7 đứa trẻ Ama Thượng như làm bằng chứng. Tạng y Tô-y-thê cười hà hà, vỗ vào chiếc đầu to tướng của nó: “Hôm nay bắt được chồn sóc tuyết, ngày mai ắt sẽ cắn chết được sói.” Con chồn sóc tuyết vẫn còn sống. Cang-rư-sân-cơ lấy chân gẩy đi gẩy lại, rồi đưa đến trước mõm Ngao đen Na-rư. Con Na-rư đang nằm dưới đất thấy chồn sóc tuyết liền há mõm ngoạm, dùng răng cắn, 1 lúc lâu mới cắn đứt được cuống họng con chồn. Nó nhai cả xương 1 cách ngon lành. Cang-rư-sân-cơ đứng bên cạnh nhìn nó ăn, không xơ múi tí nào. Đó cũng là sự khác biệt giữa Cang-rư-sân-cơ và Ngao đen Na-rư, giữa chó trông nhà và chó lãnh địa. Cang-rư-sân-cơ từng là chó trông nhà. Loại chó trông nhà ưu tú trên thảo nguyên thường không ăn thú rừng, trừ khi gặp trường hợp không ăn thì sẽ chết đói. Ngao đen Na-rư ăn rất chậm. Tạng y Tô-y-thê ngồi xổm bên cạnh, không ngừng rắc thuốc bột pha chế từ bột đá quý, bột xạ hương và hồng hoa tạng vào thịt con chồn. Na-rư biết thuốc này đắt như vàng, nó cố liếm bằng hết không bỏ phí. Tô-y-thê vuốt nhè nhẹ đầu nó nói: “Na-rư bị thương nặng quá, còn phải chữa trị 1 thời gian nữa mới có thể ra ngoài kiếm mồi được.” Vết thương trên đầu Na-rư đang dần kín miệng. Sống mũi bị gãy đã được Tạng y Tô-y-thê nối liền lại. Mắt trái bị thương 2 lần đã không còn sưng tấy nữa. Nhưng Tô-y-thê vẫn chưa hết lo lắng. Thị lực bên mắt trái nó liệu có khôi phục được như trước không? Nếu không sẽ kém đến mức độ nào? 4 vị lạt ma gậy sắt cõng Cang-rư-sân-cơ và Ngao đen Na-rư đã về 2 người. 2 vi lạt ma ở lại theo lời dặn của phật sống Tan-Trân, chăm sóc và bảo vệ người và chó trong động, đặc biệt là 7 đứa trẻ Ama Thượng, tuyệt đối không cho chúng đi ra ngoài động Mật Linh, trong thung lũng Mật Linh. Phật sống Tan-trân đã nói bên ngoài thung lũng Mật Linh là vách núi sào điêu. Những con chim điêu tuyết sẽ báo cho những kỵ sĩ vào trong núi tìm kiếm rằng: “Ở đây có người, ở đây có người.” Thung lũng Mật Linh là 1 thung lũng ngầm ẩn trong núi tuyết Ang-la. Thung lũng ngầm tức là những dãy núi cao đang chạy theo hướng Đông-Tây bỗng xuất hiện 1 thung lũng chạy theo hướng Nam-Bắc. Nhìn từ xa tuyệt nhiên không nhận ra ở đó có 1 thung lũng, chỉ khi đến gần mới phát hiện thấy ngọn núi đang vươn lên đột nhiên rơi xuống, càng rơi càng sâu và mở rộng ra thành thung lũng. Không biết từ gao giờ, 1 vị tăng lữ tu hành pháp danh là “Rư-chao-ba” đã phát hiện rat hung lũng ngầm này, bèn đặt tên là Mật Linh, nghĩa là thung lũng phật giáo của phái Mật Tông linh thiên hiển linh. Trong thung lũng Mật Linh trời đất ban tặng này có 1 hang động cũng do trời đất tạo nên. Những vị tăng lữ phát Mật Tông khổ luyện tu hành trong thế giới tuyệt đối cô quạnh yên tĩnh này là những người đầu tiên sống trong hang động Mật Linh. Trải qua mấy trăm năm, hàng ngàn tăng lữ phái Mật Tông trong trạng thái cực kỳ cơ mật bí hiểm đã tu luyện thành quả đại viên mãn pháp, thời luân kim cương pháp, đại thủ ấn pháp, diêm ma đức ca pháp và kim cương tiết pháp của Liên Hoa Sinh hồng truyền. Các tăng lữ tu luyện thành quả, luyện được công phu dự báo trước tương lai, cưỡi trống phi hành, nuốt dao phun lửa, đọc mật chú hạ sát địch thủ, phân thân đoạt xá… Sau khi đạt thành quả đó, họ rời khỏi hang động đi thật xa. Như 1 thứ gia bảo chỉ truyền cho 1 người, vị cao sư Mật Tông khi đã tu thành chính quả rời khỏi nơi khổ tu, việc đầu tiên là chiêu mộ môn đồ để truyền thụ mật pháp. Mấy năm sau vị sư chọn 1 môn đồ xuất sắc nhất và cáo từ thung lũng Mật Linh và động Mật Linh. Ông chỉ truyền mật pháp cho 1 người, duy nhất 1 người mà thôi. Người đồ đệ xuất sắc nhất đó sau khi được truyền sẽ lặn lội nghìn dặm tìm đến núi tuyết Ang-la. Việc đầu tiên là tìm thung lũng Mật Linh và động Mật Linh. Nếu tìm thấy coi như có duyên với mật pháp, sẽ theo truyền thụ của sư phụ mà tu luyện tại đó. Nếu không tìm thấy coi như không có duyên, trở về phúc đáp với sư phụ để sư phụ cử môn đồ khác đến tìm. Phật sống Tan-Trân đương nhiên là người đã tìm thấy động Mật Linh và tu luyện tại đó. Khi ngài tu thành chính quả liền rời khỏi động Mật Linh, khỏi thung lũng Mật Linh. Ông vô cùng kinh ngạc vì phát hiện thấy khắp thung lũng kín đặc những con Ngao Tạng. Kín đặc đến nỗi hầu như tất cả Ngao Tạng của thảo nguyên Chia-cu Tây đều tập hợp đến đây. Sau này phật sống mới biết, năm đó thảo nguyên xảy ra ôn dịch trong đàn chó. Trăm năm chưa chắc đã gặp 1 trận ôn dịch chó trầm trọng như vậy. Năm đó những con Ngao Tạng bất luận là chó lãnh địa, chó trông nhà, chó trông chùa hay chó chăn cừu đều trở thành đối tượng bị thần ôn dịch tấn công và giết 1 cách không thương tiếc. Loài Ngao