Có khi nào rời xa

Chương 6 : Món quà của quá khứ​

Sang ngày hôm sau, tôi vẫn xin nghỉ làm. Tôi muốn bình tâm một chút, chỉ muốn vùi đầu vào bóng tối mê man và đâm sợ ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, cuộc gọi lúc chiều của Khắc phá hoại tất cả. Vừa « Alo » anh đã sốt sắng : « Mai qua xem Phương như thế nào hộ anh với ! Anh điện vào cả di động lẫn máy bàn mà không ai nhấc máy. Suốt từ tối hôm kia tới giờ, vẫn không liên lạc được ! » Tôi mất vài giây im lặng chỉ để hỏi : « Em tưởng anh về từ hôm qua rồi ? » « Không, anh lại bận. Công vụ với chả công việc ! Lại phải vướng sang tuần sau. Em qua xem Phương hộ anh với, xem cô ấy có chuyện gì không, anh nóng ruột quá ! » Phương ư ? Tôi biết thừa cô ấy có chuyện gì, với ai nhưng vẫn trấn an Khắc bằng lời hứa sẽ qua xem sao. Lúc tôi đến nhà Phương, vừa kịp lúc cô ấy đi đâu đó về. Không phải một mình, Phương đi cùng gã trai kia. Gã đó tay xách nách mang không biết bao nhiêu thứ, còn Phương, đi ngay sau, dẫu nhìn từ xa song tôi vẫn nhận rõ độ tiều tụy trên gương mặt cô ấy. Hai người đó cùng đi vào nhà, trông Phương như vừa phải trải qua một cơn bão áp thấp nhiệt đới còn gã đó, ánh mắt lộ rõ vẻ âu lo. Hai người ấy tình tứ, quan tâm nhau như vậy còn cần tôi làm gì ? Tôi tức giận bỏ về, nhưng về rồi lại không yên ổn ăn cơm tối mà bụng dạ cứ trên chín cung mây. Cuối cùng, tôi lại đến nhà Phương thêm lần nữa, tự nhủ không phải do ý muốn bản thân mà là do lời hứa với Khắc. Cổng nhà Phương khóa nhưng tôi có chìa khóa mà. Cô ấy đưa cho tôi bảo tự mở cửa vì đêm hôm, cô ấy ngại phải xuống mở. Trong sân không thấy cái xe lạ nào, chắc gã kia về rồi. Thấy thế thôi tâm trạng tôi cũng khá hơn nhiều. Trong nhà đèn điện sáng choang nhưng phòng khách trống không. Tôi đi lên tầng, mở cửa phòng ngủ, quả nhiên Phương đang nằm trên giường, đôi mắt nhắm nghiền. Mới hơn 8 giờ mà cô ấy đã đi ngủ. Tôi hơi ngạc nhiên, vì Phương thường ngủ rất muộn trong những đêm tôi tới đây mà. Tôi lại gần nhìn gương mặt tĩnh lặng của cô ấy lúc ngủ, yên bình tới mức tôi không sao tưởng tượng nổi, cùng một gương mặt ấy, một con người ấy, mới vừa hai hôm trước, lớn tiếng xỉ vả tôi. Không nén được tôi đưa tay vuốt nhẹ vầng trán cô ấy và rồi lập tức phát hiện, không phải Phương đang ngủ mà là đang sốt cao bừng bừng. Cô ấy quả thực ra rất nhiều mồ hôi, cả người đẫm nước lại còn đắp chăn nữa chứ. Thời tiết này mà trùm chăn bông run lập cập. Tôi liếc nhanh, chẳng có ai ở đây ngoại trừ tôi và một túi thuốc hạ sốt. Tự nhiên nhớ lại hôm trước, tôi thấy ân hận, quả Phương đã bị ốm, thế mà lại cho rằng cô ấy nói dối. Tôi đi xuống nhà lấy túi đá chườm, trở lên, Phương vẫn mê man tỉnh tỉnh mơ mơ. Lúc tôi đặt túi đá lên trán, Phương rùng mình. Có lẽ trong mơ cô ấy đang rớt vào một vũng nước lạnh băng. Tôi lấy khăn ướt lau khắp mặt, cổ và cởi cả áo Phương ra để lau người cho cô ấy. Có điểu mới luồn tay vào dưới áo, tay