Chưởng sự " hố"
Chương 114 : Tài tử tiêu tam (nhất)
Kiệu hoa ở trong tiếng pháo rung trời được khiêng vào Kính Vương phủ.
Chiếu theo thông lệ đón người ở Kinh thành, cỗ kiệu nên dừng lại ở ngoài cửa lớn, tân nương được bà mối cõng vào. Có điều thông lệ này không thể thực hiện được ở Kính Vương phủ. Bởi vì, quá xa.
Tòa phủ trạch này từ đời đầu tiên của Tiêu gia, bắt đầu từ lão Vương gia xuống dưới đã bốn đời, đều đồng thời ở cùng một chỗ.
Lão Vương gia có ba người con trai trưởng, người con trai thứ hai nhận Hoàng mệnh thừa kế tước vị Vương gia chính là Kính Vương, con trai trưởng và con trai thứ ba ở trong triều được ban tước hiệu văn võ. Bởi vì lão thái gia có chủ trương gia tộc vạn sự hưng vượng, cho nên con cháu không ở riêng. Mà Hoàng Thượng lại tán thưởng đạo trị gia này, cho nên ban thưởng hơn một nửa Chức Vân phường trở thành phủ của Kính Vương. Cảnh trí rừng xanh hồ bạc, đình đài lầu các, cho dù không ra khỏi Kính Vương phủ cũng có thể thưởng thức được. Cũng bởi vậy, cho dù hai nhà Đại lão gia, Tam lão gia đều ở trong Vương phủ, còn có gần tám trăm tôi tớ, vẫn rộng rãi tự nhiên như cũ. Bình thường qua lại chỗ của nhau, kiêng kiệu là cần thiết, xe ngựa là vội vã, cưỡi ngựa là khẩn cấp.
Kính Vương phủ chia làm ba viện. Kính Phương viện là chủ viện, Kính Vương gia và Lão Vương gia lão Vương phi ở đây. Hoa Minh viện là phòng lớn, Huệ Hỉ viện là nơi ở của những người còn lại.
Con cháu họ Tiêu đời thứ ba, con thứ cũng có thể ở trong phủ, nhưng một khi thành thân, nhất định phải chuyển ra ngoài sống. Đây cũng là cách làm của đại bộ phận quý tộc quan gia.
Hôm qua Lý thị giảng giải cho Cầu Tam nương và bốn nha đầu các nàng suốt một canh giờ về chuyện ở Kính Vương phủ, có điều Mặc Tử chỉ nhớ được những điều này. Không phải bởi vì trí nhớ nàng kém, mà là những chuyện khác nàng cảm thấy không hứng thú. Ví dụ như, danh vị Vương gia tại sao không truyền cho con trai trưởng? Bởi vì ai ưu tú sẽ truyền cho người đó. Mặc dù chuyện này đối với cổ nhân không quá hợp lẽ thường, nhưng đối với Mặc Tử mà nói, bảo thủ không chịu thay đổi thông lệ truyền lại danh vị cho con cháu mới có vấn đề. Lại ví dụ như, hậu viện của Tiêu gia nhìn bên ngoài có vẻ hòa thuận nhưng thật ra vẫn có lời đồn không tốt. Chuyện này không phải càng vô nghĩa sao? Những nơi có người là có chuyện bát quái, huống chi là một nơi phức tạp như trong Vương phủ. Hơn nữa, nàng cũng nhận ra, rất nhiều chuyện về Kính Vương phủ, Lý thị cũng chỉ là “nghe người ta nói như vậy”. Một câu nói truyền qua miệng mười người đến cuối cùng sẽ thay đổi, huống chi chỉ trong một canh giờ mà nói được nhiều chuyện như vậy, chắc chắn là sai lệch rất nhiều.
