanh Oanh buông ngay tay gã:
- Ngươi bảo sao? - Lệ ầng ậng trong mắt, nàng gay gắt kết tội. - Ừ, ta lo nghĩ đấy! Ngươi cưới vợ được mà ta không tìm tình nhân được ư? Ngươi là cái quái gì của ta, ai khiến ngươi chõ vào việc ta quan tâm đến người nào?
Lương Tiêu cảm thấy cơn thất vọng bóp nghẹt gan ruột, nhưng cố giữ bộ mặt thản nhiên:
- Đúng, cô quan tâm đến ai không tới lượt ta can thiệp. Và cô hãy nhớ, ta làm mọi việc không phải vì cứu hắn, cũng không phải vì muốn giúp cô đâu!
Dứl lời, gã lao ra, duỗi chân gẩy một thanh trường thương rơi trên sàn thuyền, bắt lấy phóng đâm vào lưng Hạ Đà La, khinh bỉ nói:
Dùng vũ khí đấu tay không, ngượng mặt quá đi!
Gã đâm trước rồi mới lên tiếng, thành thử mũi thương và lời nói tới điểm cùng lúc, thoạt trông thì tưởng quang minh chính đại, thực ra không khác gì đánh lén. Hạ Đà La rủa thầm trong bụng, lật tay khua Bát Nhã phong về phía sau, các cánh quay vù vù như chong chóng, tiện đứt mũi thương. Lương Tiêu không ngờ Bát Nhã phong linh hoạt đến thế, liền gật gù tán thưởng:
- Hảo công phu!
Vẫn giữ nguyên tư thế tấn công, gã hạ thấp cán thương bằng gỗ bạch lạp xuống, quét ngang theo chiêu thức Hoành tảo thiên quân thuộc lộ Thái Tổ côn pháp. Thái Tổ cồn pháp là phép đánh gậy được lưu truyền rất rộng rãi dưới thời nhà Tống. Khởi nguồn từ tích Triệu Khuông Dẫn chỉ dùng một cây gậy mà thu phục được bốn trăm châu quận, các võ sinh thời nhà Tống đều học theo và đều giỏi múa gậy, cố nhiên bản lĩnh khác nhau thì hiệu quả khác nhau, với cán thương gãy, Lương Tiêu xoay tít hai tay như giao long giỡn nước, cô hạc xuyên mây, chiêu thức bình thường mà tạo ra uy lực vô cùng đặc biệt.
Hai bên chiết liền mấy chiêu vẫn không phân thắng phụ, Hạ Đà La dần dần rã cả tay trước Thái Tổ côn pháp, ruột gan cồn cào vì lo lắng, nhưng hắn vẫn gắng nhướng cao hàng chân mày trắng bạc, rít lên khinh thường:
- Triệu Khuông Dẫn thì đáng kể gì?
Bát Nhã phong chạy xè xè như tuyết phủ ngập trời, lấp kín từng khoảng không gian, xén cắt liên tiếp khiến cán thương đứt dần từng đoạn, chẳng mấy chốc chỉ còn một khúc chừng bốn thước. Lương Tiêu cười khẩy:
- Anh tài trung thổ đông đảo lắm, đâu chỉ riêng Triệu Khuông Dần.
Gã uốn mình thoát khỏi những cánh sắt sắc bén của Bát Nhã phong, vung khúc gỗ đầm thẳng vào ngực đối phương. Hạ Đà La nhếch mép:
- Gớm thực, côn pháp không xong lại giở kiếm pháp ra ư?
Quả nhiên, Lương Tiêu bắt đầu thi triển Quy Tàng kiếm, đường hướng chiêu thức rõ ràng trác việt hơn hẳn Thái Tổ côn pháp, Hạ Đà La không dám lơi lỏng, liền luôn tay vũ lộng Bát Nhã phong, tập trung tinh thần đối địch.
Vân Thù sử quyền đẩy lui Cáp Lý Tư, đang thu tay về thì nghe lọt tai câu nói của Lương Tiêu, cảm thấy khí huyết bỗng tràn căng lồng ngực: “Kẻ gian tặc này tuy đáng ghét nhưng nói được một câu thực chí lý, trung thổ đông đảo anh tài, đời nào có chuyện diệt vong, chỉ một thời gian nữa thôi nhất định chúng ta sẽ quét sạch rợ Thát, trung hưng Hán tộc...”.
Gã nôn nao xúc động, cúi đầu nhìn xuống Triệu Bính, chỉ thấy khuôn mặt nhỏ xanh lét, hai mắt nhắm chặt, thằng bé sợ quá đã ngất lịm đi tự bao giờ rồi. Vân Thù cố nén tiếng thở dài, thình lình con thuyền nảy mạnh, ai nấy liêu xiêu. "Vân Thù rùn mình xuống tấn để trụ vững, hoảng hốt nghĩ thầm: "Cơ khổ, con cá voi lại tác oai tác quái nữa rồi".
Lương Tiêu và Hạ Đà La cũng bị chấn động, cùng lui một bước. Hạ Đà La nghĩ: “Tên họ Lương kia đã phá hỏng hết việc lớn của ta. Sái gia lâm vào tình cảnh này đều tại nó gây ra cả”. Lòng căm phẫn dâng trào, hắn thét vang, vung Bát Nhã phong chặt ngang chém dọc. Lương Tiêu mới giơ gậy chiết mấy chiêu thì bỗng lại chồn chân, thân thuyền chúi sang một bên. Gã suy tính rất nhanh, tận dụng đà nghiêng xoay gót dịch sang mé bên Hạ Đà La, múa gậy đâm vào huyệt Ngũ khu của hắn. Chiêu này tận dụng được cả thiên thời địa lợi, Hạ Đà La không kịp lắc tránh, đành hít sâu một hơi, huyệt Ngũ khu lập tức lõm vào ba tấc, thành thử mũi gậy có đâm tới da cũng không cán đích. Lương Tiêu đang ngẩn người kinh ngạc thì Hạ Đà La đã quét rẹt Bát Nhã phong vào mặt gã.
Lương Tiêu liền trụ chắc hai chân, ngửa mạnh thân trên ra sau, vừa lúc Bát Nhã phong bay xẹt qua mặt đau rát. Nghĩ rằng Hạ Đà La để tuột binh khí chính là thời cơ cho mình tấn công, gã bật ngay người lên, vung gậy nện thẳng xuống ngực địch thủ. Hạ Đà La khẽ vẫy tay, Bát Nhã phong lập tức quay về với hắn, hàn quang lấp lóe. Sau hai tiếng răng rắc, khúc gậy của Lương Tiêu gãy luôn làm ba đoạn.
Động tác quăng ra thu về của Hạ Đà La chỉ kéo dài một tích tắc, vốn là sát chước vô địch trong Đề Bà chi vũ, chưa bao giờ khiến hắn phải thất thủ. Chặt đứt binh khí đối phương xong, hắn thò tả chưởng đập bốp vào ngực phải Lương Tiêu. Gã tuổi trẻ hự lên đau đớn, văng ngược ra sau chừng một trượng, chưa kịp đứng vững thì một luồng kình phong bất ngờ từ mé trái xô đến. Người phát chưởng ra tay cực mạnh, bình thường dẫu có phòng bị cẩn thận cũng khó lòng tránh được, huống hồ Lương Tiêu vừa bị thương, chỉ mong lấy lại thăng bằng thì làm sao chống đỡ nổi. Cơn đau ghê gớm đẩy thốc vào sườn trái Lương riêu, thân hình như con diều đứt dây, theo đà chưởng bay thốc ra xa hai trượng, vụt qua mạn thuyền, lăn tòm xuống biển. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, gã lờ mờ nhận ra Vân Thù đứng trên mũi thuyền, một tay nắm chặt, nét mặt nham hiểm lạ thường. Nỗi điên giận khôn tả trào ứ trong ngực rồi hóa thành bụm máu ộc ra khỏi miệng Lương Tiêu. Sau cùng “oạp” một tiếng, nước biển lạnh buốt trùm lên, nhận chìm gã xuống.
