Có khi nào rời xa

Chương 11 : Rời xa

“Gửi Hoài, con gái yêu của mẹ. Lúc con đọc được những dòng này, mẹ đoán, mẹ đã không còn trên cõi đời này nữa. Vì lá thư này, mẹ viết ra, không phải để một lúc nào đó đưa tận tay con. Mẹ sẽ cất kĩ trong chiếc hộp mà chìa khóa sẽ chỉ được trao lại cho con sau khi mẹ ra đi. Trời đang giữa đông, rét cắt da cắt thịt. Mẹ thì đang mở toang cửa sổ, để cho cái lạnh nhắc nhở tâm trí phải linh mẫn. Chỉ đêm nay thôi, mẹ sẽ khiến buồng bệnh của bệnh viện này phải sáng điện suốt đêm. Có lẽ nếu may mắn, mẹ sẽ bấu víu được trên cõi đời này, cùng lắm là đến giữa năm sau. Mẹ tự biết thế. Dẫu con có nằng nặc cãi lại, kêu mẹ đừng nói gở. Nhưng con biết không, đôi khi thần chết ghé qua, đột ngột chỉ như chiếc công tắc điện phụt bật rồi phụt tắt, có nán lại âm râm bao giờ ? Nhưng cũng đôi khi, hiếm hoi thôi, thần chết có ưu ái ban cho một vài dấu hiệu báo trước, bằng chứng rõ ràng nhất là những trận lịm ngất liên tiếp gần đây, cả những cơn co giật và mê sảng nối tiếp nhau. Và cả … mẹ không muốn kể thêm nữa, không phải vì nó nhắc mẹ về những cực hình bệnh tật mà mẹ đã và đang phải chịu. Những thứ đó, mẹ đã quá quen rồi. Mẹ chỉ sợ, con sẽ khóc mất ! Con đừng khóc nhiều quá đấy ! Mẹ sẽ không cấm con khóc nữa. Vì suy cho cùng, nước mắt là thứ làm cho phụ nữ chúng ta mạnh mẽ hơn phần còn lại của thế giới. Mẹ không cần phải dặn dò hay trăng trối gì cả. Vì con đã có được, còn hơn những gì mẹ kì vọng. Con không bao giờ làm mẹ thất vọng cả. Từ khi con non nớt tập tành đạp xe để rồi ngã liên tiếp nhưng vẫn quyết đứng dậy. Cho đến hôm nay, con đã trở thành một cô luật sư xinh đẹp và bản lĩnh. Mẹ tự hào vì con biết tự nhìn nhận lại bản thân, biết sống mà chưa từng phải hối hận. Không giống mẹ của con ! Mẹ đã từng sống như thế, đã từng biết mơ ước, biết hi vọng và cả quyết tâm thực hiện nữa. Nhưng cuối cùng, mẹ vẫn cứ hối hận. Con từng hỏi mẹ, nỗi ân hận lớn nhất của mẹ, có phải là yêu bố con và sinh ra con hay không ? Mẹ đã bảo không phải và chưa bao giờ là phải. Mẹ chỉ hối hận, một điều duy nhất thôi, đó là mẹ đã không cho con một người bố. Mẹ đã tưởng chỉ mình mẹ là đủ, mẹ đã lầm. Mẹ đã đơn giản khi cho rằng có thể san lấp khoảng trống trong gia đình mình, chỉ cần mẹ cố gắng ! Nhưng khi đến dự lễ tổng kết mẫu giáo của con, nhìn vào đôi mắt dằng dặc thất vọng lẫn ngóng mong vào chỗ trống bên cạnh nơi con, mẹ mới hiểu. Các bạn con, đều có cả bố và mẹ, chỉ mình con là còn chỗ trống bên cạnh. Mẹ biết là con đã khóc suốt cả đêm hôm đó. Con giận mẹ đến nỗi đóng sầm cửa lại và khóa trái. Tiếng khóc của con, vọng mãi trong đêm, thành một nỗi ám ảnh. Ngay giây phút ấy, con có biết mẹ đã làm gì không ? Mẹ đã cầm điện thoại và gọi ngay cho bố con. Tất cả những gì mẹ muốn là gào lên mà nói với người đó rằng : “Anh có biết anh có một đứa con gái dễ thương nhường nào không ? Anh có biết là con bé đang khóc vật vã vì không có bố không ? Anh có biết …” Mẹ đã định nói những điều như thế ! Nhưng mẹ xin lỗi con, mẹ không làm được. Cổ họng mẹ không phát ra nổi bất kì âm thanh nào. Toàn thân mẹ tê liệt hoàn toàn khi nghe thấy giọng nói người đó : “Alo ! Ai đấy ? Alo !” Cái giọng trầm trầm bình tĩnh ấy rót vào tai mẹ những luồng tê tái rát lạnh. Người đó, bố con không thể biết đầu dây bên kia là ai, bởi bố mẹ đã cắt liên lạc từ lâu. Làm sao bố con biết được ? Bố con chỉ biết hỏi “Ai đấy ?” rồi im lặng, chờ đợi trả lời. Hơi thở dài, từng luồng sâu thẳm của người đó làm lồng ngực mẹ như muốn vỡ tung. Mẹ vội cúp điện thoại. Một cuộc gọi duy nhất trong hơn hai mươi năm trời. Với người ấy, chỉ là một cú gọi lộn số. Còn với mẹ, mẹ không sao quên được bản thân đã phải kìm nén ra sao để không bật khóc ngay trên điện thoại. Vì nếu như thế, chỉ qua tiếng khóc thôi, mẹ cũng sợ người ấy sẽ biết, sẽ nhận ra, mẹ là ai. Nói đến đây, chắc con biết chuyện gì đã xảy ra rồi chứ ? Thật ra mẹ không giấu con điều gì, cũng không muốn con hiểu lầm bố con đã bỏ rơi hai mẹ con mình. Chỉ là mẹ không sao giải thích được, để cho con không sa vào một hiểu lầm khác, còn tai hại hơn nữa. Bố con không biết có con trên cõi đời này. Đúng hơn, người ấy không biết, bản thân mình có một đứa con gái. Nên con đừng trách bố con nữa nhé, không phải bố con không nhận con, như con vẫn tưởng đâu. Lúc con làm hồ sơ học đại học, trong mục ghi về “Cha”, con phải để trống hoàn toàn. Mẹ nhận ra sắc mặt tái xanh của con. Khi