Còn mệt Bạch Hà, Lục Cúc nghe rất cẩn thận, Mặc Tử nghĩ lúc ấy nếu nàng chủ động đưa giấy bút đến, có lẽ các nàng sẽ vội vàng ghi chép lại, sau đó đóng sách thành sách, mang theo bên người, khi không có việc gì sẽ lôi ra củng cố kiến thức, như thế Cầu Tam nương mới có thể biến thành người con dâu được người gặp người thích trong Vương phủ, từ nay về sau hôn nhân mỹ mãn, ái tình như ý.
Thật sự là hoàng đế không vội thái giám gấp, Mặc Tử nhìn Cầu Tam nương, rõ ràng nàng ta cũng là không cảm thấy hứng thú gì, lời nói tiến vào tai này ra tai kia.
*
Nhạc công đi ở đầu đội ngũ, bà mối đi ngay phía sau, tiếp đến là kiệu của tân nương, theo sau kiệu là bốn nha đầu hồi môn, còn có một đội khuân tám mươi rương hòm cưới, một đội ngũ thật dài.
Đình trước phủ nghe nói là nơi nam nhân trong phủ tiếp khách, nhưng không giống như đình trong Cầu phủ, nơi này ít cây nhiều hoa. Những nơi không trồng hoa đều được trải đá. Phòng ở so với Lạc Châu cũng cao lớn hơn rất nhiều, nhưng đều là nhà trệt. Không gian của cả đình viện rất lớn, rất cao, cột đình sơn đen óng, bên dưới có những song gỗ nhỏ tạo thành rào chắn, quấn quanh song gỗ là hoa nhỏ tươi sáng, cửa đình có vải sa mỏng màu xanh, chỉ cần một con gió nhẹ sẽ tung bay.
Nếu nói Cầu phủ thiên về hướng Nam, bởi vậy đình viện có thú tao nhã rất khác biệt của Giang Nam, như vậy tiền đình Kính Vương phủ thật sự là mang đậm phong cách kiến trúc của Đại Đường. Trang nghiêm mà thanh tú, nghiêm túc mà phiêu dật.
“Kính Vương phủ thật là có phong thái.” Trong bốn nha đầu, Lục Cúc theo Cầu Tam nương đi lại ở bên ngoài ít nhất, hơn nữa còn chưa bao giờ đến phương bắc.
Gần năm mươi năm qua, thương nhân và kẻ sĩ ở phương nam tiến về phương bắc an cư tăng nhiều, sinh ra biến hóa trong phong cách chỉnh thể. Kiến trúc phủ Học Sĩ cũng thiên về phong cách Giang Nam, coi trọng độ tinh xảo của lâm viên và lầu các. Bởi vậy, khi các nàng đến nơi đó, không thấy sự khác biệt quá lớn.
Lục Cúc cảm thán với cảnh sắc nơi này là bởi vì mỗi bông hoa ngọn cỏ trong Kính Vương phủ đều có vẻ cuồng ngạo hơn những nhà khác. Có điều, ở trong mắt Mặc Tử, điều khiến nàng thưởng thức nhất là kiến trúc đậm phong cách cổ xưa từ thời Đại Đường truyền lại, làm say lòng người. Thậm chí nàng còn nghĩ, mặc dù có thể mình không thích người ở nơi này, nhưng đối với Vương phủ này chỉ sợ là không chán ghét nổi. Cũng tốt, hoàn cảnh ảnh hưởng trực tiếp đến lòng người, ít nhất có thể duy trì trạng thái tinh thần tích cực.
Qua đình viện, bắt gặp hành lang rộng lớn đủ cho bốn con ngựa chạy song song, có đường rẽ sang hai bên. Mà nhạc công không rẽ sang bất kỳ hướng nào, đi thẳng về phía trước, tiến vào một cánh cổng lớn dán chữ hỉ đỏ tươi.
Cổng này so với cổng chính ra vào Kính Vương phủ nhỏ hơn một chút, biển gỗ bên trên viết ba chữ vàng, Kính Phương viện.