Vân Thù hồi hộp theo dõi cho tới khi Lương Tiêu khuất dạng. Vừa rồi Lương Tiêu trúng chiêu giật lui, ngẫu nhiên chìa mạng mỡ đến ngay trước mặt gã. Vân Thù nghe hỏa bốc bừng bừng trong đầu, không kiềm nổi ác tâm liền phóng chưởng ám toán. Chứng kiến kẻ thù gặp họa dồn họa, gã vừa phấn khởi vừa sảng khoái, bèn ngửa mặt lên trời khấn thầm: “Thật đúng trời xanh có mắt! Mẫu thân, tỷ tỷ, các vị đồng môn, Phương lão tiền bối và ngàn vạn tướng sĩ Đại Tống ơi, rốt cục tên ác tặc họ Lương đã đi đời... Rốt cục đã đi đời...”. Gã sung sướng phá lên cười khằng khặc. Thình lình có tiếng la thảm thiết, một bóng xanh lục vọt ngang qua mặt gã, lao ra phía biển. Vân Thù nhận ra Liễu Oanh Oanh, bèn quýnh quáng níu tay nàng lại.
Liễu Oanh Oanh mất đà, chân trượt loạn xạ, bấn loạn bấu tay vào vai Văn Thù, đến lúc tỉnh táo muốn vùng ra thì đầu gối bủn rủn, toàn thân rời rã không thể đề khí được nữa, nàng nhoài người qua mạn thuyền, rền rỉ gọi:
- Lương Tiêu...
Mặt biển vắng ngắt và âm u trĩu nặng, Liễu Oanh Oanh nôn nao nhìn xuống, hai tai ong ong, chợt nghe đâu đó giọng Hoa Sinh văng vẳng vọng lại, tiếng được tiếng mất:
- Đừng làm mỗ sợ! Hiểu Sương sắp chết rồi... Sắp chết rồi...
Hạ Đà La cười hô hố:
- Vân đại nhân, cứ như thể chúng ta có giao ước ngầm ấy nhỉ, phát chưởng thật đúng lúc! Ha ha, nói theo lối Hán các ngươi thì là... “Trời xui đất khiến”, tên Lương Tiêu toi mạng hẳn rồi...
Liễu Oanh Oanh ôm đầu choáng váng, cái giọng rin rít của Hạ Đà La vang đi vọng lại trong màng nhĩ nàng: “Toi mạng rồi... Toi mạng rồi... Toi mạng rồi...”. Trái tim buốt nhói như bị muôn vàn mũi kim châm chích, nàng phẫn uất lăng mạnh tay quất chưởng vào ngực Vân Thù. Gã đảo người tránh chiêu rồi nghiêm trang nói:
- Liễu cô nương! Lương Tiêu là quân đại gian đại ác, đáng bị cả thiên hạ này tru diệt...
Liễu Oanh Oanh nhảy bổ tới, khua hai tay đập túi bụi, miệng kêu the thé:
- Ngươi nói láo, hắn liều mạng chỉ để cứu đứa bé ngươi đang ôm kia. Hắn mà là kẻ xấu thì trên đời này còn ai tốt nữa?
Vân Thù nghe mà giật mình, vừa né đòn theo bản năng vừa điểm lại cử chỉ hành vi của Lương Tiêu, đầu óc bỗng dưng rối rắm.
Hạ Đà La đứng bên quan sát, mặt dửng dưng nhưng bụng hể hả không để đâu cho hết. Hắn thầm nhủ Lương Tiêu trúng chưởng rơi xuống biển thì chỉ có nước chết. Trong lúc ấy con cá voi khổng lồ sau vài lần húc thuyền không thành công đã từ bỏ nỗ lực tấn công. Coi như dẹp xong hai chướng ngại vật, nếu được thêm Liễu Oanh Oanh xích mích giao tranh với Vân Thù thì chẳng còn cơ may nào hơn. Thấy Vân Thù lộ vẻ bần thần, sợ gã dao động, hắn bèn can thiệp:
- Đúng rồi, Lương Tiêu kể cũng là người tốt thật đấy, tiếc rằng người tốt thường đoản mạng, kẻ xấu sống ngàn năm...
Hắn cố ý dùng lời lẽ bóng gió nói móc nói máy, Vân Thù nổi điên:
- Rợ Hồ, chính ngươi mới là hạng xấu xa sống dai gây hại cho đời, kẻ mà ngươi khen tốt ắt là thứ chẳng ra gì.
Ngẫm lại thảm cảnh mất nước, tâm tính bắt đầu cực đoan méo mó, gã thầm nghĩ: “Tên Lương Tiêu đại gian đại ác, giết hắn là đúng. Nếu hắn đừng công phá Tương Dương thì Đại Tống ta làm gì đến nỗi lụn bại như ngày hôm nay?”. Chỉ trong khoảnh khắc, cảm giác áy náy vừa nhen nhúm lập tức bị quét sạch, gã phóng chưởng đẩy Liễu Oanh Oanh bật ra xa ba bước, chống nạnh ưỡn ngực thét vang:
- Giết thì đã giết rồi, Vân Thù ta không bao giờ hối hận về việc đã làm!
Liễu Oanh Oanh trừng trừng nhìn gã, cặp mắt lạnh băng, vầng trán tối sầm sát khí. Vân Thù rùng mình, liền ngưng thần đề phòng. Hai người đang gườm gườm đối mặt, chợt Hoa Sinh gào lên thảm thiết:
- Hiểu Sương chết mất thôi...
Liễu Oanh Oanh liếc trông. Hiểu Sương cắn chặt răng, mặt trắng bệch, vầng trán nổi khí xanh, hẳn vì trông thấy Lương Tiêu rơi xuống biển, tâm trạng suy sụp nên hàn độc tái phát. Liễu Oanh Oanh đã từng bắt gặp triệu chứng đó nhiều lần, biết tính mệnh Hiểu Sương đang lâm nguy, tự nhiên mủi lòng: “Tên háo sắc đối đãi với ả rất tử tế. Nay ta thấy chết không cứu, ở dưới suối vàng hắn mà hay nhất định sẽ oán ta...”. Vừa nhớ tới Lương Tiêu, mối thương cảm mong manh với Hiểu Sương lập tức tan biến, lòng dạ nàng trở nên sắt đá: “Không được, nếu ta cứu con tiện nhân ấy, chẳng phải mua dây buộc mình hay sao?”, nghĩ rồi lại thay đổi chủ kiến: “Bây giờ ta chỉ mong đi theo Lương Tiêu, cùng hắn kết thành đôi uyên ương đoản mệnh cho trọn tình vẹn nghĩa. Nhưng nếu ả cũng xuống âm tào địa phủ, chắc chắn ả sẽ tiếp tục giở trò đeo bám dai như đỉa đói. Chi bằng để ả sống cô quạnh, chịu sầu khổ một mình thì hơn...” Muôn vạn ý nghĩ giằng xé kịch liệt trong lòng Oanh Oanh, sau cùng nàng thở dài quyết định:
- Hoa Sinh! Ngươi áp tả chưởng lên huyệt Thiên tuyền của ả, hữu chưởng áp lên huyệt Dương trì, đẩy nội kình vào, nhớ đẩy từ từ, đừng hấp tấp!
Hoa Sinh đang luống cuống bấn loạn, nghe Oanh Oanh hướng dẫn thì khác nào chết đuối vớ được cọc, liền bắt tay thực hiện. Nội lực của chú tiểu rất hùng hậu, chân khí vào tới đâu, chân mày Hiểu Sương giãn ra tới đó. Hạ Đà La đang nôn nóng đợi Oanh Oanh và Vân Thù tàn sát lẫn nhau nên không muốn nhắc nhở nàng tới sự có mặt của mình, mặc dù rất muốn ngăn cản sự gián đoạn nọ nhưng cuối cùng chỉ khoanh tay đứng nhìn.
Mặt Hiểu Sương dần chuyển sắc hồng, Liễu Oanh Oanh gật gật đầu, tiếp tục hướng dẫn:
- Đổi bên tay: Tả chưởng áp huyệt Dương trì, hữu chưởng áp huyệt Thiên tuyền.
- Liễu tỷ tỷ, huynh... Huynh ấy đâu rồi...
Giả như ngày thường, dáng vẻ cô có đáng thương đến đâu chắc cũng chỉ gợi nên sự chán ghét nơi Liễu Oanh Oanh, nhưng bây giờ, khi cả hai đều mất đi người thương yêu nhất, đều bàng hoàng, đau khổ như nhau thì Liễu Oanh Oanh không nén nổi mối đồng cảm. Nàng bỗng ôm choàng Hiểu Sương vào lòng, nước mắt tuôn rơi.
