Cổ Phật Tâm Đăng
Chương 1 : Giữa đêm trường lão dị nhân ép Tâm Đăng hoàn tục
Đầu canh hai.
Ánh trăng bàng bạc rọi khắp ngôi chùa to nhất của xứ Tây Tạng huyền bí là Bố Đạt La Cung.
Từ trong Tham Thiền đại sảnh một bóng người nhỏ thó hé cửa bước ra.
Ngửa mặt nhìn trời thấy một vầng trăng lạnh treo lơ lửng giữa tầng không xanh thẳm, chung quanh là muôn vạn vì sao nhấp nhánh.
Đó là một chú tiểu. Nhìn quanh không thấy ai, bất thình lình chú tiểu phất hai ống tay áo cất mình nhảy lên cao bốn trượng.
Chú trổ thuật phi hành lướt theo đầu tường mà ra phía sau.
Nơi đó là tòa lầu chứa sách của ngôi chùa khét tiếng này.
Đang đi ngon trớn bất thần chú tiểu dùng một thế Thiên Phong Kích Tố nhẹ nhàng lả lướt bay lên cao thêm bảy, tám trượng nữa, bắn mình qua khung cửa sổ của tòa lầu chứa sách.
Chính vào lúc mũi giày chú tiểu chạm vừa vào khung cửa sổ bất thình lình chú tiểu đổi Thiên Phong Kích Tố thành Hải Điểu Lược Ba để cho thân mình của chú la đà và trở về mặt đất nhẹ nhàng như một tàu lá rụng giữa đêm thu.
Chân vừa chấm đất, chú tức tốc dùng Thất Tinh Liên Hoàn bộ nhanh như chớp rút lui vào một xó nép mình nín thở.
Thân hình của chú vừa khuất sau bóng tối thì từ trên lầu đựng sách có một bóng người vạm vỡ từ trên bay xuống như một con chim đại bàng vỗ cánh giữa từng không.
Người ấy đáp xuống chỗ chú tiểu vừa đứng ban nãy, quắc mắt sục sạo khắp bốn bề, trông cặp mắt sáng ngời đó người ta biết ngay là Y Khắc Lạt Ma, một vị đại sư trông coi lầu sách này.
Y Khắc lẩm bẩm :
- Thật là lạ, hình như ta nghe có tiếng người lạ thì phải?
Dứt lời ông ta đảo bộ, trở mình bay vù lên lầu chứa sách.
Trong bóng tối, chú tiểu toát mồ hôi, chú hú hồn vì suýt bại lộ hành tung.
Chú không dám chường mặt ra vội, nép mình thật lâu chờ cho bốn bề vắng lặng như tờ rồi mới rời khỏi chỗ nấp, đi vòng ra phía sau, vượt qua một bức tường bề cao bốn trượng rời khỏi Bố Đạt La Cung.
Chú tiểu trổ khinh công thượng thặng đi vùn vụt về phía một đỉnh đồi gần đó.
Trên mái đồi xanh, dưới gốc một cây cổ thụ rườm rà có một lão già đầu râu tóc bạc, tuổi độ sáu mươi, thân hình khô héo, tuy cặp mắt lim dim mà hào quang lóng lánh.
Chú tiểu dừng chân trước mặt lão già, cung kính hỏi :
- Sư phụ đến lâu chưa?
Lào già lạnh nhạt hỏi lại :
- Ta hỏi mi, đã mười ngày nay mi liên tục đến trễ, hay là mi đã không có lòng học võ nữa?
Chú tiểu giật mình, vòng tay thưa :
- A di đà Phật! Đệ tử không dám chểnh mảng!
Lão già mỉm cười hỏi :
- Tâm Đăng, ta hỏi mi, mi theo ta học võ đã được bao lâu rồi?
Tâm Đăng suy nghĩ giây lâu trả lời :
- Đệ tử theo sư phụ học võ đã được mười năm rồi.
Lão già chớp nhanh cặp mắt hiền từ hỏi tiếp :
- Mi có biết tại sao mười năm nay ta không nề khó khăn cực nhọc, bất chấp gió mưa, đêm đêm đến đây truyền thụ võ công cho mi không?
Tâm Đăng lắc đầu :
- Đệ tử không biết, chỉ nghe sư phụ nói rằng học võ để phòng thân mà thôi.