Nghênh ở trước cửa có quản gia, quản sự, gã sai vặt… mời bà mối đứng lại nói chuyện, bởi vậy đoàn người dừng lại trước cổng.
Bạch Hà quay đầu, vẻ mặt khẩn trương lại vui sướng, “Sắp tiến vào trong nội viện của Vương phủ. Lục Cúc, ngươi đừng nhìn đông nhìn nhìn tây nữa, để người ta thấy lại nghĩ chúng ta hiếm lạ.”
Lại quay sang nói với Mặc Tử, “Mặc Tử, để ý đến nàng một chút. Nha đầu kia bình thường thích nhất là xem náo nhiệt, không có người ở bên tai nhắc nhở, chỉ sợ cũng quên luôn hôm nay là ngày nào.”
“Ta sẽ không quên đâu. Yên tâm, thế nào cũng không thể khiến cho cô nương mất mặt.” Lục Cúc hơi dẩu miệng, không phục lắm, cố gắng cam đoan.
Đối với nha hoàn mà nói, ngày tiểu thư xuất giá có lẽ còn trọng đại hơn cả ngày bản thân lên kiệu hoa.
“Bạch Hà, bảo ta trông chừng Lục Cúc, còn không bằng ngươi mau chú ý đến Tiểu Y. Một khi nàng tiến vào vườn sẽ không thấy bóng dáng.” Tiểu Y có thể làm chuyện này mà thần không biết quỷ không hay, có điều lời này của Mặc Tử chủ yếu là muốn làm giảm đi sự khẩn trương trong lòng mọi người.
“Ta không thấy cái cây nào.” Tiểu Y cũng quay đầu lại nói, vẻ mặt bất mãn. Có lẽ trong bốn nha đầu, nàng là người duy nhất không có hứng thú với phong cảnh của Vương phủ.
“Tiểu Y, có biết tại sao nơi này không có cây cối hay không?” Mặc Tử thấy đám người phía trước và bà mối vẫn đang trịnh trọng nói chuyện ở đàng trước, cảm thấy có chuyện gì đó không ổn. Có điều đến hiện tại, dù người ta không chịu cưới, hôn sự này vẫn phải tiến hành. Theo đạo lý, khi Cầu Tam nương bước qua khỏi cửa phủ, đã trở thành nàng dâu của Kính Vương gia.
Hoàng Thượng còn nói lão Vương gia có cách trị gia. Cháu trai đã bỏ hai vị chính thê, nếu nay lại hủy một cuộc hôn sự nữa, Mặc Tử thật muốn hỏi xem, rốt cuộc có cách ở chỗ nào.
“Vì sao không có cây?” Tiểu Y truy hỏi, “Vì sao không có?” Đối vấn đề mình quan tâm, chẳng những không im lặng ngó lơ, mà còn hỏi lại.
“Bởi vì sợ thích khách.” Ánh mắt Mặc Tử vẫn không rời khỏi đám người đang trao đổi nho nhỏ kia, nhưng cách nói sợ thích khách cũng không phải bịa đặt ra.
“Thích khách đến, đánh đuổi là được, có quan hệ gì đến cây cối?” Tiểu Y một thân võ công, cho nên không sợ trời không sợ đất.
“Nếu như cây ở gần bờ tường, thích khách dễ dàng lẻn vào phủ. Cây ở trong vườn, thích khách có thể dễ dàng ẩn nấp. Cây càng nhiều, càng có thể che dấu nhiều thích khách, đánh cũng đánh lại. Cho nên, không có cây là tốt nhất.” Ít nhất, không có loại cây lớn rễ sâu lá tốt.
Vẻ mặt Tiểu Y hơi sụp xuống, nói thẳng: “Ta không thích nơi này.”
Giọng nói của bà mối ở phía trước bỗng nhiên cao lên, “Ta nói, tân lang không đến, tân nương sao có thể vào cửa được?”
Truyện khác cùng thể loại
564 chương
21 chương