Hiểu Sương ngây dại trong vòng tay Liễu Oanh Oanh, chỉ muốn khóc òa lên như nàng cho vợi bớt đau thương, khổ nỗi không tìm đâu được một giọt nước mắt, tâm hồn trống rỗng như căn nhà vừa bị cướp bóc, chỉ còn muôn vàn ảo ảnh quá khứ cứ ào ào lướt qua tim như gió lùa nhà trống: Nhớ buổi đầu gặp nhau thời thơ ấu, nhớ những lúc học toán vai kề vai, nhớ ngày nào gã xả thân tương cứu, núi Phụ Đường hôm tái ngộ gần đây, và mới nhất là quãng thời gian Lương Tiêu cùng cô đi khắp nơi hành nghề y... Nhất cử nhất động, tiếng cười tiếng khóc của Lương Tiêu sao mà rõ rệt, y như thể gã vẫn còn bên cô. Cảm giác rã rời bỗng xâm chiếm cả tinh thần và thể chất Hiểu Sương, cô chỉ muốn nhắm mắt ngủ, ngủ thật say, và khi tỉnh dậy thì Lương Tiêu đã ở trước mặt, nhẹ nhàng lau ngấn lệ cho cô. Tiếc thay đó chỉ là những ý nghĩ hoang đường hư ảo, còn sự thực thì mười ngón tay của Liễu Oanh Oanh đang bấu sâu vào da thịt cô, buốt xói tới tận óc tựa hồ nhấn mạnh: “Lương Tiêu đã chết, Lương Tiêu đã chết rồi...”. Ý nghĩ ấy chẳng khác nào một lời tuyên án tử hình, nó tàn nhẫn bóp nghẹt trí não, làm đông cứng chân tay cô. Hiểu Sương cảm thấy trái tim lạnh toát, hai mắt tối sầm, lại đờ đẫn chìm vào hôn mê.
Liễu Oanh Oanh giật mình buông cô ra, kêu to:
- Người đang lạnh dần, mau đẩy thêm nội lực vào!
Hoa Sinh dồn mạnh chân khí. Chỉ thoáng chốc, thân thể Hiểu Sương bắt đầu ấm lên, cô tức tưởi sa lệ:
- Tỷ tỷ ngừng cứu muội đi, muội không muốn sống nữa đâu!
Liễu Oanh Oanh nổi điên tát bốp vào mặt Hiểu Sương:
- Ngươi lải nhải gì thế, cái đồ không tim không óc, ngươi không muốn báo thù cho Lương Tiêu ư?
Hiểu Sương đau quá, nước mắt lăn dài trên gò má sưng vù:
- Võ công muội kém cỏi, đánh đấm được ai.
- Chẳng phải ngươi đánh bại được cả Hàn Ngưng Tử đấy ư?
Hiểu Sương cúi đầu:
- Đó là do Tiêu ca ca trợ giúp muội... Huynh ấy mất rồi, muội thành vô dụng.
Bộ dạng yếu ớt khổ não của cô gái bỗng khiến Liễu Oanh Oanh mềm lòng, nàng gắng gượng đè nén nỗi đau, vòng tay ôm chặt Hiểu Sương, thủ thỉ vào tai cô:
- Vắng Lương Tiêu nhưng vẫn còn ta, chúng ta đồng tâm hiệp lực thì sợ nỗi gì!
Hiểu Sương run bần bật, liếc Vân Thù qua khóe mắt, lắc đầu lia lịa:
- Muội... Không làm được...
- Miễn là ngươi sống, ta sẽ lo việc báo thù.
Hiểu Sương không cãi vào đâu được nữa, đành yếu ớt gật đầu.
Thấy Liễu Oanh Oanh lề mề mãi, Hạ Đà La đâm sốt ruột: “Bọn đàn bà đúng là giống lôi thôi rách việc, chẳng bao giờ làm nên đại sự”. Hắn hừ mũi gọi:
- A Than! Ngươi đi điều khiển bánh lái. Cáp Lý Tư! Ngươi đi kéo buồm.
Hai tên dạ ran. Vân Thù thét:
- Khoan, ngươi định làm gì?
Hạ Đà La cười khẩy:
- Tất nhiên là dong thuyền về bắc.
Mặt Vân Thù rắn đanh, Hạ Đà La nhìn thẳng vào mắt gã, ngạo nghễ nói:
- Người đời có câu: Sợi một khó xe, tay lẻ khó vỗ. Vân đại nhân tự phụ võ công cao cường hơn sái gia chăng?
Vân Thù lo lắng tự nhủ: “Riêng mình hắn ta đã không đấu nổi, huống chi còn hai tên trợ thủ, vả chăng ta phải bảo vệ thánh thượng nữa...”.
Hạ Đà La cười ngất, lại liếc mắt sang bọn Liễu Oanh Oanh, thầm tính toán: "Con bé lang băm là đệ tử của Ác Hoa Đà, cuốn y gia bảo điển Thanh hạnh quyển chắc chắn ở trên mình ả. Sái gia cần nó cho thuật dưỡng sinh trụ nhan. Nữ lang áo xanh kia thì tư dung diễm lệ, bình sinh sái gia chưa gặp ai sánh bằng, tốt nhất là phế bỏ võ công thu làm cơ thiếp mà hưởng thụ khoái lạc một đời! Ha ha, còn tiểu hòa thượng, tên này luyện được Đại Kim cương thần lực, tất có quan hệ với Cửu Như, lão lừa trọc đó đã mấy lần phá hỏng dự định của ta, trước sau gì cũng phải tính sổ với hắn, vì vậy nếu bắt sống được thằng tiểu thì mai sau có thể đem ra uy hiếp lão sư già.. Càng nghĩ càng mừng, hắn xoa xoa cái cằm nhẵn thín, nhe răng cười toe toét.
Dồn nội lực được chốc lát, cảm thấy âm độc trong người Hiểu Sương lui dần đi, Hoa Sinh mừng rỡ định đẩy mạnh một hơi hàng phục hẳn nó, chợt nghe Liễu Oanh Oanh bảo nhỏ:
- Hoa Sinh! Lão già tóc bạc kia đang mưu toan những chuyện xấu xa, sắp sửa động thủ rồi đó. Ngươi nhớ nhất nhất phải tuân theo sắp xếp của ta kẻo cả bọn đều gặp nguy hiểm.
Hoa Sinh gật gật đầu, đột nhiên cắc cớ hỏi:
- Lương Tiêu rơi xuống biển xong còn bò lên được nữa không?
Liễu Oanh Oanh nói như sắp khóc:
- Ở vào hoàn cảnh ấy, ngươi bò nổi chắc?
Hoa Sinh mở tròn mắt, lắc đầu lia lịa:
- Mỗ mà rơi xuống thì đi đời nhà ma. - Chú ngừng bặt, sực hiểu. - Vậy là Lương Tiêu đã đi đời nhà ma rồi ư?
Liễu Oanh Oanh sầu khổ vô bờ, không tâm trí đâu mà bắt bẻ câu nói lẩn thẩn của chú tiểu. Mắt đỏ hoe, nàng khẽ gật đầu. Hoa Sinh khịt khịt mũi, nước mắt trào ra. Liễu Oanh Oanh gắng nén đau thương, nhẹ nhàng khuyên giải:
- Tiểu hòa thượng, đừng khóc nữa, đừng để bọn ác độc kia được dịp cười cợt.
Hoa Sinh nghe phải, bặm mồm gạt lệ:
- Lương Tiêu đối xử với mỗ... Tử tế lắm.
Liễu Oanh Oanh gật đầu thở dài. Hiểu Sương thở dài:
- Hoa Sinh! Cửu âm độc mạch đã cấy rễ sâu vào cơ thể ta, dẫu ngươi dồn nội lực mạnh bằng mấy cũng không có tác dụng gì đâu. Tiêu ca ca từng dạy ta một cách ép độc xem chừng hữu hiệu, đáng tiếc ta chưa luyện xong thì huynh ấy.. Huynh ấy đã...
Nước mắt cô lại thánh thót tuôn rơi.
Liễu Oanh Oanh chỉ muốn gục xuống mà khóc như Hiểu Sương, ngặt nỗi tình thế nguy ngập hiện tại không cho phép nàng tỏ ra mềm yếu. Nàng bèn nghiến răng nuốt lệ, đưa mắt ngó quanh. Trông thấy Cáp Lý Tư đang kéo buồm lên, nàng sực nghĩ ra một cách, bèn rỉ tai Hoa Sinh:
- Hễ nghe tiếng ta huýt sáo thì ngươi và Hiểu Sương chạy ngay đến chân cột buồm nhé.