ấy, mẹ đã định kể cho con tất cả, mà rồi một dự cảm còn khốn khổ hơn kịp ngăn mẹ lại. Mẹ không muốn con phải nếm trải những gì mẹ từng chịu đựng. Người đàn ông ấy, bố con, thà rằng không cho con biết, thà rằng không cho người ấy biết, thì mọi sự vẫn còn có thể tốt đẹp an lành. Như suốt hai mươi từ năm nay, chẳng phải mọi thứ vẫn ổn hay sao ? Mẹ con mình vẫn sống bên nhau, hạnh phúc đủ đầy, bình yên không xáo trộn. Mẹ những mong chúng ta sẽ mãi như thế. Cho đến khi con định quay trở lại nơi đó. Con muốn làm việc ở một công ty luật có tiếng, mẹ hiểu, nhưng ngay trên thành phố mà mẹ đã phải trốn chạy. Mẹ không thể ngăn cản con, bởi cá tính cố chấp nơi con chắc chắn sẽ làm ra điều ngược lại. Và mẹ bắt đầu mượng tượng ra những cuộc va vấp, đổ vỡ đáng sợ xảy ra trên địa cầu hình tròn nhỏ bé này. Nếu con gặp người ấy thì sao ? Nếu như huyết thống nối kết cả hai lại với nhau một cách vô tình thì sao ? Mẹ liệu có mất con vào tay người ấy, như mẹ đã từng đánh mất chính mình trước đây ? Tim mẹ thắt lại vì lo sợ một tương lai, gần kề hoặc xa xăm, dù thế nào đi nữa, nó cũng đang nhích dần lại thành thực tại. Bởi thế, mẹ viết cho con những dòng này. Có thể, con sẽ không đọc ngay, có thể, con sẽ từ chối nó. Cũng có thể, con sẽ mở nó ra, vì một lí do đặc biệt. Nhưng mẹ trao con quyền lựa chọn. Con có thể, ngay bây giờ, đọc tiếp hay ngừng lại, gập thư vào và đốt đi ; hoặc nín thở tiếp nhận chân dung của người con sẽ gọi một tiếng “bố”. Tùy con thôi. Có điều, mẹ cảnh báo trước, bố con không phải mẫu người có thể một lần gặp gỡ rồi quên lãng, dẫu chỉ qua thư tín. Bố con, người ấy in hằn trong tâm trí mẹ một ấn tượng rõ nét và đủ mọi thái cực, lắm khi, chúng trái ngược nhau, giành giật nhau chỗ đứng nơi trái tim. Những cuộc xung đột đẫm máu diễn ra quyết liệt và dù thế nào cũng dẫn tới một kết cục duy nhất. Mẹ quen bố con khi chưa tròn mười sáu, còn mấy tháng nữa mẹ mới tới sinh nhật tuổi tròn trăng. Có lẽ vì thế, thuở ban đầu, bố con đại diện cho ánh trăng tươi mát, vầng tinh quang dịu nhẹ trong đêm, nhẹ nhàng mà khơi sâu thấm dày. Mẹ yêu bố con từ ngày ấy ! Mẹ thành thật thú nhận như thế. Và cả cuộc đời mình, mẹ vẫn yêu bố con. Con đừng ghen đấy ! Vì trong tình yêu mẹ dành cho bố con, con chính là tinh hoa được gạn lọc, là thành quả hiếm hoi được chắt chiu. Bố con cũng là người cho mẹ những nhục cảm đầu đời. Dẫu cho khi đó, cả người ông ấy đang nóng rẫy men rượu. Cả mẹ và bố con đều đổ lỗi cho quá say. Nhưng nếu bố con tinh tế hơn, lưu tâm hơn một chút, bố con sẽ nhận ra, từ thuở lọt lòng tới tận bây giờ, mẹ chưa bao giờ uống một giọt rượu. Đó là hệ quả của một lần, từ hồi còn bé, đã chứng kiến ông ngoại con say xỉn, bởi bất mãn vì quyết định thuyên chuyển công tác. Chỉ một lần ấy thôi, ông trút giận lên vợ con. Mẹ may mắn hơn bà ngoại, chỉ bị một cái tát đập mặt vào tường. Chỉ thế thôi cũng giúp mẹ nhận ra khả năng kì diệu của rượu trong việc tha hóa con người. Đáng tiếc là bố con, không phải kiểu người biết thức nhận như thế, hay ít ra, đến thời điểm ấy đã không còn là người như thế nữa. Nên bố con đã chẳng phân biệt được, đâu là rượu mẹ uống vào, đâu là rượu mà chúng bạn đổ tràn ra áo, dẫu đã bay hơi mà vẫn vương mùi nồng nặc. Bố con chỉ hơn mẹ một tuổi, những ngày tháng học trò hoa mộng, giá được kéo dài thêm ra. Bố con rất biết quan tâm đến người khác. Khi trời mưa, vì nhường ô cho mẹ mà cảm một tuần. Khi mẹ có chuyện buồn, bố con vẽ mười mặt cười vào mười đầu ngón tay mà hoa loạn lên. Khi mẹ bị tuột dây giày, bố con không nói gì, lẳng lặng cúi sụp người, buộc lại dây giày cho mẹ và lúc ngước lên, nở một nụ cười làm tan chảy trái tim bé bỏng của cô bé mới lớn. Sự ân cần của bố con, không quá khẩn trương nhưng đủ để khiến người khác mơ mộng. Cách bố con nắm thật chặt tay mẹ mà kéo lên những nơi thật cao rồi hét tướng lên bằng một giọng trầm ấm hiếm có ở những cậu trai non choẹt ; cách bố con đan mười đầu ngón tay lại, gục mặt vào vai mẹ, bật khóc khi kể về ông nội, thực sự đã cướp đi tất cả những tĩnh tâm an nhiên trong trái tim mẹ. Về điểm này, con thật giống bố, cứ luôn khóc như một đứa trẻ, dẫu dáng vẻ đã cao lớn nhường nào. Lắm khi, ngập trong đôi mắt của con, mẹ tưởng như thấy lại người đó, với đôi mắt cứ lơ đãng mà lại say mê. Lúc mẹ nói ra nhận xét này với Đan, cô ấy cứ gật gù lia lịa, không ngừng lặp đi lặp lại thành một câu cửa miệng : “Lơ đãng mà lại say mê”. Đan