tôi đã bị tay cô ấy chặn lại. - Ham muốn cả một người ốm yếu thì quá ư tội lỗi đấy ! – Phương cất tiếng, giọng yếu như cánh diều mỏng dây, tay cô ấy giữ tay tôi vô lực như một đứa trẻ bấu víu hơn là ngăn cản một hành vi đồi bại. Cặp mi cong cong chuyển động nhưng đôi mày xô lại, trưng bày một ánh nhìn nhuốm màu mệt mỏi mà vẫn bất mãn ngấm ngầm. Tôi thích ánh mắt này của Phương, bởi một khi nhìn thấy nó, tôi sẽ lại được khơi gợi về những hoài niệm một thời dĩ vãng sâu xa. Nhất thời, gương mặt tôi dãn ra. Phương thấy tôi cười nhẹ, tưởng nhầm tôi có ý sàm sỡ nên càng giận, dù hoàn toàn đứt hơi, vẫn cố hết sức đẩy tôi ra, bàn tay cô ấy đến được ngực tôi thì chỉ trở thành một cái chạm tay kích động. Tôi lại cười, làm cặp mày Phương nhướn cong thêm hơn nữa. Để cô ấy khỏi cố công vô ích, tôi giải thích : - Hiếu không có ý gì đâu, Hiếu chỉ muốn lau người hộ Phương thôi. Mồ hôi ra nhiều quá ! Phương ném cho tôi ánh nhìn không tin được. Cặp mắt mở to, kéo lên trong tim tôi một lớp màn rung động. Bất chấp cô ấy tin hay không, tôi vẫn phải tiếp tục công việc của mình, nhẹ nhàng đỡ người Phương dậy, ôm trùm cô ấy trong vòng tay, cởi lớp áo ngoài xong, tôi khẽ thầm thì vào tai Phương : - Ăn gì chưa ? Uống thuốc được chứ ? Cô ấy không đáp, chỉ muốn nằm xuống ngay lập tức. Tôi đắp lại chăn cho Phương, đi ra ngoài và trở lại với một cốc sữa nóng. Phương thực sự vẫn còn biết nghe lời, dù không muốn vẫn ngoan ngoãn uống, được non nửa cốc, tôi lấy thuốc cho cô ấy và hỏi : - Sao rồi ? - Lạnh – Phương đáp cụt lủn. Nên tôi quyết định bò lên giường, ôm cô ấy mà ngả người vào thành tường. - Không nhất thiết phải tỏ vẻ tử tế thế đâu. - Giọng Phương lạnh nhạt vang lên trong lòng tôi. - Khắc đã nhờ mà. Nếu Khắc biết Phương bị ốm, chắc sẽ giết Hiếu mất. – Tôi vin vào một lí do vờ vĩnh nhưng thuyết phục. Tiếng Phương vang lên mơ màng không rõ chữ : - Thảo nào... Tôi ôm cô ấy vào lòng mà vẫn cảm thấy xa xôi đến se sắt. Chẳng hiểu sao, dù có gần đến thế nào chăng nữa, tôi vẫn không cảm giác bản thân chạm tới được cái gì chân thành, tha thiết nơi Phương, cô ấy cứ lặng lẽ tách dần ra, xa cách trong ranh giới vô hình. Chúng tôi, mỗi người một ý tứ, một tâm thức, chẳng bao giờ đồng vọng. Tôi nghĩ về Phương, mong mỏi mà cố nén, khao khát mà càng day dứt. Còn cô ấy đang nghĩ gì trong vừng trán bừng bừng sốt cao ? Một hồi lâu sau, tôi không căn rõ được vì thời gian trôi tản mạn, ủ rũ khó định lượng, Phương đột nhiên cất tiếng hỏi trong khi tôi tưởng cô ấy sớm đã ngủ yên : - Hiếu đã khi nào đối với Đan như thế này chưa ? - Là sao ? - Là chăm sóc, pha sữa, là ôm lấy Đan, là... – Phương cố dò dẫm tìm lối diễn đạt phù hợp - ...là như bây giờ. Lời Phương nói truyền tới một cảm giác lạ lùng - Đang ghen à ? – Tôi hỏi đùa. Lập tức, Phương phản ứng gay gắt : - Không, điên ! Ai ghen ? Tôi biết ngay mà. Nhưng nghe Phương hỏi thế vẫn cảm thấy vui vui trong lòng : - Đan