Hoa Sinh gật đầu. Liễu Oanh Oanh hít một hơi, búng mình bay về phía Hạ Đà La, xuất chưởng tấn công. Hạ Đà La đang mải trông chừng Vân Thù, chợt nghe tiếng gió thì cười nhạt nghĩ thầm: “Sãi gia để ngươi yên, ngươi lại dám vuốt râu hùm à?”. Hắn bèn vận bảy thành công lực lên song chưởng, rắp tâm giết gà dọa khỉ, khống chế Oanh Oanh để uy hiếp Vân Thù, chẳng dè chưa kịp xuất thủ, Liễu Oanh Oanh đã đột ngột thu thế nhảy tuốt lại sau hơn một trượng mới tà tà đáp xuống.
Hạ Đà La ngạc nhiên nghĩ bụng: “Rõ rách việc, tự dưng chạy đi chạy lại, định giở cái trò quỷ gì không biết!”. Liễu Oanh Oanh lạnh lùng nói:
- Tên họ Vân kia, ai cần ngươi can thiệp? Động một tí là giở trò ám toán đả thương người khác. Vô liêm sỉ quá thể!
Vân Thù nghệt mặt ra, không hiểu nàng nặng lời với mình vì lẽ gì. Hạ Đà La chột dạ: “À, chắc tên họ Vân toan lợi dụng lúc sái gia sơ suất để đánh lén đây mà. Hắn quả là một kẻ địch đáng gờm, võ công cao cường, trí óc tinh ranh, phải khống chế hắn mới mong kê cao gối mà ngủ yên. Còn những kẻ khác chẳng mấy nả sức, hà hà, bốn bề sóng biển mênh mang, lên trời không thang dẫn, xuống nước không đường đi, cứ thong thả xử lý từng đứa một!”. Tính toán xong xuôi, hắn ngoảnh lại mỉm cười:
- Vân đại nhân muốn giở trò cũ hả? Sái gia không như tên khờ Lương Tiêu kia đâu!
Sự thực là Liễu Oanh Oanh bịa đặt chọc phá chứ làm gì có chuyện Vân Thù tập kích Hạ Đà La. Nhưng Vân Thù không buồn phân trần, chỉ im lặng cười nhạt. Hạ Đà La càng thêm tin chắc vào phỏng đoán của mình, bèn phóng song quyền tấn công. Vân Thù xoạc bước vặn hông, chống đỡ bằng Kinh ảnh điệt hình quyền. Tốc độ giao thủ cực cao, hai bóng người nhấp nhô chuyển động hết sức linh hoạt, khó lòng phân biệt được ai với ai.
Thấy đối thủ đã mắc mưu, Liễu Oanh Oanh hả dạ chúm môi huýt sáo. Hoa Sinh cõng Hiểu Sương nhảy vút lên, chạy hộc tốc về phía cột buồm. Hạ Đà La hiểu ngay sự tình, nhao mình đấm theo một cú. Vân Thù đoán được ý định của Liễu Oanh Oanh và cũng muốn giúp nàng toại nguyện, đúng lúc Hạ Đà La định nhấc chân đuổi theo ba người kia, gã lập tức biến thủ thành công, nhoài tới ra chiêu:
- Thắng bại chưa phân, định trốn đi đâu?
Cáp Lý Tư kéo xong buồm, đang trở bước lên khoang trước thì gặp bọn Hoa Sinh rầm rầm chạy ngược lại. Liễu Oanh Oanh không dừng chân, đập ngang hai lòng bàn tay vào nhau theo thế Thiên hàn địa đông làm hàn khí li ti bắn loang ra. Cáp Lý Tư ngửa người lùi lại, sử Long trường quyền hóa giải. Quyền chưởng chưa chạm nhau, Hoa Sinh đã chạy tới dưới cột buồm. Liễu Oanh Oanh đảo mình vẫy dứ một chiêu cản bước địch thủ rồi nhảy vút ra sau, thét lớn:
- Đứng im đó, bằng không ta sẽ bảo tiểu hòa thượng đánh gãy cột buồm.
Cáp Lý Tư hoảng hồn dừng bước, Liễu Oanh Oanh thét:
- Hoa Sinh, hạ buồm xuống!
Hoa Sinh nắm dây chão giật mạnh, sau mấy tiếng “bựt bựt” trầm đục, sợi dây to bằng bắp tay người đã bị rứt đứt, cánh buồm trượt ào ào xuống. Cáp Lý Tư trợn mắt, càng không dám động đậy. Đúng lúc ấy Hạ Đà La vùng thoát được Vân Thù, hùng hổ chạy lại. Cáp Lý Tư lắp bắp:
- Phụ.. À... Tôn sư! Gay quá!
Hạ Đà La kỵ từ “phụ thân” bởi nó nhắc nhở hắn về tuổi tác, vì vậy Cáp Lý Tư thường gọi cha bằng “tôn sư”.
Liễu Oanh Oanh cười nhạt:
- Hoa Sinh, chặt đổ một cột buồm!
Hoa Sinh không cần vận khí, vung nắm tay đấm bừa một phát, cột bên trái gãy gập. Hạ Đà La dừng bước, hai mắt tóe lửa:
- Tên họ Vân kia gây oán với cô, nhưng cũng là đối thủ của sái gia. Người Hán có câu: Kẻ thù của kẻ thù là bạn ta. Cơn cớ chi cô vơ đũa cả nắm như vậy? Chỉ cần cô đừng động đến cột buồm, sái gia thề không gây khó dễ cho cô.
Hạ Đà La bẩm tính gian xảo thất tín, đối với hắn, lời thề bất quá chỉ như một bãi nước bọt, nhổ ra là xong. Vì vậy ngoài miệng hắn lựa lời ngon ngọt thuyết phục Liễu Oanh Oanh giữ lại cột buồm, nhưng trong bụng hắn sôi sục căm giận, chỉ đợi thời cơ lật ngược tình thế.
Liễu Oanh Oanh xua xua tay:
- Ai bạn bè với ngươi? Cút mau ra xa! Hễ ngươi mon men vượt qua khoảng cách ba trượng từ chỗ chúng ta, ta sẽ hủy hết cột buồm rồi nhảy xuống biển tự tận, đằng nào Lương Tiêu cũng đã chết, sự sống chẳng còn ý nghĩa gì đối với ta nữa đâu.
Mắt hoe đỏ, nàng trượt dần lưng theo thân cột buồm rồi ngồi bệt xuống.
Hạ Đà La nhìn quanh, mặt xám như tro. Con thuyền đang lênh đênh giữa muôn trùng sóng nước, mất buồm cầm bằng mất khả năng di chuyển, chỉ còn cách dập dinh tại chỗ cho đến khi vùi thân giữa ngàn khơi. Cáp Lý Tư thì thào:
- Làm sao bây giờ, tôn sư?
Hạ Đà La cau đôi mày bạc, cười nhạt:
- Được, sái gia sẽ chống mắt lên xem bọn ấy canh cái cột được bao lâu. Bây giờ chúng ta vào khoang kiểm tra nước ngọt và lương thực cái đã.
Dứt lời, hắn cùng con trai lững thững bước đi.
Liễu Oanh Oanh nghe thấy giật thót: "Gay thực, tính kỹ đến thế mà còn sơ hở, quên bẵng cái câu "có thực mới vực được đạo". Thiếu lương ăn nước uống thì chịu sao nổi đây.. Chán nản quá chừng, nàng đâm liều: "Có chết cũng chết cả, đâu chỉ riêng ta mà ngại".
Ở bên cạnh, Hiểu Sương đang ngồi xếp bằng, vận công trừ độc theo đúng tâm pháp Lương Tiêu hướng dẫn. Hoa Sinh dõi mắt ra biển, mặt mày thẫn thờ. Liễu Oanh Oanh thở dài nghĩ bụng: "Họ chẳng hề lo lắng gì cả thì phải. Kể ra người ngốc cũng có chỗ hay, chí ít cũng bớt được phiền não.. Ngẫm nghĩ vẩn vơ một hồi, nàng lại nhớ đến Lương Tiêu, lòng buồn bã khôn tả, bèn ngồi xoay lưng lại hai người kia, tựa cằm xuống đầu gối khóc rấm rứt.