là ai ? Con đang thắc mắc nhỉ ? Mẹ sẽ giải đáp ngay thôi. Đó là người con gái mà bố con yêu, yêu say đắm, điên cuồng. Và bây giờ, đã trở thành vợ của bố con, mẹ của em trai con, một đứa em cùng cha khác mẹ. Bố con phải lòng Đan từ bao giờ, mẹ cũng không rõ nữa. Chỉ biết là những khi hai bố mẹ đi bên nhau, bố con lâm vào trạng thái im lìm, hiếm hoi lắm mới chịu mở miệng. Và cũng chỉ là những câu hỏi dạng như : « Em thích được tỏ tình như thế nào ? », « Có thích giống như trên mấy bộ phim không ? ». Mẹ đáp thành thực rằng mẹ thích cách thức cổ điển nhất nhưng chân thành nhất : viết một lá thư. Liền những ngày sau đó, bố con bỏ rơi mẹ để vùi đầu viết cái gì đó. Thấy mẹ thì bố con che che giấu giấu như bằng chứng phạm tội, hỏi thì bố con chỉ cười hì hì, nói chờ đến thứ hai sẽ biết. Và kết quả, chiều thứ hai, khi mẹ đứng chờ bố con ở cổng trường như mọi khi, giây phút bố con háo hức chạy lại với lá thư trong tay, mẹ đã tưởng mẹ là người được nhận. Nhưng hóa ra, mẹ nhầm. Bố con đột ngột quay đi, liệng lá thư vào giỏ xe một cô bé lớp mười, xinh như đóa hoa thủy tiên bừng nở - tâm điểm của cả trường lúc bây giờ. Bố con yêu Đan ! Mẹ bàng hoàng mà chấp nhận, đau đớn mà bất lực. Là mẹ đã tự mình ngộ nhận. Hóa ra người bố con luôn nắm tay đi dạo, luôn mỉm cười tâm sự, luôn quan tâm giúp đỡ - mẹ đây, chỉ được coi như một người bạn thân thiết, là bạn, chứ không phải yêu, không phải để say mê, không phải để cuồng luyến. Thực ra mẹ đã biết trước, chỉ là không chịu từ bỏ hi vọng. Bố con đã giới thiệu cho mẹ một người tên là Khắc, đang là sinh viên đại học. Mẹ hồn nhiên gặp gỡ, chỉ nghĩ như kết giao bạn bè, cho đến tận ngày hôm đó, vẫn chiều thứ hai định mệnh đó, Khắc tiến lại trước mặt mẹ, bắt đầu một tràng tỏ tình, bay bổng mà sáo rỗng, sôi nổi mà vô nghĩa lí. Mẹ chỉ thực sự lắng nghe khi Khắc nhắc đến tên bố con. Khắc tự vỗ ngực và nói đã được bố con giới thiệu để yêu mẹ. Bố con khen mẹ hết lời trước mặt Khắc, rõ ràng có ý muốn gán ghép hai người với nhau. Ngay khoảnh khắc ấy, cả bầu trời cuối hạ đương xanh trong chuyển màu xám xịt. Mẹ không cảm thấy chân mình đang chạm đất mà cứ chơi vơi vô định. Mẹ loạng choạng vấp ngã. Nếu không nhờ Khắc ôm đỡ lấy, chắc mẹ đã lịm ngất ngay khi thấy bố con trao thư cho Đan. Mẹ nhận lời yêu Khắc. Một sai lầm nhưng không làm mẹ hối hận. Khắc là anh em tốt của bố con. Yêu Khắc đồng nghĩa với việc vô phương được bố con đáp lại. Có điều khi hẹn hò với Khắc, mẹ có cớ để gần gũi bố con thêm nữa. Dẫu luôn bị Khắc xen giữa nhưng tính ra, mẹ chỉ cách bố con một cái đưa chân nghiêng ngả. Mẹ có thể nhìn lén bố con, ngắm nghía cái gáy trơ lì phẳng lặng của bố con, cố giải thích tại sao nó gieo vào lòng mẹ những rối bời khôn gỡ như thế. Mẹ mừng không kể xiết khi lá thư của bố con bị Đan chối từ, gần như nhảy cẫng lên khi bố con gây lộn với bạn trai lúc bấy giờ của Đan. Mẹ đã cầu mong, vì tự ái, vì giận dữ, bố con sẽ từ bỏ Đan. Song kết quả hóa ra lại trái ngược. Đan thấy bố con bị đánh lại tỏ ra rất quan tâm. Mẹ nhìn thấy thế mà tim thót lại, cố hướng mắt đi chỗ khác nhưng lúc bố con lôi Đan đi, va mạnh vào mẹ không chút lưu tâm, mẹ không kìm được mà đi theo, để rồi mẹ chết lặng nhìn bố con hôn Đan. Nụ hôn nồng nhiệt và ngấu nghiến ấy ngặm nát tim mẹ. Mẹ bị tổn thương ghê gớm, đến độ đâm ra thù hằn bố con. Mẹ tìm mọi cách để lạnh nhạt, để xa lánh, để đoạn tuyệt. Mẹ cố gắng hễ mở miệng là nói đến Khắc, tự biến bản thân thành kẻ sung sướng trong một niềm vui không hưởng, cố trêu tức bố con. Nhưng tự trong thâm tâm, mẹ bị giày vò thảm hại mỗi lần Đan bịt mắt bố con từ đằng sau rồi cả hai hôn nhau quấn quýt trong bãi đỗ xe. Mẹ càng ngày càng ghen tức với Đan, khi cô ấy được bố con dạy kèm tại nhà. Đêm đêm, mẹ bật đèn học mà cứ nghĩ mãi về hai người đó trong nỗi chán nản, buồn thương. Họ yêu nhau mà, gắn bó, gần gũi bên nhau cũng chỉ là chuyện thường tình. Đan làm nũng bố con, Đan đút cơm vào miệng bố con, những cử chỉ tình tứ của hai người họ, mẹ phải chứng kiến như một cực hình. May mà mẹ còn có Khắc. Những khi quá đau đớn, mệt mỏi đến phát khóc, mẹ có thể gục mặt vào ngực Khắc. Lúc ngước lên, mẹ phát hiện Khắc đang sướng rơn hạnh phúc thì một cảm giác tội lỗi tràn ngập lại dâng trào. Mẹ tiếp tục bị giày vò suốt năm tháng học cấp ba, cho đến lúc học đại học, mẹ ngưng bặt liên lạc với bố con, không chủ động tâm sự, trò chuyện, từ bỏ tất cả những thói quen