Tạng hễ mắc phải bệnh truyền nhiễm đều tự động rời khỏi chủ nhân và thảo nguyên, đi đến núi tuyết thật xa rồi chết cô độc tại đó. Nhưng năm đó chúng không chết cô độc. Cả đàn bị nhiễm bệnh, cùng tìm đến thung lũng Mật Linh. Hình như chúng đã biết từ lâu trong núi tuyết Ang-la có 1 nơi không ai biết đến, là thung lũng Mật Linh. Người tu hành thần bí phật sống Tan-Trân ngây người ra mãi không dám bước chân. Ngài đã từng nhìn thấy những con sóc tuyết và báo tuyết vô tư chạy tung hoành trong thung lũng, chứ chưa bao giờ thấy Ngao Tạng, con vật sống và làm bạn với con người có mặt tại đây. Cả bầy Ngao Tạng rủ nhau đến đây cùng ra đi vĩnh viễn 1 cách lặng lẽ cũng ngạc nhiên không kém gì người nhìn thấy chúng. “Sao ở đây lại có người nhỉ? Mà lại là 1 người rất được kính trọng trong số người trên thảo nguyên. Xem ra chúng không thể chết tại đây, chết tại nơi trong sạch này.” Nhưng khổ nỗi chúng không lê bước nổi nữa. Số phận bắt chúng phải chết tại thung lũng Mật Linh này. Trong lúc bầy Ngao Tạng lũ lượt trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc phật sống Tan-Trân đi ra khỏi thung lũng Mật Linh. Việc đầu tiên ngài làm không phải là chiêu mộ môn đồ mà là tế lễ hồn của những con Ngao Tạng. Ngài nói cho mọi người biết tại sao những con Ngao Tạng bị bệnh dịch lại đến núi tuyết Ang-la tìm nơi an nghỉ cuối cùng. Vì chúng không muốn truyền bệnh cho người và chó khác. Khi chết chúng sẽ trở thành thức ăn cho sói, sói ăn rồi sẽ bị lây bệnh, cũng sẽ chết theo, như vậy trên thảo nguyên sẽ không xuất hiện tình trạng không đủ Ngao Tạng bảo vệ, để sói đến ăn thịt cừu. Cũng có thể nói, Ngao Tạng ốm chết sẽ kéo theo vài con sói chết cùng. Sói là loài thú rất thông minh xảo trá, nhưng khi gặp xác Ngao Tạng, chúng hoàn toàn mất đi khả năng suy nghĩ, vì trong suy nghĩ của chúng Ngao Tạng thường cắn chết sói, sự thù hận của chúng với Ngao Tạng là thù hận lớn nhất trong tất cả các thù hận của sói. Chúng nóng lòng muốn phục thù, trút hết thù hận đã nung nấu bấy lâu. Thế là chúng hoàn toàn mất hết lý trí xông vào xác con Ngao Tạng điên cuồng cắn xé, ăn tươi nuốt sống xác con Ngao mang bệnh dịch. Phật sống Tan-Trân nói đó là ưu điểm của Ngao Tạng. Chúng dù có chết vì bệnh tật cũng phải để sói nếm mùi lợi hại của chúng, cũng phải làm tròn bổn phận bảo vệ người và gia súc. Hết năm thứ 3 làm giỗ tế lễ linh hồn của các con Ngao Tạng, phật sống Tan-Trân mới bắt đầu chiêu mộ môn đồ, truyền thụ mật pháp. Nhưng ngài không truyền cho đồ đệ xuất sắc nhất về sự tồn tại của thung lũng Mật Linh và động Mật Linh, nơi tu luyện thiêng liêng và cơ mật nhất của phái Mật Tông, vì cơ man nào là Ngao Tạng đã chết ở đó, cơ man nào sói do ăn thịt Ngao bệnh cũng chết tại đó. 1 nơi mà chỗ nào cũng phảng phất linh hồn Ngao và linh hồn sói như vậy không thể tu luyện thành chính quả. Nếu cứ khăng khăng đòi tu luyện tại đó, rất có thể bị ma chướng nhập vào người, nhiễm phải tà khí, trở thành kẻ thù của phật pháp Mật Tông. Ngài đã lĩnh hội được ý chỉ của đại phật Như Lai: Thung lũng Mật Linh đã không còn nữa, ông là người đắc đạo cuối cùng tu luyện trong động Mật Linh. Tuy động Mật Linh không còn là đạo trường tu luyện cơ mật nữa, nhưng người biết đến nơi đó cũng không nhiều. 7 đứa trẻ Ama Thượng và Cang-rư-sân-cơ được giấu ở đó tuyệt đối an toàn. Suốt nửa tháng, dưới sự chỉ huy của tướng cướp Chia-ma-chua, các kỵ sĩ bộ lạc Mục Mã Hạc tìm kiếm khắp khe núi, khắp vùng núi tuyết Ang-la nhưng không phát hiện ra thung lũng Mật Linh ẩn trong núi. Không chỉ 1 lần, từ xa họ đã nhìn thấy ngọn núi cao vút chạy theo hướng Đông Tây, nhưng vẫn không phát hiện ra 1 thung lũng sâu bỗng từ thế núi cao rơi tõm xuống. Việc tìm kiếm xem như thất bại, đoàn người sắp quay về. Chính cái ngày định quay về đó, ngày thứ 16 tính từ khi 7 đứa trẻ Ama Thượng và Cang-rư-sân-cơ trốn vào trong hang thì 1 chuyện đã xảy ra. Ngày hôm đó, trong dãy núi Ang-la hùng vĩ, con sói tuyết cái để cún trắng Ca-ca trên 1 cái dốc đóng băng. Nó ngoạm 1 miếng cắn gãy chân sau của Ca-ca rồi nhảy lên 1 mỏm đá trước mặt dốc băng, dùng tiếng gầm và nhe hàm răng sắc như dao kiên trì đuổi 2 con sói đực định ăn thịt Ca-ca. Khoảng 20 phút trôi qua, rốt cuộc 2 con sói đực vì khiếp sợ, hoặc giả là đã bị sói cái thuyết phục, theo con sói cái nhảy lên mỏm đá cao hơn, từ trên nhìn xuống cún trắng đang đau đớn vật vã. Ca-ca không đủ sức để sủa gâu gâu nữa. Tiếng sủa trở nên khàn khan đứt quãng, nhỏ dần, nhỏ dần, cuối cùng biến thành tiếng thút thít ri rỉ, tiếng khóc không kiềm được. Cái đau xé lòng làm cho sự sợ hãi nhu nhược từ nơi sâu thẳm trong nó bị đào xới ra, bởi