Lão già lắc đầu :
- Nếu chỉ học để phòng thân thì chỉ trong ba năm cũng đủ, mà ta lại tốn đi mười năm tâm huyết. Nay ta nói rõ cho mi biết, mi vốn không phải là người trong cửa Phật. Bây giờ ta có việc cần kíp phải rời khỏi nơi này độ chừng một năm, vì vậy ta cho mi biết trước, từ đây cho đến ngày tết Trung Thu năm tới mi phải yêu cầu vị trụ trì Bố Đạt La Cung chấp thuận cho mi hoàn tục...
Câu nói chưa dứt thì Tâm Đăng đã toát mồ hôi lạnh, vội vàng trả lời :
- Thưa sư phụ, tôi là người của nhà Phật, không thể hoàn tục...
Lão già nghiêm ngay sắc mặt :
- Nếu mi cưỡng ý ta thì ta sẽ giết mi tức khắc.
Nói dứt lời, lão giơ bàn tay gầy gò khô đét lên dợm giáng xuống một chưởng.
Tâm Đăng thấy ánh mắt lão già sáng quắc, thái độ không lành, bất giác đơ lưỡi, nói chẳng ra lời.
Nhưng lão già bỗng từ từ buông tay xuống, thở dài nói rằng :
- Mi còn nhớ rằng khi ta truyền võ nghệ cho mi có nói rằng sau khi thành tài mi sẽ giúp ta làm một việc. Bây giờ mi hãy suy nghĩ cho chín chắn, nếu mi suốt đời không rời khỏi Tây Tạng thì ta sẽ phế hết võ công của mi. Nếu mi thuận lời thì trước ngày Trung Thu năm tới mi phải hoàn tục, rời khỏi Bố Đạt La Cung giúp ta một việc. Khi việc xong rồi ta không can thiệp đến tự do của mi nữa.
Tâm Đăng tan nát cả cõi lòng, chú tiếc cho nghệ thuật mình đã điêu luyện suốt mười năm, nay phế đi thì rất uổng.
Chú lại không muốn rời Bố Đạt La Cung, một nơi chú đã gửi thân suốt mười tám năm trời, ở trong đó có biết bao nhiêu đồng đạo yêu thương nhau còn hơn tình cốt nhục.
Nhưng mà cặp mắt tinh anh của lão giã cứ dán chặt vào gương mặt Tâm Đăng. Tâm Đăng suy nghĩ lâu lắm, rốt cuộc mới cắn chặt môi thưa rằng :
- Sư phụ, con suy nghĩ kỹ rồi... Con bằng lòng hoàn tục.
Dứt lời, hai hàng nước mắt tuôn rơi lã chã trên khuôn mặt khôi ngô.
Lão già mỉm cười hể hả, thò tay ra bẻ một cành cây khô trao cho Tâm Đăng, bảo rằng :
- Mi đừng nhu nhược như vậy, bây giờ hãy luyện Lạc Hồn kiếm, bắt đầu từ đòn thứ tám.
Tâm Đăng đón lấy cành cây, đứng thẳng mình lên dằn cơn xúc động, để cho tâm tư được bình tĩnh, đôi mắt nhìn thẳng về phía trước thong thả biểu diễn một đòn Thái Sơn Quan Nguyệt.
Đây là đòn thứ tám trong đường gươm Lạc Hồn kiếm, khí thế vững vàng như núi, thái độ bình tĩnh như Bồ Tát tham thiền, cái bình tĩnh thật là đáng sợ.
Thu bộ trở về, Tâm Đăng đứng yên trong giây phút, bỗng thét to một tiếng, thân hình chú như một mũi tên vừa thoát khỏi vành cung, bay bổng lên trên không trung tám thước.
Rồi như một con nhạn tung cánh giữa lưng trời, Tâm Đăng múa cành cây khô trong tay mình thành ra trùng trùng điệp điệp, đó là đòn Tang Hải Tầm Chu.
Mũi gươm chúc đầu xuống đất, hai bàn chân của chú lơ lửng ở phía trên, tư thế cực kỳ đẹp mắt đó như một con cá chép đang vùng vẫy trong dòng sông bạc.
Thân hình của chú la đà rơi xuống, còn cách mặt đất chừng ba thước, bất thình lình rụt phắt chân về, lộn ào một vòng chém ra một gươm thần kỳ huyền diệu theo thế Lãng Lý Hồi Đầu, trông vô cùng ngoạn mục.