dựa dẫm cố hữu. Mẹ không còn được bố con đạp xe đưa về, không còn có thể dựa vào lưng bố con như trước, không còn có thể nhắm nghiền mi tận hưởng niềm ấm áp căng tràn. Mỗi khi hồi tưởng về bố con, lòng mẹ đều trống rỗng những khoảng lặng. Mẹ mất bố con, mất luôn cả tình bạn trong vắt thuở đầu đời. Cho đến ngày gặp lại, mẹ mất luôn cả sự trong trắng một đời con gái. Mẹ không hối hận. Nếu có chút mảy may sợ hãi, lúc bố con đẩy mẹ xuống giường mà cởi tung cánh áo, mẹ đã có thể đẩy mạnh bố con sang một bên để bỏ chạy. Dẫu bố con chỉ còn là một thân thể ngập ngụa trong dục vọng, mê dại nghe theo nhục cảm sai khiến thì mẹ vẫn cứ yêu ông ấy. Khoảnh khắc mẹ dâng hiến cho bố con, mẹ đã kịp nói ra cảm xúc thật của mình. « Em yêu anh », ba tiếng ấy nghe thật đơn giản nhưng với mẹ, nó nặng nề biết mấy. Giây phút được cất lên thành lời nỗi lòng giấu kín bao lâu nay, mẹ đã mong chờ nhiều hơn là những giọt nước mắt thỏa mãn đầy tội lỗi của bố con. Mẹ vừa hồi hộp vừa run sướng, đưa tay vuốt dọc gương mặt đẫm mồ hôi của bố con. Các đường nét trên gương mặt, vốn đã đẹp như tạc, nay lại càng trở nên đặc quánh bởi sự tương phản ngược sáng. Mẹ không thấy rõ được ánh mắt bố con, không đọc được xem trong đáy mắt thẳm sâu ấy có những gì. Mẹ chỉ thấy bố con miết mạnh môi, điên cuồng chiếm đoạt thân thể đương run rẩy của mẹ. Không nói không rằng, bố con chỉ đơn giản xem đó là một thứ tiêu khiển, thỏa mãn đòi hỏi của xác thịt. Mẹ không nghĩ bố con có ý thức khi làm việc này. Bởi sáng hôm sau, ông ấy cuống cuồng bỏ mẹ lại, một mình bẽ bàng trong phòng khách sạn. Gần như chạy trốn, bố con hoàn toàn không dám đối diện. Nếu đó là một hành động xuất phát từ tình yêu, chắc chắn bố con đã chẳng cư xử như thế. Và chuyện xảy ra sau đó càng chỉ rõ cho mẹ hiểu nguồn cơn của những nỗi khao khát mà bố con trút lên mẹ. Phải một tuần sau bố con mới dám xuất hiện trước mặt me. Ông ấy nói rất nhiều, sôi nổi niềm tin yêu của một người trai trẻ, nhưng lại truyền đạt một tư tưởng không lấy gì làm đạo đức, nghe giống như học thuyết giới tính hơn là một lời thú nhận và biện giải yêu đương. Lúc mẹ mất dần kiên nhẫn, đuổi bố con về thì cuối cùng, ông ấy cũng chịu nói ra một sự thật : - Hiếu muốn Phương ! Ba chữ rành rọt quá, ngắn gọn quá làm một đứa con gái non nớt tình trường như mẹ ngộ nhận. Mẹ còn tưởng, chữ « muốn » đồng nghĩa với chữ « yêu ». Người mẹ yêu, khổ sở vò võ cầu mong bấy lâu, hóa ra cũng yêu mẹ. Con có hình dung nổi điều ấy tuyệt diệu đến nhường nào không ? Niềm hạnh phúc ấy lớn lao đến cỡ nào ? Mẹ tưởng như người sốt cao, không đứng vững, toàn thân run rẩy, phải níu cả vào vai bố con. Mẹ cắn chặt môi, cố kìm nén bản thân khỏi bật khóc. Trạng thái không phân định thực mơ ấy kéo dài cho đến khi mẹ sực nhớ, tính cách của bố con, bố con không phải người dễ dàng lờ đi mối quan hệ với Khắc - thứ tình cảm anh em khăng khít bền chặt. Mẹ thắc mắc về Khắc. Và đã được bố con gợi ý bằng một ánh nhìn thèm muốn, không phải trái tim mà là thân thể, không phải tình yêu và là tính dục, không phải đam mê mà chỉ để thỏa mãn. Bố con nài nỉ mẹ, thậm chí còn đem Khắc ra để đe dọa mẹ. Thật là nực cười biết mấy, khi người mẹ yêu, muốn chiếm đoạt mẹ, lại thực hiện bằng cách lừa dối một người mẹ không có chút tình cảm. Trong khoảnh khắc, mẹ rơi vào tột cùng đau khổ. Nỗi cực nhục đỉnh điểm ấy, đó là lần đầu tiên mẹ chạm đến, đều là nhờ bố con. Nếu ông ấy bớt trơ tráo đi một chút, bớt mê dục một chút, bớt ti tiện một chút, và nhất là, bớt khiến mẹ yêu thương hơn một chút, thì mẹ đã không lâm vào tình cảnh ấy – nhục nhã và thảm hại. Mẹ khóc, ngay trước mặt con người máu lạnh ấy. Mẹ chắc là bố con chẳng cảm thấy gì đâu. Nỗi đau đớn của mẹ, ông ấy chẳng thẩm thấu chút nào. Bằng chứng là ngay sau đó, ông ấy lao vào mẹ không chút tư lự, không chút dịu dàng, chỉ như một con thú săn mồi, vô cảm song tràn trề bản năng. Mẹ xin lỗi con, con gái yêu quý của mẹ, vì đã bắt con phải biết những điều tanh bẩn này. Đáng lẽ mẹ phải vẽ ra cho con một tấm lụa êm ái hơn, trong sạch, tinh khiết đón con chào đời. Nhưng thực tế lại nhơ nhớp, trần trụi như thế này đây. Mẹ buộc phải thú nhận, bố con đến với mẹ, chỉ để thỏa mãn hai chữ « bản năng », không gì khác hơn. Ông ấy nâng niu tình yêu đời mình, chiều chuộng, giữ gìn Đan bao nhiêu thì càng điên cuồng hành hạ, tước đoạt mẹ bấy nhiêu. Giống như có hai nhân cách trong một con người, một dịu