đối với loài Ngao Tạng không bao giờ có sự sợ hãi lộ bên ngoài. Bản năng sống không muốn bị thương, khiếp sợ cái chết bỗng xâm nhập vào linh hồn Ca-ca, khiến lần đầu tiên trong đời nó cảm thấy tuyệt vọng về khả năng của mình và vị thế của Ngao Tạng trong thiên nhiên. Nó kéo lê cái chân gãy vừa kêu khóc vừa chạy trốn thục mạng. Chạy đến gần kiệt sức mới phát hiện ra mình chỉ chạy vòng tròn. Vệt máu đỏ tươi như dùng compa vẽ 1 vòng lại vẽ tiếp vòng khác trên dốc băng trắng xóa. Vòng cuối cùng kết thúc trong cơn đau đớn mệt nhoài. Nó thở hắt ra 1 tiếng rồi nằm yên bất động trên tuyết. Nó không chết, cũng không ngất đi. Theo tiềm thức nó đã áp dụng biện pháp hữu hiệu nhất khi đang đối mặt với cảnh cùng quẫn: cắn chặt hàm răng, lặng lẽ nhẫn nhịn. 1 tiếng đồng hồ trôi qua, người nó càng lúc càng lạnh toát, lạnh đến nỗi nó không còn cảm nhận được cái lạnh buốt của dốc băng và không khí giá lạnh của núi tuyết nữa. Máu vẫn còn chảy, vừa chảy ra đã đóng băng. Cún trắng Ca-ca nhìn dòng băng màu đỏ đó không chớp mắt. Nó ý thức được rằng chất tinh thể đó liên quan đến sự sống của nó, càng chảy nhiều, nó càng kề cận cái chết. Dấu hiệu của cái chết là sự khát nước khủng khiếp. Ca-ca cố động đậy, đầu gối lên cái tinh thể màu đỏ đó. Nó thè lưỡi ra liếm chầm chậm. Hình như dễ chịu hơn chút rồi, có vẻ không đau lắm nữa, có vẻ cái thong lọng chết choc đang quàng vào cổ nó dần nới lỏng ra. Sự thực nó không biết gien di truyền tuyệt vời của Ngao Tạng đang phát huy tác dụng, khiến 1 bản năng khác trỗi dậy từ dòng máu còn sót lại của nó. Ca-ca không còn nhu nhược và sợ hãi cái chết nữa. Bất giác nó trở nên cứng rắn kiên cường. Nó lại sủa gâu gâu, tiếng sủa càng lúc càng to, vừa sủa vừa cố đứng lên, dùng 3 cái chân lành lặn đỡ lấy người. Nó dùng khứu giác nhạy bén trời phú nắm bắt được mùi gây gây của sói và hướng vào đó sủa đầy căm thù. Con sói tuyết cái cùng 2 con sói tuyết đực vẫn đầy kiên nhẫn nằm phục trên mỏm tuyết nhìn cún trắng. Chúng thích nghe tiếng sủa của Ca-ca. Ở cái nơi dã thú thường xuyên xuất hiện này, tiếng sủa của chó con không được coi là lời cảnh báo. Nó chỉ được xem là mồi nhử, nhử đến 1 con sói tuyết cái chỉ có nửa mũi. Con sói tuyết cái nữa mũi sắp đến, thời khắc ăn thịt con Ca-ca cũng sắp đến. Sói cái nửa mũi là con sói lang thang cô độc, ít ra hiện giờ là vậy. Nó to cao khỏe mạnh, tính tình hung bạo, thường đến đây dùng cử chỉ coi thường miệt thị khiêu khích chủ nhân của lãnh địa băng dốc: sói cái và 2 con sói đực. Đối với con sói cái, nguy hiểm nhất là khi sói cái nửa mũi đến khiêu khích, sự chống trả của 2 con sói đực rất cầm chừng. Sự khiêu khích đó đôi lúc trở thành trêu ngươi. Điều này nghĩa là gì, sói tuyết cái hiểu rõ mười mươi: 2 con sói đực tuy đã luống tuổi, nhưng khi động cỡn bản tính háo sắc không suy giảm. Chỉ cần 1 trong 2 con sói đực phản bội nó, thì chủ nhân của băng dốc này không còn là nó nữa, mà sẽ là sói tuyết cái nửa mũi. Vì vậy sói tuyết cái nghĩ ra kế để sói tuyết cái nửa mũi kia ăn thịt cún trắng, theo thuật ngữ của loài người kế đó gọi là “gắp lửa bỏ tay người”. Để thực hiện mưu kế đó, nó phải có ý chí để ức chế bản năng tham ăn của nó, còn phải thuyết phục 2 con sói đực theo mình, để chúng cũng có được tố chất thông minh lạnh lùng trong cái thế giới băng tuyết này. Tất cả các con thú rừng bao gồm cả sói tuyết trên thảo nguyên đều biết rõ, khứu giác của loài Ngao Tạng là vũ khí đáng sợ nhất. Nếu con thú nào muốn cắn bị thương chủ nhân hoặc người thân của chủ nhân Ngao Tạng, hay muốn cắn chết bò cừu mà Ngao Tạng bảo vệ, trước khi hành động, con thú đó phải tính tới cách thoát khỏi sự theo dõi phục thù của Ngao Tạng, nếu không, cuộc đời nó coi như chấm hết. Những con Ngao Tạng phục thù sẽ tìm kiếm tông tích của nó, san bằng sào huyệt của nó. Điều cực kỳ nghiêm trọng là sự phục thù của Ngao Tạng không phải đến ngay mà cách 1 khoảng thời gian dài, nửa năm hoặc 1 năm, khi con thú đó đã quên hết mọi việc, không hề cảnh giác phòng bị. Con Ngao Tạng sẽ giống như từ trên trời rơi xuống, xuất hiện ngay trước sào huyệt của nó. Nó không biết Ngao Tạng này đến từ đâu, nhưng Ngao Tạng lại biết nó. Chiếc mũi và ký ức của Ngao Tạng báo cho nó biết, đây chính là kẻ thù, là thủ phạm từng làm hại đến chủ nhân hoặc người thân của chủ nhân nó, hay chính là kẻ đã cắn chết bò cừu mà nó bảo vệ. Vì vậy theo kinh nghiệm lâu đời, một khi sói tuyết đã đắc tội với Ngao Tạng, hành động đầu tiên là chạy trốn, cao chạy xa bay đến 1 nơi thật xa. Giờ đây mưu kế thông minh của con sói tuyết cái sắp thành công. Mắt nó bỗng sáng lên khi nhìn thấy 1 bóng sói đang di