Chỉ trong chớp mắt mà Tâm Đăng liên tiếp xử ba đòn giữa không trung, ba đòn này liên hoàn chặt chẽ, kín đáo vô song, hóc hiểm lạ lùng.
Tiếp đó, Tâm Đăng sử ra Lạc Hồn kiếm, thân hình thoạt tả thoạt hữu, khi tiến khi thoái, vạt áo nâu sồng bồng bềnh trong gió lộng giữa rừng đêm, khí thế như thác tràn sông lũ, có lúc lại nhẹ nhàng êm ái như gió thoảng tuyết rơi, biến hóa khôn cùng.
Lão già vuốt râu, sắc mặt vô cùng khoái chá, nhìn thấy bóng dáng kiêu hùng của Tâm Đăng, ông nhớ lại thời uy danh hiển hách của mình.
Lâu lắm Tâm Đăng mới thủ một thế Nhất Phật Triều Thiên. Thong thả đình bộ lại, sắc mặt của chàng rất bình thản, hơi thở điều hoà, tinh thần minh mẫn.
Lão già vỗ tay xuống đất nói :
- Khá lắm!
Tâm Đăng xuống rồi, lão già mới đón lấy cành cây khô nói tiếp :
- Mi ngồi xuống đây, ta còn một việc kể cho mi nghe.
- Trong một năm nay, nghệ thuật của con tinh tiến lắm, đó là nhờ phép Nhập Định Tham Thiền... ta sắp phải đi đây, chuyến đi này phải mất một năm tròn. Vì vậy đêm nay ta hỏi con, con theo ta đã mười năm, mà có biết tên ta là gì hay không?
Tâm Đăng lắc đầu...
Lão già ngửa mặt, nhìn vầng trăng lạnh nhớ về quá khứ, thong thả kể rằng :
- Ta tên là Lãnh Cổ, giang hồ tặng cho biệt hiệu Cô Trúc lão nhân... Mười tám năm trước, ta đi ngang qua kinh đô Tây Tạng bị mười mấy kẻ thù vây đánh, quả địch bất chúng, ta hạ sát bọn họ mấy người rồi bị họ kìm chế phải hứa với họ rằng từ đấy về sau không còn đặt chân vào giới giang hồ nữa. Nhưng ta còn một việc chưa làm, phải tìm một kẻ thế thân, kẻ đó chính là con vậy. Nếu con thành công thì ta sẽ được trở lại giới giang hồ...
- Con sẽ giúp ta điều gì? Đợi ngày tết Trung Thu năm tới ta sẽ nói rõ, bây giờ ta phải lên đường.
- Mỗi đêm học võ, con đều về trước, đêm nay sư phụ phải đi trước con đây.
Dứt lời không thấy thân hình ông động đậy nhưng đã đứng phắt dậy nhanh như chớp, thì ra Cô Trúc lão nhân chỉ đứng có một chân còn chân kia dường như đã tàn phế.
Đôi mắt ông lộ vẻ căm hờn, cười đanh ác :
- Chân ta tàn phế như vầy là điều ta chưa làm xong đó. Nhớ lấy lời ta, đêm rằm Trung Thu sang năm mi phải chừa tóc mà gặp mặt ta tại chốn này...
Nói đoạn, cất mình trổ thuật khinh công thoăn thoắt đi vào đêm tối.
Tâm Đăng hốt hoảng gọi :
- Sư phụ, khoan đã...
Lãnh Cổ vừa đi vừa khoát tay, nói với lại :
- Có điều gì chờ đêm rằm Trung Thu năm tới sẽ nói.
Câu nói vừa dứt thì thân hình của ông cũng biến vào bức màn đêm âm u, mù mịt...
Chỉ còn Tâm Đăng ở lại, cúi đầu dưới bóng trăng mờ nhạt, trong lòng chú dâng lên một niềm cảm hoài chua xót.
Lãnh Cổ đã khuấy động tâm tư của một kẻ vui dưới bóng Phật đài.
Từ đây, Tâm Đăng sẽ bước chân vào chồn bồng bềnh sóng nước, phiêu bạt giang hồ, tương lai là một chuỗi ngày đầy bão bùng dông tố, không biết dòng đời sẽ đưa đẩy chú về đến nơi đâu!
Sáng ngày hôm sau, Tâm Đăng bất thần được lệnh của trụ trì Bố Đạt La Cung là Tạng Tháp gọi vào yết kiến.