dàng, ấm áp và thâm trầm, một lại cuồng bạo, độc đoán và vô cảm. Mẹ yêu cái vỏ bọc thanh sạch nhưng lại bị bó chặt với cái bản chất đen đúa xấu xa. Bởi phần tốt đẹp hơn, trong lành hơn đã được dành trọn cho người khác, chỉ còn những gì cộc cằn, bạo tính là để chừa cho mẹ. Suốt hai năm ròng rã, mẹ mê lạc trong mối quan hệ nhớp bẩn ấy. Nằm trong vòng tay bố con, mẹ phải chui lủi theo một cuộc trao đổi ngoài luồng ti tiện. Nhưng mẹ lại không kháng cự, mẹ lựa chọn buông bỏ ý thức vùng lên để tự giải thoát. Ra sao cũng được ! Vì đúng như những gì bố con nói, mẹ đâu còn gì để mất mà tiếc giữ. Mẹ sớm trao trái tim cho ông ấy, giờ thân thể, cũng chẳng còn sót giữ lại được. Vậy là con có thể yên tâm vì ông bố của con không phải cưỡng đoạt mẹ. Mẹ hoàn toàn tự nguyện, dù là trong tình trạng tê liệt cảm xúc. Bố con chỉ ép buộc mẹ hai lần, và vì chưa sẵn sàng, đã có sự cố xảy ra, làm mẹ vừa hận vừa mừng. Bởi một lần mẹ có con, còn một lần, mẹ mất anh con, cũng có thể là chị con. Mẹ không dám chắc bởi nó mới được hơn một tháng tuổi. Cũng không thể trách bố con hoàn toàn bởi mẹ đã non nớt không nhận ra ý nghĩa của những cơn mệt mỏi gần đấy, những giấc ngủ không sâu và thân nhiệt lên cao. Nếu mẹ biết bản thân đã mang thai, mẹ đã kiên quyết không mở cửa cho bố con, đã không kích động đến thế trong trận cãi vã hiếm hoi mà dữ dội với ông ấy. Cậu Thuận « mít-ướt » của con mới về nước sau đợt du học. Do xa cách địa lí, phải chia tay cô bạn gái người Pháp, cậu con khóc nức nở chạy đến tìm mẹ - người chị họ duy nhất, trạc tuổi và cũng là thân thiết nhất. Mẹ không nghĩ việc này lại chọc giận bố con ghê gớm thế. Bố con lên cơn, liệu có được gọi là ghen không nhỉ ? Hay chỉ là lồng lộn vì thấy một vật thuộc sở hữu bị xâm phạm ? Bố con bóp chặt tay mẹ, tra hỏi, nghiến răng, gằn giọng, đe nạt. Nếu mẹ không cảm thấy khó chịu trong người, không bực bội đặc biệt trong ngày hôm ấy, không thấy cảnh bố con và Đan tình tự ngay trên ghế salon phòng khách, không vì tủi nhục bị bố con dày vò, không vì ghen tức với Đan … không có một trong số nguyên do ấy thôi, mẹ đã không lên giọng mà sỉ vả bố con, mẹ đã có thể bình lặng và thản nhiên như thường lệ. Nếu thế, bố con đã chẳng thể làm tổn thương mẹ đến nhường ấy. « Cô chỉ là một con đĩ ! » - Bố con gầm lên trong sắc vẻ một con thú bị thương. Sự giận dữ đi kèm một cái tát cuồng nộ. Mẹ thấy mình đổ nhào ra sàn nhà, bụng thắt lại, nhộn nhạo điên cuồng như bị ai đó thọc mạnh vào mà càn quấy. Đưa tay giữ lấy bụng, mẹ thấy toàn thân lạnh ngắt, nhói buốt từng cơn. Rồi một chất lỏng sình nhớt, đỏ au và ấm nóng cuộn trào nơi đáy ruột. Nó từ từ rỉ ra, loang lổ thành một vũng đỏ trên sàn nhà tanh lạnh. Lúc ấy, bố con đã đi rồi. Bỏ mặc mẹ, quằn quại ngay tại chỗ. Đau đớn, thống khổ, mẹ òa khóc. May sao, cậu Thuận con quay lại. Cậu ấy biết phải làm gì hơn là quay lưng bỏ đi, cậu xốc lấy mẹ đưa tới bệnh viện. Mẹ không sao, nhưng cái thai thì không giữ được. Mẹ thấy cậu con ngượng nghịu giải thích với bác sĩ rằng cậu là em họ chứ không phải là chồng của bệnh nhân. Mẹ cảm giác vừa mỉa mai vừa tủi hổ. Và mẹ đau đớn ! Anh con ra đi, chỉ để lại một vũng đỏ nơi sàn nhà. Nó chỉ ở với mẹ hơn một tháng rồi vội vã đào thoát sau khi bị chính người bố đẻ vô tâm ruồng rẫy. Mẹ đoán chắc trong lúc mẹ nằm liệt giường, cả người chẳng chịt mũi truyền và tim rỉ máu, bố con vẫn đang vui vẻ với tình yêu của đời mình, với cô nàng Đan nhí nhảnh của ông ấy. Mẹ xuất viện ngay sau đó một ngày. Đêm hôm trước ở bệnh viện, mẹ mơ thấy anh con. Bác sĩ nói một tháng tuổi thì chưa thành hình nhưng mẹ thấy nó rõ ràng có đầy đủ chân tay, mắt mũi, mồm miệng, sinh động, hồng hào và bé bỏng. Con của mẹ ! Nó lại chơi với mẹ. Nhưng mẹ vừa chạm vào má nó thì lập tức, từ má, bong ra lớp da thịt bao ngoài, một dòng máu đỏ tươi xối trào. Mẹ luống cuống, vội ôm giữ nó lại. Nhưng động vào chỗ nào, chỗ đó da thịt lại chóc thành từng mảng rơi xuống, hàng loạt tia máu cứ thế phụt ra. Mẹ còn nghe rõ giọng anh con, cái giọng non nớt và yếu ớt, rền rĩ van xin : - Mẹ ! Đừng bỏ con ! Đừng giết con ! Mẹ, xin bố đừng giết con ! Giọng nói trẻ thơ của nó bị bóp lệch đi, xé rách và vỡ vụn khi mẹ bừng tỉnh. Mẹ về nhà, căm hận bố con ghê gớm. Đến nỗi mẹ tin chắc, nếu bố con dám xuất hiện ngay lúc ấy, mẹ sẽ cầm dao, chày, hay bất cứ cái gì trong tay để đâm, chọc, chém… giết chết người đàn ông đó ngay tức khắc. Nhưng bố con lại