ư ? Cô ấy không phải loại yểu điệu thục nữ, hở ra là ốm đau ! – Tôi châm chọc rồi kết luận kèm một tiếng thở dài – Nên muốn như bây giờ cũng khó. - Hiếu đang tiếc à ? - Không – Tôi vẫn giữ nguyên nụ cười trên môi, nụ cười hạnh phúc sướng rơn vì một điều giản dị nhưng sẽ chẳng bao giờ Phương thấy được, tôi sẽ chỉ để lộ ra khi cô ấy quay lưng lại với tôi mà thôi. Mười đầu ngón tay, tôi đem đan lại với những ngón tay nhỏ nhắn của Phương, để cho cảm giác ấm áp, hân hoan thấm dần từ tay, theo máu trào vào tận tim. Giá cứ như thế này, tôi ước một điều sai trái, nếu Phương sốt dài dài một chút thì có phải hay không. - Hiếu đang nghĩ gì thế ? - Phương bỗng quay lại bắt quả tang ánh mắt mê ngập ngây ngất của tôi. - Không … - Tôi vội chối, lảng đi – Nghĩ gì đâu. Thế Phương đang nghĩ gì ? Phương ngập ngừng nhìn tôi, nửa thăm dò nửa ưu tư : - Tự nhiên lại nhớ đến những chuyện vu vơ. Đọc trong đáy mắt cô ấy, tôi phát hiện cái câu chuyện vu vơ kia. Nó vốn không phải chuyện gì bí ẩn, chỉ là nó đã thuộc về một hoài niệm xa xôi quá rồi ! Đến độ tôi không dám chắc nó có thực đã tồn tại, có thực đã in dấu sâu đậm trong tâm trí tôi. Dễ phải đến sáu, bảy năm trước, tôi còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Vì không cẩn thận bị dầm mưa nên cảm nặng, nghỉ ở nhà đến gần một tuần. Không đi ra ngoài, không thăm hỏi, giao tiếp với bất cứ ai, tôi một mình vật vạ cho đến một buổi chiều, một vị khách bất ngờ tới thăm. Phương rụt rè đẩy cửa bước vào phòng tôi, trên tay xách một túi bánh, e dè nói : - Mẹ anh bảo anh ở trên này – Phương cố mỉm cười cho đỡ ngượng – em thay mặt đội cờ đỏ của trường tới thăm anh ! Tôi đang mơ mơ màng màng nằm úp mặt xuống giường, lại mặc mỗi một chiếc quần đùi, đột nhiên có người tới, lập tức ngồi bật dậy, cuống cuồng rúc mình vào chăn. Khi nhận ra là Phương, mặt tôi càng đỏ như quả gấc. - Em ... em... – Tôi lắp bắp – ... em đến à ? Phương gật đầu, lưỡng lự tìm một chỗ ngồi trong cái đống lổn nhổn đồ lót và tranh ảnh sách báo có nội dung « hơi » thiếu đứng đắn. Tôi ngượng chín người, dẫu có sốt hâm hấp vẫn nhận thức rõ độ bẽ mặt của bản thân. Cái ghế và bàn học cũng đã chất cao như núi, đủ thứ vỏ bim bim, cam quýt mà cả tuần ốm liệt giường tích tụ, chỉ còn thiếu nước bốc mùi để bóc mẽ chủ nhân. - Ơ, ừm... em cứ ngồi luôn trên giường cho tiện. – Tôi gợi ý. Phương cũng chẳng còn lựa chọn nào khá khẩm hơn. - Em kéo dùm anh cái rèm với ! – Tôi đề nghị bởi ánh sáng lờ nhờ trong phòng gợi một cảm giác rờn rợn. Phương đứng lên, lại gần cửa sổ, một cái kéo tay nhẹ nhàng, cả khung trời chiều ráng đỏ bỗng chốc hiện ra từ phía sau cô ấy, những ánh tà dương cuối cùng quấn quýt hình hài xinh đẹp, làm tôi ngẩn ra, lồng ngực gao gắt đập đến độ váng vất. Tôi biết thừa, cái này không phải do bất kì cơn sốt nào. - Sao ... sao Phương biết anh bệnh mà đến ? – Tôi hỏi, cố che giấu vẻ bối rối khi bị gương mặt trong khiết xinh