Tâm Đăng theo chân một vị hòa thượng, trèo lên đến tầng thứ tư của Bố Đạt La Cung là phòng riêng của Tạng Tháp.
Tạng Tháp ngồi trên bồ đoàn, nghiêm trang hỏi Tâm Đăng vài câu sách Phật.
Hỏi đến đâu, Tâm Đăng trả lời đến đó thật là thông suốt, làm cho Tạng Tháp vô cùng mừng rỡ, nhưng bỗng ông ta sa sầm sắc mặt, thở dài lẩm bẩm :
- Rõ ràng là người trong nhà Phật... Sao lại không theo Phật, thật là lạ!
Tâm Đăng ngơ ngác, không biết ý ngầm của Tạng Tháp bảo gì, chợt nghe ông ta cất tiếng hỏi :
- Tâm Đăng, con đến nay đã mười bảy năm, con có biết tại sao ta chỉ để cho con xuống tóc mà không cho con thụ giới?
Tâm Đăng cung kính trả lời :
- Đệ tử thật không biết!
Tạng Tháp buông xâu tràng hạt trên tay xuống, thở dài rồi nghiêm nghị nói rằng :
- Con vốn họ Tiêu, tên là Chính Dung. Mười tám năm trước có một kỳ nhân tên là Lương Hoài Băng gửi con cho ta bảo rằng mười lăm năm sau sẽ trở lại đón con ra khỏi chùa, đến hạn kỳ nếu hắn không trở lại, con sẽ ở lại đây suốt đời... Ta đã đợi quá hạn hai năm rồi mà hắn chưa trở lại. Nay ta hỏi mi, mi có nguyện sống suốt đời dưới Phật đài hay là có ý định nào khác?
Đây là lần thứ nhất Tâm Đăng nghe kể về lai lịch của mình. Chàng nước mắt xuống như mưa, thầm nghĩ :
- Trời! Cha mẹ ta là ai! Hay là ta phải hoàn tục?
Tâm Đăng ngước mặt lên, nói qua làn nước mắt :
- Thưa đại sư! Con... con muốn bắt đầu từ ngày mai chừa tóc lại để ngày Trung Thu năm tới sẽ hoàn tục.
Tạng Tháp giật mình nhưng lấy lại ngay bình tĩnh, thong thả nói rằng :
- Tốt, ta chấp thuận yêu cầu của con, vậy bắt đầu từ ngày mai con dời vào lầu chứa sách cư ngụ. Khỏi phải sống cực khổ theo đồng đạo... Nếu con thích thì có thể đọc thêm một ít sách Phật để thấm chân lý... và tết Trung Thu năm tới sẽ hoàn tục. Mười chín năm! Con có duyên với nhà Phật được mười chín năm.
Nói rồi truyền cho Tâm Đăng lui ra.
Còn lại một mình giữa gian phòng thênh thang, tĩnh mịch.
Tạng Tháp thở dài, lẩm bẩm :
- Rõ ràng là người trong nhà Phật, sao lại không theo Phật, thật là lạ!
Tối hôm ấy, Tâm Đăng không còn ngủ trong tiền viện nữa mà dời vào lầu chứa sách.
Đêm đã khuya rồi, một mình Tâm Đăng ngồi dưới ngọn đèn mờ, đưa mắt ngắm nhìn kệ sách ngổn ngang trước mặt, trông rất buồn rầu.
Chú nghĩ thầm, nếu ta đọc hết chỗ sách Phật này thì trí tuệ mở mang biết mấy nhưng hỡi ôi, ta sắp sửa phải rời khỏi chỗ này...
Thẫn thờ giây lâu, chàng khép kín cửa phòng luyện lại một đường gươm Lạc Hồn kiếm.
Lúc bấy giờ vào khoảng canh ba, đường gươm vừa dứt, Tâm Đăng bèn trải chiếu ra ngủ nhưng trong lòng băn khoăn xao xuyến, không sao chợp mắt.
Suốt một trống canh mà chú cứ trăn trở mãi, chợt nghe bên ngoài có tiếng dép đi nhè nhẹ trong lòng kinh nghi, thầm nghĩ :
- Đêm hôm khuya khoắt thế này mà ai còn lần mò đến đây, hay là họ định ăn cắp sách?
Chú vội vàng nín thở hé mắt chờ xem động tĩnh.
Quả thấy bên ngoài có một vị hòa thượng se sẽ đẩy cửa đi vào. Người này tuổi ngoại thất tuần, mà cặp mắt vẫn còn tinh anh đáo để, nhác trông cũng biết là người luyện võ đến mức cao thâm.