đợi lúc mẹ sốt lịm người để đến. Mà mẹ thì chẳng còn sức mà đưa tay lên chứ nói gì đến làm bị thương một ai khác. Mẹ buộc phải chấp nhận cho bố con chăm sóc. Bố con ân cần đến nỗi nếu không phải nhắc tới lời Khắc, mẹ đã quên mất ông ấy quan tâm mẹ chỉ vì được nhờ vả chứ chẳng phải thực tâm. Và mẹ lại mềm lòng. Tất cả những gì mẹ muốn làm là ôm chầm lấy ông ấy, mẹ muốn được òa khóc thật to, chứ không phải là rấm rứt khóc mỗi khi trùm chăn kín mít. Mẹ đã mất một đứa con. Mẹ không thể chịu nổi nỗi mất mát ấy thêm một lần nào nữa. Mẹ có con vào đúng đêm sinh nhật bố con. Nhưng mẹ sẽ không bao giờ biến con thành một món quà cho ông ấy, con là của mẹ thôi. Sau lần sảy thai đầu tiên, mẹ thực sự bị nỗi sợ hãi ám ảnh thường trực. Bố con và mẹ ngừng gặp nhau. Mẹ tránh cho bản thân bị kích động, dù vì bất kì lẽ gì. Mẹ bắt đầu lo nghĩ cho tương lai của con. Con cần có một người cha. Nên mẹ đã chọn luôn người lí tưởng nhất trong số lượng khả dĩ. Mẹ nhận lời lấy Khắc. Mẹ sẽ trở thành vợ Khắc, và con, có một người cha. Sẽ là như thế, tốt lành, giản đơn hơn biết mấy, nếu bố con không đến tìm mẹ. Đó là một chiều mưa ngập lối, mưa làm nản lòng những ai có hứng thú xê dịch, đường phố vắng tanh, leo lắt vài bóng người qua lại. Còn bố con, đứng trước ngưỡng cửa, trân trân ngó mẹ trong bộ dạng sũng nước. Hình ảnh bố con bấy giờ, đến tận lúc này, mẹ vẫn còn nhớ như in. Như có cây bút chì vô hình, phác những đường mưa xiên chéo rầu rĩ và buồn thảm, làm đau người con trai ấy, khiến cho người ấy trào nước mắt, rấm rứt đến thê thảm. Mẹ không biết có chuyện gì lại khiến cho bố con đau đớn mà òa khóc hệt như một cậu nhóc cấp ba. Nhưng chỉ thế thôi là đủ để mẹ rung động dữ dội. Nhất là khi bố con nói liến thoắng, những điều không tưởng mà mẹ chỉ dám mường tượng trong mơ : - Đi với Hiếu ! Đi đâu cũng được, chỉ cần có Phương, đâu cũng được. Mình bỏ trốn ! Đến một nơi thật xa … Một nơi không ai biết chúng ta là ai. Cả Hiếu và Phương … Chỉ cần bên nhau thôi. Xin Phương đấy ! Những lời này, đến bây giờ nghĩ lại, mẹ vẫn không sao tin nổi chúng được phát ra từ miệng bố con. Chúng như thể là … bố con bị trúng tà ấy ! Không thì tại sao ông ấy có thể nói ra những điều như thế ? Mẹ không biết. Nhưng mẹ biết đấy là sự thật. Mẹ quyết định nói cho bố con tất cả, rằng mẹ yêu bố con và rằng trong bụng mẹ, đang nảy mầm một sinh thể của tình yêu. Đó là con ! Con của chúng ta. Và, ôi, bố con sẽ phản ứng như thế nào khi nghe được những lời này nhỉ ? Ôi, giá mà mẹ nói được ! Mẹ đã từng mong thế. Có điều, nhiều năm trôi qua, mẹ nhận ra, không nói gì cả mới là may mắn. Bởi vì ngay sau màn dạo đầu lâm li nước mắt, bố con lại lộ rõ ham muốn thú tính, vẫn chỉ thể xác của mẹ thôi, như mọi lần. Rồi thái độ tức giận của ông ấy khi biết mẹ có thai, sự giận dữ vì nghĩ là con của Khắc, càng khẳng định bố con ích kỉ nhường nào. Ông ấy không mảy may băn khoăn giọt máu trong bụng mẹ có thể là của mình. Bố con không quan tâm nhiều đến thế, thứ ông ấy muốn, chỉ là thỏa thê dục vọng – thứ mà mẹ không còn có thể đáp ứng. Mẹ đã cố tự gạt mình, mẹ cố nghĩ khác về bố con. Lúc ông ấy bỏ ra đến cửa, mẹ vội đứng chặn lại. Mẹ muốn níu kéo bố con. Mẹ đã làm hết sức để giữ cho con một người bố. Và mẹ xin lỗi, con gái ơi ! Mẹ đã cố. Nhưng khi bố con hét tướng vào mặt mẹ mà nói rằng mẹ chẳng còn giá trị gì, rằng ông ấy sẽ đi tìm Đan, mẹ nghe thấy những lời vô nhân tính này thì toàn bộ nỗ lực quay về con số không. Buông bỏ bàn tay bấu ghì lên thành cửa, mẹ trở nên yếu đuối trước cái xô gạt thú tính của bố con. Là mẹ đã tự ảo tưởng thôi. Mẹ đến phút cuối vẫn tin là bố con nói dối, chỉ vì ông ấy giận dữ khi hiểu lầm mẹ có con với Khắc. Là ghen tuông, những lời nói trong cơn ghen sao có thể tin được ? Mẹ tự lừa mình thế, bấu víu vào một ảo tưởng cao trong thanh sạch đã quá xa vời. Bố con ngày ấy, cái thời điểm ấy, sớm đã làm vấy bẩn cả thời học trò ngây khiết rồi. Mẹ gọi điện cho bố con, gọi liên tục cả đêm mà không ai bắt máy. Nếu ông ấy chịu nghe, mẹ sẽ nói ngay cho ông ấy biết, con là máu mủ của ai. Người mẹ yêu, đích thực là ai. Mẹ sẽ thú nhận, mẹ sai rồi, sẽ xin lỗi, thậm chí van nài khẩn cầu, gì cũng được, gì cũng được mà. Chỉ cần bố con chịu ở bên hai mẹ con mình. Chúng ta sẽ có một gia đình, đầy đủ bố, mẹ và con, sẽ không có một ghế trống khi đưa con đi mấu giáo, trên giấy khai sinh, trên hồ sơ nhập học, con có thể đường hoàng mang