Nửa đêm, gió bấc nổi lên dữ dội, vặn vẹo gào rú như phát cuồng. Hạ Đà La bẻ ba thanh ván lát làm mái chèo, cùng Cáp Lý Tư và A Than gắng sức chèo về hướng nam. Ngặt nỗi thuyền quá lớn lại ngược chiều gió, ba người hí húi chèo đến hừng đông thì mệt phờ, đành quay về khoang trước ngồi nghỉ. Thuyền rời đất liền càng lúc càng xa, Hạ Đà La vô cùng hối hận. Nhớ lại hành động tàn sát thủy thủ đoàn và hất cả bọn xuống biển ban sáng, hắn tiếc nuối nghĩ: “Sớm biết thế này thì đã giữ lại vài tên, người đông sức mạnh là việc đâu vào đấy rồi..”. Ánh mắt lơ đãng chợt dừng lại ở chỗ la bàn, Hạ Đà La rùng mình choáng váng. Mặt la bàn đã bị ai đó đập nát. Biển rộng mênh mang thế kia, xác định phương hướng đâu phải việc đơn giản, ban ngày còn đỡ, đêm xuống mà thiếu la bàn thì biết đi đứng vào đâu. Hạ Đà La tức nổ máu mắt, muốn ngoác mồm ra mà chửi cho đỡ uất nhưng không biết nên nhằm vào ai. Liễu Oanh Oanh và Vân Thù đều đáng nghi, song hạch hỏi thì thật không hay, bởi chí ít bây giờ vẫn còn một trong hai phe chưa biết việc này, tự nhiên làm ầm lên thì khác nào vạch áo cho người xem lưng, cầm bằng cổ vũ tinh thần bọn họ. Sôi sục căm tức hồi lâu, hắn quyết ý chiếm giữ kho lương, cắt đứt nguồn nước và thực phẩm của địch thủ để tính bài điều kiện.
Thêm một ngày nữa trôi qua, đã mấy lần Hạ Đà La định áp sát đánh lén, nhưng đều bị Liễu Oanh Oanh phát hiện sớm nên thất bại. Trong lúc ấy, Vân Thù và Triệu Bính ngồi ru rú ở khoang sau. Triệu Bính chán ghét Vân Thù nên kêu la dằn dỗi suốt. Vân Thù khuyên giải không được đành nén lòng mặc kệ. Gã rắp tâm khiến Hạ Đà La lạc giữa trùng dương nên ban đêm đã tìm cơ hội đập vỡ la bàn, sau đó lẩn vào khoang lương lấy một lượng đủ dùng vài ngày chờ tới khi có dịp thoát thân. Hạ Đà La một là toàn tâm toàn ý đối phó bọn Liễu Oanh Oanh nên không rảnh rỗi bận tâm đến gã, hai là sợ con giun xéo mãi cũng quằn, chẳng may Vân Thù giở chiêu liều thân, dẫn Triệu Bính lao xuống biển cho nát ngọc tan vàng một thể thì chí nguy, vì vậy hắn cũng không bức bách thái quá, thậm chí còn chuyển thêm ít nhiều lương khô nước ngọt cho Vân Thù, rồi ngọt ngào chiêu hàng gã. Vân Thù tu nước ừng ực, chén lương tì tì, nhưng chẳng buồn để vào tai những lời phỉnh phờ của Hạ Đà La.
Một đêm một ngày trôi qua mà chưa được hột cơm nào vào bụng, Liễu Oanh Oanh, Hiểu Sương và Hoa Sinh đều đói ngấu, miệng lưỡi khô bỏng. Đến chừng giờ ngọ, Hoa Sinh bị kiến bò bụng dữ quá, bắt đầu mếu máo:
- Ôi chao, mỗ sắp chết rồi!
Liễu Oanh Oanh gắt:
- Đang yên đang lành, tại sao lại gở mồm gở miệng như thế?
- Mỗ đói lắm, không chịu nổi nữa rồi!
Nam tử hán đại trượng phu phải có ý chí...
- Mỗ là hòa thượng, không phải nam tử hán đại trượng phu...
Liễu Oanh Oanh phát bẳn:
- Và cũng chả phải hòa thượng! Ngươi là con lừa trọc, thử rên thêm một tiếng xem ta có làm thịt ngươi như mổ lừa không.
Hoa Sinh không sợ mà lại mừng, nuốt nước bọt đánh ực:
- Nói phải đó, mổ con lừa trắng đi, chí ít còn được mấy bữa no nê.
Hiểu Sương hoảng hồn can:
- Không được, Khoái Tuyết ngoan thế cơ mà!
- Không thì làm thịt con chó vậy, no bữa nào đỡ bữa đó.
Hiểu Sương trào nước mắt:
- Bạch Si Nhi được Tiêu ca ca nuôi từ bé đến lớn...
Hoa Sinh liếc con ngựa, chưa kịp đề xuất thì Liễu Oanh Oanh đã thét:
- Ngươi mà dám ngó nghiêng Yên Chi, ta sẽ cho ngươi biết tay.
Hoa Sinh nổi cáu, đốp chát:
- Thế này không được, thế kia không được, các ngươi xoen xoét cái gì cũng có lý cả.
Nói rồi giáng nắm tay đấm thủng một lỗ trên sàn thuyền. Liễu Oanh Oanh lo cuống, mắng:
- Ngươi mà còn làu nhàu, ta sẽ ném ngươi xuống biển cho chết đuối luôn!
Hoa Sinh điên tiết gào:
- Chết đuối còn hơn chết đói, sư phụ mỗ nói: “Thà làm quỷ no, còn hơn người đói”. Bụng dạ rỗng không, chết khó chịu lắm.
Hạ Đà La đứng xa nghe hơi nồi chõ, mừng không để đâu cho hết, lập tức gọi A Than mang thịt rượu ra. Hắn bắt đầu ăn uống nhồm nhoàm trước mặt ba người, lại cố ý xuýt xoa khen ngon. Hoa Sinh chảy nước dãi ròng ròng, Hạ Đà La giơ tảng thịt lên lúc lắc dụ dỗ:
- Tiểu hòa thượng muốn ăn không? Nếu muốn thì sang đây!
Hoa Sinh nuốt nước bọt đánh ực, đứng phắt dậy, sải bước tới gần. Liễu Oanh Oanh hoảng sợ thét:
- Không được sang đó!
Hoa Sinh dừng bước, nhưng mắt vẫn gắn vào mồm Hạ Đà La. Nghĩ thế nào chú lại ngó Hiểu Sương, rủ:
- Hiểu Sương, ngươi đi cùng với mỗ nhớ!
Hiểu Sương lắc đầu:
- Ta ở đây với Liễu tỷ tỷ. Ngươi đúng là đói cào gan cào ruột rồi, thôi cứ đi đi! Để ngươi phải vật vã ta cũng áy náy lắm.
Hoa Sinh nhíu mày lộ vẻ trù trừ, giẫm chân vòng quanh một lúc, chợt vỗ mông tiu nghỉu quay về:
- Thôi, ngươi ở lại đây thì mỗ cũng không ra đằng ấy nữa.
Liễu Oanh Oanh đang ứa nước mắt lo lắng, nghe vậy thở dài, gí ngón tay vào trán chú ta, mắng:
- Đồ đói khát! Kể như ngươi còn có chút lương tâm.
Hạ Đà La không dụ được Hoa Sinh, chửi liền mấy tiếng “lừa trọc” rồi hậm hực bỏ đi. Liễu Oanh Oanh tự nhủ: “Hú hồn hú vía, nhưng tiểu hòa thượng chống chọi được một lần, chưa chắc đã chống chọi được tới lần thứ hai”. Chợt nghe có tiếng chim kéc kéc huyên náo, nàng ngẩng đầu nhìn. Một đàn hải điểu đang bay vần trên biển. Liễu Oanh Oanh sực nghĩ ra một cách, mặt lộ vẻ mừng, liền quăng Độn thiên trảo ra. “Sột” một tiếng, lông trắng bay tơi tả, một con hải điểu đã bị móc trúng lôi tuột xuống.
Liễu Oanh Oanh tóm con chim, lấy chủy thủ ra cứa cổ nó, húp một ngụm máu rồi đưa cho Hiểu Sương, quát:
- Há miệng!
Hiểu Sương lộ vẻ khiếp đảm, co cúm mình lại. Liễu Oanh Oanh bực bội nhào tới trước bóp miệng cô ra, rỏ máu con chim vào. Vị tanh khiến Hiểu Sương nôn nao, cô quay đi mửa thốc mửa tháo. Liễu Oanh Oanh vốn đã lo lắng phiền muộn, thấy thế thì tức giận nói:
- Chết đi cho rảnh! - Rồi túm cứng Hiểu Sương, giơ tay định đánh, chợt thấy mặt cô đầy nước mắt trông rất đáng thương, nàng thõng tay thở dài. - Nha đầu ngốc, ngươi không ăn không uống thì làm sao kình chống được bọn xấu mà trả thù cho Lương Tiêu?