động. Đó chính là con sói tuyết cái nửa mũi. Nó đang chạy đến đây từ 1 cái rãnh dưới chân núi. Sói tuyết cái hưng phấn đứng thẳng lên. Nó tru lên như là đang đe dọa đối phương. Nó nhận thấy sự đe dọa này là cần thiết, vì đối với “nửa mũi” hung hãn táo bạo này, càng đe dọa thì nó càng chạy đến. Nếu im hơi lặng tiếng, nó sẽ nghi ngờ ngay: “Phải chăng đây là cái bẫy? Là mồi nhử tẩm độc?” Con sói tuyết cái vẫn cứ tru lên đe dọa. “Con nửa mũi” từ xa nhìn thấy sói tuyết cái. Nó vừa đánh hơi vừa đi về hướng đó. Mùi gây của sói càng lúc càng nồng. Cún trắng Ca-ca sủa to đầy căm thù. Khi “con nửa mũi” nhô ra từ sau 1 gò tuyết, Ca-ca dũng cảm dùng 3 cái chân lành lặn vồ lên 1 cái. “Nửa mũi” dừng lại. Tuy sự đe dọa của sói tuyết cái chứng tỏ cún trắng chẳng phải mưu mô quỷ kế gì, nhưng nó vẫn cẩn thận nhìn quanh với đôi mắt thăm dò. Nó cảm thấy có cái gì đó không ổn lắm. Nó kéo căng chân trước, rón rén cẩn thận đến gần con mồi, dùng chân trước hất ngã Ca-ca vẫn đang sủa gay gắt. Nó nhe nanh ra nhưng chưa vội cắn, dùng nửa chiếc mũi gạt gạt lông cún trắng ngửi xem có mùi thuốc độc không. Sau đó nó ngẩng đầu lên, gập cổ xuống lắc mạnh đôi tai thẳng đứng mấy cái. Nó kiểm tra nghe ngóng 1 lần cuối cùng, rồi nó phát hiện ra: 1 thứ tiếng gì rất nhỏ đang xuất hiện, tiếng nhỏ như vậy sói tuyết khác không nghe thấy, nhưng nó lại nghe thấy, vì nó chỉ còn có nửa mũi, 1 nữa mũi bị mất đủ khiến nó cảnh giác và nhạy cảm bội phần với những mỗi hiểm nguy tiềm ẩn, đủ để nó nhớ bài học xương máu: “Không nên dính vào Ngao Tạng, trừ khi không muốn sống nữa.” Sói tuyết cái nửa mũi ngẩng đầu lên, giận dữ nhìn sói tuyết cái và 2 con sói tuyết đực đang đứng trên mỏm đá. Nó liếc 1 cách nham hiểm: “Đúng là quỷ kế. Được lắm, chúng bay hãy đợi đấy.” Rồi nó nhảy lên, quay ngoắt người chạy, chớp mắt đã không còn thấy tăm hơi. Thế này là thế nào? Con sói cái và 2 con sói đực nghi hoặc. Chúng cảm thấy khó hiểu. Chúng đứng từ mỏm tuyết trên cao nhìn xuống, nóng lòng chờ đợi xem màn diễn “nửa mũi ăn thịt cún trắng”, nhưng chỉ thấy màn chạy trốn thật nhanh của “nửa mũi”. Con sói cái ngẩng cao đầu, cảnh giác nhìn xung quanh. 2 con sói đực đã mất hết kiên nhẫn để tìm hiểu rõ vấn đề, chúng không đợi được sói cái đưa ra quyết định, tranh nhau từ mỏm tuyết chạy xuống, nước bọt them thuồng đã rỏ xuống ướt cả 1 mảng đất. Ruột và dạ dày dưới sự cám dỗ của miếng mồi bắt đầu co thắt thật mạnh. Mỗi tế bào đều chỉ phát ra 1 tiếng nói: “Ăn thịt cún trắng. Ăn thịt cún trắng.” Sói tuyết cái vẫn đứng trên mỏm tuyết, nhìn về phương xa nơi thung lũng Mật Linh. Bỗng nó run rẩy, tru lên 1 tiếng cảnh báo chối tai về phía 2 con sói đực. Trong động Mật Linh ẩn trong thung lũng Mật Linh của núi tuyết Ang-la, Tạng y Tô-y-thê nói với 2 vị lạt ma gậy sắt: “Thịt khô và bột thanh khoa gần hết rồi, phổi bò khô và xương cừu vụn cũng không còn là bao, 2 vị phải về 1 chuyến. Hôm nay không về, ngày mai chúng ta không còn gì để ăn. Người nhịn đói mấy ngày không sao, 2 con Ngao Tạng không thể để chúng đói. Chúng đang trong giai đoạn chữa trị, hồi phục thể lực, không có gì ăn, thuốc mà ta cho chúng uống không có tác dụng.” 1 vị lạt ma nói: “Lạt ma vua thuốc nói đúng, chúng tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng chỉ e khi chúng tôi đi, 7 đứa trẻ Ama Thượng không nghe lời vua thuốc, vạn nhất chúng chạy rat hung lũng Mật Linh thì uổng công lo lắng của phật gia Tan-trân.” Tạng y Tô-y-thê nói: 7 đứa trẻ và Cang-rư-sân-cơ cùng 1 lòng. Ta chỉ cần canh thật chặt Cang-rư-sân-cơ, coi như đã canh chặt bọn trẻ rồi. Lạt ma cứ yên tâm đi đi. Không có chuyện gì đâu.” Đúng vào giữa trưa, ánh nắng chiếu thẳng xuống mặt đất phủ đầy tuyết, phản chiếu 1 thứ ánh sáng mạnh chói mắt, 2 vị lạt ma gậy sắt chào mọi người và từ biệt lũ chó, đi nhanh ra ngoài. Ra khỏi thung lũng Mật Linh là vách núi điêu sào. Không biết tại sao và từ bao giờ, cái nơi ngàn năm tuyết phủ chất thành biển tuyết mênh mông này bỗng mọc lên 1 vách núi cả năm không 1 bông tuyết rơi xuống. Trên vách núi chi chit những tổ chim tuyết điêu. Mấy nghìn con tuyết điêu làm tổ ở những mỏm đá và sống ở đó từ xa xưa. Tuyết điêu hễ thấy người là kêu. Đấy là tiếng kêu bày tỏ vui mừng và cảm kích với con người. Trong ký ức của chúng, con người chưa bao giờ làm tổn thương đến chúng. Họ còn đưa những con tuyết điêu bé bỏng chẳng may bị sói tuyết cắn bị thương đem về chữa trị lành lặn rồi thả chúng về với đàn. Con người có lòng tốt với tuyết điêu vì tuyết điêu ăn chuột dúi và chuột thỏ, 2 loại động vật gặm nhấm tiêu thụ lượng cỏ lớn nhất trên thảo nguyên. Chúng ăn nhiều gấp mấy lần đàn bò