họ bố. Những dè bỉu, giễu nhại chọc phá của chúng bạn xấu tính sẽ không làm con phải òa khóc lên nữa. Nhưng con gái yêu của mẹ, lần thứ hai trong lá thư này, mẹ xin lỗi con ! Người nghe máy, cuối cùng, không phải bố con. Giọng nói trong veo lanh lảnh vang lên từ đầu dây bên kia, là Đan ! Bố con, quả thực không nói dối mẹ, ông ấy luôn rất thẳng thắn, đến mức thô bạo. Ông ấy đã đi tìm Đan thật, và thực hiện đúng những gì định làm với mẹ mà không được. Đến lúc này, bức tranh tưởng tượng của mẹ, dẫu phết một thứ màu bền bỉ ra sao cũng vẫn phải rã cánh, tróc thành từng mảng, vụn nát tan tành. Chẳng còn lí do ngụy biện nào nữa. Bố con đã ruồng bỏ mẹ hoàn toàn, ngay sau khi tìm được một người thay thế xứng đáng – một người thỏa mãn được đầy đủ những đòi hỏi xác thịt của ông ấy. Mẹ khóc ngay sau khi cúp điện thoại. Mất cả tiếng đồng hồ sau mẹ mới bấm nút gọi được cho Khắc. Cũng ngay trên điện thoại ấy thôi, mẹ thú nhận rằng mục đích kết hôn cũng chỉ vì muốn tìm cha cho con. Mẹ dùng lời lẽ nặng nề, không mấy trông mong Khắc sẽ đóng vai người cha cao thượng. Quả nhiên Khắc bỏ đi. Đám cưới bị hủy. Mẹ như thoát khỏi tội nợ hơn là vướng vào một nỗi bất hạnh. Mẹ cũng quyết định sẽ ra đi. Thực ra mẹ có thể đến gặp bố con, kể hết mọi sự, chưa biết chừng, bố con sẽ nghiến răng mà nhận trách nhiệm. Nhưng mẹ nghĩ con sẽ đồng tình với lựa chọn của mẹ. Một ông bố như thế, con có muốn không ? Ép con nhận người ấy là bố, mẹ không nỡ. Xét cho cùng, đối với mẹ, bố con chưa bao giờ có tình yêu. Bố con luôn nói là “Hiếu muốn Phương”. Luôn là “muốn”, không phải “yêu”. Đây chính là điểm đặc trưng cơ bản trong mối quan hệ của bố với mẹ, khác biệt hoàn toàn với những ràng buộc được gán danh tình yêu khác. Nhưng con đừng nghĩ con là một đứa trẻ ra đời trong sai lầm, như thế là không tôn trọng mẹ và tình cảm của mẹ. Như mẹ đã nói, con là tinh hoa gạn lọc trong tình yêu mẹ dành cho bố. Là mẹ đơn phương, nhưng không có nghĩa là nó trở nên tầm thường. Con hiểu chứ ? Mẹ sẽ không viết mấy thứ kiểu như nếu được quay ngược thời gian, mẹ sẽ làm khác, sẽ lựa chọn khác, sẽ yêu một người khác, không phải là bố con. Bởi nếu sự ấy xảy ra thì mẹ không thể tạo ra con như ngày hôm nay được. Con có đôi mắt của bố, có sự quan tâm chi chút, trầm tĩnh và điềm đạm, phải khoảng thôi nhưng vẫn hút chặt tâm trí người khác – những ưu điểm mà con không thể gạt bỏ tông tích từ bố con. May mắn là ở những điểm còn lại, những tật xấu, vết nhơ đời trước, chúng không thể phương hại được gì tới nét trong vắt nơi tâm hồn con, phải bó tay bất lực trước vẻ thuần khiết nơi trái tim con. Nhìn con, mẹ thấy được tình yêu mà mẹ hằng ao ước. Nó đã đơm hoa kết trái, nhào nặn nên một con người tuyệt vời, vậy là quá mĩ mãn rồi ! Bốn mươi tuần sau sau sinh nhật bố con, con ra đời. Mẹ không chút đắn đo đặt tên con là Hoài. Mẹ không thể phủ nhận thứ vẫn luôn thường trực trong trái tim mẹ. Nó choáng trọn không gian, nhiều khi chi phối, thay đổi cả lẽ thường biến của thời gian. Ngay trước khi bỏ đi thật xa, vĩnh viễn, đến nơi không ai tìm được, mẹ đã tới gặp bố con. Chỉ là một sự cố phát sinh thôi, vì trên đường ra sân bay, mẹ phát hiện, đây là lần cuối cùng mẹ có thể gặp ông ấy. Sự chia li là vĩnh viễn, tách lìa là trường cửu. Từ đây, chẳng còn có thể thấy lại con người đáng hận nhiều hơn đáng yêu kia nữa. Thế là mẹ gửi lại hành lí cho cậu con đem đi trước rồi lao chạy đến với bố con. Ngay khi ông ấy ra mở cửa, mẹ nhào tới mà ôm, mà hôn, mà cuộn xiết niềm tương phùng sau chót. Rồi chẳng hiểu sao, trong cơn mê man cuồng dại đó, mẹ lại thảng thốt nhắc lại những gì bố con từng nói với mẹ : - Mình bỏ trốn đi ! Như anh đã nói đấy ! Đi đến một nơi thật xa, không cần gì cả. – Mẹ nghẹn ngào - Anh đưa em theo với ! Cầm tay em … và đưa lối. Đến nơi đâu, em có thể … bên anh trọn đời … Mẹ lại thấm ngập trong tim ảo tưởng về một ngày mai hạnh phúc, như cái lời bài hát kia. Mà đáng lẽ không nên như thế. Bởi bố con, hoang mang và lưỡng lự. Chỉ trong một phần nghìn giây, nhưng đủ để mẹ nhận ra, đủ để mẹ tự cảm và tự trào. Mẹ chào tạm biệt bố con, quay đi không nén nổi ngoái lại, để kịp thấy bố con đang tâm đóng sầm cửa ngay khi mẹ quay bước, như thể vừa tống được một vị khách không mời phiền toái. Thế mà mẹ vẫn nhớ tới bố con, có phải ngu ngốc quá không ? Con đừng giận mẹ, mẹ không phải là một chương trình máy tính có thể lập trình bộ nhớ, tự do ghi lại, thoải