Hiểu Sương co quắp chân tay, khuôn mặt ngoa nguếch nước mắt, giọng run rẩy:
- Muội không muốn báo thù, muội chỉ muốn nhảy xuống biển cho xong chuyện...
Liễu Oanh Oanh nhìn cô khóc rưng rức, chợt xót xa trong lòng, liền vuốt tóc cô cười buồn:
- Lương Tiêu luôn muốn che chắn bảo vệ ngươi khỏi mọi khổ sở. Nếu ngươi chết thật, ở dưới cửu tuyền hắn cũng chẳng vui đâu.
Hiểu Sương run bần bật, gục vào lòng nàng khóc òa lên:
- Muội biết rõ người ca ca yêu mến thật sự là tỷ tỷ, vậy mà không thể dằn lòng ra đi. Muội chẳng cần gì khác ngoài Tiêu ca ca, hễ nghĩ đến việc giã biệt huynh ấy là muội đau khổ cùng cực, đau khổ hơn cả khi phải lìa cha xa mẹ, đau khổ hơn cả khi sư phụ từ trần... Ca ca mất đi, lòng muội tan nát hết rồi. Tỷ tỷ ơi, sống thế này thì nghiệt ngã lắm...
Liễu Oanh Oanh xúc động lây, tim nhoi nhói từng cơn như ai cào ai xé, nàng nuốt lệ thở dài:
- Đừng nói linh tinh nữa!
Hiểu Sương thút thít:
- Muội nói thật đấy. Tiêu ca ca rất trọng tình nghĩa, ai đối xử tử tế với huynh ấy một ngày, huynh ấy nhiệt thành đền đáp lại cả đời. Tiêu ca ca không muốn làm tỷ tỷ khó chịu, cũng không muốn làm muội tủi thân, nên dành cắn răng chịu đựng giày vò...
Liễu Oanh Oanh lắc đầu:
- Chính ra cái thói lần khân không biết đường dứt khoát của hắn lại khiến người ta bực mình thêm.
Hiểu Sương ngồi lặng hồi lâu rồi ủ rũ nói:
- Quả có vậy, nhưng ca ca là con người như thế đấy. Nếu huynh ấy sống lại được, nhất định muội sẽ đi thật xa, vĩnh viễn không xuất hiện quấy rầy hai người, không bao giờ... Không bao giờ để tỷ tỷ phải bận mắt nữa...
Nói là nói vậy, nhưng nghĩ rằng biển sâu thăm thẳm, chẳng còn đường nào để Lương Tiêu thoát cả, cô lại sụt sùi, nước mắt thấm ướt áo Oanh Oanh. Nàng vuốt lưng cô, bần thần im lặng.
Hiểu Sương khóc một hồi thì kiệt sức, từ từ chìm vào giấc ngủ. Liễu Oanh Oanh thở dài thườn thượt, đứng lên nhìn quanh biển rộng mênh mông, chợt hứa với lòng: "Chỉ cần Lương Tiêu thoát nạn, thân này dẫu phải chết cũng không mảy may tiếc nuối. Bất kể hắn làm gì hay cư xử với ta thế nào, ta cũng không cáu kỉnh bực bõ. Thậm chí hắn có cưới con bé ngốc này, ta cũng để hắn tự do quyết định, tuyệt đối không ngáng trở... Nghĩ tới đây, nước mắt tự nhiên tuôn rơi, Liễu Oanh Oanh vội vàng lau đi, nhìn sang Hiểu Sương, lòng nàng bỗng gợn lên niềm thương xót: "Con bé này vốn vô tâm nông cạn, lại khờ khạo yếu đuối, chẳng may phải sống một thân một mình thì nhất định sẽ bị kẻ xấu bắt nạt. Chả trách trước đây Lương Tiêu bất chấp mọi giá, kể cả trở mặt với ta để bảo vệ ả". Giả như bình thường, ý nghĩ này không thể nào nhen nhóm trong tâm trí Liễu Oanh Oanh, nhưng lúc này chúng cứ tự nhiên đùn ra như đã sắp sẵn hàng, khiến bản thân nàng cũng phải lấy làm kinh ngạc.
Liễu Oanh Oanh tư lự chốc lát, ngoảnh đầu nhìn quanh thì bắt gặp Hoa Sinh đang băn khoăn lật đi lật lại con chim chết, bèn hỏi:
- Ngươi làm gì thế?
Hoa Sinh gãi gãi đầu:
- Con chim này ăn thế nào?
Liễu Oanh Oanh lườm chú ta, vung tay giằng lấy con chim, vặt sạch lông, rồi chặt ít gỗ chẻ nhỏ nhóm lửa, quay đến lúc thịt tái thì chia nhau ăn. Đến chập tối, Oanh Oanh quăng móc bắt tiếp hai con hải điểu.
Một đêm nữa lê thê trôi qua. Tới gần sáng, Liễu Oanh Oanh lại phóng phi trảo móc hải điểu. Hạ Đà La trông thấy liền thổi tiêu đuổi lũ chim tránh xa Độn thiên trảo. Liễu Oanh Oanh không tài nào bắt được, trợn mắt bực tức rồi chửi bới ầm ĩ. Hiểu Sương vốn chỉ mong lũ chim bay thật cao thật xa để không bị bắt nữa, nhưng nhìn Oanh Oanh vừa tức vừa buồn lại cảm thấy suy nghĩ của mình có lỗi với nàng, đành nén lòng coi như không biết, nhắm mắt vận công. Mấy hôm nay, cô đều đặn tu luyện thuật hoán chuyển âm dương, hiện đã đẩy được toàn bộ Cửu âm độc trong cơ thể ra đến huyệt Lao cung ở hai lòng bàn tay. Ở đó, độc chất ngưng tụ thành một đốm tím đen liên tục giãn to co nhỏ. Hiểu Sương đã gắng tìm mọi cách trục nốt nó ra nhưng vô ích. Y thuật tuy cao nhưng kiến thức võ học có hạn, cô nghiền ngẫm mãi mà vẫn không tìm được nguyên nhân.
Liễu Oanh Oanh mắng chửi một thôi một hồi, chợt trông thấy một con hải điểu dang cánh bay lên giữa vòm trời rồi đột ngột xếp cánh, lao thẳng mình xuống nước như mũi tên. Khi quay trở lên, nó mang theo một con cá to giữa những móng chân quắp chặt, thong thả đậu xuống mạn thuyền, dũi mỏ mổ con cá khiến vẩy bạc bắn tung tóe. Liễu Oanh Oanh liền nhích đến gần mạn thuyền, ló đầu ra chăm chú quan sát, quả nhiên thấy bóng cá loang loáng dưới làn nước. Nàng liền quăng Độn thiên trảo xuống móc thử. Kiên nhẫn một lúc lâu, sau cùng nàng móc trúng một con cá to cỡ bảy tám cân, khi mổ ra thì lấy được cả một ổ trứng đen lớn trong bụng nó. Liễu Oanh Oanh mừng vui đem nướng ngay. Cứ thế, trong hôm ấy nàng móc liền tù tì ba con cá to lấp đầy dạ dày mọi người. Hiểu Sương lúc đầu không quen uống tiết cá tiết chim, nhưng bẩm tính vốn yếu mềm, bị Oanh Oanh cưỡng ép mấy lần, kháng cự không nổi đành cắn răng nghe theo.
Hạ Đà La giữ rịt khoang lương mấy hôm liền, thi thoảng chạy ra xem xét tình hình, chỉ mong trông thấy ba người đói khát kiệt quệ. Nào ngờ bọn họ lại khỏe lên, da dẻ Liễu Oanh Oanh nhẵn bóng như ngọc, chú tiểu mặt mũi hồng hào, Hiểu Sương cũng không thở hớp hơi như mấy hôm trước nữa. Hạ Đà La không hiểu ra sao, quan sát kỹ càng mới biết Liễu Oanh Oanh câu cá làm thức ăn. Dù bản lĩnh cao cường đến đâu, hắn cũng không thể đánh chết hết cá biển, lại thấy con thuyền càng lúc càng trôi xa về nam, nộ khí xung thiên, hắn liền lôi hai tên đồng hành ra đánh mắng. A Than vốn lỗ mãng bèn hung hăng kháng cự ngay. Hạ Đà La chột dạ nên đành thôi. Hắn cũng không dám liều lĩnh tấn công bọn Liễu Oanh Oanh, sợ rằng cột buồm gãy hết thì vĩnh viễn không còn ngày trở về đất liền nữa.