cừu. Nếu không có tuyết điêu – thiên địch của chúng, thì thảo nguyên sẽ trở thành 1 bãi đất trống cỏ cây không mọc nổi. Dân chăn gia súc có câu: “Cỏ cây xanh tốt mọc từ đất, bò cừu béo tốt tuyết điêu cho.” Gặp những năm chuột hoành hành phá hoại cây cỏ nghiêm trọng, tù trưởng và các vị lạt ma trong chùa đều mang bơ, phomát thơm ngon nhất đến dưới vách núi điêu sào, đốt hương khói, đọc kinh cầu nguyện, tế lễ sơn thần, đồng thời cầu xin thần điêu hóa thân hiện lên biến thành chiến thần của bộ lạc, tiêu diệt nghiệp chướng do loài động vật gặm nhấm này gây ra. Giờ đây, những con điêu tuyết trên vách núi điêu sào bắt đầu kêu. Vẫn là những biểu hiện vui mừng và cảm kích. Chúng từ trên cao nhìn xuống, thấy 2 vị lạt ma gậy sắt trên người quấn chăn chiên đỏ vội vã ra khỏi thung lũng. Trước đèo núi tuyết Ang-la xa xa, không biết bao nhiêu con điêu tuyết tập hợp lại phát ra những tiếng kêu như 1 bàn tay vô hình kéo chân đoàn người sắp ra khỏi núi tuyết. Đoàn người đó là những kỵ sĩ của bộ lạc Mục Mã Hạc, dưới sự chỉ huy của tướng cướp Chia-ma-chua. Họ đi tìm 7 đứa trẻ Ama Thượng. Việc tìm kiếm đã kéo dài nửa tháng thì nhận được lệnh của tù trưởng Ta-cơ-niê-y: “Không tìm nữa, các kỵ sĩ rút về thảo nguyên Long Bảo Trạch trước khi trời tối.” Tù trưởng Ta-cơ-niê-y còn nói: “Cứ tìm mãi không bằng triệu tập hội nghị liên minh các bộ lạc, trực tiếp chất vấn phật sống Tan-trân chùa Chia-cu Tây: tại sao lại giấu kẻ thù Ama Thượng và chó của chúng? Nếu ngài không muốn trở thành kẻ phản bội của thảo nguyên Chia-cu Tây thì nên mau giao cho chúng tôi người và chó. Chỉ dựa vào câu: “Phật lấy thiện làm gốc, lấy từ bi giữ mình” thì không đủ để chúng tôi tin phục và tha thứ. Xin hỏi ngài, phật gia, người Ama Thượng có bao giờ làm việc thiện cho chúng tôi không? Chúng tôi cung cấp đủ thứ cho ngài không phải để ngài quên đi lịch sử. Nợ máu phải trả bằng máu, đó là tín ngưỡng của bộ lạc. Người trên thảo nguyên Chia-cu Tây, bao gồm cả phật gia đều phải gánh vác trách nhiệm vì tín ngưỡng thiêng liêng này.” Tù trưởng Ta-cơ-niê-y rút các kỵ sĩ về còn vì 1 nguyên nhân là có người đã nhìn thấy Tạng Cha-xi, kẻ bị đuổi khỏi chùa đang lang thang trên thảo nguyên với 2 tay còn lành lặn. Làm sao có thể để như vậy? Tù trưởng Ta-cơ-niê-y nhắn tin cho tù trưởng các bộ lạc khác: “Hỡi các kỵ sĩ của các bộ lạc, đã đến lúc chúng ta phải lục soát thật kỹ 1 lần từ đầu đến cuối thảo nguyên Chia-cu Tây, tìm cho ra kẻ phản bội Tạng Cha-xi, chặt đứt đôi tay hắn. Nếu không quyền lực của hội nghị liên minh làm sao thể hiện được? Uy nghiêm của các tù trưởng làm sao thể hiện được? Luật lệ của thảo nguyên Chia-cu Tây làm sao thực thi được? Người nhìn thấy Tạng Cha-xi nói lại rằng thấy tay hắn cầm gậy đánh chó, cho thấy hắn sắp rời đất này đi đất khác. Phải mau bắt lấy hắn, chặt đứt 2 tay hắn rồi mới cho hắn rời khỏi thảo nguyên Chia-cu Tây. Hỡi các kỵ sĩ của các bộ lạc, giờ xuất phát của các người đến rồi.” Tù trưởng Ta-cơ-niê-y là người hiểu rõ sứ mệnh và đầy trách nhiệm, vì vậy đã khẩn cấp triệu tập thủ lĩnh quân sự của bộ lạc, tướng cướp Chia-ma-chua và các kỵ sĩ về, mục đích chủ yếu là truy bắt Tạng Cha-xi. Các kỵ sĩ bộ lạc Mục Mã Hạc dừng lại ở đèo núi tuyết Ang-la. Họ ngạc nhiên lắng nghe tiếng kêu của chim tuyết điêu. Không nghi ngờ gì nữa, tiếng kêu đó báo cho họ biết: “Ở đây có người. Ở đây có người.” Tướng cướp Chia-ma-chua nói: “Có người ư? Nhưng chúng ta đã tìm kiếm từng ấy ngày, chẳng thấy bóng 1 ai cơ mà?” Ông do dự rồi bỗng nói to: “Các kỵ sĩ, tù trưởng lệnh cho chúng ta rút về thảo nguyên Long Bảo Trách trước khi trời tối. Bây giờ còn sớm, cách nơi mặt trời lặn còn đường đi của 3 mũi tên bắn, sao chúng ta không quay lại xem sao? Xem ai đã đến vách núi điêu sào?” Các kỵ sĩ đồng thanh tán thành. Thế là tướng cướp Chia-ma-chua dẫn đầu mấy chục kỵ sĩ bộ lạc Mục Mã Hạc phi như bay về phía vách núi điêu sào. Sắp đến vách núi điêu sào, đoàn kỵ sĩ gặp 2 vị lạt ma gậy sắt đi xuống núi vội vã. Không đợi tướng cướp ra lệnh, tất cả kỵ sĩ đều nhảy xuống ngựa, cúi người cung kính đợi. Tướng cướp Chia-ma-chua thắng dây cương, vừa nhảy xuống ngựa vừa hỏi: “2 vị lạt ma gậy sắt, các ngài đến từ đâu?” 1 vị lạt ma nghiêm nghị nói: “Tướng cướp Chia-ma-chua, chẳng lẽ anh không nhận ra sao? Chúng tôi đến từ trên trời.” Tướng cướp Chia-ma-chua nhìn trời, lại nhìn đất rồi nói: “Các vị đến từ trên trời, sao dấu chân lại in dưới đất?” 1 vị lạt ma khác lại nói: “Bóng trên trời xuống đất biến thành dấu chân vì chúng tôi vác trên vai gậy sắt nên người nặng thêm.” Tướng cướp Chia-ma-chua cười nói: “2 vị lạt ma người nặng, có cần đến con tuấn mã của trần gian không? Để kỵ sĩ của chúng tôi đưa 2 vị 1 đoạn.” “Không cần, không cần, chỉ cần 3 chân 4 cẳng là về đến chùa Chia-cu Tây rồi.” Nói dứt lời, 2 vị lạt ma nhấc chân đi ngay. Tất cả kỵ sĩ thõng 2 tay đứng thẳng, nhìn tiễn 2 vị lạt ma gậy sắt. Chỉ có tướng cướp Chia-ma-chua với đôi mắt sắc như dao đăm đăm nhìn 2 hàng dấu chân của 2 vị lạt ma càng đi càng nhanh đang in trên tuyết. 