mái xóa đi. Mẹ … lắm khi vẫn cứ hoài vọng về bố con. Lúc mẹ dạy con gấp máy bay giấy mà đứng trên tầng cao lồng lộng gió thả chúng bay đi, bố con cũng thường làm như thế. Bên trong máy bay, mẹ luôn ghi một điều ước, vẫn luôn chỉ có một. Biết đâu lúc nào đó, một cơ may không tưởng nào đó, một ngọn gió lại chẳng gửi nguyện ước của mẹ tới bố con. Ông ấy có nhận ra nét chữ của mẹ không ? Ông ấy có biết cái người con gái tên Phương mòn mỏi trông đợi tình yêu ấy chính là mẹ ? Hình như mẹ đang sa đà quá vào tình cảm của bản thân. Hình như mẹ đang phơi bày sự ngu muội của mình ? Mẹ không biết, vì mẹ không đoán được trước những gì sẽ viết. Mẹ chỉ định cho con biết một cái tên, một địa chỉ. Mà nếu như một lúc nào đó, một nhu cầu đặc biệt thôi thúc, con có thể đi một mình hay đi cùng cậu Thuận, mẹ đã nhờ cậu rồi. Cậu ấy thực sự rất tốt với chúng ta. Lời cuối lá thư dài này, mẹ muốn nhắc lại rằng, cả đời mẹ yêu nhất hai người. Một người gần gũi với mẹ cả thời thanh xuân vụng dại, một người lại gắn bó với mẹ trong mối dây bền chặt của thiên chức phụ nữ. Người đầu tiên khiến mẹ yêu thương trong căm hận. Người thứ hai lại tiếp nối yêu thương và xua tan nỗi căm hận ấy. Người đầu tiên khiến mẹ nhung nhớ trong đau đớn. Người thứ hai lại bù đắp nhung nhớ và xoa dịu niềm đau. Nếu con có dịp gặp người đầu tiên, hãy nhìn sâu vào đôi mắt người ấy, đôi mắt tảng lờ mà vẫn si mê, con sẽ hiểu lại sao nhiều lúc đang nói chuyện với con mà mẹ lại lặng người. Đó là một sức cuốn hút mê người nhưng cũng báo hiệu những tàn hại ghê gớm ! Nếu con đã tìm được người ấy, hiển nhiên là con đã đọc lá thư này, thì làm ơn giúp mẹ một việc : nhất định con không được tiết lộ nội dung lá thư. Bố con, ông ấy không xứng đáng ! Mẹ không muốn ông ấy chạm vào những gì sâu kín nhất của cõi lòng mẹ. Được chạm vào con, với ông ấy đã là một ân sủng. Hãy để mẹ cất nỗi nhớ vào tên con, trao gửi tâm sự cả đời người vào mình con thôi, thế là đủ rồi. Mà con gái yêu của mẹ, con có tin vào câu chuyện kể về những linh hồn lang thang trong bốn mươi chín ngày trước khi biến mất hoàn toàn khỏi dương thế không ? Trong khoảng thời gian đó, như một ngoại truyện sau khi giở quá chương cuối đời người, có lẽ mẹ sẽ tìm đến người ấy. Mẹ muốn nhìn thấy một lần nữa con người ấy, dựa vào người ấy giống như những hoài niệm xưa cũ. Mẹ muốn ngắm thêm một lúc, muốn chạm khẽ một lần rồi so sánh với những ấn tượng in sâu trong tâm trí bấy lâu. Dẫu cho người ấy sẽ không tài nào cảm biết được, như cái cách mà người ấy luôn luôn không hiểu được cảm giác của mẹ. Mẹ sẽ tiếp tục yêu, cho nốt khoảng thời gian được nấn ná trên cõi dương, rồi sẽ ra đi, nhẹ nhàng và thanh thản. Nên con đừng buồn quá ! Mẹ sẽ ra đi mà không nuối tiếc điều gì. Mẹ yêu con !” * * *​ Tôi đọc đi đọc lại lá thư cho tới khi nhận ra, trời đã sáng. Dòng kết của nó ghi một cái tên và một địa chỉ nhà riêng. Trong bưu kiện gửi tới còn có một lá thư cũ mèm rách làm bốn mảnh, được dán lại cẩn thận. Tôi nhận ra nét chữ của chính mình trên đó. “Anh không giỏi văn, cũng không biết làm thơ hay hát hò một bài tình ca nào …” Lá thư tình của tôi, tôi tưởng đã xé vo viên rồi vứt ở góc lớp học của Đan từ lâu. Hóa ra nó đã được một người nhặt lại, dẫu chỉ còn chắp vá nhưng vẫn giữ gìn cẩn thận. Bưu kiện là một thùng đựng toàn máy bay giấy, rất nhiều chiếc nếp gấp đã sờn cũ nhưng chữ viết trên đó vẫn còn đọc được, cùng một tuồng chữ với lá thư dài kia, trên chúng đều ghi một dòng chữ : “Phương muốn được nghe một lần câu “Hiếu yêu Phương” !”. Tôi gần như ngã quỵ xuống từ trên ghế, cả người co gập lại, đầu gối đập mạnh xuống sàn. Cùng lúc đó, ngôi nhà ghi địa chỉ trên lá thư có người bấm chuông. Tôi không rõ đó có phải là một ngày đẹp trời hay không nhưng tôi lập tức vùng sức bật dậy, lao nhanh ra mở cửa. Cửa vừa mở, tôi đã thấy một cô bé, đôi chân non nớt bấu víu nơi ngưỡng cửa, cả người nghiêng đi bởi nỗi hồi hộp và ngóng vọng. Niềm khát khao đến tột đỉnh đã được thỏa mãn, dẫu đôi mắt đang đẫm lệ. Đó là một đôi mắt “tảng lờ nhưng lại say mê” – một đôi mắt biết nói lên nguồn cơn tồn tại. - Cho cháu hỏi, bác có phải là Nguyễn Trung Hiếu ? – Cô bé hỏi tôi, dẫu biết chắc lời đáp. Tôi không nói được gì, lặng người nhận từ tay cô bé một chiếc máy bay giấy, giấy đã cũ ngả màu, nếp gấp nhàu nát. Tôi giở ra và như thấy lại chính nét chữ non nớt của mình, thuở còn ngây khờ vụng dại. “Con muốn có bố”.