Hai phe giở đủ mọi mưu kế để đấu với nhau, mười ngày trôi đi nhanh chóng. Sáng tinh mơ hôm ấy, biển bỗng trở nên hung dữ, những con sóng khổng lồ thi nhau xô tới làm chiếc thuyền rung lắc kịch liệt. Hạ Đà La kinh hoàng cùng đồng bọn ra xem, chỉ thấy sóng nước sùng sục như sôi, những hạt mưa to tướng từ trời tây ào ào hắt xuống, gió mặn rú gào riết róng, chớp giật chói lòa, sấm rền inh ỏi cả không gian.
Trước cảnh biển trời ra oai, Hoa Sinh khiếp đảm ôm chặt lấy cột buồm, mặt tái mét. Hiểu Sương lẩy bẩy tựa vào vai Liễu Oanh Oanh. Liễu Oanh Oanh cũng hãi hùng lắm nhưng không dám để lộ, sợ hai người kia càng mất tinh thần. Nàng gắng trấn tĩnh, lựa lời vỗ về an ủi họ. Khốn nỗi sóng gió gầm gào, chẳng ai nghe được nàng nói gì cả. Thình lình một cơn sóng lớn dềnh cao như ngọn núi trước mặt họ, cột buồm vặn kẽo kẹt, Hiểu Sương nghĩ thầm: “Nhiều cặp phu thê được chôn chung một mộ, nếu bây giờ thuyền lật, ta sẽ mãi mãi ở bên Tiêu ca ca, không bao giờ xa cách nữa”. Nỗi sợ hãi chợt nhiên tan chảy, sự sinh tử bỗng biến thành vô nghĩa, ánh mắt cô trở nên bình thản trước cảnh bão táp phong ba.
Hạ Đà La đứng xa quan sát, thầm nhủ tình hình đang xấu đi, nếu để mặc cột buồm lay vận mãi thì trước sau gì thuyền cũng sẽ lật nghiêng. Lúc này hắn chỉ mong bảo toàn mạng sống, chẳng cần biết tương lai sẽ ra sao, liền phóng thốc tới chỗ Liễu Oanh Oanh. Bỗng dưng vấp chân suýt ngã, hắn cúi nhìn thì thấy một sợi chão đang quấn vào cổ chân phải mình, số là mấy hôm nay Liễu Oanh Oanh đã giăng đặt cơ quan xung quanh cột buồm. Hạ Đà La chưa kịp hiểu đầu đuôi, cũng chưa kịp thu chân về thì một luồng lực mạnh ở đâu đã lùa tới định lôi thốc chân hắn đi. Hạ Đà La thầm cười khẩy: “Cái bẫy ranh con này mà kiềm chế nổi sái gia ư?”, đoạn gầm lên một tiếng, đẩy suốt kình xuống chân để trụ vững thân mình.
Nào ngờ sự cưỡng chống đó đã dẫn động cơ quan thứ hai. Chỉ nháy mắt, mấy chục mũi tên gỗ kéo theo kình phong từ bốn phương tám hướng ràn rạt bắn về. Hạ Đà La khua khoắng hai tay gạt rơi được một số, song do tình huống bất ngờ, tên bắn lại quá dày, cuối cùng vẫn có một mũi xuyên qua. Nó thúc vào vai hắn, tuy không gây thương tích nhưng cũng khiến da thịt dau điếng. Hạ Đà La vừa tức vừa ngượng, bèn khép khít các ngón tay thành kiếm, lia xuống dưới để chặt sợi chão đang ràng chân mình. Sợi chão vừa đứt bung lại có tiếng gió rít liền bên, một đoạn cột buồm gãy quét vù qua bên mình hắn như sấm sét. Ba dạng tấn công gói gọn trong một cơ quan có tên là Quỷ khốc thần sầu tam liên hoàn, ngày xưa đã từng khiến Vân Thù lao đao trên sông, nay được Liễu Oanh Oanh bắt chước bố trí để đối phó với Hạ Đà La.
Chỉ vì một thoáng sơ suất, Hạ Đà La đã lần lượt lãnh chịu ba phen khốn đốn. Thấy cột buồm gãy thần tốc lao tới, tính rằng không kịp né tránh, hắn đành duỗi tay ra cản. Khúc gỗ bị cơ quan dẫn động, lao đến quá nặng, vừa chạm phải cánh tay Hạ Đà La thì gãy luôn. Hạ Đà La cũng bị đẩy đến liêu xiêu cả người, đang ghìm mình đứng vững thì lại nghe kình phong rít đến sau lưng. Lần này là đích thân Liễu Oanh Oanh, nhân lúc hắn sơ hở lập tức phát chưởng tập kích.
Hạ Đà La liên tiếp trúng cơ quan, chiêu trước dùng sắp hết, chiêu sau chưa nối theo, cũng không kịp gồng nội công ra lưng nữa, đành trân mình hứng chưởng lực của Liễu Oanh Oanh. Song chưởng đẩy tới nơi, Liễu Oanh Oanh vui mừng nhận thấy lưng đối thủ lõm xuống giòn rụm dưới lòng bàn tay mình. Hàn khí chạy xộc vào tâm phế khiến Hạ Đà La run cầm cập, hắn gắng trấn định tinh thần, thét lên:
- Đánh lén sau lưng đâu phải hảo hán?
Đoạn quay phắt mình lại, đẩy tả chưởng ra. Liễu Oanh Oanh xuất chiêu trúng đích là lập tức rút lui, lúc này đang đứng đằng xa cười nhạo:
- Ta là tiểu nữ tử, không phải hảo hán!
Hạ Đà La tức giận hừ một tiếng. Hắn vừa mắc bẫy liểng xiểng, đâu dễ dàng buông tha Liễu Oanh Oanh, bèn lắc mình thi triển Hư không động đuổi tới. Đúng lúc định tóm bắt, chợt thấy ánh mắt Liễu Oanh Oanh hướng về phía sau lưng mình có dáng vui mừng. Hạ Đà La vừa qua cơn điêu đứng, tự nhiên như chim sợ cành cong, cảnh giác nghĩ: “Tiểu hòa thượng mai phục hay sao?”. Hắn vốn úy kỵ Đại Kim cương thần lực của Hoa Sinh, liền ngoái ngay đầu tìm nhưng không thấy bóng dáng ai cả. Liễu Oanh Oanh thừa cơ rút về chân cột buồm. Chỉ bằng ánh mắt mà khiến một cao thủ đương thế phải hãi hùng, nàng càng ngẫm càng đắc chí, liền chống nạnh cười khanh khách:
- Vậy truy đuổi động thủ với nữ nhân thì là hạng hảo hán gì? Tiểu nhân thì có! Ờ nhưng biết đâu ngươi mong cả thiên hạ đều là hảo hán để một mình ngươi được làm tiểu nhân? Cũng đúng, hảo hán quang minh chính đại thường mắc mưu bọn tiểu nhân ti tiện đê hèn mà.
Hạ Đà La giậm chân nhảy tới, những lời phỉ báng khiến hắn điên giận chỉ muốn kết liễu ngay Liễu Oanh Oanh. Chợt một đợt sóng khổng lồ đánh mạnh vào mạn khiến con thuyền tròng trành dữ dội, Hạ Đà La vội vàng xuống tấn trụ vững, hít một hơi dài rồi thình lình lao thẳng đến Hoa Sinh.
Liễu Oanh Oanh thấy hắn bị tấn công liên tiếp mà còn linh hoạt như vậy thì hơi hoảng, bèn thét lớn cảnh báo chú tiểu:
- Hoa Sinh!
Hoa Sinh đang mất hồn mất vía vì sóng to gió cả, nghe Liễu Oanh Oanh gọi lại thấy Hạ Đà La nhảy bổ tới, tưởng nàng bảo mình đánh gãy cột buồm liền đấm một cú, cột chính đổ sụm. Hạ Đà La cười vang:
- Đánh hay lắm!
Hắn phất tả chưởng đẩy bật Liễu Oanh Oanh đi, hữu thủ nắm lại thành quyền nện gãy nốt cột buồm cuối cùng.