7 đứa trẻ Ama Thượng đang chơi trò “khúc xương dê” trong động Mật Linh. Chúng ngồi thành 1 vòng tròn, đặt tên các con vật cho 21 khúc xương. Thằng bé mặt sẹo vứt 21 khúc xương lên cao rơi xuống để mọi người cướp. Mỗi người chỉ được cướp 3 khúc. Nhưng khúc xương dê hình dáng đều giống nhau, không ai biết mình sẽ cướp được con gì. Ai cướp được Ngao Tạng sẽ được làm chủ, được dùng xương dê của mình đánh xương dê đối phương, nếu đánh trúng lại được đánh tiếp, nếu không trúng sẽ bị người khác đánh. Thường thì ai cướp được Ngao Tạng, bò rừng và ngựa sẽ thắng cuộc, vì trong quy tắc của trò chơi, ai cướp được Ngao Tạng, bò rừng và ngựa được phép đánh tất cả các con thú, còn sói, gấu, báo, dê, cáo, thỏ, rái cá, chuột… đều bị hạn chế. Ví dụ sói đánh Ngao Tạng, dù có đánh trúng cũng không được tính điểm. Chơi trò chơi này, mấu chốt là cướp được con gì. Đã cướp thì phải tranh nhau, đẩy nhau, hệt như những con cún đùa nghịch đánh nhau vậy. Ngày nào bọn trẻ cũng chơi trò này, chơi mãi không chán. Khi bọn trẻ mải chơi thì Cang-rư-sân-cơ lẳng lặng đi ra khỏi động Mật Linh. Ngao đen Na-rư cũng định đi theo thì Tạng y Tô-y-thê ngăn lại: “Na-rư không được ra ngoài. Mắt của con bị thương chưa khỏi hẳn, không thể để gió thổi vào, lại càng không được để tuyết chiếu vào làm lóa mắt.” Cang-rư-sân-cơ vừa ra ngoài hang, đi được vài bước là bắt đầu chạy. Nó cảm thấy rất dễ chịu. Tập tính của nó vốn là tìm cái ấm áp từ trong tuyết lạnh, chạy như điên trong gió. Núi tuyết Ang-la cao và giá rét thật hợp với tập tính của nó. Nó chạy xung quanh, càng chạy càng nhanh, vừa chạy vừa dùng mũi ngửi trong tiếng gió ào ào. Bỗng nó dừng lại. Trong không khí phản phất 1 mùi gì là lạ khiến nó khựng 1 cái. Mùi đó không phải mùi chồn sóc tuyết mà 2 ngày qua nó bắt, mà là mùi gây gây rất nặng của sói. Mà không chỉ có mùi sói, còn có cả mùi chó. Lạ nhỉ? Sao mùi sói và mùi chó lại lẫn vào nhau? Nó quay đầu lại nhìn động Mật Linh, thấy tình hình khẩn cấp quá, nó không nhất thiết phải được sự đồng ý của chủ nữa. Nó nhảy lên và chạy. Lần này nó không chạy vòng quanh mà chọn con đường ngắn nhất chạy đi. Nó chạy ra ngoài thung lũng Mật Linh, chạy qua 1 đồi tuyết thoai thoải, rồi chạy đến 1 cái dốc băng thoáng rộng. Lúc này Cang-rư-sân-cơ không chỉ hành động theo chi phối của khứu giá. Thính giác và thị giác của nó đã phát huy tác dụng. Nó nhìn thấy con sói tuyết cái đứng trên mỏm tuyết, nghe thấy tiếng hú sắc nhọn cảnh báo của nó. Ngay lúc đó, nó nhìn thấy bạn của sói tuyết cái, 2 con sói tuyết đực dưới sự cám dỗ của mồi ăn đã quên hết tất cả. Mồi mà chúng định ăn thịt là con của 1 con Ngao Tạng nào đó, 1 con cún trắng. Cang-rư-sân-cơ phát điên. Nó chạy theo kiểu nhảy xa 3 bước, vừa chạy vừa sủa đe dọa. Từ ngày nó đến thảo nguyên Chia-cu Tây, chưa bao giờ nó lại chạy 1 cách điên cuồng như vậy. Tiếng sủa đe dọa khiến 2 con sói đang định cắn xuống cún trắng ngừng lại. Chúng giật mình ngẩng đầu lên, theo phản xạ lùi về sau 1 chút. Cún trắng Ca-ca nằm bẹp dưới đất, kêu không thành tiếng. Sự biểu hiện của nó hệt như tất cả những sinh vật khi ý thức được cuộc sống của mình sắp kết thúc, Ca-ca chúi đầu vào 2 chân trước đã vòng lại, nhắm mắt. Nó đã sớm đi vào trạng thái “chết” trước khi sự đau đớn do răng sắc cắn vào xuất hiện. Dòng máu vừa tươi vừa ấm, thịt vừa ngon vừa ngọt, mỡ thơm béo ngậy, xương giòn tan, đấy là những thứ con vật bé nhỏ này có thể cung cấp cho bữa ăn của sói. Có lẽ mê muội vì sức hút của thức ăn, tuy nghe tiếng hú cảnh báo của sói cái nhưng 2 con sói đực chưa chạy trốn ngay. Chúng do dự mấy giây. Chính cái tích tắc do dự đó đã quyết định số phận của chúng. Chúng phải chết. 1 con chết ngay lúc đó, con kia chết ngày hôm sau. Con sói chết vào ngày hôm sau là con chạy trốn trước tiên, nhưng không kịp nữa. Tốc độ của Cang-rư-sân-cơ nhanh như chớp, mạnh như vũ bão, thoáng cái đã đến. Răng nanh nhọn sắc của sư tử núi tuyết đã cắm phập vào sau gáy sói rồi rút ra. Máu sói phun ra như suối. Con sói đực quay đầu lại định cắn Cang-rư-sân-cơ. Cang-rư-sân-cơ lấy đầu húc, tuy cũng bị răng sói xé toạc 1 miếng da, nhưng con sói đã bị húc lăn ra xa 2 mét. Con sói tuyết loạng choạng đứng lên, chạy được mấy bước rồi