Người ấy chẳng ai xa lạ, chính là Y Khắc.
Tâm Đăng trong lòng cả sợ, vội thở đều đều, giả vờ đã ngủ say rồi.
Chú lắng tai nghe rõ, thấy Y Khắc nhè nhẹ bước đến bên mình chú, se sẽ gọi :
- Tâm Đăng!Tâm Đăng!
Chú ngỡ rằng Y Khắc có việc cần kíp gọi mình, vừa định há mồm trả lời, chính vào lúc đó một luồng sức mạnh tràn tới ép vào huyệt ngủ của chú.
Tâm Đăng táng đởm kinh tâm, không dám tránh né, sợ bại lộ tông tích mình là người biết võ, vội vàng vận dụng nội công để hộ huyệt.
Vào lúc đó thì hai ngón tay Y Khắc đã điểm tới, chàng cắn răng chịu đựng một ngón rồi khe khẽ cựa mình lại giả vờ ngủ say như chết, thoạt trông ngỡ rằng chú trúng huyệt mà ngủ.
Lão luyện như Y Khắc mà vẫn mắc mướp, ông ta buông một tiếng cười đắc ý lẩm bẩm :
- Chú tiểu này thật phiền cho ta!
Nói rồi xoay lưng đi thẳng. Tâm Đăng lại khe khẽ hé mắt ra nhìn, trong lòng chú hết sức kinh nghi, không biết Y Khắc điểm huyệt ngủ của mình có dụng ý gì?
Thoáng thấy Y Khắc đứng trước một giá sách, cúi đầu suy nghĩ, trong tay lão có một quyển sổ và bút mực, lâu lắm lão ngửng đầu lên rảo mắt tìm tòi. Tâm Đăng hỏi thầm :
- Lão ta chép kinh? Nhưng tại sao lại chép vào lúc đêm hôm tăm tối? Tại sao lại điểm huyệt ta?
Chợt nghe Y Khắc lẩm bẩm :
- Chính nó nằm trong giá sách này, ta mất thời gian hai hai năm lục soát tìm tòi, ta không thể ra đi với hai bàn tay trắng.
Đoạn lão để bút mực lên bàn, rút sách ra đọc từng trang nhanh như chớp.
Giá sách này thật cao, chia ra làm nhiều ngăn, khi đọc hết những quyển sách tầng dưới rồi, Y Khắc thình lình nhún chân nhảy vù lên cao ba trượng bằng một thế khinh công tuyệt mỹ, một tay bám lấy đầu giá sách, một tay kia rút sách từ tầng chót ra xem, bộ điệu cực kỳ ngoạn mục, làm cho Tâm Đăng phải tấm tắc khen thầm.
Chàng thở dài :
- Ta luyện võ đã mười năm, những tưởng khinh công tuyệt diệu, nào ngờ so với Y Khắc thật là một trời một vực, biết chừng nào mới kịp ông ta?...
Chợt nghe Y Khắc lẩm bẩm :
- Hai mươi năm, ta đã tốn mất hai mươi năm nghị lực để tìm tòi, nếu không tìm ra thật là chết không nhắm mắt.
Tâm Đăng trống ngực đánh liên hồi, chợt nghe Y Khắc rú lên mừng rỡ :
- Đây rồi! Đây rồi! Ha, ha ha.
Giật mình đánh thót, Tâm Đăng lại hé mắt ra nhìn thấy Y Khắc đang cầm một quyển kinh trên tay mà mặt mày mừng rỡ.
Ông ta cầm quyển kinh ấy bước đến bên án thư rồi liếc mắt nhìn Tâm Đăng. Tâm Đăng cả sợ nhắm nghiền mắt lại.
Lâu lắm, chàng lại khẽ hé mắt nhìn thấy ông ta gầm đầu trên bàn, chép kinh bằng một bút pháp thần tốc.
Lúc bấy giờ trống đã trở canh tư, Y Khắc giật mình, xếp quyển kinh trả về chỗ cũ đoạn nhanh nhẹn rời khỏi nơi đó.
Bên ngoài văng vẳng có tiếng công phu của những chú tiểu trong chùa vẳng lại...
Truyện khác cùng thể loại
99 chương
49 chương
40 chương
430 chương
1149 chương
38 chương
36 chương
9 chương
28 chương