đẹp làm cho nghẹt thở. - Anh nghỉ học cả tuần nay rồi mà giờ em mới đến thăm được. Không có anh, em phải đi kiểm tra cả khối 12 một mình thôi đấy ! Phương không có ý trách móc nhưng tôi vẫn « xin lỗi » một cách ăn năn thật sự. - Không phải tại anh mà. Sao anh phải xin lỗi ? Là em sai mới đúng, đáng lẽ vào cái hôm trời mưa tầm tã, anh đưa ô, em không nên nhận. Hại anh đi về, dính mưa nên... - Đâu phải anh ốm vì thế ! – Tôi vội ngắt lời Phương – Em đừng nghĩ thế. Phương không cãi lời tôi, lúc ấy, chúng tôi mới chỉ thân thiết bên nhau một học kì rưỡi. Cùng đi trực tuần với nhau, hỏi thăm đủ thứ chuyện vẩn vơ và lắm khi, tôi còn rủ Phương trốn tiết 15 phút đầu giờ để rúc vào một xó xỉnh nào đó. Tôi cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi một người bạn kém tuổi lại có thể có nhiều chuyện để san sẻ đến thế. Trước Phương chưa từng có ai khiến tôi có thể mê mẩn theo gót chân mà nhởn nhơ ngắm cảnh mây trôi nước chảy. - Anh thích máy bay giấy nhỉ ! – Phương chỉ vào dãy hàng chiếc máy bay giấy bé bằng lòng bàn tay do tôi tự gấp, xếp đặt ngay ngắn trên nóc tủ, - Ừ ! – Tôi đáp, hơi sợ cô ấy sẽ nghĩ mình quá trẻ con nhưng Phương lại hỏi : - Sao anh gấp nhiều thế ? Lại còn xếp được thành một hàng dài. - À, từ lúc lên sáu, mỗi lần sinh nhật anh đều gấp một chiếc máy bay và ghi điều anh mong muốn vào thân chiếc máy bay ấy. - Ở đây có 10 chiếc. – Phương ngạc nhiên – Anh đã giữ suốt 10 năm những chiếc máy bay giấy này ư ? - Ừ - Tôi thú nhận mà khoe khoang – Anh thường giữ gìn mơ ước rất cẩn thận mà. Phương nhìn tôi rồi nhìn những chiếc máy bay, bất chợt cô ấy nhón lấy chiếc đầu tiên. - Em tò mò muốn biết năm 6 tuổi, cậu bé tên Hiếu đã mong muốn gì ? Chắc Phương đoán tôi sẽ đòi một con rô bốt nào, một bộ cá ngựa, siêu nhân hay bất cứ cái gì mà đám trẻ tầm tuổi đó yêu thích. Nếu như muốn thế, có lẽ mẹ đã có thể mua ngay cho tôi, đã không để sinh nhật đầu tiên tôi có ý thức về bản thân mình trở nên nuối tiếc đến vậy. Năm 6 tuổi, tôi tập tành cầm bút, nắn nót cả tiếng đồng hồ để ghi ra mấy chữ nguệch ngoạc này : « Mẹ ơi, con muốn có bố ». Gương mặt Phương khi nhìn thấy những dòng chữ này, nét ngây thơ không che giấu nổi ngạc nhiên đến sững sờ. - Chữ cậu nhóc đó quá xấu à ? – Tôi hỏi đùa, cố mỉm cười tự nhiên. Phương không biết nói gì trong nỗi sửng sốt và tôi cố giải thích cho cô ấy, làm ra vẻ bình thản như không : - Chưa ai nói cho em biết à ? Bố anh mất trong một tai nạn xe. - Em ...em... xin lỗi, em … - Không sao, em không biết mà. Nhưng cũng yên tâm anh chẳng có tí ấn tượng gì về chuyện đó cả vì nó xảy ra trước khi anh ra đời tận tám tháng cơ. Vì tôi cười tươi đến nỗi mắt nhắm tít cả lại nên Phương đã đến ngồi ngay bên cạnh, lẳng lặng thôi, cô ấy đan từng ngón tay vào bàn tay tôi. Tôi cứ nghĩ Phương sẽ nói điều gì đó, dạng như đánh lạc hướng sang một vấn đề khác chẳng hạn, như cái cách mà mọi người, và cả chính tôi nữa, cũng