kêu thảm 1 tiếng ngã xuống, nằm đó đến tận hôm sau, máu chảy hết khiến nó trút hơi thở cuối cùng. Nó không bao giờ đứng dậy được nữa. Con sói chết ngay lúc đó thì chạy được hơn 20 mét. Nó định nhảy lên mỏm tuyết cùng con sói cái đối phó với Cang-rư-sân-cơ. Nhưng nó không ngờ, bạn nó, con sói tuyết cái đã lấy đầu húc nó ngã lăn xuống chân mỏm tuyết, khiến nó nằm lăn kềnh, hở cái bụng mềm mại không lông của nó ra. Cang-rư-sân-cơ đuổi đến vồ vào vật lộn với nó. Đúng là 1 cảnh “3 nắm đấm đánh chết Trấn Quan Tây” của Lỗ Trí Thâm trong Thủy Hử. Cang-rư-sân-cơ hất đầu dùng răng nhọn kéo ruột con sói ra, lại lấy răng xỉa vào pín sói hất cái của quý đó lên trời, cuối cùng cắn phập vào sau gáy sói, dùng chính máu sói bịt kín đường không để linh hồn sói thoát ra ngoài. Sau đó nó quay lại nhảy lên mỏm tuyết định giải quyết luôn con sói cái. Sói cái đã chạy mất hút. Nó dùng hành động đẩy bạn từ trên đỉnh mỏm tuyết xuống để giành lấy chút thời gian cho mình chạy trốn. Thật là bỉ ổi, thật là ti tiện, cũng thật không kém phần trí tuệ. Bất kể là ti tiện hay trí tuệ cũng đều là biểu hiện của thiên tính của sói tuyết, là thủ đoạn sinh tồn của chúng. 1 con sói tuyết cái từng trải, kinh nghiệm phong phú, mãi mãi là 1 kẻ vị kỷ cực đoan, xảo trá nham hiểm. “Sói đạo” trên thảo nguyên là như vậy. Hệt như cha tôi đã nói với tôi từ lâu, loài sói mềm nắn rắn buông. Thấy ai yếu thế thì bắt nạt, ai mạnh hơn thì nhún nhường. Thường nó không thích gây chiến với thế lực bằng hoặc hơn mình. Ngao Tạng thì khác. Để bảo vệ chủ nhân và nhà cửa, gia súc, dù đối thủ có mạnh đến đâu nó cũng dám đối đầu, chết cũng không sợ. Suốt đời sói chỉ làm những việc tổn hại đến kẻ khác, suốt đời Ngao Tạng chỉ giúp đỡ người khác. Cách hành xử của sói là giữ lấy thân mình, của Ngao Tạng là xả thân vì nghĩa; Sói ích kỷ tư lợi, Ngao Tạng chí công vô tư; Sói chiến đấu chỉ vì mình, cùng lắm là vì con cái, Ngao Tạng chiến đấu vì người khác, vì bạn bè, vì chủ nhân; Sói dĩ thực vi thiên, sống chỉ vì miếng ăn, Ngao Tạng dĩ đạo vi thiên, sự chiến đấu của nó vượt xa nhu cầu ăn uống thấp hèn, mà là vì trung thành, nghĩa khí, nhiệm vụ. Mục đích sinh tồn của sói trước hết là bảo vệ bản thân, mục đích sinh tồn của Ngao Tạng là bảo vệ người khác. Sự tồn tại của sói đồng nghĩa với sự tồn tại của rắc rối, khiến người khiếp sợ. Sự tồn tại của Ngao Tạng là sự tồn tại của an ninh, khiến người ta yên tâm. Sói động một tí là trở mặt, thậm chí phản bội cả đàn, người ta nói “sói mắt trắng” là chỉ điều đó. Ngao Tạng không như thế. Nó suốt đời chung thủy với tất cả những ai từng đối tốt với nó. Cang-rư-sân-cơ đứng trên mỏm tuyết. Nó ngẩng đầu lên thở mạnh, nhăn mũi đánh hơi xung quanh. Nó đánh hơi thấy sói tuyết cái đã chạy trốn và khe núi tuyết hướng Tây Bắc. Theo bản tính, nó sẽ truy đuổi đến cùng. Nhưng 1 bản năng mạnh mẽ hơn khiến nó không đuổi, lại nhảy xuống mỏm tuyết, chạy đến bên cạnh cún trắng. Nó ngửi ngửi lông cún trắng, thè lưỡi liếm cái chân bị gãy đang đầm đìa máu cho cún trắng. Thấy cún trắng vẫn nằm yên bất động, nó vội cắp cún trắng chạy xuống dốc núi tuyết, chạy qua đèo núi thoai thoải, chạy vào thung lũng Mật Linh. Bỗng nhiên nó phát hiện ra ở đây đã xảy ra chuyện rồi, không còn yên bình nữa. Tướng cướp Chia-ma-chua phi ngựa đến dưới vách núi điêu sào nhìn lên. Tiếng kêu vui vẻ của đàn tuyết điêu bao phủ trên đầu hắn như cơn mưa sấm rền trong mùa hè. Nhìn thấy vô vàn những con tuyết điêu vừa kêu vừa vỗ cánh, lông vũ bay như bông tuyết. Lông vũ của chúng bay về núi tuyết gần đó, trên đỉnh núi hằn rõ dấu chân của 2 vị lạt ma gậy sắt. Chia-ma-chua cảm thấy lạ. Sao 2 vị lạt ma lại đi từ trên đỉnh núi tuyết xuống? Hắn dắt con ngựa đi về phía có ngọn núi lớn chạy theo hướng đông tây. Đang đi thấy đỉnh núi bỗng từ đằng sau rơi xuống, tạo thành 1 thung lũng ngầm chạy theo hướng Nam Bắc. Thung lũng như 1 cái thìa vừa sâu vừa lớn gắn trong dãy núi băng đá trùng điệp. Tướng cướp Chia-ma-chua sau những phút kinh ngạc vội quay người gọi đoàn kỵ sĩ đằng sau: “Mau, mau lại đây!” Vừa gọi được 1 câu, hắn vội im bặt. Phải khe khẽ, khe khẽ. Hắn ý thức được có thể 7 đứa trẻ Ama Thượng và Cang-rư-sân-cơ được giấu tại đây, không thể để có 1 tiếng động nào. Tướng cướp Chia-ma-chua dẫn đoàn kỵ sĩ lặng lẽ không 1 tiếng động lần theo dấu chân 2 vị lạt ma đi lên. Chính Ngao đen Na-rư phát hiện ra đoàn kỵ sĩ trước. Nó đánh hơi thấy rồi nghe thấy. Khi tướng cướp Chia-ma-chua gọi “Mau lại đây!” nó đã nghe thấy rồi. Về mặt này, nó nhanh nhạy hơn cả Cang-rư-sân-cơ. Nó nhận biết được tiếng và hơi của người bộ lạc. Từ bên cạnh Tạng y Tô-y-thê nó đứng