Liễu Oanh Oanh sững sờ, hoàn toàn bất ngờ, hóa ra mục tiêu của Hạ Đà La lại là phá cột buồm. Đúng lúc cột buồm chạm sàn, con thuyền bắt đầu bớt nghiêng ngả. Hạ Đà La đã hóa giải được nguy cơ lật thuyền, nhưng lòng không khỏi tê tái khi nghĩ đến quãng thời giang lênh đênh trơ trọi giữa biển nay mai, chẳng biết ngày nào mới được trở về đất liền. Hắn liếc ba người, bất giác sinh ác tâm: “Lũ tai quái này năm lần bảy lượt cản trở, phá hoại đại sự của sái gia. Dứt khoát phải dạy cho chúng bay một bài học, bằng không ta thề đi đầu xuống đất”. Liễu Oanh Oanh thấy mắt Hạ Đà La lộ hung quang, định nhắc: “Cẩn thận..”, nhưng chưa kịp thốt thành tiếng thì Hạ Đà La đã nhảy bổ tới Hoa Sinh, hắn quyết khống chế chú tiểu trước rồi sẽ thong thả xử lý hai cô gái sau. Hoa Sinh lính quýnh tay chân, vội vàng thi triển Vô câu nê tướng né tránh rồi vụng về hoàn trả một quyền, Hạ Đà La khuỳnh cánh tay đỡ, Hoa Sinh đứng không vững, giật lui hai bước.
Hạ Đà La đẩy lui được Hoa Sinh, nhưng cánh tay cũng phát đau vì va chạm, bèn thét:
- Đỡ tiếp ba quyền nữa của sái gia đây!
Hắn gắng trấn tĩnh, vung song quyền đấm mạnh ra, quyền mới đi nửa đường bỗng ngoặt sang trái rồi uốn sang phải, tiếp tục tiến lên trong tư thế ngoằn ngoèo rồng rắn đó. Hoa Sinh kinh hãi vô cùng, ngoài sư phụ Cửu Như, chú chưa bao giờ đối đầu với địch thủ nào bản lĩnh cao cường thế này. Huống hồ Cửu Như xuất thủ dẫu nặng nhưng không bao giờ đả thương chú ta, còn Hạ Đà La thì từng chiêu từng thức đều đầy uy lực, chạm phải không chết cũng bị thương.
Hoa Sinh ngờ nghệch thật nhưng võ công cực cao, ngày thường qua loa thế nào xong thôi, nhưng đến lúc cần thiết thì chú dồn toàn lực, kẻ địch càng mạnh, chú càng cố công gắng sức. Lúc này gió bão điên cuồng, mưa to như trút, sóng tràn ào ào, lại gặp phải cường địch như vậy, hoàn cảnh đã vô tình kích thích hết tiềm lực của chú tiểu, giúp chú vỡ vạc dần nhiều chỗ diệu kỳ mới mẻ của Tam thập nhị pháp tướng. Phật pháp vô biên, pháp tướng của Như Lai đâu thể chỉ gói gọn trong con số ba mươi hai! Chú tiểu càng thi triển càng nhuần nhuyễn, mỗi động tác tay chân, mỗi cái lắc mình đều thâm trầm huyền ảo khác hẳn ngày thường, tư thế vững vàng như thần Kim cương đả tọa, cử động uy nghi như thiên tướng giáng trần, biến hóa phong phú khác nào cát bãi sông Hằng.
Cứ thế, cuộc giao thủ giữa kẻ quái khách Tây phương và truyền nhân của thần tăng trung thổ diễn ra vô cùng tốc độ, người ngoài nhìn vào chỉ thấy hai bóng mờ di chuyển tới lui, không thể phân biệt được ai với ai cả. Hạ Đà La phát hoảng: “Con lừa con này lợi hại quá, chưa chừng mai sau cũng chẳng kém gì lão lừa già. Sái gia cần thận trọng đối phó, chết sông chết suối chứ ai lại chết đuối đọi đèn... Suy cho cùng chỉ giao đấu thì sái gia chẳng thua đâu, nhưng cương quyết phải trừ bằng được nó kẻo sinh hậu họa”.
Ý đã quyết, sát cơ càng nặng, Hạ Đà La phát chiêu liên tiếp đẩy lùi Hoa Sinh. Liễu Oanh Oanh thấy tình thế không ổn, liền vỗ chưởng tương cứu. Hạ Đà La quay mình ra đỡ, Hoa Sinh lập tức áp sát kẻ địch đấm thật nhanh hai cú. Ba người xoay mòng mòng y như đèn kéo quân, Hạ Đà La tuy giao đấu với cả hai nhưng dồn đến chín thành công lực vào Hoa Sinh, chỉ chừa một thành đối phó với Liễu Oanh Oanh mà thôi.
Trong lúc họ giao đấu, sấm sét nổ vang làm rung chuyển bầu tròi, sóng gió bão bùng càng thêm ghê gớm, con thuyền lớn lắc lư nghiêng ngả hệt như một kẻ say khướt, các khớp mộng phát ra những tiếng kẽo kẹt chói tai. Hiểu Sương âu lo nhìn ba bóng người thoắt ẩn thoắt hiện giữa lớp quyền cước đan dày như chiếc chiếu, bất chợt nghe thấy một tràng cười xé gió vọng lại, âm thanh vô cùng thê thảm, nghe mà sởn gai ốc. Hiểu Sương nhận ra tiếng Vân Thù, chợt sinh lòng thương xót: “Chẳng hiểu ông ta có phải chịu đựng nỗi niềm gì không mà cười đau đớn thế?”. Vân Thù cười sằng sặc hồi lâu, đột nhiên dừng bặt, rồi gào lên:
- Ông trời ơi! Ông bất chấp thiện ác, chẳng biết ngay gian, khăng khăng hủy diệt Đại Tống ta thì mới vừa lòng phải không? Được, Vân Thù đây này, ông xuống mà diệt, gió quất mạnh vào, sóng trùm cao nữa lên... Lại đây... Lật tung con thuyền rách rưới này đi, ha ha, lật thuyền đi, Đại Tống ta cũng sụp đổ theo, gió rú mạnh lên... Quật thuyền úp ngược, ngươi giết quân thần của ta, Đại Tống sẽ diệt vong đấy, ha ha..
Gã ngưng cười để chửi, chửi xong lại khóc, khóc cạn nước mắt lại cười, lẫn trong tràng âm thanh phức tạp đó là tiếng khóc ngằn ngặt của Triệu Bính.
Hiểu Sương lo lắng cho đứa bé, bèn nín thở rón rén đi ra phía đuôi thuyền. Trước mặt cô là một vùng tối như hũ nút, chỉ nghe được âm thanh chứ nhưng không nhìn thấy người đâu. Thình lình có tiếng “rẹt” khủng khiếp, rồi một luồng chớp trắng sáng loằng ngoằng rạch ngang bầu trời, soi rọi một Vân Thù tóc tai rũ rượi đang nhảy nhót như hồn ma, mặt mũi méo mó đi trong một điệu khóc cười man dại. Triệu Bính nằm co quắp gần chân gã, người giật lên theo tiếng nấc nghẹn. Hiểu Sương nhìn thằng bé trơ trọi khóc khản cả tiếng, ngực đau như bị ai đâm: “Tại sao đối xử tàn tệ với trẻ con thế kia? Dù chết ta cũng phải giành lại nó”. Tâm ý đã quyết, cô định nhấc chân thì thấy hai bóng đen từ đâu đó im lìm hiện ra, lom khom băng qua bên cạnh mình.
Hiểu Sương giật thót nhướng mắt nhìn. Nhận ra Cáp Lý Tư và A Than, cô thầm nhủ chắc họ sắp làm việc xấu thì mới phải âm thầm lén lút như vậy. Diễn biến sau đó lập tức khẳng định phỏng đoán của cô. Hai bóng đen đến gần mục tiêu thì nhổm dậy, Cáp Lý Tư lao vào Vân Thù, A Than chộp bắt Triệu Bính. Hiểu Sương định lên tiếng cảnh báo Vân Thù, nhưng đã muộn. A Than xuất thủ rất chuẩn xác, vớt luôn Triệu Bính vào lòng. Cáp Lý Tư tống mạnh song quyền ra, nện bịch lên lưng Vân Thù như giã gạo.
- ----
1 Điệu múa của thần Deva.
Truyện khác cùng thể loại
164 chương
4 chương
84 chương
18 chương
21 chương
186 chương
10 chương
33 chương