hay cư xử. Nhưng Phương lại chọn cách im lặng. Mắt Phương hướng về tôi, đôi mắt trong veo của cô bé mới 16 tuổi ấy ám ảnh tôi đến độ mãi tận sau này, nghĩa là đã rất nhiều nhịp đời trôi chảy biến thiên, tôi vẫn cứ mường tượng thấy lại nó trong những cơn mê sảng mập mờ tỉnh mơ. Tôi thực sự đã nhìn Phương đắm đuối, để thấy rõ từng tia nắng cuối cùng hoe đỏ như rỏ máu, rọi qua cửa sổ, vẩy lấm tấm làm bầu má Phương hồng hồng. Trong bữa tiệc hoàng hôn buồn thảm giữa bầu trời và mặt đất, tôi bị ánh nhìn của Phương xuyên thấu, và không thể giấu diếm nổi điều gì, tôi bắt đầu nói như cái máy : - Em có nhớ câu chuyện chúng ta nghe trong buổi ngoại khóa về Tình yêu và giới tính không ? Cái buổi mà cả sân trường cười ồ lên ý, sao lại có thể cười được nhỉ ? Em có nhớ tiểu phẩm đó không ? Mà hai vợ chồng đang trong một buổi tối chủ nhật ấm cúng ấy ! Cả hai dựa vào vai nhau, cùng xem một bộ phim lãng mạn của Pháp ấy ! Rồi bỗng nhiên có tiếng chuông cửa, người vợ ra mở cửa và bắt gặp một đứa bé gái tèm lem nước mắt, vừa khóc vừa sợ sệt giơ ra mảnh giấy trên tay. Mảnh giấy ghi : “Anh không đưa tiền nuôi con, tôi gửi con anh tới đây cho vợ anh nuôi !”. Người chồng cũng chạy ra, nhìn đứa trẻ rồi nhìn người vợ, bàng hoàng câm lặng. Hóa ra anh ta đã ngoại tình với một ả đào mỏ, rồi có con với cô ả đó mà lại không chịu giàn xếp ổn thỏa nên cô ả đó mới làm bung bét lên. Em nhớ chứ ? Kì lạ là ngay sau buổi ngoại khóa ấy, đêm về, anh đã nằm mơ về chính câu chuyện ấy. Kì lạ hơn nữa là anh thấy mình, rõ ràng là con trai, một cậu trai đã 17 tuổi ấy, vậy mà lại hóa thành đứa bé gái non nớt kia, cũng cứ khóc òa lên. Anh đấm thùm thụp vào cánh cửa to dày choán trọn cả lối đi, trên tay anh cầm chiếc máy bay giấy từ hồi lên 6 và gào khóc gọi bố. Nhưng khác với câu chuyện kia, chẳng có cặp vợ chồng nào xuất hiện, cửa vẫn im ỉm đóng, nặng nề như sắp đổ ập xuống đầu anh. Anh càng gọi, bốn phía càng câm lặng không một tiếng người đáp lại. Bóng tối, đáng sợ lắm, nó cứ lấn dần, từ mọi phía giăng ra đầy sợ hãi, đến nỗi cả chính anh, đã bắt đầu bị nó ăn mòn. May mà sau đấy, có tiếng chuông báo thức nên anh bừng tỉnh. Nhận ra bản thân đang bấu mạnh vào thành giường, anh kinh hoàng và sợ hãi. Anh phát hiện, anh thậm chí còn không được như đứa bé gái kia, vì ít ra, nó còn có thể, còn có thể… nó có thể gặp, có thể gọi … hai tiếng … “Bố ơi !” … nhưng còn anh … anh … Giọng tôi ngắt quãng vì những cơn nấc từ cổ họng. Và tôi bắt đầu khóc, nước mắt lăn dài, lem nhem thực sự. Đó là lần đầu tiên tôi thấy bản thân trở nên yếu đuối đến vậy. Từ lúc biết nhận thức, tôi chưa một lần dám thể hiện những mặc cảm này trước mặt mẹ, vì tôi sợ, nước mắt của tôi sẽ làm mẹ rơi thêm càng nhiều nước mắt hơn. Nhưng với Phương, tôi không cần phải che giấu gì, tôi được trở về đúng bản chất tự nhiên. Với Phương, tôi mãi mãi là một cậu trai lớn xác, rất lâu, rất lâu mới trưởng thành được.