lên, vui mừng vẫy đuôi. Đang vẫy, bỗng nó cảm thấy có gì đó không ổn. Sao trong lòng nó lại có cảm giác căng thẳng, có 1 cái gì đó như là sự đối địch? Chẳng lẽ người bộ lạc thảo nguyên Chia-cu Tây lại có thái độ thù địch? Nó nhìn 7 đứa trẻ Ama Thượng đã cùng nó sớm tối có nhau, lại nghĩ đến Cang-rư-sân-cơ đang chạy nhảy trong gió tuyết. Hình như nó đã hiểu ra. Nó không vẫy đuôi nữa. Như thong báo điều gì đó, nó “gâu” 1 tiếng về hướng bên ngoài động Mật Linh, rồi lại hướng về Tạng y Tô-y-thê khẽ “gâu” 1 tiếng nữa. Tạng y đang xếp bằng ngồi thiền, nhưng vẫn tóm chính xác tai Ngao đen Na-rư, điều này chứng tỏ tuy Tạng y mắt vẫn nhắm nghiền, nhưng kỳ thực cái gì cũng biết. Na-rư liền kéo Tạng y về phía cửa hang. Tô-y-thê đứng dậy nói: “Na-rư, con làm gì vậy? Ta đã nói rồi, mắt con chưa lành hẳn, không thể để gió thổi, nắng hắt vào.” Na-rư dùng tiếng sủa ngắt lời Tô-y-thê, cố giằng để chạy ra ngoài hang. Tô-y-thê vội chạy theo. Na-rư đứng ở cửa hang, hướng về thung lũng sủa mãi. Tiếng sủa không lớn, nhưng nghe có vẻ nôn nóng lắm, sự nôn nóng không phải phẫn nộ, cũng không phải hân hoan. Tô-y-thê nghĩ chắc Na-rư đã phát hiện ra điều gì rồi. Nếu là kẻ địch, nó sẽ vồ cắn, nếu là bạn đến thì sẽ vồ vập vui mừng. Cái mà khiến Na-rư chỉ sủa mà không cắn, cũng không vồ vập là gì nhỉ? Tô-y-thê trèo lên 1 gò tuyết nhìn ra xa rồi quay lại nói với Na-rư: “Có gì đâu, Na-rư?” Nhưng tiếng sủa của Na-rư vẫn tỏ ra bồn chồn lo lắng. Tạng y lại trèo lên 1 cái gò tuyết cao hơn. Trong ánh sáng phản chiếu chói mắt của tuyết, Tô-y-thê ngheo mắt nhìn kỹ, phát hiện dưới thung lũng Mật Linh phủ tuyết trắng xóa có 1 dãy chấm đen di động. Thoáng nhìn thì tưởng thú rừng, nhìn kỹ ông nhận ra là người cưỡi ngựa. Tô-y-thê quay về hang, nói với Na-rư: “Về đi, về đi. Mắt trái của con gặp gió là chảy nước mắt, làm sao vết thương lành được.” Ngao đen Na-rư thấy nét mặt Tạng y chẳng căng thẳng tí nào, nó không sủa nữa, lại vẫy đuôi theo ông về hang. Thực ra trong lòng Tô-y-thê như có lửa đốt. Cuối cùng Tô-y-thê ra 1 quyết định vượt quá bổn phận của mình, nói với 7 đứa trẻ Ama Thượng: “Các cháu yên lặng nào, không chơi nữa, ra cả đây nghe ta nói.” 7 đứa trẻ vây quanh ông. Tô-y-thê nói: “Các cháu mau đi đi, mau rời khỏi đây, rời khỏi thảo nguyên Chia-cu Tây. Hãy về thảo nguyên Ama Thượng của các cháu đi. Có người đến bắt các cháu rồi.” 7 đứa trẻ đồng loạt lắc đầu. Thằng bé mặt sẹo nói: “Rời khỏi thì rời khỏi thôi, người của thảo nguyên Chia-cu Tây đòi chặt tay chúng cháu mà. Nhưng chúng cháu nhất quyết không về thảo nguyên Ama Thượng đâu. Kiếp này, kiếp sau, kiếp sau nữa, mãi mãi cũng không về nơi đó.” Tô-y-thê hỏi: “Tại sao? Thảo nguyên Ama Thượng là quê hương của các cháu kia mà? Sao lại không về?” Thắng bé mặt sẹo nói: “Thảo nguyên Ama Thượng có nhiều quỷ đầu lâu, nhiều ma ăn tim người, nhiều gái cướp hồn. Chúng cháu không về đâu, chúng cháu đến Cang-ching-chuô-chi.” Tạng y Tô-y-thê biết “Cang-ching-chuô-chi” người Hán gọi là “núi tuyết Hải Sinh” hoặc “Vô lượng sơn”, ông hỏi bọn trẻ: “Cang-ching-chuô-chi” ở đâu?” Thằng bé mặt sẹo lắc đầu. Thằng bé đầu to nói: “Ở trên biển.” Thằng bé mặt sẹo nói theo: “Đúng ạ, ở trên biển.” Tô-y-thê lại hỏi: “Biển ở đâu?” Mặt sẹo lại nhìn đầu to nói: “Ở đằng sau núi tuyết.” Tô-y-thê nói: “Đằng sau núi tuyết vẫn là núi tuyết thôi. Ta bảo cho các cháu biết, biển chỉ có ở những nơi không có núi, nơi địa hình thấp. Thôi các cháu mau đi đi, có người đến bắt các cháu rồi.” Tạng y Tô-y-thê đẩy 7 đứa trẻ ra đến ngoài cửa hang. Thằng bé mặt sẹo nhìn quanh rồi gọi: “Cang-rư-sân-cơ! Cang-rư-sân-cơ!” Lúc này Na-rư khẽ sủa. Người và chó cùng lúc nhìn thấy đoàn kỵ sĩ như đàn kiến đang ở dưới thung lũng. Họ đang đến gần, nhưng hình như vẫn chưa phát hiện ra. 7 đứa trẻ Ama Thượng trở nên căng thẳng. Tô-y-thê nói: “Cái con Cang-rư-sân-cơ này, đi đâu chứ? Thôi các cháu đi trước đi, không đợi được nữa. Mau đi đi.” Nói xong Tạng y Tô-y-thê chỉ về phía sau động Mật Linh. Sau động Mật Linh là 1 cái dốc bằng đá. Tuy hơi dốc nhưng vẫn có thể trèo lên được. 7 đứa trẻ bò lên. Dốc băng cứng không để lại dấu chân. Tạng y Tô-y-thê thấy thằng bé mặt sẹo và đầu to vừa đi vừa quay đầu lại tìm Cang-rư-sân-cơ thì lấy tay ra hiệu: “Mau đi đi, đi thật xa vào, càng xa càng tốt, đừng bao giờ về đây nữa.” Na-rư nhìn bọn trẻ vẫy đuôi. Tạng y Tô-y-thê cúi xuống vỗ vỗ Na-rư nói: “Mau, chúng ta cũng phải trốn thôi.” 1 người 1 chó đi vào trong hang. Lúc này những tiếng kêu từ dưới thung lũng vọng lên. Các kỵ sĩ đã nhìn thấy họ rồi. Tiếng kêu hú của kỵ sĩ hệt như chó chăn cừu phát hiện ra sói và sủa vang lên.